Saturday, 25 August 2012

“Ơn em thơ dại từ trời,”


Chuyện phiếm đọc trong tuần thứ 22 thường niên năm B 02.09.2012
“Ơn em thơ dại từ trời,”
“theo ta xuống biển vớt đời ta trôi.”
(Từ Công Phụng ­ - Ơn Em)
(Kh 3: 20)
            Phải chăng “ơn em” còn là ý tưởng của nhà thơ kiêm nghệ sĩ viết nhạc họ Từ? Hay là, tư tưởng của nhà Đạo hết còn thơ như bần đạo đây, bao năm đi Đạo cũng đã cảm nghiệm điều đó, một đôi lần.
Cảm nghiệm, gồm xúc cảm và kinh nghiệm về tháng ngày dài những viết và lách dăm ba chuyện dông dài đầy những “phiếm”, mà bạn đọc nọ vốn là trưởng ban/ngành đoàn thể ở nhà thờ vùng Tây Nam Sydney đã nhận xét: “Tôi có đọc bài ông này viết trên nguyệt san Dân Chúa Úc Châu, thấy nó “chả ra làm sao”!”
Vâng. đúng thế. Có lẽ cũng chả ra làm sao hết! Bởi, tất cả chỉ là những cảm và nghiệm về chuyện phiếm “chẳng ý nghĩa” khi nghiệp viết lách của bần đạo vẫn cứ “theo ta xuống biển vớt đời ta trôi.” Vâng. Bần đạo nhiều lúc thấy mình cũng như những người theo nhau xuống biển đời đen ngòm để “vớt đời ta trôi!” mà thôi. Kỳ thực, lại vớt được cả ơn “mưa móc”, tựa hồ tác giả vẫn còn hát:

“Ơn em dáng mỏng mưa vời
Theo ta lên núi về đồi yêu thương.
Tạ ơn em. Tạ ơn em.”
(Từ Công Phụng – bđd)

            Vâng. Bần đạo lại cũng nghêu ngao hát chữ “Tạ ơn Em! Tạ ơn Em!” cả khi cảm nghiệm về những phản hồi  bảo mình “chả ra làm sao” nhưng vẫn cảm tạ, trân trọng và xem đó là “ân lộc” khi có bạn đọc và bạn-không-đọc bài mình viết. Cảm tạ cả những ý kiến ở trên và ở bên dưới:

            “Thưa anh Tá thân mến,
Chị Mai nói là sách của anh khô khan và khó nuốt, mà Thảo đây đọc thấy vui lắm vì nó cho Thảo biết nhiều chuyện mà Thảo không biết. Thảo đọc tới bài số 9 trong tập sách số 6 của anh rồi. Có điều là Thảo không hiểu được hết, nhưng có thể là do tiếng Việt của Thảo không giỏi chứ không phải tại anh viết “khô khan” và “khó nuốt” đâu. Cám ơn anh thật nhiều đã cho Thảo sách của anh để Thảo được học hỏi thêm.” (Trích điện thư  08/7/2012 của người bạn tên Thảo Nguyễn)

Điện thư hay “thư điện” vẫn là ý kiến tư riêng của một người, hoặc vài người từng đọc hay không đọc sách/bài của người viết đôi giòng phiếm rất “chả ra làm sao cả”. Điện thư hay thư điện có được từ cuộc đàm đạo nọ, là cơ hội để bần đạo cảm nghiệm nhiều điều. Bởi có cảm nghiệm, nên mới cả gan nghêu ngao hát tiếp giòng nhạc trên, lại viết thêm:

“Ơn em tình những mù lòa,
Như con sâu nhỏ bò qua giấc vùi.
Ơn em hồn sớm ngậm ngùi,
Kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau.
Tạ ơn em. Tạ ơn em.”
(Từ Công Phụng – bđd)

            Hát câu “tạ ơn em, tạ ơn em” xong, bần đạo liền hồi âm cho chị bạn tên Thị Thảo họ Nguyễn từng có lời bộc bạch đơn thuần, mà bần đạo vẫn cứ coi mọi sự như “ơn em” từ trời đem đến, nên mới viết:
            “Chị Thảo thân,
Cảm ơn chị đã có đôi lời bộc bạch về bài viết của tôi trong tập sách “Chuyện Phiếm Đạo Đời” số 6. Thật ra thì, khi viết những chuyện lăng nhăng rất “phiếm” như thế, tôi đều viết theo tính cách thông tin, chuyển tải đến bà con nào biết khá ít về phụng vụ, giáo luật, giáo sử cũng như luân lý đạo đức, vv. Nói chung, là những điều mà người Đạo mình đã quên hoặc chưa biết…

Ở đây nữa, giòng chảy thông tin hoặc vận chuyển tư tưởng không mang tính cách của một giải đáp thắc mắc cho ai, mà chỉ cùng nhau tạo cảm thông cốt giữ gìn tình thân thương trong Hội thánh, thôi. Điều quan trọng, là: tình thân thương/thông cảm cần có giữa người cùng Đạo chứ tuyệt nhiên không là giải đáp luật Hội thánh, có từ ngàn năm. Chị thông cảm cho mình nhé.” (hồi đáp của người viết để đả thông tình thân huynh đệ trong Giáo hội)

            Hồi âm hay phản hồi, bần đạo chỉ muốn “trần tình” với bầu bạn thêm một lần rồi thôi. Trần tình rồi, nay lại đến với đấng bậc tầm cỡ thày dạy trong Đạo thuộc nhóm/hội được gọi là Công Trình của Chúa để hiểu thêm về “ơn mưa móc” rất huệ/lộc cho mình như sau:

“Như lần trước, tôi có đề cập đế cập ở mục “hỏi/đáp” trên báo này, tờ tuần Công giáo Sydney về Ân lộc Chúa ban gồm hai sắc thái: ơn thánh-hoá và các ân huệ đích thực. Về ơn thánh-hoá, sách Giáo lý Hội thánh Công giáo có đoạn nói: “Ơn thánh-hoá khác với ân lộc lành thánh là ơn và huệ vốn dĩ qui về sự can thiệp của Chúa hoặc ngay từ đầu hoặc vẫn cứ xảy đến trong tiến trình thánh-hoá.” (x. GLHTCG đoạn 2000)
Trong lúc ơn thánh-hoá nằm lại ổn yên nơi tâm hồn con người, thì ân lộc lành thánh lại tiếp tục chuyển giao mọi trợ giúp Chúa ban hầu kéo ta về gần Chúa. Cũng thế, trong khi ơn thánh-hoá tự nó khiến cho ta nên thánh, thì ân huệ lành thánh lại dẫn ta đến với Chúa để ta lại nhận thêm ơn thánh-hoá mà trở thành thánh-nhân.
Qua ân-huệ lành thánh, Chúa giúp ta hiểu được sự thật dẫn đưa ta về với Ngài và hành xử sao cho phù hợp với sự thật ấy. Vì thế, ân lộc lành thánh hành xử cả trong tâm thức lẫn ý lực. Thánh Âu Tinh từng bảo rằng ân lộc lành thánh ấy tạo nên “không chỉ mỗi điều là ta khám phá ra được những gì phải làm mà cả đến việc phải làm những gì mình khám phá ra nữa; không chỉ những gì ta tin rằng mình đã được yêu mến mà còn phải yêu mến những gì mình tin nữa.” (x. Sách viết về Ơn Thánh Chúa, chương 12)
Ân huệ Chúa ban, đến với mọi người. Thế nhưng ta vẫn có quyền tự do ứng đáp lại ân huệ ấy hay không. Cũng tựa như trời mưa tuôn đổ thật nhiều nước uống cho trái đất và nhờ đó tặng ban sự sống cho mọi loài, nhưng con người vẫn có tự do làm máng hứng hay làm mái chặn cho khỏi ướt đầu từ chối mọi lợi lộc từ giòng chảy đó. Chính đây là sự tương tác bí nhiệm giữa ân lộc và tự do của con người, trước ân và lộc đó.
Khi con người đáp ứng với ân lộc Chúa ban rồi từ đó thực hiện ý định của Chúa, họ sẽ tăng trưởng sự lành thánh và tồn trữ ân và lộc đó trong phần sâu thẳm đáng giá của họ trên thiên quốc. Còn nếu họ ngoảnh mặt làm ngơ như người điếc lác thì họ sẽ để mất cơ hội bằng vàng và có thể lại càng xúc phạm đến Chúa qua tội lỗi.” (x. Lm John Flader, Question Time, The Catholic Weekly 24/6/2012 tr. 11)        

            Nói như đấng bậc thày dạy về đạo đức, cũng là nói như thánh nhân khi xưa vẫn từng bảo:

                        Này đây Ta đứng trước cửa và gõ.
Ai nghe tiếng Ta và mở cửa,
thì Ta sẽ vào nhà người ấy,
sẽ dùng bữa với người ấy,
và người ấy sẽ dùng bữa với Ta.”
(Kh 3: 20)

            Nói theo nghệ sĩ ngoài đời, bằng giòng nhạc, lại nói khác. Có khác lắm, chỉ như sau:

                        “Ơn em ngực ngải môi trầm
Cho ta cỏ mặn trăm lần lá ngoan.
Ơn em hơi thoảng chỗ nằm
Dấu quanh dấu quẩn nỗi buồn một nơị
Tạ ơn em. Tạ ơn em.”
(Từ Công Phụng –bdd)

            Thật ra, khi người nghệ sĩ viết lên giòng nhạc “Ơn Em” trên, ông nói không khác nhà Đạo. Bởi thế nên, trong lần ghé bến Sydney năm 2012 gặp đồng hương từng nguyện cầu cho ông “tai qua nạn khỏi” cơn bạo bệnh, để nhận lãnh ân lộc Trời ban. Kết quả là, ông đã qua được cơn bệnh hiểm nghèo đến chết được, để rồi hôm ấy ông lại hát thêm nhạc bản chép ở trên, chứng tỏ ông cũng được “Ơn Em” tuyệt vời ấy, Nên, giòng nhạc những ân và lộc đó, vẫn cứ chảy trong lòng người, như:

                        “Ơn em, dáng mỏng mưa vời,
                        Theo ta lên núi, về đồi yêu thương.
                        Tạ ơn em. Tạ ơn em.”
                        (Từ Công Phụng – bđd)

            Không cần biết, ai đó một khi đã qua được cơn khó, có ngồi lại nói lời “Tạ ơn Em” hay không. Cũng không cần bảo, và cắt nghĩa cho người người hiểu thế nào là ân là lộc. Tưởng, cũng nên nghe thêm đấng bậc tầm cỡ thày dạy, lại nói thêm về ân và lộc, rất như sau:

“Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo lại cũng có chương/đoạn nói thêm về các loại ân lộc lành thánh khác, như: ơn nhận lãnh bí tích, ân lộc theo tình trạng được ơn làm đẹp lòng Chúa và ơn đặc sủng Chúa riêng ban.
Về ơn huệ đầu, ta được biết là mọi bí tích đều dẫn về ơn thánh-hoá tức ta được phép san sẻ sự sống với Chúa. Đồng thời còn được Chúa phú ban ơn đặc biệt nhận lãnh các bí tích. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo mô tả ơn nhận lãnh bí tích như “quà tặng đích thực cho mỗi bí tích Chúa ban ơn.” (x. GLHTCG đoạn 2003)
 Thánh Tôma Akinô trong cuốn Tổng Luận Thần Học có viết: Các phép Bí tích Chúa ban là để thêm vào với ơn thánh-hoá, sự trợ giúp thánh thiêng nào đó để ta đạt đến mục tiêu của bí tích lành thánh” (x. Tổng Luận Thần Học quyển 62) mà thánh nhân gọi đó là ơn nhận lãnh bí tích.
Vì thế nên, ơn nhận lãnh bí tích là ơn đặc biệt cho mỗi bí tích gia dĩ giúp mọi người đạt mục đích của mỗi bí tích. Có thể coi đó như sự hướng dẫn cuộc sống siêu nhiên của mỗi người về với mục đích của bí tích ấy. Ơn nhận lãnh bí tích chuyển đến cho ta sự trợ giúp từ Đức Chúa mà con người cần có để thực thi bổn phận và quyền lợi có được từ mỗi bí tích.
Cộng thêm vào với ơn nhận lãnh bí tích, là tình trạng của ơn lành làm đẹp lòng Chúa. Bằng ngôn từ này, Hội thánh muốn ám chỉ ơn lành đặc biệt Chúa phú ban cho con người khi ở vào tình trạng nào đó trong đời ngõ hầu giúp họ thực thi các bổn phận của mình trong tình trạng đó. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo có nói rằng: các ân lộc này “đi theo với việc thực thi mọi trách nhiệm trong đời tín hữu Công giáo và các tác vụ trong Hội thánh Chúa.” (x. GLHTCG đoạn 2004)
Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo cũng trích dẫn lời thánh Phaolô tồng đồ vẫn từng bảo:
Chúng ta có những đặc sủng khác nhau, tuỳ theo ân sủng Thiên Chúa ban cho mỗi người. Được ơn làm ngôn sứ, thì phải nói sao cho phù hợp với đức tin. Được ơn phục vụ, thì phải phục vụ. Ai dạy bảo, thì cứ dạy bảo. Ai khuyên răn, thì cứ khuyên răn. Ai phân phát, thì phải chân thành. Ai chủ toạ, thì phải có nhiệt tâm. Ai làm việc bác ái thì vui vẻ mà làm.” (Rm 12: 6-8)

Xem như thế, thì các vị như nhà giáo, hiệu trưởng của các trường, những vị hiến thân phục vụ người nghèo, Bề trên các Dòng tu, linh hướng, cha mẹ con trẻ, vv. đều cần đến ân lộc đặc biệt để giúp họ hoàn thành bổn phận và công tác trong tình trạng sống của chính mình.
Cuối cùng thì, sách Giáo lý Hội thánh Công giáo lại cũng viết: “ân lộc đặc biệt còn gọi là “đặc sủng”, tức ngôn từ bên tiếng Hy Lạp được thánh Phaolô sử dụng mang ý nghĩa của một “đặc ân”, thứ quà tặng “nhưng-không”, “lợi lộc”. Và, sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo coi “đặc sủng” ấy như quà tặng lạ lùng mà người nào đó có được nhờ miệng lưỡi là còn bảo: tất cả mọi ơn lành “đặc sủng” đều hướng về ơn lành thánh-hoá được tặng ban vì ích chung của Hội thánh” (x. GLHTCG đoạn 2003).
Ngoài ra, còn nhiều đặc sủng khác dễ thấy hơn, đó là: đặc ân trong giảng dạy, lòng độ lượng cho người nghèo, vv… Tắt một lời, tất cả là quà tặng từ Chúa để con người tự thánh hoá bản thân, chứ không phải để mình cao ngạo, tự mãn. (x. Lm John Flader, Question Time, The Catholic Weekly 01/7/12 tr. 12)

            Đích thực là như thế. Như thế, có nghĩa là bần đạo đây đồng ý với đấng bậc thày dạy để bảo rằng: ân lộc vẫn là và còn là “ơn em thơ dại từ Trời”, thứ quà tặng Trời ban rất “nhưng-không” để người nhận biết mà “tạ ơn Em”, tạ ơn Người, trong đời.
            Để minh hoạ cho cuộc đời có khá nhiều quà tặng từ Người và từ Trời, xin đề nghị bạn/đề nghị tôi, ta đọc thêm một truyện kể để thư giãn và từ đó biết “tạ ơn (người) Em” của bạn và của tôi, như sau:

“Cô gái nọ còn trẻ, vừa dời nhà đến khu vực khá mới. Vừa đến nơi, cô đã phát hiện ra bà hàng xóm nhà mình là một phụ nữ goá chồng, cũng nghèo, lại sống với hai đứa con nhỏ.
Một ngày nọ, khu phố bị mất điện đột ngột. Cô gái trẻ bèn lục ngăn kéo bàn lấy nến ra thắp sáng căn phòng. Đúng lúc đó có tiếng gõ cửa. Hoá ra là đứa bé nghèo con bà hàng xóm.
Nó hồi hộp hỏi:
-Cô ơi cô, nhà cô có nến không ạ?
Cô gái trẻ nghĩ: “Nhà nó nghèo đến nỗi nến cũng không có mà dùng ư? Cho nhà nó một lần, lần sau nó lại sang xin nữa cho mà xem!" Nghĩ thế rồi cô xẵng giọng lạnh lùng nói:
-Không có!"
Cô định đóng cửa lại thì đứa bé nghèo hàng xóm bèn mỉm cười nói:
-Cháu biết ngay là nhà cô không có nến mà!"
Nói xong, nó chìa hai cây nến ra và nói:
-Mẹ cháu với cháu sợ cô sống có một mình, đã cúp điện lại không có nến, nên bảo cháu mang nến sang cho cô dùng tạm nè"
Cô gái sững sờ không nói được một lời “tạ ơn” trước cử chỉ quá đẹp của đứa bé…”

Truyện kể đơn giản là thế. Nhưng ở đây, lại có thêm lời bàn của người kể, như sau: “Sống trong đời, đôi lúc ta cũng có những cảm nghiệm hệt như thế. Con người, dù sống trong hoàn cảnh khó khăn hay giàu có thế nào đi nữa, họ vẫn cần sự quan tâm, an ủi từ ai đó. Bởi thế nên, cũng đừng bận tâm chuyện vị kỷ chỉ bo bo lo cho mình mà thôi, nhưng hãy lắng nghe âm thanh vang vọng của cuộc sống. Cuộc sống của ta sẽ không trở nên tồi tệ, nhưng ngược lại nó sẽ đẹp biết chừng nào khi ta nghĩ đến người khác mà cho đi. Cho đi chứ không đòi hỏi điều gì, dù chỉ một lời tạ ơn. Vì khi cho, tức mình đã nhận được thứ gì đó rồi. Có thể là ơn trời. Ơn người, cũng tốt thôi!
Nếu là ca sĩ hay người viết nhạc, hẳn bần đạo cũng lại hát lên lời ca đầy ý nhị như sau:

Ơn em tình những mù lòa,
Như con sâu nhỏ bò qua giấc vùi.
Ơn em hồn sớm ngậm ngùi,
Kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau.
Tạ ơn em. Tạ ơn em.”
(Từ Công Phụng – bđd)

            Hát thế rồi, bần đạo nay lại nghĩ thêm: cuộc đời mình cũng chả “ra làm sao cả”. Và, chỉ “ra thế nào” khi tôi và bạn, ta biết hành xử như em bé trong truyển kể ở trên để minh hoạ cho lời “tạ ơn Em”. Hoặc như người kể truyện chỉ muốn nhắn bảo bạn và bảo tôi rằng: dù tư tưởng của tôi và của bạn hoặc ý nghĩ của ai đó dù “chả ra làm sao cả”, cũng vẫn xin tạ ơn đời, tạ ơn người, “tạ ơn Em” vì chính Em mới là người từng nhắc nhở bày tôi đây là người dù viết nhiều nhưng vẫn biết và vẫn vui lòng chấp nhận rằng chuyện phiếm của mình có thể cũng “chả ra làm sao” hết.
            Và dù thế, vẫn cứ xin tạ ơn người, “tạ ơn Em”, tạ ơn bầu bạn. Vì “Em” và bầu bạn là người đã cho tôi biết điều đó, nên rất mừng.

            Trần Ngọc Mười Hai
            Từng biết mình “chả ra làm sao cả”
            nhưng vẫn cứ xin phiếm lai rai, phiếm dài dài
để còn hát bài “ơn em thơ dại từ trời”, cũng rất “phiếm”

No comments: