Wednesday 5 December 2018

“Dìu em đến đem cho đời anh thôi hoang vắng"


Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ Hai mùa Vọng năm C 09-12-2018

“Dìu em đến đem cho đời anh thôi hoang vắng"
Tim ta say đắm đã yêu em trong cuộc tình
Giòng tháng năm đó đã cho tình yêu em tha thiết
Những ái ân để phôi pha.”
(Nhạc Pháp – Lời Việt: Lạc Mất Mùa Xuân của Lữ Liên)

(Gioan 17: 19)

“Những ái ân để phôi pha”. Chao ôi là lời nhạc. Đã là “Ái ân” rồi sao lại “phôi pha”. Ối chà là thi-ca. Sao lại là “Dìu em đến đem cho đời thôi hoang vắng”? Thế nghĩa là, thi ca hay âm nhạc vẫn là những phương tiện để chuyển tải tình-tiết rất phôi pha, tha thiết, rồi “hoang vắng”.

Thôi thì, ta cứ tiếp tục nghe người nghệ sĩ hát thêm những ca-từ ở bên dưới:

“Đành hỡi đuyên kiếp em bước đi trong chiều mưa rơi
Lặng đứng trên bến anh với trông thuyền ra khơi
Những tháng năm đếm lá theo mùa thu chết
Những thu chết
Xuân về cho cây xanh lá,
có riêng mình anh, lạc mất mùa xuân
(Cớ sao tình ta chỉ có mùa thu)
Đêm đêm nằm nghe hồn bâng khuâng,
Bên song anh trông đầu non trăng xế
Thương bèo trôi theo sông nước
biết bây giờ em lạc bước về đâu
Tương tư về thương đôi mắt nâu
Đêm đêm tìm trong màn tối muôn sao
Ngồi suốt canh vắng lãng quên sầu thương trong men đắng
Cơn say mê đắm sóng dâng cao ngọn thủy triều
Rồi thấy thấp thoáng bóng em về chìm trong đáy cốc
Đôi mắt ưu buồn thiên thu
Rồi nắng mai đến mây trắng bay khi tàn cơn say
Tình đã xa vắng nỗi nhớ vẫn còn đâu đây
Những tháng năm đến lá theo mùa thu chết
Những thu chết
Xuân về cho cây xanh lá,
cớ sao tình ta chỉ có mùa thu
Đêm đêm nằm nghe hồn tương tư
Bên song đầu non tàn canh bóng xế
Thương bèo trôi theo muôn hướng
biết bây giờ em lạc bước về đâu
Em ơi, chờ em đến kiếp nao?
Xin cho ngày sau, mình mãi bên nhau.
(Nhạc Pháp – bđd)

Cứ mỗi lần người nghệ sĩ hát lên những ca ân ái, lại sẽ thấy những nào “mùa thu chết”, “chờ em đến kiếp sau”… ôi thôi là tỉ tê, với tê tái, đến mê dại. Thôi thì, ta cứ cho là như thế, để rồi xem thử ở nhà Đạo mình có điều gì khác lạ hơn thế, mỗi khi đề cập đến tình yêu lai láng, rất thân thương. Tình, là tình thương yêu người nhà Đạo có những lời hỏi đáp nhập nhằng rất nhiều lẽ. Hỏi, là hỏi những thế này:

“Kính gửi Cha,

Bà nhà tôi, xuất xứ từ đất nước Tây Ban Nha. Và, ở bên ấy, ngày lễ Các Thánh Nam Nữ vẫn được coi là lễ trọng thể và là ngày nghỉ. Bà ấy còn hỏi tôi: tại sao ở Úc này, người ta không coi ngày ấy như một ngày bắt buộc cơ quan, mọi người phải nghỉ, giống như Tây Ban Nha? Tại sao mỗi nước mỗi khác, dù vẫn theo văn minh Tây Phương, rất Công giáo?”

Và, câu trả lời của đấng bậc nhà Đạo, đương nhiên phải là chính quy, đặc trưng/đặc thù rất công-khai như sau:

“Vấn đề ngày nghỉ lễ xưa nay vẫn là chuyện dài thế kỷ, khá thích thú. Thời Trung Cổ, có nhiều ngày lễ trọng bắt buộc người có Đạo phải nghỉ để đi nhà thờ dự thánh-lễ. Kịp đến năm 1642, Đức Giáo Hoàng Urbanô thứ 8 đã cắt giảm con số những ngày này xuống còn 36 ngày một năm. Rồi đến đầu thế kỷ thứ 20, Đức Giáo Hoàng Piô thứ 10 lại ra lệnh cho giảm những ngày này xuống còn 8 ngày, rồi đến năm 1917, con số những ngày này lại được Luật Hội thánh gia-tăng lên thành 10 ngày. Dù sao thì, mỗi vị Giám mục được quyền ấn-định số ngày nghỉ lễ khiến giáo dân của các ngài phải tuân giữ trong địa phận mình.

Năm 1983, Giáo luật vẫn duy trì con số các ngày này thành 10 ngày, đó là: Lễ Giáng Sinh, Lễ Hiển Linh (còn gọi là lễ Ba Vua), Lễ Thăng Thiên, Lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, Lễ Thánh Cả Giuse, Lễ Thánh Phêrô và Phaolô và cuối cùng là Lễ Các Thánh Nam Nữ.” (Giáo luật số 1246, đoạn #1).

Theo nghĩa của câu cuối, ta có thể giải thích tại sao có nước thì mừng lễ này, có nước lại không làm thế. Chẳng hạn như, chính tại Tòa Thánh Vatican, chứ không ở giáo phận còn lại của Rôma, như giáo phận Luganô bên Thụy Sĩ chẳng hạn, bà con bên đó vẫn buộc mừng tất cả 10 ngày nghỉ lễ. Còn ở các nước khác, con số này thường ít hơn và thay đổi cũng khá nhiều.

Riêng tại Úc, luật hội-thánh ban hành trước năm 1983 đã ấn-định 5 ngày nghỉ lễ chính-thức là: Lễ Giáng Sinh, Tết Tây (lúc đầu được gọi là Lễ Đức Giêsu chịu phép Cắt Bì, về sau lại gọi là Lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa), Lễ Chúa Thăng Thiên, Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Về Trời và Lễ Các Thánh Nam Nữ.

Khi Đạo Luật mới được áp-dụng, thì vào năm 2001 Hội Đồng Giám Mục Úc đã giảm bớt con số các ngày nghỉ lễ xuống còn 2 ngày, đó là: Lễ Giáng Sinh và Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Về Trời (tức ngày 15 tháng 8 mỗi năm). Thêm nữa, các Giám mục Úc còn chuyển một số ngày nghỉ lễ được liệt kê trong Giáo-Luật vào 1 ngày Chúa Nhật trong năm, đó là: Lễ Hiển Linh, Lễ Thăng Thiên  và Lễ Mình Máu Chúa, thành thử những ngày lễ này có thể được mọi giáo dân mừng kính dễ dàng hơn.

Tại Tây Ban Nha, là xứ sở nơi phu-nhân của anh xuất phát, tổng cộng có 7 ngày nghỉ lễ cả thảy, đó là: Lễ Giáng Sinh, Lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, Lễ Hiển Linh, Lễ Thánh Cả Giuse, Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Về Trời, Lễ Các Thánh Nam Nữ và Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm.

Tại Hoa Kỳ, có tất cả là 6 lễ, đó là: Lễ Giáng Sing, Lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, Lễ Thăng Thiên, Lễ Đức Mẹ Về Trời, Lễ Các Thánh Nam Nữ và Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm.

Ở Ý, cũng có 6 ngày nghỉ lễ cả thảy, đó là: Lễ Giáng Sinh, Lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, Lễ Hiển Linh, Lễ Đức Mẹ Về Trời, Lễ Các Thánh Nam Nữ, và Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm.

Ở Ái Nhĩ Lan cũng thế, có 6 ngày nghỉ lễ tất cả, đó là: Lễ Giáng Sinh, Lễ Hiển Linh, Lễ thánh Patrick, Lể Đức Mẹ Về Trời, Lễ Các Thánh Nam Nữ và Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm.

Có điều lạ, là: ở Mã Lai và Singapore, Thứ Tư Lễ Tro lại là ngày nghỉ lễ bắt buộc. Bên Giáo hội Công-giáo Phương Đông, thì luật Hội-thánh dành cho Giáo hội ở đây định rằng: có 5 ngày nghỉ lễ công cộng dành cho các Giáo hội, đó là: Lễ Giáng Sinh, Lễ Hiển Linh, Lễ Thăng Thiên, Lễ Đức Mẹ đi ngủ và Lễ Thánh Phêrô và Phaolô (X. Giáo luật hội thánh Phương Đông, luật số 880). Riêng Lễ Đức Mẹ đi ngủ là ngày giáo dân mừng kính Mẹ ngủ nghỉ hoặc qua đời  đồng thời sau đó Mẹ Về Trời được mừng kính vào ngày 15 tháng 8 mỗi năm.

Có một thắc mắc mà phần đông các giáo dân thường đưa ra, đó là hỏi rằng: ta có buộc phải tuân-giữ các ngày lễ nghỉ tại nước của mình trong lúc đi du lịch hoặc sống ở nước ngoài không. Trường hợp đi du lịch hoặc xa xứ, thì theo lẽ thường tình những người này vẫn được khuyến khích tuân giữ các ngày nghỉ lễ của nước mình; thế nhưng, không buộc phải giữ các ngày lễ nghỉ của nước mình vào đúng ngày giờ  ở bên ấy. Và, khi họ dọn luôn sang sống ở đất nước mình mới đến, thì buộc phải giữ các ngày nghỉ lễ của đất nước mới của mình. (X. Lm John Flader, An All Saints Obligation?, The Catholic Weekly 18/11/2018 tr. 21)        

Nói về luật-lệ trong Giáo-hội, dù là ngày nghỉ lễ hoặc ngày lễ buộc phải đi nhà thờ, vẫn là chuyện thường ngày đối với một số người ở huyện nhà. Thế nhưng, hỏi rằng với giới trẻ ngày nay thì sao? Thiết tưởng, giới trẻ ngày nay có lẽ chỉ chú tâm đến ngày nghỉ để còn lên kế-hoạch đi chơi, tiệc tùng vui chơi cho qua ngày đoạn tháng, mà thôi. 

Ngày nay, hiếm khi thấy lớp người trẻ tuổi thời bây giờ lại cứ bận tâm đến chuyện ngủ nghỉ hoặc đi làm “suốt”. Đó là, sự thể diễn ra với người thường ở huyện, tức: những người có thói quen đi nhà thờ nhà thánh thường xuyên, bất kể ngày ấy có là ngày nghỉ. Chỉ khác một điều, là: ngày ấy các cha tổ chức bao nhiêu thánh-lễ trong ngày? Và, các thánh-lễ như thế có diễn ra vào thời khắc thích-hợp cho người trẻ thích vui chơi, nghỉ ngơi, không?

Câu trả lời, xin dành cho mỗi người dù già hay trẻ. Bần đạo bầy tôi đây không dám có ý-kiến ý cò gì ráo trọi vì liên quan đến phần hồn của người khác. Dù người đó có là phu-quân/phu-nhân con cái hoặc cháu chắt trong nhà. Bởi lẽ, thời nay bần đạo nghe quá nhiều về quyết tâm mang tên “Hồn ai nấy giữ”. Đằng khác, còn có vấn-đề nữa là: hồn ai nấy giữ nhưng hồn người có còn trinh trong, vẹn-toàn hoặc nhiều ngõ ngách không, mà thôi.

Tắt một lời, mỗi người đi Đạo hoặc sống trong Đạo Chúa nay vẫn có quyết-tâm riêng mà người ngoại cuộc không được phép dính dự. Để minh-họa chuyện này, có lẽ cũng nên quay về với lập-trường của bậc thánh hiền trong Đạo khi xưa cũng có những lời hay/ý đẹp cốt để gìn giữ tinh-thần đạo-mạo, đạo-đức hay đạo-hạnh của mỗi người và mọi người, rằng:

“Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ.
Lời Cha là sự thật.
Như Cha đã sai con đến thế gian,
thì con cũng sai họ đến thế gian.
Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con,
để nhờ sự thật,
họ cũng được thánh hiến.”
(Gioan 17: 19)

Nói cho cùng, thì: có thánh-hiến cá nhân mới mong được thánh-hóa và thánh ‘quá’ như mọi người hằng kỳ vọng. Kỳ vọng hay không, xin dành cái quyền này cho mỗi người trong Đạo. Vấn-đề ở đây hôm nay, là: ta hãy cùng nhau giúp sức mọi người sống đời thánh-hiến như Đức Chúa hằng khuyên nhủ.

Để minh-họa và nhớ vấn đề này, có lẽ cũng nên đề-nghị bạn, đề nghị tôi, ta lao vào vùng trời tuyện kể để kiếm tìm những câu truyện ‘để đời’ mà sống cho ra con người, ở đời. Và, cũng để kết-thúc câu chuyện bạn và tôi đang phiếm lai rai, phiếm đường dài khi rảnh rỗi.

“Truyện rằng:

Liz Woodward là một nhân viên phục vụ trong một cửa hàng thức ăn nhanh phục vụ 24/24h tại New Jersey. Cô luôn bắt đầu ngày làm việc mỗi ngày lúc 4 giờ sáng, khi trời vẫn còn tờ mờ.

Một ngày nọ, hai nhân viên cứu hỏa với gương mặt mệt mỏi bước vào của hàng nơi Liz đang làm việc và nói bằng giọng khản đặc: “Cô gái, cho chúng tôi hai tách cà phê espresso.”

Hai người họ vừa tham gia cứu hỏa cho một vụ cháy lớn. Ngọn lửa trong nhà kho vô cùng dữ dội. Họ đã chiến đấu với nó suốt 12 giờ và cả đêm không hề chợp mắt. Lúc này, họ đang vô cùng kiệt sức và rất cần một ly cà phê để tỉnh táo lại.

Liz chăm chú lắng nghe câu chuyện của hai người lính cứu hỏa Paul và Tom trong khi pha cà phê. Cô rất cảm kích bởi những gì họ đã làm. Cô muốn mời họ 2 ly cà phê và chuẩn bị một bữa sáng thật ngon thay cho lời cảm ơn những người hùng thầm lặng. 

Trên mặt sau của hóa đơn, Liz viết: “Tôi đã trả tiền cho bữa ăn sáng ngày hôm nay. Cảm ơn sự đóng góp của các anh. Khi tất cả mọi người đều tìm cách thoát thân, các anh lại không màng tính mạng lao vào ngọn lửa. Bất kể trách nhiệm là gì, các anh là người dũng cảm, mạnh mẽ nhất, cũng là tấm gương tốt nhất cho tất cả mọi người. Cám ơn vì mọi việc các anh đã làm, hãy nghỉ ngơi thật tốt”.

Hai người đàn ông mạnh mẽ bỗng bật khóc sau khi đọc được những lời khích lệ ấm áp từ cô gái trẻ. Họ đã làm công việc này rất nhiều năm, chứng kiến biết bao nỗi đau thương tâm sau mỗi vụ hỏa hoạn, nhưng có lẽ chẳng mấy người có thể hiểu được nỗi nhọc nhằn của những người làm lính cứu hỏa. Sự quan tâm của một cô gái trẻ chưa từng quen biết đã chạm tới trái tim mềm yếu của họ. Liz nhìn hai người đàn ông đang rưng rưng nước mắt, hai người cũng nhìn Liz. Họ dành cho nhau ánh mắt ấm áp và nở nụ cười, cuối cùng vẫy tay từ biệt. 

Sau khi trở về nhà, càng nghĩ về Liz, Tim càng cảm thấy cảm động. Anh đã chia sẻ câu chuyện này trên mạng xã hội, kèm theo lời nhắn gửi tới bạn bè: Hãy tới cửa hàng đầy ấm áp đó. Nếu như gặp được cô gái lương thiện này, hãy trả thêm một ít tiền.

Thật bất ngờ, chỉ trong một đêm, lời nhắn nhủ của Tim đã nhận được rất nhiều ủng hộ từ cư dân mạng. Tấm lòng lương thiện của Liz được truyền đi khắp nơi. Nhiều người còn đích thân tới cửa hàng để khen ngợi, ủng hộ với cô gái.

Lúc này, mọi người mới biết về hoàn cảnh của Liz. Trên thực tế, gia đình của Liz không giàu có, thậm chí là khá túng thiếu. Đầu năm 2010, cha cô bị liệt do tổn thương não. Gia đình không đủ khả năng mua một chiếc xe hơi  có hệ thống đưa xe lăn lên xuống, nên người cha bị ốm của cô quanh năm phải nằm trên giường. Còn Liz, cô phải gánh vác toàn bộ công việc gia đình. Hiện tại, cô đang làm 3 công việc bán thời gian suốt ngày đêm.

Sau khi biết được hoàn cảnh của Liz, chàng lính cứu hỏa Tim không thể diễn tả được tâm trạng của mình. Anh đã cùng với một số đồng nghiệp của mình lên kế hoạch giúp đỡ cô gái lương thiện này. Chẳng mấy chốc họ đã tạo ra một trang gây quỹ cộng đồng để mua một chiếc ô tô cho cha của Liz. Ban đầu họ chỉ kỳ vọng quyên góp được $17.000 USD, không ngờ rằng số lượng người tham gia rất lớn và số tiền thu được lên đến $86.000 USD.

Khi Tim tới thăm cha của Liz và trao cho cô số tiền đó. Liz đã ôm lấy anh và bật khóc. Cảnh tượng này cũng khiến cho những anh chàng cứu hỏa đi cùng rơi nước mắt. Có lẽ Liz cũng không ngờ rằng một hành động nhỏ của mình lại nhận được sự báo đáp lớn đến như vậy. 

Được biết, trước khi cha của Liz bị liệt, ông đã làm “nhân viên khắc phục thảm họa” trong nhiều thập kỷ. Trong mỗi thảm họa, dù lớn hay nhỏ, ông đều lao vào hiện trường để hoàn thành công việc của mình mà không màng tính mạng của bản thân. Lòng tốt ấy của ông có lẽ đã truyền cho con gái mình, và rồi cuối cùng lại quay trở về bên cạnh ông.

Vậy nên, người ta mới nói: Lòng tốt là một vòng tuần hoàn. Khi bạn trao đi lòng tốt, nó sẽ trở về bên bạn. Khi bạn gieo mầm hạt giống thiện lương, nó sẽ kết hoa thơm trái ngọt. (Hải Dương trích dịch)

Lời Chúa dành cho bạn, cho tôi và cho mọi người hôm nay, hẳn vẫn là câu trích dẫn từ bậc thánh hiền ở trên, rằng: “nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.” Đúng thế. Sự thật luôn là những sự việc đích thực “thánh hiến” hết mọi người, trong đó có cả bạn lẫn tôi, và mọi người.

Hôm nay đây, để kết thúc đoạn phiếm “loạn” hơi bị dài dòng hôm nay, xin gửi đến bạn và đến tôi, lời phán-quyết rất chân thật như thế. Gửi thế rồi, nay đề nghị bạn, đề nghị tôi, ta cứ thế mà tiến tới, như những người thật, việc thật, ở trong đời.


Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn cứ mong rằng
những sự thật trong đời người
sẽ thánh-hóa cuộc đời của bạn và của tôi
như đời mọi người.             

No comments: