Nghe vang những lời ca trìu mến như áng thơ…
(Dương Thiệu Tước – Hội Hoa Đăng)
(Lc 3: 16)
Rất nhiều lúc, bần đạo những muốn thú thật với bạn bè gần xa, rằng: vẫn còn đó nơi mình, một cố tật. Cũng cố gắng đấy, vậy mà chưa bỏ. Cái cố tật, mà bần đạo thường vướng mắc cũng chỉ là dị tật cổ xưa, thích nghe nhạc. Nhạc trữ tình, lình xình. Rất tiền chiến. Thính phòng. Cố tật, là cứ cố đeo đuổi buổi “Hát cho nhau” ở xóm làng miền Tây Sydney. Vắng vẻ. Khiêm tốn. Những 3 năm.
Nghe nhạc, bần đạo thấy văng vẳng ở trong đầu, dòng thác lũ có chân trời vần vũ những thi ca. Âm nhạc. Mà không chán. Bởi không chán, nên ý/lời nhiệt náo hát mãi năm xưa, tiếp tục thấy:
“Vui, vui tiếng đàn trầm ngân hoà bao niềm nhớ
Tình nhạc tha thiết, tình đàn lưu luyến
Nhạc và thơ kết duyên…” (Dương Thiệu Tước – Hội Hoa Đăng)
À thì ra, cố tật mà bần đạo mắc phải, chỉ là: thi ca/âm nhạc, những kết duyên. Duyên vui. Thâm trầm. Tha thiết. Tha và thiết, đến độ bần đạo cứ chập chờn niềm nhung nhớ. Cứ lơ mơ/lờ mờ, ý-lời/âm hưởng rất thi ca/âm nhạc quyện vào nhau, nghe như duyên kiếp. Kết liền. Hội Hoa Đăng.
Thêm cố tật khác của bần đạo, là: cứ đem ý/lời “nhạc và thơ rất kết duyên” của Thầy Chí Thánh ra, mà luận phiếm. Phiếm nhè nhẹ. Sương sương. Để, dân con Đạo mình rồi sẽ miễn lỗi và đại xá cho tội tày trời này. Xá rồi, bần đạo xin phiếm tiếp.
Nỗi niềm rất phiếm của bần đạo hôm nay, là muốn đệ đạt với bạn bè/người thân, đôi ba ý nghĩ “không có gì mà ầm ỹ”. Cũng chẳng có gì phải bận tâm. Cứ sương sương đại để như một thoáng mạn đàm, cho kín giấy. Vậy thì, bần đạo bắt đầu bằng câu truyện tiếu lâm, được đức thày thuộc giống giòng hào kiệt con nhà “Mít” kể lại chút ít một dẫn nhập bài chia sẻ, ở nhà thờ xứ họ
“Các cụ bảo: có tiền mua tiên cũng được. Được nhà được cửa, nhưng không được mái ấm/cơ ngơi, cho chính mình.
Bọn trẻ nói: Tiền là tiên là Phật, lật đật xuống phố mua được đồng hồ, nhưng chẳng được thời gian.
Và trẻ/già,cứ phán tiếp: Tiền, là sức bật tuổi trẻ, có nó ta mua được cả thuốc men, bon chen nhiều ống chích, nhưng không thể mua lấy sức khoẻ.
Tiền, là sức khoẻ rất tâm linh, có nó người người mua sách mua vở, nhưng nào đã mua được kiến thức. Tiếng tăm. Lòng kính trọng. Từ, người khác. Điều này, cũng dễ hiểu. Dễ, như ta hiểu, rằng: nhiều người vốn ưu tư khốn khó nỗi bạc tiền. Bởi thế nên, xin đề nghị: quý vị cứ đưa thứ tiền bạc nào gây khó chịu nhất cuộc đời. Cho tôi. Tôi sẽ chịu khó mang nó về, để quý vị không còn khó khăn với cằn nhằn, gì nữa sốt. Có điều là, tôi chỉ thích tiền mặt chứ không thích cổ phiếu ngân hàng, sổ nợ của ai đó.” (xem The Catholic Weekly
Tiền, có là tiên là Phật, thì thật sự cũng chẳng tạo niềm an vui chan hoà, nhà nghệ sĩ hát:
“Niềm vui chan chứa,
bao tình thắm dâng chan hoà
Lòng ngập yêu thương,
rộng bao la như trùng dương.” (Dương Thiệu Tước – bđd)
Dâng chan hoà, còn là tâm thức đầy thơ/nhạc, chốn Đạo/đời. Tâm thức, mà nghệ sĩ ở trên còn gói ghém thành giòng chảy, đầy chữ nghĩa. Như sau:
Nhạc và thơ kết duyên
Nhịp nhàng ca múa chập chờn đôi lứa,
Mờ mờ trong bóng hoa.” (Dương Thiệu Tước – bđd)
Với nhà Đạo, nhạc và thơ kết duyên. Vẫn, được diễn tả ở nhiều địa hạt. Địa hạt, của Nước Trời. Địa hạt, của nhiệm tích thiết thân với con người. Như Thanh tẩy. Nhiệm tích gia nhập Nước Trời, nhiều trẻ bé. Kể cả bậc cao niên. Trọng tuổi. Sống đời cộng đoàn Nước Chúa, với tâm tư đồng thuận, về mọi thứ. Tâm tư, vương vấn chút gượng ép những thắc mắc. Hỏi han. Vấn nạn. Như tâm tình người nhà Đạo, bộc bạch bằng điện thư. Như sau:
“Mỗi tuần, ở nhà thờ, tôi thấy các cha/thầy vẫn thanh tẩy cho bầy trẻ nhỏ, mới vừa sinh. Xin giải thích cho biết: sao ta cứ tẩy và rửa cho trẻ bé, chưa biết gì? Làm thế giúp được gì cho bản thân các em? Cả bậc cha mẹ của các em nữa? Có người còn hỏi: rửa tội cho trẻ nhỏ, nên rửa vào lúc nào, là trễ nhất? (Xin được giữ kín tên tuổi)
Một lần nữa, điện thư tham vấn, ở giáo phận “đàng trong”
“Trước hết, xin bắt đầu bằng phần phân tích tại sao ta nên rửa tội cho hết mọi người, bất kể tuổi tác, lớn/bé. Chí ít, là tẩy rửa cho trẻ sơ sinh, như anh/bạn vừa hỏi. Sau đó, sẽ xin hầu tiếp anh/bạn các câu sau.
Phép rửa gồm hai động tác chính. Cả hai, đều biểu trưng bằng việc sử dụng nước. Thứ nhất, bằng việc trầm mình trong nước hoặc rưới nước lên đầu, động tác này biểu trưng cho việc tẩy rửa phần linh hồn, khỏi tội nguyên tổ. Theo ngôn từ sách “Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo”, ta có được giải thích như sau: “Nhờ thanh tẩy, mọi lỗi phạm đều được thứ tha. Cả tội ban đầu của tiên tổ, cho đến lỗi lầm mình vướng mắc. Ngõ hầu giúp ta thoát khỏi hình phạt kéo đến do các lỗi phạm khác nhau, mình mắc phạm. Với người đã tái sinh nhờ vào thanh tẩy, không gì khả dĩ ngăn chặn người ấy xa rời Vương Quốc Nước Trời. Ngay cả tội nguyên tổ của Adong hoặc lỗi lầm mình mắc phạm, là hậu quả của sơ xuất, tức động tác nghiêm trọng khiến ta xa rời Chúa.” (GLHTCG #1263)
Khi tẩy rửa mọi vết nhơ tội lỗi khỏi phần linh hồn, kể cả lỗi lầm nguyên tổ đã hằn in dấu ấn lên trẻ nhỏ, phần linh hồn đã trở nên hoàn toàn thanh trong. Và từ đó, sẵn sàng tiến vào chốn thiên đường của Chúa.
Tiếp đến, giống như nguồn nước, cần thiết cho cuộc sống con người thế nào, thì phép Thanh tẩy cũng chuyển tải sự sống của Thiên Chúa đến với linh hồn người lĩnh nhận. Lĩnh nhận ơn thánh hoá, cùng với đặc ân/ân sủng Chúa Thánh Thần ban tặng. Có Ba ngôi Thiên Chúa đến ngự trị.
Không gì lành thánh/quý giá hơn, dành ban cho người nhận lãnh, cho bằng hồng ân ấy. Chính đây là lý do tại sao ta cần thanh tẩy hết mọi người. Còn, vấn đề tại sao ta thanh tẩy cho cả trẻ thơ, khi bé không biết chút gì về việc làm ấy? Đơn giản, là vì nhiệm tích thanh tẩy thần năng thánh hoá cách độc lập với người nhận lãnh.
Theo ngôn ngữ của truyền thống Giáo hội, thì nhờ có thanh tẩy, nhiệm tích thánh tác động theo cách mà người xưa gọi là “ex opere operato”, tức: tác dụng hiệu quả “là vì việc ấy do ta thực hiện.” (GLHTCG #1128). Trẻ thơ khi lĩnh nhận phép thanh tẩy, dù không chứng kiến những gì được thực hiện cho em, nhưng Phép Thanh tẩy vẫn tạo thành quả tuyệt vời đối với linh hồn của em, từ khi nhận lãnh.
Vì lý do đó, Hội thánh vẫn duy trì nhiệm tích thanh tẩy cho trẻ nhỏ. Thánh Âu-tinh có lần nói: thực hiện Thanh tẩy cho con trẻ, là công việc được thực hiện từ thời các thánh tông đồ: “Mẹ Thánh Giáo Hội lâu nay vẫn có Thói quen Thanh tẩy trẻ nhỏ và không bỏ bê hoặc coi đó là việc dư thừa, vô bổ. Trái lại, Hội thánh vẫn làm việc này với niềm tin chắc chắn rằng công việc vẫn tiếp diễn từ thời các thánh tông đồ.” (Công tác Thông thường theo Truyền thống #10, #23. #39)
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo còn nói về truyền thống này rõ như sau: “Thực thi việc Thanh tẩy cho trẻ nhỏ là truyền thống khó bỏ của Hội thánh. Bằng chứng rất rõ của nghi thức này vốn có từ thế kỷ thứ hai, mãi đến hôm nay. Nghi thức này, xuất hiện từ thời các thánh Tông đồ lên đường rao giảng Lời Chúa. Khi mọi người trong nhà đã lĩnh nhận nhiệm tích Thanh tẩy, thì khi ấy, cả trẻ nhỏ cũng được hưỏng ơn lành của Chúa, cũng như thế.” (GLHTCG #1252)
Về câu hỏi, rửa tội cho con trẻ có nên thực hiện ngay sau khi bé chào đời không? thì trong Giáo luật có điều khoản nói rất rõ: “Các bậc cha mẹ, buộc phải cho con em mình được chịu phép rửa vào tháng đầu, sau khi sanh. Nên rửa tội cho bé càng sớm càng tốt. Trước đó, cũng nên tiếp xúc với linh mục chánh xứ để xin cho con/em mình được chịu phép rửa, đồng thời cũng nên chuẩn bị cho các em được lĩnh nhận nhiệm tích này.” (Giáo luật số 867 #1)
Ở đoạn sau đó, cũng có viết: “Nếu thấy con trẻ có nguy cơ bị chết yểu, thì nên đưa bé đi chịu phép rửa tội ngay lập tức, không được chậm trễ.” (Giáo luật số 867 #2)
Sao vội vã như thế? Đơn giản, là vì phép rửa tạo nhiều điều tốt lành cho phần linh hồn của trẻ. Vì thế nên, trẻ phải nhận lãnh ơn cao trọng này càng sớm càng tốt. Đôi lúc, bậc cha mẹ có khi cũng phải chờ vài ba tháng mới cho con/em mình rửa tội vì còn chờ người thân từ nơi xa, đến dự. Mặc dù, cha mẹ vẫn muốn họ hàng bà con mình có mặt vào buổi lễ quan trọng ấy, cho nên hãy thực hiện càng sớm để con/em mình nhận lãnh ơn lành Thanh tẩy, sau khi sinh.
Nhiều trường hợp cho thấy, con/em mình dễ bị chết yểu, dù các cháu vẫn đang khoẻ. Nên hiểu rằng, nỗi buồn mất con của bậc cha mẹ đã quá lớn, cũng không nên thêm vào đó, nỗi buồn “không kịp rửa tội cho con”. Dĩ nhiên, ta vẫn biết con trẻ chưa rửa tội vẫn được Chúa rước thẳng vào Vương Quốc của Ngài. Nhưng, hy vọng dù lớn lao, vẫn không bằng xác tín là cháu đã được rửa tội đúng phép. Rất đúng đạo. (x. John Flader, The catholic Weekly,
Về thanh tẩy sớm/muộn, cũng nên qui chiếu Tin Mừng thánh Luca, qua đó Chúa nói:
“Tôi làm phép rửa cho anh em trong nước,
nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến,
tôi không đáng cởi quai dép cho Người.
Người sẽ làm phép rửa cho anh em
trong Thánh Thần và lửa.”
(Lc 3: 15-16)
Được rửa trong Thánh Thần và lửa, còn được hiểu theo cung cách chú giải của thần gia Kinh thánh, thế kỷ trước:
“Nước và thanh tẩy trong Thánh Thần, tức báo đến thời ở dưới sự hiện thực của Thần Khí và Đấng viên thành vạn sự. Nhưng, vừa tỏ vừa ẩn, Thần Khí dưới hình bồ câu. Đấng viên thành là một người chịu thanh tẩy giữa các kẻ tội lỗi. Hai nhân vật đó (tức Gioan và Đức Giêsu) liên kết. Và, đó là dấu hiệu thời viên thành đã hé rạng, tuy còn ở trong bí ẩn của Thiên Chúa, nhưng nhất thiết sẽ thành sự.” (Lm Nguyễn Thế Thuấn, CssR Tin Mừng Nhất Lãm, bản in nội bộ tr.119)
Thật sự, thì việc thanh tẩy cho trẻ nhỏ hay người lớn, là thực thi điều Chúa uỷ thác. Thực thi, như một mời gọi cộng tác vào sự Thanh tẩy bằng “Máu”, đúng như có Giáo sư Kinh thánh Nguyễn Thế Thuấn ở trên, có viết tiếp:
“Thanh tẩy tại sông Yorđan, được thực hiện đầy đủ trong thanh tẩy bằng máu (Mc
Thành thử, ý/lời bậc hiền nhân đã tỏ bày, vẫn được quyện vào với thơ/nhạc ở đời người. Một đời, có người nghệ sĩ luôn se kết. Se và kết, là để bạn bè người thân, đừng quên lãng. Thế thì, để khỏi lãng quên những ý/lời của nhạc và thơ, cũng nên đọc truyện kể nhè nhẹ sương sương, ở bên dưới:
“Truyện kể rằng:
Trên chuyến bay đường dài hôm ấy, một khách lạ -dáng dấp giống người nhà Đạo, rất chững chạc- chợt nhận ra cô bé ngồi cạnh còn khá trẻ, nhưng đã biết tập trung tâm hồn, để đọc sách. Khách lạ, bèn lân la vào đề câu chuyện:
-Này cô bé. Ta nói chuyện với nhau một chút có được không? Tôi vẫn được bảo là: nếu ở trên máy bay mà ta nói chuyện với người ngồi cạnh, sẽ thấy thời gian qua mau. Đi rất nhanh.
-Vâng! thế bác muốn cháu nói về vấn đề gì đây?
-Chuyện gì cũng được. Đề tài đâu quan trọng. Tôi muốn cô cho biết cô nghĩ thế nào về một vài chuyện đạo; như: chuyện người lớn thắc mắc về bí tích rửa tội, hoà giải, hôn nhân, thêm sức, vv. Thế cô thích mình nói chuyện về đề tài gì?
-Vâng. Đề tài nào cháu cũng chịu nghe hết đó! Nhưng, trước khi bàn về chuyện nghiêm túc, đứng đắn, cháu xin hỏi một câu ngắn. Bác có biết là ba con thú lớn xác như: ngựa, bò, và nai cùng ăn một thứ là cỏ thôi, mà sao nai kia lại sản xuất ra thành phẩm rất tốt cho nhà nông, theo hình dạng khác nhau. Mầu sắc khác nhau? Sao thế hả bác?
-Nói thật với cô, “goa” đây chẳng khi nào nghĩ về chuyện ấy. Chỉ lo chuyện Đạo, thôi.
-Chuyện đơn giản có thế mà bác không nghĩ, thì sao các người lớn lại cứ thắc mắc về chuyện đạo đức/tẩy rửa làm gì! Vậy sau đây, xin phép bác cho cháu được tiếp tục đọc sách. Cháu thấy thời gian sẽ qua mau lắm, nếu mình không đọc cái gì cho vui lại giết thì giờ chờ đợi, thì thật uổng. Phải không ạ? ”
Nghe kể, hẳn bạn cũng như tôi, ta thật chẳng biết ai khôn ai khéo, hơn ai. Người già hay đám trẻ? Hoặc, già/trẻ lớn/bé, đều như nhau. Như, các cụ thường nói: “một già một trẻ, như nhau”. Như nhau, là giống nhau về cả thể xác lẫn tinh thần. Như nhau, không có nghĩa là có cùng một ưu tư/thắc mắc về những chuyện giản đơn, “sống trên đời”. Tự do. Không câu nệ. Chẳng thắc mắc, gì nhiều.
Ưu tư/thắc mắc quá nhiều về chuyện “tẩy rửa”, mà chẳng gia nhập “hội Hoa Đăng”, có nhạc có thơ, rất tình tiết. Rất tha thiết, với ý/lời mà người nghệ sĩ hôm nay kết thúc bản ca ở trên, rằng:
“Cùng nhịp ca múa trong đêm thâu
yêu nhạc thanh tân vui hội hoa đăng.” (Dương Thiệu Tước – bđd)
Vui hội hoa đăng, là vui với Nước Trời có trẻ nhỏ. Có bậc trưởng thượng. Nhập Hội ở trần gian. Hăng say. Tha thiết như người cùng nhà Hội thánh. Rất hoa đăng. Lễ hội. Ở mọi nơi. Mọi tuổi.
Trần Ngọc Mười Hai
Cứ hăng say gia nhập
hội Hoa Đăng Tẩy Rửa rất thánh
từ bao giờ. Đâu cần hỏi.
(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com
No comments:
Post a Comment