Chờ trăng gió lên khơi
(Lê Uyên và Phương – Dạ Khúc Cho Tình Nhân)
(Cv 23: 1)
Rất nhiều lần, người anh em rất trẻ trong hàng ngũ linh mục, ở nhà Đạo, từng nhắn nhủ với bần đạo, rằng: lần sau anh có viết và có lách, có trích dẫn các nhạc tình làm bình phong, xin hãy trích cho em bài gì đó của Lê Uyên Phương. Bài, có ca từ như “thắp sao trời”, “mưa gió tơi bời”. Lên khơi. Hay gì đó. Rất trữ tình.
Nghe bạn nhủ, bần đạo nghĩ mãi không ra, ba đầu đề nhạc bản, làm dẫn nhập. Bần đạo tuy thích nhạc của đôi uyên ương, rất Uyên Phương này, nhưng vẫn không tài nào nhớ nổi bài có câu hát, ở trên. May thay. Trong một lần nghe biết ưu tư da diết của bần đạo, bạn trẻ nọ bèn mách nước bảo: đó là “Dạ Khúc Cho Tình Nhân”, đấy anh ơi. Thế là, như bắt được vàng, bần đạo bèn chui ngay vào Google.com, tìm ra ngay lời ca vũ bão. Mưa sa. Của nhạc bản, có ý/từ đầy hứng thú, như sau:
“Mà mưa bão tơi bời
Một ngày mưa bão không rời.
Trên đôi vai thanh xuân
Ướp hôn nồng bên gối đắm say
Ánh sao trời theo gió rụng rơi... đầy.”
(Lê Uyên và Phương – bđd)
Lại mới đây, cũng có người bạn trên đời, lại cũng gởi cho bần đạo, những lời ca ý nhạc khác về cặp uyên ương nói ở trên, như sau:
“…Những năm đầu thập kỷ 1970, từ Đà Lạt vào Sài Gòn, Lê Uyên và Phương đã đem một luồng gió mới đến với âm nhạc. Trong những năm khốc liệt nhất của cuộc chiến Việt Nam, Lê Uyên và Phương, với những ca khúc nồng nàn, khắc khoải đôi khi bàng bạc, triết lý đã được giới trẻ đón nhận nồng nhiệt…
So với nhạc tình của các bậc trưởng lão khác như Trịnh, Văn Cao, Phạm Duy, nhạc tình của Lê Uyên Phương không chỉ còn là tình si mà là tình điên, âm nhạc của Lê Uyên Phương không những gợi cảm từ ca từ mà cả cách biểu diễn với giọng hát của hai người cứ quyện lấy nhau. Chỉ có trong nhạc của Lê Uyên Phương mới có cái cảnh đôi tình nhân rã rời sau khi xoắn xít vào nhau…” (Phạm Duy: Hồi Ký )
Thế đó, là lời bình. Bình nhạc. Bình thơ. Hay, bình văn. Vẫn cứ là lời bình rất an. Hay, lời an vui cũng rất bình. Về người mình. Tức, người yêu nhạc. Yêu thơ. Một đời người. Đời người, còn những người đời cũng biết yêu thơ, yêu nhạc, lại yêu văn. Như, lời văn rất bình và rất luận của một bạn trẻ ở nhà, đã có lời bình văn, băn khoăn nhiều suy nghĩ, như sau:
“Trong dịp tuyển sinh đại học năm 2004, giám khảo nọ bắt chộp được đoạn bình luận văn thơ nộp thi vào Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Thành Phố, như sau:
1. Bác Hồ là một hột giống tốt cần được bảo quản.
2. Bài thơ “Chiều Tối” của Bác Hồ làm ta nhớ đến câu thơ của Nguyễn Du “Chim hôm thoi thóp về rừng”, hay câu: “Ngàn năm gió cuốn chim bay mỏi” của Bà Huyện Thanh Quan. Nhưng so sánh ta thấy rõ chim Bác Hồ khác hẳn chim Nguyễn Du, và còn khác hơn chim Bà Huyện Thanh Quan. Chim Bà Huyện tự nhiên mỏi. Còn chim Bác Hồ là con chim phi thường, nó mỏi có mục đích: “Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ”.
3. Qua bài thơ “Chiều tối”, ta thấy Bác Hồ đã dùng chim để mô tả nội tâm. Làm sao Bác biết chim mỏi? Nó nói với Bác chăng? Không. Nó không nói với Bac. Mà chỉ cần nhìn Bác cũng biết nó mỏi…” (điện thư của một nhà giáo viết từ Sàigòn ngày
Đúng là chuyện vui ngàn năm, chứ không chỉ đầu năm, hay năm đầu, mà thôi. Mạn phiếm, hay tản mạn những phiếm Đạo vào đời và trong đời, không nhất thiết phải tìm đến những đề tài có liên quan đến niềm ngày đầu năm hay nỗi buồn buổi tất niên. Vẫn có thể liên tu, bất tận. Miễn, có tình có tiết, rất bình an. Bình và an, cả vào tháng ngày hoang. Mộng tàn. Như câu ca, ở bên dưới:
“Cùng rót bao nhiêu ngày hoang
Cùng đếm bao nhiêu mộng tàn
Ru người yêu dấu trong vùng trời đêm.”
(Lê Uyên và Phương – bđd)
Trong quá trình tìm kiếm nỗi niềm bình an, trong tâm hồn, chừng như nhiều người vẫn gặp sự việc rất bình thường. Cũng, u uẩn. Lẩn khuất. Như câu hát:
“Vừa hoa nở tươi môi
Tình nhân đã xa xôi
Ðời ngăn cách nhau hoài
Một lần thôi đã không thôi
Yêu nhau trong lo âu
Biết bao lần tha thiết nhớ mong.”
(Lê Uyên và Phương – bđd)
Đúng thế. Khi đã “yêu nhau trong lo âu” rồi, chắc hẳn bạn và tôi, ta sẽ rất “tha thiết nhớ mong”. Nhớ và mong, những gì đã nói và đã làm trong yêu thương. Mong và nhớ, cách thế mình xử sự, cả khi xa xôi. Ngăn cách. Nhớ mong/mong nhớ, để rồi mình cũng sẽ không hề e thên với lương tâm. Của chính mình. Như các thánh nhân từng quả quyết:
“Phaolô nhìn thẳng vào Công nghi mà nói:
Thưa quí vị đồng bào,
với một lương tâm hết sức ngay lành,
tôi đã đi đứng trước mặt Thiên Chúa
cho đến ngày nay.”
(Cv 23: 1)
Thì ra. Có nói năng, đi đứng. Có, bình văn/thơ hay bình luận gì gì đi nữa, cũng phải như thánh nhân ở trên, dám “đi đứng trước mặt Thiên Chúa”, “với một lương tâm hết sức ngay lành”. Đâu ai dám bảo: các nhà bình luận văn thơ/âm nhạc: không ngay lành, với chữ nghĩa. Đúng lương tâm? Thế nhưng, giữ đúng lương tâm, có lẽ cũng nên tin nên theo nhận định của Hội thánh, rất như sau:
“Lương tâm là phê phán có thực chất lý lẽ ngang qua đó, người phê phán nhận thức được phẩm chất giá trị về luân lý của hành động cụ thể mà người nào đó sắp thực thi, đang thực hiện, hoặc đã hoàn tất trong quá khứ.” (X. Giaó Lý Hội Thánh Công Giáo #1778)
Xem như thế, lương tâm con người không chỉ là tiếng nói ở bên trong. Để rồi, theo cung cách nào đó, âm thầm chỉ dẫn cho ta biết cách thức mà hành xử. Hoặc, tránh né, những việc không nên làm. Chính đó, đích thực là một phê phán có lý lẽ hẳn hòi. Một phê phán cúa ý thức. Có trí tuệ. Rất không sai.
Để có thể phê phán không sai lạc, lương tâm sẽ giúp con người cân nhắc nhiều yếu tố, rất khách quan. Ngõ hầu dẫn dắt người phán và phê đi đến kết luận, rất thực tiến. thực tiễn, là: thúc giục người phê và phán là chính mình phải có quyết định đúng đắn. KHông sai chậy. Hầu cho phép hoặc cấm đoán làm điều gì.
Lương tâm là quà tặng Cha ban, ngang qua Thần Linh Thánh Ái của Ngài. Quà Ngài ban, cho riêng mỗi con người. Để, các người con của Ngài biết đường mà xử sự sao cho phù hợp với thiên nhân, vạn vật. Để, con của Người đóng góp vào việc biến thiên nhiên vạn vật được “trăm hoa đua nở”, thật rực rỡ. Tốt đẹp.
Lương tâm, còn là toà án cá nhân. Bên trong. Giúp con người nhận ra điều phải/trái mà suy xét. Đắn đo. Lo toan, sống phải lẽ. Sống xứng hợp với tư cách người con của Chúa. Do Chúa tạo dựng, giống như Người.
Với nhà Đạo, thì như thế. Với người đời, thì chỉ như ca từ của nghệ nhân, xưa từng viết:
“Lá hoa rừng mau xóa đường quay về
Làm ánh sao đêm lẻ loi
Màu tối gương bên đèn soi
Ân tình sâu vẫn trong đời thủy chung.”
(Lê Uyên và Phương - bđd)
Và, bởi nhiểu người thời nay quên mất sự hiện diện của lương tâm, bên trong mình, nên mới có những cảnh tệ hại xảy đến cho kình. Cho người. Tệ hại nhất, là: quên rằng những điều tốt đẹp Chúa dạy mình nơi giới răn. Ở Tin Mừng. Nay, ra hư luống. Công cốc. Phản thùng.
Bởi có hư luống, phản thùng, nên các thánh Giáo phụ như Bônaventura, đã từng lên tiếng, với mọi người về chức năng và uy lực của lương tâm như sau:
“Lương tâm là như sứ giả của Thiên Chúa. Lương tâm không quan chức có quyền sai bảo con người làm theo thẩm quyền của mình, nhưng lương tâm có chức năng khyên nhủ con người làm những điều từ quyền năng của Thiên Chúa phán dạy. Tương tợ như, vị sứ giả chỉ chuyên chở mỗi bài sai hoặc chiếu chỉ của vua quan, thôi. Chính vì thế, nên lương tâm cũng có cái uy lực buộc người nghe phải thi hành.” (X. II Librium Sent., dist. 39, a.1, q.3)
Nghệ sĩ ngoài đời, diễn tả những tê hại đến từ hành động sai trái lương tâm, một cách khác:
“Ðời mãi mãi mãi cách xa
Dòng nước mắt nóng tiễn đưa
Xin cho lần cuối
Tình ấy đắm đuối thiết tha
Vì qua bao nhiêu điêu linh
Xót xa
đắng cay
trong đời...”
(Lê Uyên và Phương – bđd)
Xót xa. Đắng cay, trong đời. Là, tệ hại kéo đến từ một đổ vỡ, kết quả của những thực hành trái với lương tâm. Trái lương tâm, còn dẫn theo những thực tại tai hại khác, mà mọi người vẫn thường thấy, ở nhà Đạo. Ngoài đời.
Với nhà Đạo, xót xa/cay đắng có thể tựa như những tệ hại không chỉ cho riêng mình. Mà còn đem đến với người khác. Những nạn nhân của một lạm dụng, về tình. Vẫn thường thấy, rất đầy dẫy. Vào hôm nay. Xót xa/cay đắng, còn có thể là giận dữ. Cách chia. Xảy đến cả với đấng bậc vị vọng, trong Đạo. Cụ thể, như chuyện xảy đến với Giáo hội, ở địa phương. Phương Tây. Đây đó.
Và vì thế, nhà văn/nhà thơ, nay không còn bình và luận nữa. Nhưng đã hát. Hát những mộng ước, rất như sau:
”Màn đêm mở huyệt sâu
Mộng đầu xin dài lâu
Một vì sao lạ rơi,
nghe hồn tê tái
trên dòng hương khói bay.”
(Lê Uyên và Phương – bđd)
Hát rồi, nhà thơ/nhà văn nay lại nhắn:
”Ái ân ơi đừng phụ lòng ta
Nhớ thương sâu xin gởi người xa
Khóc nhau trong cuộc đời.
Giấc mơ xưa khăn phủ vành sô
Có yêu nhau ngọt ngào tìm nhau
Chết bên nhau thật là hồn nhiên!
Nhưng, anh không chết đâu em. Em cũng chẳng chết đâu anh, dù anh dù em cứ hồn nhiên, hành xử trái với lương tâm. Của chính mình. Có làm trái với lương tâm, người-làm-trái chỉ chết trong lòng một ít, rồi thôi. Vấn đề là, người ấy nếu biết hồi hướng. Trở về. Về, với lương tâm. Về với Đấng tạo dựng ra lương tâm, thì mọi việc sẽ lại tốt đẹp, như trước.
Với điều kiện, là anh là em. Là chúng ta, sẽ lại nghe theo tiếng lương tâm, mà hành xử. Và, khi đã nghe và thực hiện theo tiếng ấy, em và anh, cũng như tôi. Như bạn. Ta sẽ ngâm nga câu thơ nhạc bản của ai đó, ở đoản văn mang tên “Chẳng còn Boléro nữa”, như sau:
“Nói thế nào nhỉ
Khi không còn chốn ấy để tình anh chất đầy?
Chất cả đời người.
Một phần đời em vẫn là cả đời tôi.
Cái đêm hè nóng cháy hôm ấy
đã sụp đổ trên tôi
khi ánh mắt dịu hiền
không còn nhìn lên tôi
Cả bầu trời sụp đổ
trên tôi.
Ôi thôi, chẳng còn Boléro nữa.
Chỉ một mình tôi
Rất đơn côi
Lạnh lùng.
Vì khi em đi rồi
Tôi sẽ chẳng còn điệu Boléro nào nữa
Chẳng còn đêm hè đoàn tụ
có em và tôi, ta cùng nhảy.
Vẫn chỉ là đêm dài hiu hắt
Vắng bóng người em yêu.
Vắng cả nhịp tiếng Boléro
Người em tôi yêu…”
Quả đúng thế. Một khi Boléro Lương Tâm không còn ở với anh/với tôi nữa. thì, đời anh và đời sẽ chỉ là quãng ngày dài vô vị. Quãng ngày, có anh và tôi mải nhìn ngắm sao trời, chờ em thắp. Chờ trăng gió lên khơi. Ngày đẹp sẽ lại tới. Với em. Và với tôi.
Trần Ngọc Mười Hai
Mong ngày còn lại
sẽ không là ngày mải ngắm sao trời,
mà nuối tiếc.
(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com
hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;
hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com )
1 comment:
Thank YOU - lmThai
Post a Comment