Anh thấy hoa xuân rơi đầy, trước thềm
Bâng khuâng bước nhẹ êm
Sợ làm tan bao giấc mơ hoa, triền miên.”
(Hoàng Trọng – Đẹp Giấc Mơ Hoa)
(2Tm 3: 2-4)
Tôi có người yêu, giống hệt như tôi. Tôi có người yêu, rộn rã như tôi. Suốt một cuộc đời. Vẫn yêu nhiều. Yêu nhiều thứ. Chứ không chỉ, mỗi cái “tôi” của người-yêu-tôi. Hay, của chính tôi. Tính chất đẹp mà tôi nhận thấy, nơi người yêu tôi, là: “người” cũng yêu thơ. Yêu nhạc. Và yêu Chúa. Yêu cả Đức Chúa hiện diện ở thi ca/âm nhạc. Như tôi. Yêu rất nhiều. Nhưng thực hiện chẳng được bao nhiêu. Dù, thơ hay nhạc. Dù, chỉ yêu những người-thích-nhạc. Và thơ. Rất lơ mơ.
Yêu thơ và nhạc, là điều mà người-yêu-tôi, và tôi, vẫn cứ thích/cứ yêu các nhạc bản có nhịp Tango, tựa hồ như “Tango cho Em”. Cho anh. Tức, cũng trích thơ và nhạc có Tango xanh/đỏ, rất “Việt” mình, như câu “Hôm qua đến tìm em”, của Hoàng Trọng.
“Đến tìm em”, không chỉ tìm có mỗi em, người mà tôi yêu. Tìm, là tìm rất nhiều thứ. Nhiều, cả ở trong Đạo lẫn ngoài đời. Như chuyện đời. Nhiều, cả những chuyện có dáng dấp, rất Đạo. Cứ lạo xạo, như thấy “Hoa Xuân”, “ở trước thềm”. Hoa Xuân, nay còn đó vẫn chờ. Và đợi. Chờ đợi, cả người-tôi-yêu lẫn người-yêu-tôi. Ấy thế mà, tôi và người-yêu-tôi vẫn chưa tìm, đã thấy. Bởi thế nên, hoa xuân những rơi đầy, rày lại hát: “Sợ làm tan bao giấc mơ hoa triền miên”. Rất nhẹ êm. Bãng lãng.
Xuân triền miên, nay còn là tâm tình của người em ở đời, rồi sẽ hát:
“Anh yêu nét hồn nhiên
Yêu biết bao khi em ngồi khuất rèm
Đôi tay nhấp đường kim
Làn môi hé cười thần tiên.”
(Hoàng Trọng – bđd)
Nét hồn nhiên, mà bạn và tôi, ta vẫn yêu, phải chăng là như thế? Hay, vẫn như lời thánh Phaolô tông đồ lại đã diễn giải cho bạn thân mình, là đồ đệ Timôtê rất thân và rất mến, như sau:
“Quả thế,
người ta sẽ ra ích kỷ,
ham tiền bạc, khoác lác,
kiêu ngạo, nói lộng ngôn,
không vâng lời cha mẹ,
vô ân bạc nghĩa, phạm thượng,
vô tâm vô tình, tàn nhẫn, nói xấu,
thiếu tiết độ, hung dữ, ghét điều thiện, phản trắc,
nông nổi, lên mặt kiêu căng,
yêu khoái lạc hơn yêu Thiên Chúa;
hình thức của đạo thánh thì họ còn giữ,
nhưng chính cái chính yếu thì lại chối bỏ.
Anh hãy xa lánh cả những người ấy.”
(2Tm 3: 2-4)
Nên chăng, ta hãy lánh xa cả người ta yêu, lẫn điều ta mến? Có phải, điều ta yêu và người mà ta mến, là “tình tự” được diễn tả, rất như sau:
“Lòng bồi hồi mơ ước
Đường hoa thắm đôi ta cùng chung bước
Đời chẳng còn thương nhớ
Vì duyên ta đẹp tình thơ”.
(Hoàng trọng – bđd)
À thì ra, Những gì ta yêu mến, dù người hay vật. Chim khuyên, hay muông thú, vẫn là những tâm tình, rất tự sự, được “vua Tango” diễn bày bằng lời thơ rất âm vang thi tứ như lời ca, ta hát tiếp:
“Hương thơm ngát đồng xanh
Ta sống yên vui trên mảnh đất lành
Đêm đêm ngắm trời xa
Tình quê thấy lòng nở hoa.”
(Hoàng Trọng – bđd)
À thì ra, là như thế. Tình yêu, với lòng người. Và, lòng người đối với tình yêu, vẫn là tình tự rất “hương thơm ngát đồng xanh”. Rất, “sống yên vui trên mảnh đất lành”, của quê nhà. Ta yêu dấu. Là, Nước Trời dấu yêu, ở trần gian. Lan man, một trìu mến
Yêu như thế, phải chăng là yêu rất nhiều?
Hy sinh như thế, phải chăng là mất đi tình yêu? Thứ tình rất hy sinh, mà nhiều người đã tìm thấy nơi truyện kể, rất ngắn gọn. Ở bên dưới:
“Truyện rằng:
Người đọc báo bất chợt nhận ra mẩu quảng cáo nhỏ, có giòng chữ gọn nhẹ, đại để cùng mang một ý nghĩa gẫy gọn sau đây:
-“Em đây vẫn muốn chồng, bạn nào giới thiệu có được không?”
Tức tốc hôm sau, người rao vặt nhận được cả trăm thư trả lời. Rất rối bời. Như sau:
-Em đến mà nhận chồng chị đi! Đừng lo lắng chuyện tiền bạc. Hoàn toàn miễn phí.”
Truyện kể ở trên, thoạt nghe tưởng chừng như “hư cấu”. Đời này, làm gì có chuyện tặng-không/biếu-không, những ông chồng. Nói thế há bảo rằng: yêu, vẫn chỉ là miễn phí? Và, kiếm tìm người yêu lại là chuyện dễ làm? Nếu thế, kiếm tìm “Thiên-Chúa-là-Tình-Yêu”, thì sao? Hỏi ở đây, phải chăng: đã trả lời?
Có thể lắm. Nhưng, trả lời của ai đó, vẫn mang tính đa dạng. Chuyển biến. Rất không thuần. Thuần sao được, khi ý kiến của phần đông các người trẻ, vẫn đa dạng. Như người trẻ ở Úc có tên là Eng Chan, đã tự thuật về quãng ngày dài thiếu tình yêu. Thiếu những điều, như sau:
“Tất cả bắt đầu từ cái ngày mà mọi người ở quê tôi gọi là Đầu Năm niên lịch Kampuchia. Tôi sống 4 năm liền, dưới chế độ của người Khmer Cộng sản. Bấy giờ, không ai kiếm đâu được của ăn. Thức uống. Mọi người đều nhận lệnh: phải rời nhà chỉ vài ngày thôi, sẽ về lại. Chẳng có gì đáng ta ưu tư/thắc mắc, hết. Thế nhưng, sự thật thì khác. Bốn năm trời ròng rã, bọn tôi đã thiếu rất nhiều. Thiếu cả tình yêu. Điều đó, hiện rõ nơi tâm tư bé nhỏ của chúng tôi. Làm sao quên được cảnh người dân hiền lành ở Căm Bốt, cứ bị dắt ra nơi đồng không mông quạnh, mà bắn bỏ. Giữa ban ngày ban mặt. Khi ấy, mọi sự đều bị hủy hoại. Tất cả, đều nghèo đói. Thiếu tình người. Vì quá đói, bé em nào cũng phải lò mò đến từng nhà, mà xin ăn. Mỗi ngày, bọn tôi mỗi người chỉ được phép nhận chừng lưng bát cơm. Và một chút sữa đặc có đường. Thế thôi. Chẳng ai lý gì đến bọn trẻ chúng tôi. Và, cũng chẳng còn ai biết thương ai. Còn lại, chỉ là giết chóc. Bạo tàn. Bất nhân, vẫn diễn ra hằng ngày. Ở quê tôi” (x. Sophie Seuk, Australian Catholics, Spring 2010, tr. 23)
Tâm tư người Khờ-me trẻ, là như thế? Còn, tâm tư của nghệ sĩ mình, lại như sau:
“Một mái tranh nghèo, lo gì nắng mai hay mưa chiều
Mộng ngát đôi lòng trăng, hạnh phúc ta cùng soi bóng
Đồng lúa thơm lành, ta cầy cấy chung lo gia đinh
Cuộc sống thanh bình
Ôi bài hát muôn đời thắm tình.”
(Hoàng trọng – bđd)
Lúa thơm lành. Thanh bình. Là thế đó. Có là chốn ấm êm nhà Đạo, ở Nước Trời? Ở nơi ấy, người đời vẫn tha thiết với giá trị của tình thương yêu, không? Yêu đằm thắm. Lắm tình người. Nơi gia đình. Nơi mọi người vẫn cứ ăn và cứ uống. Vẫn thương yêu. Nguyện cầu. Như mọi lúc. Đó, là tâm tình được người viết mang tên Elizabeth Gilbert đưa vào phim có tựa đề, là: “Ăn uống. Nguyện cầu. Và, thương yêu”, lấy bối cảnh Ấn Độ làm nền cho truyện kể để nêu lên.
Cũng trong chiều hướng tìm hiểu về đời thường, của mọi người, vừa qua cơ quan nghiên cứu có tên là The National Marriage Report bản doanh đặt tại Đại Học Đường Virginia, Hoa Kỳ đã thực hiện một khảo sát mang tên “Hôn Nhân Cùng Nhau Nguyện Cầu: Giòng Giống, Sắc Tộc, Tôn Giáo và Phẩm Chất Tương Quan Giữa Những Người Trưởng Thành” xuất hiện trên tờ Journal of Marriage and Family số tháng 8/2010 cùng với hai nhà xã hội học mang tên Christopher G. Ellison và W Bradford Wilcox, đã bày tỏ ý kiến đúc kết về thương yêu/hạnh phúc của các cặp phối ngẫu trong đời, như sau:
“Các cặp phối ngẫu da mầu nào không cùng nhau nguyện cầu, thường dễ thực hiện nhiều điều tồi tệ hơn các cặp hôn nhân da trắng. Khảo sát, nay cho thấy tôn giáo vẫn là yếu tố làm dịu bớt sự rẽ chia mang tính sắc tộc. Đó là nói về phẩm chất của các tương quan giữa người với người. Tại Mỹ. Sức sống ở đời người Mỹ gốc Phi Châu đem đến cho họ một lợi thế hơn hẳn các người Mỹ khác, đó là nói về quan hệ bình thường. Lợi thế, mà họ thấy mình hơn hẳn các cặp phỗi ngẫu khác nói chung, ở nơi này.
Thông thường, nhiều người vẫn có thói quen bảo rằng: tôn giáo chẳng đem lại lợi lộc gì cho hôn nhân, hết. Nhưng, cặp phối ngẫu nào thấy xung khắc trong niềm tin tôn giáo; và nhất là các cặp trong đó chỉ một bên chịu đến nhà thờ sinh hoạt đều đặn, thì khảo sát cho biết: các cặp ít đi sinh hoạt, sẽ thấy hạnh phúc của mình kém cỏi hơn. Với các cặp phối ngẫu da mầu/sắc tộc, thì: khác biệt trong sinh hoạt tôn giáo là nguồn gốc dẫn đến mọi căng thẳng. Điều này chứng minh được, là: do họ ít bỏ giờ ra mà ở với nhau, để cùng nhau làm một việc gì đó có tính tập thể, như nguyện cầu. Hoặc, do họ có khác biệt trong cung cách nuôi dạy con cái, hoặc qua việc sử dụng quá nhiều rượu bia, nhiều thứ khác nữa.” (x. Carolyn Moynihan, Mercator Net
Nói như thế, là nói về tình thương yêu có khác biệt. Về sắc tộc. Khác niềm tin, giáo dục và gì gì nữa, vẫn rất nhiều. Nhưng, có khác chăng về bản chất đạo đức? Một lần nữa, hỏi ở đây tức: đã trả lời rồi. Trả lời, theo góc độ/nhân sinh quan mình nhận xét. Theo tâm trạng mình đang có, lúc nhận định. Dù sao đi nữa, cũng nên nghe thêm nhận định khác của nghệ sĩ trích ở trên, từng vui hát:
“Hôm qua đến tìm em
Anh thấy hoa xuân rơi đầy trước thềm
Bâng khuâng bước nhẹ êm
Sợ làm tan bao giấc mơ hoa triền miên.”
(Hoàng trọng – bđd)
Nói và hát những lời như thế, tức: vẫn bảo với người-tôi-yêu, hoặc người-yêu-tôi, rằng:
“Anh yêu nét hồn nhiên,
Yêu biết bao khi em ngồi khuất rèm,
Đôi tay nhấp đường kim,
Làn môi hé cười thần tiên.”
(Hoàng trọng – bđd)
Nếu bảo rằng, với nghệ sĩ ở đời, một khi họ những đề cao/tuyên dương “tình yêu” đến như thế, thì chắc hẳn chàng và nàng là thánh nhân? Gọi họ là thánh nhân, là bởi: nếu ta chịu khó làm một thứ tam-đoạn-luận bỏ túi, bảo rằng: Thiên Chúa là Tình Yêu. Hễ ai ngợi khen/tuyên dương Tình Yêu, chắc chắn người ấy/vị ấy đã tuyên dương/ngợi khen Thiên Chúa, rồi. Và trên đời, chỉ có thánh nhân mới hiểu biết hoặc đề cao/tuyên dương Thiên Chúa đến thế, mà thôi. Có là thánh nhân, mới cảm nhận ý/từ rất Tango, mỗi khi hát câu “Làn môi hé cười thần tiên.” Và, hạnh phúc cuộc đời có là gì, nếu không biết “hé cười thần tiên” ở mọi nơi, trong mọi lúc?
Để minh hoạ cho những gì mà tôi và bạn, ta vừa đặt dấu chấm hỏi cho tam-đoạn-luận ở trên, tưởng cũng nên đưa thêm dăm ba truyện kể nhè nhẹ. Ý nhị. Nhưng không dị. Như sau:
“Ngày nọ, có nhà tỷ phú dắt người con cưng về chốn dân dã xem thiên hạ sống thế nào mà sao họ không thấy họ bị căng thẳng thần kinh, rất linh tinh, như người thị thành. Hai cha con về sống vài ngày tại nơi mà người dân thị thành cho rằng đời sống rất khó khăn. Hôm trở về, người cha bèn gọi con lại hỏi anh xem có nhận xét gì về chuyến đi ấy:
-Con thấy thế nào? Chuyến đi vừa rồi có đem đến cho con điều gì khác lạ không?
-Dạ, con thích lắm, ba.
-Thế hả? Con thấy cuộc sống của người miền quê, cũng hạnh phúc đấy chứ? Có khác dân thành thị mình hay không, thế?
-Dạ khác lắm, ba.
-Đâu khác chỗ nào, con nói cho ba nghe coi!
-Theo con thấy, thì như: ở thành thị, ta chỉ nuôi nổi một hai chó con thôi. Còn ở nơi dân dã, họ nuôi tới ba bốn con, cũng không lấy làm nhiều. Ở thành phố, ta chỉ lo nổi mỗi hồ bơi nhỏ, ở giữa vườn. Còn họ, họ có rất nhiều khúc sông, quanh năm nước chảy mút mùa lệ thủy. Ở đây, ta vẫn cứ phải nhập cảng bóng đèn điện để gắn nơi vườn, cho nó sáng. Còn họ, họ đâu cần gì đến đèn với đóm, đã có ngàn sao lấp lánh chiếu sáng ban đêm, rồi. Ngồi trước nhà, ở đây ta ta chỉ thấy những là cổng trời nho nhỏ, mà thôi. Còn họ, ngồi trong nhà, mà đã thấy đủ mọi thứ kéo đến từ chân trời rộng lớn. Ta có mỗi vuông đất rất chật bao quanh căn nhà rất nhỏ bé. Còn họ, lại có gần như cả một thửa ruộng cò bay thẳng cánh, chẳng ai ham. Ở chốn thị thành, ta luôn cần đến mấy chị “Ô-shin” để sai vặt. Còn họ, họ cứ tự lo lấy cho nhau, chẳng nhờ vả chi ai. Ta bỏ ra biết bao nhiêu là tiền của để mua sắm đồ ăn cùng thức uống, mà nuôi thân. Còn họ, họ vẫn tự túc nuôi trồng, tự lo sống. Nhà cửa ở chốn thị thành, ta vẫn phải dành cho có tường rào bao quanh, sợ mất mát thứ này thứ khác. Còn họ, họ chẳng cần gác dan hay bảo vệ mà lúc nào cũng có bạn bè tốt luôn giúp đỡ, yêu thương như người nhà…”
Yêu thương như người nhà. Chung sống an hoà, như bà con. Phải chăng, là hạnh phúc? Phải chăng ý kiến của người con là nhận định rất chính xác về hạnh phúc sống ở đời? Và một phải chăng nữa, cũng nên hỏi, là: có nên thêm đây lời của khảo-sát-gia W. Bradford Wilcox nói trên, để có một nhận định khá vững về những hiện thực trong cuộc sống rất Đạo của nhiều người? Như sau:
“Về với cơ ngơi/mái ấm tình người của nhà mình, kết quả cho ta thấy: nếu tích lũy tình thương yêu thật rõ nét, nhiều ý nghĩa, ta sẽ nhận ra rằng: nghĩ suy và thực hiện niềm tin yêu nguyện cầu, rồi ra ta sẽ đạt thành công, thôi. Trong quá khứ, có nhiều nghiên cứu/khảo sát cho thấy: tha thứ, vẫn có ảnh hưởng rất nhiều đến quan hệ vợ chồng. Đến, cả tương quan giữa người với người. Đến cuộc sống gia đình và cả những sinh hoạt lao động nơi sở làm của mình, nữa.” (x. Carolyn Moynihan, bđd).
Bởi thế nên, hỡi bạn và tôi, ta cứ vui lên mà nguyện cầu. Vui mãi, mà thương yêu trong mọi tình huống hoặc thời khắc của cuộc đời. Cứ vui đi, rồi ra ta sẽ thấy rất khá. Khá, về Đạo. Khá, cả về đời.
Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn kêu gọi bầu bạn
và cả tôi nữa,
hãy cứ thế nhận thức.
Và hiện thực
cho đời mình.
(xem thêm các bài khác xin vào www.tranngocmuoihai.blogspot.com;
hoặc, www.suyniemloingai.blogspot.com;
hoặc, www.giadinhanphong.blogspot.com)
No comments:
Post a Comment