Sunday 6 September 2009

“ôi phù du”

từng tuổi xuân đã già

một ngày kia đến bờ, đời người như gió qua.”

(Trịnh Công Sơn – Phôi Pha)

(Mc 6: 31)

Phù du. Xuân đã già. Đời người. Gió đã qua. Ôi chao, là lời lẽ. Ấy đấy, là nhận định. Nhận và định, của nhiều bạn bè/người thân: về cuộc đời. Về, lập trường sống của nhà “phù thuỷ âm nhạc” họ Trịnh. Cũng chua cay, thâm trần. Phù du, u uẩn. Phù du, như đời người. Uẩn khuất, như ca từ ở nhạc bản, có nhận định về đời người, như sau:

“Thôi về đi,

đường trần đâu có gì.” (Trịnh Công Sơn - bđd)

Thôi về đi, hiểu là: “về Thiền môn, chốn Niết Bàn” như cảm nhận của người trẻ nọ khi chia sẻ tâm tình về giòng chảy ở buổi “Hát cho nhau nghe” tại Sydney hôm ấy, ngày đông lạnh tháng 6/2009:

“Theo ý của riêng em, nhạc sĩ viết bài này, từng suy tư khá nhiều, về cuộc đời. Nghệ sĩ này từng thắc mắc nhiều về chốn Thiền, nên mới dùng cụm từ “Thôi về đi”, ở nhạc bản “Phôi Pha”. “Thôi về đi”, theo em, là hãy về với chốn Thiền, tức: chốn sắc sắc không không, của nhà Phật. Về, để thấy rằng đời mình chẳng là gì cả. Mà nuối tiếc. Về với chốn Thiền, để suy tư. Nhập định. Sẽ vui hơn.”

Thôi về đi, hiểu theo ý Đạo, là tình tự của nhà ĐẠO. Tình tự, mang nặng tâm tư sâu lắng. Miên trường. Diệu hạnh. Còn có nghĩa: “về đi thôi”, hoặc: “hãy đi đi”. Đi, mà về chốn vắng, quạnh hiu. Để, nghỉ ngơi. Có nguyện cầu. Đi đi, hoặc “thôi về đi”, là về với cội nguồn Đấng Hằng Sống. Là, trọng tâm mọi phúc hạnh. Ở đó, có ủi an. Chan hoà. Vực dậy. Như Chúa vẫn bảo:

“Anh em hãy đi

đi về nơi hiu quạnh,

mà nghỉ ngơi một chút.”

(Mc 6: 31)

Về nơi hiu quạnh, hoặc với Thiền, là về với bình an. Nhẹ nhàng. Hạnh phúc. Ở đấy, không có bôn ba. La cà. Nhiều kinh động. Đi đi, mà về nơi hiu quạnh. Chốn thiên đường. Sắc sắc không không, chốn hạnh ngộ, vẫn dành để cho các con dân của Chúa, những kẻ biết chấp nhận phiền muộn. Đớn đau. Âu sầu. Thày xác quyết:

“Phúc cho kẻ có tinh thần khó nghèo,

vì Nước Trời là của họ.”

(Mt 5: 3)

Thôi về đi, là về với Nước Trời nghèo khó. Ở đời này. Và, đời sau. Muôn thuở. Về, là đến ở với “Nước Trời”, Chúa hứa ban. Với cội nguồn hạnh phúc rất thâm trầm, êm êm. Mà có lẽ, nhiều người vẫn chưa “ngộ”. Chưa đạt tới. Dù đã biết. “Thôi về đi” là đi riêng, ra về chốn ấm êm, lặng lẽ mà nghỉ ngơi. Mà nguyện cầu.

Lời Chúa, thoạt nghe, tưởng rất dễ. Nhưng, có trải qua đôi lần trong đời, mới thấy là: thực hiện chuyện đó, thật cũng khó. Khó, vì người người vẫn bận tâm quá nhiều chuyện. Những chuyện tưởng như rất cần. Cho mình. Hoặc, cho người. Nhưng thật ra, vẫn là chuyện viển vông. Tầm phào. Vô bổ.

Thực hiện điều Chúa dạy, là việc chung, của mọi người. Cùng đi chung. Cùng làm chung. Chung cùng, mà đi. Mà về. Chứ nào mấy ai “ngộ” được rằng: thực hiện điều Chúa dạy, lại là “đi riêng ra”. Từng người một. Để nguyện cầu, và nghỉ ngơi. Sống ở đời, người người đâu chịu nghỉ, và chịu ngơi. Vẫn cứ trầm mình ở chốn phồn vinh. Bon chen. Nhiều tranh đấu. Ở đó, có tiếng cười rộn rã. Nhưng không an bình. Để ngơi nghỉ. Và, nguyện cầu. Nơi đó, không thể là chốn Thiền môn, sắc sắc không không, mà “đi về”, hoặc: “về đi”.

Vì chưa đạt chốn Thiền môn, để “Thôi về đi” hoặc “hãy đi đi”, nên người nghệ sĩ vẫn hát:

“Không còn ai,

đường về ôi quá dài

những đêm xa người.” (Trịnh Công Sơn – bđd)

À thì ra. Đường về, hôm nay ôi quá dài. Dài, như những đêm xa người. Những đêm, không còn ai. Không còn tìn người. Vì, người đời nay vẫn bon chen. Đố kỵ. Đầy vị kỷ. Giống như, cô em nhỏ ở truyện kể, bên dưới:

“Truyện rằng,

Buổi quạnh hiu đêm hôm ấy, bọn tôi được mời đến nhà một người bạn mới vừa quen, nhưng chưa thân cho lắm. Chưa thân, nên vẫn ngần ngại. Ngượng ngập. Vì, gia đình mời bọn tôi đến, đang trong tình trạng khá lấn cấn, khi người con gái trong nhà tuổi chỉ 13, nhưng đã nổi chướng. Trước mặt bá quan thiên hạ, cô vẫn tỉnh bơ. Bất cần đời. Chừng như, cô không thích món “nộm rau muống” mẹ chế biến, có pha trộn nhiều mắm tôm. Mặt mày cô đỏ bừng, đầy hung tính. Nhất quyết bày tỏ một phản đối. Rồi bỏ ăn. Món nộm bỗng dưng trở thành đầu giây mối nhợ, cho xung khắc. Khó khăn. Nghịch ngạo.

Mẹ hiền hôm ấy, thấy xấu hổ với thực khách, bèn cố thuyết phục con gái nhỏ bằng quan điểm/lập trường rút từ lời khuyên của Đức Chúa: hãy chia sớt cho nhau mà ăn, đừng phí phạm. Bà nói nhỏ:

-Con à, con vứt bỏ như thế, thật phí của “giời”, mai ngày chết đi, hết về trời nghe đó con. Con biết đấy, thế giới này còn rất nhiều người vẫn thèm được ăn chỉ cọng rau con bỏ phí.

Nghe thế, cô con gái chẳng nói chẳng rằng, chạy vào nhà trong, lấy phong bì thật lớn với cây bút đậm nét, chìa ngay cho mẹ, rồi nói:

-Đây, bà muốn tôi gửi món rau thúi này cho đứa chết đói nào, thì cứ viết địa chỉ vào phong bì, tôi sẽ gửi ngay cho.

Chứng kiến cảnh tượng này, thực khách bọn tôi bèn vỡ lẽ: sống ở đời này mà có lòng hiệp thông thương nhớ người nghèo đói, thật không dễ. Nói gì đến hiệp thông chốn Thiền môn “sắc sắc không không”, mà đi về.

Hiệp thông “thôi về đi”, là chấp nhận có tương quan với mọi người. Ở Nước Trời. Chốn thiền môn thiết thực, mà nguyện cầu. Hiệp thông “thôi về đi”, là hiệp thông cùng các thánh. Nơi khung trời cửa ngỏ. Rất vắng vẻ. Quạnh hiu. Rất “sắc sắc không không”.

Và, một khi đã nhập “thiền môn”, “về với dĩ vãng”, không hẳn là đi vào với đất trời đầy quên lãng, của riêng ai. Nhưng, là: hiệp lòng làm thành Hội thánh. Ở mọi nơi. Cả trên trời. Lẫn nơi âm phủ. Chốn luyện hình. Hiệp thông “thôi đi về đi”, là có tương quan giữa người sống với kẻ chết. Bây giờ. Và, mãi mãi.

Có bạn đạo nọ, thắc mắc nhiều về hiệp thông” thôi về đi”, đã gợi nhớ một câu hỏi về cuộc đời. Về cả nỗi chết, có tẩm liệm. Có chôn cất, lẫn hoả táng. Với lời hỏi han một lời lẽ, như sau:

“Tôi xin hỏi đôi điều về lập trường của Giáo hội trong việc hoả thiêu người quá cố. Theo tôi, việc này Hội thánh đã nghiêm cấm. Nhưng tại sao, dạo gần đây, vẫn thấy nhiều vị chức sắc trong Giáo hội, khi sống vẫn rất đàng hoàng, nhưng lúc chết lại bị đưa vào lò, chịu hoả táng. Tại sao thế? Làm vậy, mai rày ta còn được hiệp thông với các thánh trên trời, nữa hay không?

Cứ sự thường, bàn chuyện hiệp thông các thánh, và giải đáp thắc mắc về thần học/Thánh kinh, người Sydney thường gửi câu hỏi về đấng bậc vị vọng của báo tuần ở nơi đây. Và, đức thày John Flader lại được vời đến, để giải quyết. Chuyện ở trên:

“Xin bắt đầu bằng đôi giòng lịch sử giáo hội có liên quan đến người quá vãng.

Về với Thánh kinh Cựu Uớc, rõ ràng: người Do Thái xưa có thói quen chôn cất người quá cố (xem Khởi nguyên 49: 28-32). Chôn người chết, là thói quen thông thường của người xưa, trong đó: là người Ai Cập với tục ướp xác, người Phênixia, Các-ta-gi-a, Babylôn, Trung Hoa, vv. với nhiều tập tục khác.

Người Hy Lạp/La Mã thường chôn người thân của mình, đã quá vãng. Đôi khi, họ còn bỏ thức ăn vào trong mộ phần, nữa. Vì họ tin, là: sau khi qua đời, người quá cố vẫn tiếp tục sống như khi còn ở đời tạm.

Nhiều người tin, là: thân nhân dù quá vãng, vẫn hiện diện bằng tinh thần hoặc tính thiêng liêng, cả sau khi chết. Nên, thực hiện việc hoả táng là để mau đến với người quá cố, ngay tại phần đất thiêng. Ở bên đó.

Tín hữu Công giáo tiên khởi, có thói quen chôn người quá cố, như tập tục của tiền nhân Do Thái. Chính vì thế, đôi lúc họ liều mạng quyết dành lấy thi hài các thánh tử đạo, đem về chôn cất theo tập tục người Công giáo.

Tín hữu Công giáo tin rằng thân xác mình là đền thờ Chúa Thánh Thần. Và, tin sự sống lại, ngày sau hết. Nên, mới tỏ bày kính trọng thân xác, người quá cố. Trong khi đó, hoả táng được coi là tập tục của người ngoại. Như thế, chối bỏ tín lý phục sinh. Đến thế kỷ thứ 5, Đạo Chúa được thiết lập cách vững chãi, tục hoả táng mới chấm dứt. Dứt điểm, cùng với Đế quốc La Mã, lúc bấy giờ.

Cuối thế kỷ 19, người theo bè Tam Điểm, chuyên nghịch chống niềm tin của người Đạo Chúa. Họ thành công trong việc biến tập tục hoả táng thi hài người quá cố thành việc rất hợp-pháp. Luật này được một số chính quyền Châu Ây áp dụng, như Ý, từ 1873. Và, những người này cũng thành công trong việc thiết lập các tổ chức/nhóm hội dành cho mục đích này, toàn Châu Âu.

Do bởi hành vi chống Đạo giáo của các nhóm này, Toà Thánh (ngày nay là Thánh Bộ Đức Tin) đã đưa ra quyết định năm 1866: nghiêm cấm con dân Đạo Chúa tham gia tục hoả táng xác người do nhóm nói trên thực hiện làm trước. Toà thánh cấm không cho người Đạo Chúa được phép thiêu xác thân nhân mình, hoặc thân xác của bất cứ một ai.

Việc nghiêm cấm vẫn hiệu lực mãi đến năm 1963, lúc ấy mới có văn thư Thánh Bộ cho phép thực hiện hoả táng, trong một vài hoàn cảnh đặc biệt. Miễn là, lý do chọn hoả táng không đi ngược niềm tin của người đi Đạo. Tuy nhiên, Giáo hội vẫn chọn tập tục chôn cất, và khuyên con cái mình nghiêng theo tục này.

Năm 1969, nghi-thức lễ-tang Đạo Chúa tái xét việc hoả táng và đã ra thông cáo cho phép như sau:“Giáo hội cho phép thực hiện tang-lễ cho những ai chọn hoả táng, ngoại trừ trường hợp có bằng chứng cho thấy chọn như thế là do động cơ nghịch phản Đạo Chúa. Tang lễ phải cử hành theo cung cách sao đó, cho thấy Hội thánh vẫn muốn con dân mình chọn lựa chôn cất người chết. Ngõ hầu ngăn ngừa nguy cơ gây tai tiếng, làm cớ vấp phạm cho người đi Đạo.”(x. #15, sđd)

Luật Hội thánh năm 1983, phản ảnh chủ trương này, bằng một điều khoản trong đó có nói: “Hội thánh nghiêm túc đề nghị ta chôn cất người chết sao cho sốt sắng/nghiêm trang. Nhưng, nói thế không có nghĩa là Hội thánh ngăn cấm hoả táng. Hội thánh chỉ cấm, khi nhà hiếu chọn hoả táng là để phản chống lại giáo huấn của Hội thánh về việc này, thôi.” (Giáo luật #1176,*3)

Sách “Nghi lễ An táng người đi Đạo” sử dụng từ năm 1989, có đưa lý lẽ cho thấy tại sao ta chọn lựa chôn cất người quá cố, như sau: “Khi thanh tẩy, thân xác của tín hữu được đánh dấu bằng ấn chỉ của Chúa Ba Ngôi. Và như thế, thân mình của ta đã trở thành đền thờ của Chúa Thánh Thần rồi. Vì thế nên, tín hữu Đức Kitô vẫn tôn trọng và cung kính thân xác người quá cố. Chính vì lẽ này, ta chôn cất thi hài của các ngài để các ngài an giấc ngàn thu.” (#19)

Xem thế, hoả táng người chết đã trở thành công việc thường làm. Một trong các lý do nhiều gia đình chọn hoả táng hơn chôn cất, vì chi phí nhẹ. Lại tiện lợi. Và, trong một số trường hợp khác, người thân của mình chết ở vùng sâu, vùng xa. Nơi có sẵn nghĩa trang. Hoặc, chết ở vùng hiếm hoi đất để chôn, những nơi hiểm trở, vv.

Cả vào trường hợp hoả táng, hài cốt người quá cố phải được lưu giữ nơi lăng tẩm, hoặc vòm mộ đặc biệt; hoặc cất giữ cẩn thận trong khu lưu giữ xương cốt người quá cố, gọi là tháp giữ cốt. Ngày nay, nhiều nghĩa trang cũng có khu cất giữ như thế.

Nhiều nơi, còn có tục rải cốt người quá cố ngoài khơi, trên sông nước, hoặc dưới lòng đất. Có nơi, còn cất giữ trên bàn thờ tiên tổ của người thân, hoặc của bầu bạn rất gần. Tục này, tuy thế, cũng không được khuyến khích, nhiều cho lắm. (x. The Catholic Weekly 26/7/2009 tr. 10)

Đó là ý kiến rất chính mạch, của nhà Đạo. Về những người đã “về đi”. Về với chốn thiền môn/vĩnh hằng, bằng xương bằng thịt. Về đi, để “một ngày kia đến bến bờ”. Dù bờ ấy, có là biển khơi. Là, lòng đất hay hũ đựng xương cốt, ở bàn thờ tiên tổ. Hoặc, “về nơi cuối trời”. “Làm mây trôi”. Với “những ai xa đời quay về lại”. “bàn chân rất nhẹ”, “tựa hồn những năm xưa.”

Tóm lại, làm gì thì cũng vẫn là về đi. Và đi về. Về, nơi hiu quạnh. Đi riêng, chốn quạnh hiu. Mà, nghỉ ngơi. Nguyện cầu. Có Chúa. Ở chốn ấy, nơi đây, nay còn những giòng chảy nhè nhẹ. Thanh thanh. Để minh hoạ, như:

“Hai vợ chồng dắt nhau đi gặp bác sĩ, để xét nghiệm. Nhiều thứ chuyện. Sau khi nghe-đo nhịp mạch và hơi thở, của đức ông chồng, bác sĩ mời người vợ ngồi lại để nói chuyện riêng, nghiêng về cố vấn. Hầu giúp chồng. Bác sĩ bảo:

-Chồng chị đang bị một chứng nan y, rất khó chữa. Lại thêm nhiều căng thẳng, khó tránh được màn kết cục, thật u uất. Sầu hận. Đơn giản, thì thế này: nếu bà không nghe lời tôi đề nghị, mà thực hiện nhiều điều lành phúc đức, mà tôi liệt kê ngay nơi đây, thì tôi e rằng ông nhà sẽ “về một cõi, rất nhanh”. Cõi ấy, người đời gọi là chốn Niết Bàn, những sắc sắc không không, đấy!”.

-Nếu tôi thoả thuận lời đề nghị, thì bác sĩ khuyên tôi phải làm những gì để cứu ỗng?

-Dễ lắm. Mỗi sáng, bà chỉ việc lo dọn bữa sáng cho tươm tất, một chút. Cứ để ông ấy từ từ, nhẩn nha mà thưởng thức những món tuyệt vời, bà làm. Trong lúc ông ăn, bà cứ ở gần xem ông cần gì thêm. Tuyệt đối, đừng hối thúc ông ăn cho nhanh, hoặc cằn nhằn ông về các tật xấu, vào lúc ăn. Nghĩa là, để cho vui cửa vui nhà, ấy mà! Trưa đến, dọn cho ỗng một bữa thật nhiều chất đạm, bổ dưỡng. Tối về, cứ nhẹ nhàng mời chàng vào bàn gồm yến tiệc, thật đặc biệt. Trong ngày, đừng bắt ông làm lao động gì hết. Dù chỉ vài việc lặt vặt trong nhà. Bởi lâu nay, ông vẫn bị căng thẳng, quá sức chịu đựng. Nhất là, đừng kể cho ông nghe những chuyện bực bội bà gặp với ai đó, dù là chuyện bồ bịch. Mèo chuột. Bởi tất cả, đều là chuyện đã qua. Làm thế, chỉ tạo thêm căng thẳng, ức chế. Nếu bà làm việc này, từ nay đến khoảng chừng 10 tháng nữa, tôi cam đoan là ông nhà sẽ hết bệnh, và hoàn toàn hồi phục. Không có gì phải lo âu.

Trên đường về, lão ông cứ thắc mắc, không biết bà nhà nói gì với bác sĩ mà lâu thế. Ông lấy hết sức bình sinh, liều hỏi:

-Lúc nãy bác sĩ nói gì với em, mà sao lâu thế?

-Có gì đâu. Ỗng nói là: Anh sắp hát bài của Trịnh Công Sơn: trong đó có câu “Thôi về đi! Đường trần đâu có gì”, tức là: anh sắp về cõi tiên, có Phật có Chúa. Đầy đủ! Khiếp! ai mà hầu cha nội, được. Sống thế, đủ rồi.

Quả là, Chúa bảo “Hãy đi đi, về chốn quạnh hiu mà ngơi nghỉ”. Phật có nhờ người nghệ sĩ nhắn hát “thôi về đi! đường trần đâu có gì” thì cũng ít ai chịu bỏ rời chốn bụi trần, nhiều vương vấn. Để, “đi đi”. Hay, “về đi”, mà nghỉ ngơi, nguyện cầu. Có chăng, cũng chỉ đi trong chốc lát. Về, trong giai đoạn, thôi.

Lời cuối hôm nay, xin gửi đến bạn và đến tôi, là lời nhắc nhở hôm nào, từ Đức Chúa:

“Hỡi những ai đang vất vả

lao đao, vác nặng,

hãy đến cùng Tôi,

Tôi sẽ cho nghỉ ngơi, bồi dưỡng.

Hãy mang lấy ách của tôi,

và hãy học nơi Tôi,

vì Tôi hiền hậu

và khiêm nhu.

Tâm hồn anh em

sẽ được nghỉ ngơi

bồi dưỡng.”

(Mt 11: 28-29)

Nghỉ ngơi. Bồi dưỡng. Cùng Chúa. Trong Chúa. Là, tất cả những gì bạn và tôi, ta cần đến. Ở đây. Bây giờ.

Trần ngọc Mười Hai,

suy nghĩ rất lung

ngày bậc cha/bác đi về

chốn nghỉ ngơi.

Có Chúa.

Có tiên tổ.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com )

No comments: