Sunday 28 June 2009

“Trầm trầm êm êm thánh thót”

Nhịp nhàng khoan thai thắm thiết Nhạc lòng đưa câu luyến tiếc Người ơi còn nhớ?..

(Văn Phụng – Tiếng Dương Cầm)

(Rm 10: 15-16)

Với nghệ sĩ hôm xưa, câu hỏi đời thường vẫn đặt, có là: anh nhớ chăng anh, người nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng xứ Ba Lan? Chopin, là tên người. Với nhà Đạo hôm nay, câu hỏi thường đời vẫn hỏi có lẽ là: anh nhớ chăng anh, bổn phận Chúa nhắc nhở, còn là: hãy học hỏi về niềm tin? Tin, là yêu Chúa, đó môn học.

Thú thật với bạn và với tôi, những người đang đọc và viết những giòng này, thì bình thường, người đời thích đọc hơn thích học. Chí ít, là đọc những truyện cười rất vắn. Chẳng chết ai. Như câu truyện văn vắn ở bên dưới:

“Vào lúc cơm lành canh ngọt, hai vợ chồng ngồi nói chuyện đời, với nhau. Chồng hỏi:

-Khi anh nổi giận, la mắng dữ dội, mà sao chẳng bao giờ thấy em có phản ứng gì hết? Em có bí kíp kềm chế cơn nóng giận, hay thế ư?

-Có gì đâu anh. Em chỉ làm mỗi việc, chùi rửa kỳ cọ là xong ngay, hết giận!

-Ngộ nhỉ! Làm mỗi việc chùi rửa kỳ cọ thôi cũng nén cơn tức giận được cơ à?

-Đúng thế. Em cọ rửa bằng bàn chải đánh răng của anh, có vậy thôi!...

Thật chẳng biết, quyết hạ cơn giận bằng những việc làm như thế, có là bí kíp ở đời thường không. Nhất thứ, là bí kíp của thứ tha. Bỏ dồn nén. Bớt tức giận. Hoặc, học hỏi nơi người đồng Đạo, phương cách áp dụng những gì được khuyên dạy, để còn tin?

Thông thường, nhiều người cứ tưởng: muốn trau dồi niềm tin yêu trong Đạo, chỉ cần dõi theo lời răn dạy của các đấng vị vọng, ở nơi cao. Cao ngất, tựa lời dạy ngày thứ Tư ở quảng trường thánh Phêrô, Rôma. Chứ đâu hiểu rằng hiện giờ, tại các trường trung/tiểu học công lập, ở phương Tây, cũng vẫn thấy các buổi dạy về niềm tin, cho con trẻ.

Đó mới chỉ là một trong nhiều phương cách, rất dễ làm. Trang trọng. Nghiêm chỉnh. Không thua chuyện nguyện cầu, ở tại nhà. Tham dự nghi lễ. Hoặc, ngồi lại mà nói chuyện với con cái, cả vào lúc các cháu còn nằm nôi. Dỗ dạy bằng ảnh hình, ở trong nhà. Bằng, gương sáng ba/mẹ sống, vẫn đối xử với nhau, hiền hoà. Khiêm hạ. Tóm lại, kiểu nào cũng để thuận theo lời dạy, của các thánh.

Như thánh Phaolô từng có lời khuyên, như sau:

“Phàm ai tin vào Người, sẽ không phải hổ thẹn…

Làm sao tin Đấng mà ta không hề nghe biết?

Làm sao nghe biết, nếu không có người giảng rao?

Làm sao rao giảng, nếu không có người được sai đi?..”

(Rm 10: 11-16)

Cũng thế. Tựa như câu hát ở đầu đề, làm sao trả lời câu hỏi “người ơi còn nhớ?” nếu ta không nghe và hát tiếp:

“Chopin ngày xưa vì ai dệt nên câu nhạc lâm ly

cho đời, say trong tiếng tơ,

cho tình, dâng muôn ý thơ…” (Văn Phụng – bđd)

Chopin ngày xưa, hay câu nhạc hôm nay, có ai hay biết mà nhớ được. Nếu không có người chỉ bảo, dỗ dạy. Chí ít, là ở trường lớp, có thơ và nhạc. Hệt như thế, niềm tin hôm nay, cũng nên điều nghiên, dỗ dạy, cả ở tại nhà hay ngay trường lớp. Không nhất thiết phải ở nhà thờ. Bởi, nhà thờ bây giờ, nào có còn nhiều đám “trẻ người non dạ” ham thích mà lui tới!

Xưa kia, tại trường lớp các em đến, còn được học đôi bài sách bổn, giáo lý, sách phần. Nay, một chữ cũng không. Nay không biết ở trường/nhà Việt Nam, quê hương mình, có còn thế nữa không? Thành thử, cũng nên đặt vấn đề, để tìm hiểu.

Tìm và hiểu, để rồi cùng tiếng dương cầm người nghệ sĩ nổi danh xưa, ta thơ thới:

“Tiếng dương cầm còn vang thiết tha

riêng mình ta đây với ta

chìm đắm trong một giấc mơ…” (Văn Phụng – bđd)

Tiếng thơ xưa. Giấc mơ nay. Phải chăng tất cả đều là bận tâm của nhà trường?

Một số trường ở nước ngoài, khi xưa vẫn có thói quen cho trẻ nhỏ đọc hoặc hát kinh, trước buổi học. Đọc/hát kinh, không có nghĩa chỉ ê a ba câu kinh kệ, do các vị thừa sai khi xưa để lại, bằng thuật ngữ ít người hiểu. Mà là, đọc các ý/đoạn Tin Mừng, qua đó thày/cô vẫn thêm thắt bằng lời giải thích về bí tích. Với lẽ Đạo. Bằng câu hỏi/giải đáp, rất đời thường. Tựu trung, cốt để các em vẫn cứ êm ả mà gói mình trong tình thương yêu của Đạo Chúa.

Ngoài trường lớp, các em cũng có thể học hỏi chung cùng với cha/mẹ bằng cách theo chân các ngài bước vào chốn vắng, rất nguyện cầu. Ở nơi đó, không chỉ có đọc kinh, linh tinh chuyện nghi lễ, tế tự. Mà, bằng lời ca tiếng nhạc. Bằng cả vào thời khắc ba/mẹ gặp gỡ cộng đoàn chuyên chăm, sau nghi thức. Những nói cười. Chào hỏi.

Bằng vào những thứ ấy, để rồi các em quen dần với tập quán tiếp cận môi trường lành thánh, những tin yêu. Để rồi, từ đó, các em sẽ dần quen với đường lối giải thích mang tính chuyên môn, có chủ đề. Đẹp hơn nữa, là khi bạn trẻ, dù mới lớn, nhưng đã có đôi chút kinh nghiệm chuyện trò không theo hình thức khô cứng. Bắt buộc. Nhưng, dám nói chuyện với người lớn. Không chỉ là chuyện “chó cắn xe/xe cán chó”, ở bên đường. Ngỗ nghịch. Trẻ con. Nhưng quan trọng hơn, vẫn là: biết nghe. Nghe, cả những chuyện tưởng rằng rất khô, và rất khó.

Nói chuyện bàn thảo/thắc mắc, còn là phương cách học hỏi rất hữu hiệu. Kết quả. Hữu hiệu ở chỗ, các em nay biết mình thuộc cùng cộng đoàn niềm tin. Chung nơi ở. Ở nơi, có người để mình tỏ bày niềm tâm sự. Và hiểu biết về niềm tin, qua Kinh Sách. Bởi, qua chuyện trò nhè nhẹ, các bạn có thêm nhiều viễn ảnh. Thêm sâu sắc về nhiều điều. Những điều thiết yếu. Tốt đẹp. Rồi từ đó, các bạn sẽ dàn trải mọi tương quan hiểu biết và tin-yêu với bạn bè cùng nhóm. Cùng sở. Suốt cuộc đời.

Kịp khi nên người trưởng thành, các bạn sẽ còn học nhiều hơn. Bằng sách vở. Suy tư. Nghiềm ngẫm. Làm thế, dân con Đạo Chúa sẽ thẩm định được mọi vấn đề trong đời. Chín chắn. Chững chạc. Dù rằng vấn đế ấy, quan niệm nọ, có được biện bạch/tranh luận ở đâu đó. Dù ở trường ốc/cơ sở, hoặc báo/đài. Có làm thế, các bạn mới bị đánh động. Quan tâm nhiều đến tư tưởng/bài vở của các bậc vị vọng, ở trên cao. Cao, như tầm cỡ Giám Mục, Hồng Y, Đức Cha rất thánh, là Giáo Hoàng.

Học về niềm tin, không chỉ học bằng mắt. Bằng tai. Nhưng, bằng kinh nghiệm sống. Các vị cao tuổi, hẳn còn nhớ những buổi giảng. Hoặc, tuần Đại Phước. Hành hương. Tĩnh tâm. Những kinh nghiệm hiếm quý ấy, ít khi gặp. Nhất nhất đều bổ ích. Bổ, cho người học. Có ích, cho cả các vị giảng. Nhiều vị còn bày cho nhau kinh nghiệm từng trải về những bách hại ở đâu đó. Trực tiếp hay gián tiếp. Các ngài sống sót được, là nhờ cùng nhau hỗ trợ. Và kinh qua mọi nguy nan hiểm nghèo bằng việc sẻ san kinh nghiệm. Nguyện cầu. Hiệp thông.

Trả lời câu hỏi ở trên:“người ơi còn nhớ?”, chắc bạn và tôi, ta rồi cũng có kinh nghiệm để hồi đáp. Kinh nghiệm, như chuyện hành hương/hành trình đi Jerash, Nêbô, Madaba về đất miền những đá và sỏi xứ Gio-đan. Kinh nghiệm, bầu bạn có lần cho biết: nhìn những gạch vụn nát đổ, ta nhớ nhiều về các giai thoại được kể, ở Cựu Ước. Với bạn, với anh thì hành hương miền sỏi đá còn là kinh nghiệm học hỏi về niềm tin, rất giá trị.

Nghe đến đây, chắc bạn và tôi, ta sẽ cho rằng kinh nghiệm của bạn bè ở ngoài nước, không chỉ đáng giá hoặc quý giá, thôi. Nhưng, còn đắt giá, nữa. Bởi, chúng tôi đây, cơm cháo gạo tiền còn chẳng đủ, nói gì hành hương, với hương hành, một nhập thế? Thế nhưng, giả như người vừa hồi đáp lại là đạo hữu tin vào Đấng Allah quyền thế, vẫn cứ được yêu cầu: ới hỡi bạn mình, hãy nên tìm đến Mecca, một lần trong đời, để tỏ bày niềm tin, nơi đấng thánh. Thế còn người mình, thì sao?. Thế thì, mình nghĩ sao?

Nói cho cùng, nghĩ sao thì cứ nghĩ, hãy như nghệ sĩ năm xưa, ưa đàn hát:

“Nhớ đêm nào tình xuân ngất ngây

mưa phùn rơi rơi ướt vai

đi mãi tìm ai yêu đàn…” (Văn Phụng – bđd)

Có lẽ, nghệ sĩ Văn Phụng dám để “mưa phùn rơi rơi ướt vai”, rồi cứ đi mãi “tìm ai yêu đàn.” Rất trữ tình. Lãng mạn. Ngất ngây. Thế, nhưng tác giả “Tiếng Dương Cầm có biết rằng: nhiều lần, bọn tôi là những người tin yêu Đức Chúa, Đấng từng đặt chiên con lên vai, chỉ để đi tìm chỉ một chiên nhỏ lạc đàn, thì mưa phùn có “rơi rơi ướt vai”, nào sá gì. Đức Chúa còn chấp nhận chịu đòn, rồi chết nhục, chỉ vì bọn này, rày vẫn cứng tin?

Thành thử, cứng tin hay mềm tin, có lẽ đã đến lúc, tôi cũng như bạn, ta suy tư về phương cách: không chỉ học về niềm tin, cho riêng mình. Mà còn, tìm cách chuyển đạt niềm tin ấy, cho mọi người. Chuyển, không chỉ bằng phương pháp dạy dỗ, giáo dục. Hoặc, giảng giải. Cho ai. Chuyển, là đạt đến, bằng cách chứng tỏ và nói lên niềm tin ấy, cho nhiều người. Và, mọi người.

Chứng tỏ bằng cách nào, đó là vấn đề. Vấn đề là, bạn và tôi, ta có thể theo phương sách của các thánh, ở trên. Hoặc theo phương pháp tư riêng. Ít thấy. Nhưng dễ làm. Ở đây nữa, tôi và bạn, chắc rằng mình cũng đừng dài giòng kể lể, về chuyện mình. Tốt hơn, hãy kể bằng cuộc sống. Nói, bằng lập trường. Bằng, gương sáng cuộc đời. Nụ cười thân thương. Hiếm quý. Ta gửi đến với muôn người. Mọi người. Bởi, những người có niềm tin vào Đấng dạy ta tin, mới có được hạnh phúc. Có hạnh phúc, rồi sẽ biết cười.

Vậy thì, hỡi bạn và tôi, ta hãy cười. Cười, là đã tin. Tin rồi, vẫn cứ cười. Cười như nhiều người. Cười như mọi người. Với mọi người. Cười, để chứng tỏ: mình đang tin và rất yêu. Cười, như người người ở truyện kể ngay bên dưới:

“Ngày đầu học Cao Đẳng, vị phụ giảng tự giới thiệu mình trước nhất, rồi sau đó yêu cầu học viên tìm đến với nhau mà chào hỏi. Chí ít, là những bạn bè, mình chưa quen. Tôi sắp đứng dậy, thì chợt thấy có bàn tay của ai đó đặt nhẹ lên vai. Quay lại, bèn thấy cụ bà khá cao niên, gửi đến cho tôi nụ cười rất tự hào, rồi vội nói:

-Chào bạn trẻ đẹp trai, cao ráo. Tên goa là Hồng. Năm nay, goa mới có 87 cái xuân nồng. Có thể nào bạn cho goa áp má hôn hoà bình, được hông?

-Dạ được. Sao tuổi này, mà bác còn đến lớp để làm gì?

-Để tìm chồng. Chỉ muốn tìm người nào giàu, tốt mã một chút sinh con đẻ cháu cho vui cửa vui nhà, một chút có được không?

-Thật thế không, thưa đồng môn?

-Nói chơi vậy thôi chứ, chả giấu gì bạn, đã từ lâu, goa chỉ ao ước đến trường để học, dù chỉ một lần trong đời. Nay được phép, là mãn nguyện!

Thế là, sau đó, hôm nào tôi cũng tháp tùng cụ đi dọc hành lang khu học vụ, nói chuyện với cụ, không biết mệt. Tôi học hỏi nơi cụ, rất nhiều điều. Đặc biệt là cụ ăn vận rất lịch lãm. Sang trọng. Chẳng mấy chốc, đến cuối học kỳ, bạn bè liền ngỏ ý mời cụ phát biểu cảm tưởng về đường lối giáo dục của trường, tổ chức nơi sân vận động. Cụ nhận lời ngay. Cụ sửa soạn thật kỹ, chăm chút ghi vào 5 tấm bìa tóm lược, vì quá hồi hộp phải nói trước đám đông. Nhưng có 5 tấm bìa, cụ lại để rơi mất 3. Cuối cùng, cụ cũng lên khán đài, cầm chặt máy vi âm, phát biểu:

-Trước hết tôi xin lỗi mọi người. Vì hồi hộp, nên tôi bỏ đâu mất mấy tấm bìa ghi chú, nay có thế nào xin nói như thế.

Mọi người cười ồ, nhưng cụ bà cứ tiếp tục:

-Ta ngừng chơi bóng không phải vì tuổi ta xế bóng, về già. Nhưng, ta già là vì ngưng chơi bóng. Trong đời, có 4 điều giúp ta trẻ mãi: +hãy lo mà tận hưởng giây phút hiện tại, +quẳng gánh lo đi, rồi sẽ thành công. +Mỗi ngày trong đời, hãy cố mà cười và nhìn mọi chuyện trong chiều hướng tươi vui. +Phải biết mộng và mơ. Vì một khi đã hết mơ và hết mộng, ta chỉ còn nước chờ chết.

Trên đời, hiện có quá nhiều người đang sống nhưng dường như đã chết. Nhưng, không họ biết mình đã chết từ lâu.

Trong đời, có 2 chuyện khác nhau một trời một vực, là: chóng già và chóng lớn. Nếu bạn mới có 19 cái xuân xanh, mà suốt ngày chỉ biết nằm dài, chẳng làm nên tích sự gì. Thì bạn cũng sẽ bước qua tuổi 20, thật mau chóng. Như tôi đây, nay đã 87, chỉ cần nằm dài một năm thôi, cũng sẽ bước qua tuổi 88, rất dễ. Chóng già, là việc chẳng cần tài ba. Năng khiếu. Nhưng, muốn chóng lớn, phải biết nắm bắt cơ hội. Không nuối tiếc thời gian, hoặc bất cứ thứ gì. Ở tuổi già, ta không chỉ hối hận về những điều mình đã làm. Nhưng tiếc rằng, mình đã không làm được nhiều điều, cho đích đáng. Thế nên, trong đời, hãy tìm cơ hội để học và hỏi. Dù học chỉ rất ít.

Phát biểu của cụ bà tên Hồng cứ tiếp tục trong khí thế khích lệ người người nên học và nên hỏi. Đủ thứ điều..

Truyện kể trên, hao hao giống bài phát biểu vào lễ mãn khoá niên học. Nhưng điểm son trong truyện, là câu cuối. Lúc nào, ta cũng nên học. Học, mọi lúc. Hỏi, mọi tuổi. Chí ít, là những điều cần cho sự sống. Rất tâm linh.

Lời cuối hôm nay, bần đạo xin góp ý một điều, người xưa vẫn nói “học thày không tày học bạn”, quả rất đúng. Nhất thứ: chuyện học và hỏi ấy, là chuyện Đạo. Tức, những chuyện cốt thiết nhất cho mọi người. Ở nhà Đạo. Nhưng, học gì thì học, hãy như người nghệ sĩ vẫn cứ hát:

“Trầm trầm…êm êm…thánh thót..”

Nhịp nhàng khoan thai, thắm thiết..” (Văn Phụng – bđd)

Có như thế, chuyện mình học và hỏi, mới khắc sâu trong tâm khảm. Cả cuộc đời.

Trần Ngọc Muời Hai

Vẫn muốn học và học.

Học mãi

Suốt cuộc đời.

No comments: