Thursday 20 December 2018

“Tôi hay nhớ về quê nhà vào buổi chiều”,


Chuyện phiếm đọc trong tuần sau lễ Hiển Linh năm C 06-01-2019

“Tôi hay nhớ về quê nhà vào buổi chiều”,
Nhất là những buổi chiều mưa rơi.”
(Đức Huy – Khóc Một Giòng Sông)

(Gioan 15: 20-21)

Trong nhà Đạo, những lời dặn “hãy nhớ” vẫn được tác giả Tin Mừng khi xưa ghi chép như sau:

“Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em:
tôi tớ không lớn hơn chủ nhà.
Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em.
Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em.
Nhưng họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại anh em,
vì anh em mang danh Thầy,
bởi họ không biết Đấng đã sai Thầy.”
(Gioan 15: 20-21)   

Ở ngoài đời, những gợi nhớ “quê nhà” vào buổi chiều, có mưa rơi, tiếng khóc rất chơi vơi! Có cả “gợi nhớ” giống như thế khi ông khóc một giòng sông đang chảy xiết, ở “Cali” như câu hát tiếp theo sau:

“Cũng may Cali trời mưa ít
không như Sài Gòn
Nếu không tôi đã khóc một giòng sông.
Không chi xót xa cho bằng một phận
người xa nhà sống một mình đơn côi.
Cũng may bên này thời gian qua vun vút
không như Sài Gòn.
Nếu không tôi đã khóc một giòng sông.

Khóc một giòng sông,
tôi đã khóc một giòng sông.
Một giòng sông dài nhớ cha nhớ mẹ, nhớ anh nhớ chị.
Khóc một giòng song, tôi đã khóc một giòng sông.
Một giòng sông dài những chiều mưa tôi khóc.
Khóc một giòng sông.”
(Đức Huy – bđd)

Vâng. Cứ thế, rồi ra anh/chị cũng sẽ nhớ hoài, nhớ mãi “một giòng sông” hay ai đó, ở chốn xa vời để rồi ta sẽ không khóc dai, khóc dài nữa, nhưng sẽ nghiêm chỉnh đặt vấn-đề của nhà Đạo như Đấng Bậc vị vọng ở chốn trên cao, từng nhắc dân con mọi người rằng:

Đức Phanxicô khuyến cáo các linh mục có đời sống đồng tính nên rũ “áo chùng thâm” thì hơn.  

Những thanh niên nào có khuynh hướng đồng tính thì không nên được gia nhập vào hàng ngũ giáo sĩ công giáo, còn các linh mục nào có đời sống đồng tính thì nên rời hàng ngũ giáo sĩ hơn là tiếp tục có cuộc sống hai mặt. Trước đây ĐTC từng nhấn mạnh đến nhu cầu cần phải thanh lọc kỹ càng các chủng sinh về xu hướng đồng tính và các linh mục nào nhận thấy không thể chu toàn “lời khấn độc thân” thì nên “rũ áo”. 

Các lời khẳng định này đã được Đức Thánh Cha đưa ra trong một cuốn sách nhỏ có tựa đề là: “The Strength of Vocation. Consecrated Life Today”. (Sức mạnh của Ơn Gọi. Đời sống Thánh Hiến hôm nay). Đó là kết quả cuộc phỏng vấn dài 4 tiếng đồng hồ giữa Đức Thánh Cha và linh mục Fernando Prado, người Tây Ban Nha. Cuốn sách này được phát hành ngày 3 tháng 12 bằng nhiều thứ tiếng. 

Trong sách này, Đức Thánh Cha nhìn nhận: “Vần đề đồng tính trong giáo hội đang làm Ta hết sức quan tâm. Đó là vấn đề hết sức nghiêm trọng”. Ngài nói thêm rằng: những ai có trách nhiệm đào tạo chủng sinh trở thành linh mục, cần phải nắm chắc là các ứng viên ấy phải “trưởng thành về mặt nhân bản và tình cảm” trước khi được phong chức. 

Điều kiện này cũng được áp dụng cho các thiếu nữ muốn gia nhập cộng đoàn nữ tu. Theo giáo huấn của giáo hội Công giáo, thì xu-hướng đồng tính, tự bản chất, chưa phải là tội, thế nhưng các hành vi đồng tính thì ngược lại.  

Nhân dịp này, Đức Phanxicô khuyến cáo những người đồng tính đang là linh mục hoặc nữ tu hãynên tôn trọng “lời khấn độc thân” và không nên gây ra các vụ tai tiếng. Ngài nói: “Tốt hơn cả là họ nên rời hàng ngũ tu trì, hơn là có cuộc sống hai mặt”.  

Cuộc phỏng vấn được thực hiện hồi giữa tháng 8. Thế nhưng, không đầy 2 tuần sau đó, ngày 26 tháng 8 năm 2018, Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Vigano - cựu Sứ Thần Toà Thánh tại Hoa Kỳ - đã gây sóng gió trong giáo hội khi ngài yêu cầu Đức Thánh Cha từ chức. Trong thư này, Đức Tổng Giám Mục Vigano tố cáo “một mạng lưới đồng tính” ngay trong Toà Thánh Vatican mà các thành viên tìm cách bao che và tiến cử lẫn nhau.

Đức Tổng Giám Mục Vigano còn cho rằng: Đức Thánh Cha đã bỏ ngoài tai những cáo buộc cho rằng Đức Hồng Y Theodore McCarrick, 88 tuổi, từng xâm phạm tình dục các chủng sinh. Tuy nhiên Toà Thánh coi các cáo buộc này là “vu khống và phỉ báng”.  (Trích Tin tổng hợp do Vũ Nhuận chuyển ngữ)

Tiếp theo đó, lại có bài viết từ Tuần Báo Sydney hôm 09/12/2018 đã ghi ý kiến của cây viết nữ mang tên Cindy Wooden, ghi như sau:

“Giáo hội Công giáo quả cũng hơi chậm lụt trong việc nhận ra sự hiện-diện của các nam-nhân đồng tính trong giới linh-mục. Thế nên, bề trên của các vị này cũng nên ra tay giùm giúp các ứng viên như thế, ngõ hầu họ có thể sống đời độc-thân hoặc rời chủng viện mà ra về. Trên đây là nhận định được Đức Phanxicô đưa ra cũng mới đây.

Đồng tính luyến ái, là vấn đề rất hệ-trọng nên ta cần nhận-thức cho thích-đáng ngay từ lúc ứng viên dự tính chọn lựa, nếu có vấn-đề. Đức Giáo Hoàng có nói với linh mục Fernando Prado trong buổi phỏng-vấn đặc biệt trước khi cuốn sách nói trên hoàn-tất việc ấn-hành.

Các đoạn trích trong bài phỏng vấn Đức Giáo Hoàng do linh mục Prado thực hiện vào tháng 8 năm 2018 mang tên “The Strength of Vocation: Consacreted Life Today” (tức: Sức Mạnh của Ơn Gọi: Cuộc Sống Thánh Hiến Hôm nay” được đăng trên báo vào ngày 01/12/18 trước khi sách này được in.

Năm 2013, Đức Phanxicô có tỏ bày với giới truyền-thông/báo chí Rôma, khi bảo rằng: “Giả như có vị nào đó là nam-nhân đồng tính muốn tìm kiếm Chúa và có thiện ý, thì tôi là ai lại dám phán xét họ?            Và, một số cơ-quan truyền thông lại đã nói ngược lại những gì mà Đức Giáo Hoàng tuyên bố với linh mục Prado cả vào khi Đức Phanxicô từng nêu rõ điều đó trong cuộc phỏng vấn mới này khi họ bảo là ngài nói về sinh-hoạt đồng-tính giữa các linh-mục và tu-sĩ là những người tuyên-hứa giữ mình độc thân sống khiết tịnh. Đức Giáo nói thêm: Trong cuộc sống thánh-hiến hoặc đời linh mục, không có chỗ cho loại-hình thương-cảm này.”

Chính vì lý do đó mà Giáo hội đề nghị là những vị nào có khuynh hướng đậm sâu như thế thì ta cũng không nên chấp-nhận họ đi vào thừa-tác-vụ hoặc cuộc sống thánh-hiến. Các linh-mục, tu-sĩ nam nữ có khuynh hướng đồng tính luyến ái phải được thôi-thúc sống độc thân toàn phần và, đặc biệt phải hoàn toàn có trách nhiệm quyết không bao giờ tạo tai tiếng trong cộng đoàn của mình hoặc đối với dân con của Chúa bằng việc sống hai mặt một đời.

Đức Giáo Hoàng lại cũng nói: “Tốt hơn cả, những vị như thế cũng nên rời bỏ thừa-tác-vụ hoặc cuộc sống thánh-hiến hơn là sống đời hai mặt. Đức Giáo Hoàng có tỏ bày cho linh mục Prado biết rằng: Hôm nay trong xã-hội ta sống chừng như sự việc đồng tính luyến ái lại mang tính thời trang cuốn hút và não-trạng này, theo cách nào đó, cũng gây ảnh-hưởng lên cuộc sống của Giáo hội.”

Đức Giáo Hoàng Phanxicô lại cũng cho biết: “Các chương-trình đào tạo tại chủng viện và cuộc sống tu trì phải được cập-nhật-hóa để nắm bắt vấn-đề này một cách nghiêm-túc hầu giúp đỡ các chủng sinh cũng như ứng-viên khao-khát cuộc sống ấu hiểu chính mình và cảm thông với nghĩa-vụ độc thân, thăng-tiến tính trưởng-thành và nhận-thức cho rõ xem ứng-viên nào đó đã sẵn sàng và có khả-năng sống cuộc đời độc thân hay không.” (X. Cindy Wooden, The Catholic Weekly 09/12/2018 mục CNS tr. 23)

Nói theo kiểu chính qui hay chính-mạch thì như thế. Còn nói theo kiểu thực tế, là hỏi rằng: giả như Giáo hội Công giáo của ta vẫn cứng ngắc đòi hỏi những chuyện tương tự, thì câu trả lời xin dành cá-nhân mỗi người khi có ý-định thực-hiện cuộc sống tu-trì theo phép Đạo, rất Công-giáo.

Nói theo kiểu người đời cho dễ hiểu, cả chuyện sống đời độc thân cũng không khác mấy đời sống vợ chồng mà chẳng ai nghĩ đến ai, thiết tưởng ta cũng nên đi vào vùng trời truyện kể ngắn/nhẹ, qua đó tác-giả trình bày cuộc sống lứa đôi, nhiều lúc cũng không dễ như đời sống độc-thân tù trì ở đây đó.

“Truyện rằng:    

Vào buổi trưa một ngày nọ, tôi tan làm trở về nhà, nóng quá đến nỗi đầu chảy đầy mồ hôi, mở tủ lạnh ra xem, không ngờ bên trong có nửa quả dưa hấu mát lạnh, tôi mừng rỡ và vội lấy ra ăn một cách ngon lành. Đúng lúc này vợ tôi cũng trở về, vừa đi vào cửa nhà cô ấy vừa than thở:
-Chết khát mất, nóng chết mất!, mở tủ lạnh ra, cô ấy ngẩn cả người ra. Tôi bảo với vợ là miếng dưa hấu đó tôi ăn rồi, nét mặt cô ấy thoáng một chút không vui, vội vã cầm ly đi rót nước uống, vừa nhấc ấm nước lên, bên trong cũng không còn một giọt nào. Thế là cô ấy đột nhiên phát cáu: 
-Anh cũng không biết đun lấy một chút nước, về nhà lâu như thế làm gì? 

Tôi giận dữ nói: 
-Sao cái gì cũng đều là tại tôi thế? Vì chuyện này mà hai chúng tôi chiến tranh lạnh mất một tuần mới hòa giải được.

Thứ bảy, tôi một mình trở về nhà bố mẹ tôi, họ vừa thấy tôi liền hỏi: 
-Sao một tuần nay bố mẹ không nhìn thấy vợ con rồi? 
Tôi liền đem câu chuyện giận dữ kể cho họ nghe từ đầu đến cuối. Mẹ tôi nghe xong liền trách mắng tôi, làm việc không nên chỉ có nghĩ đến bản thân mình mà không để ý đến người khác. Tôi không cho là đúng: 
-Chỉ là ăn hết nửa quả dưa hấu thôi mà, có cái gì ghê gớm đâu.”

Bố tôi vừa cười vừa nói: 
-Con không cần phải biện bạch cho bản thân nữa, ngày mai là chủ nhật, cả hai đứa hãy cùng tới đây một chuyến.

Ngày hôm sau, tôi cùng vợ chở con trở lại nhà bố mẹ tôi. Vừa vào cửa, bố tôi liền sai tôi đi mua dấm chua, đợi đến lúc tôi mua trở về, bố tôi nói vợ tôi đã đưa con ra ngoài rồi, nói xong bố tôi liền bê ra một nửa quả dưa hấu đưa cho tôi rồi nói:
-Nhìn con nóng quá đầu chảy đầy mồ hôi rồi, mau ăn miếng dưa hấu giải khát đi.

Nửa trái dưa hấu cũng chừng bốn năm cân, ông đưa cho tôi một cái thìa: 
-Ăn không hết thì để phần thừa còn lại cho vợ con về ăn.

Tôi cầm lấy cái thìa rồi ăn lấy ăn để, ăn chưa đến một nửa, bụng đã căng lên rồi. Lúc cả nhà ăn cơm, bố tôi mang ra hai miếng dưa hấu đặt lên bàn rồi nói với tôi: 
-Con xem xem chúng có gì khác nhau không?

Tôi rất bối rối, cẩn thận nhìn đi nhìn lại, một nửa là tôi vừa mới ăn, một nửa còn lại cũng là đã được ăn, nhìn một lúc lâu, cũng nhìn không ra kết quả gì, đành phải lắc đầu. Bố tôi chỉ vào miếng dưa hấu rồi nói:
-Một nửa này là con ăn, còn nửa kia là vợ con ăn, bố đều nói cho hai đứa là: “nếu như ăn không hết, thì để phần thừa còn lại cho người kia ăn”. Con nhìn vợ con ăn như thế nào? Là dùng thìa xúc từ bên cạnh rồi vào phía bên trong, ăn hết một nửa, nửa còn lại để nguyên không động tới. Nhìn miếng của con xem, bắt đầu xúc từ chính giữa, ăn hết phần thịt ở chính giữa, để phần bên cạnh cho người khác ăn, người nào mà chẳng biết phần thịt ở chính giữa ngọt chứ? Từ việc nhỏ này mà xét thì thấy vợ của con có tấm lòng hơn con nhiều.”

Mặt tôi bỗng nhiên đỏ lên. Bố tôi nói ý tứ sâu xa: 
-Cả một đời của hai người, liệu có thể có bao nhiêu việc to tát? Tình cảm vợ chồng thể hiện ở chỗ nào? Là thể hiện ở một giọt dầu, một thìa cơm, một thìa canh trong cuộc sống hàng ngày. Lần trước con vì việc ăn dứa hấu mà cãi nhau với vợ, lại còn bao biện hót như khướu, điều đó rõ ràng là con không đúng.

Nếu như đổi lại là vợ con về nhà trước, nhất định nó sẽ để phần cho con một nửa. “Đừng xem đây là việc nhỏ, nó có thể phản ánh ra tấm lòng của một người, bên trong miếng dưa chứa đựng một bài học lớn về cách ứng xử trong gia đình, khi trái tim đã nguội lạnh, con phải từng chút từng chút sưởi ấm cho nó, mỗi ngày đều luôn nhớ ủ ấm cho nó. Ngược lại khi trái tim đang ấm áp, con từng muỗng từng muỗng nước lạnh đổ vào nó thì một ngày nào đó nhất định sẽ khiến nó nguội lạnh. Con thử suy ngẫm xem, nếu như vợ con cũng giống như con, làm mọi việc đều không nghĩ đến con nữa, lâu dần, con sẽ thấy thế nào?

Thực sự, đây là câu nói thức tỉnh một người trong mộng như tôi, tôi bỗng nhiên phát hiện ra rằng, thường ngày khi trở về nhà, đôi dép được để gọn gàng, nước trà đã để sẵn trên bàn, chiếc ô được để sẵn ngoài cửa ra vào khi trời mưa, đó đều là thể hiện tình cảm yêu thương của vợ tôi, nhưng còn tôi thì sao, lại cứ tùy tiện, coi như không nhìn thấy, không hiểu được những điều đó mà còn suy bụng ta ra bụng người.

Nghĩ ra những điều đó, tôi hổ thẹn vô cùng, tôi vội vàng bưng sủi cảo đã lạnh ra đưa cho vợ:
-Cái này không còn nóng nữa rồi, em ăn trước đi!

Vợ tôi cười: 
-Anh chỉ giả bộ một chút trước mặt bố mẹ thôi.

Bố tôi cũng cười: 
-Có thể hạ quyết tâm đóng giả như thế cả đời thì là người chồng tốt rồi.

Tình yêu thương phải được thể hiện qua lại giữa đôi bên với nhau, hãy cảm thông với một nửa của bạn, đừng cho rằng mọi chuyện là họ cố tình gây sự với mình, mà hãy suy ngẫm tìm sai sót của bản thân mình.

Tóm lại, hạnh phúc cũng đơn giản thôi, dù đó có là đời sống độc thân tu-trì hay cuộc sống lứa đôi rất vợ chồng. Về hạnh phúc, người kể hôm nay cũng thêm đôi ba nhận-định để bạn và tôi, ta cứ thế mà suy nghĩ:
-Hạnh phúc không phải là ở trong một căn nhà lớn bao nhiêu mà là bên trong căn nhà có bao nhiêu tiếng cười hạnh phúc.
-Hạnh phúc không là lái một chiếc xe rất sang trọng, mà là người lái xe có thể bình an trở về nhà.
-Hạnh phúc không phải là yêu một người vô cùng xinh đẹp, mà là yêu một người có vẻ mặt cười sáng lạng.
-Hạnh phúc không phải là cười vui, thấm thiết bên nhau, mà trong đầu chứa một bồ nghi ngờ, suy nghĩ tiêu cực đối với người bên cạnh.
-Hạnh phúc không phải là nghe được bao nhiêu lời nói ngọt ngào, mà là lúc tổn thương có thể có người nói với bạn rằng: “Không sao cả, có anh ở đây rồi.” (Truyện do Phan Nguyên Luân… kể)

Ai kể mà chả được. Miễn là, truyện kể ấy nghe rất thích hợp và có thể áp-dụng cho tôi, cho bạn hoặc cho ai đó trong đời. Thật cũng đủ.

Trần Ngọc Mười Hai
Những muốn kể lể
Rất nhiều chuyện
Trong đời
Của nhiều người.

No comments: