Sunday, 23 August 2009

“Mời người lên xe về miền quá khứ”

Mời người đem theo toàn vẹn thương yêu.”

(Phạm Duy- Nghìn trùng xa cách)

(Ga 6: 56)

Về miền quá khứ, phải chăng là về với tình của Chúa. Thân thương. Trìu mến. Nguyên vẹn. Về, là về với những ảnh hình khó quên, thời ấu thơ. Đơn sơ. Vô tư lự. Về, là về với quê miền Chúa nhắc nhở, rất nhiều lần.

Được nhắc nhở, cũng như được nghe đi nghe lại nhiều lần, những nhạc bản tương tợ tình tự “nghìn trùng xa cách”, mà bần đạo thấy giống như nhiều người. Thấy, lòng mình dâng cao một cảm tính. Tình tự. Khó tả. Khó, cả vào khi nguyện cầu. Lúc dâng lễ. Có linh mục.

Gọi đó là, “nghìn trùng cách xa”, cũng không đúng. Gọi bằng lời ca ở dưới, chắc phải hơn:

“Đứng tiễn người vào, dĩ vãng nhạt mầu

sẽ có chẳng nhiều, đớn đau.” (Phạm Duy – bđd)

Gọi gì đi nữa, hôm nay đi vào “dĩ vãng nhạt mầu”, lòng người thấy mình lâng lâng khác nào tình tự của những người kể truyện xưa, có “dĩ vãng nhiệm mầu”, có “tình mình bây giờ”, ở dưới:

“Người mẹ trẻ, đang bận nấu nướng với sắp đặt đĩa bánh bông lan thơm phức, mừng ngày người con nhỏ rước lễ lần đầu. Vui với bạn. Bà bỗng thấy hai con, đứa anh tên Bình, đứa em tên An, rõ ràng là thế mà sao vẫn nhanh chân, dành phần, đòi ăn trước. Mẹ hiền, nhân cơ hội, liền dạy cho các con thêm một bài luân lý để đời, rất “công dân giáo dục”, rằng:

-Ví thử hôm nay Chúa đến mừng lễ; cùng ngồi ăn với các con. Chắc, Chúa sẽ ngồi chỗ đó, hai con thì ngồi ở đây. Chúa làm phép, Ngài cầm bánh lên, rồi nói: “Này là bánh tình thương, có giao ước.” Con chắc sẽ xin nhường phần ăn trước, cho người anh em, đang ngồi chờ. Còn con, xin dùng sau!... Thế, còn các con. Các con sẽ xử sự như thế nào?

Thằng em dành nói trước:

-Con, thì con nói với anh: Anh Hai à! Bữa nay anh làm Chúa Giêsu, nhe. Đồng ý nhé?

-Không. Anh không đồng ý tí nào. Em làm Chúa Hài Đồng. Mới giống.”

Làm Chúa Hài Đồng, hay làm Đức Chúa buổi Tạ Từ, vẫn là làm Kitô-khác. Làm Kitô-khác, là thực hiện sống đời phụng vụ, toàn cả năm. Sống Phụng vụ Lời Chúa, trước ngày Ngài ra đi thực hiện công trình cứu độ. Để rồi, Ngài gửi Thần Khí đến với anh em ta, hết mọi người. Sống Phụng vụ, còn là thực hiện cuộc sống sinh động, buổi Tiệc Thánh.

Thời xưa, khi dự Tiệc Thánh, người dân đi Đạo ít khi được rước Chúa vào lòng, khá thường nhật. Ít, vì luật Hội thánh có những điều khoản, khiến giáo dân khi đi lễ, phải chuẩn bị lòng trí rất nhiều điều. Những là: phải xưng tội để lòng thanh sạch. Sốt sắng. Phải, kiêng nhịn rất nhiều thứ. Kiêng, ít nhất một tiếng trước giờ lễ. Phải, là con nhà đạo đức. Không rối rắm. Lắm chuyên chăm.

Ngày nay, đặc biệt sau Công Đồng Vatican II, chư thánh ở cộng đoàn được miễn chuẩn khá nhiều. Được rước Chúa vào lòng, cả hai hình thức. Tiệc Thánh hôm nay, được hiểu là Tiệc Lòng Mến, có sẻ san. Sẻ san Mình Chúa. San sẻ, tình người. Nếu ngoài đời, người nghệ sĩ sẽ còn hát:

“Trả hết về người, chuyện cũ đẹp ngời

Chuyện đôi ta, buồn ít hơn vui

Lời nói, lời cười

Chuyện ngắn, chuyện dài…” (Phạm Duy – bđd)

Vâng. Chuyện ngắn, chuyện dài. Vẫn là chuyện hôm nay. Đầy đặn. Ý nhị. Đẹp đẽ.

Chuyện hôm nay, về Tiệc Thánh/Lòng Mến, mang nhiều ý nghĩa bổ dưỡng cho hành trình, ta vẫn sống. Tiệc Thánh/Lòng Mến hôm nay, là tiệc thức ăn bồi bổ. Củng cố quãng ngày dài, trong đời. Ngày, rao truyền tình yêu thánh thiêng, ta nhận lãnh. Từ cộng đoàn. Cho cộng đoàn. Tính thánh thiêng của Tiệc Thánh/Lòng Mến, gói ghém sâu sắc trọn Con Người Đức Kitô. Chứ, không chỉ là Mình và Máu Thánh, ta rước vào. Mà là, trọn vẹn Con người Đức Kitô. Rất thánh. Rất “người”.

Sâu sắc, trọn vẹn là thế; nhưng, hôm nay, vẫn còn có người cứ thư-từ gạn hỏi ý nghĩa của Hiệp thông/Rước Chúa có là rước đón trọn vẹn Đức Chúa, chứ không chỉ những Mình và Máu Thánh, khi lĩnh nhận. Chính vì thế, đức thày John Flader, ở Sydney đã lại có những giòng chảy chính mạch. Súc tích. Gọn nhẹ, như đã đăng trong The Catholic Weekly, hôm 09/8/2009, tr.10:

“Ông/bạn nói rất đúng. Thật sự, còn đúng hơn bản thân mình nghĩ, nữa. Như tôi có lần nói trong mục/cột này về “Rước lễ theo hai dạng thức”, Hội thánh luôn hiểu rằng: dù ở dạng thức nào, chỉ mỗi Bánh hoặc cả Bánh và Rượu thánh, chúng ta đón nhận không chỉ Thân Mình hoặc Máu Thánh Chúa thôi, nhưng là trọn vẹn Đức Kitô.

Đây là tín lý về sự kiện mà truyền thống Giáo hội gọi là: Hai việc đi đôi, cùng một lúc. Bởi, ta không thể tách ly Thân Mình Chúa, phân làm hai dạng thức được. Ngài hiện diện theo cách trọn vẹn, dù phần cực nhỏ ở Bánh Thánh hoặc chỉ một giọt Máu Thánh Châu Báu của Chúa.

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, có viết:“Trọn vẹn Đức Kitô hiện diện cách toàn hảo trong mỗi phần, dù rất nhỏ, của Mình Máu Chúa. Xem thế, khi bẻ Bánh, ta không phân xẻ Đức Chúa, bao giờ.” (x.GLHTCG #1377)

Dù, thừa tác viên cầm Mình Thánh Chúa, đưa lên cao và nói: “Mình Thánh Chúa Kitô”, thì Đấng mà ta rước vào lòng, không chỉ là Mình Thánh Chúa thôi, mà trọn Mình và Máu Thánh Chúa. Trọn vẹn Đức Kitô, cách toàn hảo.

Cụm từ “Mình Máu Chúa” có thể làm ta dễ ngộ nhận, lầm lẫn. Lầm và lẫn, ở chỗ: ta cứ tưởng mình đang rước vào lòng, chỉ một phần thân thể Đức Kitô, tựa như có người lầm tưởng rằng Tiệc Thánh Thể là một “sự việc”; hoặc tệ hơn nữa, chỉ đón nhận vào lòng mỗi Thân xác Đức Kitô, Đấng đã chết.

Nói theo ngôn từ ngoài đời, nếu quan niệm Mình và Máu Chúa theo hai hình dạng tách bạch, há nào, người đời vẫn cứ hát lời của nghệ sĩ, cứ chẳng tin:

“Nối gót người vào dĩ vãng nhiệm mầu

có lũ kỷ niệm trước sau

vài cánh xương hoa nằm ép trong thơ

rồi sẽ tan đi, mịt mù…” (Phạm Duy – bđd)

Không. Không phải thế. Mình Máu Chúa, trước sau không là “kỷ niệm cũ”, cũng chẳng là “vài cánh xương hoa”, như sự vật. Bởi sự vật, sẽ tan đi. Mịt mù. Xa cách. Tách bạch. Đằng này, Thân Mình Đức Kitô, có Mình và máu Thánh, rất trọn vẹn. Hoà hợp. Sống động. Phục Sinh. Như đức thày, nay giải thích tiếp:

“Thế nhưng, không phải ta nhận vào lòng mình một “sự vật”, mà là rước đón vào trong ta một nhân vật – Nhân vật Sống động đã Phục sinh, là chính Đức Giêsu Kitô. Chẳng thế mà, sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, lại giải thích: “Dưới dạng thức bánh – rượu được thánh hoá, chính Đức Kitô rất sống động và vinh hiển, đang hiện diện theo cung cách rất phải lẽ, rất đích thật và quan trọng.”(x.GLHTCG #1415)

Đó là như thể, khi bước chậm xuống lòng nguyện đường, để đón Ngài vào lòng, ta gặp ngay chính Đức Giêsu sống thực đang từ từ đến ôm chầm lấy ta, và Ngài hiến trọn mình Ngài cho ta. Với trọn niềm tin – yêu như thế, ta sẽ đón nhận chính mình Ngài.

Tuy nhiên, trong Hiệp thông Rước lễ, ta không chỉ đón nhận Ngài mà thôi, mà còn trở nên kết hợp mật thiết với Ngài nữa. Như Chúa đã nói tại nguyện đường Ca-pha-na-um: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy.” (Ga 6: 56)

Ngài hiến tặng chính mình Ngài cho ta trong tương quan thần thánh có Giao ước. Và, ta trở nên ‘một xác phàm” với Ngài. Về sự thật rành rành này, thánh Phaolô tông đồ có thư cho cộng đoàn, khi thánh nhân áp dụng việc Hiệp thông Rước lễ, bằng những lời lẽ như: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi.” (Gal 2: 20)

Thánh Thể thực sự là một ân huệ Chúa tặng ban, rất quý. Trái đất này, không có kết hợp nào mật thiết hơn với Đức Kitô, cho bằng Hiệp thông Rước Chúa. Khi đã kết hợp nên một với Đức Kitô theo cung cách này, ta chẳng thể quay về với thói quen của cuộc sống thường nhật, mà lại không thấy có gì đó đặc biệt, vừa xảy ra.

Ngay kìa, thánh nữ Faustina đã ghi nhận những lời lẽ thân mật của Chúa, như sau: “Khi Ta thân hành ngự vào lòng con người vào buổi Hiệp Lễ, thì Tay ta tràn đầy đủ mọi ân huệ lành thánh Ta muốn phú ban cho các linh hồn, nhưng linh hồn chẳng màng để ý. Họ bỏ Ta đó một mình, cứ mải mê làm chuyện khác… Họ lại đối xử với Ta như món đồ chết cứng.” (Nhật ký #1447)

Không. Mình Thánh Chúa không là đồ vật đã chết. Ngài là một nhân vật sống động, là Bản thể Sinh động Đức Giêsu, Đấng hiến trọn Thân Mình Ngài cho chúng ta. Để trở nên một, với ta.

Hơn nữa. Đức Giêsu không đến một mình. Ngài luôn kết hợp với Chúa Cha và Chúa Con, cùng đến với Ngài. Từ cõi miên viễn, Ba ngôi thần thánh luôn kết hợp trở nên Một. Một Thiên Chúa. Một Thân Mình. Ba ngôi Thiên Chúa không thể tách rời. Đức Giêsu từng bảo: Tôi ở trong Cha và Cha ở trong Tôi.” (Ga 14: 10)

Vì thế, khi đón rước Đức Giêsu, Ngôi Hai trong Ba ngôi Thiên Chúa vào lòng, ta đón nhận trọn vẹn cả Ba ngôi Thiên Chúa, cùng một lúc. Ta thực sự trở thành đền thờ cho Ba Ngôi rất thánh. Như thế là, toàn bộ Thiên Đàng đang ở trong hồn ta.

Thánh nữ Têrêxa thành Lisieux đã có kinh nghiệm về việc này khi thánh nữ đón Chúa lần đầu vào những ngày tháng sau khi thân mẫu của thánh nữ vừa qua đời. Lúc ấy, thánh nữ xúc động đến độ nước mắt tuôn trào, nhưng chẳng phải bởi vì, như thánh nữ có bày tỏ, thân mẫu của thánh nữ không có mặt ở đó.

Thánh nữ từng viết: “Tựa như sự vắng mặt của mẹ thân yêu đã có thể làm con mất đi niềm hạnh phúc vào ngày con rước Chúa lần đầu! Chừng như toàn thể thiên đường đang đi vào hồn con thoạt vào lúc con đón rước Đức Giêsu vào lòng, cả thân mẫu của con cũng đến với con nữa.” (Chuyện Một Tâm Hồn).

Tâm hồn trinh trong đón Chúa, là trạng thái tâm hồn hạnh phúc nhất. Hạnh phúc, cả với nghệ sĩ ngoài đời lẫn các vị lành thánh, trong Đạo. Chẳng thế mà, nghệ sĩ vẫn hát câu “nghìn trùng”, như:

“Nghìn trùng xa cách, người cuối chân trời,

Đường dài hạnh phúc, cầu chúc cho người.” (Phạm Duy – bđd)

Hạnh phúc, không chỉ là chuyện mình cầu chúc, cho mình và cho người. Hạnh phúc, luôn có đó. Vẫn còn đó. Có và còn, khi mọi người, cả đời lẫn Đạo, đón nhận Chúa ở trong lòng. Nhè nhẹ. Thân thương. Êm ái. Như ý tưởng truyện kể ở bên dưới, để minh hoạ:

“Vợ chồng trẻ mới cưới, chưa kịp thu xếp, vẫn phải ngủ gần phòng của bố mẹ. Có một đêm, anh chồng thấy hạnh phúc dâng cao, bèn thủ thỉ với vợ mới cưới, rằng:

-Em à, anh cảm tạ Chúa đã gửi em đến cho anh. Anh quan niệm rằng em chính là hạnh phúc, là lửa ngọn đời anh. Em là ánh sáng tình yêu. Là, ngọn đèn trái tim anh…

Bỗng từ phòng bên, có tiếng người mẹ hiền, thúc giục:

-Khuya rồi, tắt đèn mà đi ngủ, hỡi các con…

Nhưng đèn hạnh phúc, một khi đã ngự vào lòng, làm sao tắt? Thân Mình Chúa, cũng thế. Khi Tình Chúa ở với mọi người, qua dạng thức toàn hảo, thì nỗi niềm hạnh phúc ấy, sẽ là hạnh phúc miên trường. Ấm êm. Can chứa. Không hề tắt ngúm.

Đó, là ý nghĩa của Thánh Thể. Của Tiệc Lòng Mến. Rất thân quen.

Trần Ngọc Mười Hai

Những mong bạn và mình

ta luôn trân trọng

tâm tình này.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com )

No comments: