Sunday, 22 November 2009

“Đi với tôi đến phương trời xa”

Trăng nước êm. Một trời đầy hoa Bạn của Hằng Nga; và vô cùng thanh thú lắng tai nghe nhạc réo lững lờ.”

(Canh Thân – Đi Với Tôi Đến Phương Trời Xa)

(Xuất Hành 20: 3-5)

Lại đi. Đi đâu, mà sao không thấy chán?

Thật ra, lời mời gọi những đi và đến, “đến phương trời xa”, đà gửi đến với mọi người. Lâu nay. Dạo ấy. Nhưng, đã mấy người từng biết đến. Biết, nhưng không hồi và chẳng đáp. Biết, chỉ như một lời mời, vẫn bỏ lửng.

Lời mời từ nhà Đạo hôm nay, thật ly kỳ. Lý thú. Vẫn nghe quen. Và nghe rất quen, nên chẳng ai buồn để ý. Nếu để ý, sẽ thấy lời mời của Ngài da diết. Thiết tha. Trìu mến. Rất như sau:

“Trong những ngày ấy,

Gioan Tẩy Giả xuất thân rao giảng

trong sa mạc xứ Giuđê rằng:

‘Hãy hối cải , vì Nước Trời đã gần bên.”

(Mt 3: 1-2)

Mời gọi thân thương/trìu mến, là lời mời từ Đấng Thánh, rất dịu hiền. Trong lúc đó, “Lời gọi chân mây” ở đời thường, chỉ giản đơn. Nhưng sao nhiều người vẫn lắng nghe:

“Đi với tôi đến chốn trời xa

Bên suối mơ là nhà của ta,

tay đàn miệng ca và mơ màng ta múa

Gót chân theo nhịp bước thần tiên.” (Canh Thân –bđd)

Nhịp bước, có thần tiên? Hay vẫn cứ châu về, mà tưởng nghĩ. Tưởng và nghĩ, sẽ thấy còn đó nhiều điều, rất vấn vương. Như truyện kể nhè nhẹ một suy tư văn hoá hơi cường điệu. Vu vơ. Như một dẫn nhập vào những chuyện khô khan. Sâu sắc. Thời xưa cũ. Kể, là kể rất gọn và nhẹ, như sau:

“Lâu nay, có người để công sức và thì giờ vào chuyện nghiên cứu, những văn thơ về chữ “ăn”, như sau:

Hồi nhỏ, những “ăn vóc học hay”. Hễ xin tiền ba mẹ “ăn vặt”, không được là “ăn vạ” liền.

Lớn lên, học đòi “ăn diện”, rồi lang bang tán gái/theo giai không qui cách, những là “ăn nói bậy bạ”, bèn bị “ăn bạt tai”… đau điếng.

Khi có vợ, lại không thích chuyện cùng “ăn (và cùng) nằm”, bèn thấy “ăn năn” thống thiết, lúc ấy đã quá muộn; đành, “ăn đời ở kiếp” với nhau theo cách “ăn khế trả vàng”. Có khi gặp phải số “ăn mày” hoặc “ăn hại đái nát” cũng là chuyện thường ngày, ở chốn nợ đời.

Thoạt khi “ăn nên làm ra”, những là “ăn sung mặc sướng”, rồi cứ thế sanh tật “ăn gian nói dối” với chồng/vợ là mình “đi ăn cơm khách”, mà thực ra chỉ là “ăn vụng”, “ăn chạ”, hoặc giả: “ăn bánh trả tiền”. Trót lọt thì không sao, gặp tai hoạ, chỉ có nước mà “ăn cám”, hoặc “bỏ ăn” lâu ngày, thì có mà “ăn ớt”.

Nhằm khi mất việc, nếu chẳng “ăn không ngồi rồi”, cũng đành “ăn theo”, “ăn bám”, “ăn hại” vợ con. Được lúc khấm khá chút đỉnh, lại đã ra mặt “ăn qụyt” hoặc xuống cấp tồi tệ, đành lủi thủi “ăn mày” cho qua ngày, đoạn tháng.

Vốn quen thói “ăn không” mà chẳng chịu làm, hoặc ngồi mát “ăn bát vàng” cũng lại cương bạo, bèn làm chuyến “ăn trộm”, “ăn cắp”, thậm chí còn “ăn cướp”, hoặc “ăn hàng”, một vài nơi.

Gặp khi chơi bạc nhằm lúc thắng lớn, bỗng đứng dậy bỏ về, bị đồng bàn chê là dân “ăn xi non”, khó khá. Tệ hại hơn, đã ăn xi non như thế mà vẫn vênh váo, ngạo mạn, thì chỉ có nước bị chúng cho “ăn đấm”, “ăn đá”. Chán rồi, đành quay về nhà để “ăn cháo”, hoặc “ăn cơm nhà vác ngà voi” cho thiên hạ coi thường. Kết cục kiếp người chỉ “ăn chơi” chốn nợ đời, thật đáng chán. Lúc về già, đành theo các cụ “ăn oản”, “ăn xôi”, đứng ngồi ở trên đó, chốn cao sang hương khói, kiếp “ăn tằm”, vẫn đứng nằm để con cháu/người người, còn cúng bái.

Về với nhang đèn/cúng bái đầy tưởng nhớ, có tôn giáo ít nhiều mang nặng ảnh hưởng từ các tục lệ dân gian nay về thuần hoá, làm thành văn hoá riêng, đạo mình.

Vừa qua, có một bạn đạo gửi về ban biên tập báo The Catholic Weekly ở Sydney, đưa ra vài ba thắc mắc, với hỏi han. Han hỏi, hỏi và han, là để xem đức thày mình nghĩ thế nào về việc khói hương xì sụp, nhiều vái lạy. Vái thần linh. Nhìn ảnh hình. Tượng điêu khắc. Những hoa hoè mầu sắc, như sau:

“Tôi có một bạn thuộc giống giòng hào kiệt, rất Tin Lành. Đến với tôi, không để rủ rê đôi điều theo kiểu “đến phương trời xa xôi” nào đó, mà hỏi xem Đạo mình sao vẫn có những ảnh tượng/hình hài, chốn thánh thiêng, nhiều đến thế? Anh có trích dẫn giới răn Lời Chúa, rõ ràng điều thứ nhất, rằng: Đạo Chúa từng cấm đoán mọi hình thức tôn thờ ngẫu tượng, cùng bày biện ảnh hình lền khên, ở khắp chốn. Anh còn thêm: phải chăng Đạo mình là đạo “phụng thờ” những tượng cùng ảnh, theo cách khác? Bản thân tôi, khi nghe hỏi, thấy mình không đủ tư cách và chữ nghĩa để đối đầu. Giải oan. Vậy theo ngài, ta có cách nào hay nhất, để giải toả các nghi nan/kỳ thị, không đúng ấy? Xin trả lời vài hàng cho biết. Rất tri ân.”

Hỏi đây, là hỏi những câu tế nhị. Những là tinh tế/ý nhị, nên đức thày lần này không tiện ghi danh người han hỏi. Đức ngài, đi ngay phần giải thích, có trích có dẫn như sau:

“Thật ra, thì giới răn đầu rút từ sách Xuất hành, Cựu Ước, gồm lời trích dẫn vỏn vẹn chỉ thế này: “Các ngươi sẽ không có các thần khác, trước Nhan Ta.”(Xh 20: 3) Giới răn đầu, tuyệt nhiên không nói gì về ảnh hình, hoặc tượng đúc/khắc. Nếu đọc tiếp, ta sẽ thấy những lời khuyên dạy, được kể đến:

“Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ. Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ: vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, là một vị thần ghen tương. Đối với những kẻ ghét Ta, Ta phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông. Còn với những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta, thì Ta trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời..” (Xh 20: 4-6)

Từ đó, ta cứ tưởng: Hội thánh hằng chôn giấu đôi điều hàm ẩn ở giới răn Giavê Thiên Chúa truyền thực hiện. Thực hiện, hầu lý giải hành vi sai sót khi con dân mọi thời thực thi điều Chúa ngăn cấm: tạc tượng. Khắc ảnh, nhiều đấng thánh.

Quả thật, Hội thánh chẳng khi nào làm thế. Việc Hội thánh làm, là giùm giúp con dân nhớ nhiều về điều Chúa dạy. Nhớ truyền thống. Nhớ, phương cách giản đơn, đem đến cho ta văn bản ngắn gọn, dễ dàng mà ghi nhớ trong lòng. Hỏi rằng, sao ta lại lập ảnh/tượng Chúa, Mẹ, cùng thần thiêng các đấng, mà treo/đặt ở nhà thờ. Cả, phạm vi riêng tư nơi ăn chốn ở, khi Giavê Thiên Chúa đã nhất mực ngăn cấm?

Trước nhất, nên nhớ: Giavê Thiên Chúa không những ban bố cho Môsê 10 điều răn, để tuân giữ, Ngài còn khuyên dạy ông lập một số ảnh hình, trong đó gói ghém hai tổng thiên sứ hoặc các Kêrubim có cánh xoè, lập Bàn Khám. (Xh 25: 18-20). Đồng thời, Ngài còn cho phép tạo rắn lửa bằng đồng, từng cứu sống nhiều người khi nhìn lên ảnh hình của rắn, đều đã sống.(Ds 21: 8-10)

Mời gọi đây, có tình tiết cũng tha thiết. Quyến luyến. Những mến thương. Thương mến mừng vui, như ý/lời người nghệ sĩ kể ở trên, từng diễn tả:

“Đi với tôi đến chốn trời xa,

đâu có chi đẹp bằng đời ta;

mặc ngày dần qua, nào vang lừng câu hát

Dắt tay nhau về chốn bồng lai…” (Canh Thân – bđd)

“Chi đẹp bằng đời ta, chốn lai bồng”, là chốn vui có lời khuyên. Có diễn giải. Về, những thắc mắc, hỏi han rất tâm đắc. Và, đức thày nhà Đạo ở Sydney, lại đã tiếp tục giòng chảy, một trả lời:

“Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo có giải thích: các ảnh hình trong Kinh Sách muốn nói đến hình ảnh Đức Kitô, nên đã diễn tả: “Dù gì đi nữa, rõ ràng là ta thấy ở Cựu Ước, chính Giavê Thiên Chúa đã ra lệnh/cho phép lập ảnh hình, là để diễn tả, cách biểu trưng, ơn cứu độ do Ngôi Lời nhập thể, như bằng chứng là ơn của Chúa đã ở với “rắn đồng”, với Bàn Khám và Thiên sứ Kêrubim.” (GLHTCG #2130)

Rõ ràng, điều Thiên Chúa cấm đoán không phải là việc thiết dựng chỉ bao nhiêu ảnh tượng thôi đã đủ, mà là: không được phép phụng thờ ngẫu thần do người làm: “Các người không được phủ phục trước những thứ đó, mà phụng thờ.” (Xh 20: 5)

Ta nhận ra được điều này: khi dân Do Thái, lo ngại sự việc Môsê ở trên núi, quá lâu không thấy xuống; họ “bèn lập bò con bằng vàng, mà lạy thờ.(Xh 32: 1). Vì thế, Thiên Chúa nói với Môsê: Hãy xuống đi, vì dân ngươi đã hư hỏng rồi, dân mà ngươi đưa lên từ đất Ai-cập. Chúng đã vội ra ngoài con đường Ta truyền dạy cho chúng. Chúng đã đúc một bê con, rồi sụp xuống mà lạy nó, tế nó và nói: "Hỡi Ít-ra-en, đây là thần của ngươi đã đưa ngươi lên từ đất Ai-cập." (Xh 32: 7-8). Xem thế, thì đây là tội phạm thánh, dám thờ lạy ngẫu thần, là điều mà giới răn thứ nhất, từng đề cập.

Khi Thiên Chúa chấp nhận trở thành người, qua xác phàm trần tục hiện diện nơi Đức Kitô thì, trong chừng mực nào đó, Ngài ban cho ta ảnh hình của chính Ngài. Đây cũng là điều mà thánh Phaolô từng viết về Đức Giêsu Kitô, bằng lời lẽ như sau: “Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình” (Co 1: 15) Bằng vào việc đến với thế gian, như Chúa đã làm, Hội thánh coi đó là việc chính đáng, hợp pháp, để lập hình/tượng các thánh nhân.

Khi xưa, các bè chủ trương đập phá mọi ảnh tượng Hội thánh lập vào thế kỷ thứ 8, như thế, họ đã chối bỏ tính đạo hạnh trong việc thiết lập ảnh hình và tượng khắc. Để đáp lại, Công Đồng Nixê thứ hai, năm 787, công bố chấp nhận hình thức ảnh/tượng, hội thánh lập ra. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo cũng đã giải thích:“Bằng vào nhiệm tích Nhập thể, Công Đồng Chung lần thứ bẩy diễn ra ở Nixê, đã xác chứng chống đối những người thuộc bè chủ trương phá hại việc tôn kính ảnh/tượng không chỉ của Đức Chúa mà thôi; nhưng cả các ảnh/tượng Đức Mẹ, các thiên sứ, và các thánh nam nữ. Bằng việc xuống thế làm người, Ngôi Lời khởi xướng đưa vào với thế giới “nhiệm cục cứu độ” bằng những ảnh hình, mang tính người.” (GLHTCG #2131)

Trả lời câu kế tiếp của ông/bạn, tôi có thể bảo: chúng ta không hề “phục lạy/phụng thờ” ngẫu tượng cùng ảnh hình, của ai hết. Ta dùng thứ ấy, chỉ để nhắc nhớ mọi người về về bản vị mà các đấng hình dung ra, tựa hồ ở mỗi gia đình, ta vẫn có thói quen trưng bày ảnh hình người thân yêu của ta, để thương và để nhớ, mà tôn kính.

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo cũng đã dựa vào lời của thánh Baxin, để giải thích: “Sự việc tín hữu Đức kitô tôn kính ảnh hình cùng tượng thánh, đã không đi ngược lại giới răn thứ nhất, tức giới răn ngăn cấm ta thờ cúng ngẫu thần, do người làm.

Quả thật, ‘khi ta tỏ lòng tôn kính ảnh/hình các bậc hiển thánh, sự tôn kính ấy sẽ đạt tới đấng mà ta kính tôn”. Và, “khi ta cung kính ảnh hình của người nào, là ta đang cung kính chính đấng bậc được thể hiện tạo tác nơi ảnh/hình đó.”(GLHTCG #2132)

Tôn kính hay cung kính, vẫn là hành vi rất kính và rất tôn. Tôn và kính, sự lành thánh của các đấng thánh. Rất hiền lành. Tôn kính/kính tôn, là ta biết kính và biết trọng đấng thánh. Khi đó, ta sẽ thấy vui trong lòng, mà bắt chước các ngài. Bắt chước, rồi sẽ vui. Vui, như người nghệ sĩ đã từng có những ngày vui, nên mới hát:

“Có ai đâu vui như tôi

tuy không có dài hơi

người nào chán và buồn, tình đời

đều cùng yêu tôi.” (Canh thân – bđd)

Cuối cùng, lập ảnh hình và tượng khắc, là để ghi nhớ sự lành thánh của đấng bậc rất lành và rất thánh. Là, mời gọi từ ngàn xưa. Lời mời gọi ta ra đi, mà chóng đến với những người lành và thánh. Rất thân yêu. Ở Nước Trời lành mạnh, có các thánh đang hiện diện. Và, trông chờ một hồi đáp. Trông và chờ từ dân con nhà Đạo, là chúng ta. Hôm nay. Ảnh và tượng, nhất định là lời gọi mời, từ muôn nơi. Đạo/đời. Lành mạnh.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn tôn và kính

những gọi mời từ đấng thánh.

Qua ảnh hình. Nhiều mầu sắc.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com )

No comments: