Monday 10 December 2018

“Khi người yêu tôi khóc trời cũng giăng sầu”


Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ Ba mùa Vọng năm C 16-12-2018

“Khi người yêu tôi khóc trời cũng giăng sầu”
Cho từng cơn mưa lũ xoáy trong tâm hồn.”
(Trần Thiện Thanh – Khi Người Yêu Tôi Khóc)

(Mt 8: 11-13)

Ơ kìa. Làm sao thế? Mới thấy “Người yêu khóc” thôi mà sao “trời cũng giăng sầu”? Trời đây, có là trời của riêng ai? Của tôi, của anh và mọi người? Thôi thì, hôm nay xin được mời anh, mời chị, mời mọi người, ta nghe tiếp bài thơ có ca-từ, như sau:  

“Khi người yêu tôi khóc
thành phố buồn thiu
Em ơi tôi níu một lần yêu ái
trên cung ngà hắt hiu
Mây từ đâu mây đến
mờ dấu chân trời
Em tại sao em tới
cho anh yêu vội
Cho một lần yêu cuối
là phút lẻ loi
Em ơi hãy nói vạn lời sầu đắng
như em vừa trách anh.

Em một đêm cúi mặt
để cay đắng rơi thành giọt lệ đời
Anh niềm đau đến muộn
từng chiều lặng im nhìn mưa bão tới
Khi hồn em rã rời
ngày vui xé đôi tình nhỡ xa xôi
Anh xin trọn đời gói thân
trong một lần hối tiếc mãi thôi

Khi người yêu tôi khóc
xin rất im lìm
Như từ lâu tôi dấu
những cơn muộn phiền
Xin đừng đem nước mắt
gội xoá niềm đau
Cho yêu thương đó
em còn được giữ trong tâm hồn rất lâu.”
(Trần Thiện Thanh – bđd)

Quả thật ca/nhạc sĩ Nhật Trường Trần Thiện Thanh là người đa tài, nhiều phép. Khi xưa ông chuyên trị “nhạc sến” là thế, mà nay người nghe hễ thấy ai khóc lóc thảm thương, đều nhớ đến bài hát này của ông. Nói thế, phải chăng là nói về nhạc trữ-tình khá “sên sến” thời buổi trước, nay trở-thành nhạc thời thượng của miền Nam một dạo cứ nghe mãi nghe hoài mọi ngõ ngách ở chòm xóm!

Phải công-nhận, là: thời xa xưa ấy lúc bần đạo bầy tôi vừa mới lớn cũng được nghe loại nhạc này, nhưng chẳng bao giờ gọi đó là “nhạc sến” sợ rằng các chị hoặc các “má” tặng một đòn gánh lên đầu thì chỉ có nước chầu trời sớm, mà thôi.

Thế nhưng, có mê nhạc dành cho các chị hoặc các má ấy đi  nữa, cũng chẳng có gì đáng sợ bằng cái cảnh chòm xóm hôm nay, chỗ nào cũng thấy cái-gọi-là văn-hóa thỉnh âm kiểu “mì ăn liền” hết. Ta có mì/cháo ăn liền thì cũng có âm-nhạc kiểu “mì ăn liền”, văn chương “ăn liền” và nay lại thấy thần học kinh thánh thuộc loại “mì ăn liền” thật hết biết.

Hỏi chứ: “mì ăn liền” là cái chi mà ghê gớm thế? Nó là thứ gì mà dám chui cả vào nhà Đạo nữa vậy? Vâng. Xin bà con cứ từ từ, mọi sự hạ hồi sẽ rõ thế nào là “mì ăn liền” trong thần-học hoặc thánh-kinh, ngay thôi.

Thôi thì, sợ rằng bà con không đủ kiên-nhẫn với kiên-trì chờ đợi, thì đây: bần đạo bầy tôi xin đi tắt bằng cách trích dẫn đôi điều cũng na ná giống thế. Trích và dẫn, là trích dịch và dẫn-giải đôi ba giòng thần học xuất từ tư-tưởng của đấng bậc nhà Đạo rất Hoa Kỳ Kỳ như sau:

“Kinh thánh là một trong các biểu-tượng khá mơ hồ về quyền-uy/thế-lực mà lịch sử từng bao trùm bằng thứ thần-bí rất mê-hoặc. Đối với nhiều người thì, có khả-năng trích-dẫn thánh kinh để hỗ-trợ lập trường của mình được biện-minh, thuyết-phục tự-hào và đúng đắn. Với một số người khác, thì cuộc tranh-luận được đóng lại khi thấy rõ là Thánh Kinh ở về phe họ.

Tuyên-bố chính-thức của Giáo-hội vẫn công-nhận điều này, lại có khuynh-hướng thắt chặt tùy-tiện bằng các văn-bản thánh kinh lấy đó làm chứng cứ. Rất nhiều ảnh-hưởng của các nhà giảng thuyết hùng hồn thời đã qua cũng như các thuyết-giảng điện-tử ngày hôm nay đều xuất tự thẩm-quyền của loại kinh-thánh mở ngỏ có trong tay họ với lời khẳng định rằng sách này vẫn chứa-đựng lời “cố định của Chúa” khả dĩ giải đáp được mọi vấn đề.   

Những lời như thế đều mang tính chung cuộc, toàn thiện và ở bên trên mọi thứ mà không bị ảnh hưởng bởi các thay đổi hoặc trở ngại của cuộc sống dễ đi đến chỗ chết vẫn đe-dọa các cử-tọa là những người được kêu gọi đi vào đó.

Kinh thánh, nếu hiểu theo nghĩa đen hoặc được công-bố chắc chắn như nền tảng của mọi sự, lại sẽ mang sự chắc nịch, ổn định đến cho những người chuyên chống lại mọi đổi thay, tức đem lại sự thoải mái tối đa cho những người như thế.

Thật ra thì, trên thực tế, cả giới bảo-thủ lẫn người phóng khoáng đều trích dẫn kinh thánh có lợi cho phe của mình, khi tranh chấp. Thế nhưng, thế giới của ta là thế-gian trần-tục, cho nên mọi tranh luận giữa hai xu-hướng nói trên đều cho thấy nhiều khác biệt. Khác ở chỗ, là: Giáo hội nay không còn là cơ-quan nắm vững toàn bộ mọi uy-lực trên đầu óc của mọi người như đã từng xử sự hệt như thế trong quá khứ nữa.

Điều đó có nghĩa là: các đấng bậc đạo đức trong giáo-hội nau không nhiều. Những vị xưa nay từng quyết tâm cải tổ giáo-hội đến độ tuyệt vọng nay cứ từ từ biến mất không còn chung lưng đấu cật, hiện-diện trong giáo hội có tổ-chức được nữa…

Nói cách khác, Kinh thánh lâu nay vẫn là bản văn bị nhiều vị thuộc phe phái khác nhau lợi dụng để hỗ trợ cho lập trường của mình. Vì thế nên, Kinh thánh xưa nay vẫn bị thắt cột trong bốn bức tường tù túng, mất hết giá-trị thực chất trong một thời gian rất ngắn… (X. Gm John Shelby Spong, Living in Sin: An Ambiguous Symbol of Authority, viết trong  HarperSanFrancisco 1988 tr. 90-93)

Trong đời người, lại cũng thấy ê hề những khác biệt của người đời. Người thì chủ trương ăn hiền ở lành, kẻ thì bạ gì cũng làm, thấy gì cũng nói, kể cả những điều không nên làm, chẳng nên nói. Chính đó, là vấn đề. Chính đó, là sự khác biệt của tôi và của bạn, của mọi người trong cuộc sống.

Để minh-họa những điều nêu lên ở đây, xin mạn phép trích dẫn đôi giòng văn-chương vẫn cứ chảy mà bần đạo bầy tôi “bắt chộp” được ở đây đó, trong kho tàng chuyện kể và cả những chuyện không để kể mà chỉ để nghe thôi. Dưới đây là một trong những chuyện đại loại, được trích và dẫn như sau:

Điều bất hạnh nhất của chúng ta là sống với những người có lối nghĩ tiêu cực, không có kiến thức sâu rộng và cái nhìn toàn diện, điều này sẽ khiến cho cuộc sống của ta trở nên nhạt nhẽo và vô vị.

Ông chủ giàu có thấy tài xế của mình đã làm việc chăm chỉ trong nhiều năm. Vì muốn người lái xe này vẫn có một cuộc sống ổn định khi về hưu, nên ông chủ này đã đưa cho người lái xe tấm séc trị giá 1 tỷ đồng.

Không ngờ tài xế trả lời:
-Không cần đâu ạ, trong tay tôi cũng đã có hơn chục tỷ đồng rồi.
Ông chủ giật mình hỏi:
-Anh làm tài xế, lương của anh chỉ có 5 triệu đồng một tháng, làm sao lại tích cóp được nhiều tiền như vậy?
Tài xế nọ bèn trả lời:
-Trong suốt quá trình lái xe, khi ông ngồi ở đằng sau gọi điện và nói là sẽ mua đất ở đâu, tôi cũng mua một ít, ông nói mua cổ phiếu nào, tôi cũng mua một ít, hiện nay ước tính tôi cũng đã có hơn 10 tỷ đồng rồi.

Qua câu chuyện ngắn này chúng ta có thể thấy khi chúng ta đi cùng triệu phú chúng ta có thể kiếm tiền triệu, đi cùng tỷ phú chúng ta có thể kiếm tiền tỷ.

Một cây rơm rạ hoàn toàn không đáng giá một xu, nhưng nếu như nó được dùng để buộc một mớ rau cải thì nó sẽ có giá của một mớ rau cải. Nếu như nó được dùng để buộc cua biển, thì nó lại có giá đắt đỏ ngang với cua biển.

Giả như chúng ta ở cùng với những người có lối sống tích cực thì chúng ta cũng suy nghĩ tích cực, nhưng nếu chúng ta sống cùng người tiêu cực, thì chúng ta sẽ suốt ngày than trách số phận hẩm hiu.

Có người bảo, cuộc đời mỗi người có 3 thứ may mắn nhất: Khi đi học gặp phải thầy giáo tốt, khi đi làm gặp phải tiền bối tốt, khi lập gia đình gặp phải người bạn đời tốt.

Đôi khi chỉ cần một nụ cười, hay một câu nói cũng đủ để tạo ra sự khác biệt cho cuộc sống của chúng ta, và khiến nó trở nên ý nghĩa hơn.

Điều bất hạnh nhất của chúng ta là sống với những người có lối nghĩ tiêu cực, không có kiến thức sâu rộng và cái nhìn toàn diện, điều này sẽ khiến cho cuộc sống của ta trở nên nhạt nhẽo và vô vị.

Có câu nói rất hay rằng, "Bạn là ai không quan trọng, mà quan trọng là bạn ở cùng với ai!" (Chuyện kể do St sưu tầm)

Ngẫm nghĩ câu chuyện trên, hẳn bạn và tôi cũng có thể rút ra được một kết-luận cho cuộc mạn đàm luận phiếm hôm nay về cái-gọi-là “mì ăn liền” hoặc những thói quen thường thấy nơi chủ trương hoặc lập-trường của nhiều người ở nhiều nơi, hôm nay.

Mì ăn liền” trong các địa-hạt ở đời, còn là tình-huống dẫn đến khóc than, tiếc nuối hoặc ân-hận như Tin Mừng từ bậc thánh hiền đã khẳng định nhiều lần, như sau:


Tôi nói cho các ông hay:
Từ phương đông phương tây,
nhiều người sẽ đến dự tiệc
cùng các tổ phụ Abraham, Isaác và Giacóp
trong Nước Trời.
Còn chính con cái của Nước Trời
lại sẽ bị đuổi ra chỗ tối tăm bên ngoài,
ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng.”
(Mt 8: 11-13)  


“Khóc lóc và nghiến rằng”, phải chăng là lời nguyền chuyển đến con cái sự chết hoặc hết thảy mọi người ở chốn thế-gian, tục-trần này? Điều này, hẳn không ai dám trả lời cho rõ rệt. Chỉ rõ một điều là, đời người xưa nay gồm nhiều tình-huống trong đó cũng có “khóc lóc” và “nghiến răng”, đến nghẹt thở.   

Nói khác đí, “khóc lóc và nghiến rằng” có lẽ là tình-trạng của những người không may mắn, thiếu hạnh-phúc trong cuộc sống đích-thực. Sống thực đời người hôm nay, gồm 7 thứ tình, hết hỷ nộ, ái ố ai hoan lạc đều có cả. Thế nhưng, vẫn cứ phải trải qua những ngày dài nhiều tình tiết phức tạp.

Phức-tạp nhất, là tình-huống mà người nghệ sĩ hôm trước diễn tả qua thơ văn, âm nhạc với những lời như:


“Em một đêm cúi mặt
để cay đắng rơi thành giọt lệ đời
Anh niềm đau đến muộn
từng chiều lặng im nhìn mưa bão tới
Khi hồn em rã rời
ngày vui xé đôi tình nhỡ xa xôi
Anh xin trọn đời gói
thân trong một lần hối tiếc mãi thôi

Khi người yêu tôi khóc
xin rất im lìm
Như từ lâu tôi dấu
những cơn muộn phiền
Xin đừng đem nước mắt
gội xoá niềm đau
Cho yêu thương đó
em còn được giữ
trong tâm hồn rất lâu.”
(Trần Thiện Thanh – bđd)


Tắt một lời, cuộc đời người gồm đủ 7 thứ tình, những tình-huống trong đó có “khóc lóc và nghiến răng” sẽ không là khiếm khuyết nhỏ, với nhiều người.

Nhận định thế rồi, nay mời bạn và mời tôi, ta hát là những ca-từ vừa trích-dẫn để nhớ mãi, nhớ hoài tình-tự của tôi, của bạn và của nhiều người, và rồi từ đó có quyết-tâm trở về với cuộc sống rất thực cùng mọi người, rằng: 


Xin đừng đem nước mắt
gội xoá niềm đau
Cho yêu thương đó
em còn được giữ trong tâm hồn rất lâu.”
(Trần Thiện Thanh – bđd)


Trần Ngọc Mười Hai
Cũng có một thời
từng suy đi nghĩ lại nhiều lần vẫn không hơn thế. 

No comments: