Sunday 30 August 2009

“Tôi yêu, những gì đến tự nhiên”

Những câu nói thành thật Và yêu ngày nắng. Tôi yêu mặc Jean và áo trắng yêu trăng sáng ngày rằm. Và tôi cũng yêu em…”

(Đức Huy – Và Tôi Cũng Yêu Em)

Có người bảo, yêu theo kiểu nghệ sĩ Đức Huy, đâu nào khác gì các vị “cư sĩ quy y” lấy pháp danh là “Thích Đủ Thứ”, đâu. Méo mó nghề nghiệp hơn, nhiều dịch giả/dịch thiệt còn đố nhau làm sao dịch được chữ “yêu” ở trên, qua Anh ngữ. Cho đúng cách. Nếu dịch là “I love”, cũng không chuẩn cho lắm. Dịch là “I like”, thì chỉ đúng với phần ở trên, thôi. Rồi bảo rằng: “Và tôi cũng yêu em” thành “I like you, too.” hẳn đối tượng mà tôi yêu sẽ cho đi tầu suốt, chỉ cái một.

Nói về “yêu”, ban The Beatles từng viết một nhạc bản khá nổi tiếng, chuyên dùng từ “Love” suốt từ trên xuống dưới, đại khái thế này:

“Love love love love love love love

All you need is love…”

“Yêu, yêu, yêu! Điều mọi người cần, tất cả chỉ là Yêu”. Quả có thế. Cần người hay cần tiền, ta đều nói chữ “yêu”. Yêu người. Yêu tiền. Từ ngữ “yêu” ở đây, đã rơi vào một trong các phạm trù mà giới nhà Phật gọi là “tham, sân, si” nghe qua, thấy kỳ.

Nhưng thôi, giờ hãy về với Đức Huy, để nghe thêm:

“Tôi yêu hương vị Tết ngày xưa

mái tranh với hàng dừa

và yêu trẻ thơ…” (Đức Huy – bđd)

Yêu trẻ thơ, có là tất cả những gì mà bạn và tôi cần đến, hay không?

Yêu trẻ thơ, có là tình tự của những “tham, sân, si” mà bạn và tôi, ta cần tránh?

Lại nữa, “yêu trẻ thơ” có là tình thân thương nhà Đạo, như Chúa nói:

“Hãy để trẻ nhỏ đến cùng Tôi,

vì Nước Trời thuộc những người như thế.”

(Mt 19: 14)

Nước Trời của trẻ nhỏ, tức: của những người chỉ biết yêu. Yêu thật nhiều. Yêu không hạn chế. Chẳng ranh giới. Không ganh ghét, giận hờn. Bó buộc. Nước Trời của trẻ nhỏ, là thiên đường ở trần gian. Ở nơi đó, người người chỉ biết sống đời yêu đương. Đương yêu. Những người vẫn lập đi lập lại, một lời hát:

“Và tôi cũng yêu em…

Yêu em rộn ràng.

Yêu em nồng nàn.

Yêu em chứa chan…” (Đức Huy – bđd)

Yêu em, hay yêu anh. Vẫn cứ là yêu. Yêu mọi người. Yêu như lời Thầy vẫn nhắn nhủ:

“Hãy yêu mến người đồng loại,

như yêu chính mình.”

(Mt 19: 19)

Nói đến “yêu”, người người vẫn thường liên tưởng đến tình thân thương giữa hai người, mà thôi. Hai người, có thể khác phái. Hay, cùng phái tính, như chuyện lạ ở trời Tây. Tức, yêu như người đời thường thấy, ở truyền thông đại chúng, những: báo/đài, truyền hình, sách vở, phim ảnh... Ở nhà Đạo, ta được dạy: hãy cứ yêu. Yêu, hết mọi người. Cả, người đồng loại, lẫn cận thân. Hoặc, cận lân.

Chúa còn dạy: hãy yêu người đồng loại như chính mình vậy. Như thế có nghĩa là, trước khi yêu người khác, hãy yêu chính mình. Yêu chính mình không là việc dễ thực hiện, nếu không có động lực hoặc quyết tâm mang hạnh phúc đến với người khác. Làm, vì người khác. Chứ không vì mình. Cho mình. Bởi, khi đem hạnh phúc đến với người khác, tự mình sẽ thấy an vui. Hoan lạc. Ổn định.

Yêu người đồng loại, nhiều lúc rất đơn giản. Chỉ một nụ cười. Một vòng tay ôm. Hoặc, chỉ cần nghĩ tốt về người ấy. Gia dĩ, bằng những cử chỉ thân mật, dễ thương. Những chuyện trò. Chào hỏi. Thậm chí, mời nhau đi ăn. Đi nhậu. Xem phim. Văn nghệ. Nhạc hội... Nói tóm, làm bất cứ thứ gì cho mọi người vui.

Yêu như thế, có thể hiểu như lời người nghệ sĩ, vẫn thường hát:

“Tôi yêu, đi bộ dưới hàng cây

đấu vui với bạn bè

và ly rượu ngon..

tôi yêu, trong nhà nhiều cây lá

tôi yêu những người già.” (Đức Huy – bđd)

Yêu đi bộ. Thích đấu láo, vui vẻ. Với bạn bè, là chuyện dễ làm. Còn bảo rằng, tôi yêu những người già, là chuyện ít được nghe. Ở thời này. Bởi, người già thời buổi này, đang chết dí ở xó xỉnh nào đó, hoặc ở nơi được gọi là viện dưỡng lão. Đang lang thang đó đây, với cây gậy. Chứ nào được ai yêu. Yêu ai. Có cụ còn bị con cháu bỏ mặc, hoặc bóc lột như các truyện kể, trên báo. Ở quê nhà.

Có một sự thật não nùng, là: người người không thể nói dối, hoặc chối quanh được là người trẻ hoặc nghệ sĩ thời bây giờ “yêu”/thích đấu vui với bầu bạn bên ly rượu, hơn là la cà bên những người già. Chí ít, là các vị đã lùi về dĩ vãng. Hơn, là tương lai. Lùi về thời vàng son, âu yếm ấy. Chứ làm gì có chuyện như được người nghệ sĩ nói ở trên. Bởi, yêu rồi thì lui tới. Hỏi han!

Người trẻ bây giờ, có yêu thì cũng chỉ yêu có mỗi môi trường vui chơi. Sôi động. Nhẩy nhót, có thuốc lắc. Có ê a ba câu hát hò. Như nhà thơ họ Trần từng xưng thú:

“Một trà, một rượu, một đàn bà,

ba thứ lăng nhăng, nó quấy ta.” (Trần Tế Xương – Ba Thứ Lăng Nhăng)

Chứ, nào đã mấy ai nhớ được lời dặn dò của Chúa, mà tuân giữ:

“Đây là điều răn của Thầy:

anh em hãy yêu thương nhau

như Thầy đã yêu thương anh em.”

(Yn 15: 12)

Yêu nhau như Thầy đã yêu, là yêu cả cái tính hư tật xấu của nhau. Yêu, không để làm lợi cho bản thân. Yêu, không cốt làm bàn đạp, cho mình thăng tiến. Yêu như Thầy yêu, là Tình yêu có nhịn nhục. Biết hy sinh. Yêu, vì người khác. Cho người khác. Không thể nói chữ “Yêu”, khi chỉ muốn mọi sự tốt đẹp đều quay về mình. Còn, người khác, chỉ là cỏ rác. Đáng, bỏ vào xọt. Không thương tiếc.

Yêu như Thầy đã yêu, là biết kính trọng người khác. Không coi họ như thùng/xọt để ta trút vào đó mọi giận hờn. Ghét ghen. Bực bõ. Nếu quả tình, ta quyết “yêu như Thầy đã yêu” mình, hẳn ta sẽ đối xử với người khác, bằng cả sự tôn trọng, phải có. Đối xử cách công minh. Chính trực. Đối xử, như người tử tế. Có tư cách. Không phân biệt trong đối xử. Không cho mình quyền phán xét kẻ khác.

Đối xử có tư cách, là biết nói lời “Xin lỗi!” khi ta “chạm nọc” người khác. Khiến người ấy thấy đau. Cả vào khi, mình cứ nghĩ là mình không cố ý làm cho người khác buồn. Không làm họ yếu thế. Bị coi rẻ. Hoặc, hờn căm.

Yêu nhau như Thầy đã yêu, là yêu vô điều kiện. Là, có quyết tâm thực hiện điều tốt đẹp, cho người khác. Vì người khác. Yêu như thế, là mặc lấy cho mình cái tâm trạng luôn hiểu rằng người khác ấy cũng hay ho, tốt lành và tài giỏi như mình. Có khi còn hơn mình nhiều. Sở dĩ người ấy chưa đạt được mức độ như mình đạt, là vì họ chưa có cơ hội. Hoặc, vì mình chèn ép. Nên, chưa gặp thời. Chưa có điều kiện để phát triển cái hay, cái đẹp. Như mình.

Đi đến cùng, phải nói rằng: cái hay cái đẹp mình đang có, chính ra là của người khác. Vì cơ duyên nào đó, cái hay và cái đẹp ấy bị để mất, hoặc lấy đi. Nay, vào tay mình. Ở với mình. Thế thôi. Nào do mình tài cáng, tạo ra nó. Bởi, tất cả đều là ân huệ, từ Chúa. Mà thôi.

Yêu như Thầy đã yêu, còn là tình yêu của trẻ. Trẻ thơ thấy gì cũng lạ. Cũng hay. Thấy thích. Chỉ muốn biết. Sờ chạm. Chẳng bao giờ coi những thứ đó, do mình tạo ra. Và, đối tượng của tình trẻ nhỏ, có khi là vật thể. Có khi là bản thể người. Luôn bao hàm điều hay/lẽ phải, và nét đẹp của vật thể ấy. Chủ thể nọ. Dù vật thể ấy/chủ thể nọ, có méo mó xẹo xọ. Hoặc, nghèo túng yếu hèn đến mấy đi nữa, vẫn cứ yêu. Cứ thích.

Yêu như Thầy đã yêu giống như trẻ nhỏ, là: không xen vào chuyện tư riêng của mỗi người. Chẳng bắt buộc vật ấy/bản thể ấy tuân theo ý mình. Chẳng cần biết bản thể ấy có thành công, hay thất bại trên đường đời. Lần nào chưa. Và, dù gì nữa, vẫn cứ coi đối tượng của mối tình luôn xứng đáng với tình yêu của mình. Yêu như trẻ thơ, là thứ tình bao quát. Độ lượng. Không kỳ thị. Chẳng phân tích. Không phân biệt đối tượng. Chẳng cần biết đối tượng ấy tốt/xấu ra sao.

Cuối cùng, yêu như tình yêu của trẻ nhỏ, dẫn ta về gần “Thiên Chúa của Tình Yêu”. Về với Tình Yêu (viết hoa), là Đức Chúa. Yêu như thế, đổi mới toàn bộ con người của ta, là kẻ đương yêu. Luôn yêu đương. Yêu, cả tâm hồn lẫn phần linh thiêng cao quý nhất.

Đó, còn là ý nghĩa của bài ca, được nhiều người biết, vẫn hát rằng:

“Tình yêu thay đổi hết mọi sự

từ bàn tay đến diện mạo, trái đất đến bầu trời

Tình yêu nay thay đổi hết tất cả,

Cả lối sống, ta hoạch định; cả cái chết ta chấp nhận

Tình yêu, đã khiến mùa hạ bay đi,

Khiến đêm thâu được ví với cuộc đời

Vâng. Tình yêu thay đổi hết mọi sự

Làm ta run rẩy trước tên người

Chẳng có gì tồn tại như xưa nữa, bởi..

Tình yêu, nay thay đổi hết mọi sự…” (Michael Ball – Love changes everything)

Tin hay không tin vào khả năng của tình yêu làm thay đổi cuộc sống, người mình kiếm tìm. Tìm kiếm một giải đáp. Kiếm tìm, như vẫn có với hạnh phúc. Bởi, tình yêu mang lại hạnh phúc. Bởi, hạnh phúc là cứu cánh của tình yêu. Cứu cánh, mà cả con người lẫn loài thú đều kiếm tìm nó. Tựa hồ câu truyện kể để minh hoạ, ở dưới:

“Một hôm, chú sư tử nhỏ lặng lẽ đến gần mẹ hiền mà hỏi nhỏ:

-Mẹ ơi, mẹ chỉ con đi, muốn có hạnh phúc, con tìm ở đâu?

-Ở phần đuôi của con, chứ không đâu khác.

Thế là, sư tử nhỏ cứ thế suốt ngày luẩn quẩn chạy quanh tìm kiếm hạnh phúc ở phía đuôi của chính mình. Tìm cả ngày, vẫn chẳng thấy hạnh phúc ở nơi đó. Sư tử bé, một lần nữa chạy đến bên mẹ hiền năn nỉ mẹ truyền bí kíp. Mẹ hiền bèn bảo:

-Con thân yêu, con đâu cần phải chạy theo đuôi để tìm hạnh phúc. Bởi, con càng chạy và càng đi về phía trước, hạnh phúc vẫn theo đuôi con, để ở cùng. Chẳng đi đâu.

Hạnh phúc là thế. Vẫn ở quanh ta. Nào đâu xa. Tình yêu cũng vậy. Không tìm, nhưng vẫn đến. Đến, rất tự nhiên. Đến, ngay từ đầu. Thời trẻ thơ. Đến, như đã đến với trẻ thơ. Giống trẻ thơ. Cuộc đời. Nên, ta có thể nói:

Không ai quyết định chiều dài cuộc đời mình,

nhưng vẫn có thể kềm chế ước vọng sống cuộc đời ấy.

Không ai thay đổi được tiết trời, hoặc nắng mưa

Nhưng vẫn chế ngự được cơn mưa nắng của chính mình.

Không ai thay đổi bản sắc riêng của mỗi người,

Nhưng vẫn mỉm cười với nó.

Không ai khống chế được người khác,

Nhưng vẫn kiểm soát được chính mình.

Không ai thấy trước ngày mai,

Nhưng vẫn sử dụng ngày hôm nay, thật khôn khéo.

Không ai thắng lướt hết mọi chuyện

Nhưng ta vẫn thử nghiệm cách thế hay nhất để hoàn thành.

Thế đó, là đôi giòng tư tưởng cỏn con. Không hơn. Không kém. Những tư tuởng, để chuyển đến bạn đến tôi, như một đề nghị. Đề nghị cỏn con. Không thôi thúc. Chẳng bắt buộc. Bởi, sự thể cuộc đời vẫn tuỳ lương tâm của mỗi người. Và mọi người. Rất tự nhiên.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn biết thế

và có gắng để được thế.

Nhưng chưa thành đạt.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com )

1 comment:

Blogger V said...

Rất thích bài viết này, xin phép tác giả Trần Ngọc Mười Hai để được copy về blog của mình.