Saturday 16 October 2010

“Ôi biết đem tin này,”

vắng như lòng giấy,

tình yêu lấp đầy. Rồi biết quên câu cười, biết cho đôi dòng, lệ rơi.”

(Ngọc Chánh/Phạm Duy – Bao Giờ Biết Tương Tư)

(Stt 2: 16)

Nếu cứ hỏi: “Bao giờ biết tương tư”? Rồi lại nói: “Rộn rã buồn vui đợi em dưới mưa”, thì ôi thôi, những chữ là chữ! Nghe cứ như: “Ngày nào cho tôi biết, biết đem tin này”, đưa ngay vào giấy, rất dầy. Lành lạnh. Vắng tanh. Thì, “tình yêu lấp đầy” cho lắm thì người người cũng sẽ “quên câu cười.” Để, “dòng lệ rơi.” Mà thôi.

Bình và giải, những giòng chữ như trên, bần đạo chẳng muốn làm theo kiểu “giải mã” của Dan Brown trong “The Da Vinci Code”, rồi áp dụng vào kỹ nghệ “đem tin này”, thì chắc mọi người như bạn và tôi, ta sẽ thấy “đệ tứ quyền” nay rất linh tinh. Lình xình. Lúng túng.

Còn lúng túng hơn, là khi nhà thơ/văn và cụ già viết nhạc họ Phạm lại quả quyết:

“Ngày nào lòng tôi đã

biết vui biết buồn, ôm mối tương tư.

Ngày nào cánh Thiên Đường

đã mở hé tình yêu là trái táo thơm.”

(Ngọc Chánh/Phạm Duy – Bđd)

Ôi! Lại, những chữ và chữ, của người đời! Bởi, khi “Tình Yêu đã trở lại” rồi, sao ta cứ phải “ôm mối tương tư”? Khi “Cánh Thiên Đường đã mở hé” rồi, sao vẫn còn “Tình Yêu là trái táo”, rất thơm? Táo thơm Thiên Đường, người người nghe/biết, vẫn thơm phức tình yêu, như Kinh Sách Cựu Ước, từng dặn trước:

“Hết mọi trái cây trong vườn,

ngươi cứ ăn;

nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác,

thì không được.”

(Stt 2: 16)

“Táo Thiên đường”, có là táo thơm “con người” từng ăn không? Sao anh vẫn kể. Để, lại hát:

“Tôi ghé răng cắn vào,

miệng môi ngọt đắng,

tình yêu cuối đường.

Là, trối trăn cuối cùng,

giấc mơ não nùng,

vợi tan...”

(Ngọc Chánh/Phạm Duy – Bđd)

Giấc mơ não nùng”, có là giấc mơ về truyền thông, vi tính? Đã, “đem tin này”/tin nọ, cho mọi người? Những tin và tức, mà truyền thông đem đến, có là Tình Yêu, không? Hoặc, chỉ là “táo Thiên Đường”, rất thơm. Rất vấn vương. “Tương Tư”, như sinh hoạt của người đời trong cuộc sống, rất truyền thông?

“Giấc mơ não nùng”, có là giấc mơ của Adong/Evà, tức đấng bậc đầu đời chỉ muốn biết đến “điều thiện/điều ác”, để cứ ăn? Ăn táo. Ăn “táo Thiên Đường”. Rồi, “tương tư”. Lừ đừ. Đầy sự thể, như câu hát:

“Ngày nào biết mong chờ,

biết rộn rã

đợi em dưới mưa…”

(Ngọc Chánh/Phạm Duy – Bđd)

À thì ra. “Giấc mơ não nùng” thời trước, đâu phải để “tương tư”. Mà để, lời “Trối trăn cuối cùng”, “tình yêu cuối đường”, có, “miệng môi ngọt đắng”. Có, lệ rơi. Phơi bầy, những “yêu không lời”, vv và vv…

“Giấc mơ não nùng”, nay có là: giấc mộng ”đem tin này”. Chờ mong/mong chờ, tình yêu đến lấp đầy? Đó, mới là vấn đề. Vấn đề của đệ tứ quyền, mà Hội thánh đã và đang rà xét lại, hầu chỉnh đốn những xốn xang. Cho đàng hoàng.

Truyền thông đại chúng, là truyền và thông nhiều mối lo như truyện kể, ở bên dưới:

“Mai Công Trình đang ngồi chơi, nơi quầy rượu, lòng buồn rười rượi. Chẳng nhếch mép. Nói năng. Thấy thế, bạn bè liền lân la đến gần, rồi gạn hỏi những câu gay go. Rất đáng lo, rằng:

-Này, đằng ấy bị bò đá hay sao mà mặt mày bí xị, thế?

-Chẳng đá với đấm gì cả. Tớ đang có vấn đề với mấy cái “truyền mà không thông”!

-Này, cậu nói giỡn hay nói chơi vậy? Tớ hỏi thiệt.

-Chẵng giỡn cũng chẳng chơi, tớ đây chỉ lo mỗi vụ “truyền thông” mà không thông, thôi.

-Cái gì? Truyền thông mà không thông, là cái quái gì vậy?

-Là, vợ chồng tớ cứ hẹn là sẽ chỉ truyền và thông với nhau, sau một tháng. Nghĩa là, bà xã chỉ nói chuyện, nếu tớ biết cải tà qui chánh, dứt bỏ cái mục rượu chè be bét, thôi.

-Đúng rồi, chứ còn gì! Hũ chìm hũ nổi như cậu, ai mà chịu. Thế, đả thông được tí nào chưa, thưa cụ?

-Đó mới là vấn đề. Và, hôm nay đã đúng một tháng, vẫn không có lệnh truyền và cũng chẳng cảm thông, gì hết. Kể từ mai, em sẽ lại bắt đầu mở đài, thế có chết cái lỗ tai của tớ để nhận những truyền mà không thông, đấy cậu!

À thì ra. Cái-gọi-là “truyền mà không thông”, đích thị như thế. À ra vậy. Cứ bảo rằng: truyền thông đại chúng, mà không thông không truyền cho chúng đại, là thế vậy. Truyền thông, dù chưa thông mà vẫn truyền, vẫn là chuyện của thời đại. Vẫn muôn thuở. Cần xét lại. Cho thông suốt. Cả ở nhà Đạo. Mới đúng.

Nhà Đạo, nay đã khôn. Nên, cũng lại bàn về truyền thông đại chúng, cho dân chúng. Những tháng ngày vừa qua, nhiều cơ quan chức năng trong/ngoài Đạo, đã có nhiều bản văn bàn về truyền thông đại chúng, theo phép Đạo. Tức, đã thông báo rõ để dân con nhà Đạo không còn lúng túng, như bao giờ.

Ở Úc, thế quyền và thần quyền đã và đang hợp tác chặt chẽ với nhau, hầu thiết lập hệ thống giúp con em đi Đạo, sống đời ăn khớp với thời đại, hơn. Giáo dục về Đạo lý, nay đang là chủ đề cốt yếu, để giúp học sinh các trường Công giáo như ở Sydney biết đề cao cảnh giác, về nhiều thứ. Các hiệu trưởng và thầy cô, thuộc Tổng giáo phận, đang phối hợp hoạt động nhằm đưa ra một giáo trình có sự tiếp giúp của ngành truyền thông đại chúng, ngõ hầu đem niềm tin Kitô-giáo về với kinh nghiệm sống, của các em.

Mục tiêu quý vị nhắm đến, là làm sao phối hợp các lớp giảng dạy về niềm tin Đạo Chúa song hành với các lớp Kỹ Thuật Thông Tin Phần Mềm, để biến nó thành cái mà các vị gọi là Kỹ Thuật Công Giáo, độc đáo. Một trong các chủ trương của dự án, là: giúp các em tạo được điều mà họ gọi là “Ảnh hình về Đức Giêsu”, tức thành lập đội ngũ chuyên chú vào việc tạo nên chân dung Đức Kitô trong lịch sử. Tạo, bằng cách sử dụng phần mềm Photoshop, để từ đó khuyến khích các em đem sáng kiến của mình đến cho chuyên gia xem xét. Và nếu được, tham dự giải Blake Prize chuyên về nghệ thuật Đạo Chúa. Đây là công trình được các sư huynh Dòng Marist Brothers thực hiện vào cuối năm 2010.

Ngoài ra, cũng có nhiều dự án khác nhằm tạo cho học sinh biết sinh hoạt/học hỏi theo tinh thần đồng đội. Có kỹ năng tổ chức, thật qui củ. Biết và hiểu thế nào là truyền thông đại chúng ngang qua chữ viết cũng như lời nói. Tóm lại, tất cả nhằm giúp thế hệ trẻ sử dụng phương tiện truyền thông hiện đại, để nói về Chúa, theo kiểu mới. Có thế, mới khuyến khích các em học hỏi và sống niềm tin, cho sống động. Hợp thời.

Chắc hẳn là nghệ sĩ nhà ta lâu nay cũng quan tâm đến chuyện ấy, nên mới hát:

“Tình yêu đã trở lại,

đôi mắt đêm ngày,

vơi hết đọa đầy.

Tà áo em phơi bầy,

ngón tay em dài,

tiếng yêu không lời.”

(Ngọc Chánh/Phạm Duy – Bđd)

Với người trẻ, ta nói: “Tình yêu đã trở lại” là nói: “Ngón tay em dài”,tiếng yêu không lời”, có dùng “phần mềm” hay chữ viết, cũng nên dùng để nói về Chúa. Về, niềm tin đi Đạo và nhà Đạo.

Có thể, một số cụ cao niên như bần đạo, sẽ bắt chước các nhà “đạo mạo” nọ không đồng ý với đổi thay. Có thể, nhiều vị vẫn nuối tiếc thời vàng son, khi trước. Thời, mà các cụ chỉ muốn đốn củi bằng giáo mác, dao rựa, với cưa kéo. Giặt, thì các cụ cũng chỉ muốn giũ muốn giặt bằng tay, chẳng dùng máy. Cũng có thể, các đấng bậc nhà mình vẫn còn nghi và cứ kỵ hiệu quả của cái-gọi-là “Kỹ thuật cao”, nhiều thông số. Hoặc, vẫn lo cho hậu quả của các thứ mà các cụ cứ gọi là “lợi bất cập hại”. Bởi, như có cụ thường nói: kỹ thuật hiện đại dù cao, vẫn là con dao hai lưỡi, dễ cắt. Dễ xẻo. Nhưng, cũng dễ xẻo/cắt da thịt người sử dụng, như chơi.

Hội thánh Chúa, cũng rất cởi mở với nhiều loại truyền thông. Ngay từ đầu, Hội thánh tiên khởi cũng đã biết dùng mọi phương tiện sẵn có để truyền đạt Lời Chúa. Cũng biết tìm lời lẽ và cử chỉ thích hợp hầu nối kết mọi người với Thiên Chúa. Giáo Hội của Chúa, là chốn thánh thiêng, trong đó ta được phép tiếp cận Chúa. Tiếp cận và thông đạt với những người anh/người chị, là con cái Chúa. Hội thánh, cũng đã tìm ra cung cách thích hợp để truyền đạt cho nhau, với nhau. Cùng nhau tay nắm tay, ta ra đi mà đến với Chúa. Thế nên, chuyển đạt Lời Chúa đến với mọi người trong/ngoài Hội thánh, là phương tiện truyền thông, rất cần thiết. Ở mọi thời.

Nhờ có truyền và thông như thế, Tin Mừng mới đến được dân con của Chúa, tận hang cùng ngõ hẻm. Vùng sâu/vùng xa, hiểm trở. Nhờ có truyền thông tân kỳ, mà dân con Đức Chúa, mới hiệp thông. Đả thông. Và thông đạt cho nhau ơn lành Chúa ban. Chẳng thế mà, nhờ cách mạng ngành in, kỹ thuật truyền thông cũng đã đổi thay, ngay tận gốc. Đổi thay, với phương tiện tân kỳ. Như: truyền hình. Vi tính. Di động.

Và, còn đó rất nhiều thử thách. Còn đó, những yêu cầu dùng tài năng trí tuệ để phát triển, hầu góp phần tạo niềm vui sống, rất hạnh phúc. Tuy nhiên, kỹ thuật được lập ra, không phải để hành hạ con người. Cũng chẳng để giết hại hàng loạt người dân vô tội, ở đâu đó. Kỹ thuật, dù có tân kỳ/độc đáo, cũng nên được phát triển và đưa vào sử dụng cho khôn khéo, kẻo gây hại. Nghĩa là, kỹ thuật cũng giúp ích con người, nhưng có thể, cũng tạo nguy hại tùy người sử dụng. Chính vì thế, ta cũng nên tìm hiểu xem kỹ thuật mình sử dụng, có giúp đào sâu tương quan với người khác? Hay, chỉ khiến mình ngày càng xa cách mọi người. Xa cả Chúa?

Ngày nay, kỹ thuật tân kỳ là thách thức lớn đối với Hội thánh. Thách thức, ở chỗ: nó có thể giúp ta tôn trọng Tin Mừng, mà Hội thánh muốn truyền đạt cho dân con Đạo mình, hay không? Có, tôn trọng mục đích chuyển tải sứ điệp Chúa dạy, không? Cũng nên nhớ, truyền thông hôm nay, là truyền thông hai chiều. Tức, có tác dụng cả đôi bên. Cả cho người gửi lẫn người nhận. Để, đôi bên sở hữu được thông tin mình muốn truyền và thông. Chẳng thể truyền và thông những tin tức một chiều. Hoặc, khiếm khuyết.

Hội thánh cũng thế. Hội thánh vẫn muốn chuyển đạt thông điệp của Chúa và về Chúa, ngõ hầu dựng xây lòng tôn kính, giữa mọi người. Truyền và thông, là trao đổi cho nhau và với nhau. Trao và đổi, trong tự do. Hiểu biết. Trao và đổi, trong tôn kính hỗ tương. Có thế, Hội thánh mới trở nên hấp dẫn hơn. Mới giúp mọi người về với Lời Chúa, rất Tin Mừng. Nhờ truyền thông đại chúng, Hội thánh cũng phải xét xem điều mình nói và nghe, có là nghe và nói, theo cung cách nào đó, rất thích hợp.

Tóm lại, cũng nên tự hỏi: điều là mình nói và nghe, là nói cho ai? Nghe ai? Nghe gì? Nói gì? Có đạt hiệu quả không? Tựu trung, Hội thánh và xã hội đời, vẫn cần tỉnh táo mà sử dụng các phương tiện mới cho hiệu quả, mỗi khi truyền và thông với mọi người. Đó, mới là thực chất của kỹ thuật. Đó, là sự thật, của truyền thông.

Để minh hoạ cho câu chuyện rất truyền và thông hôm nay, cũng nên kể cho nhau nghe đôi ba truyện kể để thư giãn. Cho thông suốt và truyền đạt với nhau, như sau:

“Hai bố con nhà nọ, quyết thực hiện một chuyến leo núi, tìm chuyện lạ. Để học hỏi. Cả hai đang đến gần triền núi, bỗng người con nhỏ trượt chân ngã, buột miệng la:

-Ôi cha!

Ngạc nhiên thấy ở xa có tiếng ai nhái lại “Ôi chao!”. Người con tò mò, bèn la tiếp:

-Ngươi là ai?

Lại có tiếng hỏi: ngươi là ai?”

Quá tức giận, em quát:

-Đồ đốn mạt!

Lại có tiếng nói theo: “Đồ đốn mạt”.

Quay về phía cha, người con hỏi:

-Như thế là thế nào, hả cha?

Người cha nhìn con mỉm cười, rồi nói:

-Con xem ba làm đây. Nói rồi ông la lớn:

-Anh hay quá xá!

Sau đó, hai cha con nghe có tiếng trả lời: “Anh hay quá xá!”. Ông bố lại la tiếp:

-Anh tuyệt vời quá!

Hai cha con lại cũng nghe tiếp câu trả lời hệt như thế: “Anh tuyệt vời quá!” Người con lấy làm lạ, chưa hiểu hết lý do câu đối đáp giống hệt như những gì bé nghe biết trong cuộc sống, có truyền thông đại chúng.

Thấy thế, người cha bèn giải thích:

-Không có gì ghê gớm lắm đâu con. Đó chỉ là âm vang của những gì con nói, từ cửa miệng. Âm vang ấy, được truyền qua không gian, chạm vách núi hay đâu đó, rồi dội lại. Cũng đơn giản như mọi thứ trong đời, đều có hiện tượng thông truyền và chuyển đạt. Truyền âm vang, tâm tưởng đến người khác. Đạt ý nguyện của mọi người. Nếu con nói lời không hay, hoặc tức tối, đời cũng sẽ truyền đạt cho người khác nghe điều xấu xa, hệt như thế. Đây là bài học để con nhớ: sống ở đời, mọi người đều nên thông truyền đạt đến cho nhau những lời nói hoặc hành vi tốt đẹp cả hai chiều, vì chúng luôn ảnh hưởng hỗ tương, lên nhau. Nếu lời con nói là những điều tục tĩu xấu xa, nó sẽ lan rộng khắp mọi nơi, mọi người đều nghe biết. Đó cũng là lý lẽ của những gì mà người ta gọi là truyền thông đại chúng, là như thế!

Đọc truyện kể, hẳn có bạn sẽ cho rằng người kể rút cốt truyện từ đâu đó, pha chế rồi dùng nó làm đề tài mục đích cho điều mình muốn kể, muốn nói. Cũng thế, truyền thông vi tính, ở thời này cũng cùng sự kiện và mục đích. Quyết, để người nghe/người đọc có những hiểu biết khác nhau. Sử dụng phương tiện truyền thông khác nhau, nhưng vẫn theo mục đích riêng tư, của mình. Bởi thế, vấn đề là: ta có nên dùng truyền thông/vi tính, vào mục đích tốt đẹp, như: truyền bá Lời Chúa. Để, mọi người nhận biết điều Chúa dạy? Câu trả lời xin dành cho bạn, cho tôi. Cho mọi người. Trong đời.

Để kết luận cho câu chuyện về truyền thông hôm nay, cũng nên tìm về Lời Chúa, mà suy tư. Nghiền ngẫm. Lời, tóm gọn trong thư thánh Phaolô tông đồ gửi đến giáo đoàn Côrinthô, như sau:

“Tôi được phép làm mọi sự,

nhưng không phải mọi sự đều có ích.

Tôi được phép làm mọi sự,

nhưng tôi sẽ không để sự gì

lạm phép trên tôi.”

(1C 6: 12-13)

Đồng ý là, Phaolô thánh nhân khi viết những điều kể trên, là đề cập chuyện sắc dục. Lòng người. Nhưng ở đây, hôm nay, ta cũng nên áp dụng lời của thánh nhân vào địa hạt truyền thông đại chúng, giống như thế. Truyền thông hôm nay, nguy hiểm hơn sắc dục/lòng người, rất nhiều. Nếu không ý tứ, có thể bạn cũng như tôi, ta sẽ bị giới truyền thông “lạm phép”, đối với mình. Bởi, như nghệ sĩ già nhà ta đã từng hát trong bài ca nêu trên, có đoạn kết:

“Tôi ghé răng cắn vào

Miệng môi ngọt đắng, tình yêu cuối đường

Là trối trăn cuối cùng,

Giấc mơ não nùng, vội tan…”

(Ngọc Chánh/Phạm Duy – Bđd)

Quả là thế, sử dụng truyền thông đại chúng mà không cẩn thận, cũng giống như “ghé răng cắn vào”, “tình yêu cuối đường”. Rồi cũng sẽ “trối trăn cuối cùng” “Giấc mơ não nùng”, cũng “vội tan”. Tan, như mộng ước rất đẹp. Khó hiện thực.

Trần Ngọc Mười Hai

vẫn khuyên mình

hãy lắng nghe Lời Chúa

hơn nghe lời của truyền thông,

không đại chúng.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com )

No comments: