Monday 25 October 2010

“Anh mơ, khi ánh trăng êm đềm trong sáng”

Bên em khẽ rung cung đàn yêu mơ màng Say sưa tiếng em ngân hòa tiếng tơ vàng Tình duyên đôi ta sẽ hòa,

sẽ hòa như muôn tiếng hát với cung đàn.”

(Văn Phụng – Tiếng Hát Với Cung Đàn)

(Mt 22: 32)

Hát với cung với đàn gì, thì cứ hát. Tiếng hát ấy, cũng nhào quyện vào chốn không gian, nghe vẫn thích. Nói theo giọng/theo tiếng gì, thì cứ nói. Tiếng/giọng tiếng ấy, vẫn êm đềm trộn lẫn với thời gian, thấy nhớ hoài.

Nói và hát, ở trời Tây, bên này, là hát và nói những lời, nghe cũng khó. Khó đây, chẳng vì hỏi: tiếng giọng của mình có hoà nhập cùng giòng chảy văn hoá khác biệt, hay không? Khó đó, cũng nào do mình luôn thấy đối chọi/hụt hẫng với tiếng giọng, rày biến đổi! Khó, còn ở chỗ: ta cứ phải hoà mình/hội nhập cùng một lúc với hai luồng văn hoá/văn minh, rất lình xình. Thực tế. Khúc mắc.

Nói thực tế, thì vừa qua bần đạo có dịp lên xe đến trung tâm thương mại sầm uất nhất nhì miền Tây Nam Sydney, để thăm thú. Đây là huyện có số người sắc tộc tập trung nhiều hơn cả dân bản xứ rất Úc mình. Tiếng là thế, mà sao bần đạo vẫn bắt gặp rải rác ở đây đó, dăm người Úc/người Tây cứ là lăng xăng/hăng say đến với bần đạo, để trao tận tay mỗi tờ rơi, viết rất ít.

Tờ rơi, bần đạo nhận tận tay, hôm ấy, vỏn vẹn chỉ mỗi truyện kể, đọc rất dễ như sau:

“Hôm ấy, nhà buôn giàu có người I-rắc sai gia nhân đi đến phố chợ mua cho ông một số đồ dùng để xài. Ít hôm sau, người chủ biết là đầy tớ mình đã đi rất nhanh. Về rất sớm. Mà, chẳng làm được gì nên chuyện. Gặp lại chủ, người đầy tớ biết đã có chuyện, bèn thân thưa:

-Con tới phố chợ như thày dặn. Nhưng ngặt một nỗi, là vừa vào cửa đã thấy có người theo dõi dữ quá chân bước không rời. Nhìn kỹ, hoá ra người đó là Thần Chết cứ đeo đuổi, ruổi theo con. Hôm nay, con về đây là để xin ngài cho con mượn đỡ con ngựa mạnh hầu nhanh chân mà thoát thân, khỏi lưỡi hái của Thần Chết, vẫn chực chờ. Con chỉ đi Samarra ít ngày cho qua mắt Tử Thần, rồi về ngay.

Nhà buôn đồng ý. Và người đầy tớ đã ra đi. Phút chốc, người chủ chợt nhớ ra là mình vẫn cần đến món đồ định mua về để sử dụng trong nhà, bèn đích thân ra đi đến phố chợ ở Bát-đa, mà sắm lấy. Vừa tới nơi, lại cũng thấy Thần Chết đứng chực ở đó, giữa đám đông. Như rình mò, người nào đó. Lấy lại bình tĩnh, người chủ bèn đến gần Thần Chết hỏi cho ra chuyện liên can đến người đầy tớ của ông. Thần Chết phân bua:

-Chả là, hôm ấy ta thấy hắn chợt đến đó, thay vì hắn phải đi Samarra để gặp ta, như đã hẹn.”

Thời buổi này mà bạn đạo mình còn nghe kể về Thần Chết với tớ thày/thày tớ, cũng khá lạ. Thế nhưng, người viết truyện kể chỉ muốn nhắc người đọc nhớ một điều, là: tất cả, bạn và tôi, rồi ra ta cũng không thoát khỏi cuộc hẹn với Thần Chết, lúc nào đó, khó biết trước.

Nhưng ở đây, vấn đề là: ta có gặp hay không gặp vị Thần Chết tiệt ấy hay không, mà là trong suốt cuộc sống ở đời, mình vẫn nên hỏi và nên nhớ. Nhớ và hỏi xem có bao giờ mình gặp gỡ Đức Chúa của sự sống và sự sống lại, như lời Ngài:

“Người phán:

Ta là Thiên Chúa của Áp-ra-ham,

Thiên Chúa của I-xa-ác

và Thiên Chúa của Gia-cóp.

Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết,

nhưng là của kẻ sống."

(Mt 22: 32)

Về những nhung nhớ về sự sống, rất sống lại, nghệ sĩ cũng có nỗi niềm nhớ nhung, như sau:

“Đêm nay khi ánh trăng êm đềm trong sáng

Ngân nga tiếng tơ gieo sầu nhớ chan hòa

Xa xa bóng đôi chim nhẹ xóa trăng ngà

Buồn nhìn đôi chim nhớ người,

nhớ người tình mơ bóng dáng vẫn xa mờ.”

(Văn Phụng – bđd)

Với nghệ sĩ, dù có là ánh trăng êm đềm. Trong sáng. Hay chỉ là, tiếng ngâm nga. Gieo sầu. Hoặc, “bóng đôi chim nhẹ xoá trăng ngà”, vẫn cứ nhớ. Nhớ người tình. Rất “tình mơ”. “Bóng xa mờ”. Nhớ, còn là nhớ về đề tài khá nóng bỏng, còn dang dở. Ở trời Tây. Tức, những chuyện lan man rất liên can đến mỗi người, và mọi người.

Nhớ “ánh trăng êm đềm”, còn là nhớ ý tưởng và lời bàn của vị giáo sư thỉnh giảng Stephen J Henney phát biểu ở Đại học Thánh Tôma, St Paul bang Minnesota Hoa kỳ, về “Tình yêu và Hôn Nhân, Bây Giờ và Mãi Mãi Vẫn Là Một, Chẳng Tách Rời”, như sau:

“Abraham Lincoln có lần từng hỏi: chó có mấy chân? Nếu nhìn đuôi của nó, rồi gọi đó là chân, như thế ta sẽ thấy chó có 5 chân? Hỏi xong, ông tự trả lời: dù ta có coi đuôi của chó là cái chân kèm thêm đi chăng nữa, cũng chẳng thể nào tạo cho nó có thêm chân. Thật sự mà nói, phần dính liền vào với thân của chó, bao giờ cũng có xương có thịt, hẳn hòi. Đuôi chó, vẫn là cái gì đó dính vào thân, theo hình thù/góc độ, rất khác nhau. Dù đuôi của chó có cụp xuống, thì người người cũng khó nhận ra đâu là khác biệt.

Dùng ví dụ của chó, để định nghĩa sự vật, cũng tuỳ đặc tính cốt lõi của vật thể ấy. Nói như thế, cũng giống như kiểu mọi người vẫn thường định nghĩa về binh sĩ, là người mặc đồng phục, vai mang súng ống, rất tự tin. Hoặc, nói: sân banh, là mặt bằng rất rộng, có thể chứa đựng hàng hàng lớp lớp những ghế để ngồi. Để xem. Cả hai định nghĩa trên, đều rất đúng. Nhưng, vẫn không lột tả được hết chuyện mình muốn nói.

Thật ra thì, xương thịt ở chân chó, vẫn khác với thịt xương ở đuôi nó. Chân, là phần hỗ trợ giúp cho chó có thể chạy/nhảy. Không cần biết, là khi chạy nhảy như thế, nó có ngoắc đuôi không. Hoặc nó ngoắc mạnh thế nào đi nữa, đuôi chó vẫn không thể giúp nó chuyển động, chạy đây chạy đó, được. Nên, vấn đề không phải là hỏi rằng: chân chó có thịt hay không, mà là chân nó được sắp xếp cách nào? Sao lại thế? Và, chắc chắn một điều: đuôi không phải và không thể là chân, vì dù nó có cố gắng cách mấy đi nữa, vẫn không thể làm công việc của chân, được.

Có người lại chống chế: chân chó tuy có nhiều, nhưng không giúp nó chuyển động đó đây, vì bị gãy. Hoặc, thịt da rã rời, què cụt vì tai nạn xe cộ, chẳng hạn. Trường hợp đó, chân chó dù không còn giúp chức năng chảy nhảy nữa. Dù thương tật, vẫn cứ là chân. Tật nguyền, vẫn đổi thay sự vật, dù chỉ là chân chó. Nói cách khác, chân vẫn là chân, dù nó có què có quặt, hoặc lê lết. Đuôi vẫn thực hoàn đuôi, dù mềm cứng, ngoắc ngư mạnh/nhẹ. Bản chất hai sự vật, vẫn khác biệt.

Cũng thế, dù nhiều người có yêu cầu thông qua đạo luật thiết lập hôn nhân cho người đồng phái tính, cũng sẽ kéo theo định nghĩa méo mó, như ở trên. Ngày nay, người ta chú trọng nhiều đến đặc điểm của hôn nhân, như: 1) Phải có hai người dính phần. 2) Hai người đều thương yêu nhau. 3) Cả hai đều thèm muốn thực hiện chuyện ăn nằm xác thịt với nhau. 4) Cả hai đồng ý phối hợp đời mình với dục tình. Vật chất. Lẫn kinh tế. 5) Cả hai có sự hỗ trợ và thôi thúc của cộng đồng mình sống. Xem như thế, các cặp nào có chung một giới tính, lại hội đủ 4 yếu tố ở trên, mà tại sao xã hội vẫn bác bỏ mọi hỗ trợ, ghi ở điểm 5?

Thật ra cũng dễ hiểu lý do tại sao vấn đề này lại nên trầm trọng, không chỉ với các cặp đồng tính luyến ái thôi, mà với cả triệu người khác vẫn mong muốn được cộng đồng hỗ trợ cho quan hệ đồng tính mình vẫn có, với nhau. Nếu tiêu chuẩn ở trên, nói chung –và riêng với xã hội trời Tây hiện vẫn coi hôn nhân như một cái gì còn hơn thế nữa- nên mới từ chối không chấp nhận ủng hộ cho quan hệ đồng tính được thiết lập hôn phối như một bất công thật khó chịu.

Điển hình là, trên thực tế hôn nhân vẫn mang nặng những đặc trưng như thế. Và câu hỏi đặt ra, là: tại sao hôn nhân lại có các đặc trưng ấy? Vẫn biết rằng, ta còn nhớ cung cách quan trọng trong quan hệ cốt yếu để gọi được là hôn nhân. Và, ta vẫn nhớ: quan hệ vợ chồng luôn khác với các quan hệ khác, cũng rất nhiều.

Trước nhất, con người bao giờ cũng thao thức rất mạnh về việc dấn thân vào quan hệ tình dục, rất ăn nằm.

Thứ hai, chuyện nam nữ có quan hệ tình dục vẫn là quan hệ bình thường và thông thường. Quan hệ ấy, phải dẫn đến kết quả là: có con. Quan hệ có nam có nữ mới là phần “ắt và đủ” hầu kích tác hệ thống sinh sản, rất vẹn toàn. Thiếu một bên, không thể có sản sinh. Bởi nếu không, thì mọi người sẽ tự hỏi: bộ phận sinh dục được Tạo Hoá dựng nên để làm chi? Tại sao, người nam và nữ cứ bị thôi thúc trao thân, vẫn thèm khát dục tình?

Thứ ba, là: việc nuôi dạy con cái là trách nhiệm cả một đời. Là thành phần xã hội, con người vẫn nối kết với nhau từ thế hệ này đến thế hệ khác. Cả người lớn rất đùm đề, cho chí con cái vẫn cần bậc ông bà, thế hệ trước dẫn dắt. Với những người tham gia tiến trình này, đều thấy có được lòng yêu thương trìu mến, đến với nhau. Từ đó, mới có thể thiết lập những tình tự hiến cho nhau, trọn người mình. Diễn tả bằng hành động theo cách thương yêu, có chất người.

Thứ tư, là do quyết định sẽ có con đàn cháu đống, thì sự trao ban cho nhau thân xác đầy dục tình mới tạo kết quả tốt đẹp cho người đời. Điều này có nghĩa, như ta nghĩ, đây không chỉ là hành vi có tính tư riêng, thầm kín. Bởi, nó dính dự nhiều đến cả cộng đồng. Nó cũng làm một việc mang tính cộng đồng. Cho cộng đồng. Thế nên, cộng đồng hỗ trợ và sắp đặt tình tiết có ý nghĩa dục tình. Thành thử, ai không thực hiện đủ ý nghĩa trọn vẹn nơi hành vi giao hoan dục tình của con người, thì cộng đồng sẽ không hỗ trợ cho động tác ấy. Coi đó là hành vi không thích hợp với con người.

Để diễn tả sự hỗ trợ cho hành vi trao thân mang ý nghĩa đúng đắn và trọn vẹn, cộng đồng đề ra một định chế về hôn nhân. Bằng vào hôn nhân, mọi cặp phối ngẫu đều tuyên hứa trước mặt cộng đồng rằng mình quyết sống đời thuỷ chung trường kỳ khiến kết hợp thân xác với cuộc đời của hai người để thực thi ý nghĩa trọn vẹn quyết tâm ấy. Liền khi đó, cộng đồng hứa sẽ hợp tác với cặp phối ngẫu dành sự riêng tư/mật thiết để cho cặp ấy thực hiện động tác giao thoa tình dục chăm sóc cho nhau. Sau đó, cộng đồng còn hứa hỗ trợ cho gia đình của đôi tình nhân bằng những phương tiện bảo trì/gìn giữ phúc lợi cách thoả đáng. Cũng có thể, là các cặp phối ngẫu không thực hiện cùng một cung cách, nhưng vẫn nhận được phúc lợi từ nhiều mặt, vì nhiều lý do. Nhưng, đây là lý do khiến đem lại những lợi ích phong phú và cốt thiết cho hôn nhân: là để giúp cho hôn nhân được nở rộ. Có nhiều lợi ích rất chính đáng.

Động tác giao hoan tình dục nào không dẫn đến kết quả sinh con đẻ cái một cách tự nhiên, thì thông thường, khó mà giải thích được tại sao nó lại cứ thế mà tồn tại. Bằng không, người người sẽ cứ tin vào thuyết tiến hoá mang tính vật chất. Hoặc giả, ta có tin vào Đấng Tạo thành trời đất rất yêu thương, cũng chẳng để làm gì. Động tác giao hoan tình dục nào không dẫn đến kết quả sinh con đẻ cái, thì cũng khó mà giải thích cách thức hôn nhân xuất hiện ở đời người. Bởi có làm thế, cũng chẳng để làm gì. Nào ích lợi chi.

Có thể ngay từ đầu, tôn giáo đã chúc lành cho hôn nhân, nhưng đâu phải tôn giáo tạo ra nó. Bởi lẽ, việc như thế có liên quan đến thực tại của con người, rất sâu sắc. Rất hệ trọng. Thế nên, chẳng ai lấy làm lạ khi thấy động tác giao hoan dục tình và hôn nhân đều mang ý nghĩa tôn giáo. Thế nên, dục tình và hôn nhân sẽ còn hiện hữu bao lâu mà cộng đồng nhân loại còn tồn tại.

Nếu chấp nhận định nghĩa sai lạc về hôn nhân, mà lại dùng đặc trưng không cần thiết để tạo cho trọn kịch bản, thì khó có thể bài bác bất cứ hôn nhân giữa người đồng tính, được.

Và nói cho cùng, cũng không thể nào chấp nhận những chuyện như thế được. Dù mặt ngoài trông nó giống hệt như mọi cuộc hôn nhân rất đúng nghĩa, hôn nhân giữa người đồng tính luyến ái, không thể năng-hoạt như hôn nhân tự nhiên được.

Ngày nay, hôn nhân đổ vỡ, gia đình nát tan, xã hội khập khiễng, nguyên do từ đâu? Ta không sống cho sự thật. Ta chấp nhận định nghĩa méo mó về hôn nhân. Ta vẫn cứ ngầm chấp thuận bất cứ hoạt động nào sắp đặt cho một giao hoan tình dục này khác. Ta lại còn vinh danh mọi khát vọng ăn nằm, đối xử với con trẻ như đồ vật hoặc như phương tiện để thoả mãn dục vọng. Noi chung, các nghiên cứu khảo sát cho thấy: việc nuôi dạy con cái theo hình thức trong môi trường nào khác hẳn lối nuôi dạy có cha có mẹ đàng hoàng theo mặt tự nhiên, là việc nuôi dạy gây nguy hại. Đôi khi nguy hại ấy khó tránh, nhất thứ là khi người cha hoặc mẹ chết đi, để rồi người còn sống không tìm gì có thể thay thế cho tình thương yêu vẫn có ấy. Quả là, không thể nói được rằng chuyện không thể có thể lại là chuyện đã xảy ra trên trần thế.

Chúng ta cần sự thật. Cần được chữa lành chân tay bị tật. Còn lại, việc có gọi đuôi con chó là chân đi chăng nữa, cũng chỉ làm cho vấn đề trở nên rối tinh. Lỉnh kỉnh. Khó hiện thực.

Hôn nhân tự nhiên. Giao hoan dục tình theo cung cách “an nhiên tự tại” của con người bình thường vẫn là sự thật ở đời. Sự thật của cuộc đời. Có sống thực như con người đích thực, mới là sống đúng chức năng của con người. Dù, có sống mười năm. Trăm năm hay ngàn năm văn vật đi nữa, vẫn là sống/là chết như người bình thường. Rất tự nhiên như cỏ cây. Nhưng thực tế, lại có những sự sống rất không thực, dù ngàn năm. Ở đâu đó. Chốn thân quen. Lạ lùng. Hay, đất khách.

Như chuyện sống chuyện chết ngàn năm của con người. Muông thú. Ở thị thành, rành rành một truyện kể. Và, cũng là chuyện thực, cả ngàn năm. Như chuyện mới đây người ta, tức người và ta, ở quê nhà, cũng đã vui/đã mừng ngàn năm văn vật, chốn Thăng Long. Linh đình. Rộn rã. Mừng vui. Tuy thế, để gọi là mừng sự sống ngàn năm cũng đã có nỗi buồn của sự chết. Dù chỉ là sự chết của dăm ba người ngoại quốc. Vì, bất cẩn, chạy tội hay thiêu hủy dấu tích.

Thế mới biết, trong niềm vui, cũng có nỗi buồn. Trong chuyện buồn, đều loé lên ánh sáng của niềm vui nào đó. Nếu như người ta, tức người và ta, đều nghĩ tới niềm vui. Rất miên trường. Vĩnh cửu. Chứ không chỉ một ngàn năm. Rất Thăng Long. Hay chuyện của mình đi nữa, vẫn là việc nên suy tư. Nghĩ lại.

Cuối cùng thì, có niềm vui nào như niềm vui của sự sống rất đồng thuận với lời thơ/ý nhạc mà người nghệ sĩ ở trên vẫn mời hát:

“Chim ơi cho ta nhờ

Đưa tin sang bến bờ sông vắng nên thơ

Em ơi anh mong chờ

Xuân sang không hững hờ tình duyên anh mơ.”

(Văn Phụng – bđd)

Nhờ đưa tin, có là chim muông, mãnh thú hay tiên thần, ta vẫn cứ nên nhớ lại Lời của Đức Chúa, khi Ngài nói:

“Ta là sự sống và sự sống lại,

Ai tin Ta sẽ chẳng bao giờ chết.”

(Yn 11:25)

Cuối cùng thì, tin hay không sức sống miên trường điều Chúa nói , hay cái chết ngàn năm của “thần rùa”, rất Thăng Long, cũng còn tùy. Tùy anh. Tùy chị. Ở Nước Trời. Cõi vĩnh hằng ở trần gian. Rất an và rất bình. Vẫn vui sống.

Trần Ngọc Mười Hai

vẫn suy nghĩ nhiều

về sự sống

rất ngàn năm

đâu cứ phải Thăng Long.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com )

No comments: