Sunday, 13 September 2009

“Nếu một mai khi hòa bình”

Anh sẽ dìu em qua lối xưa Cho từng ngón tay đan lại”

(Trần Thiện Thanh – Lời Cho Người Yêu Nhỏ)

(Ga 16: 13/1Cr 6: 19)

Nếu phải chờ đến một mai, khi hoà bình, anh mới có “Lời Cho Người Yêu Nhỏ”. Chậm quá chăng? Nhiều bạn, nhiều người như tôi, vẫn cứ bảo rằng đã có và hiện có những Lời nói ấy cho người yêu lớn/nhỏ, vào mọi thời. Ngàn năm trước. Triệu năm sau. Lời cho người yêu lớn/nhỏ, ý hẳn là Lời Yêu Đương. Của Đức Chúa. Tình Yêu. Tình giữa Cha và Con, như các đấng bậc đang làm. Hôm nay.

Việc các-đấng-bậc-đang-làm, bần đạo nhớ có lần sang Mỹ, được nghe người anh cùng trường, dõng dạc tuyên bố: anh từng về quê, đặt tay lên đầu/trán người-dân-đi-Đạo ở Tây nguyên, làm “té/ngã” cả trăm người. Bần đạo lúc ấy, chẳng hiểu mô tê/ất giáp gì là “té” với “ngã” khi bị người anh “rờ trán”, có ấm không. Nhưng nghĩ là, mỗi khi Thần Khí đến với ai, chắc cũng có cảnh ngã/té, trong tâm hồn!

Dù gì nữa, bần đạo nay dám mời bạn, mời tôi, ta bước vào vùng Kinh Sách xem chương đoạn nào nói chuyện té/ngã, khi Thần Khí đến với ta? Trước nhất, một chương đoạn chính mạch:

“Đó là Thần Khí sự thật,

Đấng mà thế gian không thể đón nhận,

vì thế gian không thấy

và cũng chẳng biết Người.

Còn anh em biết Người,

vì Người luôn ở giữa và trong anh em.”

(Ga 14: 17)

Và,

“Khi Thần Khí sự thật đến,

Người dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn.

Người sẽ không tự mình nói điều gì,

nhưng tất cả những gì Người nghe,

Người sẽ nói lại,

và loan báo cho anh em biết

những điều sẽ xảy đến.”

(Ga 16: 13)

Nghe Lời Thật, chắc mọi tâm hồn đều sẽ sáng ra. Sáng, như thánh Phaolô từng quả quyết:

“Hay anh em lại chẳng biết rằng

thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao?

Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em

là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em.

Như thế, anh em đâu còn thuộc về mình nữa.”

(1Cr 16: 19)

Xem thế thì, chuyện “té/ ngã” chẳng có gì là quan trọng. Vì một khi, thân xác đã được sáng, thì mình lại càng phải làm cho sáng hơn sự thật ấy, với mọi người. Như đấng bậc nọ ở Sydney từng đề cập trong Lễ Ngũ Tuần năm 2009, với lời hỏi/đáp rất như sau:

“Tôi có vài bạn được ơn thần hứng, dấy tràn ơn Chúa Thánh Thần. Các vị này được nói “tiếng lạ”, lại tham gia các buổi chữa lành, nhiều tật bệnh. Xin hỏi: tôi cần phải làm gì thêm, để có được tương quan đậm sâu với Thánh Thần Chúa, mà chẳng cần yếu tố “thần hứng”/”nói tiếng lạ”, đặc biệt như thế?

Không như người nghệ sĩ, thường chỉ hát:

“Dù mưa qua, vùng giá rét

trời xanh trong, lòng đôi ta

mình yêu nhau, như khi vừa mới biết, nghe em!” (Trần Thiện Thanh – bđd),

đấng bậc mình, cũng đã trả lời ngắn và gọn, như sau:

“Khi Chúa Thánh Thần chứng tỏ sự hiện diện và sức mạnh quyền uy của Ngài bằng nhiều phương cách phi thường, bắt đầu bằng Lễ Hiện Xuống và còn tiếp tục cho đến hôm nay, thì mọi tín hữu chúng ta đều có thể và phải có tương quan mật thiết với Ngôi Ba Thiên Chúa.

Hãy để tôi thêm đôi lời giải thích, theo cách nào khác, rằng ta làm được việc này, nhờ dựa trên các vai trò khác nhau của Chúa Thánh Thần, được nhắc đến trong Kinh Thánh.

Vào Buổi Tạ Từ, Chúa nói: Thánh Thần Chúa sẽ “ở với anh em mọi ngày, và mãi mãi”, và: “Ngài luôn ở giữa, và ở trong anh em.” (Ga 14: 17). Đồng thời, thánh Phaolô cũng viết cho giáo đoàn Côrinthô, trong đó nói: “thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần ngự giữa anh em” (1Cr 6: 19)

Việc này mở ra một triển vọng về đời sống tâm linh cho chúng ta. Ta có được phẩm cách làm đền thờ Chúa Thánh Thần đến ngự vào lòng mình. Vì thế, ta có khả năng tiếp cận, chuyện vãn với Thánh Thần Chúa, không phải “ngoài kia”, mà “ở đây”. Bây giờ. Ngài là “Vị Khách ngọt ngào thân mật cho tâm hồn”.

Nhận thức về phẩm cách này thôi thúc ta chiến đấu hăng say, chống phạm lỗi, chí ít là những lỗi phạm đối với thân xác, của chính ta. Chính trong bối cảnh ngôn ngữ ấy, mà thánh Phaolô minh định thêm rằng ta là đền thờ của Chúa Thánh Thần. Và thánh nhân kết luận: “Anh em không còn thuộc về mình nữa. Nhưng đã được mua chuộc, bằng giá cả hẳn hòi. Vậy, hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân mình anh em.” (1 Cr 6: 19-20)

Hơn nữa, vào Buổi Tạ Từ, Đức Giêsu nói về Chúa Thánh Thần rằng Ngài là “Thần Khí Sự thật”, Đấng dẫn đưa ta tới sự thật hoàn toàn (Ga 16: 13). Điều này áp dụng vào đời sống người Kitô hữu, rất nhiều.

Những ai từng học hỏi bằng nhiều cách, dù cách trần tục hoặc tâm linh, đều có thể kêu cầu Chúa Thánh Thần dẫn đưa mình về với sự thật. Cho bất cứ bộ môn nào mình học hỏi. Hoặc nghiên cứu.

Cũng thế, nếu ai thấy khó nắm bắt sự thật về bất cứ vấn đề riêng tư, đặc biệt nào đều có thể kêu cầu Chúa Thánh Thần soi sáng, chỉ dẫn. Và vị nào đang hướng dẫn/dỗ dạy một ai, cũng có thể xin Chúa Thánh thần dẫn dắt mình và những người mình dạy dỗ, đi vào sự thật, cần có.

Thánh Phaolô cũng viết cho giáo đoàn Rôma nói rằng: Chúa Thánh Thần luôn dẫn nhập nơi ta tính sâu sắc của phận làm con Thiên Chúa. Sâu sắc, không chỉ về tính cách của thọ tạo mà thôi, nhưng đặc biệt ở nơi con cái Chúa, Đấng là Cha của mình:

“Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: "Áp-ba! Cha ơi!" Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa.”(Rm 8: 14-16).

Cả vào khi ta gặp rắc rối, hoặc té/ngã, hiểu theo cách nào đó, Thiên Chúa vẫn không ở xa. Ta vẫn có thể cầu Chúa Thánh Thần giúp ta kêu thành tiếng “Abba! Cha ơi!” , và nhớ rằng Thiên Chúa không ở đâu đó, tránh xa ta. Ngài là Cha luôn thương yêu ta nên đã gửi Con Một Ngài xuống chết cho ta. Tất cả chúng ta đích thực là con Ngài.

Trong thư gửi giáo đoàn Rôma, thánh Phaolô cũng viết:

“Hơn nữa, có Thần Khí giúp cho ta là những kẻ yếu hèn, vì ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho ta, bằng tiếng rên khôn tả. Và Thiên Chúa thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh, theo đúng ý Thiên Chúa.” (Rm 8: 26-27)

Có thể, nhiều lúc ta thấy khó lòng mà nguyện cầu, vì không biết phải ăn làm sao nói làm sao; hoặc, khô khan nguội lạnh. Chính đó là lúc ta đến với Thánh Thần xin Ngài can thiệp cầu bàu cho ta, để rồi Thiên Chúa là Cha biết rõ những gì đang xảy đến trong tâm can.

Bao giờ cũng thế, Thánh Thần Chúa là Tình Yêu giữa Cha và Con, và “Nhờ có thế, ta sẽ không thất vọng. Bởi, Thiên Chúa đã đổ tình yêu tràn đầy của Người cho ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5: 5), chúng ta được kêu gọi trở nên thánh thiện , tràn đầy tình thương, nhưng nhiều lúc ta vẫn chỉ muốn làm mỗi bổn phận, như: đi lễ đều đặn ngày của Chúa, thôi. Vậy, cũng nên xin Chúa Thánh Thần như ta vẫn thường cầu, bằng lời kinh: “Cầu xin Chúa Thánh Thần, Người luôn thăm viếng hồn con, thêm sức cho con tình yêu chan chứa..” như thế, để cuộc sống tâm linh của ta sẽ phản ánh mối tình ta có đối với Chúa. Với đồng loại.

Cuối cùng, tựa như Chúa Thánh Thần đã ngự đến với các thánh tông đồ vào ngày Lễ Ngũ Tuần và nhờ Ngài đã biến đổi ta trở thành các nhà truyền giảng hăng say, thiện chí cho Chúa Phục Sinh. Nhờ Ngài, ta có thể nguyện cầu Chúa Thánh Thần đổ đầy nơi ta, lòng hăng say sốt mến, quyết đưa dẫn mọi người về với Đức Kitô. Và như thế, ta có thể yêu cầu Ngài ban cho ta được đặc ân “nói tiếng lạ”, không phải bằng thứ ngôn ngữ ít ai hiểu biết, mà bằng phương cách nào khả dĩ đến với tâm hồn và thần linh của bạn bè. Chúng ta.”

(Lm John Flader, The Catholic Weekly, 31/5/2009, tr.10)

Đọc đến đây, hẳn bạn và tôi, ta cũng đã an tâm mãn nguyện phần nào về ngôn từ mà các người anh người chị hiện vẫn sử dụng, như “té/ngã”, “nói tiếng lạ”. Rất cảm thông. Cảm và thông, như nghệ sĩ ở trên, lại hát thêm một lần nữa:

“Nếu một mai khi hoà bình,

anh có trở về như em khát khao

cho lệ mắt em thôi đong đầy..” (Trần Thiện Thanh – bđd)

Lệ mắt ấy, là những giọt đong đầy, nhiều u uất. Lệ mắt nay, sẽ là:

“Đêm hoả châu sáng nhớ thương trên tuyến đầu,

Nơi cuối trời em thắp vì sao…” (Trần Thiện Thanh – bđd)

Đã đành là, tuyến đầu nơi ấy, có hoả châu. Cuối trời nay, đầy tràn những vì sao. Sao yêu thương. Sao nguyện cầu. Cho em thắp. Để anh yêu. Yêu và thắp lên những vì sao an vui như tình của Cha-Con. Rất Thánh Thần. Tình ấy, nay dẫy đầy, nơi mọi người. Cả người ở ngoài nhà Đạo, của chúng ta. Tình hiện rõ, như lời khẳng định bên dưới, để minh họa:

“Nếu không có Tình Yêu,

bổn phận khiến người ta dễ nóng giận.

Nếu không có Tình Yêu,

Trách nhiệm đẩy còn người đến chỗ bất nhã.

Nếu không có Tình Yêu,

Sự thật biến con người thành kẻ ưa soi mói.

Nếu không có Tình Yêu,

Sự khôn ngoan dẫn bạn tới chỗ láu cá.

Nếu không có Tình Yêu,

đon đả biến con người thành giả trá.

Nếu không có Tình Yêu,

Sự am hiểu đẩy bạn thành kẻ cố chấp.

Nếu không có Tình Yêu,

Quyền lực khiến ta trở thành kẻ áp bức.

Nếu không có Tình Yêu,

tiếng tăm làm ta trở thành người cao ngạo.

Nếu không có Tình Yêu,

Của cải làm bạn nên tham lam.

Nếu không có Tình Yêu,

Lòng tin biến ta thành kẻ cuồng tín.

Nếu không có Tình Yêu,

trên đời này bạn và tôi, mình cũng chẳng là gì cả!!!

Nói cho đúng, nếu thay cụm từ “Tình Yêu”, bằng “Thánh Thần Chúa”, thì bạn và tôi, tất cả chúng mình sẽ hiểu thế nào là ơn “té/ngã”. Nói tiếng lạ. Trong đời. Với người người.

Trần Ngọc Mười Hai

thôi không còn thắc mắc

những “té/ngã” và “nói tiếng lạ”

Vì đã hiểu.

Và cảm thông.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com )

No comments: