Monday 31 May 2010

“Em đến thăm Anh chiều đông giá”

Em đến thăm Anh trời mưa gió,

Đường xa lạnh lùng.”

(Tô Vũ – Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa)

(Cv 8: 1/20: 28-29)

Chẳng có gì, bắt bạn và tôi, ta tin rằng: lời ca trên, quả thật rất đúng. Cũng một trật, không có gì buộc tôi và bạn, cứ bảo rằng: những gì viết ra ở đây, là sự thật. Rất tín điều. Tín điều là tin hay không, những chuyện rằng: các nhân vật lẫy lừng và tăm tiếng, thường để lại câu nói một thời, rất nổi cộm. Thượng thừa. Ngôn sứ. Như lời hỏi nhỏ. Táo bạo. Bậc cha/bác. Là, cố giáo sư kinh thánh Lm Nguyễn Thế Thuấn, Dòng Chúa Cứu Thế, trong cuộc mạn đàm bỏ túi, trên đồi Scala-Đàlạt 1967, năm ấy. Thấy rất rõ. Rõ, như phán quyết: Hà Nội của chú mày, chắc hẳn văn chương/thi phú, tuyệt cú nhỉ?

Bần đạo đây, sinh quán đất Hà Thành, ngàn năm văn vật. Cũng lật đật chào đời ở phố Huế. Chợ Hôm. Đường Hoà Mã. Rành rành, cũng như ai. Nhưng, đâu vì thế mà bày tôi và tớ đây dám kết luận: mình là thợ viết, văn hoa chữ nghĩa, rất đầy mình, đâu. Có chăng, chỉ dám lập lại lời của ai đó, cứ bảo rằng: Huế thâm. Bắc kỳ lém. Nam bộ rất “ruột ngựa”. Chứ, cái thứ văn chương bóng bảy xứ Hà thành, thì bọn tôi lần đầu, mới nghe thấy.

Nói gì thì nói, Hà Thành của tôi hôm nay, mang nhiều tiếng. Tiếng tốt, đã đành. Tiếng: lanh chanh. Lanh lợi. Lanh lẹ. Gì gì nữa, cũng cứ xin. Xin nhận tiếng ấy làm quê hương. Dẫu khó thương. Nhưng kỳ thực, có thương cũng không khó. Thế nên, mỗi lần hướng về Hà Thành, quê hương tôi đầy chất lanh chanh. Lanh lảnh. Bản thân bần đạo vẫn cứ thương. Và cứ nhớ. Nhớ, người nhạc sĩ họ Tô tên Vũ, từng nói hát lời thơ yêu thương. Lanh lảnh, một giòng chảy, rằng:

“Mặt nhìn mặt, cầm tay bâng khuâng không nói… một câu.

Lời nghẹn ngào, hòn anh như say như ngây… vì đâu?

(Tô Vũ – bđd)

Nghẹn ngào, như thấy có cái gì đó, đang ngăn tim. Chặn họng. Không cho dân Hà Thành, người anh tôi, chứng tỏ được tính lanh lẹ. Đầy tình người. Thôi đành hát:

“Có hay, lúc em về

Gót chân bước reo, âm thầm

Trên đường một mình ngoài mưa,

mưa, như mưa trong lòng anh…”

(Tô Vũ – bđd)

Mưa, trong lòng anh. Lòng tôi nữa. Vẫn còn mưa. Nhiều hơn. Khi anh và tôi, ta vẫn nghe. Và cứ thấy. Những điều rất trái khuấy, xảy đến với tôi. Với anh. Là, Hội thánh. Ở mọi thời. Nhất là thời, có những nhận định và ghi chép, buổi hôm trước:

“Hồi ấy, Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem

trải qua một cơn bắt bớ dữ dội.

Ngoài các Tông Đồ ra,

mọi người đều phải tản mác

về các vùng quê miền Giu-đê và Sa-ma-ri.”

(Cv 8: 1)

Hồi ấy, là giai đoạn đầu đời của Kitô giáo. Lúc, mà Hội thánh đang ra sức bành trướng, có sự đôn đốc của Chúa Thánh Linh, Đấng đã ngự xuống vào Lễ Ngũ Tuần. Hiện Xuống. Rất quang vinh. Đấng, luôn dẫn dắt các thừa sai Tin Mừng. Mà còn thế. Nói chi thời bây giờ.

Thời bấy giờ, nơi Hội thánh, đang thấy có những mũi dùi cả ở bên trong lẫn bên ngoài, lầm lừ chĩa tới. Khiến Phaolô thánh nhân, đã phải kêu:

“Phần tôi, tôi biết rằng khi tôi đi rồi,

thì sẽ có những sói dữ đột nhập vào anh em,

chúng không tha đàn chiên.

Ngay từ giữa hàng ngũ anh em

sẽ xuất hiện những người giảng dạy những điều sai lạc,

hòng lôi cuốn các môn đệ theo chúng.”

(Cv 20:28-29)

Buổi hôm nay, Hội thánh cũng không thoát những cảnh tương tự. Khá hung hãn. Hiểm hóc. Rất đáng khóc. Nhưng, khóc mà làm gì. Vì, như người nghệ sĩ xưa đã biết hát những lời lẽ tuy bâng khuâng. nhưng lại rất an vui. Hy vọng. Rằng:

“Lòng bồi hồi nhìn theo chân em, chìm trong ngày xanh.

Ta ước mơ một chiều thêu nắng,

Em đến chơi quên niềm cay đắng,

…và quên … đường về.”

(Tô Vũ – bđd)

Nghệ sĩ hát, bần đạo nghe như có điều gì đó, mang máng một khuyến khích. Rủ rê. Rất vỗ về. Không dám bảo, mỗi nghệ sĩ, người làm thơ hay viết nhạc đều vương vấn ở đâu đó đôi chút thi tứ. Thơ văn. Nhiều ngôn sứ. Mà, chỉ dám nhận rằng, tất cả “là ân huệ”. Là ân là huệ. Đến từ Thiên-Chúa-là-tình-yêu. Ngang qua, những con người rất mỹ miều. Có thi ca. Âm nhạc. Nhiều hạnh phúc.

Nếu cho phép bần đạo được nói lên lời lẽ người Hà-Thành rất lanh và rất lợi, nhưng lại chẳng màng những lợi lộc thành danh, thì bần đạo sẽ tìm lời lẽ của thi nhân/văn sĩ hoặc chỉ là người kể truyện, rất bình thường, thì bần đạo sẽ bắt đầu như sau:

“Bố của Trùm Phỉnh chết đi, để lại cho Phỉnh 3 tấm bằng Tiến sĩ khống chỉ, không biết chạy chọt mua được ở đâu, dặn rằng:

-Con xem lũ con cháu trong nhà, những đứa nào khôn ngoan hơn người thì điền tên chúng vào đây, để nhà mình cũng nở mặt nở mày với thiên hạ.

Một hôm Trùm Phỉnh cùng với anh con trai và người con rể cùng ngồi uống trà. Nhìn ra sân thấy con ngỗng đứng một chân, Phỉnh thử tài:

-Các con hãy đưa ra một lý thuyết trước cảnh con ngỗng một chân!

Anh con trai mau miệng nói ngay:

-Không nên lấy cái tạm thời trước mắt để lập thuyết, thưa cha!

Phỉnh quát:

-Thằng này láo. Mày muốn xét lại ý của tao à?

Người con rể chậm rãi thưa:

-Thưa cha, mọi thứ trên đời nếu có một thì ổn định. Có nhiều, sẽ loạn. Trời chỉ một trời. Đất chỉ một đất. Nhà chỉ một cha. Ngỗng một chân, là cái lẽ nhất nguyên của trời đất, đó thôi!

Phỉnh sung sướng rút ra một bằng tiến sĩ, trao cho con rể.

Buổi uống trà hôm sau, con ngỗng bình thường lại đứng hai chân. Phỉnh hỏi:

-Ngỗng hai chân ứng với thuyết gì?

Anh con trai nói:

-Thưa cha ngỗng vốn hai chân, có gì mà nói!

Phỉnh lại quát:

-Thằng này láo. Mày muốn chống lại vai trò của bố mày ở cái nhà này, phải không?

Người con rể lễ phép thưa:

-Thưa cha, một sẽ phân hoá thành hai. Thế giới còn lại, chia hai phe. Ngỗng hai chân, là cái thế lưỡng phân, ai thắng ai đấy ạ!

Phỉnh sung sướng trao cho người con rể bằng Tiến sĩ thứ hai.

Buổi trà sau đó, con ngỗng vừa từ biệt con bạn gái của nó, sừng sững đứng cả ba chân. Phỉnh bảo:

-Ôi, cảnh tượng kỳ khú. Ngỗng 3 chân là do thuyết gì?

Anh con trai nói:

-Thuyết gì thì ngỗng vẫn hai chân, đó bố ạ.

Phỉnh giận tím mặt, quát:

-Mày thấy bố mày dân chủ, nên lợi dụng hả?

Nói rồi, cầm gậy đuổi anh con trai chạy đi biệt xứ. Riêng người con rể vẫn ôn tồn, thưa:

-Ba, là số lẻ. Là, trở về với Triết học Á đông. Ngỗng 3 chân là thế giới đại đồng rồi. Đây

là thế “đa phương hoà nhập”, cũng là thế ổn định chân vạc. Nhưng tuy làm bạn với tất cả mọi người, ta vẫn phải đề phòng mặt trái của nó. Đấy cha xem. Cái chân thứ 3 kia cứ thập thập thò thò, mọi thứ lăng nhăng tiêu cực đều do nó sinh ra cả!

Phỉnh vui sướng đến cực độ, nên trao nốt cho con rể tấm bằng Tiến sĩ thứ ba.

Trong buổi ăn mừng 3 bằng Tiến sĩ, một người trong làng hỏi người con rể:

-Anh nói ba lần ba lý thuyết khác nhau, thế có mâu thuẫn không? Có “cơ hội” không?

Người con rể nói:

-Mọi thứ đều vận động. Nhận thức ngày một đi lên. Lòng vòng như cái chôn con ốc. Phép biện chứng của sự phát triển là thế. Khẳng định rồi phủ định. Lúc cần nói ngược, thì quân tử nói ngược. Lúc cần nói xuôi, thì quân tử nói xuôi. Ừ thì “cơ hội” đấy. Cứ nắm vững tính hai mặt mà chơi thì mâu thuẫn gì tôi cũng vượt qua được tuốt!

Người ấy lại hỏi:

-Bí quyết gì khiến anh ứng xử thành công trong cả ba trường hợp vậy?

Người con rể trả lời một cách khiêm tốn, nhưng uyên bác:

-Cực kỳ đơn giản thôi. Khi tôi đã nguyện một lòng theo bố vợ tôi, thì tài năng cứ tự nhiên xuất hiện, chứ nhà tôi trước đây có khoa bảng gì đâu. Truyền thống cũng có khi do mình biết chộp giựt mà ra.

Phỉnh chết. Cả gia tài đương nhiên để lại cho người con rể. Hắn được cả chì lẫn chài.”

(Kể theo lời Hà Sĩ Phu, Sáng Trăng, CE 2004, tr. 111-112)

Dùng truyện kể, để so sánh. Áp dụng. Trường hợp của Hội thánh trong quá khứ, lẫn hiện tại. Có thể là việc hơi táo bạo. Nếu không muốn nói là xấc xược. Tuy nhiên, truyện kể hôm nay, không chỉ kể để minh hoạ. Hay minh chứng, điều gì. Vẫn như, một dẫn nhập cho nhận định, bảo rằng: Hội thánh là hội của các thánh. Cũng có mặt tự nhiên rất “người”, của mình.

Trên thực tế, nhiều người hay lẫn lộn Hội thánh với thần quyền. Hoặc, quyền rất thần. Của các bậc vị vọng, nắm quyền sinh sát, hết muôn dân. Nếu hiểu thế, cũng nên nhớ: thần quyền Hội thánh La Mã rất Va-ti-căng, còn là thế quyền. Phàm trần. Vấn đề, là: khi nói chữ “Hội thánh”, cũng nên xem đó có là Hội thánh. Rất Công giáo, không? Hội thánh ấy, có bao gồm duy nhất chỉ các Giám mục, ở trên còn có Giám mục La mã, đấng làm đầu, không?

Với tư cách là người đứng đầu uy quyền trần thế, một thể chế, Đức Giáo Tông cũng có thể ra toà, vì các hành xử của ngài trong Hội thánh Công giáo. Trên thế giới. Trong khi đó, hội thánh địa phương, cũng có đấng bậc cầm đầu. Cũng tập trung, ở giáo phận. Giáo xứ. Và, giáo dân là thành viên chấp nhận Đức Giáo Tông, là đấng làm đầu Hội thánh toàn cầu. Rất mực. Đó, là Công giáo. Đó, là Hội (rất) thánh. Tức, Hội (gồm các thành viên) thánh thiện. Rất mực. Nhưng, thực tế.

Có điều là: khi nói về Hội thánh, người đời thường nghĩ nhiều về khía cạnh trần gian, như tổ chức. Ít ai nghĩ đến tính thần thiêng. Linh đạo. Rất thánh. Vì thế, dễ ngộ nhận. Vì thế, dễ bực tức. Trách móc. Giận hờn.

Thật sự, thì: Hội thánh lúc đầu gồm một nhóm các đấng dấn bước theo chân Chúa. Được Chúa thương yêu giao trọng trách ra đi bôn ba khắp hang cùng ngõ hẻm, mà công bố Tin Vui. Điềm Lành. Hội-thánh-người-của-Chúa được Thần Khí tái tạo. Giáo huấn. Chúc phúc. Cứ thế mà đi. Đi, để rao truyền Điềm Lành. Tin Vui ấy. Vào mọi lúc. Có lúc thăng lúc trầm. Như cuộc sống.

Cuộc sống của Hội thánh, nay phát triển như mọi xã hội, thời đại. Thế nên, Hội thánh luôn gặp nhiều tình huống rất bức bách, như con người. Thời hiện đại. Hiện đại, ở điểm: là thành viên Hội (các) thánh, ta cần minh chứng bằng cuộc sống phản ánh ý định của Thiên Chúa, với và trong thế giới hiện thời. Tức, thể hiện lòng thương yêu. Giúp đỡ. Hết mọi người. Không phân biệt giàu/nghèo. Chí ít, là những người mang thân phận tự ti. Thấp kém. Nghèo hèn.

Thành viên Hội (các) thánh, là nhóm hội của những người quyết đấu tranh/nguyện cầu cho công bằng. Sự thật. Bất cứ nơi đâu. Khi nào. Vẫn là việc khẩn thiết. Thành viên Hội thánh, còn phải chứng tỏ cho mọi người thấy: mình không là “người hành tinh”, từ trời rơi xuống. Nhưng, biết đau với cái đau của người bệnh. Khóc, với nỗi than và khóc của kẻ mất mát. Âu sầu. Buồn khổ.

Thành viên Hội thánh, còn phải biết khuyến khích hết mọi người, trong cũng như ngoài Đạo. Biết, san sẻ một phần cuộc sống của mình, cho những người. Những quốc gia. Hội thánh khác điều họ đang cần. Thành viên của Hội thánh Công giáo, không chỉ mang mỗi tên tuổi. Biệt hiệu. Rất riêng lẻ. Nhưng, biết hoà mình đến với mọi người. Để, nói cho họ biết: Thiên Chúa thương yêu mọi người. Rất hết mình.

Thành viên Hội thánh Công giáo, là người thuộc cộng đồng. Vẫn mang trong mình, những thắc mắc ưu tư, như lời của tác giả bài báo viết như sau:

“Về cảnh tình người Công giáo hôm nay, Flannery O’Connor có lần từng viết: ‘Chúng ta đang khôn khổ vì Hội thánh. Khốn khổ, vì đang bị tràn ngập những câu hỏi, từ những người cho mình là bạn với người Công giáo, như: “Làm sao bạn vẫn cứ ở lại với Hội thánh, thế?”

Trả lời cho những câu hỏi như thế, tôi thường nhấn mạnh vào ngôn từ thường làm cho mình đi trệch đường rày như dùng cụm từ “Hội thánh”, nhiều người nghĩ ngay đến: nào là “hệ cấp quyền bính”; “Giám mục’, hoặc “Toà thánh”. Những ai kinh qua thời kỳ rộnlên với cuộc chiến Việt Nam hẳn còn nhớ, là thời ấy, cũng có người vấn hỏi: “Làm sao các bạn cứ tự hào mình là người Mỹ, đến như thế?” Mỗi lần nghe hỏi, tôi đều bảo ngay: Bọn tôi đâu có là tòa Bạch Ốc! Cũng chẳng Ngũ Giác Đài. Lại cũng là những người phản đối chiến tranh, thôi.”

Hệt như thế, cụm từ “người Mỹ”, “Hoa Kỳ”, mang nhiều ý nghĩa hơn tự bao hàm. Sao tôi phải tin rằng Hội thánh vẫn cứ phải là Giáo Hoàng Bênêđíchtô 16 mà không là các nữ tu can đảm, từng thách thức các giám mục Hoa Kỳ về hệ thống y tế khi các vị cứ nhân danh người nghèo, để rồi làm chuyện này nọ? Nữ tu là những vị cống hiến cả đời mình cho Hội thánh, với tư cách là nữ tu. Là, y tá. Nhân viên viên xã hội.

Hội thánh có cả một lịch sử rất dài rộng. Lịch sử này bao gồm cả những tay vô tích sự lẫn các nhà anh hùng như thánh nữ Gioan thành Arc, như Giám mục Oscar Romero, đó là chỉ kể tên mỗi hai vị, thôi.

Hội thánh không phải là thể chế. Hội thánh là chúng dân. Là, những người hiện nay đang mang thương tích, với tai tiếng đủ loại. Tai tiếng không chỉ mỗi mặt lạm dụng tình dục, mà còn bao che. Phủ vùi. Năm 1959, khi Đức Gioan XXIII được bầu làm Giáo hoàng, người ta coi đó như một phép lạ, cho Hội thánh. Phép lạ từng xảy đến. Sẽ còn xảy đến như thế, một lần nữa. Bởi thế ta cứ nên hy vọng, dù mong manh, để phép lạ rồi sẽ đến với Hội thánh. Phải làm sao để mỗi người chúng ta có mặt tại nhà, khi phép lạ xảy đến.” (Mary C Gordon, Why I stay: a Parable From A Progressive Catholic, The Huffington Post, 6/4/2010)

Nói cho cùng, thì thành viên Hội thánh, là người biết hoà mình với người ở ngoài. Những trông chờ vào phép lạ cho chính mình. Vẫn cứ hy vọng trong ca hát. Hát và ca, bằng lời thơ ý nhạc rất đời thường, như :

“Em đến thăm Anh một chiều mưa,

Mưa dầm dề, đường trơn ướt. Tiêu điều.

Em đến thăm Anh. người em gái,

tà áo hương nồng, mắt huyền trìu mến.

Suởi ấm lòng Anh.”

(Tô Vũ – bđd)

Quả thật, thế giới hôm nay, có rất nhiều người Anh/người Chị trong Hội thánh, vẫn cứ chờ phép lạ, để người “em” đến thăm. Mà sưởi ấm. Bởi, lòng người anh/người Chị, nay chai đá. Chán chường. Chai, vì cuộc sống. Chán, vì người đời. Nên, cứ mong và hát những câu:

“Gió đưa cánh chim trời,

Đó đây, cách xa vời.

Chiều vui, mưa ướt cánh.

Khá thương kiếp bềnh bồng.

Dẫu khăng khít đôi lòng

Chiều nào em xa anh…”

(Tô Vũ – bđd)

Chiều vui. Mưa, dù ướt cánh. Anh và em, vẫn cứ thương. Cứ đến. Đến, như cánh chim, thương kiếp bềnh bồng. Khắng khít đôi lòng. Bởi, còn đó Hội thánh, thì người “em” là thành viên vẫn cần đến tình thương, hơn tranh chấp. Vẫn muôn đời. Cho mọi người.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn cứ mong và ngóng.

Một Hội thánh.

Rất như thế.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com )

No comments: