Sunday 9 August 2009

“Nếu có điều gì vĩnh cửu được”

thì em ơi, đó là tình yêu của chúng ta.”

(Từ Công Phụng – Mãi mãi bên em)

(Mt 10: 28)

Phải nói thật, ngay đây rằng: bần đạo không rõ và cũng chẳng tỏ chút nào về thân phận người nghệ sĩ họ Từ tên Phụng, dẫn ở trên. Nhưng, giòng chảy những thơ và nhạc, cùng ca từ do anh viết, sao nó gần gũi với tư tưởng nhà Đạo mình, đến như thế. Này nhé, là người thường ở huyện, nào đã mấy ai bận tâm đến những là: “vĩnh cửu”, “cửa hồn em”, “tận cuộc đời”, “giữ mãi lời nguyền”, vv và vv.

Trong khi đó, có Kitô hữu người Úc nọ là Eric Geoffreys, cứ lập đi lập lại với bần đạo, thoạt khi thăm viếng các đền đài, ở Giêrusalem, mãi một câu: “lại một ABC nữa, mấy mùa ABC rồi…” Cụm từ “ABC” mà anh tóm gọn, gồm toàn những chữ rất nghe quen, như: “another bloody church”, mà nếu dịch cho sâu/cho sát, có lẽ bạn và tôi, rồi sẽ bảo: “lại một đền đài chết tiệt nữa, cứ mà xem!

Thế đấy, ngôn từ của một con dân nhà Đạo. Thôi thì, cũng nên quên đi chuyện dịch và thuật, trong chốc lát. Để rồi, tôi mời bạn, ta đặt chân thăm viếng chốn “hồn thơ” của tác giả. Ở ngoài Đạo:

“Nếu, có điều gì vĩnh cửu được,

thì em ơi, đó là tình yêu chúng ta.

Rồi mai đây, anh sẽ đón em về,

Mở cửa hồn em vào đó, rong chơi.” (Từ Công Phụng – bđd)

Quả có thế. Rong chơi miền “vĩnh cửu”, đâu là ý tưởng của riêng nhà Đạo mình. Hay ai đó. Cũng chỉ là ngôn từ, mà nhà thơ/người viết nhạc họ Từ đã “mơ màng”, nhiều ý tứ:

“Bờ môi ngoan, hương tóc rũ vai mềm

từng ngày dài, hồn anh mãi tương tư…” (Từ Công Phụng – bđd)

Thôi thì thôi nhé, cũng ngần ấy thôi. Thôi, này tôi và bạn, ta cứ tìm hiểu đôi điều về Đạo, xem có gì mà bạn đạo người Úc nọ cứ gọi đó là “đền đài chết tiệt”, đến là thế. Đạo mình, là Đạo nắm vững chân lý rõ như ban ngày. Chân và lý, cả sự chết lẫn sự sống. Cả những nỗi buồn lẫn niềm vui sống. Niềm vui đi Đạo. Trong Đạo. Và, vui đời hành Đạo, như truyện kể, thật lễ mễ. Ở dưới đây:

“Chuyến bay nọ, người phụ nữ trẻ vừa hành trình chung một chuyến với cố đạo vị vọng kia, vẻ bề ngoài tuy không còn trẻ nữa, nhưng tâm hồn lại trẻ hết chỗ chê. Biết rõ rằng: bậc vị vọng/cha cố chỉ làm việc lòng lành phước đức, chẳng từ một ai. Và, câu chuyện trao đổi giữa một già và một trẻ, đã như sau:

-Thưa cha, con là người có Đạo. Hôm nay gặp cha, con mừng quá. Nếu có thể được, xin cha giúp con một tay, có được không thưa cha?

-Được quá đi chứ. Nhưng, đừng bắt cha làm điều gì trái giới răn của Chúa Trời, nhé con.

-Không đâu, thưa cha. Số là, chuyến này, con mua được cái máy xấy tóc rất tối tân, để làm quà sinh nhật thứ 60, cho bà mẹ. Máy này, còn “dzin” chưa xài. Khổ một nỗi, nó lại vượt quá qui định, của hải quan. Nên con sợ. Sợ rằng, hải quan ở đây họ sẽ làm khó rồi tịch thu, e rằng mẹ con sẽ không có đồ xài, ngày lễ lớn. Vậy, có thể nào cha cầm giùm con món đồ nhỏ ấy, miễn sao che mắt thế gian, là được, phải không cha? Con nghĩ, cha cứ để nó ở phía dưới kia, bên trong chiếc áo chùng mầu đen đen, sẽ chả có ma nào dám rớ vào khu vực “cấm địa” ấy đâu mà cha sợ!

-Tôi cũng chẳng ngại gì chuyện giúp đỡ. Nhưng, xin báo trước đừng bắt tôi nói dối đấy.

-Không đâu, cha. Cứ nhìn khuôn mặt hiền từ của cha, ma nào dám nghi ngờ điều gì xấu.

Cả hai người, một già/một trẻ đi ngang qua khu vực kiểm soát, người nữ phụ trẻ bèn nhường chỗ cho cha già bước lên trước, để kiểm soát. Viên chức hải quan thấy vậy, hỏi:

-Thưa linh mục. Hôm nay linh mục có đeo mang thứ gì cần khai báo không?

-Thú thật là: từ đầu đến thắt lưng, giống mọi người, tôi chẳng có gì để khai báo, hết.

-Lạ nhỉ. Thế thì, từ thắt lưng xuống chân trần, ngài có đeo mang thứ gì khả nghi không?

-Có đấy, anh ạ. Chỉ là món quà tuyệt vời dành cho nữ giới. Cốt tạo niềm vui, thế thôi. Có điều là, mãi đến hôm nay, cái đó vẫn chưa có ai xài thử, dù một lần.

-Thôi đi cha. Cha cứ tự nhiên tiến về phía trước, mà đi cho…

Tiến về phía trước mà đi cho, không chỉ là khẩu lệnh của chàng hải quan có chức, có quyền, đà quyết định. Rất nhiều khi, ta cũng vẫn đi; nhưng chẳng bao giờ tiến về phía trước. Cứ như người “dậm chân tại chỗ”, hoặc dừng lại, ở nhiều nơi. Những nơi, những chỗ, mang tính rất quyết định. Cho cuộc đời. Và, người đời. Hệt như quyết định gây thắc mắc/cãi tranh. Ở nhân gian, trần thế.

Chốn nhân nhiều chuyện, có những việc hệ trọng, không chỉ liên can đến người trong Đạo. Nhưng, cả người ở ngoài nữa, khiến hãi sợ. Vốn hãi sợ, nên người trong Đạo và kẻ ở ngoài, vẫn có những tình tự ngại ngần. Cứ mãi lo xa. Lo, không chỉ những chuyện khó dễ, về thể xác. Lo, chuyện linh hồn. Đạo đức. Chức năng. Tương phản.

Có lo hoặc sợ, thì bạn và tôi, ta cứ trở về nguồn thương yêu sử sách, có thánh kinh. Nghe thêm một lần, Lời Chúa nói:

"Anh em đừng sợ

những kẻ giết thân xác

mà không giết được linh hồn.

Đúng hơn, anh em hãy sợ

Đấng có thể tiêu diệt

cả hồn lẫn xác, trong hoả ngục.”

(Mt 10: 28)

Thật sự, thì Lời Chúa trích dẫn hôm nay không là nhắc nhở gửi đến với người còn sống, thời hiện tại. Mà, những gì có liên can/dính dự vào điều đã xảy ra, chốn bất ưng. Hoả ngục. Đầy hãi sợ.

Về hãi sợ, nhiều người không chỉ những hãi cho cuộc đời này, mà thôi. Nhưng, cả những gì xảy đến, thời buổi trước. Hãi và sợ, đến độ bạn đạo của tôi dám đúc kết thành một han hỏi, rất thắc mắc như sau:

“Mới đây, con có dịp được xem cuốn phim mang tựa đề “Valkyrie”, trong phim này tài tử gạo cội Tom Cruise đã thủ vai Đại tá Claus von Stauffenberg, diễn tả những cá tính nổi bật của viên sĩ quan người Đức vốn dính líu vào âm mưu ám hại Hitler. Rồi còn rắp ranh ý định lật đổ bộ máy cường quyền của Đức Quốc Xã, nữa. Thật ra, xưa nay nhiều người vẫn coi Claus Von Stauffenberg là người Công giáo, rất mộ đạo. Phần con lại khác. Con vẫn tự hỏi, một khi mình tra tay dính dự vào những chuyện đổ máu, giết chóc, hoặc gian dối, thì làm sao lại có thể và xứng đáng gọi họ là những người Công giáo mộ đạo, được nữa chứ? Xin cha ban lời chỉ giáo, để con được yên tâm.”

Chỉ giáo hay chỉ đạo, vẫn là bổn phận của đấng bậc “cha thiên hạ” xưa rày vẫn cứ thưa và thốt. Thưa, về chuyện phải Đạo. Thốt, về ngón nghề tay mặt/tay trái của đấng bậc vị vọng, ở Sydney. Ly kỳ. Nhiều học thức. Thôi thì, cứ mời bạn và mời tôi, ta nghe thử ý kiến của đấng bậc vị vọng. Ở đây. Xem sao:

“Anh/bạn hỏi về hoàn cảnh lịch sử rất đặc biệt, mà theo tôi thật khó mà trả lời, cho đúng. Khó, là bởi: làm như thế, rất dễ tạo thành tiền-đề cho hiểu biết xuyên suốt, ngang qua dữ kiện đặc biệt, có liên quan. Nhưng, anh/bạn cũng như tôi, ta có thể bảo rằng: ở một số hoàn cảnh nào đó, ta vẫn có đủ tư cách, đạo đức/chức năng để tra tay lật đổ những kẻ nắm quyền sinh sát trong chính phủ, xử không đúng.

Một giáo sư người Mỹ là ông Germain Grisez, một thần học gia luân lý nổi tiếng, đồng thời là tác giả cuốn tiểu luận dầy 3 tập, có tựa đề “Con Đường Chúa đi”, từng đề cập đến vấn đề này, ở tập 2.

Dưới tiêu đề “Ít khi, ta dùng bạo lực để thay thế chế độ tồi tệ” trang 885, tác giả có viết: “Chế độ nào cương quyết ngăn chặn hoạt động chính đáng, hầu dấy lên cuộc cải tổ bất bạo động; hoặc, dám sử dụng bạo lực hợp pháp, để duy trì cơ cấu bất công, thì chính họ và những người hỗ trợ họ, đều phải chịu trách nhiệm về cách mạng bùng nổ khi dân chúng đã tuyệt vọng, không còn sức đeo đuổi sự công minh chính trực. Thêm vào đó, khi có giới cầm quyền nào đó cương quyết theo đuổi mục tiêu mình đặt ra, gây xung đột về lợi ích chung của đất nước, lại không có thẩm quyền để quyết định, thì tình trạng ấy chẳng khác gì hoàn cảnh của người có chính nghĩa, luôn chống đối giới cầm quyền, đã xử sự rất không phải.” (Tôma Akinô, Thần Học Tổng Hợp, 2-2, q.42,a.2, ad 3)

Chính vì thế, giáo huấn Hội thánh vẫn dạy rằng: ta có thể biện minh tính cách luân lý/đạo đức cho việc cậy nhờ sức đối kháng có vũ trang, như phương cách tối hậu nhằm “ngăn chận tình trạng chuyên quyền/bạo ngược thấy rõ, vẫn kéo dài, khiến tai hại cho quyền căn bản của mọi cá nhân cũng như làm tổn hại lợi ích chung, của mọi người.” (x. Giáo huấn về Tự Do và Giải Thoát với tín hữu Đức Kitô, 1986, t. 79)

Giáo sư Germain Grisez cũng nhắc nhở việc ta phải có sự dè dặt cần thiết, trước khi quyết định tham gia kháng chiến bằng vũ lực, mà theo ông, ta chỉ nên sử dụng nó như biện pháp tối hậu, mà thôi. Việc này phản ánh điều mà Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, từng đề cập.”

Nói theo cung cách của nghệ sĩ ngoài đời về chết chóc, vĩnh cửu, có lẽ sẽ phải nói như thế này:

“dù mai đây, trăng có úa bên thềm

và ngày buồn, thu tàn kéo qua đây

rồi mùa đông vội vã, đến bên ta.

Anh giữ mãi, lời nguyền cùng bên em.” (Từ Công Phụng – bđd)

Lời nguyền mùa đông, hay lời dạy của Hội thánh, ta phải giữ. Giữ, như Hội thánh vẫn làm qua bao mùa biến động, nổi trôi. Trong Giáo hội. Ở mọi nơi. Chính vì thế, mà đấng bậc vị vọng nhà ta tiếp tục triển khai thêm:

“Giáo lý Hội thánh còn dạy ta rằng: “Việc gia nhập lực lượng đối kháng có vũ trang hầu phản kháng, chống lại giới cầm quyền chủ trương độc đoán, sẽ không là chuyện hợp pháp, trừ phi các điều kiện sau đây phải được áp dụng: 1/ Khi, rõ ràng là: có sự vi phạm trầm trọng và kéo dài, quyền căn bản của con người; 2/ Khi, mọi phương tiện để khôi phục/đền bù đều thất bại; 3/ Nhưng, những việc phản kháng/chống đối như thế, sẽ không kéo theo sau những xáo trộn nào, còn tệ hơn; 4/ Khi, không còn hy vọng nào cho một thành quả vững chắc, có cơ sở; 5/ Khi, rõ ràng là, không thấy có giải pháp nào tốt đẹp hơn, thực hiện được.” (GLHTCG#2243)

Những điều kiện kể trên ghi rất rõ. Cho nên, thông thường thì: ít có khi nào ta có thể thực hiện được, những điều kể ra như thế. Vấn đề là, ta cần xem xét/phán đoán cho cẩn thận, để xem các điều kiện nói ở trên có áp dụng được hay không, với chế độ ức hiếp/chuyên quyền lộng hành, vào thời đó. Tức, thời Hitler làm mưa làm gió. Nói như thế, tức bảo rằng: bản thân tôi, không thấy mình có khả năng thích hợp để phân tích các điều ấy, cho thật kỹ. Ở đây. Trong bài này.

Dầu sao đi nữa, ra như có điều ta có thể quả quyết được, là: chế độ chuyên quyền/ức hiếp của Hitler là trường hợp đặc biệt để ta có thể đặt thành vấn đề. Bởi, các điều kiện kể trên đều thấy có thể áp dụng rất đúng cho trường hợp đó. Vì thế nên, chuyện tham gia phong trào kháng chiến có vũ trang, ở đây, là việc chẳng đặng đừng. Hợp tình. Hợp cả lý.

Cuốn phim mà anh/bạn vừa viện dẫn, có đoạn nói đến “Chiến Dịch Valkyrie”, trong đó có đến 15 âm mưu tìm cách ám hại nhà độc tài Hitler. Điều này cho thấy: rất nhiều người nhận ra rằng: chế độ phát xít ông tạo ra, thật là quái ác, đầy những tội, đủ để thúc giục nhiều người tham gia lực lượng kháng chiến có vũ trang, mà dứt điểm chế độ tội lỗi đó.

Trong số những người hoạt động chống Đức Quốc Xã của nhà độc tài Hitler lúc bấy giờ, có Hải sư Đô đốc Wilhelm Canaris, là người đứng đầu hoạt động phản gián. Nên, khi nghe nói Hitler có ý định bắt cóc hoặc ám hại Đức Giáo Hoàng Piô XII năm 1943, thì chính ông đã thông báo cho phía đối tác người Ý biết, nên âm mưu trên đã không thành. Tháng Hai năm 1944, Canaris đã bị cách chức, không còn thủ vai đầu não cơ quan phản gián Đức nữa. Sau đó, ông bị cầm cố tại gia và bị hành quyết, năm 1945.

Rõ ràng, Giáo sư Germain Grisez có đưa ra tiêu chuẩn để xem xét, nếu có điều gì không chắc chắn về tính luân lý/đạo đức trong quá trình diễn biến sự việc. Lấy ví dụ trường hợp Đức Quốc Xã: “Nếu không biết chắc luân lý có cho phép ta ám hại nhà độc tài chuyên chế Hitler không, thì chỉ khi nào ta xác tín việc ấy được phép làm, thì khi ấy ta mới bị ràng buộc phải tham gia âm mưu sát hại, nhà độc tài Hitler.”(sđd, tr. 287).

Cuối cùng, Giáo sư Grisez kết luận rằng: những người như thế, dù ở tình trạng nghi hoặc, vẫn nghĩ rằng nhiều khả năng đích thật là việc ám hại nhà độc tài quái ác Hitler là việc cho phép, thì khi ấy ta mới được phép tiến hành. Nhìn chung, chừng như với chế độ quỉ quái của Hitler, ta có chính nghĩa để thành lập một đạo binh kháng chiến chống sư chuyên quyền, độc đoán.” (Lm JohnFlader, The Catholic Weekly 28/6/2009, tr. 10)

Để một bên, những biện luận/phân tách thật khúc chiết, thiết tưởng cũng nên bàn và phiếm chút gì nhè nhẹ. Thư giãn. Cho thoải mái. Rất dễ tiêu. Dễ tiêu hoá, bằng một truyện kể ngăn ngắn. Gọn nhẹ. Rất như sau:

“Vào giờ học tâm lý, vị giáo sư bất chợt khám phá ra rằng đám học viên khá cao niên của mình có vẻ hơi bị động. Ông bèn quyết định cho mọi người làm một bài thực tập, với đề tài, chỉ thế này: “Trong một tuần, bạn phải cố làm sao đến với người mình thương và nói với người ấy, rằng: bạn yêu họ. Bởi, trong cuộc sống, tuy ta rất gần người thân, nhưng ít khi nào nói rõ những lời âu yếm, với người mình thương.” Đề tài xem ra không khó. Chỉ khó, có mỗi điều: học viên ở trường ai cũng trên dưới 30. Tức, ít nhiều cũng đều có kinh nghiệm về yêu thương, nhưng hiếm khi tỏ bày tình thương, mình đang có.

Tuần sau lại, vị giáo sư tâm lý đi thẳng ngay vào câu hỏi, xem có học viên nào tình nguyện kể chuyện đời mình, hay không. Ông đinh ninh: người bước lên bục trước nhất, phải là học viên nữ, mới đúng. Ai ngờ, cánh tay hôm ấy giơ lên, là của nam nhân. Trông anh thật tình. Chân phương. Đầy cảm xúc. Cảm xúc anh nêu, là lời lẽ tóm gọn như sau:

-Cách đây 5 năm, cha tôi và tôi có sự bất bình thấy rõ, xem ra không thể nào hàn gắn. Thấy mặt nhau, cả tôi lẫn ông đều tìm cách ngoảnh mặt về phía khác, cố tránh né tình huống khó xử, ngoại trừ vào các buổi hội họp bất đắc dĩ trong gia đình, thôi. Ngay lúc đó, chúng tôi cũng không phát biểu một lời nào. Vừa rồi, tôi quyết định là khi về nhà, sẽ tự kỷ ám thị nhất định phải nói với cha mình, là: con thương cha lắm. Chỉ với quyết định ấy thôi, tôi đã thấy tim gan mình nhẹ hẳn lên. Đêm hôm đó, tôi không tài nào chợp mắt. Hôm sau, tôi đánh xe đến nha cha mẹ, rung chuông , rồi thầm nguyện cầu Chúa cho người mở cửa đón mừng phải là cha tôi, mới được. Bởi, nếu là Mẹ ra mở cửa, thì lời nói yêu thương, đối với tôi, thật quá dễ. May thay, người mở cửa chính là Cha. Không chậm trễ, tôi bèn bước vào cửa và nói trước:

-Ba à, hôm nay con đến chỉ để xin cha tha thứ cho con và nói rằng con thương ba lắm.

Lúc ấy, như có luồng gió đổi mới hoàn toàn con người của cha tôi. Trước mắt tôi, rõ ràng là khuôn mặt của ông hiền dịu lại. Các nếp nhăn nơi khoé mắt, dường như tan biến hết. Và, ông bắt đầu khóc. Ông chạy đến. Ôm chầm lấy tôi, rồi nói:

-Ba cũng thương con lắm. Nhưng ba không biết làm thế nào để nói được câu nói đó.

Chưa hết. Hai ngày sau bữa đó, cha tôi tự dưng lên cơn đột quỵ, và mãi đến ngày hôm nay, ông vẫn còn nằm nhà thương. Tôi trộm nghĩ, nếu tôi lưỡng lự, vẫn không chịu đến trước với cha, chắc chẳng bao giờ tôi có được cơ hội đó.

Cũng chưa hết. Từ lúc thấy lòng mình nhẹ nhõm vì cởi bỏ được những dồn nén, trong tâm can, tôi lại khám phá ra nhiều điều. Nhiều câu nói của các học giả nổi tiếng, khắp nơi. Trong đó có câu nói của ông tổ ngành triết lý thần học, thời Trung Cổ, là thánh Tôma Akinô, từng có những lời quả quyết rằng: Chẳng ai có được niềm vui thực sự, trừ phi người ấy được sống trong tình yêu thương”. Cũng từ đó, tôi thấy mình đã nắm bắt được niềm vui thực sự. Hạnh phúc đích thật, mà không biết.

Chuyện triết lý thần học về cuộc sống, vỏn vẹn chỉ có thế. Nhưng, người kể vẫn không quên một lời bàn. Lời bàn từ người kể, bao giờ cũng quanh quẩn những thương yêu và ganh ghét. Yêu người thân cận. Ghét kẻ địch thù, quỷ quái. Ác tính. Là, chuyện thường tình. Và, lời bàn hôm nay, cũng na ná tựa như ca từ người nghệ sĩ, về vĩnh cửu.

Cuối cùng thì, lời bàn hôm nay và mai ngày vẫn là lời thân thương, của mọi thời:

“Nếu có gì vĩnh cửu được,

thì em ơi, đó là tình yêu chúng ta

dù mai đây trăng có úa bên thềm

Về với chủ đề ta mạn bàn, có lẽ sẽ phải nói: “dù mai đây, chính nghĩa có thắng hay bại”, hãy cứ một lòng yêu thương nhau. Bởi, điều “vĩnh cửu”, không là gì khác ngoài “tình yêu của chúng ta”. Và chính nghĩa, đâu có là gì, nếu không vì: tình thương yêu, ta vẫn có. Nồng nàn. Vĩnh cửu. Nồng nàn trong tương quan với Chúa. Vĩnh cửu, là tình thương yêu, người với người. Bất kể, người đó có là nhà độc tài. Chuyên chế. Ác độc.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn luôn tin vào

sự vĩnh cửu,

của Tình yêu.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com

No comments: