Monday, 2 November 2009

“Ai ơi, người về cho ta nhắn với”

Nha Trang quê hương dịu hiền Ngàn đời lòng tôi mến yêu.

(Minh kỳ-Hồ Đình Phương – Nha Trang)

(Mc 10: 35-45)

Còn gì sướng bằng, “buồn ngủ, gặp được chiếu manh”. Manh chiếu, mà bần đạo nay gặp được là nhạc bản cổ xưa, mình vẫn ưa. Nhạc bản này, diễn tả tình người, ở quê nhà. Tình người Nha Thành, êm ấm. Có cát trắng. Trăng thanh. Đề huề, niềm nhung nhớ. Nhớ và thương, hơn cả nỗi niềm nhung nhớ của “người tình không chân dung”, thời trước. Nha Trang, quê nhà thứ hai của bần đạo, rõ ràng là quê hương dịu hiền. Miền nhung nhớ. Với lời lẽ, khi xưa người nghệ sĩ vẫn cứ hát:

“Nha Trang hoà bình vương vương khắp lối,

đêm đêm trăng thanh rạng ngời

ngày ngày nắng ấm xinh tươi.” (Minh Kỳ/Hồ Đình Phương- bđd)

Nhớ Nha Trang, là nhớ những ngày nắng ấm xinh tươi. Hoà bình. Nhớ trăng thanh. Gió mát. Rất rạng ngời, tình nhớ thương dân con đồ đệ của Đức Chúa. Rạng và ngời, tình thương mến dành trọn cho Hội thánh. Hôm nao. Tình Hội thánh, có giảm suy không, mà sao dân con người người cứ vắng bóng. Thưa thớt. Đi đâu rồi.

Tình cảm thân thương đó, được tỏ bày với Hội thánh hôm nay, vẫn có lời tả oán, rất ái ngại. Không đứng vững. Vẫn có cái gì đó chưa ổn, ở trời Tây. Trời của Tây, nay thấy xuất hiện những giòng chảy, thê lương. Kiệt xuất. Mê hồn. Như trần tình cảnh báo về số người đi Đạo, rày sa sút.

Cách đây không lâu, vào niên biểu hai nghìn lẻ tám, Tuần báo Newsweek ở Hoa Kỳ, có thực hiện một khảo sát về số Người Mỹ tự nhận mình không tín ngưỡng, có cho biết: năm 1990, số người Mỹ tự nhận không dính dự với tôn giáo, đang có tỷ lệ 8% đã lên đến 15%. Tức, cũng ăn khớp với số người theo Đạo Chúa, đang bớt dần.

Ở Úc, số người tự cho là mình không dính dự đến tín ngưỡng/tôn giáo ở mức cao. Thống kê năm 1991 cho biết: số người này nay lên đến 12.9% trong tổng số dân Úc. Với thống kê 2006, số người này đã lên đến 18.7% (xem Peter Kirkwood, The decline of Christianity in Australia and America, Eureka St 12/6/2009)

Nói gì thì nói, chứ tác giả Jon Meachem từng nhận định trong tờ Newsweek vào độ ấy, đã biện luận: số người đi Đạo, vẫn ở mức cũ, nghĩa là: có đến 76% tổng số người Mỹ tự nhận mình theo Đạo Chúa (so với Úc, tỷ lệ này là: 64%). Và phần đông số này, là người Công giáo (tính ra có: 25%, ở Mỹ; và 25.8%, ở Úc). Về chuyện này, có đến 45% tổng số người đi Đạo ở Mỹ (và 34% ở Úc), nói: họ là những người “đã tái sinh”. Và, tác giả Peter Kirkwood kết luận: “Vị thế của Kitô-giáo ở Mỹ đã khác hẳn. Ở Úc, con số ấy không đến nỗi khác lắm.” (x. P,Kirkwood, bđd)

Vấn đề đặt ra với bà con mình, là: quan ngại như thế có cần thiết lắm không?

Để hồi đáp, có lẽ cũng nên nghe người nghệ sĩ xưa, cứ hát tiếp:

“Nha Trang từ ngày xua tan bóng tối,

mơ say dâng lên bầu trời,

thề cùng giữ vững tương lai.

Nha Trang, ngày này khách du bước tới

không ai quên trao nụ cười,

để mừng lòng thêm thắm tươi.” (MKỳ-HĐPhương-bđd)

Thật cũng đúng. Hãy cứ xua tan bóng tối, những nghi nan vọng về. Để rồi, ta chỉ nghĩ đến tương lai. Thứ tương lai, đặt nặng phẩm chất, hơn là vào số lượng, người đi Đạo.

Chất lượng người đi Đạo và giữ Đạo, còn là chất lượng ta nghe biết và thực hiện Lời Chúa, sống đời thường. Với tâm tư ta vẫn nghĩ, vẫn suy như nghệ sĩ xưa, rày tưởng nhớ:

“Còn đâu những chiều vui xưa?

Còn đâu những chiều say sưa?

Ngồi nơi biển buồn trông ra khơi, mênh mông…? (MKỳ-HĐPhương – bđd)

Say sưa, không nhìn trời. Chỉ nhìn những biến và đổi. Say sưa. Vui xưa. Là, vui say sống những ngày thân thương có Chúa. Có người anh người chị, cận kề bên nhau, lòng an ủi. Giùm giúp. Thích thú. Nhớ để đời.

Hỏi, là hỏi xem có còn ý nghĩ ưu tư. Viển vông. Lo sợ. Về thiên đàng/hoả ngục, chốn ấy. Rất nhiều bên. Có linh mục nọ, cho rằng Hội thánh cứ giảng và dạy về “hoả ngục”, rất nghĩa đen. Nhưng, chú giải tử tế, ta sẽ thấy bản văn kinh thánh nói về ngục thất đầy những “hoả”, chỉ là ảnh hình mà sách Khải huyền muốn diễn tả về hoàn vũ theo lối nói hùng hồn, biểu tượng. Chứ không mô tả một thực tế, rất nghĩa đen (xem Kevin O’shea, CssR meditation: All saint and all souls, Sunday 1/11/2009).

Thiên đàng, thì khác hẳn. Cũng là loại hình ngôn ngữ đầy biểu tượng. Biểu trưng. Nhưng, thiên đàng không là phỉnh gạt, đánh lừa tâm tưởng chúng ta. Mà là, một xác tín về Thiên Chúa, Đấng tràn đầy tình thương. Hiểu như thế, Thiên Chúa sẽ thực hiện theo kiểu cách riêng tư để đưa ta về với Ngài, một khi ta không còn sống ở thế giới gian trần, này nữa.

Xem như thế, khi dùng ảnh hình thánh kinh (đa phần từ các bài trong Khải huyền) để diễn tả trạng thái tốt lành của Thiên Chúa, của Đạo, ta biết rằng: ảnh hình ấy, biểu trưng cho điều gì đó, rất cao cả. Cao cả, đến độ không nên dùng nghĩa đen, để đặt tên. Điều, mà ta có thể đặt tên cho, không là nỗi niềm lo sợ của con người. Mà, là Tình Yêu Thiên Chúa, rất đích thực. Và như thế, hình ảnh hoả ngục thực sự đã dẫn đến niềm lo sợ, của chính ta. Trong khi đó, thiên đàng mới dẫn ta về với Tình Yêu Thương cao quý, đích thực của Đức Chúa, đối với ta (x. Kevin O’Shea, CssR – bđd).

Như thế, ta sẽ không còn ưu tư lo lắng, nhưng cùng hát với nghệ sĩ khi xưa, rằng:

“Nha Trang, còn tràn hương thơm gió núi,

hoa xuân trao nhau nụ cười

người người sánh bước chen vai…” (MKỳ-HĐPhương- bđd)

Với nhà Đạo, sánh bước chen vai, không phải để mon men về đất miền có biển xanh cát trắng, lấm bụi trần. Mà, để trao cho nhau những nụ cười. Ngõ hầu tìm nguồn vui sống. Sống vui. Sống vững chãi, vì không còn lắng lo cho số lượng người đi nhà thờ/nhà thánh. Chỉ, mỗi ưu tư chăm chút về chất lượng tình Chúa. Tình người.

Tình người, hôm nay cũng đã khác. Khác ở chỗ, nó không còn tập trung vào chuyện xưa tích cũ. Rất khô khan. Nhàn nhạt, về đủ thứ. Nhưng, đã biết bung ra. Bung nhiều, về xứ miền nhiều phấn chấn. Cội nguồn. Hấp dẫn dân nhà Đạo. Như truyện kể của linh mục nọ, về Châu Phi, ghi ở dưới:

“Tôi có quen một linh mục. Ông được mời đến xứ đạo nọ để san sẻ lời Chúa, trong một buổi Tiệc Thánh, rất Châu Phi. Ông là một trong số rất ít những người da trắng, sống chung đụng với hàng trăm giáo dân da mầu, người bản xứ. Đất miền này. Ông thuật lại: khi ông đứng bục để chia sẻ Lời Chúa, thì giáo dân ngồi dưới vừa nghe vừa nhún nhảy. Cười hát vang vang. Vui thú. Nhộn nhịp. Và, mỗi khi ông kể dăm ba câu chuyện hài hước để minh hoạ cho đề tài thần học và kinh thánh, thì giáo dân ở đó cứ đòi ông kể thêm, nhiều hơn nữa. Và, bài chia sẻ hôm ấy, kéo đến gần 20 phút, mà họ vẫn không thấy là dài. Bởi lẽ, cứ sự thường, thánh lễ ở hầu hết các miền bên Châu Phi, kéo dài hơn hai tiếng đồng hồ. Không thấy ai đi trễ. Chẳng thấy ai vội về. Không càm ràm. Chẳng chê trách, Vẫn vui hát.” (x. Richard Leonard sj Sunday meditation, 18/10/2009)

Nói cách khác, nếu nhìn vào mức suy giảm trong số những người đi nhà thờ, rồi chán nản cho rằng Đạo Chúa đã và đang suy sụp. Cũng không đúng. Như truyện kể ở trên, có người nhìn sự kiện truyền Đạo, nay khác hẳn. Khác, tức là mọi công tác rao truyền Đạo Chúa không còn tập trung vào lục địa già/xưa, cổ lỗ nữa. Nhưng đã chuyển hướng về đất miền trẻ trung, đầy phấn chấn. Nói cách khác, nay là lúc các xứ truyền giáo khi xưa đã khởi sự quay về nguồn cội, đề rao truyền Tin Mừng của Chúa, cho các vị từng ngủ vùi trong quên lãng. Khi sự dữ/Ác thần, đã ở trong. Trong Đạo. Trong đời.

Nói “các vị”, nhưng là chính ta. Chính là dân con Đạo Chúa, vẫn theo Đạo và giữ Đạo của Chúa, một cách rất “Tây”. Tây, trong suy tư. Tây, cả trong cách hành xử, nhiều khiếm khuyết. Tây, còn theo nghĩa mà đức thày khác, đức thày Dòng Tên ghi danh ở trên, đã có quan niệm rất mới, như sau:

“Rõ ràng là, văn hoá rất “Tây” của chúng ta, dù có đủ tính chất tinh vi phức tạp, công bằng và uyển chuyển, xem ra đang mất đi cái thần hồn và thần tính, của chính mình. Các nước đã phát triển, nay đã nhanh chóng trở thành đất miền truyền giáo rất mới, của thế giới. Mai ngày, các nước còn tiến triển, có lẽ sẽ giúp ta tìm lại diện mạo Đức Kitô, trong nền văn hoá của chính mình. Và như thế, điều này sẽ giúp tìm được con Đường. Sự Thật. Và, sự Sống. Của Tin Mừng.

Các nước đang phát triển, tuy còn kém cỏi rất nhiều thứ, vẫn cho ta thấy được rằng: cả vào khi người người có nhu cầu thiết yếu để mưu cầu cuộc sống hằng ngày. Họ vẫn sống, đúng phẩm giá con người, dù có khó khăn về kinh tế và cuộc sống thường nhật, họ vẫn yêu thương. Vẫn đứng vững trong niềm tin, rất chung thuỷ. Đương nhiên là việc này cũng chẳng làm ta ngạc nhiên hay bị sốc, gì hết. Bởi, như Chúa nói với ta qua Tin Mừng thánh Máccô đoạn 10, câu 35-45, là: không ai, không có gì, và cũng chẳng có nền văn hoá nào, được phép thống trị người khác. Hoặc, trở thành cơ chế độc đoán, với bất cứ người nào, văn hoá nào. Chí ít, là văn hoá khác kiểu “Tây” của mình. Điều, khiến cho cộng đồng dân Chúa khắp nơi trở thành những con người cao cả, là: lòng khiêm nhu, độ lượng, trong phục vụ. Khiêm nhu/khiêm hạ, cả vào lúc được người khác phục vụ mình, đề cao mình nữa…” (x. Richard Leonard sj, bđd)

Tính khiêm nhu độ lượng ấy, nay vẫn thấy ở những đất miền bị mọi người cho là nghèo, là hèn. Đang phát triển. Một Châu Phí. Châu Á. Với, Ấn Độ. Những nơi sản sinh nhiều đấng bậc rất lành tuy chưa được phong thánh, nhưng vẫn nói về Nước Trời ở trần gian, có Chân. Có Thiện. Có Mỹ, như ngài Mahatma Gandhi của Ấn Độ, rất đức độ, như sau:

*Cách hay nhất để tìm lại chính mình, là để mất đi con người mình, bằng việc phục vụ kẻ khác.”

*Thiên Chúa nhiều lúc cố tìm ra người để Ngài chúc phúc, nhưng cũng khó.

*Khi chiêm ngưỡng nét diệu kỳ của buổi chiều tà hoặc cái đẹp của mặt trăng, hồn tôi bỗng trải rộng ra hơn, bằng việc phụng thờ Đấng Tạo Hoá.

*Khi ta có được sự hài hoà giữa những gì ta nghĩ, với những gì ta nói và những gì ta làm, đó là lúc ta thực sự có hạnh phúc.

*Nếu ta thực sự chỉ biết dạy cho thế giới này biết về hoà bình, và dấy lên cuộc đấu tranh chống lại chiến tranh, thì có lẽ ta phải bắt đầu từ nơi con trẻ.

*Với tôi, vẫn là chuyện huyền bí để nghĩ rằng sao mà con người vẫn cứ cho là mình được tuyên dương bằng sự khiêm hạ/nhún nhường của tha nhân.

*Thật quá dễ để ta có thể làm thân với bạn bè của người khác. Nhưng làm bạn với người mà mình cho là kẻ thù, vẫn là bản chất của tôn giáo đích thực. Ngoài ra, tất cả chỉ là chuyện làm ăn/tầm phào, mà thôi.

*Về nguyện cầu, tốt nhất nên có con tim không lời lẽ, hơn là có lời lẽ mà không con tim.

*Không có gì làm ta phí phạm thân xác bằng sự lo lắng. Những ai không có niềm tin vào Thiên Chúa sẽ phải xấu hổ mà ưu tư về bất cứ thứ gì, giống như thế.

*Chỉ mỗi phục vụ độc nhất cho một con tim bằng hành động duy nhất nào đó, vẫn tốt hơn là cả ngàn cái đầu cứ co cụm lại cúi rạp, mà cầu kinh.

*Đừng nên để mất niềm tin vào nhân loại. Bởi, nhân loại là biển cả bao la, nếu chỉ một giọt nước biển bị dơ bẩn, toàn biển cả đâu có bẩn dơ.

*Chính ta phải là sự đổi thay, nếu muốn thế giới này thay đổi.

Trên đây là những lời lẽ nói lên được nhiều điều, chẳng cần phải thêm thắt một lời bàn nào hết. Bởi, càng có lời bàn, ta càng làm cho những lời ấy rối rắm, những ưu tư. Ưu tư – lo lắng, như lời bàn về giảm suy số lượng những người còn niềm tin nơi Đạo. Chí ít, là chất Đạo của niềm tin.

Lời cuối hôm nay, bần đạo xin đề nghị, là: cứ thế mà hát vang câu ca của nghệ sĩ, từng viết:

“Nha Trang lời này mong sao nhắn tới,

tuy xa bao nhiêu ngày rồi,

mộng đẹp còn luôn với tôi.” (Minh Kỳ/Hồ Đình Phương – bđd)

Nếu đồng ý với nghệ sĩ, mộng đẹp hôm nay về niềm tin hay bất cứ thứ gì, vẫn là điều mà bạn và tôi, ta mong ước. Mong ước nhiều, về niềm tin vẫn có trong ta. Nơi ta. Niềm tin của ta và của người, vẫn được Thầy Chí Thánh nhắc nhở, ở Tin Mừng:

“Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống;

Phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu.

Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy,

thì Thầy không có quyền cho,

Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai

thì kẻ ấy mới được.”

(Mc 10: 39-40)

Thêm nữa một lời cuối, là một nhắc nhở, rằng: niềm tin cũng là quà tặng, từ Đức Chúa. Chí ít, là số người đi nhà thờ, để kính tôn.

Trần Ngọc Mười Hai

vẫn cầu cho mình

đừng quá lo về số lượng,

để rồi nghi ngờ về chất lượng

của niềm tin.

Anh em mình.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com

No comments: