Nằm trên căn gác đìu hiu”
(Trịnh Công Sơn – Lời buồn thánh)
(Mc 1: 43)
Buồn là phải. Ai đâu, những buổi chiều vàng ngày của Chúa, mà cứ vò võ. Đìu hiu. Nằm dài, trên căn gác trọ, rồi thở than. Thật uổng phí. Mất thì giờ. Chẳng thế mà, nghệ sĩ lại vẫn hát:
“Ôi tiếng hát xanh xao của một buổi chiều,
Trời mưa, trời mưa không dứt,
Ô hay! Mình vẫn cô liêu!” (TCS – bđd)
Xanh xao. Đìu hiu. Cô liêu. Là, chuyện dễ hiểu. Thực chất, thì sự thể vẫn là những tình tự hiển nhiên, miên triền một chủ bại. Chủ bại, là tình tự gắn liền với cuộc đời. Của những người, lâu nay đà mang “lời buồn thánh”, quyết áp đặt ngày của Chúa.
Thật ra, thực chất của vấn đề, mà người người thường tự hỏi, là: hờn căm, giận dữ, với “nổi sùng”, có là “lời buồn thánh”, chốn dương gian? Nếu không gọi đó là thánh, thì tại sao Chúa cũng buồn, và biết giận? Chúa buồn giận? Hay, Ngài chỉ có những lời, như sau:
“Ngài nghiêm giọng
đuổi anh đi, và bảo:
“Coi chừng, đừng nói gì với ai,
nhưng hãy đi trình diện với tư tế;
vì anh đã lành sạch…”
(Mc 1: 43)
Nghiêm giọng, hoặc nổi “cơn giận lành” rồi đuổi đi, như khi Ngài vào đền thánh Giêrusalem thấy con dân vẫn cứ làm chuyện “không phải”.
Các dịch giả và nhà chú giải Kinh thánh, thấy khó xử, khi giải thích thái độ của Chúa, lúc Ngài thấy chuyện “không phải”, do dân gian. Quở mắng? Phiền trách? Hoặc, dùng roi đuổi đám ô tạp, vì cứ mải miết làm điều “không phải”, kéo dài dài?
Sự thường, thì: giận là trạng thái vẫn hay gặp, trong cuộc sống. Rất thông thường. Giận, là động thái quyết diễn lộ, hầu cho thấy: có cái gì đó không ổn xảy đến, ngoài ý muốn. Giận, có thể để giải bầy sự việc với người khác, không theo cung cách thường tình. Dễ thương. Giận, là một trong 7 thứ tình, luôn gắn liền vào với con người. Ta chỉ có thể kềm chế, chứ không tài nào dứt bỏ. Huỷ hoại. Mãi mãi.
Trong sống đời đi Đạo, giận dữ luôn có mặt bằng nhiều hình thái. Có loại hình nhè nhẹ, chỉ một nét nhăn chạy dài trên khung trán. Một ánh mắt hung hăng, rất thoáng vụt. Hoặc, một cái nhún vai, hất hàm. Tỏ dấu bất bình. Cũng có thể, là động thái hung hăng, quăng quật. Bằng cử chỉ rất dữ tợn. Ngôn từ, thì chồng chất những chĩu nặng. Cử chỉ, thì như muốn ăn tươi nuốt sống, người bên kia. Có thể, là hành vi sử dụng ngoại vật, gây tác hại lên nhiều thứ. Chất chồng. Đậm đặc. Khó dừng.
Không thể gọi đó là: “cơn giận lành”, vịn cớ rằng Chúa là Đấng mặc lấy hình hài của người phàm, nên Ngài cũng biết giận, để ta có thể men theo mà hận. Và oán. Rất phẫn nộ. Mà, nên hiểu nghĩa giận chỉ mang tính lành và thánh, khi nó tuyệt nhiên không gây hại. Một ai. Làm như thế, chỉ để điều chỉnh sự việc dầu “không phải”, nhưng sao vẫn thấy làm. Một việc làm, khó điều chỉnh. Đổi thay. Khó, trong vị thế. Số hiệu. Cường độ.
Để minh hoạ, cơn giận lành và thánh, có lẽ cũng nên về với truyện kể nhè nhẹ, rất như sau:
“Trưa hôm ấy, hai ông cháu đưa nhau xuống phố xem thiên hạ đối xử với nhau thế nào, ở huyện đời. Huyện nhà Luân Đôn, chốn ồn ào, náo nhiệt. Rất dễ ưa. Đi ngang qua Viện Thứ Dân, cô cháu nhỏ bèn hỏi ông nội:
-Nơi đây, có phải là nơi mọi người trong đó cứ đùng đùng nổi giận, rồi cã vã, không thưa ông?
-Chẳng phải thế đâu, cháu ơi. Đây là chốn mà người lớn ta gọi là chính trường.
-Chính trường là gì vậy hả ông?
-Là… ừ, chỉ là nơi kiến tạo và phân phát những quyền hành.
Thế rồi, hai ông cháu chợt đi ngang một toà nhà, mà thiên hạ vẫn gọi là “ngân hàng”. Cô cháu liền hỏi:
-Ông ơi, kìa! Đây có phải là chỗ người ta vẫn thường làm cho mọi người vui không sao thấy ai cũng hả hê, như thế?
-Đây là nơi người ta đang làm kinh tế đó, cháu!
-Làm kinh tế là làm cái gì, hả ông?
-Là, kiến tạo và phân phát sự giàu sang/phú quý, đó cháu.
Rồi, hai ông cháu lại tiếp tục đi. Cứ đi và đi mãi, gặp một nhà thờ, cô cháu bèn hỏi:
-Còn đây nữa, thế ông bảo đây là cái gì hà?
-Nhà thờ, đó cháu.
-Nhà thờ, là cái gì? Ở đây, người ta có nổi sùng, rồi cãi nhau không?
-Không đâu. Đây là nơi thờ phượng, mà.
-Thờ phượng là cái gì thế, ông? Nó có kiến tạo và phân phát gì không?
Ông nội nghe cô cháu hỏi câu hơi lạ, nhưng cũng đáp trả đôi ba tiếng, cho xong chuyện:
-Chỗ này đâu dính gì đến quyền hành và giàu sang/phú quý đâu mà giận hờn, cãi vã!
À thì ra, chỉ chỗ nào dính dấp chuyện quyền hành và giàu sang/phú quý, người ta mới cãi vã, nổi giận. Cũng là câu đối đáp. Rất hay. Nên suy tư, nghiền ngẫm. Bởi, chừng như suốt nhiều thế kỷ, người người vẫn cứ đối đầu. Rồi lại, tranh giành quyền hành và giàu sang/phú quý, nên mới xảy chuyện giận hờn, cãi vã. Phùng mang, trợn má. Chính trị và kinh tế. Nhà nước với thị trường. Giàu sang đa mang quyền thế, vẫn là chuyện gây tranh giành cãi cọ, một chuyện thường. Nhà nước chính là ta, qua tư cách một tập thể. Có khả năng chế ngự. Quản trị. Nhiều phù phép. Thị trường hay kinh tế, cũng do ta, qua tư thế của nhiều chủ thể. Những vị chủ.
Ở chính trị - kinh tế, người đời cứ cãi vã - giận hờn hằng thế kỷ. Đó là chuyện đã đành. Hiểu được. Bởi, hễ dính dấp chuyện giàu sang, lan man quyền thế, thì người đời thường không nhả bỏ. Nhưng, chuyện nhà thờ/nhà thánh, sao vẫn thấy hờn căm, ngăm đe chuyện tranh chấp. Chấp nhận sao?
Giận hờn và tranh chấp, xảy đến với kinh tế - chính trị, còn hiểu được. Là vì, người đời không thể san sẻ giàu sang - quyền lực cho nhau, với nhau được. Nhưng, với niềm tin và phụng thờ ở nhà Đạo, là địa hạt ta có thể và vẫn phải sẻ san, trao cho nhau. Sẻ và san, không chỉ tiền bạc/tài sản hoặc quyền hạn mà thôi, nhưng san và sẻ cả lòng thương, tình bạn lẫn kiến thức, ảnh hưởng, về mọi thứ. Mới phải chứ?
Quả thật, lòng thương, tình bạn, kiến thức cùng tầm ảnh hưởng, đều là những thứ mà mọi người đều có thể và cũng nên sẻ san. Là thứ, ta vẫn gọi là “thiết yếu”. Bởi, càng san sẻ, ta càng “có“ nhiều, và “có” thêm. Nói cách khác, quyền hành và giàu sang, là thứ trò chơi không tạo nên thực chất, cho một ai. Bởi, nơi trò chơi này, luôn luôn có một người thắng, một người thua. Nếu bạn thắng, tôi sẽ thua. Nếu bạn thua, tôi sẽ thắng. Còn, ở “san sẻ”, lại không như thế. Khi ta sẻ san, cả hai bên đều thắng lớn. Chẳng bao giờ có người thua. Không có bên thua. Chính trị - kinh tế, là đấu trường. Là, địa hạt của tranh đấu, với ganh đua. Giành giựt. Còn sẻ san, là địa hạt của hợp tác. Nâng niu. Đùm bọc.
Có lẽ, vì không nắm được ý nghĩa của thư giãn với sẻ san, nên người nghệ sĩ lại những than cùng thở:
“Chiều Chúa nhật buồn
Nằm trong căn gác đìu hiu
Tôi xin em năm ngón tay thiên thần
Trong vùng ăn năn, qua cơn hờn dỗi
Tôi tôi xin năm ngón tay em đi vào cô đơn.” (TCS – bđd)
Chính vì, cứ đìu hiu - ăn năn - hờn dỗi, nên người người mới cô đơn. Muộn phiền. Buồn thánh. Trong khi đó, thánh nhân nhà Đạo vốn quyết tâm sẻ san. Thương yêu. Đùm bọc, nên đã nhắc:
“Chớ gì giữa anh em
đừng có chia rẽ, ghen tương, oán ghét,
cạnh tranh, vu khống,
nói hành, kiêu căng, hỗn loạn.”
(2Cr
Sở dĩ, người nhà Đạo cứ vui. Cứ thương yêu - đùm bọc - sẻ san, là bởi người nhà Đạo vẫn biết và vẫn nhớ lời dặn của thánh nhân:
“Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn,
hiền từ và nhẫn nại;
hãy lấy tình bác ái
mà chịu đựng lẫn nhau.”
(Êp 4: 2)
Và người nhà Đạo, còn hiểu rằng: ở hiện trường kinh tế - chính trị, mọi người chỉ biết có đấu tranh, giành giựt, quyết chiến đấu, một mất một còn. Chính đó là ý nghĩa của cạnh tranh. Thi đấu. Với ganh đua. Ở nhà Đạo, là chốn mọi người vẫn chỉ muốn có hợp tác. Sẻ san. Giao ước. Do đâu có những đặc tính ấy? Chắc chắn, những thứ đó ta không tìm gặp được ở chính trường, lẫn thị trường. mà chỉ có thể, ở hôn nhân. Gia đình. Dòng tu. Hội ái hữu. Cộng đoàn tình thương, thôi.
Khác biệt, là ở chỗ: chính trường và thương trường chỉ thấy từng cá nhân, từng chủ thể o ép lẫn nhau, quyết giành lấy cho chính mình, của ngon vật lạ, mà hưởng thụ. Còn, ở cộng đoàn tình thương, các thành viên trong đó chỉ biết kính trọng lẫn nhau. Tin tưởng và yêu thương. Chăm lo – san sẻ những gì mình có người còn thua kém, thiếu thốn hơn mình.
Ở chính trường và thương trường, người người chỉ thấy có giao dịch, và kình địch. Còn, ở cộng đoàn, vẫn luôn là tương quan, và sẻ san. Chia sẻ những gì mình có. San sớt, những gì mình không thấy rất cần. Người nhà Đạo, không chỉ biết có thu thập. No say, những lợi nhuận. Có khi còn sớt chia cuộc sống, bằng những lời thề sống chết với nhau. Bên nhau. Và có nhau. Và mỗi khi làm vị gì lành và thánh, đều vẫn quyết không làm cho riêng mình. Chỉ một mình mình. Mà, là tất cả.
Đó chính là ý nghĩa của cuộc sống có tương quan. Mà, tương quan là sự hài hoà. Bình an. Vô vị lợi. Chính vì thế, người nhà Đạo công chính và đích thực, phải là người luôn vui sống. Hiền từ. Chỉ chú trọng đến những tình tự tích cực trong 7 thứ tình. Chứ không phải chỉ biết có tranh, và giành. Giành ăn. Giành sống. Giành quyền.
Chính vì thế, khi có tương quan với Chúa, với Hội (của các) thánh, người nhà Đạo không cầu “xin”, mà chỉ cầu nguyện. Cầu và nguyện, không cho mình. Nhưng cho người. Cho mỗi người. Và mọi người. Như lời cầu của ai đó, ở bên dưới. Như một truyện kể của dân con nhà Đạo, vẫn nguyện cầu cùng Chúa, như sau:
“Con cầu Chúa,
phù hộ thương ban cho người thân cùng bạn hữu của con,
mãi được khoẻ mạnh và hạnh phúc.”
Chúa nói:
-Nếu Ta chỉ cho họ có 4 ngày thôi.
Người đệ tử lại nguyện cầu:
-Thế thì, Chúa cho họ được khoẻ mạnh và hạnh phúc trong những ngày của mùa xuân, mùa hè, mùa thu và mùa đông.
Chúa lại nói:
-Nếu Ta chỉ cho 3 ngày thôi.
Người đệ tử lại nguyện và ước:
-Nếu chỉ được có 3 ngày, thì Chúa cứ cho họ được khoẻ mạnh và hạnh phúc ngày hôm qua, hôm nay và ngày mai.
Đức Chúa lại nói:
-Vậy là, Ta chỉ cho 1 ngày thôi.
Người đệ tử bèn thưa:
-Dạ, như thế cũng được!
Chúa mới hỏi:
-Vậy, con muốn ngày đó là ngày nào?
-Người đệ tử mau mắn đáp:
-Chúa cứ cho họ được khoẻ mạnh và hạnh phúc, mỗi một ngày.
Chúa cười, và nói:
-Như thế là tốt. Bạn bè – người thân của con gồm cả những người nghe biết thông điệp này, sẽ được khoẻ mạnh và hạnh phúc, hết mọi ngày.
Thế đó, là truyện kể. Thế đó, chỉ để minh hoạ. Chứ, có Chúa nào mặc cả, và ra giá, như thế. Như ở chính trường, với thương trường. Bởi, cả chính trường lẫn thương trường, hoặc nhà trường-trường nhà, nơi nhà Đạo, tất cả chỉ là hiện trường của những khoẻ mạnh và hạnh phúc. Hết mọi ngày. Toàn cuộc sống. Mọi ngày đều là ngày của Chúa. Mỗi một ngày, đều không có cái-gọi-là “lời buồn thánh”. Mà chỉ là “một ngày như mọi ngày”, những ngày có Chúa. Có bạn. Và có tôi. Ta cứ thế mà sống vui. Sống mạnh. Sống vững chãi trong tình thương. Của mọi người.
Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn quan niệm
đời là như thế,
vẫn vui tươi.
(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.tranngocmuoihai.blogspot.com ;
hoặc, www.suyniemloingai.blogspot.com;
hoặc, www.giadinhanphong.blogspot.com)
No comments:
Post a Comment