Saturday 11 August 2012

“Trời mưa gió, lá cây tơi bời khắp nơi,”


Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 20 thường niên năm B 19.8.2012
“Trời mưa gió, lá cây tơi bời khắp nơi,”
“tan nát bao cánh hoa tươi bên thềm
gió chiều thét gào não nề.
Ôi! Trời mưa gió điêu tàn gieo bao đau thương!”
(Khánh Băng – Vọng Ngày Xanh)
(1Co 4: 6)       
            Thời buổi này, còn ngồi đó mà hát vọng về chuỗi ngày rất xanh, cũng không đành. Đành sao được, khi người nghệ sĩ lại cứ hát những lời tả oán lê thê, ê chề, rất như sau:

                        “Người nghệ sĩ, âm thầm trong đêm gió mưa,
                        Mơ màng nâng tiếng tơ đàn dịu dàng
                        Cho hết bao niềm hận sầu kiếp người lạc loài,
                        Gợi tình quê hương với bao nhiêu lời thương nhớ…”
                        (Khánh Băng – bđd)
           
            Thật ra thì, không chỉ mỗi nghệ sĩ mới “âm thầm trong đêm gió mưa”, những “mơ màng”, với “tiếng tơ đàn dịu dàng”, có đôi “lời thương nhớ”. Thương và nhớ, mà tuổi ấu thơ hôm nay vẫn gánh chịu “kiếp người lạc loài”, “niềm hận sầu”.  Cũng rất đúng, khi kiếp trẻ thơ hôm nay lại cứ mang thân phận “đau thương”, “điêu tàn”, nhiều “hận sầu”. Hận, là vì đời mình vẫn “tơi bời hoa lá”. Và, sầu là bởi trời mưa gió, cứ “thét gào não nề” ở đâu đó, lại “gieo bao đau thương” đến với thế hệ mới lớn, chẳng biết gì cuộc đời vui hưởng vẫn rất mong.
            Nói rõ hơn, là nói: việc giáo dục thế hệ trẻ hôm nay bị thúc bách/giày vò về nhiều thứ. Nặng nhất, là quyền được hưởng những gì đáng hưởng, như nhận định của một số đấng bậc mô phạm đang trăn trở chuyện đó, đã cho biết:

“Thật ra, chẳng có gì gọi là sai trái trong huấn luyện/đào tạo giới trẻ cả. Chỉ mỗi lo ngại về việc đảm nhiệm đào tạo để giới trẻ có công ăn việc làm như một phần của cuộc sống. Đã có thời, tôi làm Trưởng Khoa Y đại học nọ, chợt thấy rằng ở nơi đó, người ta quá chú trọng đến việc giảng dạy sao cho sinh viên dễ kiếm được nghề nghiệp. Bởi thế nên, có nhiều trường chỉ lập ra ít môn nào có liên quan chặt chẽ đến ngành y khoa mà thôi. Làm thế, là bởi các em sinh viên của ta hầu hết đều thông minh, nên họ chỉ thấy mình bị thôi thúc chọn lựa môn nào thích hợp cho chuyện trau dồi tay nghề, chứ không muốn học bất cứ môn gì gây sao lãng.
Nhà trường quyết tạo cho sinh viên y khoa chỉ tập trung tâm trí cùng giờ giấc vào môn học nào có liên quan trực tiếp việc chẩn đoán hoặc điều trị bệnh nhân, thôi. Thật dễ thấy lý do tại sao nhà trường lại làm thế. Đơn giản chỉ vì nhà giáo nay quan niệm môn học nào không liên quan đến nghề nghiệp của y sĩ, đều là thời gian phung phí, cần bỏ đi. Có vị còn chủ trương: phải thông cảm với sinh viên về sự thể là: giáo dục khoa y là công việc nhiêu khê, nặng nề và đắt giá. Bởi thế, cũng đừng nên thêm vào thời gian và tổn phí những gì không cần thiết cho thực tế ở đời hoặc những gì không thích hợp với môn học nào thực tế có liên quan đến nghề nghiệp của họ. Nếu sinh viên y khoa thích nghiên cứu thêm về lịch sử, triết lý hoặc văn chương, thì các em sẽ còn nhiều thì giờ để làm việc đó khi đã về hưu. Tức, thời điểm có rất nhiều để bỏ ra với các địa hạt không mấy thiết thực cho nghề nghiệp của y sĩ. Theo tôi, điều đó chỉ có lý, nếu ta tính mỗi chuyện làm lợi cho sinh viên trong giai đoạn tạm thời mà thôi; nhưng làm thế, sẽ giảm mất giá trị khi ta đeo đuổi mục đích và phương châm của đại học.
Nói cho cùng, thì với tôi, dĩ nhiên ta có bổn phận chuẩn bị cho sinh viên có được hành trang mang theo để họ có thể thành công trong đời. Thế nhưng, ta cũng có bổn phận giúp họ ít là suy nghĩ về loại người mà họ muốn trở nên. Thật ra, cả hai mục tiêu của giáo dục/đào tạo đều không thể bỏ cái này để chỉ chọn cái kia thôi, mà là giúp họ trở thành con người như thế nào và họ sẽ làm gì trong cuộc sống mai sau. Ví dụ để dẫn chứng, là: chẳng ai dại gì cứ ngồi đó mà tranh luận bảo rằng: các nhà phẫu thuật không học sâu/hiểu rộng về triết lý nhân văn hay gì khác, vẫn có thể cắt bỏ bướu ung thư tiền liệt tuyến, rõ ràng là thế. Nhưng, có học triết lý/nhân văn thì sau này các sinh viên mới có thể cảm thông/cải thiện nhận thức của các em để tạo cuộc sống có chất lượng được.
Tóm lại, không chỉ mỗi y/bác sĩ là người có được điều lợi khi hưởng nền giáo dục bao quát/thông thường, mà bất cứ ai cũng có thể như thế. Nói cho cùng, sinh viên nào cũng có thể chọn nghề nào thích hợp với khả năng và sở thích của họ, ngõ hầu đem nhiều lợi ích cho tay nghề chuyên môn của họ, với tư cách là con người, nếu như họ có cơ hội được học thêm các môn khác như: khoa học giả tưởng, sử ký, tiểu sử, triết lý và khoa học. Và, nhờ lợi ích này, họ sẽ có cơ hội để học hỏi về tình yêu và những mất mát; về trí nhớ cũng như ước vọng; về sự thuỷ chung và trách nhiệm, về thế giới quanh mình cũng như vũ trụ. Và nhất là, về những gì có liên quan đến con người, nói chung.” (X. Steven Schwartz, The Dangers of Knowledge Without Wisdom, MercatorNet 28/2/2012)

            Trích dẫn ý kiến của các bậc mô phạm trong ngành giáo dục như đương kim Phó Viện trưởng viện Đại học Macquarie Syndey ở trên, không phải để tóm tắt những điều mà các vị có chức năng cần lưu ý. Trích như thế, chỉ để bạn để trôi, ta có dịp tản mạn về cái-gọi-là công tác giáo dục/đào tạo ở một số nước có nền văn minh/văn hiến, cũng đã khá. Trích và dẫn như thế, còn là phổ biến cho bạn bè/người thân một ít thông tin thuộc loại không thể không biết.
Trích và dẫn, còn giúp đỡ/ dẫn đưa người đọc và người viết vào với cảnh huống rối bời ở nhiều nơi, dù nơi đó phải là chốn miền lý tưởng cho con em và chính mình cần học và biết. Trích rồi dẫn, là để tìm hiểu thêm lý lẽ đã khám phá từ nhiều nơi và nhiều thời, mà mọi người vẫn đồn đoán. Trích và dẫn thông tin đa dạng, là để đáp trả lời ca mà người nghệ sĩ nhà mình vẫn hát, có những câu như sau:

            “Lòng chạnh nhớ đêm nào ngắm trăng
            vàng chiếu bên bờ nước xanh mơ hồ.
            Lòng chạnh nhớ trên đồng lúa xanh
chiều ấy ta nhìn cánh chim trời bay.
            Lòng chạnh nhớ Xuân nào ngắm
Xuân về với bao mạch sống
Xuân chan hoà.
            Tình xưa ấy đâu còn với bao ngày lửa binh tàn phá,
            Ôi điêu tàn!”
            (Khánh Băng – bđd)

            Trích và dẫn, cũng nên thêm đôi giòng chảy bức bách về sự kiện ở đâu đó, có liên quan đến nhân vật tên tuổi, từng gặp nhiều phản chứng. Trích và dẫn, là chỉ mỗi trích dẫn thôi mà chẳng cần chanh chua/biện luận thêm lời bàn nào ngõ hầu người đọc có dịp suy gẫm những điều sau đây:

“Ai cũng biết, Hollywwod không là chốn ngự trị của những hôn nhân kéo dài nhiều tháng ngày với các cặp phối ngẫu từng là tài tử màn bạc rất nổi bật. Thế nhưng, nếu các cặp này lại là các tài tử gạo cội của điện ảnh hoặc sân khấu lại muốn đi đến đổ vỡ/ly dị, thì ít ra họ cũng phải cho biết lý do nào khiến họ quyết định này khác, chứ. Đó là những gì khiến tài tử Katie Holmes đưa ra. Tức, viễn tượng của một nền giáo dục kỳ lạ mà Giáo hội Duy Khoa Học của bố đứa con của cô là tài tử Tom Cruise từng áp đặt.
Mới đây, báo The Independent có đề cập chuyện Giáo hội trên buộc vợ chồng tài tử phải kiểm tra tình trạng tâm tính của con cháu về điều mà Giáo hội này gọi là “Kiểm tra an toàn” giúp Giáo hội. Đại để, thì đây là thủ tục giúp Giáo hội kiểm xem đám trẻ con trong Giáo hội có hạnh kiểm tốt/xấu, qua câu hỏi: “Có bao giờ em cố tình làm cho thân xác của em ra dơ bẩn không?” hoặc câu khác, như: “Có bao giờ em kể những cái xấu của người khác cho bạn mình nghe không?” Cùng lúc đó, các em phải đưa ra câu trả lời, để người hỏi dùng máy móc đo lường tần số/dữ kiện phát từ cơ thể của các em, tương tự như máy dò tìm người nói dối, thôi.
Dĩ nhiên, ai cũng muốn cho con cái mình biết cách mà phân biệt đuợc thế nào là nhân đức và tư cách đồi bại, ngõ hầu khuyến khích các em có thói quen tốt lành, trong đời sống. Thế nhưng, tra vấn con trẻ theo kiểu máy móc như thế khác nào đối xử với các em không khác gì đồ vật hay loài thú, mà thôi. Đó cũng là tội phạm chống phẩm cách cũng như tự do của con người, dù người ấy còn bé, chưa biết gì.” (X. Carolyn Moynihan, Between Divorce and Scientology: the Fate of a Child, MercatorNet 04/7/2012)

            Quả có thế, không thể nại cớ an ninh/an toàn cho Giáo Hội –dù Giáo hội nào- để đối xử với người trẻ nhỏ hệt loài thú hoặc đồ vật. Không cần biết, chủ trương đó có là đường lối hoặc phương cách của nền giáo dục nào đó xuất xứ từ văn minh/văn hoá rất “duy khoa học” tôn lên thành giáo hội. Chẳng cần tìm, xem “Giáo hội” ấy có là đạo giáo theo nghĩa niềm tin tôn giáo rất khác biệt, không! Chỉ biết có mỗi điều, là: cũng nên và cũng cần định hình nền giáo dục của đạo giáo có chủ trương nhân bản, mới đúng nghĩa là giáo và dục.
            Ở đây nữa, chẳng cần và chẳng nên bẻ chữ ra làm nhiều mảnh để phân tích tách bạch mọi bề xem thế nào là giáo dục và thế nào là Giáo hội, hết. Mà, chỉ nên nhìn lại xem Hội thánh Chúa có điểm gì là son vàng về giáo dục trẻ nhỏ, rõ như ban ngày. Nhìn lại, để cùng người nghệ sĩ ta hát đôi câu ca mang ý nghĩa một gợi nhớ. Nhớ tình xưa. Nhớ lối đi có trăng mờ, vẫn yêu đời:

                        “Ngày xưa ấy, mỗi khi trăng mờ lối đi
                        Ta nắm tay hát vang câu yêu đời
với ngàn tiếng đàn nhịp nhàng,
con thuyền êm lướt trên giòng trong đêm thanh.”
(Khánh Băng – bđd)

            Nhớ ngày xưa ấy, là nhớ về nền giáo dục nhà Đạo, ở trên cao. Rất thích thú. Nhớ và hiểu rằng: nền giáo dục Công giáo mình cũng đã thay đổi rất nhiều kể từ ngày các vị theo chân Đức Giêsu đi khắp chốn mà dạy dỗ muôn dân để họ có được lòng tin. Thay và đổi, theo chiều hướng phát triển, đa-dạng-hoá và đáp ứng với thời đại, nhưng chiều sâu của của đường lối giáo dục ấy, vẫn tồn tại.
            Nếu có dịp đi các nơi trên thế giới hẳn nhiều người sẽ nhận ra là: trường Công giáo đã có mặt ở nhiều nơi. Giáo dục ở trường Đạo, khác nhiều lối dạy của người đời, cả ở tiểu học, trung học cho đến đại học. Có trường chuyên dạy nữ sinh. Có trường chỉ gồm nam sinh đến học, trường khác lại hỗn hợp cả hai phái tính. Có trường chủ trương nhiều phòng ốc với sân chơi. Có nơi chỉ tụ tập học sinh dưới bóng râm hay kho bãi. Có trường đòi hỏi học phí khá cao, có trường lại miễn phí. Có phòng học chỉ nhận một số học sinh ngoài đạo, ít oi. Có lớp lại chỉ dành riêng cho học trò ngoài Công giáo. Nhưng vẫn gọi là trường Đạo.
            Chủ trương đa năng/đa dạng như thế, cốt để chứng minh rằng người Công giáo quyết đặt nặng tầm quan trọng của nền giáo dục nhà trường, lên hàng đâu. Dạy gì thì dạy, trường Đạo vẫn không quên và không bỏ môn giáo lý hoặc môn dạy sao cho học viên trở thành người Công giáo tốt, hoặc con người sống đúng cách hoặc đúng đạo làm người, trước khi làm người đi Đạo. Có những nơi, vì lý do nào đó, vẫn cứ dạy con em nhưng chẳng biết gì về đạo làm người, và cũng chẳng học được cung cách của người có Đạo, nên mới xảy những chuyện trớ trêu như truyển kể để thư giãn, sau đây:

“"Lần đầu tiên, mới tới Hà Nội, tôi không khỏi bỡ ngỡ, khi tìm nhà của một người quen làm trưởng một khu phố văn hóa.Thấy có mấy đứa trẻ con đang nô đùa ngoài ngõ, tôi hỏi:
-Này các cháu có biết nhà ông trưởng khu phố văn hóa ở đâu không?"
Một đứa trẻ trai, trạc trên dưới 10 tuổi, ngước nhìn tôi bằng ánh mắt xấc láo, ranh mãnh, đáp gọn lỏn:
-Biết, nhưng …”cóc” chỉ!
Tôi lắc đầu đi sâu vào ngõ văn hóa, gặp một thanh niên, tôi hỏi:
-Anh ơi, anh có biết nhà ông trưởng khu phố văn hóa này ở chỗ nào không anh?
Gã trẻ tuổi chẳng thèm dòm ngó gì đến tôi, trả lời cộc lốc:
-“Cóc” biết!
Khi gặp ông trưởng khu phố văn hóa, tôi đem chuyện này kể cho ông ta nghe với lời than thở:
-Anh ạ, các bậc phụ huynh ở đây không dạy dỗ con em hay sao mà để chúng nó ăn nói với khách lạ thô bỉ đến thế hả anh?!
Chẳng cần suy nghĩ gì, ông trưởng khu phố văn hóa đã thuận miệng trả lời tôi ngay:
-Có dạy đấy chứ, nhưng chúng nó “cóc” nghe!
Lúc ấy cô con gái của ông bạn tôi là cô giáo, dạy môn văn, vừa đi dạy về và tôi đem chuyện ấy ra kể lại. Thay vì trả lời trực tiếp cho tôi, cô giáo xin phép thuật lại một chuyện như sau:
-Hôm ấy cháu giảng bài văn, có đoạn kể thành tích anh hùng và dũng cảm của nhân dân ta đã đánh gục Tây, đánh nhào Mỹ v..v..Cuối cùng, cháu kêu một em học trò trai lớn nhất lớp, bảo nó cắt nghĩa hai chữ: "dũng cảm” là gì? Nó đứng lên suy nghĩ một lúc rồi đáp gọn lỏn:
-Nghĩa là .. là .. “cóc” sợ!
Sau đó cháu lại có cuộc tiếp xúc với ông bộ trưởng giáo dục và đào tạo, liền đem chuyện thằng bé học trò đã cắt nghĩa 2 chữ "dũng cảm" là: "cóc sợ!" cho ông nghe. Nghe xong, ông bộ trưởng tỏ vẻ đăm chiêu, ra điều suy nghĩ lung lắm. Cuối cùng, ông nghiêm nghị nhìn cháu rồi gật gù như một triết gia uyên bác vừa khám phá ra một chân lý, chậm rãi đáp:
-Ừ, mà nó cắt nghĩa như thế cũng ...”cóc” sai!
Cô kết luận:
-Ðấy, bây giờ luân lý, đạo đức của con người như thế đấy. Rồi đây, các thế hệ trẻ miền Nam cũng vậy thôi! Làm sao tránh được?
Ông bố rầu rĩ thở dài:
-Ðất nước kiểu này thì ...”cóc” khá ..”
(trích dẫn từ điện thư tràn lan trên mạng…rất hà rầm)
            Dạy gì thì dạy. Giáo dục ra sao, có người vẫn gọi đó là giáo dục. Vấn đề là: người học có theo kịp và thực hiện được điều mà bậc thày vẫn dạy hay không? Hoặc, người học phải chỉ học cho qua ngày đoạn tháng, để lấy lệ hoặc để “trả nợ quỉ thần”, hay không? Hoặc, có học đấy nhưng chỉ để nhận tấm “giấy lộn” làm bằng mà có được việc làm hoặc chỗ đứng, ở trên cao. Nghe nói, ở một số nơi, dân chúng còn cậy nhờ hoặc thuê mướn người học giùm, hoặc thi giùm để có chút bằng cấp treo tường hoặc chứng minh với cấp trên hầu lên lương, lên ngạch, lên chức.
            Thế đó, là chuyện đời. Ở ngoài đời. Còn chuyện trong đạo, thì sao? Đạo mình có khuyên dạy người đi Đạo biết mà học hỏi những gì mình chưa quán xuyến, hoặc chưa biết chứ? Để trả lời, việc hay nhất có lẽ cũng nên trở về với nguồn cội của Đạo mình, ở Kinh thánh có những câu, khá sâu sắc, như:

                        “Hãy di mà học lời này:
                        Ta chuộng nhân nghĩa chứ không phải lễ tế!”
                        (Mt 9: 13)
            hoặc:
                        “Thưa anh em, tôi đã áp dụng các điều đó
cho tôi và Apôlô, vì lợi ích của anh em,
để anh em theo gương chúng tôi mà học cho biết
đừng có đi ra ngoài những gì đã viết,
kẻo sinh ra kiêu ngạo, theo người này mà chống người khác.”
(1Co 4:6)
            Xem như thế, thì có học hay không cũng “đừng đi ra ngoài những gì đã viết”, “kẻo sinh ra kiêu ngạo, theo người này mà chống người khác.” Phải chăng điều thánh nhân dạy mọi người trong Đạo, là cách “học làm người”, cho nên người. Hiểu như thế, có lẽ cũng nên nghêu ngao ca những lời như sau:
                        “Ngày xưa ấy, mỗi khi trăng mờ lối đi
                        Ta nắm tay hát vang câu yêu đời
với ngàn tiếng đàn nhịp nhàng,
con thuyền êm lướt trên giòng trong đêm thanh.”
(Khánh Băng – bđd)
            Hãy cứ học và cứ hát. Sẽ có ngày bạn và tôi, ta nắm được chân lý để đời. Cho mọi người.

            Trần Ngọc Mười Hai
            Vẫn nhủ lòng mình
những điều như thế
            suốt một đời.

No comments: