Saturday 15 May 2010

Em có nghe mùa thu mưa giăng lá đổ

em có nghe nai vàng hát khúc yêu đương

(Ngô Thụy Miên – Mùa Thu Cho Em)

(2 Samuel 22: 20)

Là nhạc sĩ, lời anh hỏi cũng chí lý. Là thường dân, câu em nghe, rày thấy quen. Hỏi-nghe/nghe-hỏi, là chuyện thường ngày, em và tôi vẫn cứ sống. Sống mà không hỏi, để rồi nghe/sống mà không nghe, để rồi hỏi, là cuộc sống chẳng lý thú, tí nào. Hoặc, sống mà cứ hỏi, rồi lại nghe/nghe rồi lại cứ hỏi mãi, thì cuộc sống sẽ như điên/như dại, mất thôi.

Sống lý thú hoặc như điên dại, là sống mà không thấy rằng mình đang sống. Là, sống không có tình/có lý, cũng phi lý như người sống mà không ra hồn. Sống, mà như đang “chết trong lòng”. Hoặc, sống rất nhiều. Hạnh phúc chẳng bao nhiêu.

Nói dông nói dài/nói dai nói dại, chẳng qua là bần đạo chỉ muốn nói về nhiều thứ/nhiều chuyện rất muốn nói. Nhưng, chưa dám. Hoặc chưa chịu nói, mà thôi. Nói gần nói xa, bần đạo thấy đôi lúc có nhiều điều cũng ưu tư/muốn nói. Nhưng, vẫn cứ thử. Thử mãi, mà “vẫn chẳng nói nên nhời”. Thôi thì, lần này lại thử nói cho xong. Cho rồi. Để còn nghe bà con thiên hạ nói, chứ.

Nói như thế, cũng đủ. Nay, ta nghe thêm lời người viết nhạc, vẫn hỏi:

“Và em có nghe, khi mùa thu tới

mang ái ân, mang tình yêu tới

em có nghe, nghe hồn thu nói:

mình yêu nhau nhé.”

(Ngô Thụy Miên – bđd)

Ấy đó, là câu hỏi. Cũng có nghĩa, như câu nói rất chuẩn mực. Như, bất cứ câu nói của những người đương yêu. Ở bất cứ nơi đâu. Lúc nào. Thời xa xưa, có tổ tiên ông bà, vẫn từng nói. Nói, cả vào lúc, có những người như bạn/như tôi, vẫn muốn nghe. Nói và nghe, cả những chuyện tình, mà người xưa vẫn gọi là ái ân/ân ái- còn gì bằng? Nghe và nói, chuyện lành thánh, rất “anh em” mà người ngày nay vẫn thân mật, gọi như thế.

Như thế, là như thế này:

“Em có hay, mùa thu mưa bay gió nhẹ

Em có hay, thu về hết dấu cô liêu

Và em có hay, khi mùa thu tới

bao trái tim, vương mầu xanh mới.

Em có hay, hay mùa thu tới hồn anh ngất ngây. “

(Ngô Thụy Miên – bđd)

Đã bảo! Khi yêu đương, ai cũng nắm chắc rằng: bầu trời được sơn vẽ toàn mầu xanh. Mầu, của hy vọng. Sự sống. Có diệp lục tố. Rất yêu thương. Hạnh phúc. Sắc mầu của thương yêu, là mầu và sắc của mùa thu. Có mưa giăng lá đổ, ở đâu đó? Sắc mầu của yêu thương, là mầu và sắc của Lời Vàng khi xưa, Chúa vẫn bảo:

“Người đem tôi đến chỗ thảnh thơi,

vì yêu thương tôi

nên Người giải thoát.

(2 Samuel 22: 20)

Yêu thương, với nhà Đạo, là như thế. Vẫn thảnh thơi. Giải thoát. Chứ không ràng buộc. Dù, có ràng và buộc nhau, bằng những câu hỏi. Rất như sau:

“Em có mơ, mùa thu cho ai nức nở,

em có mơ, mơ mùa mắt ướt hoen mi.

Và, em có mơ, khi mùa thu tới,

hai chúng ta sẽ cùng chung lối

em với anh, mơ nùa thu ấy,

tình ta ngát hương…”

(Ngô Thụy Miên – bđd)

Thật ra, khi yêu nhau, người người chẳng buộc chẳng ràng nhau, bằng bất cứ thứ gì. Có chăng, chỉ bằng “tình ta ngát hương”. Với điều kiện, hương” ấy cứ ngát hoài và ngát mãi, khi “hai chúng ta sẽ cùng chung lối…” Dài dài. Mãi mãi. Rất không thôi. Vấn đề là như thế. Yêu đương là như vậy. Yêu đương, còn có nghĩa: lúc nào ta cũng “đương yêu”. Cũng cho nhau thứ tình, rất ngát hương. Dù tình đó, có là tình thu, rất nức nở”. Của mùa thu yêu đương, nức nở, ở bên dưới:

Truyện rằng:

“Có người đàn ông đang đánh bóng chiếc xe “xịn” mình mới mua, thì đứa con mới chừng bốn tuổi, đã biết nhặt đá/nhặt sỏi vẽ nhiều đường ngoằn ngoèo lên xe, của ông bố. Bố mình điên tiết đến nức nở. Giận quá, ông bèn cầm bàn tay nhỏ cháu vừa dùng để vẽ, đánh mạnh nhiều lần. Nhưng, ông không nhớ ra rằng ông đang dùng chiếc khoá “mỏ-lét” dùng để vặn vít ốc, mà đánh con.

Kết quả là, từ phòng giải phẫu bệnh viện, bác sĩ cho hay: con trai ông đã bị dập mất mấy ngón tay, do nhiều chỗ gẫy. Tỉnh dậy sau ca mổ, đưa con nhìn bố bằng cặp mắt yêu đương trìu mến, hỏi rằng: ngón tay của con có mọc lại được nữa không? Ông bố nghẹn ngào, không nói nên lời. Tức tốc, trở lại chỗ chiếc xe đậu ở ngoài, đá mạnh nhiều cái vào thành xe. Ông cảm thấy lương tâm càng bị cắn rứt, khi nhìn vào vết gạch vẽ, thấy hàng chữ: “Bố ơi, con yêu bố lắm!”

Ngày hôm sau, người cha quyết định ra đi bằng viên đạn nhỏ kê nơi màng tang mình..”

Câu chuyện mà bạn và tôi, ta vừa nghe, cũng nức nở? Nhưng, chớ đổ tội cho mùa thu, nhiều tiếng nấc. Mà, chỉ nên trách người cha/người bố đã yêu thương, nhưng không đủ để dằn cơn nóng giận. Con trẻ, không nói tiếng “yêu” bằng lời lẽ. Mà chỉ dùng chữ viết. Rất nguệch ngoạc. Ngoằn ngoèo. Khó đọc.

Trong đời người, nhiều trường hợp cũng tương tự. Cũng yêu đương. Nhưng không da diết kiểu xưa/cách cũ như “ái ân”. Nồng nàn. Thắm thiết. Nhưng, đã chắc gì sẽ kéo dài.

Nói như nhà Đạo, khi ta nói tiếng yêu thương, là nói về một “giải thoát” như Thiên Chúa vẫn làm ta thoát giải. Giải và thoát, là Ngài giải cho ta thoát khỏi mọi ràng buộc. Khỏi giam hãm. Vì ghét ghen. Thù hận. Ràng buộc, vì lề luật. Khỏi, mọi điều bất ưng. Nức nở.

Sống ở đời, kinh nghiệm cho thấy nhiều điều mình rất bất ưng, nhưng vẫn cứ xảy đến. Ngược lại, có nhiều điều ta vẫn ưng và vẫn muốn, nhưng sao chẳng thấy đến. Chẳng xuất hiện. Cho đẹp đẽ. Hoặc, có xuất hiện đấy, nhưng vẫn quên. Quên, như chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi” của một độc giả nọ cứ gửi thư hỏi cha-già-biết-nhiều-thứ, ở Sydney, những câu sau đây:

“Tôi có người bạn, vừa kể cho nhau nghe về chuyện Hội thánh xin mọi người cầu nguyện cho các linh mục vào Thứ năm, mỗi đầu tháng. Đặc biệt, trong năm thánh dành cho linh mục. Những chuyện như thế, tôi chưa một lần nghe biết. Và, bạn nói: cũng chẳng rõ chuyện ấy, đến từ đâu. Là chuyện gì? Vậy, xin chỉ cho tôi biết, để cảm thông với các giáo sĩ , trọng Đạo mình. Xin biết ơn.”

Chưa nghe. Chưa chỉ. Đã biết ơn. Âu, đó cũng là thói quen của người nhà Đạo. Rất văn minh. Ở xứ người. Và, đấng bậc hôm nay cũng không ngại ngần, chuyện chỉ giáo. Chẳng cần ơn. Không cần huệ. Vẫn trả lời, như sau:

“Bạn của ông/anh nói rất đúng. Lâu nay, Hội thánh vẫn có thói quen yêu cầu mọi người nguyện cầu cho linh mục, vào ngày ấy. Chuyện này xuất tự chính Vatican, thành đô yêu dấu, của Đạo mình.

Toà Xá Giải La Mã, là cơ quan cao nhất ở Rôma có thẩm quyền và trách nhiệm về chuyện ân xá/đại xá. Năm vừa qua, đã đưa ra nghị quyết ban phép đại xá trong Năm Thánh Dành cho Linh Mục. Bắt đầu từ lễ Thánh Tâm Chúa năm 2009 và kết thúc ngày 11/6/2010. Nghị quyết chính thức ban hành ngày 12/5/2009.

Nghị quyết cho biết: ta được ơn đại xá/toàn xá vào nhiều dịp trong năm. Nhất là vào Thứ Năm đầu tháng và các ngày kết thúc Năm Thánh Dành Cho Linh Mục. Muốn được ơn này, giáo dân phải đến nhà thờ dự lễ và đọc kinh cầu nguyện cùng Chúa là Linh Mục Tối Cao Trường Tồn, để cầu cho các linh mục trong Giáo Hội. Lại cũng làm việc lành phúc đức, ngõ hầu Chúa thánh hoá đưa các ngài vào với Thánh Tâm Ngài.

Thông thường, điều kiện để được đại xá, là: phải Rưóc Chúa vào lòng. Tốt nhất là cùng một ngày. Phải lo xưng tội trước hoặc sau ngày đó. Và, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha.

Nếu vị cao niên/bệnh nhân nào, vì lý do gì đó, không thể ra khỏi nhà mà đi lễ, vẫn có thể được ân xá nếu vị ấy thực hiện 3 điều nêu trên, càng sớm càng tốt. Khi làm thế, hãy cầu xin Chúa thánh hoá các linh mục, đồng thời dâng hiến mọi nỗi đau đớn/bệnh tật của mình lên với Chúa, qua Đức Mẹ Maria, Nữ Vương các Thánh Tông Đồ, là được.

Bậc giáo dân, cũng được ơn tiểu xá nếu đọc năm lần kinh “Lạy Cha”, “Kính Mừng” và “Sáng Danh”, hoặc các kinh nào được Hội thánh chấp nhận để làm đẹp lòng Thánh Tâm Chúa, ngõ hầu cầu cho các linh mục giữ mình trong sạch, thánh hoá cuộc sống, là tốt.

Còn về câu: “Sao lại làm việc ấy vào các ngày Thứ Năm đầu tháng?”, thì câu trả lời, tốt nhất là: nên qui về trường hợp linh mục Dòng Cứu Chuộc và về Đức Giáo Hoàng Piô XI. Trong cuộc tĩnh tâm vào năm 1930, Lm Paschalis Schmid, SDS thấy là mình có ơn gọi làm việc gì đó ngõ hầu giải quyết tình trạng thiếu linh mục, trong Giáo Hội. Sau khi hội ý với các Giám mục, linh mục và một số vị khác, ngài đã quyết định nên dành ra một ngày đặc biệt trong tháng, để cầu nguyện cho các linh mục được thánh hoá và cầu cho ơn kêu gọi. Chỉ một thời gian ngắn, ý kiến này được nhiều người cổ võ, khắp thế giới.

Theo đơn xin của Lm Pancratius Pfeiffer, khi ấy là Bề Trên Tổng Quyền Dòng Đấng Cứu Chuộc, Đức Giáo Hoàng Piô XI đã ban phép miệng chấp thuận cho thành lập “Ngày Cầu Cho Các Linh Mục”, kể từ đó. Và, Đức Thánh Cha quyết định lấy ngày Thứ Năm đầu tháng, cho việc này.

Sau đó, Đức Giáo Hoàng Piô XI lại đã khuyến khích con dân trong Đạo, hãy gia tăng cầu nguyện cho các linh mục. Qua Tông huấn ngài viết về thiên chức linh mục được mang tên Ad catholici sacerdotii (về Linh mục Công giáo), có những giòng sau đây: “Nhận thấy đây là việc phải làm, sau khi đã tham vấn Thánh Bộ Phụng Vụ, ta cũng nên sắp sửa một Thánh Lễ Ngoại Lịch, cho Thứ Năm, theo qui định Phụng Vụ “De Summo et Aeterno Iesu Christi Sacerdotio”, hầu làm đẹp lòng Chúa là Linh Mục Tối Cao Trường Tồn”. Đây là niềm an ủi và vui sướng cho Ta ban hành Thánh Lễ này, cùng với Tông Thư hôm nay”. (Mục #91)

Theo tinh thần của Tông Thư do Đức Thánh Cha ban, chúng ta cũng nên thực hiện công cuộc đoàn kết với toàn thể Hội thánh mà nguyện cầu cho các linh mục, nhất là vào các ngày Thứ Năm đầu tháng.” (x. Lm John Flader, The Catholic Weekly, 21/02/2010, tr.10)

Về yêu đương, người bàn cũng viết thêm đôi dòng, nghe khá quen. Rày đã quên. Dòng ấy, nay vẫn chảy. Vẫn cuồn cuộn, như thế này:

“Yêu thương và Giận dữ, cả hai đều không giới hạn. Và, chọn lựa nào cũng quan trọng cả. Hãy chọn yêu thương để có được đời sống tươi đẹp. Rất đáng yêu. Và đáng nhớ. Hãy nhớ mãi điều này: Vật dụng, là để ta sử dụng. Còn, con người là để thương, để yêu.

Thế giới, nay nghĩ khác: con người là để sử dụng. Còn đồ vật mới dùng để thương yêu. Thành ra, dù ta tự đặt mình về phe nào. Cánh nào. Cũng hãy nên nhớ:

-Hãy thận trọng với ý nghĩ của mình, vì mình sẽ nói ý ấy ra, bằng lời nói.

-Hãy thận trọng về điều mình nói, vì mình sẽ phải biến nó, thành hiện thực.

-Hãy thận trọng về điều mình thực hiện, vì chính nó sẽ là thói quen.

-Hãy thận trọng với thói quen, vì nó sẽ trở thành cá tính.

-Hãy thận trọng với cá tính, vì nó sẽ quyết định số mệnh, của mình.”

(Trích lời phát biểu của Đức ĐạtLai Lạtma)

Thành thử, dù đó có là số mệnh, hoặc bản mệnh. Dù, bản mệnh mình có hung tướng hoặc cát

tướng đi nữa, hãy cứ thận trọng về thương yêu. Bởi, thương và yêu, là tất cả. Cả một đời. Của con người. Hãy yêu thương dài dài. Mãi mãi. Để rồi, ta lại sẽ nghe người nghệ sĩ lại vẫn hát:

“Sẽ hát, bài cho em

và ru em, yên giấc tối

ngày mai, khi mưa ngang lưng đồi

chờ em, anh nghe mùa thu tới.”

(Ngô Thụy Miên-bđd)

Vâng. Hãy cứ nghe. Và, cứ chờ. Rồi, cũng có mùa thu. Mùa tình tự. Yêu đương. Của mọi người.

Trần Ngọc Mười Hai

vẫn cứ chờ

để nghe mùa thu tới.

Mùa yêu thương

của Đạo trong đời.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com

No comments: