Sunday 12 July 2009

“Tình vui, trong phút giây thôi”

"Ý sầu nuôi suốt đời Thì xin,
giữ lấy niềm tin,
dẫu mộng không đền.” (Vũ Thành An & Nguyễn Đình Toàn- Tình khúc thứ nhất) (Giáo luật số 276) Tình khúc thứ nhất, có là nhạc bản phổ từ thơ chất chồng những tình vui, vẫn là một trong các “bài không tên”, mang nhiều số hiệu của nhạc sĩ Vũ Thành An và nhà thơ Nguyễn Đình Toàn. Toàn, những bài ca thân thương. Trìu mến. Vào độ trước. Nhạc sĩ họ Vũ ngoài luồng độ trước, nay đã là Phó tế, trong Đạo. Trong cộng đoàn nhà Đạo. Vẫn miên man viết nhạc Đạo. Cũng nhiều tình tự, vui không kém. Tình tự thơ/nhạc của các nghệ sĩ Nguyễn và Vũ là tình vui, nhưng vẫn mang mác một nỗi buồn. Buồn một nỗi, không da diết lắm nhưng vẫn khiến người ca sĩ phải kêu lên: “Có biết đâu niềm vui, đã nằm trong thiên tai; những cánh dơi lẻ loi, mù, trong bóng đêm dài.” (Vũ Thành An & Nguyễn Đình Toàn – bđd) Đêm dài lẻ bóng, những cánh dơi. Và, niềm vui hàm ẩn một thiên tai. Mai ngày. Nhiều thương tiếc. Thương và tiếc, để rồi người viết xin cho “niềm tin (được) giữ lấy”, “dẫu mộng không đền”. Tiếc thương, nay là lập trường của các đấng bậc nhà Đạo. Thương tiếc, giòng đời đổi thay. Tiếc thương, phút vui “sum vầy”, rày rất hiếm. Hiếm, như ý từ của câu ca, bên dưới: “Ngày thần tiên, em bước lên ngôi đã nghe son vàng tả tơi. Trầm mình, trong hương đốt hơi bay, mong tìm ra phút sum vầy.” (Vũ Thành An & Nguyễn Đình Toàn – bđd) Tiếc, là tiếc cho ngôi cao nhà Đạo, nay tơi tả một đời. Đời linh mục. Đời của các đấng bậc, nay bay về nhiều nhận định làm nức lòng người nghe. Đầy dẫy những ưu tư, lo lắng. Lo cho tương lai của Giáo hội, nay thiếu linh mục. Lo, như lời lẽ trải dàn nơi bài viết, ở báo/đài. Khắp đó đây: “Lm Darrell Venters ở giáo phận Owensboro, Kentucky đã bỏ nhiều thì giờ ra để tuyển mộ linh mục ngoại quốc, đến phục vụ tại thị trấn nhỏ, giáo phận mình. Bằng vào kinh nghiệm tư riêng trong quá khứ, ông lên tiếng phát biểu: “Nếu chúng tôi không tuyển dụng các linh mục từ nước ngoài đến Hoa Kỳ phục vụ, thì tương lai các chàng trai linh mục của chúng tôi, sẽ quá tải mà lãnh nhận trọng trách cùng lúc coi sóc những 5 giáo xứ. Không ít. Và thêm nữa, nếu một trong các vị trẻ ấy phải bỏ rời nhiệm sở; hoặc, bị Giáo hội can ngăn Không cho thi hành sứ vụ mục tử. Hoặc tệ hơn, trường hợp các vị quá vãng/già bệnh, biết lấy ai mà thay thế.” Từ 6 năm qua, nội giáo phận Owensboro này thôi, chúng tôi cũng đã hân hạnh đón tiếp 12 linh mục đến từ Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ la tinh, phục vụ phần ba đất miền vắng vẻ còn lại ở phía Tây. Nơi đây, đa số là người da trắng. Vị quản hạt, nổi tiếng với sứ vụ “nhập” linh mục từ nước ngoài, cho biết: đây là phương cách tốt nhất để bù trừ tình trạng thiếu hụt linh mục tại Mỹ quốc. Phương cách đích đáng, hầu tái tạo Hội thánh Chúa, ở Hoa Kỳ. Bằng những kinh nghiệm riêng tư có giới hạn, Lm Venters còn nhận định:‘Thường thì, giáo phận ta dễ làm việc với các linh mục đến từ nước ngoài, hơn là các vị xuất thân từ các địa phận ở quê nhà. Bởi, dù các linh mục “nhập cảng”, nếu có bê tha/cẩu thả hoặc gì đi nữa, mình chỉ cần nói câu: ‘Xin cảm ơn cha, ta hẹn ngày tái ngộ’, là xong. Cứ chấm dứt quyền thường trú, không cho họ ở lại lâu hơn, là thành công ngay thôi.” (Laurie Goodstein, A growing American diocese, short of priest, recruits overseas, International Herald tribune 29/12/2008 tr. 5) “Nhập” linh mục từ nước ngoài, hay trao trọng trách coi thêm nhiều giáo xứ cho các linh mục chấp nhận ở lại với Hội thánh, vẫn là quyết định của đấng bậc có thẩm quyền. Không riêng gì Hoa Kỳ, Pháp quốc, hay Sydney. Ý kiến của các đấng bậc, thật đa dạng. Nhiều lý chứng. Rất hợp tình. Trong số ấy, cũng nên kể ra đây, ý kiến của Đức Hồng Y Carlo Maria Martini SJ, hôm trước. Rất như sau: “Thiếu hụt linh mục, nếu chỉ thêm việc cho các linh mục đang có sẵn, tức: giao trọng trách coi thêm giáo xứ cho vị nào mới chỉ chăm lo duy nhất mỗi một giáo xứ; hoặc, nhập thêm linh mục từ nước ngoài vào, thật ra, cũng chẳng giải quyết được nhiều nhặn gì. Khi trước, Hội thánh ta cũng đã tính đến khả năng phong chức cho một số giáo dân, gọi là chức thánh để thử nghiệm (còn gọi là ‘viri probati’). Có một điều, là: Kinh thánh Tân Ước có đề cập đến vai trò của các ‘nữ phó tế’, vào thời trước…” (Chú thích của Parco Politi: Đức Hồng Y Martini gợi nhớ cuộc nói chuyện với Tổng Giám Mục Canterbury là Gm George Carey, khi ngài nghe tin Giáo Hội Anh Giáo phong chức linh mục cho phụ nữ, ngài có nói với Tổng Giám Mục Carey, là: quý vị cứ can đảm lên, mà tiến bước. Ngài cũng tỏ bày niềm tri ân gửi đến Tổng giám Mục Anh giáo đã giúp đỡ Hội thánh Công giáo bằng những điều mà Giáo hội bạn vừa thực hiện. Giúp, là giúp ta biết định giá lại lập trường về công cuộc thừa tác mục vụ của phụ nữ. Và, ngài còn cảm tạ giáo hội bạn đã giúp nắm vững vấn đề, để ta tiếp tục mà tiến bước.” (Marco Politi, Tóm tắt buổi nói chuyện về đêm giữa Hồng Y Martini và Georg Sporschill, SJ, laRepubblica.it 19/5/2008) Nói gì thì nói, nghệ sĩ họ Vũ cũng đã viết lên những lời lẽ bình dị, nhưng sâu sắc, như: “Dù trời đem cay đắng gieo thêm cũng xin đón chờ bình yên. Vì còn đây, câu nói yêu em Âm thầm, soi lối vui tìm đến.” (Vũ Thành An & Nguyễn Đình Toàn– bđd) Chờ “Bình yên” cho nhà Đạo, hoặc “âm thầm soi lối vui, tìm đến”, là lời trấn an đi bước trước, của người nay-cùng-chung-một-Đạo, ta luôn tiến. Đặc biệt hơn, còn là lời nhắc nhở/gọi mời từ vị Chủ Chăn trên các chủ chăn, ở nơi cao chốn ấy, như sau: “Trong năm thánh Linh mục, chúng ta mở rộng không gian nguyện cầu, Chầu Thánh Thể, để lắng nghe Lời Chúa. Để, tiếng của Ngài được nhiều người trẻ nghe biết đến, mà đón nhận…” Đức Giáo Hoàng không quên nhắc đến tình trạng khan hiếm linh mục ở một số nơi. Và, ngài mời gọi tín hữu đừng nản chí trước tình trạng thiếu hụt ấy. Trái laị, phải gia tăng môi trường lặng thinh, lĩnh nhận bí tích giải tội, để tiếng Chúa được nhiều người trẻ nghe biết và đáp ứng. Bởi, Chúa luôn tiếp tục kêu gọi và củng cố.” (x. LmTrần Đức Anh O.P. VietCatholic News 02/7/2009) Với đấng bậc có trọng trách đào tạo/tuyển mộ linh mục đến từ nước ngoài, thì lại khác. Chẳng hạn như ý kiến của Lm Dennis Holly, thuộc Hội Thừa Sai Glenmary, Kentucky Hoa Kỳ, sau đây: Quả là, ta đang có vấn đề thiếu linh mục. Thế nhưng, thay vì ngồi đó hỏi hoài hỏi mãi lý do tại sao lại như thế, chúng tôi đành quyết định “nhập” một số linh mục ngoại quốc về đây để sinh hoạt. Coi như, thực tế không có vấn đề gì xảy ra, cho đến khi ta trực diện giải quyết các vấn đề: linh mục độc thân, phụ nữ làm linh mục, vv.. nếu không, cũng chẳng giải quyết vấn đề ơn gọi linh mục.” (x.Laurie Goodstein, bđd) Và tác giả bài báo, kết thúc bằng lời lẽ khá thực tiễn: “Tất cả vấn đề nêu trên, đều cần thiết. Rất có lý. Nhưng, trong khi chờ đợi có được giải pháp về lâu về dài, hẳn quý vị cũng như chúng tôi, ta vẫn phải tính chuyện đáp ứng nhu cầu của bà con trong Đạo, chứ!” (Laurie Goodstein, bđd) Nói gì đi nữa, vấn đề con số linh mục còn thiếu hụt, không đáng ta lưu tâm bằng đạo đức/chức năng và vai trò/trọng trách của các vị mục tử, ngày hôm nay. Về chuyện này, vẫn vang vọng nhiều ý kiến. Một trong những ý kiến rõ nhất, là thắc mắc của bạn đạo, trên The Catholic Weekly, Sydney hôm 05/07/2009, như sau: “Tôi thường nghe nhiều linh mục ở đây vẫn nói: khi đi nghỉ, các ngài không buộc phải làm lễ, chỉ cần cùng cộng đoàn tham dự thánh lễ, thế là đủ. Vào ngày nghỉ trong tuần, có vị còn chẳng buồn cử hành thánh lễ tại giáo xứ mình, nữa là. Vậy, câu hỏi của tôi hôm nay, chỉ thế này: là linh mục, hẳn là các vị đều phải cử hành thánh lễ mỗi ngày, như thế mới đúng, chứ. Bởi, đó là đạo đức/chức năng của chính mình. Xin cha giải thích thêm cho biết những điều vừa kể, để tránh tư duy thiếu bác ái, với các ngài.” Câu hỏi mà người bạn nào đó đặt ra, là cho người Sydney. Chuyển đến đấng bậc vị vọng ở đây, thật đúng cách. Thế nên, đức thày John Flader của Sydney lại được vời đến, ngõ hầu ta có được một giải đáp, thật chính xác: “Ngay từ đầu, các linh mục được khích lệ nên cử hành thánh lễ mỗi ngày. Nhưng, có luật nào gắt đến độ bắt các ngài phải làm việc ấy, mỗi ngày và mọi ngày, đâu! Luật Hội thánh, chương đặc biệt buộc hàng giáo sĩ ta phải tạo cho cuộc sống của mình được thánh thiện. Trong luật, có viết: “Các ngài phải nuôi dưỡng đời sống tâm linh của mình, thật sốt sắng. Nuôi, bằng Kinh thánh. Dưỡng, bằng Tiệc Thánh Thể. Các linh mục, ngay từ thời mới thành lập chức vụ này, đều được kêu mời hy sinh làm lễ mỗi ngày. Và, các phó tế cũng như trợ phó tế, cũng nên hợp tác dâng lễ, hằng ngày với linh mục.” (Giáo luật số 276, điều #2, câu 2) Lời khích lệ này, đối chọi với luật buộc các linh mục phải cầu nguyện bằng các Phụng Vụ Giờ Kinh, còn gọi là Kinh Nhật Tụng đọc hằng ngày, phù hợp với sách lễ của các vị, đã được phép.” (Giáo luật chương 276 #2, 3) Lý do tại sao các linh mục được yêu cầu cầu nguyện theo Phụng Vụ Giờ Kinh, mà không phải làm lễ, khi thánh lễ xem ra đã trở thành việc quan trọng? Để trả lời, có lẽ lý do chính đáng nằm trong khác biệt này, có bản chất thực tiễn. Muốn làm lễ, vị linh mục cần nhiều thứ, như: bánh và rượu, chén thánh, chai đựng rượu/nước, áo lễ, dây khăn thánh, sách lễ, giá sách, lễ phục, vv. Có nhiều khi, các thứ ấy không có sẵn. Đặc biệt, là khi vị linh mục trên đường di chuyển đi đây đó, lại không có nguyện đường Công giáo trong khu vực mình đến. Chính vì lý do này, mà Hội thánh đã miễn chước không đòi hỏi linh mục phải đến miền nào xa xôi khó kiếm để dâng lễ. Trong khi đó, để có thể cầu nguyện theo Phụng Vụ Giờ Kinh, linh mục chỉ cần đem theo cuốn Kinh Nhật Tụng, là đủ. Sách này được coi như “cẩm nang” cho linh mục, ai cũng có. Điều này, không hề làm mất đi tính chất quan trọng rất lớn lao của Thánh lễ, nơi đời sống của linh mục, và Hội thánh. Một chương-đoạn khác trong Giáo luật, cũng có viết: Hãy luôn nhớ rằng, nơi nhiệm tích Hy sinh của Tiệc Thánh Thể, công cuộc cứu rỗi vẫn còn đang tiếp diễn. Vì thế, linh mục phải thường xuyên dâng lễ. Thật thế, khi xưa, Hội thánh vẫn khuyến khích các linh mục nên dâng lễ hằng ngày. Bởi lẽ, dù có hay không có giáo dân tham dự, đây là hoạt động của Đức Kitô và Hội thánh, qua đó vị linh mục được uỷ thác thực hiện vai trò chính yếu của mình.” (Giáo luật số 904) Công Đồng Chung Vatican II cũng nói về Tiệc Thánh Thể như “nguồn cội và chóp đỉnh của đời sống Kitô hữu.” (Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, 11). Và, Thánh Công Đồng cũng còn viết: “nhiệm tích Hy Sinh của Tiệc Thánh Thể là ‘trọng tâm và nguồn cội’ của toàn bộ đời sống linh mục. Thế nên, các linh mục phải cố gắng sống cuộc đời mình một cách trọn vẹn , như tất những gì được diễn bày nơi bàn tiệc thánh hy sinh.” (Tông Huấn Presbytorum Ordinis, 14) Chính vì thế, mà phần lớn các linh mục ngày nay vẫn coi việc cử hành thánh lễ như sinh hoạt quan trọng, trong công việc hằng ngày. Đức Giáo Hoàng Gio-an Phaolô Đệ Nhị, có viết trong cuốn “Quà Tặng và Nhiệm Tích”, rằng: “Chức linh mục, trong thực tại đậm sâu của nó, là thiên chức của Đức Kitô.” (x.John Flader, The Catholic Weekly, 05/7/2009, tr.10) Nếu dùng lời lẽ của người thường ở đời, thì chắc bạn và tôi, ta sẽ lại dùng ca từ của nghệ sĩ ở trên mà hát: “Thần tiên gẫy cánh đêm xuân, bước lạc sa xuống trần thành tình nhân đứng giữa trời không khóc mộng thiên đường…” (Vũ Thành An & Nguyễn Đình Toàn – bđd) Cũng chả chắc gì, Hội thánh hôm nay đang ngồi khóc khi thấy nhiều “thần tiên đang gẫy cánh” giữa đêm xuân lồng lộng, nhiều ân sủng. Nhưng, “mộng thiên đường” vẫn còn đó, chờ đợi tình nhân của Đức Chúa đứng giữa trời không, mà khóc lóc. Nói cho cùng, Hội thánh hôm nay có khóc lóc hay vẫn cười trước tình thế người người có “giữ lấy niềm tin” hay không, dẫu cho “mộng thiên đường” vẫn “không đền”. Chả ai chắc. Có điều chắc, là thời hôm nay có quá nhiều vấn đề vẫn chờ Hội thánh giải quyết. Chờ mọi người. Và chắc chắn một điều, là Thần Khí Chúa vẫn ở bên ta. Bên Hội thánh. Ở trần gian. Dù gì đi nữa, hãy nói như nhà mô phạm ở đâu đó, trong trường lớp. Xã hội. Giáo hội. Có những lời bàn, rất thân, như sau: “Có lẽ phải nghĩ đến chuyện “hãy ngưng thôi, đừng làm cuộc đời mình thêm rắc rối. Bởi, đời người rất vắn vỏi. Hãy phá lệ, Thứ tha nhanh Yêu thật tình, ôm hôn hoà bình thật đúng cách Và, cứ cười nhiều, không dứt. Nhất là, đừng bao giờ tắt ngúm nụ cười mỉm Dù cuộc sống có xa lạ, nhiều trắc trở. Vì, đời người đâu phải lúc nào cũng vui như ngày Tết, Nhưng bao lâu ta còn có mặt trên đời này Hãy cứ mỉm cười và vui sống.” Và lời cuối, ta cùng người nghệ sĩ, hãy hát thêm câu: “Ngày về quê xa lắc lê thê trót nghe theo lời u mê Làm tình yêu nuôi cánh bay đi Nhưng còn dăm phút vui trần thế.” (Vũ Thành An & Nguyễn Đình Toàn – bđd) Phút vui trần thế, vẫn còn đó nỗi buồn. Phút vui thiên đường, đâu chỉ ngắn thế. Bởi thế, cứ vui lên mà hy vọng. Cứ hy vọng để sống vui. Sống hùng. Sống hạnh phúc. Trần Ngọc Mười Hai Vẫn nhắc nhở chính mình Những lời như thế.
(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com; hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com

No comments: