Tuesday, 1 October 2019

“Hồn cầm phong sương hình dáng xuân tàn”


Chuyện phiếm đọc trong tuần thứ 27 thường niên năm C 06/10/2019

“Hồn cầm phong sương hình dáng xuân tàn”
“Ngày dần buông trôi sầu vắng cung đàn.”
(Văn Cao – Cung đàn xưa)

(Gioan 8: 11)

Hình dáng xuân tàn, có lẽ và có thể chẳng là “Hồn cầm phong sương” của “Cung đàn xưa” hoặc “Khúc nhạc nay” đâu bao giờ. Có thể, đó cũng chỉ là ảnh hình của một “Ngày dần buông trôi”, như lời ca bên dưới. Nhưng, trước khi đi vào phần truyện kể có lời ca/tiếng hát, xin mời bạn/mời tôi ta nghe lại lời nhủ khuyên của Đấng Thánh Hiền năm xưa ở Kinh Sách, những phán rằng:

            Thôi về đi,
và từ nay đừng phạm tội nữa!"
(Gioan 8: 11)

“Về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” có thể vẫn là lời khuyên gửi đến hết mọi người trong/ngoài nhà Đạo. “Về đi, kẻo người ta chờ kẻo người ta mong!” Mong và chờ, như ca-từ nhạc bản còn nhắn nhủ nhiều điều, như sau:

“Từ người ra đi chờ vắng tin người.
Từ người ra đi là hết mơ rồi.
Cung thương là tiếng đàn.
Cung nam là tiếng người.
Ai oán khúc ca cầm châu rơi.
Tình duyên lãng đãng, nhớ thương dần pha phôi.
Cung đàn ngân buồn xa vắng trong tiếng thầm.
Buồn tê tái trong tiếng ngân, buồn như lúc xuân sắp tàn.

Ôi đàn xưa còn vang nhắc chi tới người.
Lòng ta tắt bao thắm tươi u hoài duyên đưa.
Chiều năm xưa gót hài khai hoa.
Mắt huyền lưu xuân, dáng hồng thơm hương.
Chiều năm nay bóng người khơi thương.
tiếng đàn gieo oan giấc mộng chàng Trương.

Giờ còn mong chi người hát theo đàn.
Giờ còn mong chi hợp cánh hoa tàn.
Lời đàn năm xưa se kết đôi lòng.
Lời đàn năm nay đôi lứa xa vời.
Khi hôn hoàng xuống dần.
Trăng lên vàng mái lầu.
Nghe thoáng tiếng kinh cầu xa xa.
Ngàn lau thấp thoáng bóng kinh kỳ
sầu bao la.
(Văn Cao – bđd)

Vâng. Lời đàn năm xưa se kết đôi lòng” hoặc cung đàn hôm nay “nghe thoáng tiếng kinh cầu” vẫn là cung là điệu của nhạc bản thời tiền chiến xa xưa hay thời hậu bán thế kỷ 20 thôi. Thế nhưng, có là cung đàn thời nào đi nữa, ắt vẫn là những cung và đàn của nhạc Việt tình tứ rất thi ca, đượm nhiều ảnh hình về một thời xa xưa mà người nghe hôm nay còn tiếc nhớ. Tiếc và nhớ, những tình tự và khung-cảnh trữ tình của người Việt, rất An-Nam.

Vâng. An-Nam, Việt-Nam hay Việt-tộc vẫn là giống-giòng Lạc Hồng/con rồng cháu tiên, kể không hết. Vâng. Hôm nay ngồi xuống kể lại những tuồng xưa/tích cũ tưởng cũng nên tường trình đôi điều khác lạ ở trong truyện. Truyện, là: Ở vùng quê tôi, hôm nay, người người không cón thói quen hoặc niềm vui đọc sách nghe kinh/kệ như dạo trước. Lý do đưa ra, thiên-hạ những bảo rằng: bà con nay thiếu hụt thì giờ hơn xưa, cũng rất nhiều. Kể câu chuyện này ra đây, thật cũng bật cười không kém.

Một tháng vẫn đủ 30 ngày. Một ngày đầy 24 tiếng vẫn không thiếu đến một giây hay một phút. Thế mà thiên-hạ vẫn nói chữ “không đủ giờ” để đọc sách, nghe nhạc qua CDs hoặc ipad. Thôi thì, tôi và bạn ta nghe ra như thế cũng đành chịu, chứ biết sao bây giờ? Thôi thì, bạn và tôi, ta cứ thúc thủ chào thua, chịu trận! Có chào thua/chịu trận như thế, thì bà con ta mới hài lòng “thí cô hồn” cho bầy tôi đây dăm ba phút giây để nghe tiếp câu ca quen thuộc từ nhạc-bản thuở trước có những ca-từ như sau:

Cung đàn ngân
buồn xa vắng trong tiếng thầm.
Buồn tê tái trong tiếng ngân,
buồn như lúc xuân sắp tàn.
Ôi đàn xưa!
còn vang nhắc chi tới người.
Lòng ta tắt bao thắm tươi
u hoài duyên đưa.”
(Phạm Duy/Văn Cao – bđd)

Nghe hát rồi, nay mời bạn và tôi, ta lạm bàn một đôi chút về chuyện Đạo nghe được từ cụ Đạo thuộc đấng bậc thày dạy từng ‘phán bảo’ trong một tiết mục hơi bị dài vào thuở trước, có niên biểu là 2014, những là trần-tình trong cuốn “Đầm Mình Trong Vũng Tôi ư?” như sau:

Hồi còn học lớp 7, lần đầu tiên trong đời, tôi được mẹ hiền tặng cho một cuốn Kinh thánh như món quà giá trị, quí hiếm vào dịp Giáng Sinh. Sách mẹ tặng, in theo cung-cách trang-trọng như mọi người thường vẫn làm, nghĩa là: bìa da, giấy lụa, gáy mạ vàng, mục lục ngắn có chú-thích đầy đủ ở trang cuối lại vẽ nhiều bản đồ thánh-địa thời cổ sử.

Sách in hai cột theo kiểu tự-diển hoặc bách-khoa toàn-thư, tức: loại sách đặc-biệt giúp người đọc lâu lâu quay về sử-dụng vào mục-đích nào đó chứ không để qui-chiếu liên-hồi như một số các nhà thông-thái/bác học thường làm. Nguyên-bản được sắp-đặt không chỉ mỗi theo chương/đoạn súc-tích ngắn gọn mà thôi nhưng còn bao gồm nhiều câu nói nhẹ nhàng, tế-nhị. Đặc biệt hơn cả, là: mỗi khi trích-dịch lời Chúa, thì các câu Ngài nói được tô đậm với nét chữ màu đỏ rực.              

Người xưa thường sử-dụng cụm-từ “sách in chuẩn-mực”, tức: được giáo-quyền cho phép in theo bản “King James” bên tiếng Anh. Nói chung, đây là loại sách in từ năm 1943, tức: vào thời mà nhiều văn-bản khác chưa kịp xuất hiện.

Thật ra, đây là quà Giáng Sinh khá xứng-hợp bởi lẽ Giáng Sinh năm ấy, tôi còn được mẹ tặng một bức tranh treo tường vẽ hình Đức Giêsu thật to như để minh-chứng một điều, là: cả đến cậu bé mười hai tuổi là tôi, vẫn được trân-trọng trong một gia-đình cao sang, quyền-quý. Khi ấy, tôi rất ngạc-nhiên về chuyện là Mẹ tôi đã biết đầu tư cuốn Kinh thánh cho gia đình, là sách bao gồm nhiều điều thánh-thiện xuất từ đó. Chúng tôi đọc Kinh thánh tuy không nhiều, nhưng lúc nào cũng trân quí Sách. Tôi hay ngắm nhìn cách trân-trọng cuốn Sách thánh đặt ở bàn nước là nơi không ai được phép để bất cứ thứ gì ở trên đó.

Bên trong Sách quí còn thấy ghi tên tuổi mọi người trong gia-đình, ngay cả tên tôi cũng hiện ra trong đó cùng ngày sinh/tháng đẻ và ngày rửa tội được ghi đậm trong sách và có cả tên tục của bố mẹ và mọi người được tóm gọn trong Sách. Thêm vào đó, là giòng chữ nằm ở đầu trang có ghi rõ ghi ngày tháng bố mẹ tôi làm đám cưới nữa. Ngay đến tên ông bà nội/ngoại cũng được ghi đầy đủ chi-tiết mà mọi người trong nhà đều biết rõ, duy có mỗi mình tôi là chưa từng nghe nói về những chuyện tương-tự. Nói chung thì, Sách đây còn ghi thêm nhiều tiểu-tiết về các thế-hệ trong gia-tộc từng kết-hợp mật thiết với Chúa, Đấng chúng tôi quen gọi là “Cha trên trời”.

Đáp lại nghĩa-cử ưu-ái của mẹ hiền từng cho tôi rất nhiều quà, tôi cũng hứa với mọi người là: sẽ thực-hiện việc mỗi ngày đọc một chương sách. Và, cứ thế tôi bắt đầu có cảm tình với Sách thánh đến độ ngày nào tôi cũng đọc Kinh Sách với tốc độ nhanh chóng  khiến tôi nuốt chửng cả hai bộ sách Cựu và Tân Ước cùng các Ngụy Thư cứ mỗi hai năm một lần.

Suốt cuộc đời, tôi vẫn đọc Sách thánh theo nhiều cấp-độ, và xếp hạng từ thể loại diệu kỳ cho chí kinh-điển, nhất nhất tôi đều học được nhiều điều nằm ở nội dung Sách vào các ngày Chủ Nhật và tại các trường dạy Thánh Kinh vào kỳ nghỉ trở-thành một thứ lề thói thông thường thời ấu thơ của tôi, mỗi kỳ nghỉ hè. Tôi cũng được học hai khóa Kinh thánh một cách khá xuyên suốt tại trường công-lập ở Charlotte, miền Bắc Carolina.

Khi ấy, việc dạy Kinh thánh tại các trường Công-lập vẫn chưa bị coi là trái hiến pháp. Cả hai môn này đều do một bà thày khá giỏi dang. Các bà thày loại này chẳng bao giờ biết phấn son, trang-điểm lòe loẹt bởi lẽ các bà đều nghĩ rằng những việc như thế đều “vi-phạm Lời Chúa”.

Có thể là, bà thày của tôi chưa có bằng cấp loại kinh-điển nhưng bà không bao giờ để mất tình yêu Chúa đến mức tối đa. Bà thày tôi còn biết mê-hoặc đám học trò nhỏ trong lớp bằng cách kể cho chúng nghe truyện các ông Giuse, Môsê, Êlya và Phaolô hoặc nhiều truyện kỳ-bí về cây khổ-giá. Bà thày tôi lại cũng tin-tưởng vào những gì thuộc phạm-vi trí nhớ đến độ ngay vào thời-điểm này, tôi vẫn có thể đọc vanh-vách các đoạn “văn gốc” dài đằng đẵng của Kinh thánh, cũng vẫn được. Niềm đam mê tôi có với Kinh thánh khởi từ thời-điểm rất sớm, nhưng vẫn lưu lại nơi tôi suốt cuộc đời, dù tầm nhìn của tôi về Kinh Sách vẫn nông-cạn, ngay từ buổi đầu.

Tầm nhìn của tôi về Kinh thánh theo nghĩa đen khá nông cạn, đã qua đi ngay từ thời niên-thiếu, nhất là sau đợt công-kích dữ-dội của trường lớp đại-học bậc cao tít. Tuy thế, cái chết của chủ-nghĩa hiện-thực, lại cũng không mang đi những điều tương-tự, như nó từng khiến nhiều người trở-nên loại người như thế. Nói cách khác, tôi không còn thích xả mình cho việc học-hỏi Kinh thánh nữa.” (Gm John Shelby Spong, Đầm Mình Trong Vũng Tội, nxb HarperCollins 1990 tr. 94)

Nói chung thì, thời hôm nay nội chuyện khuyến khích dân con đi Đạo đọc sách/báo thuật chuyện tin tức xảy ra trong thế giới nhà Đạo đã là chuyện khó làm rồi, huống hồ chuyện khích-lệ mọi người suy tư Lời của Đấng Thánh Hiền lại khó khó hơn. Duy nhất có một điều, là: nếu cứ lai rai kể chuyện tào lao chi đế, cho bà con nghe cho “đã”/cho “bưa” rồi thi thoảng cài đặt đôi ba tư-tưởng này nọ là xong ngay. Vậy thì, xin cho bần đạo bày tôi đây kể lể đôi giòng chảy nhẹ, vui vui ngăn ngắn, rất như sau:

Cô cảnh sát to béo ngồi thèo đảnh trên ghế xoay, như cảnh thường thấy trong những phim Mỹ, hất hàm hỏi tôi:
-Ông đến đây làm gì?
-Tôi tới thăm bè bạn, thưa bà - tôi đáp.
Cô ta ngả người trên ghế, quan sát tôi vài giây.
-Hừm, ông không định kiếm việc ở đây chứ?

Cô ta chừng hai mươi lăm cái xuân xanh. Tôi chắc mình đã phạm sai lầm khi gọi cô bằng “bà”. Dù sao thì câu hỏi của cô cũng cho tôi thấy được khía cạnh tự thị của người Mỹ. Họ nghĩ ai tới đây cũng để kiếm một chỗ làm, hoặc tệ hơn, ở lì.

-Tôi 66 tuổi. Liệu ở đây có việc cho tôi không, thưa cô?
Cô cảnh sát không trả lời, xem rất kỹ thư mời của Hội Văn học Nghệ thuật Việt-Mỹ (VAALA), cái đầu ngúc ngắc.

-Ông làm nghề gì?
-Tôi viết văn, thưa cô.
-Nhà văn hả? All right. Ông có cuốn sách nào mang theo không? Sách của ông, tất nhiên.
Tôi ngớ người. Tôi có mang theo mấy cuốn sách. Nhưng không phải sách của tôi.
- Chỉ những nhà văn hạng bét mới phải mang theo sách của mình để tự giới thiệu mỗi khi đi đâu - tôi đáp, giọng đủ để cô ta hiểu tôi khó chịu - Hình như trong cặp của tôi còn có một bức thư của Nghị hội các Nhà văn quốc tế. Gửi cho tôi, tất nhiên. Mới đây. Cái đó có thể chứng thực nghề nghiệp của tôi. Cô có cần xem không?

Cô ta ngẩng đầu lên, và bỗng nhoẻn cười, lần đầu tiên:
-OK! Không cần đâu. Chúc ông may mắn.

Rồi đóng dấu lạch xạch vào cuốn hộ chiếu của người không quốc tịch, trả nó cho tôi. Và đáng ngạc nhiên làm sao, gương mặt khó đăm đăm của cô bỗng dãn ra, cô nháy mắt với tôi, nụ cười của cô hết sức thật thà, hết sức tươi tắn, phô hàm răng hết sức trắng chỉ người Mỹ mới có.

Nước Mỹ đón tôi không thân thiện, nhưng cũng không lạnh nhạt. Như ở địa đầu mọi quốc gia, với một chút dấu ấn riêng của quốc gia mang tên Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ.

Nhưng đây là nước Mỹ, nước có liên quan trực tiếp với Việt Nam của tôi từ Thế chiến thứ hai, với những pháo đài bay B26 đã ném bom Hà Nội từ 1943, với những Phantom, Thunderchief, B.52 đã bắn và ném bom khắp miền Bắc Việt Nam trong cuộc chiến vừa mới qua. Có nghĩa là chuyến đi của tôi vào một đất nước xa lạ, cách đây bốn thập niên là điều không thể tưởng tượng được là có, đã xảy ra.
(Viết vào một ngày cuối thiên niên kỷ thứ 2).

Viết chuyện phiếm hay viết truyện để phiếm, cũng chỉ là viết và viết để rồi một ngày đó, có độc giả lại cứ đi tìm người viết đòi nghe cho được nhiều câu truyện kể để tiếc nhớ những gì mình đã có hoặc từng có nay hết rồi.

Viết chuyện để phiếm còn là kể những câu truyện kể không đến nỗi tệ lậu hay tệ-hại, để bà con mai này sẽ cứ lai rai tìm về mà đọc mãi. Những câu truyện như bên dưới, làm sao mà bỏ mà quên cho được.

            “Truyện rằng,

Hôm đó, tôi đi học về trễ hơn mọi bữa, trời đã nhập nhoạng tối. Cha đứng đợi ở cửa, quát:
-Đi đâu giờ này mới về? Tôi lí nhí đáp:
-Dạ, con đi học thêm!
-Không học thêm học thiếc gì hết! Bỏ cửa bỏ nhà, không dọn dẹp nấu nướng; heo ca gà vịt không ai cho ăn, vừa nói, cha vừa rút cây roi vắt trên vách, quất liên tiếp vào mình tôi.
-Kể từ ngày mai, không được đi học gì hết! Học nè, học nè, học nè! mỗi từ học là một roi. Tôi đau quặn người, đưa tay ra đỡ. Cây roi gãy làm đôi. Cha quăng cây roi gãy xuống, phăm phăm bước vào nhà, đến kệ sách của tôi, chụp lấy đống sách vở, vừa quăng vừa xé! Tôi đứng trân mắt nhìn, đau điếng nhưng không dám phản ứng.

Mẹ từ trong bếp chạy ra, kéo tôi vào nhà sau, nói:
-Muốn ăn đòn nữa hay sao mà còn đứng đó. Vô nấu cháo heo đi!
Nhà sau là một cảnh nháo nhác. Bầy heo đói, kêu eng éc. Lũ gà lên chuồng lục tục, quang quác. Âm thanh inh-ỏi. Mẹ tôi vừa thổi cơm, vừa la hai đứa em trai tôi, bảo tụi nó xắt rau, xắt chuối. Khói cay mù mịt gian nhà tranh chật chội, cay xè cả mắt. Bữa cơm tối rất trễ, tôi nuốt cơm, nuốt luôn cả những giọt nước mắt.

Năm đó tôi đang ở vào cuối cấp ba. Nhà tôi nghèo xơ xác. Cha tôi làm nông, mùa được mùa mất. Mẹ thì đi may ở chợ, sớm dọn đồ ra, tối dọn về. Anh Hai tôi trước đó buổi đi học, buổi phụ mẹ. Thấy mẹ cực quá, anh quyết định nghỉ học. Mẹ không cho, bảo: 

-Nếu con không học thì ra chợ xin thức ăn thừa ở mấy quán cơm về nuôi heo!
Anh tôi làm thiệt. Thấy cảnh đứa con trai mười bảy tuổi ngày ngày hai tay xách hai xô ra chợ xin thức ăn thừa, mẹ chịu không nổi, cho anh theo học may.  

Đến lúc anh Ba tôi vào đại học, cha mất đi một người phụ việc, lại phải hàng tháng gửi tiền cho anh, nhà lâm vào cảnh túng quẫn. Cha mẹ cắn răng chịu đựng thêm vài năm, đến khi tôi vào lớp 12, cha bảo:
-Con Phương là con gái, không cần phải học nhiều, hết mười hai ở nhà phụ mẹ vài năm rồi lấy chồng là vừa.
Nghe vậy, tôi ứa nước mắt, nhưng biết cảnh nhà cơ cực, không dám hó hé, dặn lòng học đến đâu hay đến đó, biết đâu cha mẹ đổi ý cho tôi vào đại học.

Năm cuối cấp, bài vở rất nhiều. Tôi vừa học ở trường, vừa học thêm ở nhà Nam – học miễn phí, vì “thầy giáo” chính là Nam! Nam học với tôi từ nhỏ, hai đứa rất thân. Biết cảnh nhà tôi, Nam thường kèm tôi làm bài tập. Sau giờ đi luyện thi ở nhà thầy chủ nhiệm về, Nam sắp xếp thời-gian hướng-dẫn cho tôi làm bài tập chung. Nhờ vậy mà tôi học cũng khá. Nhưng kẹt nỗi, tôi vừa học vừa phải canh giờ về.

Ở nhà bao nhiêu việc chờ tôi, nào nấu cơm tối, dọn dẹp nhà cửa, nào giặt giũ áo quần, cho heo ăn – lũ heo chính là tiền học của mấy anh em tôi, nhất là anh Ba; nhờ bán mấy lứa heo con, mẹ mới có tiền gửi cho anh trọ học! Cha tôi biết chuyện tôi nuôi mộng đại học, nhưng do việc nhà cũng ổn nên không nói gì. Ngặt nỗi, hai đứa em tôi lười chảy thây, chẳng giúp tôi được gì. Đó cũng chính là lý do gián-tiếp khiến cho tôi bị cha xé tập vở, bắt phải nghỉ học gấp.

Sáng hôm sau, lo lắng cơm nước xong, phần cho cha bới đi làm, phần để mẹ bới đi chợ, tôi rón rén ôm cặp ra khỏi nhà. Cha nhìn theo, lặng lẽ. Đến lớp, mắt tôi vẫn còn sưng húp, tụi bạn xúm nhau hỏi, nhưng tôi không trả lời. Xui xẻo làm sao, đúng hôm đó thầy chủ-nhiệm gọi tôi lên trả bài. Tôi hoảng hốt, ngơ ngẩn bước lên bục giảng. Thầy cầm lấy quyển tập của tôi, ngạc nhiên hỏi:
-Tập em sao thế này? Không phải em xé đó chứ?

Tôi đứng im vô hồn, thầy hỏi gì cũng không đáp.
-Này! thầy khẽ nắm lấy cổ tay tôi lắc lắc, đúng ngay chỗ bị cha đánh. Tôi đau quá, la “oái” lên.
Thầy nhìn thấy cổ tay tôi sưng vù, bầm tím, như hiểu ra điều gì, dịu giọng nói:
-Em xuống phòng y tế đi, nhờ cô Vy bóp dầu cho. Thầy cho em nợ, lần sau trả bài nhé!

Kể từ hôm đó, thầy chủ-nhiệm quan-tâm đến tôi nhiều hơn. Thỉnh thoảng, thầy nhờ Nam gửi cho tôi một vài quyển sách tự-học với lời nhắn-nhủ: “Hãy cố lên, rồi mọi thứ sẽ tốt đẹp, em nhé! Không gì là mãi mãi…” Lời nhắn nhủ của thầy theo tôi mãi đến những tháng năm sau này…

Rồi tôi cũng tốt nghiệp, loại giỏi! Tôi tiếp tục nộp đơn dự tuyển sinh đại học. May thay, dù chỉ dự thi một trường duy-nhất là Đại học Sư phạm, tôi cũng đậu. Trước mặt tôi là một con đường! Dưới chân tôi là một con đường! Tôi sẽ phải bước tiếp!

Hôm tôi trình giấy báo nhập học, mẹ lặng lẽ cười. Cha tôi trầm ngâm không nói. Thêm một người nữa vào đại học. Một niềm vui, một nỗi lo. Phía trước, phía trước. Phía trước chắc chắn là những tháng ngày gian khó cho cha mẹ, và dĩ nhiên, cả cho tôi nữa. Tôi nhớ lúc trong phòng thi, khi đã hoàn thành bài thi cuối cùng mà vẫn còn chút ít thời gian, thay vì coi lại bài, tôi đã gục đầu trên trang giấy của mình và khóc. Giám thị có lẽ nghĩ tôi làm bài không được, nhìn tôi ái ngại.

Nhưng tôi thì lại khác, không hiểu sao tôi nghĩ là mình sẽ đậu, đậu trong lo lắng. Tôi khóc vì tấm lưng cha phơi nắng giữa đồng. Tôi khóc vì những đường kim miệt mài của mẹ. Khóc cho hai đứa em tôi. Và tôi khóc cho tôi. Không gì là mãi mãi… Tôi nhớ câu nói của thầy chủ nhiệm và tự nhủ: vì những người thân yêu, mình sẽ thay đổi được mọi thứ! Nhất định!

Khuya hôm đó, mẹ dậy sớm nấu cơm. Hai đứa em tôi vẫn còn say ngủ. Cha ngồi uống trà, nghe radio, kênh nhà nông. Tôi một mình xếp hành lý. Ăn sáng xong, tôi cúi đầu chào cha mẹ lên đường. Cha tôi chỉ gật đầu, còn mẹ chỉ dặn:
-Con đi đường cẩn thận. Phải biết tự chăm sóc cho mình, cha mẹ ở xa không lo được. 

Lần đầu tiên tôi xa nhà, xa những vài trăm cây số. Trong túi tôi cũng chỉ vỏn vẹn vài trăm ngàn. Ra đến cổng, tôi ngoái lại nhìn căn nhà thân yêu của mình, nơi tôi đã sống, đã thương yêu, đã buồn khóc những 18 năm trời!

Bất chợt, tôi bắt gặp ánh mắt của cha nhìn theo. Thấy tôi quay lại, cha vội lảng đi chỗ khác. Dù xa, nhưng không hiểu sao tôi vẫn nhận ra những giọt nước mắt – giọt nước mắt đã chảy xuống đôi gò má sạm nắng của cha. Cha đã khóc vì tôi. Nghĩ đến đó, mắt tôi chợt cay xè!

Bến xe hôm đó thật đông. Tôi lên xe, lặng lẽ nhìn ra cửa. Đây là quê hương tôi, lát nữa tôi phải xa. Dù là đi học, nhưng không hiểu sao tôi vẫn có cái cảm giác biền biệt, như lời một bài hát: “Quê nhà tôi ơi, xứ Đoài xa lắm…”.

Xe khởi động. Tiếng rừm rừm làm tôi rùng mình. Tôi thò đầu ra khỏi xe, nhìn về hướng nhà. Bỗng, trên con đường đất đỏ, tôi thấy dáng ai đang tất tả chạy lại – dáng ai như thể dáng mẹ! Đúng là mẹ rồi! Mẹ đi đâu vậy nhỉ? Không phải giờ này mẹ phải ra chợ rồi sao? Đến trước cửa xe, mẹ hớt hơ hớt hải gọi tài xế:
-Chờ tôi chút!”.
Tôi vội lao ra khỏi xe.
-Có chuyện gì hả mẹ? tôi lo lắng hỏi.
-Không!, mẹ vừa thở hổn hển vừa nói: “Mẹ chỉ gửi cái này cho con!”.

Nói rồi, mẹ dúi vào tay tôi một bọc giấy nhỏ: “Con cầm lấy đi!” Tôi ngờ ngợ, vội mở ra, mẹ không kịp ngăn lại. Cái gì đây? Một đôi bông tai và chiếc nhẫn vàng! Ồ,… không! Chẳng phải đây là đôi bông tai và chiếc nhẫn cưới của mẹ sao. Mẹ đã giữ gìn cẩn thận nhiều năm, cho dù có túng quẫn thế nào cũng không đem ra bán. Đó là vật kỷ niệm thiêng liêng của ngoại tặng mà mẹ quý hơn máu thịt.

-Mẹ, con không nhận đâu! tôi bật khóc nói.
-Không, con cầm lấy đi cho mẹ yên tâm. Thân gái dặm trường, không có ai lo cho con cả!
-Còn cha thì sao? Cha có biết chuyện này không? tôi ngập ngừng hỏi.
Mẹ gật đầu:
-Cha con nói, vật kỷ-niệm thì cũng chỉ là vật. Bây giờ mà không đưa cho con thì đợi đến bao giờ? Thì ra, cha tôi… Cha vẫn rất thương yêu tôi, thương yêu theo cái cách của cha! Hai mẹ con chia tay nhau tại bến xe, ngập đầy nước mắt!

Xe chạy. Dáng mẹ xa dần. Tôi lại giở những kỷ vật của mẹ ra xem. Nước mắt lại trào ra. Tôi tự hứa là sẽ không bao giờ bán những kỷ vật này đi. Tôi có đôi bàn tay; tôi có khối óc; tôi có những kiến thức quý giá mà mình đã tích lũy được từ nhà trường, gia đình và xã hội. Nhất định tôi sẽ tự đứng trên đôi chân của mình. Nhất định!

Nhiều năm sau, tôi cũng không làm sao quên được cái ngày hôm ấy – cái ngày mà cha nhìn theo tôi, nước mắt cha chảy xuống đôi gò má sạm đen vì nắng! Tôi thương cha, thương theo cách của mình. Dù cha có làm gì đi nữa thì tôi vẫn thương.” (trích “Giọt Nước Mắt của Cha”, câu truyện ngăn tải lên mạng do St thực-hiện)

“Giọt nước mắt của Cha” và có thể cũng là ảnh-hình đầy nước mắt của nhiều người, trong đó có tôi, có bạn, có hàng triệu người, ở đây đó. Của ai thì của. Nước mắt giàn-giụa là ảnh-hình tiêu-biểu cho tình thương đầy ắp những tâm-tình của người cha, người mẹ và hết mọi người còn giữ tính-chất rất thương yêu, chiều chuộng, cả một đời. Nước mắt ấy, hôm nay, chảy tràn trên đôi gò má của nhiều người, suốt cuộc đời.

            Trần Ngọc Mười Hai
            Và những giòng nước mắt lâu nay vẫn chảy dài
khi sự cố vẫn xảy đến
Nhưng không nhận ra mà thôi.

No comments: