Saturday 6 June 2009

“Về đây, nhìn mây nước bơ vơ “

Về đây, nhìn cây lá xác xơ

(Châu Kỳ - Trở về)

(Mt 6: 5)

Chủ nhật hôm ấy, ngày dài một đại lễ Hiển Linh bên Đạo, lại là Giáng Sinh bên đời, bần đạo có cơ hội được trở về quê nhà của Chúa, ở Bét-lê-hem. Về, để được nhìn mây nước bơ vơ. Để thoáng thấy cây lá xác xơ. Bơ phờ. Tiều tụy. Nơi thôn miền lành thánh, đất Bê-lem. Nơi đây, hôm ấy, cộng đoàn cùng Đạo khác phái, đã trở về cùng vui chung ngày Chúa Giáng Trần, rất lễ hội. Ở nguyện đường sát cạnh, hợp hoan mừng Chúa hiển hiện với con dân. Thân thiết. Kết đoàn.

May cho bần Đạo, bước chân về quê nhà của Chúa, không phải nghe đến lời buồn, khi xưa:

“Nơi xưa, ôi giờ đây nát tan,

đò vắng không người sang,

thôn xóm trông điêu tàn.

Xa xa, nghe tiếng chim gọi đàn

Nghe suối reo bên ngàn

Dường như oán, như than.” (Châu Kỳ - bđd)

Làm sao có thể như oán với như than được, bởi khi đặt chân đến đây người người đều đã thấy tinh thần đại kết giữa giáo phái, đã về lại. Về lại, qua nghi thức phụng thờ, ngày lễ lớn. Về lại, vào ngày 7 tháng Giêng, khi cả Giáo hội bạn lẫn Hội thánh ta mừng Chúa, thể hiện cuộc sống phàm trần, với toàn dân. Về lại, để cùng với Giáo hội, ta mừng Chúa hiển vinh với dân ngoại, ở trời Đông.

Ở trời Đông hay phương Tây, nay người người vẫn thể hiện một thế đứng, khi nguyện cầu. Mà mừng lễ. Chẳng thế mà, hầu hết các nghi tiết phụng thờ, ở nơi đó, người người thường hay chọn thế đứng nguyện cầu, rất xứng hợp. Tư thế này, thánh Mát-thêu mô tả như cách thức nguyện cầu hiên ngang, người của Chúa:

“Họ thích đứng mà nguyện cầu

trong hội đường.”

(Mt 6: 5)

Thật ra, nguyện cầu theo thế đứng hay quỳ, không là vấn đề cần bàn cãi. Bàn hay không, đó vẫn là tư thế chọn lựa, của riêng mình. Nhưng, với cộng đoàn hiện diện trong tiệc thánh, tư thế cùng đứng và cùng cầu, mới thành chuyện. Thành chuyện, là thắc mắc của một số bạn Đạo ở trời Tây, vẫn hay hỏi. Hỏi rồi, thắc mắc và vấn nạn như đọc được ở đâu đó:

“Vừa rồi tham dự thánh lễ ở họ đạo khác nhau, tôi thấy có nhiều nơi đứng ngồi không đồng bộ, gây chia trí. Như, vào lúc bắt đầu lễ, khi sửa soạn của lễ để dâng lên, và khi chiêm niệm nguyện cầu, sau hiệp lễ. Xin ngài cho biết để còn dạy dỗ đám trẻ, khi nào ta buộc phải đứng mà cầu nguyện? Và tại sao lại làm thế?”

Thắc mắc và giải đáp vấn nạn, cho mọi người, vẫn là thói quen của đấng bậc nhà Đạo, ở Sydney. Hỏi/đáp, cả vào khi không có người hỏi; hoặc cũng chẳng cần có người giải. Nghĩa là, mỗi khi đấng bậc thấy cần nhắc nhở bà con Đạo mình phải để ý, mỗi khi đến nhà thờ, cùng dâng tiến của lễ hiệp thông.

Nói cách khác, giải và đáp vẫn là “nghề của chàng”, chàng trai không trẻ ở giáo phận lớn, cỡ Sydney:

“Ngay từ đầu, khi vào lễ, cộng đoàn dân Chúa cùng đứng dậy để chào đón chủ toạ đoàn, vào dâng lễ. Cử chỉ này, là để tỏ lòng cung kính chào đón Đức Kitô, hiện thân nơi linh mục hoặc Giám mục đang bước vào, chủ trì buổi Tiệc Thánh.

Ngoài đời cũng thế, dân chúng cùng đứng dậy chào đón, mỗi khi có nhân vật vị vọng bước vào phòng, dù chỉ để cùng dự tiệc, bắt đầu nghi thức gì đó, hoặc cùng khởi sự một nghi tiết. Thấy nhân vật lỗi lạc xuất hiện ở ngưỡng cửa, mà ngồi ỳ, thì há nào muốn bày tỏ sự bất kính coi thường nhân vật ấy!

Ở một số nhà thờ, còn có thói quen rung chuông khi vị chủ tế bắt đầu rời phòng thánh, là để báo cho cử toạ biết rằng đoàn tuỳ tùng đã bắt đầu tiến bước, để mọi người còn đứng dậy cung nghinh đón chào, Đức Chúa của mình.

Làm như thể, dân con đón mừng Đức Giêsu tiến vào đền thánh Giêrusalem, ngày lễ Lá. Đứng, là tư thế thích hợp hơn cả để khởi đầu phần Phụng vụ, là Thánh Lễ.

Trong tư thế đón chào đoàn tuỳ tùng bước vào khởi sự thánh lễ, cộng đoàn ta cứ đứng như thế, cho đến hết phần nghi thức xưng thú mọi lỗi lầm. Đây là lúc, dân con nhà Đạo, lọc sàng lương tâm đạo đức hầu sẵn sàng mà khởi hành thánh lễ. Tới kinh Vinh Danh, lời kinh xưa để tôn vinh Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh thần. Và cuối cùng, cũng đứng yên như thế cho đến hết kinh Nhập lễ hoặc kinh tiền lễ, là một trong ba kinh được gọi là “Kinh dành cho vị Chủ tế”, tức linh mục hoặc vị Giám mục chủ trì đọc thay cho toàn thể mọi người, đến tham dự.

Cộng đoàn sẽ lại đứng để hát bài kinh “Allêluya” hoặc “kinh Suy tôn Tin Mừng”; đồng thời cứ đứng như thế mãi trong thời gian đọc Tin Mừng. Ở đây nữa, đứng ở đây, là tư thế diễn tả cả hai việc: thứ nhất, là: tôn kính Đức Giêsu, Đấng đang dùng Lời Chúa để khuyên dạy con dân của Ngài; và: đứng như thế chứng tỏ dân con Chúa đã sẵn sàng để nghe và thực hiện những điều Chúa dạy bảo.

Sau bài chú giải sẻ san, cộng đoàn dự Tiệc thánh cũng lại đứng lên để lập lại lời tuyên xưng niềm tin, hoặc đọc kinh Tin Kính, là kinh được đặt từ thế kỷ thứ Tư. Khi đứng để nghe Chúa nói chuyện với con dân của Ngài, qua Phúc Âm, nay cộng đoàn lại đứng để ứng đáp lời “tuyên tín” đáp trả những gì mình mình nghe biết.

Cộng đoàn vẫn cứ đứng khi đọc lời Nguyện Giáo dân, qua đó cộng đoàn ứng đáp qua niềm tin về những gì mình nghe biết trong các bài đọc bằng lời kêu cầu Chúa hãy đoái nhậm lời thỉnh cầu của mình để cầu cho Giáo hội và thế giới.

Sau khi đã ngồi để sửa soạn của lễ dâng lên bàn thờ, cộng đoàn niềm tin đứng dậy khi vị chủ tế kết thúc lời cầu :Anh chị em hãy cầu nguyện để lễ vật của tôi và của anh chị em được Chúa là Cha Toàn Năng đoái nhận”, nghe xong lời ấy, cộng đoàn sẽ đứng để đáp ứng bằng lời khẩn cầu: Xin Chúa nhận Lễ vật bởi tay cha…” Bằng tư thế đứng thẳng, cộng đoàn xác định mình ưng thuận trong phụng thờ.

Đến đây, có vài vài khúc mắc hỗn độn không biết khi nào thì cộng đoàn nên đứng. Thế nhưng, theo sách Những Chỉ dẫn Thông Thường trong Thánh Lễ theo nghi thức La Mã (số 43) có nói đến những điều vừa kể, ở bên trên. Tức là, cộng đoàn tiếp tục đứng khi chủ tế dâng của lễ, khi vị này đọc lời nguyện thứ hai, tức là: một lần nữa chủ tế cầu nguyện thay cho cho cộng đoàn đạo đạt lên Chúa Cha. Chính vì thế, cộng đoàn nên cùng đứng với chủ tế, trong tư thế chuyển đạt lời cầu lên Cha.

Ở kinh Tiền Tụng và lời xưng tụng Thánh Thánh Thánh, là kinh tung hô Chúa theo dáng dấp của của cộng đoàn truyền thống khi xưa, tức vẫn đứng. Ở đây nữa, sách Những Chỉ Dẫn Thông Thường trong Thánh Lễ theo nghi thức La mã, còn nói: cộng đoàn có thể đứng khi dâng lời cầu Thánh Thể, trừ phi cộng đoàn được Hội Đồng Giám Mục quyết định nên ở tư thế nào cho thích hợp, đối với tập tục của xứ sở mình.

Theo ấn bản 2007 nơi sách Những Chỉ Dẫn Thông Thường trong thánh Lễ theo nghi tiết La Mã, các Giám mục Úc có lời khuyên giáo dân ở đất nước mình: “hãy nên quỳ gối từ lúc đọc xong lời tung hô Thánh Thánh Thánh! cho đến lúc thưa Amen thật lớn, và sau đó sẽ đứng vào lúc chủ tế bắt đầu mời cộng đoàn xướng hát kinh Lạy Cha, cho đến khi kết thúc kinh Lạy Chiên Thiên Chúa, thì tất cả cùng quỳ lần nữa cho đến khi rước Chúa vào lòng.” (sđd, số 43)

Sau Hiệp klễ, cộng đoàn lại đứng dậy để đọc lời nguyện cầu lần thứ ba, tức Kinh Hiệp Lễ, lúc ấy vị chủ tế lại kêu cầu cùng Cha, ngang qua Đức Giêsu, Con Chúa, Chúa chúng ta.

Và như thế, cộng đoàn cũng sẽ đứng cho đến khi nhận phép lành và lời cầu chúc ra đi rao truyền Lời Chúa, vào cuối lễ. Vào lúc này, cộng đoàn sẽ trong tư thế sẵn sàng ra đi, mà phục vụ rao giảng Lời Chúa. Và rồi, mọi người sẽ ra về để tháp tùng Đức Giêsu, thể hiện ngang qua vị chủ tế, để rồi sẽ ra đi khắp thế gian mà đại diện Chúa, đến với mọi người.”(Lm John Flader, The Catholic Weekly 26-4-2009, tr. 10)

Chỉ dẫn vẫn là thế. Chỉ và dẫn, về tư thế đứng ngồi nơi thánh lễ. Đứng/ngồi buổi tế tự, vẫn là cử chỉ cần rập ràng, cho xứng hợp. Nhưng, đứng/ngồi ở đời thường, là thói quen nay đã đổi ở vài nơi. Thói quen hay thói tật, của một số người. Ở một số nơi. Đây, vẫn là đề tài của chuyện cười ra nước mắt. Cười không dứt. Chuyện rất buồn mà cứ cười. Buồn cười. Buồn là thế đó. Cười là ấy vậy. Như dưới đây, là chuyện rất buồn, mà vẫn cười. Cười, là bởi người người vẫn cứ hát:

“Về đây, buồn trông cánh chim bay

về đây, buồn nghe gió heo may

về đây, đâu còn phút sum vầy

đâu còn thắm niềm say

lạnh lùng ngắm trời mây.” (Châu Kỳ - bđd)

Lạnh lùng ngắm trời mây, cả vào khi tham dự thánh lễ. Lúc chia sẻ. Lạnh lùng ngồi đứng ngoài trời. Trên Honda hai bánh. Với thuốc lá phì phà, trên môi. Lạnh lùng, khi thiên hạ mang rổ mời ta sẻ san niềm thương đau người nghèo, mà bố thí. Lạnh lùng, khi bạn Đạo quay sang chúc bình an, rất chân phương. Thương tình. Mình vẫn lạnh. Lạnh lùng, là tư thế của người vẫn sống “một ngày như mọi ngày”, ở dương gian chốn thế trần. Nhiều hệ luỵ. Những hệ rất luỵ phiền, như truyện kể sau đây:

“Nhóm trẻ nọ, vẫn muốn tìm hiểu xem, lý do từ đâu, mà dạo này ít người chịu đi lễ, thế. Chí ít, là có đi nhưng cứ đứng ngồi chẳng đồng bộ/rập khuôn, đúng lễ nghi quân cách. Nhóm này, bèn tìm đến đấng bậc đạo mạo nọ, thuộc bậc thày, ở nhà trường. Sau lúc hàn huyên, trong nhóm trẻ ấy, có người bèn thổ lộ: làm gì cũng được, nhưng nếu làm mà chẳng vui thích, sẽ bị căng thẳng, trầm mặc, dễ ưu tư. Bậc thày thấy vậy, bèn mời nhóm trẻ quá bộ bước vào phòng ăn để thưởng thức tách cà-phê, do ông chế. Từ bếp bưng ra, những là ly tách và nước nóng để pha chế. Thày mời nhóm học trò cũ, cứ tự tiện chọn ly tách, mà thưởng thức.

Khi mọi người đâu đấy ổn định ly tách trên tay, thày ôn tồn bảo:

-Để ý một chút, bạn sẽ thấy người nào cũng chọn ly tách gọn/đẹp, bỏ tách ly nào xấu xí. Nặng nề. Rẻ tiền. Thường thì, ai cũng muốn điều hay, món lạ. Cứ thích những gì tốt nhất, cho riêng mình. Đó, là cội nguồn của mọi vấn đề. Của những căng thẳng. Ưu tư. Trầm mặc. Tuy nhiên, điều bạn vẫn muốn, chỉ là cà-phê ngon, chứ đâu phải ly hoặc tách? Ấy vậy, tại sao ai cũng chọn tách ly đẹp nhất? Rồi còn đảo mắt nhìn quanh xem ly của người khác, có đẹp bằng mình không. Cho nên, nếu ta coi cuộc sống ngoài đời, hay trong Đạo, như ly cà phê ngon, hẳn mọi thứ khác như tiền bạc, công việc, chức vụ.. chỉ là những ly cùng tách, thôi. Tất cả, chỉ là dụng cụ hay công cụ hào nhoáng bên ngoài, để chứa đựng sự sống, ta trân trọng. Nhưng phẩm chất cuộc sống, nào đổi thay? Thành thử, đôi lúc ta thấy người người tập trung vào ly tách, tức những gì bề ngoài, không quan trọng. Tất cả sẽ thất bại. Không thưởng thức được chất lượng ngon/đẹp, ở bên trong. “

Truyện kể ở trên, có kèm lời bàn của người kể, rằng: mọi việc, nếu chỉ để ý đến động tác thứ yếu/bên ngoài thôi, ta sẽ thất bại. Thất bại, gọi là: căng thẳng. Chán ngán. Lặng câm.

Áp dụng chuyện đứng ngồi, ở nhà thờ. Tưởng, cũng nên mời bạn, mời tôi, ta thử suy xem đâu là điều chính yếu, trong phụng thờ. Khi đã tìm được rồi, người người sẽ hân hoan thực hiện. Thực hiện trong phấn khởi. Vui mừng. Đồng loạt. Thực hiện rất lớp lang. Trật tự.

Trần Ngọc Mười Hai

Từng đứng ngồi nhiều giờ

nào đã nản.

Chỉ mỗi nản, chỉ là khi

để luột mất tương quan.

Với mình và với bạn, thôi.

No comments: