Sunday 26 July 2009

“Ta gặp nhau, yêu chẳng hạn kỳ”

Mây ngàn gió núi đọng trên mi Áo bay, mở khép niềm tâm sự Hò hẹn lâu rồi - em nói đi (Đinh Hùng & Phạm Đình Chương – Mộng dưới hoa)

(Mt 11: 15)

Vừa gặp nhau, sao cứ bảo “yêu chẳng hạn kỳ”. Yêu nhau rồi, sao vẫn còn “mở khép niềm tâm sự”. Những hẹn hò. Mãi từ lâu. Phải chăng, ấy đó là chơi trò yêu đương/giận hờn, của người đương yêu, mà không biết?

Yêu đương hay đương yêu, vẫn là chuyện dài nhiều tập. Suốt mọi thời. Ở khắp chốn. Chí ít, là chốn dân gian mộng mơ. Có thơ văn. Âm nhạc. Của người yêu đâu đó quanh ta. Cả nhà Đạo.

Yêu đương chuyện nhà Đạo, tựa việc mặt trời chiếu sáng, ban mai. Rất dài dài. Bởi, nhà Đạo là Nước Trời ở trần gian. Ở đây, dân con Đạo Chúa, vẫn yêu thương nhau da diết. Mật thiết. Có khi, quá da diết đến độ “trì chiết”, dễ ngộ nhận. Cứ, tranh tụng và chấp nê nhau từng hành vi. Câu nói.

Có lẽ vì thế, mà nghệ sĩ thơ văn/âm nhạc, lại cũng nói:

“Chưa gặp em, tôi vẫn nghĩ rằng:

có nàng thiếu nữ, đẹp như trăng.

Mắt xanh, là bóng dừa hoang dại,

âu yếm nhìn tôi, không nói năng.” (Đinh Hùng & Phạm Đình Chương – bđd)

Đúng thế, “ta gặp nhau, yêu chẳng hạn kỳ”. Yêu nhau, như Thầy từng. căn dặn. Yêu, tốt nhất và hay nhất là: cứ mải “nhìn nhau, không nói năng”. Bởi, ở đâu cũng thế. Hễ, cứ nói năng, lăng nhăng nói “trại”, thể nào cũng có lúc ta sơ hở. Kể cũng lạ, Hoá Công tạo nên ta chỉ một miệng, một lưỡi, những hai tai. Mà sao, ai cũng thích nói, chẳng buồn nghe. Nói nhiều hơn nghe, sẽ có ngày ta nói nhịu. Nói bậy. Tức, nói ngược nói ngạo, vượt phạm vi chức năng/thiên chức, người được nói.

Nói gần nói xa, chẳng qua nói thật, dân con nhà Đạo, ta nghe Chúa nói rất nhiều điều, nhưng chưa hiểu. Điều Chúa nói, vỏn vẹn chỉ bây nhiêu:

“Ai có tai thì nghe.”

(Mt 11: 15/13: 9/Lc 8: 8)

Là, môn đệ theo chân Chúa truyền rao Tin mừng, bằng lời nói cụ thể, cụ sáu/thày cả, phải là những người thực hiện điều Chúa dạy, hơn ai hết. Nhưng, nhiều cụ quá bận rộn với “việc của Chúa” (chứ không phải việc chùa), lại hay dính đôi chút chuyện trần gian, nên quên lãng. Vì quên, nên có đức thày cứ trộm nghĩ mình là mục tử, hẳn đương nhiên có thêm chức năng của vị chủ chăn, là đấng bậc ở trên trông nom các mục tử trong giáo phận. Nên, có mục tử tự phát kỹ năng riêng biệt mà Hội thánh chưa kịp ban, cho mình.

Có đức thày, lại đã phóng tay có câu phán rất ư là “Chủ chăn” trước cộng đoàn giáo xứ, mà bần đạo tình cờ được đọc, như:

    “Căn cứ vào thời gian xảy ra sự việc…, căn cứ vào biên bản cuộc họp các ban ngành…, căn cứ vào lời kêu gọi ăn năn sám hối của Cha quản xứ và những người khôn ngoan đạo đức có uy tín trong Giáo xứ. Xét theo thời gian gia ân, nhưng thương ôi, các tội nhân không vâng lời chịu ăn năn sám hối , để được tha thứ …, Với chức vụ và quyền hạn của linh mục quản xứ, nay tôi quyết định ba điều sau:

Điều một: Cắt đứt mọi quyền lợi và loại khỏi giáo xứ, đối với những người sau đây: ô/bà A,B,C;

Điều hai:Tạm dừng mọi chức vụ và những người chưa… giám định trong Giáo hội;

    Điều ba: Mọi tín hữu trong giáo xứ …., không ai được giao lưu với những người trên, kể cả chết không được đưa tang, đám cưới không được tham dự;

    Điều bốn: Quyết này có hiệu lực VÀO ngày ký.

    Ngày… tháng… năm 2009.

    Lm …, quản xứ XYZ

    Đức thày còn thêm lời giải thích, rất như sau:

    ‘Từ ngày hôm nay trở đi, tôi và giáo xứ không có trách nhiệm gì đối với các người này, COI NHƯ QUÝ VỊ ĐÃ CHẾT TRONG ĐỨC TIN, CHẾT VỚI CHÚA NHƯNG QUÝ VỊ KHÔNG ĐƯỢC SỐNG LẠI VÀ CHẾT CHO RỒI.” (Trích điện thư 7/09, gửi từ quê nhà Hội thánh Chúa)

Đọc phán quyết của vị mục tử/tử mục chuyên chăn dắt đàn chiên nhỏ ở giáo xứ, bần đạo tưởng mình đang lội ngược giòng lịch sử, bơi về thời trước. Lội và xem, nhưng chẳng dám có lời thanh minh hay góp ý gì hết, chỉ biết ngân nga, ba câu thơ thẩn một lời hát. Hát rằng:

“Ôi, hoa kề vai, hương ngát mái đầu

đêm nào, nghe bước mộng trôi mau.

Gió ơi, gửi gió lời tâm niệm,

Và, nguyện muôn chiều, ta có nhau.” (Đinh Hùng & Phạm Đình Chương – bđd)

Ngâm nga xong, rồi lại mộng ước. Ước nguyện muôn chiều, ta có nhau. Có nhau, trong Nước Trời, Nhà Đạo. Có nhau, ngày của Chúa. Chốn cầu kinh. Như Ngài dặn:

    “Ở đâu có hai ba người họp lại

nhân danh Thầy,

thì có Thầy ở đấy,

giữa họ."

(Mt 18: 20)

Bần đạo trộm nghĩ, hội họp ở nhà thờ/nhà xứ để gọi là kính Chúa với cầu kinh, mà lại không để cho người khác cùng tham gia -dù người ấy có sai sót/quấy quậy điều gì đi chăng nữa- hẳn, cũng là chuyện không phải. Thiếu sót. Đó là, chưa nói về chuyện đức thày mục tử, sử dụng quyền hành-xử với bổn đạo dưới trướng, có phù hợp với chức năng rất thánh, của mình hay không.

Về chức năng/quyền hạn, đức thày làm chủ giáo xứ có tương đương ngang bằng hạn quyền của vị “chủ chăn” giáo phận hay không. Thậm chí, các vị chủ chăn có quyền vô ngộ, không sai sót như Đức Giáo Hoàng, không? Bần đạo còn nhớ lại câu hỏi của độc giả nọ, cũng đại loại như thế. Hỏi, và bảo rằng:

    “Con nhớ có lần đã từng đọc được ở đâu đó, hoặc nghe có người bảo: trong chừng mực nào đó, Đức Giám Mục địa phận có quyền phán quyết cũng “vô ngộ”, tức không sai sót, như Đức Giáo Hoàng. Điều đó, có đúng không? Nếu đúng, thì đúng trường điều kiện nào? Và vai trò của Giám mục và/hoặc Tổng giám mục khi ấy, sẽ ra sao?”

Thắc mắc/gạn hỏi, có lẽ được gửi từ một độc giả khá chuyên chăm -bởi có chuyên chăm cho lắm, mới bận tâm như thế. Và, nơi tiếp nhận thắc mắc/gạn hỏi, vẫn là đức thày rất chăm và rất chuyên về giải đáp, tức đức thày John Flader, rất linh mục, ở Sydney, như sau:

    “Có hai chuyện cần làm sáng tỏ. Trước hết, quả quyết ở câu hỏi đầu rất đúng. Đúng, không ở điều bảo rằng: mỗi giám mục, trên cương vị và tư thế của mình, đều vô ngộ. Dĩ nhiên, không phải thế. Lịch sử Hội thánh, dẫy đầy những trường hợp các giám mục đi chệch đường, có khi các ngài giảng giải cho mọi người tin, rặt những điều sai trái ấy. Nhưng giám mục, cùng với Đức Giáo Hoàng, nhìn tổng thể, cũng mang tính “vô ngộ”, ở một số hoàn cảnh.

    Công Đồng Vatican II, trong Hiến Chế “Lumen Gentium (Ánh Sáng Muôn Dân)”, đã có phán quyết như sau:”Dù các giám mục, đứng riêng rẽ, không hưởng đặc quyền vô ngộ được. Tuy nhiên, các ngài vẫn có được đặc tính ấy khi tuyên bố tính vô ngộ trong giáo lý của Đức Kitô, theo các điều kiện sau đây: cụ thể là, khi dù tản mác nhiều nơi trên thế giới, nhưng vẫn duy trì sự hiệp thông với nhau giữa các ngài và với Đức Giáo Hoàng, trong cung cách giảng dạy về những điều có liên quan đến đức tin và luân lý, các ngài đồng thuận rằng có điều được giảng dạy riêng biệt phải được coi là rạch ròi, tuyệt đối. Rõ hơn nữa, là trường hợp khi các ngài tụ tập trong hội đồng đại kết, thì các ngài đều là các bậc giảng dạy hoặc đấng bậc phân xử, cho Hội thánh toàn cầu, về các vấn đề có liên quan đến giáo điều và luân lý; và, quyết định của các ngài phải được đính kết có sự thuận thảo trung kiên tuân phục, về đức tin.” (Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, số 25).

Đấng chủ quản cả giáo phận, mà còn phải hợp lòng hợp ý với Đức Giáo Chủ/Giáo Tông, mỗi khi phán quyết điều gì. Chí ít, là quyết phán “vạ tuyệt thông”, với giáo dân. Chứ đâu đứng trước mặt bá quan giáo họ, mà căn cư vào cái-gọi-là “biên bản buổi hội họp của ban hành-giáo, hay hành (hạ) người Công giáo, để tuyên sấm, gây sấm sét.

Chẳng thế mà, nhà thơ cùng người nghệ sĩ âm nhạc, cứ dệt mộng “dưới hoa” với lời ca:

“Bước khẽ, cho lòng (anh) nói nhỏ

bao nhiêu mộng ước phù du;

ta xây thành mộng nghìn thu,

núi biếc, sông dài ghi nhớ.” (Đinh Hùng & Phạm Đình Chương –bđd, lời 2)

Vốn dĩ xây mộng nghìn thu, cho Nước Trời ở trần gian, người đi Đạo ở vùng sâu vùng xa, vẫn bị hành và hạ như trên, hẳn sẽ hát thêm:

“Tôi cùng em, mơ những chốn nào

Ước nguyện chung giấc mộng trăng sao..” (Đinh Hùng & Phạm Đình Chương – bđd)

Mơ những chốn nào, để đi đến. Hoặc, chung giấc mộng trăng sao, có thể là ước nguyện của các vị thấp cổ bé miệng ở đâu đó, nay quyết chí. Quyết, tìm hiểu chức năng/vai trò của đấng bậc, như người nước ngoài dám công khai hỏi, như lời ghi trên báo, ở trên. Và, “đức thày” nhẹ nhàng trả lời:

    “Chức thánh Giám mục (cũng như linh mục và phó tế) qua đó, vị thừa tác đến để san sẻ công cuộc thừa tác với Đức Kitô, theo cung cách đặc biệt. Chức thánh, được định nghĩa như nhiệm tích được ban cho vị nào đó, có ơn Chúa Thánh Thần kèm theo, cốt để giúp vị ấy thực hiện cách xứng đáng và có hiệu lực các vai trò thánh thiêng như: chức phó tế, linh mục, hoặc giám mục.

    Giám mục là chức lớn nhất trong ba chức thánh, vừa kể. Như thế, vị giám mục trở thành người kế vị các thánh Tông đồ và là thành viên của Giám mục đoàn, có trọng trách không chỉ trong giáo phận hoặc công cuộc thừa tác mình nhận lãnh, với toàn thể Giáo hội hoàn vũ.

    Khi được tấn phong, các giám mục có trọng trách giúp Đức Thánh Cha trong việc quản cai toàn thể Giáo hội hoàn vũ. Các ngài còn lĩnh nhận quyền uy để tấn phong cho các phó tế, linh mục và các giám mục khác. Và các đức giám mục còn được quyền ban phép Thêm sức như một thừa tác viên bình thường.

    Các giám mục, có thể phục vụ tại địa phương, ở giáo phận mình với tư cách Chủ chăn một giáo phận, hoặc là phụ tá, chuyên phụ giúp đức giám mục sở quản. Giám mục nào được Đức Thánh Cha ban cho quyền kế vị đức giám mục chủ quản của giáo phận, thì khi vị này rời chức vụ, thì giám mục phụ giúp kia được gọi là Giám mục phó. Nhưng vai trò của Giám mục phó, vẫn như các giám mục phụ tá, mà thôi.

    Ở một số quốc gia, vì tầm quan trọng của giáo phận nào đó ở trong nước, các giám mục được cất nhắc gọi là Tổng Giám mục, nhưng quyền hạn và chức vụ vẫn không hơn các giám mục ở các giáo phận khác. Ví dụ, như ở Việt Nam, có các Tổng giáo phận Hà Nội, Huế và Sàigòn.

    Một số Tổng giáo phận là giáo phận chính trong một nhóm giáo phận, lập thành Giáo tỉnh. Vị Tổng giám mục của các tổng giáo phận này được nhận danh xưng Tổng giám mục chính toà. Vị này có quyền hạn trông nom bao quát nhiều giáo phận khác, vẫn thường gọi là giám mục thuộc hạt.

    Vị Tổng giám jmục chính toà không có quyền hạn trông coi trên các các giáo phận thuộc hạt. Bởi lẽ, các giáo phận thuộc hạt, được đặt dưới quyền của chính giám mục chủ quản của các ngài. Vai trò của ngài chỉ là coi sóc bên trên, coi xem niềm tin và kỷ luật giáo triều có được tuân thủ trong khắp toàn giáo tỉnh của ngài hay không mà thôi. (x. Giáo luật số 436)

Xét từ trên xuống dưới các câu giải đáp của đức thày không thấy chức năng hoặc vô ngộ hoặc có quyền hạn đưa ra “vạ tuyệt thông” đối với giáo dân, dưới trướng. Cũng nào thấy “ghế tong toà” (ex-cathedra) để mà phán quyết, những “dứt phép thong công”.Thành thử, nhiều đức thày hành xử xem ra có vẻ theo luập pháp giáo hội, nhưng vượt quá giáo hội. Có lẽ nên gọi các đức thày này là đức cha tự sinh ra, hoặc Giáo hoàng tự phát. Nên chăng?

Nên hay không nên, thì trong hệ cấp điều hành của Giáo hội, nay vẫn chỉ như thế. Còn lại, nếu có vị nào vẫn nguyện và vẫn ước chuyện đổi thay, hãy cứ ngồi dưới cây sung già, mà khấn nguyện. Một đổi thay. Loay hoay hoài, không thấy.

Chẳng cần thấy và cũng không tìm đâu cho thấy. Chỉ cần trở về với nguồn cội của Lời, sẽ thấy ngay. Thấy ngay rằng, khi xưa cho đến “bi chừ”, Chúa vẫn khuyên và vẫn từ dân con, cho đến mục tử hoặc Chủ chăn, trong ngoài huyện dân gian, cùng nhà, rằng;

“Vậy anh em hãy đi

và làm cho muôn dân trở thành môn đệ,

làm phép rửa cho họ,

nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần,

dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.

Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế."

(Mt 28: 19)

Ở đây, không thấy Chúa bảo: cứ thấy tay nào khó dạy, là đuổi ra. Ra khỏi cộng đoàn môn đệ, nhà Hội thánh. Ra khỏi Nước Trời, ở đó có Thầy ở “cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” Xem như thế, là con dân đồ đệ, đích thật của Chúa, tưởng cũng nên đón chào các người anh người chị vào với Nước Trời ở trần gian, là Hội thánh. Là, cộng đoàn tình thương, nơi giáo xứ/họ đạo, dù lớn nhỏ. Dù ở đó, có cha sở rất khó tính. Dù ở đó, ở đàn con rất bướng bỉnh. Khó dạy. Hay “quậy”.

Để minh hoạ, cho những lời bàn ở trên, tưởng cũng nên tìm đến những truyện kể nhè nhẹ. Êm êm. Thánh thót, rất như sau:

Truyện rằng:

    “Ba em cùng trường, chuyện trò với nhau ở ngoài sân. Vào giờ chơi. Chơi hết mọi trò, thấy chán, bèn nghĩ ra trò mới: khoe nhau xem bà con nhà mình ai tài, ai giỏi, ai hơn ai. Đứa thứ nhất, vội khoe:

    -Tớ đây, chẳng biết gọi đó trò gì, mà sao cứ thấy bố mình lấy giấy bút ra viết nghuệch ngoạc vài hàng, rồi gọi đó là “thơ”, thế mà báo nọ cũng tặng ỗng, những 5 chục đô.

Đứa thứ hai nghe thế, thấy nóng mặt, bèn nổ “lốp bốp, to hơn:

    -Còn ông chú của tớ ấy à! Ỗng cũng lấy giấy viết ra, kẻ chỉ vài giòng, rồi chấm chấm phết phết, gọi đó bài nhạc. Thế mà cũng có người khùng, tặng đến năm trăm.

Đứa thứ ba, vội vàng nói nhanh:

    -Ông cậu của mình, chẳng biết có tài giỏi gì hơn ai không, mà sao ông ấy quyền thế đến như thế…

Mấy bạn nghe thế, rất sốt ruột, bèn thúc bạn mình bật mí để xem nghề gì mà ghê thế:

-Sao cậu không nói nhanh cho rồi, còn úp úp mở làm gì, bọn này chờ đợi hơi bị mệt đấy!

    -Có gì đâu. Nghe bảo rằng, cậu tớ làm tới chức “ông cha”, ở nhà thờ. Làm gì thì không biết, nhưng mỗi tuần ông viết vỏn vẹn không đầy một trang giấy, rồi lên bục nói rất lớn. Nói những gì tớ nào có hiểu, thế mà người lớn ngồi nghe cứ thế mà gật gù, tán thưởng. Sau đó, còn gom tiền bỏ vào rổ mang lên đưa cho ỗng, đến gấp ngàn. Có lần, nhiều người nghe xong còn bỏ về, khóc lóc thảm thiết lắm.”

Dưới tầm nhìn của giới thâm thấp/nhỏ nhỏ, thì làm mục tử giảng giải ở nhà thờ là làm lớn đến độ, nói gì người nghe cũng “gật gù”, tán thưởng. Thưởng bằng tiền. Tán và thán, bằng những cử chỉ khóc lóc, và bỏ đi. Tán thán hoặc bỏ đi như thế, tức đi ngược với lời dạy của Đức Chúa, Đấng chỉ muốn cho “muôn dân trở thành môn đệ”. Để, Ngài ở với, ở cùng mọi người. Mọi ngày cho đến trần thế.

Cuối cùng thì, vấn đề còn lại, là: hỡi bạn và tôi, ta cứ tự kiểm xem mình đã biết nghe Lời Ngài nhủ khuyên mà nạp thâu môn đệ cho Chúa, đã đủ chưa. Hay, ta lại xua đuổi người người rời khỏi cộng đoàn tình thương, của Đức Chúa.

Tự kiểm để học và hỏi. Hỏi và học, không chỉ ở đây. Bây giờ. Mà, cứ thế mãi. Rất về sau.

Trần Ngọc Muời Hai

Nghĩ mình vẫn cần học và hỏi.

Học thật nhiều.

Hỏi không thiếu.

Suốt cuộc đời.

1 comment:

Unknown said...

toi rat thich chuyen doc mp3,cac bac lam on mo link lai dum di,link die roi