Saturday 4 August 2012

“Rồi mai đây, khi mình xa nhau”


Chuyện phiếm đọc trong tuần thứ 19 thương niên năm B 12.08.2012
“Rồi mai đây, khi mình xa nhau”
“nhớ đến nhau hoài.
Rồi mai đây, khi tình bay xa, nhớ đến hôm nào.”
(Nhạc Ngoại Quốc: Lo Mucho Que Te Quiero)
(Lời Việt: Trường Kỳ: Rồi Mai Đây)
(1GA 3: 11-12)
            Nhớ nhau hoài, khi mình đi xa. Phải thế không? Bởi, một khi mình đã cao bay xa chạy, hay vĩnh viễn đi vào lòng đất rồi, thì làm sao còn nhớ/còn thương được? Thế nhưng, đây lại là khắc khoải lớn của người tình còn sống sót, sau vụ giết người hàng loạt ở Mỹ, xứ Aurora. Trong rạp hát!
Kể cũng lạ. “Aurora”, tự nó đã là rạng đông rực sáng của mọi ngày, mang đến cho con người nhiều ước vọng, nhưng với 3 nữ phụ được kể ở bên dưới, thì lại khác:

Ba thiếu nữ thoát chết trong vụ thảm sát trong rạp xi-nê ở thành phố Aurora, tiểu bang Colorado, nhưng đã sống với những khổ đau trong tim vì bạn trai của họ đã anh dũng đưa mình hứng đạn thay cho chị. Tin được loan cho hay các anh Jon Blunk, Matt McQuinn và Alex Teves đã đưa thân làm bia đỡ đạn cho bạn gái của mình đến nỗi cả ba người đã bị sát thủ James Holmes bắn chết.
Jon Blunk, cựu binh sĩ hải quân Hoa Kỳ đồng thời là nhân viên an ninh đang nạp đơn xin trở thành chiến sĩ biệt hải Navy Seal, đã đưa thân anh đỡ đạn cho bạn gái mình là Jansen Young, nay không còn nũa.
Trường hợp của Matt McQuinn cũng dũng cảm như thế với người yêu của anh là Samantha Yowler và Alex Teves với bạn gái Amanda Lindgren. Nhận định của David Frum, bỉnh bút tờ Newsweek đã cho rằng: trong 20 năm qua, nỗ lực của nhiều người đòi kiểm soát việc sử dụng súng ống ở Mỹ đã không thành công. Trái lại, hiện nay, lại thấy có hơn ba phần tư người Mỹ muốn được quyền xử dụng súng ngắn, loại võ khí có mục tiêu duy nhất là giết người ở tầm ngắn. So với năm 1959, 60% dân chúng Mỹ khi ấy ủng hộ việc cấm lưu hành súng ngắn, ngoại trừ ưu tiên dành cho cảnh sát.
Nhiều tiểu bang ở Mỹ lại cũng cho phép cư dân được quyền mang súng ngắn trong người ở bất cứ nơi đâu như: nhà hàng, quán rượu, v.v.. Rượu và súng, cũng giống nhau: rượu vào thì lời ra. Còn súng, nếu sử dụng không đúng cách thì cũng thế, nghĩa là sẽ còn có thêm nhiều vụ giết người ở Mỹ chỉ vì lý do nổi giận. Sở dĩ nhiều người Mỹ ủng hộ quyền mang súng trong người là vì họ tin rằng súng ống là thứ cần thiết để tự bảo vệ.
Các phương tiện truyền thông đại chúng cũng hỗ trợ việc người Mỹ mua súng để tự bảo vệ mình, sau khi có hàng loạt tin tức giết người, bạo hành tội ác được đăng tải hàng ngày. Ngoài ra, qua áp lực của một số công ty sản xuất súng đạn, thì việc ngăn cấm sử dụng võ khí tại Hoa Kỳ vẫn là điều khó khăn.” (x. http://thoibao-online.com/the-gioi/tin-the-gioi/7496-nhng-mu-chuyn-anh-hung-trong-v-git-ngi-hang-lot--aurora)

Đó là hướng nhận định thời sự về việc sử dụng súng ống của nhà báo, rất Hoa Kỳ. Ngoài chuyện trên, lại thấy có lề lối tư duy, am hiểu việc đời theo lối khác. Những lối, những kiểu như người viết nọ ở Úc đã tường thuật, như sau:

“Chuyện giết người ở Mỹ như từng xảy ra tại Columbine, Virginia Tech, Ft. Hood, Tucson, Aurora, vv.. đã gây sửng sốt rất nhiều, khiến cư dân ở bên ấy đã trở nên câm lặng, không còn nhận định gì thêm nữa. Lý do chẳng phải vì họ thấy bão hoà từng nói quá nhiều mà chẳng ăn thua gì. Mà vì, những điều nhà báo phát biểu chỉ để tạo dư luận chính trị hoặc chẳng mang chút trách nhiệm nào hết. Ngoài bấy nhiêu chuyện, những gì nhà báo viết ra, chỉ thêm vô nghĩa, chẳng tích sự gì. Bởi, việc giết người hàng loạt nay tấn công vào sự cảm xúc bén nhạy của con người. Và, những việc như thế càng kéo chúng ta về gần lại bên nhau để rồi một lần nữa, buộc ta đi sâu vào chốn miền không ai rà soát, hoặc tìm hiểu nguyên nhân sâu xa, trái lại cứ run rẩy, sợ sệt, tìm nơi trú ẩn cho an toàn, thoải mái hơn.  
            Vấn đề đặt ra hôm nay, là: làm sao ta có thể giải quyết hoặc đương đầu với sự ghê tởm đó mới là việc cần thiết. Mỗi lần có chuyện tàn bạo, độc ác xảy đến, thường thì cộng đồng ta chung sống, cả đến đất nước và nhóm hội/đoàn thể ta thiết lập đều ra như rã rời ít liên lụy hoặc có chăng cũng ít có thiện cảm để dính dự hoặc tính chuyện xử lý cũng chỉ theo tính cách tách rời sự việc, thôi. Thế nên, nay tìm đâu ra điểm tốt lành nơi người phản ứng? Làm sao để phát huy điều tốt lành khi xảy ra sự cố gây chết người? Điều này, thiết tưởng cũng không quan trọng bằng chuyện làm sao biểu tỏ động thái mang tính trách nhiệm được, đây?
            Vào thời khắc căng thẳng như thế này, thì cụm từ “Ghê tởm” không còn thích hợp với những gì con người không thể diễn tả ra nơi đầu óc và môi miệng được nữa. Thế nên, thiết tưởng cũng hãy “dừng lại” để có được động thái chính đáng như đề nghị của tổng thống Barrack Obama khi ông quyết định ngưng tranh cử vào ngày Thứ Sáu hôm rồi và ông có nói với những người ủng hộ ông rằng:
“Thật ra chúng ta cũng đã có nhiều tháng ngày dành cho chính trị rồi. Hôm nay, tôi nghĩ, phải là ngày để bà con ta dành riêng cho nguyện cầu và tư duy, thôi.”

Đúng hơn, lời lẽ của tổng thống Obama còn nói thế này:
“Dù ta nay chưa biết rõ động lực nào thúc đẩy thủ phạm lấy đi sự sống của nhiều người, nhưng chúng ta vẫn biết rõ một điều về những gì làm cho sự sống của chúng ta rất đáng sống. Những người bị giết chết ở rạp Xinê tại Aurora tối hôm đó, cũng từng thương yêu và được yêu thương Họ là cha, là mẹ và có người cũng là vợ, là chồng. Là chị, là anh, là con cái, bạn bè, chòm xóm từng có nhiều mơ ước như mọi người, nhưng chưa đạt.”  

Và, tổng thống Obama lại cũng thêm:
“Những gì ta rút được bài học từ thảm cảnh như thế, theo tôi, đó phải có tầm quan trọng đặc biệt để mọi người đối xử với nhau và thương yêu nhau, cho tốt đẹp thôi.” (x. Sheila Liaugminas, Movie Theater Violence: We’ve Seen This Before, MercatorNet  23/7/2012)

Quả thật rất đúng. Đúng ý của đương kim tổng thống nước Mỹ vừa mới nói mỗi người và mọi người trong ta đều có nhu cầu thâm sâu/theo bản năng là nguyện cầu và suy tư. Suy tư, để tìm hiểu lý do hoặc động lực nào thúc đẩy những người kkhông đến nỗi tàn-bạo-độc-ác sao dám cất đi sự sống của người khác? Những “người khác mình”, cũng có ước vọng và tương lai tươi sáng chưa hiện thực chứ!
Thế nhưng, nhân danh ai, mà thủ phạm lại dám xuất thủ/xử sự như thế? Từ những sự kiện đau lòng như thế, hãy tìm hiểu xem con người ngày nay đối xử với nhau ra sao? Họ có còn yêu thương giúp đỡ, thay vì giành giựt cuộc sống của nhau không? Hiển nhiên, câu hỏi này được nhiều người cũng từng đặt, nhưng nào đã có ai đưa ra câu giải đáp chính đáng?
Để trả lời, có vị lại đưa đề nghị gửi đến một số chính trị gia nào đó, nghĩa là: có lẽ, ta cũng nên hội nhập vào với mình và người khác, tức các công dân ở mọi nơi, niềm tin-yêu chính đáng. Là tổng thống và chính trị-gia mà ông ta cũng còn biết kêu gọi công dân người nhà nên tạo ra giây phút nguyện cầu và suy tư. Suy tư/nguyện cầu để có được niềm tin/yêu thương, nơi mọi người. Bởi, làm chính-trị-gia, không chỉ là người chỉ biết đến lý sự ở chính trường để làm luật hoặc áp đặt luật lệ thôi, nhưng còn cổ võ niềm tin/yêu cho thật rộng.
Muốn được như thế, xã hội hôm nay không chỉ nên tôn trọng luật pháp thôi, nhưng còn phải tạo lại niềm tin tưởng nơi lương tri con người; để rồi chính lương tri sẽ khích lệ mình duy trì/thực hiện sự tốt lành cho chính mình và người khác. Việc đó, không chỉ mỗi tổng thống của một cường quốc mới dám kêu gọi công dân mình, mà tất cả mọi người đều nên làm như thế, suốt đời.
Còn nhớ, đã có lần bậc thánh nhân trong Đạo cũng khuyến khích bà con đi Đạo, như sau:

“Anh em đã nghe từ lúc khởi đầu:
chúng ta hãy yêu thương nhau;
chúng ta đừng bắt chước Ca-in:
nó là người của Ác thần, nên đã giết em mình.
Tại sao nó đã giết em?
Bởi vì các việc nó làm thì xấu xa,
còn các việc em nó làm thì công chính.”
(1Ga 3: 11-12)

Thế đó, là lời vàng ngọc từ đấng thánh hiền, nhà Đạo. Thế đấy, là lời hát xuất phát từ nghệ sĩ trên, rày vẫn thưa:

“Còn mãi mãi những gì mình chất chứa trong lòng.
Còn cho nhau chút dư hương,
Đừng tiếc nhau những gì vấn vương.”
(Nhạc Ngoại quốc – Lời Trường Kỳ, bđd)

            Hãy “cho nhau chút dư hương”, là tình thương yêu chính mình và người mình, hoặc những gì “mình chất chứa trong lòng”, là đề nghị rất quý gửi đến người nghe và cả người thưởng thức giòng âm thanh chứa đầy tình tự nguyện cầu/suy tư, như chính-trị-gia/tổng thống nước Hoa Kỳ, đề nghị.
            Suy tư/nguyện cầu thời buổi này, là suy và cầu cho mọi người sẽ giữ mãi niềm hy vọng hiếm quý trong thế giới nhiễu nhương/sôi sục, hiện tại. Nhiễu nhương, vì để lạc mất niềm tin-yêu, lẫn lương tri. Sôi sục, vì không còn tìm được khoảnh khắc lặng thinh, tươi mát để nguyện cầu, nữa. Nhiễu nhương/sôi sục, có thể vì người thời nay đã lạc mất nỗi niềm hy vọng mình vẫn có, rất xưa nay. Và, niềm hy vọng ấy sẽ làm cho thế giới hiện tại trở lại cuộc sống an nhàn, tự tại.
            Còn nhớ, có lần Đức đương kim Giáo Hoàng Bênêđíchtô XVI từng kêu gọi mọi người tìm đến Chúa trong nỗi niềm hy vọng ở đời thường, của con người. Chừng như ngài vẫn kêu gọi mọi người sống như thế qua tông thư “Hy Vọng Cứu Rỗi” để người người thực sự được cứu độ. Cứu độ, để thế giới trở nên tốt lành hơn. Bởi dù sao, con người vẫn có niềm tin và lòng thương xót cần biểu tỏ, với mọi người.
Đức Bênêđíchtô XVI lập luận:

“Giống như mong ước ta đặt vào những gì đang triển nở, ở gia đình, bè bạn, công việc và tương quan ta có với mọi người, ta vẫn có thể đặt hy vọng vào khoa học và chính trị, dù hạn chế. Hy vọng, không làm ta nản chí. Hy vọng, khiến ta tìm về với Chúa, sẽ đạt được mọi sự tốt lành. Vì Thiên Chúa chính là Tình Yêu.” (x. Tông thư Spe Salvi)

            Cùng với vị thủ lãnh tối cao trong Đạo, người Công Giáo lâu nay khẳng định rằng niềm hy vọng sẽ kéo mọi người về với nhau, gìn giữ nhau để duy trì niềm tin. Và, đào sâu niềm tin-yêu ấy trong Chúa nữa.   
Với người Công giáo thời xa xưa, thì niềm hy vọng bao gồm cung cách khác biệt để mọi người tạo hình ảnh về thế giới theo tầm nhìn của mình. Hình ảnh ấy, tập trung vào sự sống lại của thân xác như đã được hứa trong kinh Tin Kính thời tiên khởi.
Các ngài hy vọng, nhưng không tưởng tượng là thân xác sẽ sống lại như điều xảy đến trong tương lai cho cá nhân riêng lẻ. Nhưng, vẫn liên kết chặt với ảnh hình về Thân Mình sống động của Đức Kitô Phục Sinh nay hiện diện nơi Thánh Thể và cộng đoàn Hội thánh như Thân Mình rất thánh gắn kết với xác phàmcủa mọi người.
Nhìn về thế giới như thế, nay đã đổi khác do bởi nhiều người lại quá nhấn mạnh đến đường ranh hạn chế giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, giữa Thiên Chúa và thế gian, giữa thể xác và tinh thần. Và, có khi còn hạn chế giữa thực thi niềm tin-thương yêu ấy bằng hành động nữa. Thành thử, niềm tin thương yêu Chúa nay được khẳng định, hội nhập và đào sâu bằng hy vọng khác mà người đi Đạo vẫn sống mỗi ngày.
Nói tóm lại, bằng vào niềm tin/thương yêu người người vẫn có, niềm hy vọng của con người chỉ có chiều sâu nếu đặt mình ở trong Chúa. Tức, con người chẳng làm sao có được hy vọng cho tương lai của thế giới mà lại không để Chúa hiện diện. Bao lâu con người không để Chúa hiện diện trong hoạt động của mình, thì thế giới của họ rồi cũng gặp bạo tàn, khổ đau, “nhân” tai như thế mãi.
Nhận định trên, được đấng bậc ở ngoài đời diễn tả bằng truyện kể như sau:

“Có thức giả nọ tìm đến gặp bậc Hiền triết của Hy Lạp là Socrates để vấn nạn một đôi câu mà ông nghĩ cũng hơi khó sẽ khiến nhà hiền triết bối rối không ít. Sau đây, là những câu tuy đơn giản, nhưng không dễ:
Hỏi: Trong các vật hiện hữu trên thế giới, cái gì thuộc loại xưa nhất?
Đáp: Thượng Đế. Vì thời nào, Ngài cũng hiện hữu.
Hỏi: Trong các vật thể có mặt trong trời đất, vật gì đẹp nhất?
Đáp: Vũ Trụ. Bởi Vũ trụ là công trình của Thượng Đế. 
Hỏi: Trong các vật như thế, vật gì lớn lao nhất?
Đáp: Không gian. Bởi, nó chất chứa những gì được sáng tạo.
Hỏi: Trong các vật thể ở đời, vật gì bền vững hơn cả?
Đáp: Hy vọng. Bởi, khi con người mất tất cả, nó vẫn tồn tại.
Hỏi: Trong vạn vật, điều gì tốt đẹp nhất?
Đáp: Đức Hạnh. Bởi, thiếu nó sẽ chẳng có gì nên tốt đẹp.
Hỏi: Trong vật thể, vật nào di chuyển nhanh nhất?
Đáp: Tư tưởng. Bởi, chỉ một giây ngắn ngủi, nó đến được bên kia vũ trụ.
Hỏi: Trong vạn vật, vật gì mạnh mẽ nhất?
Đáp: Nhu cầu. Bởi, nó giúp ta san bằng mọi khó khăn dù lớn lao.
Hỏi: Trong mọi việc, việc gì dễ làm nhất?
Đáp: Lời khuyên. Bởi, ai cũng muốn khuyên người khác chứ không để người khác khuyên dạy mình.
Trả lời câu hỏi tiếp, bậc Hiền triết đưa ra một câu nghe rất lạ. Người hỏi khi ấy chỉ quan tâm đến chuyện trần thế, nên chẳng hiểu. Hoặc có hiểu, cũng hiểu cách nông cạn, thiếu sót. Câu ấy thế này:
Hỏi: Mọi việc ở đời, việc nào khó làm nhất?
Đáp: Tự Biết mình.
Hỏi xong, thức giả kia cứ suy tư mãi về thông điệp hiếm có gửi đến mọi người.”

            Bàn về thông điệp của bậc HIền triết xưa, người kể cũng suy tư, nguyện cầu mãi. Không nguyện cầu để được thần linh soi sáng, thì chưa chắc người kể có được sự minh mẫn để nhận ra điều gì dễ thấy, là: con người hôm nay tự cho mình biết hết mọi sự. Làm được mọi việc, nên đâu cần đến suy tư  cầu nguyện, làm gì nữa.
            Nghiệm sinh điều người kể vừa nhận định, bần đạo đây thấy cũng đúng. Đúng là bởi thời buổi này ai cũng thấy người thời đại hôm nay có quá nhiều thứ, từ vật chất cho đến tinh thần, nên ít thấy việc nguyện cầu/suy tư là cần thiết. Hoặc, có suy tư đi nữa, cũng chỉ suy nghĩ và tư lự những gì có lợi cho đời mình thôi.
            Thế nên, hôm nay, nhân nghe câu nói của chính-trị-gia tầm cỡ ở nước Mỹ, tưởng cũng nên dừng lại mà suy tư/nguyện cầu, ngõ hầu có được niềm hy vọng rất chính đáng. Suy tư/nguyện cầu như thế, niềm hy vọng đạt được sẽ dẫn ta đến với Đức Chúa là Chúa của Hy vọng, Bình an và Vui sống. Ngài là Đấng chiến thắng âu sầu, hãi sợ và nỗi chết.
            Nguyện cầu rồi, nay mời bạn và mời tôi, ta tiếp tục câu hát vừa khởi xướng, nhưng chưa kết, rất như sau:

            “Mình xa nhau, xin đừng quên nhau.
            Nhớ đến nhau hoài.
Mình xa nhau, xin đừng quên mau,
Nắng sẽ phai màu.
            Đừng khóc nữa, gió buồn vì mắt ướt hoen sầu,
Đừng cho nhau tiếng than van.
            Đừng nói lên lời khóc than.”
            (Lời việt: Truờng Kỳ - bđd)

            Hát rồi, ta lại hát nữa cho nguôi sầu và cũng để nguyện cầu với lời lẽ như sau:

            “Rồi mai đây, khi mình chia tay,
            Nhớ đến hôm này.
            Rồi mai đây, trong giờ chia ly,
            Nhớ đến phút này.
            Hồn quyến luyến những gì mình chất chứa trong lòng.
            Đành xa nhau, chớ đi mau
            Sợ vỡ tan tình bấy lâu.”
            (lời Việt: Trường Kỳ - bđd)

            Vâng. Đúng vậy. Điều đáng sợ hơn cả, là: tình mình và tình người sẽ tan vỡ, khi gặp tình huống chia lìa, đớn đau, buồn nản. Thế nên, vẫn cần đến Tin Mừng của Chúa, suốt đời mình.

            Trần Ngọc Mười Hai
            Nay mượn ca từ của người
            để nhắn mình và nhắn người  rằng:
vẫn còn đó niềm hy vọng rất lớn
            ở cuối đường hầm,
cuộc đời mình.


           



             

No comments: