Tình yêu xứ này
(Trịnh Công Sơn – Cuối cùng cho một tình yêu)
(GLHTCG #1472)
Một bạn thân, có lần cũng từng nói: chẳng biết sao mà phần lớn các nhạc bản của người mình, vẫn cứ buồn, một tình tự. Cả đến Giáng Sinh, Lễ Hội vui nhộn là thế, mà sao nghe vẫn cứ buồn. Những là, “Lời kinh đêm” rất ngậm ngùi, “Thánh ca buồn”, “Mùa áo quan”, vân vân và vân vân.
Hôm nay đây, hỡi bạn và tôi, ta hãy thử minh chứng với người trẻ nọ, bằng ý-từ thi-ca, “linh hồn rỗi”. Bởi, linh hồn mình có rỗi, mới thấy vui? Thật thì không. Không phải thế. Người nghệ sĩ chỉ muốn nói: “Bây giờ anh vui, một linh hồn rỗi, Tình yêu xứ này.”
Nói như kiểu nghệ sĩ, một người từng bị người đời lôi ra chất vấn, thử hỏi rằng: “anh có vui?” khi mà thiên hạ cứ hỏi những vân vân và vân vân? Vâng. Trịnh Công Sơn là người nghệ sĩ, sẽ rất vui. Vui hơn bao giờ. Vui, cả vào trước khi anh hát…“nếu một mai, anh có qua đời”. Là bởi vì:
“Ừ thôi em về, chiều mưa giông tố!
Bây giờ anh vui, hai bàn tay đói
Bây giơ anh vui, hai bàn chân mỏi
Thời gian nơi đây…” (Trịnh Công Sơn – bđd)
Thế mới biết, hai bàn tay anh dù có đói. Hai bàn chân anh, nay có mỏi. Hoặc gì gì đi nữa, nghệ sĩ mình vẫn cứ vui. Và cứ cười? Bởi ở đời, có nhiều bàn chân tuy không mỏi. Và, những đôi tay tuy không đói, nhưng vẫn buồn. Buồn, như giòng nhạc của người mình? Buồn, như tình không lối thoát? Một thứ “tình mình bây giờ”, có gì vui?
Tất cả các câu trên, đều thấy có chấm hỏi (?), là sao thế? Tức, vẫn cứ hỏi và rồi còn dấu chấm. Thôi thì, ta cứ chấm và cứ hỏi, như truyện kể ở bên dưới, chỉ để hỏi:
“Cả nhà đang ngồi ăn cơm vui vẻ, bỗng ông con nhỏ, hỏi một câu rất lãng xẹt:
-Bố ơi, sao hồi xưa bố lại lấy mẹ?
Ông bố quay qua vợ, cất cao giọng, giõng dạc nói:
-Đấy, Bà thấy chưa? Đâu phải có mình tôi là thắc mắc, mỗi chuyện ấy!
Thật vậy, những câu hỏi-đáp trong đời, vẫn là những câu nói có hơi buồn. Buồn như câu: trong đời đi Đạo, bạn có thấy buồn hay vui? Câu này, cũng từa tựa như câu nói ở trên, về nhạc Việt. Thôi thì, xin cứ “để lại cho em”, một chốn nợ đời, tha hồ mà hỏi tới. Rất tuỳ tâm. Tuỳ hỷ.
Tuỳ tâm - tuỳ hỷ, còn là tâm trạng của rất nhiều người, ở nhà Đạo. Tuỳ là vì, dù ta có được dạy bảo khá nhiều điều, nhưng sao vẫn thấy thiếu. Thiếu hiểu biết. Thiếu thực hiện, trong vui say. Vẫn cứ là động thái của nhiều người, tuy có tai nghe. Mắt thấy. Hệt như xưa Chúa căn dặn:
“Ai có tai thì nghe”
(Mt 11: 15/Mc 4: 9/Lc 8)
Hôm nay, nhiều người vẫn có tai, và có lòng đấy chứ, nhưng vẫn cứ hỏi. Hỏi nhiều điều. Cả những điều thấy rõ như ban ngày, mà vẫn như chưa nghe biết. Hỏi, như hỏi những câu ở bên dưới:
“Vừa qua, tôi có ông cậu qua đời, sau khi đã được rước Chúa vào lòng và lĩnh nhận bí tích xức dầu thánh, đầy đủ cả. Cậu còn là người rất ngoan đạo. Tôi cũng hiểu rằng Hội thánh thuận ban cho phép lành toàn xá vào lúc thập tử nhất sinh, cho người nào biết ăn năn cầu nguyện, trong cuộc đời. Phải chăng điều này có nghĩa là, ông cậu của tôi bảo đảm là ông đang được hưởng nhan thánh Chúa, trên thiên đàng? Mà, đã lên thiên đàng rồi, thì tôi khỏi cần cầu nguyện cho cậu, mà làm chi? Rất mong được linh mục giải đáp cho tôi thắc mắc này. Xin cảm ơn.
Câu hỏi của các độc giả như kiểu trên, xem không có vẻ gì buồn. Dù liên quan đến những chuyện buồn, nhưng rất thánh. Thế nhưng, câu trả lời có vui không, đó mới là vấn đề. Và vấn đề như thế, xin dành để cho người đọc, những bạn và tôi đang đọc và sẽ đọc, những giải đáp, như sau này:
“Xin bắt đầu câu giải đáp, bằng việc trở về xem lại giáo huấn của Hội thánh nói về ơn toàn xá, trước khi trả lời cho câu hỏi của ông/bạn trích ở trên.
Tất cả mọi lỗi tội đều tác hại đến sự vinh quang của Thiên Chúa, ảnh hưởng lên chính người mắc lỗi và cả vào Bản Thể nhiệm mầu là Hội thánh Chúa. Bản thân chúng ta chẳng thể nào hình thành đủ nhiều tác hại do chính mình tạo ra, nhất là việc phản chống tính nhân từ hiền hậu vô biên của Thiên Chúa. Nhưng may thay, Thiên Chúa đầy lòng xót thương đã chỉ cho phép ta hình thành mức độ tác hại ít hơn là lỗi tội của ta, đáng ra phải thụ lĩnh.
Dầu sao đi nữa, ta vẫn có thể làm điều gì đó, khả dĩ giúp ta chuộc lại các lỗi lầm trước khi được Chúa cho đạt chốn thiên đường. Hệ quả của các lỗi tội ta vi phạm, được biết dưới danh xưng luận phạt tạm thời. Sách Giáo Lý Hội thánh Công giáo mô tả việc này như “cái đuôi đính kèm không lành mạnh nơi thụ tạo, cần được tẩy rửa cho sạch ngay trên dương thế, hoặc sau khi chết, ở vào tình trạng được gọi là chốn Luyện hình” (GLHTCG #1472)
Nếu bạn và tôi, ta hợp lòng với tác giả của bài “Cuối cùng, cho một Tình Yêu”, là Trịnh Công Sơn, hẳn sẽ được nghe những lời na ná như:
“Một lần yêu thương, một đời bão nổi
Giã từ giã từ,
Chiều mưa giông tới, em ơi ơi…” (Trịnh Công Sơn – bđd)
Đời bão nổi. Một lần giã từ, đâu chỉ khi ta còn sống. Vẫn cứ nổi, cả vào khi ta nghe ý kiến của người nhà Đạo, rất như sau:
“Mọi người đều có thể tự mình thanh luyện/tẩy rửa hoặc thực hiện công việc tạm luận phạt, bằng nhiều cách. Một trong những cách rất hay, là ngang qua việc lành thiện ta làm trong tình trạng tràn đầy ơn thánh, cả vào lúc nguyện cầu. Đọc kinh. Hãm mình. Đối xử tử tế với người khác. Chấp nhận thánh giá cuộc đời đang mang đến, vv. Một cách hay nữa, là làm một số công việc mà Hội thánh chuẩn thuận ơn lành đại xá, hoặc ân xá.
Ân xá, được Sách Giáo lý định nghĩa như “một miễn chuẩn trước hình phạt tạm, từ Thiên Chúa, do lỗi phạm ta mắc phải, nhưng đã được thứ tha. Tức là, những việc mà người tín hữu Công giáo được xá giải và nhận lãnh, chiếu theo một số điều kiện được đưa ra, ngang qua hành động của Hội thánh. Bởi, với tư cách là người thừa tác cứu chuộc, Hội thánh có thể hoá giải và áp đặt với quyền năng vốn có từ kho tàng châu báu, do Chúa Kitô và các thánh chuẩn thuận.” (SGLHTCG #1471)
Nói cách khác, khi chúng ta có được ân xá do Hội thánh chuẩn thuận, ngang qua ân huệ Chúa ban và sự cầu bàu của các thánh, cũng hoá giải một phần hoặc toàn bộ hình phạt tạm, do các lỗi ta vi phạm, tạo ra. Khi ơn đại-xá xoá bỏ tất cả mọi hình phạt tạm, thì việc đó được gọi là toàn xá. Và nếu chỉ xoá bỏ một phần nào thôi, thì gọi là tiểu xá. (GLHTCG #1471)
Tiểu xá hay toàn xá, cũng đã làm cho nhiều người, trong đó có người nghệ sĩ, cất tiếng hát:
“Bây giờ anh vui,
một linh hồn rỗi
tình yêu xứ này.” ( TCS – bđd )
Đọc thêm chút nữa, ta sẽ thấy đức thày nhà mình, nói rõ hơn:
“Như ông/bạn có đề cập trong thắc mắc cần giải đáp, thì: trong số các ơn đại xá được Hội thánh chuẩn thuận, có một ơn được phú ban vào lúc người nào đó sắp từ trần. Và, người này đã làm một việc, hoặc đã nguyện cầu theo cách nào đó, trong đời mình; nhờ đó mới được lĩnh nhận ơn đặc biệt này. Đại xá, là ơn do chính Hội thánh chuẩn thuận, mà chẳng cần có vị linh mục hiện diện, ban bố phép lành.
Muốn được ơn đại xá (hoặc toàn xá), người thụ hưởng phải ở trong tình trạng lành thánh, không dính bén lỗi phạm nào, kể cả các lỗi nặng/nhẹ, và phải đến toà cáo giải để nhận bí tích giải tội, và phải rước lễ ít ngày trước hoặc sau đó; và nhất là, phải cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng.
Trong trường hợp ông cậu của ông/bạn đang vào lúc sắp ra đi, ta có chắc chắn là ông sẽ đi thẳng vào chốn thiên đường, không? Không nhất thiết là như thế. Dù ông đã hoàn thành mọi trách vụ và điều kiện coi như trong tình trạng lành thánh và lĩnh nhận bí tích, ông vẫn phải từ bỏ mọi lỗi phạm nào còn vướng víu, kể cả các lỗi nặng/nhẹ. Nghe qua thấy dễ, nhưng đây có lẽ là một trong các điều kiện khó khăn, để hoàn thành. Bởi, việc ấy giả thiết là: ta thương yêu Chúa hết lòng. Hết trí khôn. Tuy nhiên, giả như có người nào không hoàn thành mọi điều kiện cần làm để có được ơn toàn xá, thì người ấy vẫn cần đến ơn tiểu xá.
Thêm vào đó, nhằm đạt chốn thiên đường, mọi người cần được giải thoát khỏi mọi hình phạt tạm thời, do lỗi phạm mình gây ra, thì cũng nên hối hận về các lỗi mình mắc phải, kể cả các lỗi nặng/nhẹ. Và, cũng nên, bỏ đi mọi thói tật xấu xa/hèn yếu đã vướng víu do lỗi của mình.
Hiểu như thế, ta hãy nên nguyện cầu và tham dự các thánh lễ được cử hành để cầu bàu cho các linh hồn đã ra đi, dù các vị ấy đã lĩnh nhận ơn toàn xá, lúc sinh thì. Bởi, thật tình, ta cũng chẳng biết chắc là các vị ấy có đi thẳng vào chốn thiên đường, hay không.” (x. John Flader, The Catholic Weekly
Đấy, ơn toàn xá là như thế. Có thể, cũng là ý nghĩa của ca từ “một linh hồn rỗi”, mà người viết nhạc tên Công Sơn, chợt nghĩ. Nhưng thôi, người nghệ sĩ có nghĩ hay không nghĩ đến chuyện này, ta vẫn còn đôi câu hát từ môi miệng của ông:
“Sầu thôi xuống đầy, làm sao em nhớ
Mưa ngoài sông bay, lời ca anh nhỏ, nỗi lòng anh đầy..” (TCS – bđd)
Nỗi lòng của anh, ôi nghệ sĩ. Hoặc, nỗi lòng của tôi hay của bạn, ôi bạn Đạo. Bao giờ cũng đầy. Rất đầy là đằng khác. Đầy đến độ, tôi và bạn, chẳng cần lo toan, những là “chiều mưa giông tố”, “hai bàn tay đó”, “hai bàn chân mỏi”, mỏi vì mong và chờ, nữa. Nhưng dám nói:
“Bây giờ anh vui
một linh hồn rỗi,
tình yêu xứ này.” (TCS – bđd)
Bởi, Tình Yêu đó, đã có từ Đầu Hết và Cuối Hết. Bởi, Thiên Chúa sẽ chẳng giáng phạt và bỏ rơi bất cứ ai. Cả những người phạm lỗi. Rất nặng/nhẹ. Chống lại Người. Như Kinh Sách có nói:
“Thật vậy Đức Chúa,
Thiên Chúa của anh em
là Thiên Chúa từ bi:
Người sẽ không bỏ mặc anh em,
sẽ không tiêu diệt anh em.
(Đnl 4: 31)
Lại thêm nữa, một khi ai đã tin Thiên Chúa là Tình Yêu, thì người ấy sẽ chẳng bao giờ nghi ngờ lòng nhân hậu, và tình lân tuất của Người.
Và, người nghệ sĩ đã có lý, khi ông đặt đầu đề cho bài hát có ca từ “ừ thôi, em về”, là “Cuối cùng cho một tình yêu”. Tình Yêu đây, trải dàn cả lúc ta còn sống. Lẫn vào lúc sắp chết. Vào phút đầu sự. Hay phút cuối cùng cuộc đời, vẫn cứ là: cho một Tình Yêu.
Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn cứ tin
vào lòng nhân từ thương xót
của Đức Chúa.
No comments:
Post a Comment