Saturday 8 May 2010

“Chiều buồn len lén tâm-tư”

Mơ hồ nghe lá thu mưa Dạt dào tựa những âm xưa Thiết tha ngân lên lời xưa”

(Cung Tiền – Hoài cảm)

(Mt 16: 18-19/Ga 21: 15-17)

Bần đạo có người thầy, dạy môn triết, khi xưa từng cho biết: tâm lý người đời, thường nổi bật với những cãi vã. Đấu tranh. Giành giựt. Nơi đời người, có nhiều người đời, thường đấu tranh vào những “chiều buồn len lén tâm tư”, với giựt giành. Giành ăn. Giành gái. Giành quyền.

Ở đời thường hôm nay, lại có tác giả/tác thiệt, rày cũng viết. Ông viết nhiều. Về “quá trình lịch sử”, thời xưa cũ. Mới đây thôi, ông có viết: Tại Orange County, có 3 mục tiêu mà những kẻ muốn kiếm ăn hay kiếm danh thường tìm cách đánh chiếm, đó là: hội chợ Tết, diễn hành Tết; và lễ Tưởng niệm ngày 30 tháng Tư.” (x. Lữ Giang, Chuyện Buồn Tháng Tư, motgoctroi.com 23/4/2010)

Hỡi bạn và tôi, nếu để lòng mình “len lén tâm tư” như nghệ sĩ, ta sẽ có đôi ba ý tứ, như sau:

“Quạnh hiu, về thấm không gian

âm thầm, như lấn vào hồn.

Buổi chiều, chợt nhớ cố nhân.

Sương buồn, lắng qua hoàng hôn.”

(Cung Tiến – bđd)

Nhớ cố nhân hôm nay, bầu bạn vài nơi nay cứ hỏi: có chăng một thái độ: giành ăn và giành quyền, ở nhà Đạo? Còn chăng: những cãi tranh. Giành giựt. Quyền hành xử? Tức, quyền để hành và để xử? Nói cho nhẹ, thì: đâu là quyền của Đức Giáo Hoàng? Và, Giám mục. Trong Hội thánh?

Với câu này, có người Tây/người Úc cũng đã từng gợi ý. Gợi một ý, chỉ để nêu ra thắc mắc/ưu tư, vẫn thường gặp. Trong đời. Đời đi Đạo. Và, giữ Đạo. Gợi ý đây, là gợi lên một ý nghĩ cỏn con của giáo dân nọ, ở Sydney. Tức, người anh/người chị có những hỏi han, rất như sau:

“Vừa rồi, đọc tin/bài trên báo ở đâu đó, thấy có một nhận định, bảo rằng: quyền uy tối cao trong Hội thánh, nay thuộc về Đức Giáo Hoàng và các Đức Giám mục, vẫn cùng nắm. Theo tôi, chỉ duy Đức Giáo Hoàng mới là đấng bậc chốn cao sang trên ấy, mới là người độc nhất nắm giữ quyền bính ấy, chứ nhỉ? Viết thư này, rày xin hỏi: nhận định như thế, có vội vã lắm không? Xin ngài giải thích cho biết, để còn theo. (người hỏi chẳng ký tên)

Lại thêm một câu hỏi, không ghi tên tuổi và điạ danh, người thắc mắc. Nơi nào. Hỏi han/thắc mắc, có thể do người viết, tự nghĩ ra. Có thể, là do người đọc vừa biết đến. Thôi thì, ai hỏi/ai nói, mà chẳng được. Hỏi hay nói, cũng vẫn cần lời giải đáp công khai. Minh bạch. Vậy nên, câu hỏi tự khắc được chuyển đến đấng bậc thành thạo, của nhà Đạo. Thuộc cơ quan truyền thông báo chí rất Đạo mình có tên gọi nghe quen, là: Đức thầy John Flader, đấng chủ quản mục hỏi/đáp của Tuần Báo The Catholic Weekly Sydney, với lời dẫn như sau:

“Tôi thiết nghĩ, đa số người Công giáo chúng ta, đều cùng một ý nghĩ, như anh/chị. Tức là, trên thực tế, Đức Giáo Hoàng và các Giám Mục đều được uỷ thác quyền bính tối cao, như anh/chị nghĩ. Nhưng, để vấn đề được sáng tỏ, tôi mạn phép đưa ra một giải đáp, cho câu hỏi này.

Khi xưa, Chúa lập nên Hội thánh, Ngài bắt đầu bằng việc chọn mười hai Tông đồ, rất hăng say. Chúa trao cho Tông đồ Ngài, bài sai: hãy ra đi thâu nạp muôn dân. Giảng giải. Và, thanh tẩy họ. Đồng thời, hãy truyền cho họ dấu ấn của nhiệm tích thánh, để nhận lãnh. Và, hãy trở nên mục tử chăn dắt chiên đàn Hội thánh, của Ngài.” (Mt 28: 18-20)

Và rồi, trong các Tông đồ Chúa chọn, thánh Phêrô được chỉ định làm đá bục nền tảng cho Hội thánh. Chúa cũng uỷ thác cho Thánh nhân quyền uy tối thượng là biểu tượng đặt nơi chìa khoá Vương Quốc Nước Trời. Thánh nhân có quyền cầm buộc ai và tháo gỡ mọi đường dây/mối nhợ về quyền bính, nơi Hội thánh.” (x. Mt 16: 18-19)

Sau Phục Sinh, Chúa còn đặt để Thánh nhân làm Mục tử đầu đàn hầu chăn dắt Hội thánh của Ngài, nữa.” (x. Ga 21: 15-17).

Kể từ đó, các thánh Tông đồ, đặt dưới quyền điều động của vị trưởng thượng là thánh Phêrô, đều đã tuân phục quyền bính tối cao của ông, trong Hội thánh. Điều này, được nêu rõ tại “Công Nghị Giêrusalem”. Vào thời đó.

Tại Antiôkia, đã nổi lên một vài thắc mắc có liên quan đến các vị trước đây là dân ngoại, nay hồi hướng về với Đạo Chúa, các ngài buộc phải chịu phép cắt bì, thì khi đó vấn đề trên được chuyển đến các tông đồ/nhân sĩ trong Đạo ở Giêrusalem, hầu giải quyết.

Sau khi vấn đề trên được công khai tranh luận, thánh Phêrô bèn đứng lên đề nghị một giải pháp, lúc ấy nghị trường im ắng. Lắng nghe. Trong tuân phục. Đề nghị của Thánh Phêrô sau đó được chấp thuận. Và, một số vị được đề cử làm đại diện cho Công nghị đi Antiôkia cùng với thánh Phaolô và Banaba ngõ hầu chuyển đạt nghị quyết, của các ngài. (x. Sách Công vụ 15: 1-35).

Xem như thế, ta thấy: vấn đề nào có tầm mức quan trọng, ảnh hưởng lên đời sống của Hội thánh, đều được các Tông đồ Chúa giải quyết, dưới sự lãnh đạo của thánh Phêrô, đấng làm đầu.

Nhiều thế kỷ sau đó, Giám mục là những vị kế tục các thánh Tông đồ, cũng đã gặp nhau tại Công đồng Đại kết dưới sự lãnh đạo của Đức Giáo Hoàng, là đấng trực tiếp kế vị thánh Phêrô, giúp ngài giải quyết tốt đẹp các vấn đề có tầm mức rất quan yếu.

Tuy nhiên, mối tương quan giữa Đức Giáo Hoàng và Giám mục, không phải lúc nào cũng sáng tỏ. Được hiểu rõ. Vào thế kỷ thứ 12 và 15, các vị phụ trách viết luật Hội thánh, lại đã tranh cãi về điều-gọi-là Học thuyết Công Đồng”, theo đó thì Công Hội Giám mục có quyền trên cả Đức Giáo Hoàng. Và, đôi lúc lại có cả quyền bãi nhiệm ngài, nữa. Thời Công Đồng Vatican II đang diễn biến, một số nghị phụ cũng có ý định đề nghị Công Đồng Chung bàn cả về mối tương quan giữa Đức Giáo Hoàng và hàng Giám mục. (x. J. Herranz, En las Afueras de Jericó, Rialp Madrid 2007, tr. 72)

Rất may là, Công Đồng Vatican II đã nhanh chóng giải quyết vấn đề này bằng Hiến chế về tín điều Hội thánh, mang tên Ánh Sáng Muôn Dân, được các nghị phụ bỏ phiếu với tổng số 2134 phiếu thuận và chỉ có 10 phiếu chống, mà thôi.

Văn bản trên rõ ràng nói: cả Đức Giáo Hoàng lẫn hàng Giáo phẩm đều có quyền lớn lao đối với Giáo hội toàn cầu. Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng là thủ lãnh có chức năng thi hành quyền bính tối thượng, lại không bị uy lực nào cản trở. Cũng không cần hội ý các Giám mục. Trong khi đó, các giám mục chỉ thực hiện quyền uy của mình với sự đồng thuận của Đức Giáo Hoàng, thôi.

Về quyền của Đức Giáo Hoàng, Hiến Chế ghi rõ: “Quyền của Đức Giáo Hoàng ở trên mọi quyền bính nào khác, đối với các vị chủ quản, cũng như giáo dân. Quyền của Đức Giáo Hoàng luôn ở vị trí vẹn toàn. Không suy thoái. Bằng vào tư cách của đấng được Chúa uỷ thác việc cai quản Giáo hội, Đức Giáo Hoàng có trọn quyền bính tối thượng trên hoàn vũ, đối với toàn thể Giáo hội. Ngài luôn ở trong tư thế tự do, ngõ hầu ngài có thể sử dụng quyền lực này, cách trọn vẹn.” (H/C Ánh Sáng Muôn Dân # 22)

Với hàng giám mục, Hiến Chế cũng viết: “Các Giám mục, là những vị có quyền kế vị các Tông đồ và thể hiện sức sống của Hội thánh, cũng có thực quyền lớn lao và trọn vẹn tương tự đối với Giáo hội, miễn là mọi người phải hiểu rằng các Giám mục cùng với vị thủ lãnh Giáo hội là Đức Giáo Hoàng mà thi hành quyền. Và, không bao giờ vắng mặt Đức Giáo hoàng khi thi hành quyền này. Các giám mục chỉ thi hành quyền lực khi có sự đồng thuận của Đức Giáo Hoàng, mà thôi.” (H/C Ánh Sáng Muôn Dân #22).

Các Giám mục cũng thực thi quyền bính của các ngài với toàn Giáo hội, trong khuôn khổ của Công đồng đại kết, nhưng Đức Giáo Hoàng vẫn làm việc chung với các ngài để mọi quyết định được phổ biến trên toàn thế giới, khi ngài triệu tập để có được hành động tập thể hoặc ít ra, chuẩn thuận nghị quyết của tập thể Giám mục. (x. H/C Ánh Sáng Muôn Dân #22).

Nói tóm lại, cả Đức Giáo Hoàng lẫn hàng Giáo phẩm đều có quyền tối thượng trong Hội thánh. Nhưng, các Giám mục chỉ thực thi quyền của mình theo qui cách kết hợp với uy quyền tối cao của Đức Giáo Hoàng, là đấng làm đầu của các ngài”. (x. John Flader, The Catholic Weekly 25/4/2010, tr.12)

Rõ ràng là, uy và quyền trong Hội thánh, đều minh bạch. Rạch ròi. Là như thế. Mỗi vị, một địa hạt. Mỗi cụ, một chức năng. Không ai lạm dụng. Đụng độ. Hoặc, dẫm chân nhau. Vẫn cứ, tương kính như tân. Như vào thời khắc Chúa uỷ thác. Minh định. Bởi thế nên, hội thánh vẫn tồn tại. Triển nở.

Hội thánh, là hội của các thánh. Sống ở trần gian. Chốn phàm tục. Người đời gọi đó là xã hội. Là tập thể qui tụ nhiều nhóm người cùng chung một sinh hoạt. Hội thánh, tức xã hội “thánh”, một tập thể gồm các thánh nhân sống đời hiền hoà, thờ phụng Chúa. Thế nên, vai trò của (xã) hội thánh là thánh hoá xã hội mình đang sống. Xã hội phàm trần gặp nhiều vấn đề, thì đương nhiên các thánh sống trong tập thể/xã hội cũng bị vướng mắc. Hệt như thế.

Vướng mắc gần đây nhất, là những vướng và mắc, rất đời thường. Của xã hội. Ở (xã) hội thánh, mới vừa xảy đến vài vướng mắc mà người đời thường gọi là “lạm dụng quyền lực”, như nhận định của sử gia người Anh, Michael Walsh sj, như sau:

“Vấn đề thực sự là lạm dụng quyền lực. Nhiệm vụ chăm sóc, mà các vị mục tử phải làm với chiên con. Điều đó bị lạm dụng và đó là bê bối lớn nhất, là vấn đề hệ thống, hơn là chuyện lạm dụng tình dục…” (x. Aidan Lewis, Đằng sau vụ bê bối tình dục Công giáo, BBC News 4/5/2010)

Có chuyện lạm dụng quyền lực trong Hội (của các) thánh hay không, vẫn không là chuyện ta ưu tư thắc mắc. Bởi, có thắc mắc cho lắm, cuối cùng cũng chẳng đạt cửa ngõ cuối đường hầm, đầy tăm tối. Chi bằng, cứ ung dung mà suy và nghĩ về những điều tích cực mà hội (của các) thánh mình đang làm. Có như thế, mới ung dung, lại rung đùi mà hát tiếp lời của nghệ sĩ dẫn ở trên, từng hát:

“Lòng cuồng điên vì nhớ

ôi đâu người, đâu ân tình cũ?

Chờ hoài nhau trong mơ.

Nhưng có bao giờ, thấy nhau lần nữa

Một mùa thu xa vắng.

Như mơ hồ về trong đêm tối.

Cố nhân xa rồi, có ai về lối xưa?

(Cung Tiến – bđd)

Về lối xưa. Có, ân tình cũ. Là, những thứ mà bạn và tôi, ta cứ “cuồng điên vì nhớ”. Nhớ người. Nhớ Lời. Nhớ Đấng bậc từng dạy bảo, sau lúc trao quyền tối thượng cho Phêrô thánh nhân:

“Đức Giê-su Ki-tô tỏ cho các môn đệ biết:

Người phải đi Giê-ru-sa-lem,

phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục,

các thượng tế và kinh sư gây ra,

rồi bị giết chết,

và ngày thứ ba sẽ sống lại.”

(Mt 16: 21)

Thì ra, có được quyền Chúa trao ban, cũng phải kinh qua nhiều khổ ải, như Thầy mình.

”Thời gian tựa cánh chim bay,

qua dần những tháng cùng ngày.

Còn đâu mùa cũ êm vui?

Nhớ thương biết bao giờ nguôi?”

(Cung Tiến – bđd)

Có lẽ, là như thế. Thời gian, chứ không phải không gian. Nơi chốn. Địa vị/quyền lực, là cung cách giúp ta cảm nhận được kinh nghiệm, và tình tự theo sau tình huống có quyền và có hành. Những kinh nghiệm mà thành viên nọ trong hội (của các) thánh đã nhớ về tình trạng của Hội thánh Chúa ở Lithuania, thời Cộng Sản, như sau:

“Có một điều mà những người bức bách Hội thánh không thể kiểm soát được, là: tinh thần và tính khí của con người. Hội thánh ở đây từng sống sót trong thời điểm và nơi chốn có những vụ việc “đâm sau lưng” từng cá nhân hay tập thể. Bởi hội thánh gồm những vị dám chối từ, quyết không đầu hàng gạt bỏ niềm tin, yêu và hy vọng của họ. Chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết được tên tuổi hoặc con số các tín hữu Đạo Chúa đã anh hùng cứu vớt con số ít oi vẫn duy trì niềm tin còn lại tại các nước khác nhau trên thế giới…

Nhằm phỉnh lừa dân chúng mãi về sau, dân quân Xô Viết còn dựng ra cái-gọi-là Hội Đồng Tôn Giáo Sứ Vụ, qua Tổng Giám mục Tamkevicius, để bảo rằng họ quyết huỷ diệt niềm tin tôn giáo của dân chúng.” (x. Sheila Liaugminas, MercatorNet 07/04/2010).

Đúng thế. Thời gian, chứ chẳng phải không gian. Địa vị. Quyền hành. Sẽ, làm ta nhớ về cuộc Phục Sinh của Đức Chúa. Chúa đã Phục Sinh sau khi chấp nhận nhiều đau buồn khổ ải xảy đến cho chính Ngài và Hội thánh của Ngài. Chính Phục Sinh, đã hoá giải mọi tội lệ, của muôn người. Nhờ vào Phục Sinh, mà Hội thánh Chúa đã và vẫn kinh qua nỗi chết. Của sợ hãi. Bách hại. Để rồi cùng với Chúa Phục Sinh, Hội (của các) thánh cũng sẽ chết cho chính mình. Vượt thắng chính mình để đạt đến sự sống. Có tự do. Yêu thương. Hy vọng.

Để minh hoạ và minh chứng điều này, dưới đây là lời kể của một đấng bậc thần học gia nọ ở Brazil từng bày tỏ về cuộc trao đổi giữa ông và Đức Đạt Lat Lạt Ma như sau:

“Nơi bàn tròn hội thảo về tôn giáo và sự tự do, hôm ấy tôi có hỏi ngài một câu rất cắc cớ mà tôi nghĩ là mình sẽ thích thú được thấy Đức Lạt Ma, khá lúng túng:

-Thưa ngài, đạo nào là tôn giáo tốt đẹp nhất?

Hỏi xong, tôi cứ nghĩ là ngài sẽ nói ngay, là: “Phật giáo Tây Tạng” hoặc, “Các tôn giáo ở Phương Đông, vì có nguồn gốc cổ xưa hơn Đạo Chúa Kitô”. Không phải thế. Đức Đạt Lai Lạt Ma bỗng ngừng lại, có thoáng chốc mỉm cười, rồi nhìn thẳng vào mắt tôi… chừng như thấy được điều cắc cớ tôi muốn tạo ra, nơi câu hỏi. Ngài bèn nói:

-Tôn giáo tốt đẹp nhất là Đạo đưa ông gần gũi với Thượng Đế nhất. Là, Đạo khả dĩ biến ông trở thành người tốt đẹp hơn nữa.

-Thưa, theo ngài, thì cái gì có thể làm cho tôi trở thành người tốt hơn?

-Là những gì làm cho ông có được lòng trắc ẩn hơn. Dễ bén nhạy. Vô tư thông thoáng.Yêu thương. Nhân đạo. Có trách nhiệm. Luân thường đạo đức hơn. Đạo nào làm được việc ấy cho ông, là tôn giáo tốt đẹp nhất.

Nghe thế, tôi im lặng một khoảnh khắc, kinh ngạc và ngay đến hôm nay vẫn còn nghĩ tới câu trả lời khôn khéo, không mang tính tranh luận bài bác như sau:

-Ông bạn ạ, tôi không mấy quan tâm đến tôn giáo của ông, cũng chẳng muốn biết xem ông có đạo hạnh hay không. Điều quan trọng với tôi là cung cách ông hành xử đối với cộng đoàn. Đồng hương/đồng cảnh, mình chung sống. Với gia đình. Cộng đoàn. Sở làm. Với thế giới. Xin hãy nhớ cho rằng: vũ trụ này vang vọng hành động và ý nghĩ của ta. Luật hành động và phản tác không chỉ thuộc bình diện vật lý mà thôi đâu.

Về giao tế nhân sự, cũng thế. Nếu ta hành động tử tế, ta sẽ nhận điều tốt. Nếu ta hành xử độc ác, ta cũng sẽ lĩnh hội chuyện ác độc.

Những gì tổ tiên nói với ta vẫn là sự thật trinh trong. Ông bạn sẽ có được những gì chính mình muốn cho người khác có.

Sống hạnh phúc không là vấn đề của tiền định. Mà là vấn đề của chọn lựa.”

(trích đối thoại giữa thần học gia Ba Tây và Đức Đạt Lai Lạt Ma)

Không cần biết, bạn và tôi có được những nhận thức sâu sắc như nhà thần học người Ba Tây hay vị Phật Sống đất Tây Tạng, hay không. Chẳng cần hỏi, mình sẽ làm được những gì cho xã hội. Cho Hội thánh. Hoặc người đời. Rồi một mai. Điều mà bạn và tôi, ta vẫn nên làm. Vẫn cứ bận tâm, là hãy tạo dựng cộng đoàn thế giới, có niềm vui. Niềm vui ấy, sẽ không mang hình thái/sắc mầu đầy xung khắc. Cãi tranh. Giành giựt. Dù giành đó, có là giành ăn. Giành bánh. Hay, giành quyền.

Trần Ngọc Mười Hai

Lại cứ mong cho riêng mình

nhận chân được giá trị

của quyền lực đích thực

trong Hội thánh.

Để rồi sẽ an tâm,

mà tuân phục.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com ;

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com

No comments: