Saturday, 20 February 2010

“Xuân Xuân ơi, Xuân ới, Xuân ơi !”

Xuân ơi, Xuân ới, Xuân ơi!

(Phạm Duy – Xuân ca)

(Co 3: 30)

Ơi ới gọi Xuân ơi, không phải cứ mãi gọi. Cứ nêu tên, chỉ một người. Ơi ới gọi Xuân ơi, vẫn cứ thân tình như gọi tên một người. Tên người bạn. Người tình. Có hình có tượng. Hoặc, chẳng chân dung. Cũng chung tình. Như, gọi tên nhân vật ở phim dài nhiều tập, có đầu đề: “Dù gió có thổi”. Gọi hát bài Xuân ca, là gọi ai đó, hỡi Chúa Xuân. Chúa Tể, của mùa Xuân. Của Tình người. Hoặc, người tình. Người và Tình, tuy chưa một lần giáp mặt. Gọi hát bài Xuân Ca, còn là gọi mừng Xuân bất diệt. Xuân có tình. Hoặc, Tình Xuân có ta ca hát. Cả bài tình ca, vẫn cứ là:

“Xuân lên cao, chóp Xuân buông nhịp xuống sâu.

Hồn Xuân, hồn thiêng ngút lên từ lâu cõi Xuân còn dài.

Xuân trong ta, đã muôn ngàn lần đã qua.

Mặc cho, mặc bao những cơn buồn thương, những cơn giận hờn.”

(Phạm Duy – Xuân Ca)

Gọi Xuân cao. Gọi, “chóp Xuân buông nhịp”, còn diễn tả tình tự thân thương. Vương vấn. Những tình thân. Của người nghệ sĩ viết nhạc, cứ lòng thòng đôi giòng chảy, cả sau khi đã hát:

“Cũng trong dòng nhạc soạn cho cuộc đời, trong đó tôi có người tình, tôi soạn bài XUÂN CA, lần này không phải là hành khúc hay âu ca, mà là dân ca phát triển. Trong bài này, tôi muốn nói mùa Xuân của tôi đã có ngay trong đêm tân hôn của cha mẹ tôi. Xuân như mặt trời nổ trong lòng mẹ, rồi từ đó, tôi ra đời, góp chung câu gào thiết tha cho mùa Xuân vĩnh cửu. Nếu tôi chết đi, xin cho tôi được tái sinh nhiều lần để tôi tiếp tục đi mãi trong mùa Xuân. Bài XUÂN CA, được soạn theo ngũ cung Việt Nam.” (X.Phạm Duy Tổng Quát, www.phamduy.com)

Gọi Xuân ơi! không chỉ gọi người mang tên Xuân. Mà, còn gọi tình Xuân chan chứa. Của cha. Của mẹ. Gọi mẹ cha, cả khi mình lúng túng, như Kinh Sách đà nói đến:

“Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự,

vì đó là điều đẹp lòng Chúa.”

(Cô 3: 20)

Gọi Xuân ơi! hay gọi tên mẹ cha, còn là báo hiếu, một mối tình. Rất cao cả. Mối tình, làm đẹp lòng Cha. Như nghệ sĩ nhà ta, vẫn còn hát:

Xuân tôi ơi! sức Xuân tôi còn khát khao

Dù nay, dù mai cũng như mọi ai, chết trong địa cầu

Xuân muôn năm, có ta Xuân còn hỡi Xuân

Thì xin, thì Xuân hãy cho tình nhân, sống thêm vài lần.(Phạm Duy – bđd)

Nói cho cùng, gọi mùa Xuân Vĩnh Cửu. Hay, tên cha. Tên mẹ. Còn, để tỏ bày tình thân thương/hiếu thảo, ta vẫn có. Có, ngày Xuân sang. Xuân đến. Có, cả vào lễ hội đình đám, Tết nhất vui. Vui ngày Tết, có Xuân vĩnh cửu, là hội lễ rất Tết của Hội thánh hân hoan tình Đại kết. Tình đoàn kết rất vĩ đại. Với Giáo hội bạn. Giáo hội của Chúa. Của, đấng bậc cùng thờ một Chúa. Nhưng, khác phụng vụ. Là, tình tự mà toàn thể Hội thánh mình và Giáo hội người, vẫn trân trọng.

Cũng vào dịp Tết, nhưng là Tết Tây, Tết Mỹ, Tết rất Ý, Đức Giáo Hoàng Bênêđíchtô XVI đã thân hành đến để thăm -như kiểu ăn Tết của người mình- để gọi Mùa Xuân Chân Chính tới với người anh, người em bên đối tác. Giáo hội khác. Giáo hội cùng thờ Chúa kính Cha, gốc Do thái. ở Rôma.

Gọi mùa Xuân nhân ngày Tết, còn có tâm tình thân thương của người con trong gia đình, hai thế hệ. Hai Đạo giáo, cùng thờ Chúa. Như, Michael Coren ở Úc, đã viết:

“Đó là đề tài (người Công giáo đối với lò thiêu sống người Do thái) tôi từng nghiên cứu học hỏi suốt một quãng thời gian dài. Bỏ ra ngoài, tình cốt thiết gia đình. Hoặc, cảm xúc. Tôi, là người Công giáo có cha là người theo đạo Do thá. Đã từng sống trong một gia đình đạo gốc, rất Ba Lan. Với tôi, vai trò của Đức Giáo Hoàng Piô XII và Hội thánh, thời Đệ Nhị Thế Chiến là tâm điểm của một căn cước. Của, lòng thuỷ chung. Của, sự thật.

Nhiều lãnh đạo Do thái cho rằng Đức cố Giáo Hoàng Piô XII nói rất ít. Ngài làm còn ít hơn, hầu có thể ngăn chặn không để cho người Do thái ở Châu Âu bị thâu tóm, đưa vào lò thiêu sống. Nhiều nhà hoạt động không là người Do Thái -đa phần là người Công giáo thông thoáng, thời buổi này, dám đấu tranh bằng nhiều cách, cốt chống lại tấn thảm kịch Lò Thiêu Sống- quyết sao cho uy tín của Đức Giaó Hoàng Piô XII phải suy giảm. Họ làm theo cách bảo rằng: Đức Giáo Hoàng đã để quên một bên, uy tín đạo đức của ngài. Ở nơi nào đó.

Và các Đức Giáo Hoàng kế tục, đã phải lĩnh nhận hậu quả tệ hại, rất mạnh mẽ. Điều này, dẫn đến câu hỏi: phải chăng chuyện xấu xảy ra là vì Đức Piô XII đã lặng thinh? Có phải, vì Hội thánh mình dửng dưng, rất lãnh đạm? Phải chăng, vì bản tính chính thống của mình, nên Giáo Hội đã chống đối công bằng xã hội? Dù gì đi nữa, điều đáng nói ở đây, là: vấn đề ấy lại nổi lên. Vào lúc này. Sự chính thống rất chính đáng của Hội thánh, đang làm cho thế hệ già vào thuở trước, được tiếng là thông thoáng, nay hoảng sợ. Và họ đang dùng lịch sử như lá bài đấu tranh, bằng mọi giá.

Sự thật thì khác. Trước khi trở thành Giáo Hoàng Piô XII, Đức Hồng Y Pacelli đã thảo Tông thư lên án chủ nghĩa phân biệt chủng tộc của Quốc Xã. Và, ngài cũng đã truyền cho các linh mục đọc thư ấy, tại nhà thờ. Và, toà thánh cũng từng sử dụng tài sản của mình để cứu người Do thái khỏi mọi đe doạ xuất phát từ đám Quốc xã. Chính các ngài, từng thiết lập đường hầm để giải thoát và che giấu một số gia đình người Do thái, dưới dinh Castel Gondolfo. Tất cả việc này được chuyên gia lỗi lạc người Do thái như B’rith’s Joseph Lichten, từng xác nhận.” (X. Michael Coren, MercatorNet.com, ngày 24.01.2010)

Gọi Mùa Xuân Vĩnh Cửu, là gọi và nói về những điều tương tự như thế, ngày đầu năm. Năm rất mới. Có Chúa Xuân. Ở Ý. Ở trời Tây. Mừng Xuân Vĩnh Hằng ở quê nhà, hay nơi nào nữa, là gọi gì? Sao chẳng ai mừng? Mừng hay không, câu trả lời không từ bạn. Từ tôi. Những người đang kiếm tìm. Đang hỏi.

Duy có điều, là: Mùa Xuân Miên Trường mình gọi mừng, vẫn còn gặp ở khắp nơi. Những nơi, có Tin Mừng Chúa được rao truyền. Từ ngõ ngách, tận cùng của đất trời. Từ hẻm nhỏ, ở đâu đó. Rất thánh thiêng. Nhân duyên, Hội thánh. Ở nơi đó, có truyện kể về “Chúa Xuân” theo kiểu sống Đạo giữa đời, rất như sau:

“Ngày xưa, có ông phú hộ nọ, có bốn người con trai. Khi biết mình sắp chết, ông gọi cả bốn người con lại, dặn dò các con phải gia tài cha để lại làm bốn phần đều nhaụ. Bốn người hứa tuân theo lời cha trăn trối. Chôn vừa xong, ba người con đầu đã vội làm khác ý của người cha, tức là dành phần gia tài cho mình nhiều hơn. Chỉ chia cho người em út mảnh đất cằn cỗi không đáng gì.

Người em út, phần vừa thương nhớ cha, phần thì buồn nỗi các anh đối xử tệ bạc với mình, bèn ngồi khóc trước mảnh đất cằn cỗi. Bỗng, một tiên bà từ mặt ao gần đó hiện đến bảo:"Thôi con đừng khóc nữạ. Khoảng đất thuộc về con có chứa một kho tàng mà các anh con không biết. Kho tàng đó là những mầm mống của một loài hoa vô giá. Mỗi năm cứ đến mùa xuân là nó đâm chồi, nảy lộc, nở những hoa từng hàng chi chit, trên phần đất của con. Con hãy hái nó đem đi bán rất được giá. Nhờ đó mà con sẽ trở nên giàu có chắc chắn hơn các anh." Người em út ngạc nhiên mừng rỡ chưa kịp cám ơn thì tiên bà đã biến mất.

Mùa xuân năm ấy, đúng như lời tiên bà nói, mảnh đất cằn của người em mọc lên một loài hoa trắng nõn, ngào ngạt hương thơm. Để nhớ đến công ơn của tiên bà, người em đặt tên cho loài hoa này là: Thủy Tiên.

Các nhà giàu có trong vùng bắt đầu biết đến đã rủ nhau tranh mua loài hoa quý hiếm này với giá rất đắt. Chẳng mấy chốc người em út ngày càng có nhiều tiền bạc. Và mỗi lần Tết đến, người em út lại càn dịp làm giàu thêm. Hơn hẳn cả ba người anh lớn tham lam. Người ta cho rằng loài hoa Thủy Tiên đem lại sự phát tài và thịnh vượng cho người thưởng lãm. Chơi hoa. Và, tục lệ chơi sắm hoa Thuỷ Tiên đã trở thành ra tục lệ mới, đón chúa Xuân. Nhiều người sành sõi còn chăm sóc Thủy Tiên để hoa nở đúng vào lúc giao thừa, mang lại mọi sự may mắn cho mọi nhà. Mùa Xuân mới.”

Quan niệm mừng đón Chúa Xuân, của người đời, là như thế. Còn, người nhà Đạo sống giữa đời, chào đón Chúa Xuân ra sao? Chúa Tể càn khôn của vũ trụ đầy mùa Xuân, có được tưng bừng đón tiếp, như người người tiếp đón loài hoa quý hiếm, mùa Xuân chăng?

Hỏi thì hỏi thế, chứ người hỏi vẫn biết sẽ có người bảo rằng: có bao giờ họ thấy Chúa Tể Xuân mùa của vũ trụ đâu, mà mừng đón?

Cũng lại bắt chước Michael Coren ở trên, xin trích dẫn đây một động thái của vị thương tế Do thái ở La Mã tên là Israel Zolli, đã cả gan ôm trọn Đạo Chúa của người Công giáo, vào đầu năm 2010. Rất công khai. Chẳng sợ hãi. Không sợ và cũng chẳng hãi, vì ông có quyết tâm hồi hướng rất đặc thù. Vẫn ngưỡng mộ động thái quả cảm của vị Giáo Hoàng từng giấu và từng cứu người gốc Do thái ở Ý, năm xưa.

Và, người viết mang tên Michael Coren, kết thúc chuyện bàn ngày đầu năm, và bảo rằng: Cuộc chiến tạo lại uy tín cho Đức Giáo Hoàng Piô XII còn tiếp diễn. Dĩ nhiên, vẫn còn đó những bất bình giữa người Công giáo và Do thái giáo về việc tạo lại mùa Xuân thiện chí. Hy vọng. và, tiến bộ, trong Hội thánh. Dù, xuân nay hoặc mai rày, vẫn còn đó nỗi buồn, một rẽ chia. Chia rẽ giữa người cùng chí hướng. Giữa bên trong và bên ngoài chí hướng, rất người mình.

Chúa Xuân của vườn hoa nhà Đạo, trong đời đã và đang đổ tràn hồng ân/hy vọng cho mọi loài. Trong cuộc đời. Hy vọng, mỗi ngày. Mỗi giờ. Suốt cuộc đời của con người. Có mùa Xuân. Hôm nay.

Trần Ngọc Mười Hai

Nhân ngày xuân dân tộc

lại suy nghĩ thêm

về hy vọng

Chúa Xuân đã đem đến.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com ;

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com

No comments: