Saturday 22 May 2010

“Ai đang đi, trên đường đê,“

tai lắng nghe muôn câu hò đê mê

Vô đây em, dù trời khuya anh nhớ đưa em về.”

(Hoàng Thi Thơ – Gạo Trắng Trăng Thanh)

(1 Cr 15: 20/Côl 1: 18)

Nếu nhủ rằng, cuộc đời đi Đạo và giữ Đạo của tôi và của bạn, là hành trình phom phom “trên đường đê” của niềm tin, thì hẳn là: tai tôi và tai bạn, sẽ còn mãi nghe “muôn câu hò đê mê”, cũng rất hứng? Hứng thú đây, không là hứng khởi vì được mời “vô đây”, chốn Đạo/đời, nhiều kỷ niệm. Mà là, “dù trời khuya anh nhớ đưa em về”. Về, với kỷ niệm, rất Đạo. Có sống đạo. Với đời.

Kỷ niệm Đạo, rất đẹp. Ở nơi đó, người người sẽ hát câu “trên đường về quê” nghe rất dễ:

“Trên con đường về quê,

mà vắng bóng Mẹ,

Con biết cậy vào ai,

biết nương nhờ ai.”

(Nguyễn Khắc Xuyên – Trên Đường Về Quê)

Vắng bóng Mẹ”, trên đường quê. Trong Đạo. Ngoài đời. Vẫn nhiều vị, cứ coi Đức Mẹ quyền hành và oai phong đến độ: Mẹ, không chỉ là “Đấng Quan Phòng”, lo lót Chúa đủ điều. Mà, Mẹ còn có trọng tâm ngang bằng Chúa. Ngang bằng, đến độ có đức thày người rất Tây ở Sydney chẳng biết lấy luật Phụng vụ ở đâu mà cứ yêu cầu “bổn đạo” đọc chung một kinh “Kính Mừng” ngay sau tuyên xưng đức tin, rất Tin Kính. Có vị khác, còn níu kéo bổn đạo ở lại thêm dăm ba phút để làm tuần tam/tứ/cửu nhật kính Đức Mẹ, trước khi ban phép lành kết lễ. Rồi cho về.

Thôi thì, thờ Chúa kính Mẹ, cách nào cũng đặng. Miễn đừng hò hụ hò khoan rày câu hát:

“Muôn câu hò, hò hò khoan

Đang mãi vang, trong đêm dài.

Gái trai làng, chiều hôm nay,

Đang mải say, theo tiếng chày…”

(Hoàng thi Thơ – bđd)

Tiếng chày/tiếng giã, mải say chắc chắn không là tiếng cãi vã của người nhà Đạo về vai trò Mẹ có bằng Chúa không. Mà chỉ là: tiếng hát/hò hụ khen trai tài/gái sắc rất ăn khách. Ăn tiền cả với giới mộ điệu một thời, là cặp uyên ương hết-còn-trẻ Ngọc Cẩm-Hữu Thiết. Bởi thế nên, tác giả họ Hoàng Thi rày ghi thêm tâm tình đậm nét, rất thân thương, hôm nào:

“Riêng tặng hai bạn Nguyễn Hữu Thiết, Ngọc Cẩm đôi giọng ca Nam Thương đã gieo tràn trên giải đất đầy chim chóc nầy vô vàn âm thanh, đậm lòng như những bát cơm quê hai mầu khoai sắn…” (Hoàng Thi Thơ – Tập Thể Dân ca)

Cơm quê một khoai hai sắn, bà con đất Sài-thành rày vẫn như còn nghe cặp song ca Cẩm-Thiết cứ ráo riết hát bài “Gạo (rất) trắng, trăng (rất) thanh”, vào buổi ấy khiến người dân quê Gia Định quen tai đến độ cứ hát nhại, đôi ba chữ rất tình tứ, như sau:

“Ai đang đi, trên cầu Bông,

Té xuống sông, ướt cái quần nylông..

Vô đây em, dù trời khuya,

ba má anh đưa em…dzìa.”

(Thu lượm lời hát nhại)

Hôm nay, nhớ lại câu hát nhại, để nói rằng: lời ca/câu hát, càng đậm tình quê hương bát ngát một dân tộc, sẽ càng thấm nhập vào lòng người, hơn ai hết. Thấm, đến độ có người quên cả chuyện sống Đạo. Với đời. Quên, cả ý nghĩa Lời Thơ Văn rất thánh, là Kinh thánh. Rất nhà Đạo.

Hôm nay, người đời cũng đang gặp nhiều chuyện lúng túng khiến dân con nhà Đạo, quên cả sống Lời Chúa, chỉ biết sống với đời. Nhiều lời. Nhiều tranh chấp. Mà, vẫn thiếu những ý/lời thanh cao. Thi tứ. Ý nhị. Của niềm tin. Tin rằng: Đức Chúa khi thực hiện ơn cứu độ, Ngài cũng rõ:

“Trước lễ Vượt qua,

Đức Giêsu biết rằng

đã đến giờ Ngài qua khỏi thế gian này

để về cùng Cha,

đã mến yêu các kẻ thuộc về Ngài trong thế gian

thì Ngài yêu mến họ đến cùng.”

(Ga 13: 1)

Hôm nay, người người vẫn bon chen. Tranh sống. Sống rất mạnh. Và cũng rất nhiều. Những tháng ngày dài đầy bương chải. Mà thực ra, vẫn cứ thiếu. Thiếu hiểu biết, chuyện thực tế. Cũng rất cần. Cho mình. Cho người. Những sự thực ở đời, mà có lẽ vì mải mê với những “có thực mới vực được Đạo”, nên đã quên. Quên, chuyện thực tế trong Đạo, là: sống Đạo.

Trong hành trình “về cùng Cha”, có người cứ hát mãi câu “trên con đường về quê” hoặc “quê trời” có Chúa. Có Mẹ, đang đón chờ. Thế mà, người người cứ hiểu chữ “quê” và chữ “Trời”, nghĩa rối bời. Của “Thiên Đàng”, nghĩa rất đen những chữ là chữ. Rất “bóng quê”. Như câu ca, vào thời đó:

“Trời đêm vắng sao sương về,

Đường xa thăm thẳm khuất bóng quê

Con băn khoăn đưa mắt trông tìm đây đó

có ai bạn đường cùng đi khỏi lo.

Mẹ ơi! bóng đêm rợn rùng,

vực sâu đang gầm dưới lá rung.

Con lao đao sắp ngã trên đường nguy khốn,

đoái thương con cùng. Mẹ Đấng Chí Tôn.”

(Nguyễn Khắc Xuyên – bđd)

Chẳng thế mà, có độc giả cứ mải mê với những chữ “vắng sao”, “sắp ngã” là thế, lại đã ngần ngại thấy “bóng đêm rợn rùng”, những “vực sâu”, “nguy khốn”, nên thắc mắc rất nhiều về tình tự của Đức Chúa, sau khi chết. Cứ tự hỏi: chẳng biết Chúa Sống Lại, Ngài có lại sống, giống như trước? Tức, sau khi trỗi dậy từ cõi chết, Ngài ra sao?

Thắc mắc nhiều, nên người giáo dân thấy còn thiếu một giải đáp cho thắc mắc “khó ngủ yên”, bèn hỏi “đức thầy” ở Sydney, những câu khá lấn cấn. Lẩn thẩn. Rất như sau:

“Qua Phúc Âm, tôi được biết là: tiếp theo sau ngày Chúa đi vào cõi chết, hôm Thứ Sáu, Ngài đã trỗi dậy và hiện đến với các thánh tông đồ, ở Giêrusalem. Ta hiểu sự việc này như thế nào, mỗi khi đọc lời trình thuật như thế ấy? Chúa có thực sự “hiện đến” với các thánh, hay không? Ngài có thực sự trỗi dậy từ cõi chết và khởi đầu lại cuộc sống thực tế của Ngài, như khi trước? Xin giải thích cho biết. Để còn tin.

Thì ra, là như thế. Độc giả hay độc thiệt này từng đọc suốt rất nhiều lần, kinh Tin (rất) Kính. Vẫn nằm lòng. Vào thánh lễ. Và, cả khi lần chuỗi Mân Côi kiểu mới đến 4 “sự”, mà vẫn hỏi. Hỏi, như người chưa tin. Chưa từng hiểu biết. Cũng may là, “đức thầy” giòng họ Flader hiền lành/phúc hậu, đã không quản ngại trả lời/trả vốn những vấn nạn. Những vấn và nạn, như mình từng hiểu biết, đến như sau:

“Xin cho tôi được phép bắt đầu câu chuyện bằng cách xem xét đoạn Tin Mừng thánh Mát-thêu từng đã viết: “Mồ mả bật tung, và xác của nhiều vị thánh đã an nghỉ được trỗi dậy. Sau khi Chúa trỗi dậy, các ngài ra khỏi mồ mà vào thành thánh, và hiện ra với nhiều người.” (Mt 27: 52-53)

Với sự kiện đầy huyền nhiệm này, thì quả thật rất khó mà hiểu cho rõ. Thật không may, ta chẳng có được đoạn Sách thánh hoặc huấn dụ nào của Hội thánh, khả dĩ soi dọi chút ánh sáng, cuối đường hầm. Dù sao đi nữa, tưởng cũng nên thận trọng mỗi khi ta tìm cách giải thích, chuyện như thế.

Có ba cách giải thích sự kiện trên. Cả ba, đều dựa vào hiểu biết của các nhà chú giải trổi trang trong Hội thánh.

Thứ nhất, người chết không trỗi dậy theo nghĩa chính xác như mọi người thường hiểu; mà là “hiện ra” với người còn sống, theo lẽ thường mọi người đồng thuận với ý niệm về một “hiển hiện”. Khi chuyện này xảy đến, thân xác của người chết vẫn nằm yên trong mồ, nhưng linh hồn của người ấy, có thể là trường hợp của vị thánh đã tấn phong, cũng hiển hiện theo hình thù của ai đó, còn ở dưới đất.

Giải thích này, xem ra không phù hợp tương xứng với văn bản của Sách Thánh. Bởi, tuy Kinh thánh có nói đến tình trạng mộ phần được mở ngỏ và chính xác phàm của những người đó đã trỗi dậy. Theo Kinh thánh, rõ ràng như có hình thái nào đó đặc thù hơn chỉ là chuyện “hiện ra” hay “hiện đến”, rất đơn giản.

Giải thích thứ hai, cho rằng: những người như thế đã thực sự trỗi dậy, từ mộ phần của họ. Và, họ khởi sự sống trở lại, thêm lần nữa. Có nhiều ví dụ để kể về chuyện này, ở Cựu Ước cũng như Tân Ước.

Cựu Ước có nói đến trường hợp người con trai của bà goá Zarêpát được tiên tri Ê-li-a cho trỗi dậy (x. 1V 17: 22). Trường hợp khác, là người con trai của Su-na-mai cũng được tiên tri Ê-li-sha cho sống lại (x. 2CV 4: 32-35) và người chết được vực dậy từ nơi mộ phần của Ê-li-sha (x. 2V 13: 21)

Trong Tân Ước, chính Đức Giêsu cũng đã làm cho ba người trỗi dậy từ cõi chết, đó là: Ladarô (x. Ga 11: 38-45), con bà goá thành Naim (x. Lc 7: 11-17) và con gái ông Gia-i-a, viên trưởng hội đường (x. Lc 8: 40-42, 49-56).

Tất cả những người này đều bắt đầu lại cuộc sống của mình. Và, dĩ nhiên, cũng sẽ lại chết lần sau nữa.

Lối giải thích này xem ra thích hợp với ý tứ của Sách thánh hơn. Nên, được thánh Âu Tinh, Giêrônimô và Tôma Akinô chấp nhận. Thánh Giêronimô cho rằng những người được trỗi dậy từ cõi chết, không cần phải chết một lần nữa. trong khi thánh Âu Tinh và Tôma Akinô quả quyết là những người ấy đều chết lại (x. Thánh Tôma III, 53, 3)

Dù sao đi nữa, thánh Tôma quan niệm là tất cả những người đã trỗi dậy từ cõi chết trước Đức Kitô đều như ảnh hình về sự Sống Lại của Chúa. Thánh nhân có nói: Việc Chúa Sống Lại khác với những người trỗi dậy từ cõi chết ở điểm này: Chúa Sống Lại cách tuyệt hảo.Trọn vẹn. Ngài không còn phải chết nữa. Trong khi đó, mọi người đều phải chết lần thứ hai (sđd).

Sách Giáo Lý La Mã ban hành sau Công Đông Triđentinô cũng biện giải một kiểu như thế khi trích dẫn lời thư thánh Phaolô với cộng đoàn Rôma, rằng: “Thật vậy, chúng ta biết rằng: một khi Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết, thì không bao giờ Người chết nữa, cái chết chẳng còn quyền chi, đối với người.” (Rm 6: 9; GLLM I, 5)

Cuối cùng, theo lối giải thích thứ ba, thì việc những vị trỗi dậy từ cõi chết đều là sự sống lại rất vinh hiển về thể xác như “bậc thánh”, đúng như Giáo huấn của Hội thánh Chúa về việc “thân xác mọi người sẽ sống lại, ngày sau hết.” Bằng vào sự sống lại như thế, thể xác sẽ lại được đoàn tụ với linh hồn, chốn Nước Trời.

Lối giải thích này xem ra khó mà hoà hợp với Lời Kinh Thánh nói: Đức Kitô đã lại sinh ra từ cõi chết. Tỉ như đoạn: “Nhưng không phải thế! Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu.” (1Cr 15: 20; Cô 1: 18)

Thánh Tôma Akinô khi trước có trích dẫn một đoạn trong cuốn “Tổng Luận” đã nói rằng: Đức Kitô thực sự tái sinh từ cõi chết. Nói thế để hiểu rằng sự Sống Lại của Ngài là trọn hảo. Ngài không còn phải chết một lần nữa. Trong khi đó, mọi người đều bất toàn; nên vẫn cứ phải chết đi, như sự thường.” x. John Flader, The Catholic Weekly 04/04/2010, tr. 11)

Nói theo kiểu nghệ sĩ viết nhạc ở trên, về đường đê, hay đường về quê, là nói và hát như thế này:

“Ai xa xăm, ai buồn chăng,

nghe hát vang muôn câu hò thênh thang

Chân băng ngang, vào nơi đây,

chấp mối duyên lỡ làng. “

(Hoàng Thi Thơ – bđd)

Duyên lỡ làng, có thể hiểu là duyên và tình đã hết. Cũng có thể, là: đời người đã chết. Không còn duyên. Chẳng còn tình. Sống làm chi. Thậm chí, là sống với những người đang sống nhưng vẫn như chết. Bởi sống mà không tin rằng Tình Yêu cứ sống mãi. Sống, cả vào khi thân xác đeo mang tình =yêu ấy, nay không còn ở chốn sống-còn, nơi dương thế. Hay còn gọi, là: chốn sống ở miệt trần thế, rất âm/dương”. Trong khi đó, tình yêu lại cứ tồn tại mãi, cả chốn dương rất “trần”, lẫn cõi âm.

Thành thử, ý niệm sống – chết theo luận lý/lý luận của triết gia/nhà hiền triết, là như thế. Sống – chết ở thơ văn/âm nhạc, sẽ cứ là:

“Trong đêm thanh, trăng tàn canh,

bao tiếng ca theo tiếng chày nhanh nhanh

Dư âm xa còn vang mãi trong ánh đêm trăng tà

còn vang mãi trong ánh đêm trăng tà

...còn vang mãi trong xóm nghèo làng ta ...”

(Hoàng thi Thơ – bđd)

Và, ý niệm về tình thương có sống có chết, của nhà Đạo, cũng thanh thanh một lời cầu, như sau:

“Mẹ Maria nhân từ,

Mẹ như ánh trăng chiếu bóng đêm.

Bên tai con âu yếm tiếng Mẹ khuya sớm,

Chúng con lo gì sầu thương vấn vương .

Mẹ ơi, dẫu xa muôn trùng,

Mẹ thương đến hồn rất đáng thương

Con đây là giá máu con Mẹ yêu dấu

Vững tin ở Mẹ, thương đến con cùng.”

(Nguyễn Khắc Xuyên – bđd)

Nói cho cùng, chữ nghĩa chúng ta không đủ để diễn tả Tình Yêu có sống có chết, với người đời. Cho nên, để có thể sống Đạo trong đời một cách thoải mái, khá thư giãn, cũng nên kể cho nhau nghe một vài kể lể, rất dễ nghe. Và, cũng dễ cười. Như sau:

Tại quầy tiếp tân thuộc khách sạn khá lớn, ở Anh. Nhân viên phục vụ chợt nghe chuông reo, bèn nhấc ông nghe lên rồi lại đặt xuống, rất nhiều lần. Mỗi lần nhấc, lại cứ nghe như có tiếng người từ đâu đó, đều đều rót vào tai, những là:

-Tu ti tu tu tu tu

Nhân viên phục vụ rất bình tĩnh, nghe xong lại đặt máy xuống. Bỗng, lại có tiếng chuông reo. Và lần này, cũng chỉ mấy câu như chim hót:

-Tu ti tu tu tu tu

Nhân viên phục vụ tức điên người, nhưng dằn được cơn nóng giận, anh ta lại đặt ống nghe xuống. Chẳng nói năng. Dù một nhời. Ít phút sau, có khách thuê phòng người mình xuất hiện quầy, ngay trưóc mắt. Khách nhìn vào nhân viên phục vụ mà quát lớn:

-Náy anh phục vụ. Anh có hiểu tiếng Anh, thật không đấy? Tôi gọi những 3 lần, mà sao không làm theo lời tôi gì cả vậy?

-Thưa, khách yêu cầu hồi nào? Việc gì thế?

-Rõ ràng tôi bảo: Tu tit u tu tu tu tức: Two Tea to 222 là gì! Như thế chẳng phải là mang 2 ly trà tới phòng số 222, là gì sao?

-Dạ dưới này cứ tưởng “xếp” nói tiếng của loài chim hót, nên không hiểu.

Tóm lại, việc đời còn như thế. Huống hồ, là chuyện Đạo. Cứ giải thích theo ngôn ngữ của người đời hoặc tiếng của loài “chim hót” thì có sống có chết, cũng chẳng ma nào hiểu. Xem thế thì, chỉ có ngôn ngữ của thi ca/âm nhạc, là hay hơn hết.

Vậy nên, cũng xin đề nghị ta cứ dung âm nhạc mà trao đổi, là hay nhất. Thông điệp “Trên đường đê”, hoặc “trên con đường về quê”, là như thế. Rất vui8. Rất mừng, dù nguy khốn. Vằng bong Mẹ Hiền, ở bên trên.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn cứ nguyện cầu

Cho mình và cho người

Hiểu được ý nghĩa của Lời Chúa

Qua ngôn ngữ của con người.

Ở đời.

(Xem them các bài cùng một dạng, xin mời vào:

www.suyniemloaingai.blogspot.com;

www.giadinhanphong.blogspot.com;

www.chuyenphiemdaodoi.blogspot.com )

No comments: