(Phạm Duy/Hoàng Cầm – Tình Cầm)
(Mt 11: 25)
Còn trẻ gì, mà sao anh cứ hỏi. Và, cứ nói. Hỏi và nói, những điều mà người đời cho là vẩn vơ. Lờ khờ. Hết ý. Đón em về, là đón theo vị thế trên/dưới, rất đôi bề. Đón em về, là đón người anh/người em tuổi đời tuy thua kém, nhưng phẩm trật lại thật cao. Đón em về, là đón chứ không hỏi xem “anh (có) còn trẻ”, nữa hay không. Và, “nếu anh (vẫn) còn trẻ”, thì những gì anh nói với em. Với anh. Với người. Đâu có là chuyện dễ làm. Dễ nói.
Thôi thì, hôm nay, bần đạo/người “em” vừa mới có lại được “tiếng” tốt, nên hát tiếp:
“Những khi chiều vàng phơ phất đến,
Anh đàn, em hát níu xuân xanh.”
(Phạm Duy/Hoàng Cầm – bđd)
Đấy kìa, ngày anh đến. Với Sydney. Em và tôi, ta vẫn cứ ca và cứ hát, đấy chứ. Nhưng đâu nào níu được mùa xuân. Xuân tuơi trẻ. Ngày xưa ấy. Buổi “chiều vàng”. “Bàng bạc”, Nhiều “vầng mây”. Nên, anh lại hát:
“Có mây bàng bạc, gây thương nhớ
Có ánh trăng vàng, soi giấc mơ.
Có anh ngồi lại, so phím cũ,
Mong chờ em hát, khúc Xuân xưa.”
(Phạm Duy/Hoàng Cầm – bđd)
Xuân xưa. Xuân nay. Chắc em và tôi, ta cứ nói. Nói, về Đức Chúa của Mùa Xuân. Về Chúa Xuân. Ở cõi Trời, đầy tình mến. Để, tôi và em, ta nhớ lời Chúa Xuân, xưa vẫn dạy:
“Lạy Cha là Chúa trời đất,
Con xin ngợi khen Cha,
vì Cha đã giấu những điều ấy
cho hạng thông thái,
nhưng đã mạc khải ra
cho kẻ bé mọn.”
(Mt 11: 25)
Rõ ràng: em và anh, ta đâu là “hạng thông thái”. Vẫn, “bé mọn” ở muôn thời. Nên, Chúa mạc khải cho ta điều mà nhiều người không hiểu. Thế nên, ta cứ hát:
“Nhưng thuyền em buộc, trên sông Hận
Anh chẳng quay về, với trúc tơ…”
(Phạm Duy/Hoàng Cầm – bđd)
Sông Hận. Trúc tơ. Nay, em và anh, ta ít nghe những điều mình cần hiểu. Nên, vẫn bảo:
“Ngày tháng tỳ bà, vương ánh nguyệt,
Mộng héo bên song, vẫn đợi chờ.”
(Phạm Duy/Hoàng Cầm – bđd)
“Ngày tháng tỳ bà”, là tháng ngày của “sông Hận”. Bận “ánh nguyệt”. Của, “mộng héo” bên sông. Tháng ngày chờ mong. Chờ, niềm vui đến. Mong, hạnh phúc Chúa gửi. Đến muôn người.
“Ngày tháng tỳ bà”, là tháng ngày buồn khi người em bé bỏng chẳng biết Chúa Xuân, vẫn mạc khải. Bảo ban. Làm sao nghe, nếu em không có đôi tai tròn. Xinh xắn. Làm sao có, nếu mẹ cha không cho em chào đời. Sống với người.
Vâng. Nhân sinh người đời, vẫn chuyện buồn “sông Hận”. “Mộng héo”. Rất “Tỳ bà”. Nhân sinh cuộc đời, vẫn đợi và vẫn chờ. Chờ đợi, một giấc mơ. Xưa. Giấc cũ xưa, vẫn mơ giấc của người đời khi xưa. Trong Đạo. Vẫn về với ưu tư. Thắc mắc. Về, quyết định của nhân sinh người người. Về, sản sinh kẻ “bé mọn”, Chúa nhủ khuyên. Về ngừa thai, như thư của bổn đạo “miệt dưới”, rất Sydney.Thư, là thư về ngừa thai. Sinh đẻ. Kể như sau:
“Vẫn biết rằng, Hội thánh vẫn theo luật, để suy tưởng. Suy và tưởng, về biện pháp ngăn ngừa sử dụng ngừa thai không phù hợp với thiên nhiên. Thế nhưng, có những vợ chồng trẻ vẫn cố lẩn lách việc sản sinh ra bé em để dưỡng nuôi. Vậy, thì xin hỏi: có gì khác biệt giữa phương pháp ngừa thai tự nhiên, với kế hoạch hoá gia đình, như Giáo hội dạy? Xin cho biết lập trường đúng đắn của Hội thánh, để thực thi.”
Lập trường đúng. Chính qui. Thanh bạch. Nay muốn biết. Vẫn cứ vời đến lời đáp giải của đức thày nhà Đạo, tuy không mới. Cũng chẳng lạ. Nhưng, hãy xem đức thày vị vọng ở Úc, có lập trường phóng khoáng hơn xưa, không? Và đây, câu đáp trả:
“Trước hết, điều quan trọng là: ta nên tỉnh táo hiểu rằng: người thường có lý do nào đó dễ bào chữa cho hành động của mình, hầu lẩn tránh việc sinh con. Hôm nay. Mai ngày.
Năm 1968, Đức Phaolô Đệ Lục đã có tông thư được gọi là Hiến chế “Đời Sống Con Người” khi ngài viết: “Ở vào tình trạng khi mình có vấn đề về thể xác, kinh tế, tâm lý, xã hội, thì bậc cha mẹ phải có trách nhiệm khi ra quyết định phóng khoáng, độ lượng; ngõ hầu dựng xây gia đình, cho phải phép. Quyết định đề ra, phải do động lực thúc đẩy việc tôn trọng đạo đức, để không còn tránh né chuyện sinh con. Vào lúc này. Hoặc, trong tương lai.” (#10)
Nói thế, có nghĩa: những ai ở vào tình trạng có bệnh về thể xác, đau yếu tâm thần cả về phía vợ lẫn chồng, khiến họ có khó khăn nghiêm trọng trong cuộc sống, vv.. mới xác định được là mình nên đẻ thưa ra, hoặc tránh không nên có thêm con, vào lúc ấy.
Trở lại câu hỏi của anh/chị, thì: nếu vợ chồng có lý do chính đáng để thôi không nên có thêm con nữa, có gì khác biệt giữa kế hoạch hoá gia đình tự nhiên, với chuyện ngừa thai không? Câu trả lời là: Có chứ. Khác, một trời một vực.
Ý Chúa, là: Ngài ban cho con người sức mạnh dục tình là để họ có thể sử dụng nó mà diễn bày tình yêu mật thiết, của hôn nhân. Diễn bày, trong khuôn khổ đoàn kết hiệp nhất. Luôn mở ngỏ. Để tặng ban sự sống. Tặng ban, theo nghĩa đồng công tạo dựng sự sống.
Qua Hiến chế “Cuộc Sống Con Người”, Đức Phaolô Đệ Lục đã giải thích lý do nói tại sao tránh thai lại là động thái không đúng với luân lý/đạo đức con người, vì “những gì Chúa kết hợp, loài người không được phân ly”. Tức, ý Chúa muốn con người phải sinh sôi nảy nở, thì không ai được phá bỏ ý Ngài. Mà, chỉ làm theo ý mình. Sinh sản, là động tác phối kết vợ chồng. Phối kết hài hoà. Là, đồng công tạo dựng sự sống, cùng với Chúa. Nếu duy trì hai ý nghĩa kết hợp và đồng công tạo dựng sự sống, thì động tác giao thoa/phối kết sẽ bao gồm ý nghĩa thương yêu tràn đầy, theo hai chiều. Tựa hồ kêu gọi con người hãy tuân thủ ý hướng của Chúa mà làm cha làm mẹ, cho đúng nghĩa.” (#12)
Người phối ngẫu muốn thực hiện kế hoạch hoá gia đình cho đúng phép tự nhiên, thì họ nên chọn lối giao thoa/phối kết vào thời kỳ vô sinh, của người nữ. Làm như thế, họ không khoá đóng khả năng sinh sản. Nhưng, mở ra cho sự sống. Làm như thế, là họ tuân theo chu kỳ sản sinh, Chúa tạo dựng.
Vợ chồng có trao thân dục tình cho nhau hay không, tuỳ tự do của hai người. Thành thử, nếu cả hai chọn không quan hệ dục tình vào một số ngày nào đó trong tháng, thì việc ấy cũng chẳng có gì là tội. Hoặc, bất luân.
Hơn nữa, quan hệ dục tình vợ chồng, là động thái yêu thương rất đích thực. Nói đúng, là trao thân gửi phận, cả hai chiều. Có hỗ tương. Làm như thế, hành động của họ sẽ phản ánh việc Chúa trao ban Thân Mình Ngài cho con người. Và, khi vợ chồng tặng trao thân xác mình qua giao thoa dục tình, là họ quyết định đạt cho được sự đậu thai sung mãn. Không giữ lại gì. Làm như thế, là họ chấp nhận yêu con cái, Chúa tặng ban.
Ngược lại, khi sử dụng biện pháp ngừa thai, thì cả hai không còn tặng trao cho nhau trọn nguời mình. Có tặng có cho, cũng chỉ cho mỗi thân xác dục tình, mà thôi. Vẫn giữ lại khả năng sinh sản bằng các vật cản thể lý/hoá chất, để tránh việc có con. Làm như thế, tứclà đã phản bác. Đã thay đổi tính tự nhiên nơi hành động tặng trao thân xác, của chính mình.
Điều này không chỉ mang tính ngược ngạo, kình chống kế hoạch của Chúa bằng sử dụng quan hệ dục tình thôi, lại cũng chẳng thể hiện tình thương yêu đích thực, như Chúa muốn.
Năm 1981, Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị đã giải thích thêm bằng Tông thư mang tính khuyến cáo với tựa đề:“Familiaris Consortio” (Đồng Thuận Gia Đình) có ý bảo: “Ngôn ngữ bẩm sinh diễn tả trạng thái vợ chồng trao ban thân xác cho nhau là trao ban theo cung cách “có đi có lại”. Còn, việc thực hiện ngừa thai, lại bao choàng ngôn ngữ ngược ngạo nghĩ rằng như thế mới khách quan, nhưng thực ra cả hai đã không đích thực trao thân mình cho người kia, cách trọn vẹn. Hành động này, không chỉ dẫn đến trạng thái khước từ mở lòng mình ra với sự sống mà thôi. Nhưng, còn bóp méo sự thật nội tại của tình vợ chồng, nữa. Bởi lẽ, tình yêu vợ chồng kêu gọi hai người trao ban cho nhau con người mình, vẹn toàn. Và, thật lòng.” (#32)
Động thái giao thoa/phối kết vợ chồng mà sử dụng phương pháp ngừa thai, là: động thái chỉ mang tính dục tình thể xác, chứ không có nghĩa yêu thương gì hết. Vợ chồng nào lúc đầu có sử dụng biện pháp ngừa thai, nhưng sau này đã biết tặng trao cho nhau trọn con người mình, mà không tính đến biện pháp ngăn ngừa thụ thai gì hết, sẽ cảm nhận được sự khác biệt trong hành xử. Thương yêu. Rất nhiệt tình.
Thêm vào đó, vợ chồng nào thực thi kế hoạch hoá gia đình vì lý do chính đáng, sẽ nhận ra rằng tình yêu họ tặng trao cho nhau, mới đích thực tăng trưởng. Trao tặng tình yêu cho nhau, có đồng thuận nhín nhịn giao thoa mỗi tháng một ít ngày, sẽ làm cho đôi bên tôn trọng lẫn nhau, nhiều hơn. Càng khiến mình biết tự chủ. Làm chủ chính thân xác của mình. Làm chủ đời mình, nhiều hơn.”(Lm John Flader, The Catholic Weekly
Ấy đấy, lời ngọc ngà của đấng bậc vị vọng. Rất chính qui. Thanh bạch. Tận hiến, cho Chúa. Đây này, một lời khác. Lời, rất văn hoa/thi tứ của người viết nhạc, ở ngoài đời. Như sau:
“Nếu có ngày nào, em quay gót
Lui về thăm lại, bến Thu xa
Thì đôi mái tóc, không còn xanh nữa
Mây bạc trăng vàng, vẫn thướt tha...”
(Phạm Duy/Hoàng Cầm – bđd)
Cũng có thể, giòng chảy cuộc đời ở đôi phía, vẫn thướt tha. Song hành. Không trùng phùng. Bởi, con người sống ở đời, có quá nhiều nghịch lý. Ích kỷ. Trái khuấy. Tuy cũng lựa chọn yêu thương nhau, thật đấy. Nhưng, là chọn theo cung cách ngoài đời. Chứ không là chọn lựa theo kiểu con dân, Đạo Chúa. Lựa chọn, để tìm ra lối sống thích hợp. Hợp tình. Hợp lý. Với mỗi người.
Nói tóm lại, sống ở đời, mọi chuyện cần để Chúa hướng dẫn. Yêu thương. Quên mình. Mà, tặng trao. Trao tặng, niềm vui. Trong mọi sự. Như truyện kể để bớt căng, như sau::
“Truyện rằng:
Chú muỗi đực nọ cứ tàn tàn bay quanh trên đầu một người nọ, khiến người ấy tức chết được. Hắn bèn rình rập, đập nát thây. Muỗi ta thấy ức, nên khi về chầu Thượng Đế, muỗi bèn thưa:
-Thưa Ngài, con có làm chi nên tội đâu, mà sao loài người cứ tìm cách đuổi theo con rồi đập cho chết. Xin Ngài cứu xét tình cảnh khốn đốn, của con đây.
-Thế, anh có chích người ta không?
-Dạ không. Chỉ có muỗi cái khát máu, mới chích người. Tụi con đây là dân “chay trường” đâu dám hỗn.
Thượng Đế nghe vậy, bèn rà soát với các kỹ sư sinh đẻ, ở đời. Kết quả cho biết, đúng là chỉ muỗi cái, được tạo dựng theo cung cách đặc biệt mới đâm chích làn da con người, hút máu đám người để sinh sản, nuôi con. Vòi của muỗi đực, được tạo dựng theo dạng loa kèn, đâu để chích! Thượng Đế nhìn muỗi đực, thấy ngại, bèn hỏi lại:
-Này chú muỗi đực, thế nhà anh có hay chọc chích muỗi cái, không thế?
-Trình Ngài coi lại, chứ vòi của con đây mà chích được ai, cơ chứ!
-Anh hiểu sai ý Ta rồi. Ta muốn hỏi: anh có chích muỗi cái bằng thứ gì khác không?
-Dạ, chuyện ấy thì … thưa Ngài lâu lâu con cũng làm.
-Vì anh có làm, nên muỗi cái mới sinh con, nó cần chất bổ để nuôi con nên mới phải hút máu con người. Nếu anh không chích, làm sao giòng họ muỗi được tồn tại, đến hôm nay?..
Nghe Thượng Đế giải thích lý lẽ cuộc đời, muỗi đực bèn uất ức, bật tiếng khóc. Thấy vậy, Thượng Đế bảo:
-Thôi được Ta cho anh sống, với điều kiện…
-Thưa Ngài, điều kiện gì, xin cứ nói?
-Là, từ nay ngươi không được chích muỗi cái, chỉ để vui chơi cho thoả thích. Nhưng, mỗi lần làm thế chỉ để sản sinh muỗi con mà thôi. Con có chịu như thế không?
-Thưa Ngài, nếu vậy…nếu vậy, con xin thà chết sướng hơn…”
Truyện kể, có thể không như thế. Tức là, không thực. Chỉ là, tiếu lâm chay để người người, sống cho dễ. Nhưng, cũng là bài học ở đời. Theo cách khác. Không theo cách thế của Hiến chế Humanae Vitae. Nhà Đạo. Vẫn hơi khó, với dân thường. Khó hiểu. Khó thực hiện. Ở đời.
Lời cuối cho tôi, chứ không cho bạn, là lời khích lệ: ta nên về với truyền thống. Rất Thánh Kinh. Về, để suy tư. Kiểm điểm. Trong thinh lặng. Nguyện cầu. Chỉ mình ta, với Chúa. Chỉ để Chúa, phán với ta. Thinh lặng, để rồi sẽ hiểu ngôn ngữ thời buổi bây giờ. Dễ cảm thông. Đồng thuận.
Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn xin sự cảm thông. Đồng thuận.
Ở trong Đạo. Và, ngoài đời.
Rất người.
(xem thêm các bài cùng một dạng, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com
hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;
hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com )
No comments:
Post a Comment