Friday 17 August 2012

“Tôi xin người cứ gian dối,”


Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 21 thường niên năm B 26.8.2012
“Tôi xin người cứ gian dối,”
“cho tôi tưởng người cũng yêu tôi.
May ra còn thấy đời vui,
Khi cơn mưa mùa đông đang đến.
Xin giã từ ngày tháng rong chơi.”
(Phạm Duy Quang – Kiếp Đam Mê)
(Mc 6: 34)      
            Hát những lời năn nỉ, ỉ ôi rồi bảo “xin người cứ gian dối”, để “người cũng yêu tôi”, mà lại đặt đầu đề rất ư là “Kiếp Đam Mê”, kể cũng lạ. Lạ hơn nữa, là: người viết nhạc kỳ này lại muốn chuyển đến người yêu cũ tên là Julie, cũng rất Quang, đôi lời nhắn nhủ để kể thêm:

                        “Đôi tay này vẫn chờ mong.
                        Con tim này, dù lắm long đong.
                        Tôi yêu người, bằng nỗi nghiệt oan.
                        Không than van và không trách oán,
                        Cho tôi trọn một kiếp đam mê.”
                        (Phạm Duy Quang – bđd)

            À thì ra, “cho tôi trọn một kiếp đam mê”, lại cũng là niềm mê man “yêu người bằng nỗi nghiệt oan”, “không than van và không trách oán.” Quả thật, mỗi tiếng và mỗi lời của người viết đều nói lên tâm trạng của “Kiếp Đam Mê”, cũng rất “người”. Ấy đó, là chuyện đời. Nơi âm nhạc, nghệ thuật đầy thi ca chữ nghĩa nói về đời người và kiếp người rất “đam mê”.
            Thế còn ý/lời nhà Đạo về đời người đi Đạo, cũng đam mê chứ?
            Trả lời vấn nạn này, có lẽ ta cũng nên dành cho đấng bậc vị vọng ở đâu đó, chốn “thiền môn” cung kính, rất tư duy. Ở đây, hôm nay, bần đạo chỉ dám mời bạn và tôi, ta đi vào tản mạn, lạm bàn đầy chất phiếm, để rồi lại sẽ “loanh quanh, một chốn rong chơi” như tác giả ở vẫn cứ nói: “May ra, còn thấy đời vui!”, nhất là vào lúc có “cơn mưa mùa Đông đang đến.” Nếu đồng ý, thì bầy tôi đây xin mạn phép được phiếm sương sương đôi hàng suy tư về lập trường sống, chỉ có thế.
            Phiếm Đạo ở đời thường, có cả một đời đi Đạo rất xục xạo chuyện đời phàm tục ở nhiều chốn? Những chốn và những nơi, như ở “miệt dưới” đất miền Úc Châu vừa có đôi ba sự việc xảy đến rất nổi cộm. Sự việc xảy đến, là những sự khá “rách việc” nên bần đạo xin ngồi xuống đây kể ra ba điều bốn chuyện về người nhà Đạo từng quyết tu thân đắc đạo là thế mà sao vẫn “loanh quanh một chốn rong chơi” chốn chợ đời, thật khó dứt!
Nói gần nói xa, chẳng qua nói thật và nói huỵch toẹt với bạn bè/người thân là: vừa qua, bần đạo được yêu cầu góp ý về một chuyện có liên quan đến “đấng bậc” mục tử nổi cộm trên truyền hình Úc từng thề sống thề chết quyết sống đời độc thân tu trì, mà vẫn chưa chịu “giã từ ngày tháng rong chơi”, bằng một hỏi/đáp rất “bỏ túi” về “Tu hành và đời sống độc thân”, như sau:

“-Phóng viên Vũ Nhuận hỏi Mai Tá: Trong tinh thần cảm thông với cộng đồng Công giáo Úc về sự kiện mà giới truyền thông ở đây gọi là vụ “Linh mục F.”, xin hỏi anh xem anh có ý kiến gì về chuyện “tu hành và đời sống độc thân” không?
-Mai Tá ứng khẩu đáp: “Dạ, đây là đề tài khá quan trọng cần nhiều thời gian và giấy bút mới nói hết được. Nhưng hôm nay, bản thân tôi chỉ xin đóng góp một ý kiến nhỏ theo quan niệm và ngôn ngữ của người Việt về vấn đề tu hành và đời sống độc thân, thôi. Về từ ngữ, thì chữ “tu hành” tự nó cho thấy lập trường của một số người lâu nay quan niệm: “Tu là cội phúc, tình là giây oan”. Thành thử, chữ “tu” hay “tu hành” ở đây, theo định nghĩa, là lối sống có qui định theo tinh thần và đạo lý của tôn giáo mình đi theo.
Bản thân, tôi cũng như một số vị trong đạo Công giáo thì: việc dấn bước theo chân Chúa quyết áp dụng Lời Ngài trong cuộc sống, vẫn hiểu chữ “tu hành” là rời bỏ cuộc sống bình thường ở đời, để sống theo cung cách khác biệt do Đạo mình đặt ra. Mà, Đạo Công Giáo ở thế kỷ đầu, Giáo hội không buộc người dấn bước theo chân Chúa phải “tu đắc đạo”, sống đời độc thân, rất khiết tịnh. Lúc đầu thì như thế, nhưng từ thế kỷ thứ tư trở đi, Giáo hội Công giáo đã đề ra một số luật lệ hoặc nội-qui hầu giúp những người quyết phục vụ Giáo hội theo cung cách khác với đời thường.
Từ đó đến nay, những người bước theo chân Chúa, đặc biệt là người Công Giáo, đã qui định là: ai chọn sống đời tu trì phục vụ Hội thánh Chúa, đương nhiên phải ở độc thân/khiết tịnh, không màng thú vui xác thịt với bất cứ ai, dù người ấy là người khác phái hay cùng giới tính.
Qui định của Giáo hội Công giáo là như thế. Thế nghĩa là, với Giáo hội Công giáo, không có chuyện gọi “tu tại gia” như cư sĩ các đạo giáo khác tuy đã có vợ hoặc chồng, nhưng vẫn muốn hoạt động phục vụ giáo hội mình bằng sinh hoạt đạo đức khác biệt. Riêng với Giáo hội Công giáo, thì: khi đã chọn sống đời tu rồi, thì không thể sống đời vợ chồng, và cũng không còn ham muốn lạc thú xác thịt nữa, nhưng quyết hiến trọn đời cho Chúa, mà thôi. Và, chức linh mục là thiên chức kéo dài suốt trọn kiếp, nên khi người nào đó không còn muốn tiếp tục thiên chức ấy nữa, sẽ phải xin bề trên cho phép mới được miễn chuẩn.  Tuy nhiên, thời buổi này, lại thấy xảy ra vài ba sự kiện có liên quan đến một số vị từng quyết sống đời tu trì rồi nhưng cùng lúc, lại có hai cuộc sống đối chọi nhau, tức vừa tu trì vừa ham muốn chung đụng thể xác với người khác. Có trường hợp, vị ấy lại dám sống cả hai hình thức nói ở trên một cách công khai như trường hợp của linh mục Kevin Lee thuộc giáo phận Parramatta, New South Wales Úc Châu. Hoặc, trường hợp của một linh mục ở Việt Nam xưa kia nổi tiếng với tên gọi là “linh mục hốt rác” tức lm Phan Khắc Từ vẫn cứ thong dong sống một trật, hai nếp sống rất đối chọi, bất cần đời. Sự kiện xảy ra ở giáo phận Parramatta hôm trước, nay đã có giải quyết là lm Kevin Lee đã bị ngưng chức. Còn mục tử họ Phan vẫn công khai sống hai cuộc sống song hành, chẳng kể gì luật Đạo.
Còn, hỏi rằng: trong tương lai, Giáo hội Công giáo có nên và có thể sẽ xét lại luật độc thân/thanh khiết cho giới tu hành không, thì câu trả lời dễ nhất là: bạn cứ chờ, mọi việc rồi sẽ thấy.
Giả như câu trả lời là có, thì theo thiển ý cụm từ “tu hành” sẽ phải được sửa lại thành: linh mục và cuộc sống có chọn lựa. Nghĩa là: lúc đó, bạn có thể lựa chọn hoặc đời độc thân kiểu một mình một chợ, không còn ham muốn thể xác nữa; hoặc, chọn đời sống vợ chồng theo kiểu của các cư sĩ “tu tại gia” hoặc mục sư Tin Lành, cũng tốt thôi.
Tôi nghĩ câu trả lời ở đây sẽ không thoả mãn hết mọi người. Nên, vẫn mong đó chỉ là đôi ba ý tưởng rất cỏn con để lại mời quý vị tiếp tục nghiên cứu và bàn luận kỹ hơn thêm.”

            Nói tóm lại, trên đây chỉ là ý kiến cá nhân, riêng lẻ của một người đi Đạo và giữ Đạo. Nói như thế có nghĩa: người khác cũng có ý kiến khác biệt, như ý/lời của người viết nhạc, từng hát lên ca-từ như:

            “Ôi, tôi ước mơ em bỏ cuộc vui,
            Trở về căn phòng này đơn côi.
            Môi em ru nỗi đau tuyệt vời,
            Khi màn đêm phủ lứa đôi,
            Là thời gian cũng ngừng trôi.”
            (Duy Quang – bđd)

            Ý/lời người nghệ sĩ thì như thế. Như thế, tức như thể bảo rằng: em hãy “bỏ cuộc vui” ở đời, để về với thương đau “oan nghiệt”, bởi “màn đêm (đang) phủ xuống”, và “thời gian cũng ngừng trôi”. Ngừng trôi hay vẫn chảy, thì cuộc đời rồi vẫn thế. Ở đây, lại có ý kiến của đấng bậc chủ quản đã tỏ bày lập trường rất khác, nhưng chính mạch về những sự và những việc hệ-trọng rất công khai, cả về chuyện xâm phạm tiết hạnh của trẻ em, nhân có sự kiện gọi là vụ “Linh mục F.” như sau:

                        “Anh chị em giáo dân thân mến của tôi,
            Bài đọc hôm nay mở đầu bằng một lời chúc dữ phát ra từ miệng ngôn sứ Giêrêmia qua câu nói: “Khốn cho những mục tử làm cho đoàn chiên Ta chăn dắt phải thất lạc và tan tác – sấm ngôn của Đức Chúa nói như thế.” (Gr 23: 1). Đây là lời thách thức gửi đến người nghe ở mọi thời, nhưng trong bối cảnh hiện tại của giáo phận ta, lời đó còn vang vọng vẫn khá mạnh quanh nguyện đường giáo xứ thuộc giáo phận ta nữa.
            Chúng ta đang bị thách thức đến kinh động khi nghe biết chuyện của “Linh mục F.” được phơi bầy trên truyền hình mục “Four Corners” của đài truyền hình ABC Úc Châu, cũng mới đây. Chuyện này đưa đến kết quả, là chúng dân ngoài Đạo đã chú ý nhiều đến hành xử của linh mục tên “F.” này, trong lúc ngài phục vụ Hội thánh tại giáo phận trước, tức giáo phận Armidale, tiểu bang New South Wales và cả giáo phận Parramatta của chúng ta nữa. Và chúng dân hiện nay đang theo dõi xem Hội thánh Chúa hành xử thế nào về các cáo buộc đặt ra cho vị linh mục này. Điều này lại khuấy động ngọn lửa công khai lên án hành vi xách nhiễu tình dục của các giáo sĩ của chúng ta và đã chỉ trích cả chúng ta nữa về đường lối đôi lúc cũng sơ xuất khi giải quyết.
            Hôm nay, tôi muốn một lần nữa nói rõ lập trường của tôi về vấn đề này. Mọi xách nhiễu tình dục trong/ngoài Hội thánh đều là lỗi phạm rất nặng trước mặt Thiên Chúa. Đó là tội ác cần lên án bằng từ ngữ mạnh mẽ như thế mới phải. Thật ra, tôi biết rất rõ về những tai hại từng gây ra cho nạn nhân là điều không thể toan tính và chỉnh sửa được. Xâm phạm tiết dục trẻ bé phải loại trừ ngay khỏi Giáo Hội của ta và ta phải làm mọi việc khả dĩ có thể làm được ngõ hầu đem công lý và sự chữa lành đến với nạn nhân trong cuộc.
            Rồi ra, anh chị em cũng sẽ nghe biết là Đức Giám mục Michael Kennedy, giáo phận Armidale và tôi đã quyết định cùng nhau đề ra một ủy ban độc lập để điều tra/xem xét sự việc vừa xảy đến khiến quần chúng chú tâm cũng khá nhiều. Chúng tôi đã đề cử một luật sư lỗi lạc, trước đây từng làm Chánh thẩm toà án Liên Bang, đó là Ls Antony Whitlam, QC để xem xét vụ việc này. Chúng tôi quyết một lòng, là: công lý phải được thiết lập trong vụ này. Nhiều năm qua, Giáo Phận Parramatta từng vui hưởng quan hệ chặt chẽ với Cảnh Sát và Giám-sát-viện tiểu bang NSW là các cơ quan mà chúng ta đánh giá rất cao. Vào thời điểm nóng bỏng này, chúng ta nguyện sẽ hợp tác với Cảnh sát để đảm bảo rằng bất cứ hành vi nào mang tính tội ác phải được điều tra và nghiêm trị thật đích đáng.                    
            Đây cũng là lúc để người Công giáo chúng ta tìm đến với linh hồn mình. Tôi vẫn cầu nguyện để vết thương thâm sâu trong Thân Mình Đức Kitô được chữa lành đến tận gốc, ngay bây giờ và mãi mãi về sau. Tôi kêu mời tất cả anh chị em giáo dân trong địa phận của chúng ta hãy nguyện cầu và tự đề ra cho mình lòng cải hối rất quyết tâm để Hội thánh Chúa được tẩy sạch khỏi vụ việc và lỗi phạm này; và chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho nạn nhân của những hành xử sai trái nghiêm trọng đó (xem Thư Mục vụ của Đức Giáo Hoàng Bênêđíchtô XVI gửi cộng đồng Công giáo Ái Nhĩ Lan hôm 19/3/2012, số 2)
            Anh chị em thân mến,
Tôi thật sự thúc giục anh chị em hãy yêu thương và nâng đỡ các linh mục của chúng ta, và số đông các vị đã tận hiến, trung thành với sứ vụ mục tử của các ngài và không để các tổ chức liên kết với thủ phạm tội ác nói trên quyết bôi nhọ thanh danh các vị đó. Các linh mục của chúng ta cần đến lời nguyện cầu và sự nâng đỡ của anh chị em lúc này, hơn bao giờ hết.
Bài đọc đầu lễ hôm nay, ngôn sứ Giêrêmia có mơ về đàn miêu duệ con cháu của vua Davít sẽ là Mục Tử Nhân Hiền quyết chăn dắt chúng ta. Ngôn sứ Giêrêmia cũng hứa rằng Giavê Thiên Chúa sẽ làm nảy sinh nhiều kẻ chăn khác đưa đàn chiên mình về với tâm can của Chúa Chiên Lành, và các vị chủ chăn cũng sẽ chăm sóc ta thật kỹ lưỡng để rồi sẽ không còn chiên con nào đâm hãi sợ. Chắc chắn như thế, bởi vì theo Tin Mừng thánh Mác-cô viết, ta đã thấy Chúa Chiên Hiền Lành là Đức Kitô vẫn tỏ lòng xót thương đàn con của Ngài như “đàn chiên không người chăn dắt” (Mc 6: 34). Là gương mẫu cho tông đồ Ngài, Chúa cũng là mẫu gương cho tất cả mọi mục tử đích thực. Nên, hôm nay, chúng ta hãy về với Ngài mà nguyện cầu. Riêng phần tôi, tôi cũng sẽ nguyện cầu cho anh chị em trong giai đoạn khó khăn này, để chúng ta có thể gắn kết với nhau chặt chẽ hơn để xứng đáng sống trong Thân Mình Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Trân trọng chào kính anh chị em trong Chúa Chiên Hiền Lành.
Gm Anthony Fisher, OP
Chủ quản giáo phận Parramatta.”

            Và thêm một thư luân lưu cũng tương tự, nhưng lần này là từ đấng chủ quản giáo phận Armidale:

                                    “Anh chị em thân mến,
Mấy tuần qua, Hội thánh ta và giáo phận Armidale đã tiếp cận nhiều cáo buộc mang tính lịch sử về chuyện xâm phạm tiết hạnh trẻ em, khiến ngành truyền thông đại chúng chú tâm đến cũng rất nhiều. Tôi biết rõ sự việc này là nguồn mạch mọi khổ đau và là cơn phẫn nộ chính đáng đối với anh chị em, như nó từng xảy đến với riêng tôi.
           Tuy nhiên, chúng ta hãy nhớ rằng: mọi khổ đau, buồn sầu và phẫn nộ của ta chẳng là gì so với nỗi buồn phiền xót xa của nạn nhân từng bị xúc phạm và cả gia đình họ nữa. Tôi xin gửi đến các vị ấy niềm cảm thông sâu sắc và xin sẻ san với cộng đoàn sự khiếp đảm về hành vi xúc phạm tiết hạnh trẻ em và ước ao được thấy công lý trở lại với xã hội chúng ta. Tôi hy vọng là một cơ quan độc lập để tái xét do tôi thiết lập, sẽ chứng tỏ quyết tâm có được thành quả của công lý.
            Trước đây, khi chủ toạ Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới ở Sydney năm 2008, Đức Giáo Hoàng Bênêđíchtô XVI cũng đã đề cập đến vấn đề xâm phạm tiết hạnh trẻ em. Nay tôi lập lại lời ngài nói ra đây, để nói lên tâm tư của tôi hiện đang có vào lúc này:

“Hôm nay, ở đây, tôi muốn dừng lại để xác nhận nỗi niềm xấu hổ mà chúng ta đã có coi đó như kết quả của hành vi xâm phạm tình dục ở lớp trẻ do một số linh mục và tu sĩ ở nước này, vi phạm. Thật sự, là tôi cảm thương sâu sắc với các nạn nhân trong cuộc từng đau khổ chịu đựng nhiều năm và tôi cam đoan với các vị này rằng, bằng vào tư cách mục tử chủ quan, tôi xin sẻ san nỗi khổ đau của các vị đó. Hành vi sai trái một cách nghiêm trọng này đã phản bội niềm tin, rõ ràng đáng bị ta lên án. Bởi, nó tạo nên một đớn đau rất lớn làm tổn hại đến Hội thánh trong công cuộc làm chứng tá cho Chúa. Tôi yêu cầu tất cả anh chị em hãy cùng tôi nâng đỡ các giám mục của ta và cùng hợp lực với nhau mà chống trả sự quái ác này. Các nạn nhân của hành vi quái ác này phải được sự thương xót và chăm sóc cho thoả đáng; và những ai chịu trách nhiệm về hành xử ác độc này phải được đem ra trước công lý. Đây là ưu tiên khẩn cấp ngõ hầu thăng tiến môi trường an toàn đặc biệt cho lớp trẻ của chúng ta.”

“Hôm nay đây, tôi mời tất cả anh chị em hãy cùng chúng tôi với tư cách là cộng đoàn Hội thánh hãy biết:
1.      Nhận thức và xác nhận sự thật lịch sử về các vụ xâm phạm tiết hạnh trẻ em trong Giáo hội.
2.      Hành động để giúp đỡ các nạn nhân bị xúc phạm và những người chịu ảnh hưởng từ các vụ xúc phạm này.
3.      Hợp tác với giới chức có thẩm quyền ngõ hầu điều tra những cáo buộc về các  vụ xúc phạm như thế.
4.      Duy trì chương trình bảo vệ trẻ em để gia tăng an toàn tối đa và tạo niềm vui sống cho con cháu của chúng ta.
5.      Khuyến khích và hỗ trợ các linh mục trong giáo xứ từng thấy xấu hổ cách thâm sâu về các lỗi phạm cũng như tội ác của những người đồng môn với các ngài.
6.      Hãy thiết tha đeo đuổi sự thật và công lý.    

Một lần nữa, xin hãy cùng với tôi nguyện cầu cho nạn nhân các vụ xâm phạm tiết hạnh trẻ em; cầu mong cho các em có được công lý, được chữa lành và bình an. Cầu mong cho tai hoạ đáng gờm tởm này mãi mãi được rỡ khỏi lớp bụi bám quanh ta. Xin hãy cùng tôi đảm bảo rằng đây là vụ việc có thật.” (xem Christ, the Model for all true pastors, The Catholic Weekly 29/7/12 tr. 14)

            Một lần nữa, trích dẫn lời lẽ trên đây, cũng chỉ để hợp giọng mà nói lên rằng: đau khổ nào cũng là khổ đau. Sai phạm nào cũng là hành vi cần xác chứng để không còn ai tái phạm và nhất là không còn ai làm nhơ ố thanh danh của các vị mục tử khác cần sự trong sáng, kính phục. Trích dẫn lời lẽ trên, còn để cùng với người hỏi và đấng bậc giải đáp những vụ/việc gây ưu tư/trăn trở, rất quanh mình.
            Trích và dẫn, để cùng người nghệ sĩ ở trên nói lên tâm tình cần biết đến qua câu hát:

            “Thương yêu này, người hãy nhận lấy
            Ôm tôi đi, môi hôn tràn đầy.
            Trong tay người, hồn sẽ cuồng say
            Bao nỗi khó vụt bay…”
            (Duy Quang – bđd)

            Bao nỗi khó có vụt bay hay không, khi nạn nhân của những chuyện buồn tình, nay đã trút hết. Nỗi khó của người và của mình có còn day dứt nữa không, khi mọi người nay cùng nhau hiệp lực mà đỡ nâng. Đỡ và nâng trong hiệp lực, để rồi vết hằn đầy thương đau sẽ tan dần với thời gian. Trong quên lãng. Bởi, con người là nhân vật rất dễ nhớ, lại cũng hay quên. Quên, để còn tha thứ, rồi yêu thương cả những người từng lầm lỡ, giết chết hồn mình. Trong thương đau.
            Trong tình tự có đau và có thương, nay mời bạn và mời tôi, ta đi vào truyện kể nhè nhẹ để tìm về với lãng quên, tha thứ và yêu đương. Yêu, những người rất đáng thương cần âu yếm. Truyện kể, là truyện để kể về tình tự vẫn có lâu nay, như sau:

Một hôm, tôi dậy sớm xem hừng đông ló dạng. Ôi, công trình Thiên Chúa đẹp không bút nào tả nổi. Mắt ngắm nhìn, tôi ngợi khen Thiên Chúa vì kỳ công của Người. Tôi ngồi đấy, và thấy rằng Chúa đang hiện diện.             Người hỏi tôi:
-Con có yêu mến Ta không?
Tôi đáp lại:
-Lẽ tất nhiên, Lạy Chúa! Chúa là Thiên Chúa và Đấng Cứu Độ con.
Và Người hỏi:
-Nếu con mang khuyết tật, con có còn mến ta nữa hay không?
Tôi ngỡ ngàng một lúc, bèn nhìn xuống tay chân và toàn bộ hình hài ở nơi mình rồi nghĩ rằng có biết bao điều tôi sẽ không làm được, nhưng những điều tôi thấy vẫn đương nhiên. Và tôi trả lời:
-Hẳn là sẽ khó, Lạy Chúa, nhưng con vẫn yêu Chúa.
Rồi Người lại hỏi:
-Nếu con mù, con vẫn còn yêu tạo vật của Ta chứ?
Làm sao yêu một điều mình không thấy?
Và tôi nghĩ đến biết bao nhiêu người mù loà trên thế giới, biết bao người giống như họ vẫn cứ yêu thương Thiên Chúa và tạo vật của Ngài. Thế nên, tôi bèn đáp:
-Nghĩ đến đó thật đau lòng, nhưng con vẫn yêu Ngài.
            Rồi Người tiếp tục hỏi:
-Nếu con điếc, con có còn lắng nghe Lời Ta không?
Làm sao nghe biết được điều gì nếu tai mình điếc?
Tôi chợt hiểu rằng: Nghe Lời Chúa không chỉ bằng đôi tai, mà bằng cả tấm lòng nữa. Tôi bèn đáp:
-Cũng thật khó, nhưng con vẫn yêu mến Lời Ngài.
            Và rồi Người lại hỏi:
-Nếu con câm, con có còn ca tụng Danh Ta nữa hay không?
Làm sao ca hát được khi mình không thể cất nên lời?
Nhưng tôi nhận ra rằng: Chúa muốn ta ca vang từ tâm can và đáy lòng. Tiếng hát của ta có thế nào cũng vẫn là tiếng hát ca. Và ngợi khen Chúa không chỉ là hát ca, nhưng bằng cả những tháng ngày gian nan khổ ải, ta vẫn ngợi ca Thiên Chúa bằng cách cảm tạ Người. Vì thế tôi nói:
-Dù con không thể hát được nữa, con vẫn sẽ chúc tụng ngợi ca Ngài
Tôi nghĩ mình trả lời cũng đã hay, nhưng.. Thiên Chúa Ngài vẫn cứ hỏi:
-Thế thì tại sao con vẫn cứ phạm tội?
Tôi bèn trả lời:
-Chỉ vì con mang thân phận làm người. Con chưa thể nào trọn lành đủ.
-Thế sao khi yên ổn rồi con lại xa Ta là thế? Sao, lúc nguy nan con mới nguyện cầu rất thật lòng? Tôi câm nín, chỉ còn biết khóc. Chúa lại tiếp tục gạn hỏi:
-Sao con chỉ hát với cộng đoàn vào buổi tịnh tâm thôi? Sao, chỉ kiếm tìm Ta khi con vào chốn phụng thờ? Sao con cứ cầu xin biết bao nhiêu thứ chỉ cho mình? Sao, con cầu mà thiếu xác tín?
Lệ trào chảy xuống trên má tôi, khi nghe hỏi: “Sao con lại xấu hổ về Ta? Sao, không ra đi mà rao giảng Tin Mừng? Sao lúc gặp gian truân, con lại cứ khóc với người khác trong khi Ta chìa vai Ta cho con tựa đầu mà khóc, con lại không tựa? Sao con chối từ khi Ta cho con cơ hội phục vụ Danh Ta?
            Tôi định bụng trả lời, nhưng biết nói gì đây?
-Ta ân ban cho con sự sống, không phải để con vứt bỏ nó. Ta ân ban cho con tài năng là để con phục vụ, nhưng con vẫn quay lưng. Ta mặc khải Lời Ta cho con, nhưng con không kiếm tìm hiểu biết. Ta nói khó với con, nhưng con cứ bưng tai, bịt mắt. Ta chúc phúc cho con, nhưng con lại cứ hướng nhìn nơi khác. Ta sai tôi tớ của Ta đến với con, nhưng con ngồi yên đó khi họ bị đuổi xua. Ta nghe lời con kêu cầu và nhậm lời mọi điều con cầu khẩn. Con có thực sự mến Ta chăng?”
Tôi không thể trả lời. Làm sao trả lời được đây? Tôi vô cùng bối rối. Không còn lời để biện bạch.  Tôi sẽ nói gì đây? Lòng dạ như kêu thét và mắt tôi đã đẫm lệ, Tôi trình Ngài:
-Lạy Chúa, xin thứ tha. Con thật không xứng làm con Ngài.
Chúa bèn đáp lại:
-Ấy đó, ân Huệ của Cha!
Tôi lại hỏi:
-Sao Chúa vẫn thứ tha con?  Sao Ngài lại yêu con đến thế?
Chúa trả lời:
-Vì con là công trình Sáng Tạo của Ta. Con là con của Ta. Ta chẳng thể nào rời, khi con khóc, Ta đồng cảm và cùng khóc với con. Ta cùng cười với con, khi con vui mừng hớn hở. Khi con mất hết tinh thần, Ta đã khích lệ con. Ta vực con dậy, khi con vấp ngã, mệt mỏi, Ta bồng bế con và sẽ ở với con cho đến ngày sau hết và sẽ còn yêu thương con mãi mãi.”
Chưa bao giờ tôi khóc nhiều như thế. Làm sao tôi có thế dửng dưng sống? Làm sao tôi lại đã xúc phạm Chúa thật nhiều? Tôi hỏi Chúa:
-Ngài thương con đến mức độ nào, thân lạy Chúa?
Chúa chìa tay Ngài và kìa dấu đinh xuyên thủng. Tôi gục đầu dưới chân Chúa, Đấng Cứu Độ tôi, và lần đầu tiên trong đời, tôi nguyện cầu thực sự!”

            Dĩ nhiên truyện kể nào cũng là cổ thời đại rất hư cấu, nhiều tưởng tượng. Chí ít, là hư cấu và tưởng tượng xảy đến với cuộc đời. Nhưng ý nghĩa truyện kể vẫn được người kể lôi kéo về đề tài để phiếm, rất hôm nay. Chủ đề và ý nghĩa nhỏ vẫn là: tất cả chưa là tận thế. Vẫn chưa muộn để nghĩ suy về một cảm thông, yêu thương và tha thứ, trong mọi trường hợp. Hôm nay và mai ngày.

            Trần Ngọc Mười Hai
            Cũng rất nhiều ngày thổn thức
vì nỗi đau lòng xót dạ của người và của mình
vẫn hiện rõ trong đời.

No comments: