Monday, 3 August 2009

“Nhớ tới năm xưa bên nhau”

bước trong chiều mưa phím ru nhẹ đưa Bến cũ đam mê say sưa lá thu còn rơi người xa vắng người.”

(Ngô Thuỵ Miên – Mắt biếc)

(Xh 32: 19)

Nhớ chuyện xưa, bần đạo nào đâu nhớ “chiều mưa trên phím ru, nhẹ đưa”, hoặc “bến cũ đam mê say sưa”. Đành chịu. Chuyện mà bần đạo nhớ nhất, là câu nói của các cụ. Khi xưa. Thường vẫn bảo. Các cụ nói: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn!”

Vào đầu niên biểu hai nghìn lẻ chín, bần đạo cũng đã đi xa, nhiều ngày đàng. Dù, chưa học được sàng khôn nào cả. Nhưng, bần đạo cũng ghi tạc, một nỗi nhớ. Nhớ, không gian vắng lặng, nhiều sỏi đá. Nhớ, cả thời gian có khung trời kỷ niệm. Có mắt biếc. Mưa tuôn. Thời gian, ghi khắc chuỗi không gian dài, đầy nhung nhớ. Nhớ là: ngày xa xưa hôm ấy có đấng bậc tiên tổ Môsê, nơi đây từng hiện diện. Hiện diện miền xưa, sa mạc/sỏi đá, ngài uất hận. Hiện diện thời xa xưa, có kinh nghiệm 40 năm lưu đày, ngài giận dữ.

Nhớ năm xưa, là nhớ cung cách của đấng bậc tiên tổ, tuy rất hiền những vẫn giận. Giận nhất, là khi dân con nhà Do Thái dám từ bỏ Giavê Thiên Chúa, để đúc bò vàng mà thờ lạy, như sử sách rày ghi chép:

“Khi đến gần trại,

ông thấy con bê

và những bọn người đang nhảy múa.

Ông Mô-sê nổi cơn thịnh nộ:

Ông ném các tấm bia đang cầm trong tay

và đập vỡ dưới chân núi.”

(Xh 32: 19)

Nhớ tới năm xưa, là nhớ cả những ca từ mà người nghệ sĩ lâu nay vẫn cứ hát:

“Dĩ vãng như bao cung tơ

lướt theo chiều mơ, kết muôn bài thơ.

Nuối tiếc yêu đương xa xưa,

Tháng năm nào trôi để nhớ nhung người.” (Ngô Thuỵ Miên – bđd)

Nhớ chuyện xưa, ta không chỉ nhớ có “một sàng khôn” em học được. Như là, nhớ đến cả những việc lỉnh kỉnh xảy ra ở “miệt dưới”, bấy hôm nay. Chuyện xảy đến, ở đất miền tận cùng, có chuyện dài kể lể để mà nhớ. Chuyện lỉnh kỉnh. Hỏi han. Ởở xứ miền triền miên câu hỏi/đáp. Hỏi rằng:

“Tuy vẫn biết, giận hờn/ghét ghen, là một trong bẩy mối tội đầu, gây khó khăn. Nhưng, nại cớ sao đây, khi ta thấy Đức Giêsu cũng nổi giận, ở Đền Thờ, khi Ngài gặp bọn người mua bán/đổi chác tiền bạc, ra mặt. Ngài là Chúa, Đấng chẳng thể nào sơ hở/phạm lỗi, thế mà sao Ngài vẫn tức giận? Xin linh mục giải thích cho thấu đáo về giận dữ.

Đã hỏi, là có đáp. Đáp trả hay đáp ứng, cũng cứ xin chuyển đến đấng bậc vị vọng, ở Sydney. Và đáp giải hôm nay, là lời vàng. Tách bạch. Mạch lạc. Như bao giờ:

“Câu bạn hỏi, là một trong những thắc mắc khá rắc rối và khó hiểu, người thường gặp. Bởi thế nên, đây cũng là dịp để ta có một cái nhìn thông thoáng. Cho đúng. Về vấn đề này. Ngõ hầu lương tâm bớt áy náy. Bớt cắn rứt. .

Vấn đề chỉ nảy ra, khi ta không có thói quen tách bạch chuyện giận hờn, coi đó như một cảm xúc. Say sưa. Mê mệt. Đó là nói theo ngôn từ của thời trước. Thời, mà mọi người vẫn coi hờn giận như hành vi có ý chí. Quyết tâm.

Thông thường, thì cảm xúc hoặc say mê, đôi khi còn gọi là tình tự, đáp ứng tự nhiên đối với tình huống, rất khác biệt. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo định nghĩa các tình tự mê say ấy là những “cảm tính/xúc động, một khao khát bén nhạy, thôi thúc ta có những hành vi tuy không ra tay hành động gì cả, mà chỉ nói những gì mình có cảm giác/nhận thấy điều ấy là tốt/là đẹp, hoặc rất xấu.(GLHTCG#1763)

Thành thử, đối đầu với những điều tốt đẹp, ta sẽ có kinh nghiệm cảm xúc yêu thương, thèm khát, hy vọng, vui mừng, vv. Còn, với những gì xấu xa/quỷ quái, ta sẽ có tình tự ghét bỏ. Giận hờn. Hãi sợ hoặc tránh xa, bực bội, vv.

Tự thân, đam mê chẳng là điều tốt. Cũng không là điều xấu, cần tránh xa. Việc này, đơn thuần là thành phần của tâm lý con người, mà Thiên Chúa ban cho ta. Cũng là chuyện tự nhiên, khi ta sống yêu thương/vui mừng trước những gì là tốt, là đẹp. Cũng là chuyện tự nhiên, nếu như ta phải trải qua những giai đoạn sống rất hãi sợ hoặc giận dữ trước điều xấu xa. Tồi tệ.

Lấy ví dụ, nếu ta chẳng lo lắng gì chuyện hiểm nguy, cứ xông pha trận địa, đối ứng với chuyện lạ, thì chưa chắc ta đã sống dai. Sống an toàn! Còn, nếu ta chẳng hề phản kháng hoặc nổi giận khi thấy có ai đó hành động dã man/tàn bạo chuyên đánh đập trẻ thơ vô tội, khi đó ta sẽ không còn là người, có tính nhân hiền. Dễ chịu.

Các cảm xúc nói ở trên, chẳng nên đề cao, tán thưởng, tương tự trường hợp có cảm xúc tích cực, như: yêu thương. Hy vọng. Vui mừng. Nhưng, cũng chẳng phạm tệ gì, khi đó lại là những tình tự tiêu cực, như: giận dữ. Hãi sợ. Buồn bực. Tất cả, chỉ là phản ứng tự nhiên trước tình huống “chẳng đặng đừng”, thôi.

Chỉ vào khi ta thuận theo cảm tính nhất quyết hành động có khuôn thức, khiến cho hành vi ấy trở thành một việc đáng khích lệ hoặc tồi tệ ấy, mới thành chuyện. Nói theo ngôn từ của Giáo Lý Hội Thánh, thì: ”Cảm xúc mạnh như say mê/giận dữ, tự nó, không là điều tốt/xấu. Theo luân lý/đạo đức, cảm xúc mạnh như say sưa/ mê mệt, chỉ được đề cao/tuyên dương khi nó kéo theo hành động có ý chí và quyết tâm, mà thôi.” (GLHTCG #1767)

Một lần nữa, nếu sử dụng ngôn từ của nghệ sĩ ngoài Đạo, người người sẽ hát tiếp:

“Tình yêu như mây khói

thoảng theo gió buồn, mơ hồ.

Tình yêu như giông tố, qua phố đìu hiu.

Nhớ dáng xưa, yêu kiều

Trong chiều chợt nắng, cung đàn gợi ý

Chờ nhau, trong tê tái…” (Ngô Thuỵ Miên – bđd)

Cung đàn gợi ý. Say như mây khói. Buồn mơ hồ. Nhất nhất, đều là những cảm xúc tự nhiên. Không xấu. Chẳng tốt. Tốt/xấu chăng, là khi đấng bậc vị vọng, có nhận định xác đáng, như sau:

“Nhiều trường hợp, tuy ta có cảm xúc giận hờn, hung dữ, nhưng vẫn có thể biện minh được. Tỉ như, khi cha mẹ bực tức/nóng giận. với các con. Vì, chúng chẳng chịu nghe lời dạy dỗ, của bậc trên. Thầy cô, cũng có lúc nổi nóng với học trò cá biệt không tùng phục. Chủ nhân ông, đôi lúc vẫn tỏ ra ấm ức, hậm hực khi thấy công nhân do mình bỏ tiền ra thuê mướn, lại chẳng chịu làm việc, cứ ngồi chơi. Lại còn đòi hỏi nhiều quyền lợi, không chính đáng. Bực tức/nóng giận như thế, chẳng có gì là xấu, hết.

Phản ứng trước những cảm giác nóng nảy, nhiều người có những thái độ rất khác biệt. Phản ứng đó, có thể là một hành động do tự ý, hoặc xuất phát từ ý chí, khiến mình xử sự như thế. Dù đó có là hành xử, đáng khen thưởng hay là lỗi lầm, không phải phép.

Tỉ như ai đó, có thể tỏ ra giận dữ theo cách có kềm hãm, chế ngự. So với những điều xấu mình làm, thật ra cũng chẳng là gì. Thêm nữa, hành động giận dữ/tức bực có khi do tính bác ái tạo xúc tác đưa đẩy mình làm thế, không cưỡng được. Có trường hợp, cử chỉ bực tức nóng giận, lại nhằm mục đích tốt, cũng nên.

Nhiều lúc, bậc phụ huynh nóng nảy, tỏ bày tinh thần tôn trọng kỷ cương đối với con cái, khi con mình nổi chướng, bất phục tòng. Thầy cô ở trường, cũng có lúc xử sự như thế với học trò cá biệt. Ngỗ nghịch. Miễn là, các vị xử như thế theo cung cách kềm hãm, chế ngự. Vẫn là việc phải lẽ, đáng đề cao.

Việc Đức Giêsu nổi nóng với giới chức đổi tiền ở Đền Thờ, là một trong các trường hợp nói trên. Việc Chúa làm, hoàn toàn chính đáng. Chúa tỏ ra giận dữ, nhưng Ngài rất kềm chế. Việc Ngài làm, là do tình yêu thương với nhà của Cha, dù có người coi đó là việc quá tay. Chẳng nên.

Đổi lại, nhiều vị mất tự chủ, có lúc hung hăng, mạnh bạo quá đáng. Có khi còn lạm dụng, nữa. Trường hợp này, dù họ có biện minh cho cơn giận của họ cách nào đi nữa, cũng không thể minh xác được cung cách tỏ cơn giận và dữ, như thế. Giận như thế, là giận căm/hờn dỗi. Rất lỗi phạm. Thiếu cân nhắc. Thiếu tự chủ.

Tưởng, mọi người chúng ta cũng nên tập cho có thói quen ăn hiền ở lành, dễ dãi; ngõ hầu chế ngự được tính nóng, dễ nổi giận. Biết thuận theo lý trí mà cân nhắc từng trường hợp, ngõ hầu tránh bỏ tính bẳn gắt, dễ nổi giận. Cũng nên cầu Chúa gia tăng cho mình tính khí nhẹ nhàng. Hiền hoà. Hầu có phương cách tự kềm chế cơn tức bực, mỗi khi cần.

Hiểu như thế, sẽ khiến cho lương tâm ta nên trong sang. Không vướng bận thắc mắc/nghi ngờ gì. Dù, cơn tức giận ấythuộc loại nào đi nữa. Chẳng hạn, khi xưng thú lỗi lầm với cha giải tội, ta chẳng cần kê xưng các lỗi lầm, khi tức bực. Bởi, tự thân, bực tức/nóng giận không là lỗi phạm, để xưng thú. Và, cũng chẳng cần xưng thú những trạng huống mình cảm thấy nóng nảy/bực tức trong lúc hoạt động bác ái/thiện nguyện mà lại gặp chuyện bất ưng, cưỡng chế.

Chỉ nên xưng thú, lỗi lầm nóng giận quá mức độ, không xứng với tình huống khi xảy nên chuyện, hoặc gây tác hại lên người khác. Nhất là, những nóng giận bộc phát, không do lòng yêu thương, dạy dỗ người mình thương. (x. Lm John Flader, The Catholic Weekly, 29/06/2009 tr. 10)

Cuối cùng ra, ta cũng nên trở về với tình huống thi ca/âm nhạc có những giờ phút khiến lòng mình trùng xuống, với cơn say. Say nóng. Chóng hờn. Mê say và ngâm nga câu hát có những ca từ/lời lẽ nên thơ. Mơ màng. Nhẹ nhàng, như câu nhạc ở dưới:

“Thuở ấy, tôi như con chim lạc đàn

Xoải cánh cô đơn, bay trong chiều vàng

Và ước mơ sao, trời đừng bão tố

Để yêu thương, càng nhiều gắn bó

Tháng ngày là men say nguồn thơ.” (Trần Trịnh – Lệ Đá)

Mơ, là mơ cho trời đừng nổi cơn bão tố. Mơ, là mơ cho lòng mình đừng gắn bó, với bão lòng. Để rồi, mọi chuyện sẽ nhè nhẹ. Êm êm. Như truyện kể dưới đây, để minh hoạ:

“Vào buổi hội thảo hôm ấy, giảng nghiệm viên cầm ly nước lạnh trên tay, rồi hỏi:

-Các bạn có thể cho biết ly nước này nặng nhẹ ra sao, không?

Học viên thay nhau trả lời, người nói nặng chừng 200 gram, kẻ bảo 500.

Thày nói tiếp:

-Nặng nhẹ là bao, đâu nào quan trọng. Quan trọng, là khi các bạn chịu đựng sức nặng ấy được bao lâu, thôi. Nhất là, cân lường/sức nặng của những khó khăn. Chịu đựng, những bực tức. Này nhé, rất đơn giản. Để kềm chế cơn nóng nảy/bực tức, cũng tựa như bạn chịu đựng sức nặng khi cầm ly nước này, chừng một ít phút. Cũng sẽ là điều, nếu ta cứ phải ngăn chặn/kềm chế nó đến cả tiếng đồng hồ. Cầm như thế, ắt tay mình sẽ mỏi. Sẽ cứng. Ráng chịu như thế suốt cả ngày, sẽ khó hơn. Có lẽ, bạn sẽ phải gọi xe cứu thương, cũng không chừng. Cũng thế, nâng nhấc hoặc cầm nắm/chịu đựng sức nặng của những khó chịu hoặc bất ưng, có khi còn tuỳ vào thời gian, và hoàn cảnh. Tuỳ thuộc tình hình diễn tiến vào lúc ấy, mà thôi. Và, đó là lý do để ta cân nhắc và định liệu, những bực tức. Khó chịu. Nếu cứ phải chịu mãi cái cảnh đem lại nhiều bực tức, khó chịu, ngày này qua ngày khác, thì những việc như thế thật khó lòng mà giải quyết. Nó cứ thế, trở nên nặng nề. Khó thở. Chẳng hề lui.

Cơn bực tức/nóng giận sẽ nặng nhẹ trong phút chốc như chịu đựng sức nặng của ly nước này, thì các bạn có thể kềm hãm cơn bực bội đó bằng cách, để lòng trùng xuống một lúc, cho lắng đọng. Sau đó, ta lại tiếp tục chịu đựng them. Chắc chắn, khi ấy ta sẽ thấy khác hẳn. Khác là bởi, khi đã thong thả, thư giãn, ta lại có thể chịu đựng, nâng ly nước thêm một chốc nữa, cũng đâu có sao.

Thành thử, chiều nay khi về nhà, các bạn cứ thử đối đầu với những bất ưng hoặc khó chịu xảy đến với mình. Bất kể nặng nhẹ, hãy từ từ mà kềm chế. Để cho lắng xuống, tất cả mọi tồn đọng. Cả những bức bách. Giận dữ. Hờn căm. Có như thế, mọi việc mới nên tốt đẹp, ngay sau đó.

Lời thày dạy, chỉ có thế. Không dài. Chẳng cường điệu. Nhiêu khê. Khô cứng. Nhưng, chí lý. Ý nhị. Vị tha. Làm vì tha nhân. Cho tha nhân, như lời bàn được ghi tiếp ở bên dưới:

*Trong cuộc sống thường nhật, có những ngày bạn sẽ thấy mình hiền lành như bồ câu. Chim ngói. Lại có những tháng, mình gặp toàn chuyện bực bõ, dễ gây gổ.

*Hãy cố lựa lời êm êm/nhè nhẹ, mà hứa hẹn. Bởi, sẽ có lúc mình nuốt lời. Dễ như chơi.

*Nếu bạn cứ chầm chậm trong xử thế, và lựa lời mà kềm chế. Cơn bực tức sẽ qua mau.

*Đời người, sẽ có lúc mình những muốn đối xử tử tế với mọi người, thì đây chính là cơ hội tốt.

*Nên nhớ, đừng xía vào chuyện mình, chuyện người, vì điều ấy dễ khiến mình nổi giận.

*Hãy tổ chức tiệc sinh nhật cho thật nhiều. Đó, là điều tốt. Càng tổ chức nhiều, càng thấy vui.

*Ta học được nhiều điều, ở bút chì. Có bút rất nhọn/sắc, có bút cùn/lụt. Có cái, có tên thật đẹp. Có cái, tên tuổi chẳng giống ai. Nhưng, chúng vẫn phải chịu cảnh nằm cạnh nhau chung một hộp. Dù bất ưng. Khó chịu.

*Hạnh phúc, là biết sống vui, sống khoẻ. Chấp nhận mọi cảnh, dù cảnh trí ấy dễ gây bực tức. Nóng giận. Hờn căm. Không ai thích.

Lời cuối cho bạn, và cho tôi, là câu hát của người nghệ sĩ hôm trưóc, cứ ca rằng:

“Hãy vui lên bạn ơi!

Ngày mai lắm khi không còn gì để cười

Tương lai biết đâu chỉ là thương nhớ thôi

Dù sao hãy cười bạn ơi! (Lê Hựu Hà – Hãy vui lên bạn ơi!)

Nếu nghệ sĩ ấy hôm nay vẫn còn sống, hẳn bạn và tôi, ta sẽ đề nghị đổi lời ca, thành:

“Hãy vui lên bạn ơi,

Ngày mai lắm khi không còn gì để …nổi nóng!

Bởi, có nổi nóng hay hờn căm, giận dỗi cũng chẳng để làm gì. Chẳng làm được gì. Được chăng, chỉ là đổ vỡ. Cách chia. Buồn bực. Buồn và bực, như cuộc sống của quỷ ma. Sống đấy. Nhưng, là sống như chết. Vẫn cử động đấy. Nhưng, là những động tác không mang tính yêu thương. Êm ái. Tình người.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn thừa biết

khó mà nguôi cơn giận,

nên vẫn cố.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com )

No comments: