Saturday 12 June 2010

“Chưa gặp em, tôi vẫn nghĩ rằng”

Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng.”

(Phạm Đình Chương/Đinh Hùng- Mộng Dưới Hoa)

(Mt 21: 22)

Này hỡi, bạn và tôi. Hát câu trên, ta có thể “phán” thêm, mà rằng: vì chưa gặp, nên ta mới nói như thế. Chứ gặp rồi, ta có còn nhận định giống thế, nữa hay chăng? Trong sống Đạo giữa đời, có những tình huống cũng không khác thế là bao. Đạo, là một hành trình. Đời đi Đạo, là hành trình dọc suốt cuộc đời để kiếm tìm. Một niềm tin. Tin ai. Tin gì. Phải chăng là tin vào Đức Chúa? Tin rằng: Chúa vẫn đẹp hơn trăng. Hơn sao. Và mọi nét đẹp trên đời. Nhưng tin rồi, có lúc ta lại thôi. Không tin nữa. Cứ như thể, một rượt bắt. Rất “trốn tìm”.

Quả là, Đức Chúa của mình thật quá đẹp. Ngài đẹp, không chỉ mỗi sắc diện ngoại hình, thôi. Nhưng Ngài đẹp toàn diện. Cả bên trong. Lẫn bên ngoài. Nói chung, Ngài rất đẹp. Chưa gặp, nên mình chưa tin. Vậy thôi. Bởi thế nên, hỡi bạn và hỡi tôi, ta thử men theo người nghệ sĩ, vẫn cứ hát:

“Ta gặp nhau, yêu chẳng hạn kỳ,

Mây ngàn gió núi đọng trên mi…”

(Phạm Đình Chương/Đinh Hùng-bđd)

Chắc hẳn gặp Ngài rồi, ta sẽ thấy mình: “yêu chẳng hạn kỳ”, thôi. Thế nhưng, đời người có nhiều “gió núi đọng trên mi”. Nên có lẽ vì thế, ta mới ngờ. Mới uý kỵ. Uý, niềm tin. Kỵ, niềm riêng. Của mình đấy. Cũng vì thế, nghệ sĩ mình cứ linh tinh những hát tiếp:

“Nếu bước chân ngà, (em) có mỏi?

Xin em dựa sát lòng anh…”

(Phạm Đình Chương/Đinh Hùng-bđd)

Cứ ví thử, người yêu của bạn và của tôi, là con dân nhà Đạo. Sống trong đời, lại được Chúa/được Cha nhắn nhủ bằng câu ca/tiếng hát, rất ở trên. Chắc hẳn: bạn và tôi, ta cũng thấy lòng êm ái, thương rất nhiều. Cũng êm. Và rất ái. Mới có tâm sự lòng thòng cùng Đấng Bậc, mình vẫn yêu? Vẫn chiều. Và vẫn mến. Bởi vậy, sẽ hát thêm:

“Ôi, vai kề vai.

Hương ngát mái đầu!

Đêm nằm nghe bước mộng trôi mau.

Gió ơi, gửi gió lời tâm niệm,

Và, nguyện muôn chiều.

Ta có nhau.”

(Phạm Đình Chương/Đinh Hùng-bđd)

Sự thể là, đời mình/đời người, có những vấn đề được đặt ra như thế này: ngồi lại mới thấy, nhiều lúc không thể tỏ bày chuyện trắng/đen, mọi điều cho tỏ. Thế nhưng, vẫn cứ nửa nạc nửa mỡ, rất lờ mờ. Nên mới chết. Chết thật sự, nếu áp dụng vào địa hạt của một niềm, rất tin. Bởi lẽ: mới vừa “Ôi, vai kề vai” đây thôi, mà sao đã thỏ thẻ:

“Bước khẽ cho lòng (xin) nói nhỏ,

bao nhiêu mộng ước phù du…”

(Phạm Đình Chương/Đinh Hùng-bđd)

Vào với địa hạt của niềm tin, lẽ đáng ra ta phải nhớ đến Lời của Chúa, rất như sau:

“Và mọi điều,

các ngươi lấy lòng tin mà nguyện cầu,

các ngươi sẽ được.”

(Mt 21: 22)

Vừa qua, trong một dịp có những chia và sẻ rất đích thực ở buổi lễ tại gia, đã có bè bạn vẫn vương vấn một ưu tư/san sẻ rất thân thương. Mạn đàm. Tình thân. Như sau:

“Đọc Tin Mừng đoạn Chúa chịu thử thách, rồi nhìn lại bản thân, tôi thấy đời mình/đời người bao giờ cũng có hai thử thách sánh đôi. Ảnh hưởng rất hỗ tương. Lên nhau. Thứ nhất, là thử thách về niềm tin. Tin đó, rồi lại ngờ đó. Hai, là: thử thách về Quyền lực. Tức, quyền bính/quyền hành. Thử thách này tương tác hỗ trợ thử thách kia. Là người, ta luôn ước sao cho mình có quyền. Bởi, một khi có quyền rồi, là mình có tất cả. Và khi có tất cả, mình tự thấy uy thấy lực để hành. Hành xử. Hành sự. Và, hành hạ. Lẫn nhau. Có quyền, là có cớ để hành người khác. Trước nhất, là vợ. Là con. Là, kẻ mà mình cho là thấp hèn hơn. Hoặc, tự cho mình cái quyền dạy dỗ và muốn người khác thực hiện ý của mình, thôi. Chứ tuyệt nhiên không muốn điều ngược lại. Và, khi có quyền và có lực rồi, mình sẽ không còn thời gian và cơ hội để nghĩ và nhớ đến Chúa. Huống hồ là, tin vào Chúa. Các thử thách này là những điều rất thực. Chúng đan kết với nhau, ảnh hưởng lên nhau. Luôn làm mình bận tâm. Chúng thay nhau dằn vặt mình. Dằn vặt người. Suốt đời.” (chia sẻ của bạn trẻ họ Trần, trong buổi họp mặt có thánh lễ tại gia ở Sydney 20/2/2010)

Thế đó, là chia và sẻ. Chia sẻ, theo nghĩa sẻ san cho nhau một cảm nghiệm. Về giữ Đạo. Trong đời. Chia sẻ vào buổi lễ, là để nghe ý kiến của người khác. Khác mình. Khác người. Là, kể cho nhau nghe chuyện đời mình. Đời người. Vào thời trước:

“Đúng như anh vừa nói, thử thách rất lớn trong đời sống của anh em mình, là: niềm tin. Để minh chứng cho chuyện này, tôi xin kể lại kinh nghiệm cá nhân về một thử thách lớn tôi từng gặp, là: vào thời điểm bước lên tầu thuyền để vượt biên/đi biển, tôi được tầu Na-Uy cứu. Họ cho bọn tôi ăn uống no nê, xong xuôi rồi bảo: ‘Biển hôm nay lặng như tờ, vậy xin mời bà con xuống thuyền tiếp tục mà đi. Nghe vậy, bọn tôi thay nhau làm tài công. Nhưng thật sự thì bọn tôi ai cũng có công nhưng không có tài, nên cứ thế đi hoài và đi mãi. Cuối cùng, lại trôi dạt vào bờ. Để rồi, công an cầu cảng buộc lòng phải ra tiếp. Xộ khám.

Thời gian trong tù, là thời gian tôi suy nghĩ ghê lắm. Vẫn cứ hỏi: Chúa đâu rồi? Sao Ngài cứ để tôi nằm mãi chốn giam cầm, rất đau thương. Và tăm tối? Chúa có còn thương tôi nữa không? Sao, tôi cứ phải trải qua hết đau thương này đến khổ cực khác? Đến độ, tôi đâm ra hoài nghi cả Chúa nữa. Cuối cùng, nhờ vào lời cầu nguyện, tôi được ơn lấy lại niềm tin, mình từng đánh mất.

Tóm lại, đối với tôi, thử thách lớn nhất trong đời, là: thách thức về niềm tin. Tin có Chúa giúp mình, trong mọi hoàn cảnh, của cuộc đời. Tin rằng: Ngài vẫn yêu tôi. Vẫn ra tay cứu giúp. Luôn hộ phù tôi, trong mọi lúc. Cả vào khi tôi rơi vào chốn tối tăm, của nghi ngờ. Có Ngài hộ phù, tôi mới vững tin đến bây giờ.” (thành viên họ Vũ, thêm vài ý tưởng nhỏ trong buổi lễ nói ở trên hôm 20/02/2010)

Thử thách lớn về niềm tin, là thế sao? Niềm tin, hay niềm riêng? Có là niềm yêu thương, hạnh phúc. Rất hoan Lạc. Bình dị? Niềm tin, có là niềm riêng, trong tương quan ta với Chúa? Hay, chỉ là niềm thương yêu, của chính ta? Với bạn bè, người chưa quen? Chưa thân thiết? Tin, có là niềm riêng tương quan rất cứng ngắc? Một huyền thoại? Thần thoại buồn. U tối. Biện luận. Của triết nhân?

Hỏi, là hỏi chỉ thế thôi. Có trả lời, cũng chẳng “trả” được “lời” nào. Cho mình. Và cho ai. Tốt hơn hết, có lẽ ta vẫn cứ tìm. Và cứ kiếm. Kiếm tìm/gặp gỡ, rất riêng tây. Đầy tràn. Thuyết phục. Tìm và kiếm, có đính kèm vài truyện kể. Bên lề. Để luôn vui. Kể cho nhau nghe, khi căng thẳng. Lúc nghi ngờ. Úy kỵ. Vậy thì, mình cứ kể. Dù truyện kể không thích hợp với chủ đề khúc mắc. Khó giải.

“Kể rằng:

Ngày nọ, Vua Salômôn muốn làm bẽ mặt ông Bê-na-ia, vị cận thần thân tín, nên vua bèn nói:

-Bê-na-ia à, ta muốn ông mang về cho ta một chiếc vòng để đeo trong lễ Sukkot này. Ta hạn cho ông sáu tháng để tìm chiếc vòng ấy.

Bê-na-ia trả lời:

-Thưa Bệ hạ, trên đời này, có bất kỳ thứ gì tồn tại thì hạ thần quyết tìm thấy mang nó về ngay dâng Bệ hạ. Duy có điều, hạ thần nghĩ: chiếc vòng ấy chắc phải có gì đặc biệt lắm, Ngài mới ra lệnh cho đi tìm.

Vua đáp:

-Chiếc vòng ấy, có sức mạnh thật diệu kỳ. Hễ kẻ nào đang vui mà nhìn vào, sẽ thấy buồn. Nếu ai đang buồn, mà nhìn vào nó sẽ thấy vui ngay.

Vua biết rằng trên đời này, làm gì có chiếc vòng như thế tồn tại. Nhưng vua muốn cho vị cận thần của mình nếm một chút bẽ bàng.

Mùa xuân trôi qua, mùa hạ chợt đến. Bê-na-ia vẫn chưa tìm ra phương cách hay ý tưởng nào khả dĩ giúp ông tìm được chiếc vòng diệu kỳ như thế. Vào đêm trước lễ Sukkot, ông đang lang thang tìm đến một trong những nơi nghèo nhất ở Giêrusalem để tìm kiếm. Bỗng, đi ngang qua người bán hàng rong nọ đang bày bán những món hàng bình thường trên tấm bạt tồi tàn, Bê-na-ia bèn dừng lại hỏi:

-Này ông, có bao giờ ông nghe nói về chiếc vòng kỳ diệu có khả năng làm cho mọi người được hạnh phúc, nghĩa là đeo nó vào sẽ thấy mình luôn vui sướng. Còn người đau khổ hễ đeo nó, sẽ quên đi mọi nỗi buồn, hay không?

Người bán hàng lấy từ tấm bạt đang treo, một chiếc vòng giản dị có khắc dòng chữ lạ kỳ. Bê-na-ia đọc dòng chữ trên vòng đó, khuôn mặt ông bỗng nở rộ một nụ cười.

Đêm hôm đó, trong lúc toàn thành phố hân hoan đón mừng lễ hội Sukkot, thì nhà vua gọi Bê-na-ia lại hỏi:

-Này, ông bạn của ta, ông đã tìm thấy điều ta yêu cầu chưa?

Tất cả mọi cận thần đứng quanh vua, đều cười lớn. Chính vua Salômôn cũng cười.

Trước sự ngạc nhiên của mọi người, Bê-na-ia trịnh trọng đưa chiếc vòng cho vua và nói:

-Thưa Bệ hạ, chính nó là chiếc vòng nay.

Vua Salômôn đọc dòng chữ ghi trên vòng, bỗng nụ cười vụt biến trên môi. Chiếc vòng trông chẳng có gì đặc biệt. Đặc biệt, chỉ mỗi dòng chữ:"Điều đó rồi cũng qua đi".

Vào phút ấy, vua Salômôn chợt nhận ra rằng: hết thảy mọi khôn ngoan, vương giả và quyền uy của vua chỉ là phù du thôi. Bởi, một ngày nào đó, ông chỉ là cát bụi. Rồi cũng qua đi.

Thái độ của vua Salômôn, tuy được tiếng là giỏi dang. Khôn ngoan. Nề nếp. Vẫn dễ tin. Tin rất dễ, những gì không là vật chất. Cát bụi. Bởi lẽ, mọi điều rồi cũng qua đi. Như cát bụi, đời người. Chí ít, là tin vào lời. Của ai đó. Dù, đó có là lời kinh hôm. Ban sớm. Dù, đó có là lời kinh mình thuộc lòng, lúc tuyên xưng. Ở buổi lễ. Vẫn là thế.

Niềm tin hay đức tin, là: cả tấm lòng. Là, niềm riêng. Nhiều quyết tâm. Tin, là quyết chí thực hiện cho bằng được những gì mình nhất quyết. Tin, là tuân theo. Là, thực hiện ý muốn của Đấng/của người mà mình khâm phục. Yêu thương. Trân quý.

Tin, là biến khâm phục và thuyết phục thành hiện thực. Thành, hành động. Và, niềm tin người nhà Đạo, là biến hành động mình quyết tâm, bằng cử chỉ đẹp. Có yêu thương. Giùm giúp. Hiệu quả.

Tin và yêu, không đòi chứng minh. Thị thực. Theo luật. Nhưng, thông thường vẫn ngang qua sự việc thực tế. Rất sống động. Bằng hành vi. Cử chỉ mà người đời, gọi đó là hành xử. Tức, xử sự bằng hành động. Hoặc, bằng hành vi rất năng động.

Năng động ở hành vi “tin”, là năng và động khi người người biết duy trì và chuyển tải niềm tin ấy, cho người khác. Chuyển, không có nghĩa là dụ dỗ. Thuyết phục. Nhưng, bày tỏ cho người chưa nghe/chưa biết, về một người. Một sự việc. Thế thôi.

Năng động trong niềm tin, là tự mình học và hỏi. Đào sâu. Rất xác tín. Tức, nắm phần chắc về điều mình tin. Mình học nơi sách vở. Từ người khác. Học, kinh nghiệm của chính mình. Tin, nhờ công trình tìm kếm. Rất hăng say. Kiên trì. Lặng lẽ.

Tin, là tuỳ cuộc sống và đường lối mình thực hiện. Để nói rằng: những gì mình tin, đều có thật. Những điều mình được dạy, là những điều cần diễn tả và sống thực. Sống, bằng chính cuộc sống thực tiễn. Tin và sống, luôn đi kèm/hoà hợp với tình yêu. Bởi thế nên, nhà Đạo mình vẫn gọi đó là “Tin-yêu”. Tin, là tin tưởng để thương yêu. Tin, để yêu nhiều hơn. Để, chứng tỏ mình trông cậy nhiều hơn. Tin, là tin-yêu Đức Chúa. Qua con người. Với mọi người. Tin Chúa. Tin vào Tình thương của Ngài. Tin, không bằng lời. Nhưng, bằng hành động. Như câu truyện, kể ở dưới:

“Truyện rằng:

Nhật Bản thời buổi đó, có câu chuyện rất thực, được kể cho dân nghe. Như sau:

Có cư dân nọ, muốn sửa căn nhà mình ở, cho thông thoáng. Dễ thở. Ông bèn tháo dỡ bức tường hiện có, lôi tấm gỗ giữa lớp xi-măng, xem có gì cần lắp ráp không. Khi tháo dỡ, ông phát hiện ra chú thạch sùng đang ngủ vùi, trong đó. Đuôi của chú dính chặt vào tường gỗ bằng một lỗ đinh, từ ngoài đóng xuống. Thấy cảnh đó, ông thương cho chú thạch sùng, lại tò mò muốn biết: sao thạch sùng bị dính chặt vào đó, lâu ngày dày tháng, mà vẫn sống nhiều năm, không chết? Không đói. Chẳng cần ăn?

Quan sát kỷ, cuối cùng ông phát giác ra một điều: ông thấy từ đâu đó, bò ra một chú thạch sùng khác, đực/cái không rõ. Miệng chú ngoạm miếng mồi, kiếm được từ nơi nào đó, đem về mớm cho thạch sùng đang bị nạn, ăn đỡ đói. À thì ra, thạch sùng kia sở dĩ sống hết ngày này qua tháng nọ, là nhờ vào tình thương yêu đùm bọc của đồng loại. Vẫn chăm chút.

Thế mới biết, loài thú mà còn có niềm tin-yêu thương xót, huống chi nhân sinh, người đời. Thế mới biết, chính niềm tin-yêu, đùm bọc đã giúp con người và loài thú qua được truân chuyên. Khổ ải. Của cuộc sống.”

Xác chứng sống động về niềm tin, bằng truyện kể, vẫn dễ nghe. Và dễ tin hơn lời kinh hôm sớm. Chẳng mấy thuyết phục. Xác chứng, là chứng tỏ cách xác đáng bằng sự sống. Xác chứng như thế, vẫn hơn cãi tranh. Biện luận. Thuyết giảng. Chẳng thế mà, người người mang giòng máu thi ca/âm nhạc, vẫn lan man điệu hát. Hát rằng:

“Ôi, chưa gặp nhau như đã ước thề,

Mây hồng giăng tám ngả sơn khê.

Bóng hoa ngả xuống bàn tay mộng,

Và, mộng em cười, như giấc mê.”

(Phạm Đình Chương/Đinh Hùng- bđd)

Gặp rồi hay chưa, vẫn cứ tin. Bởi, tin là sức sống của mọi người. Không chỉ, là người trong mộng. Như ước thề. Tin, là xác chứng rằng mộng của em và của tôi vẫn cứ cười, như giấc mê. Bởi lẽ, cuộc sống ở đời, chỉ là giấc mê thôi. Hay giấc mộng. Nếu chẳng tin. Chuyện gì.

Trần Ngọc Mười Hai

rày đã thấy

kiếm tìm một niềm tin, không mấy khó.

Khó chăng, là duy trì và truyền tải.

Để thêm tin.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com

No comments: