Saturday 27 February 2010

“Trên đường về nhớ đầy”

Chiều chậm đưa chân ngày Tiếng buồn vang trong mây Tiếng buồn vang trong mây..

(Dương Thiệu Tước – Chiều)

(Lc 23: 34)

Lời hát trên, có thể là câu hỏi. Hỏi sao đó, nào có biết. Có thể, là một khẳng định. Hỏi han/khẳng định, cũng là nhung nhớ. Nhớ buổi chiều. Có bước chân. Ân tình ngây ngây. Có gió say. Gió hay tình, vẫn cứ chồng chất trong hồn chiều nay. Vẫn có niềm đau. Sầu vạn cổ. Khó khuây.

Niềm khổ đau/sầu vạn cổ? Đâu mà chẳng có. Có khi, là buồn vang trong mây. Đưa chân ngày. Theo khói thuốc. Rồi, ngỡ lòng mình là rừng. Là, lữ khách ở đâu đó. Chốn nợ đời. Nhà Đạo. Cứ lạo xạo niềm nhung nhớ đến độ quên cất cánh. Cả buổi sau này.

Đường vào đời, không phải khi nào cũng có hỏi han. Khẳng định. Nhưng, có hỏi và han, thì cũng chỉ vài ba thắc mắc cỏn con, như cô bé nọ vẫn hỏi trong truyện kể, ở bên dưới:

“Có cô bé nọ thấy mẹ hiền hôm nay hơi rảnh rỗi, bèn đến gần hỏi:

-Mẹ à, sao con thấy đời người toàn những chuyện nhiêu khê/phiền phức thế?

-Hôm nay con làm sao mà lại nghĩ quanh nghĩ quẩn như thế, vậy con?

-Con có nghĩ quẩn gì đâu mẹ! Chả là, con có mấy đứa bạn rất thân, không biết làm sao chúng nó lại hên đến thế. Chuyện gì cũng xuôi trót, kể cả học hành. Bồ bịch. Làm ăn…

-Thôi, mẹ đề nghị con thế này. Con đừng nghĩ ngợi như thế nữa. Giờ, hãy theo mẹ vào đây. Hai mẹ con mình làm món bánh gì đó, cho đời thêm ngọt.

-Ồ. Tuyệt! Gì chứ bánh là con thích lắm đó, mẹ à.

-Ừ, thế này. Con cầm bình dầu ăn này lên xem. Nhắp thử một hụm, xem nó thế nào

-Trời! Sao mẹ lại bảo con húp thử dầu ăn, ghê gớm lắm?

-Thôi, thì con cầm lấy trứng này vậy. Hãy đập nó ra, ăn ngay lập tức.

-Con nghe có một số người ăn sống nuốt tươi trứng gà chưa nấu, nhưng con chịu thôi.

-Đây, là bột mì. Con nhón thử một dụm, xem nó ăn được, không!

-Không dám đâu, mẹ à! Con làm thế, sẽ ói ra nhà ngay bây giờ cho mẹ xem.

-Đấy. Con thấy không? Những thứ mẹ đưa cho con, nếu không chuẩn bị chu đáo, mình chẳng thể nào đưa nó vào miệng, nhận ngay cho đời mình, mà lại có kết quả. Gọi nó là bánh, chè cháo, hay bún, hay phở cơm gì gì, cũng thế. Chẳng thể nào, ta hài lòng với kết quả của mọi thứ mọi sự, nếu không nhìn vào thực chất và chấp nhận nó như cái gì phải có, cho đời. Của trời cho. Việc Chúa làm, cũng như thế. Nhiều lúc ta cứ thắc mắc, sao Chúa để ta thiếu thốn đủ mọi thứ, như thế nhỉ? Có khi, lại còn âu sầu khổ não, thê thảm nữa đấy chứ. Và, cũng không biết đời mình rồi sẽ ra sao. Cả mặt này lẫn khía cạnh nọ. Những chuyện ấy, mẹ nghĩ ta chỉ nên tóm lại duy nhất điều này, là: Chúa biết mọi việc sẽ xảy đến. Dù có thế nào đi nữa, Ngài cũng không để ta một mình, mà lại không giúp đỡ. Bởi thế nên, ta không làm việc gì cho ra hồn, mà không chuẩn bị kỹ. Nếu, không nghe lời chỉ dẫn của người khôn ngoan đi trước, tức những người biết nhiều hơn ta, và nếu không theo bài bản, làm đúng qui cách. Có ý hướng hẳn hòi thì e chắc rồi ra ta cũng sẽ thành công, thôi.

Chúa cho mặt trời mọc, buổi sáng. Ngài có mặt bên ta, mỗi khi ta cần Ngài. Ngài ở bất cứ nơi nào, trong vũ trụ/trần thế. Nhưng, Ngài vẫn chọn nằm gọn trong tâm can của con. Và, của mẹ. Và, Ngài sẽ ở đó mãi mãi. Ai cũng thế. Ai cũng nhận ân huệ đồng đều, Ngài ban. Nếu biết cách nhận và sẻ san cho người khác, chắc chắn ta sẽ thành công. Mãn nguyện.

Chuyện trên, nghe chừng hơi quen. Quen, như nghe một bài giảng. Chia sẻ, ở nhà thờ. Dễ nhớ. Nhưng, nói thế chưa hẳn là mọi người sẽ đồng ý. Chí ít, nó lại liên quan đền cuộc đời, của riêng tôi. Như, ý/lời nhà thơ còn nói rõ, qua câu hát:

“Tôi là người lữ khách,

Mầu chiều khó làm khuây

ngỡ lòng mình là rừng

ngỡ lòng mình là mây

nhớ nhà châm điếu thuốc,

khói huyền bay lên cây.”

(Dương Thiệu Tước/Hồ Dzếnh – bđd)

Chuyện bí kíp để thành công, sung sướng trong đời người. Với người đời. Vẫn là “khói huyền bay lên cây”. Bay, theo điếu thuốc. Nếu bạn và tôi, ta áp dụng đúng cách lời mẹ hiền của bé nọ, kể ở trên. Áp dụng, Lời của Chúa, từng khuyên dạy ta khá nhiều lần. Ở Kinh Sách. Nhưng, tất cả vẫn cứ là “khói huyền bay lên cây”. Trên mây. Mất biệt.

Thành công trong đời. Với người ngoài, đã thấy khó. Còn khó hơn, với đời đi Đạo và giữ Đạo. Khó, là khó ở với đời. Khó, không vì luật lệ. Truyền thống. Nhưng, khó vì mỗi người mỗi ý. Ý nào, người cũng cho rằng của mình, vẫn tuyệt hơn. Khó, còn vì: nhà Đạo mình vẫn cứ lạo xạo, những chuyện không hay. Không phải. Ở đây ở đó.

Chuyện không hay/không phải, là chuyện của tôi và của bạn. Vẫn như câu hát:

“Chim rừng quên cất cánh,

Gió say tình ngây ngây

Có phải sầu vạn cổ,

Chất trong hồn chiều nay,

Chất trong hồn chiều nay?”

(Dương Thiệu Tước/Hồ Dzếnh-bđd)

Vâng. Chất trong hồn chiều nay hay mọi buổi, không là “sầu vạn cổ”, cho bằng mối ưu tư khắc khoải, còn nhớ rất đầy, chuyện từng quấy rầy đầu óc của dân con mình. Chuyện, là chuyện về yêu thương. Tha thứ. Tha rồi hãy quên cho trót. Chuyện đời sống cứ loanh quanh, làm mình bực bõ. Khó quên. Những chuyện, mà độc giả nọ, dám viết thư về toà soạn Tuần Báo Công Giáo ở Sydney, để hỏi rõ. Như sau:

“Tôi nghe được ở đâu đó. Chừng như đó là lời giải của ông cha, nhà Đạo. Là, chuyện phải tha cho ai làm mình đau khổ. Vậy nên, câu hỏi của tôi là thế này: Việc tha thứ, có áp dụng cho các trường hợp có những người làm mình sầu não và khổ đau mà chẳng biết ân hận hoặc quyết tâm chừa bỏ, chuyện mình từng làm, không? Theo tôi, Chúa có hiền cách mấy cũng không thể nào tha thứ cho những người không biết ân hận là gì, và những người không biết đến sám hối, có phải thế không, xin phép hỏi.”

Hỏi, là hỏi thế. Chứ, trả lời thì làm sao dám trả lời giống như thế, cho được. Hỏi, mà lại hỏi nhà báo hay “cả nhà-làm-báo” như tờ The Catholic Weekly, uy tín đầy mình, thì câu trả lời đương nhiên là phải chuyển đến đấng bậc rất “đức thầy” đầy chất Harvard, là Lm John Flader. Một linh mục có kinh nghiệm đầy mình, lại uy tín nữa. Thế nên, giải đáp đức ngài đưa ra chắc chắn sẽ chính mạch, tức chính qui và mạch lạc, rất như sau:

“Trước hết, xin nói ngay rằng ông/bạn có lý, khi bảo rằng Đức Chúa chắc Ngài cũng sẽ không thứ tha nhiều nếu ta không biết sám hối. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo có ghi rõ chuyện các vị phải vào chốn ngục hình, là: “Khi chết mà trong người còn vương vấn tội tình, lại không biết sám hối, hoặc chẳng chấp nhận mối tình đầy xót thương của Chúa, điều này có nghĩa là: người đó sẽ mãi mãi phải xa cách Chúa, do chính mình chọn lựa tự do cho mình.” (GLHTCG #1033)

Nếu đương sự biết sám hối, thì chắc chắn Chúa thứ tha họ ngay; và Ngài đưa họ vào với tình yêu thương nhân hậu, của Ngài. Vả lại, giả như người ấy không biết hối lỗi vì đã làm phật lòng Chúa, thì những người như thế không thể nào hiệp thông vào với sự sống và tình yêu của Chúa, được. Bởi, đó là thiên đàng. Đó, là Nước Trời, ở trần gian.

Trở lại câu hỏi của ông/bạn, về việc tha thứ cho người nào không biết đường mà sám hối, thì thật ra cũng khó nói. Hỏi rằng Chúa có trông đợi chúng ta làm như thế không? Nhìn vào Kinh thánh, câu trả là rõ ràng là: có. Chúa vẫn trông đợi, ta làm thế.

Trước nhất, Chúa không phân biệt, khi Ngài khuyên: ta phải tha thứ người đồng loại. Ngay cả lúc, Ngài dạy mọi người đọc kinh “Lạy Cha”, Ngài cũng còn thêm câu: "Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha của anh em ở trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng, nếu anh em không tha cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha cho anh em.” (Mt 6: 14-15)

Từ đó, ta không thấy có gì khác biệt khi nói phải tha thứ cho người làm lỗi đối với ta. Dù, anh/chị ấy có biết sám hối hay không. Ta vẫn phải tha thứ. Ngay sau đó, Chúa còn kể cho ta một ví dụ về việc Ngài cũng tha thứ những người hại Ngài, mà không biết hối cải. Ở thập giá, Ngài xin Cha Ngài thứ tha cho những người từng hại Ngài, lại đã nói: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm." (Lc 23: 34)

Có điều chắc, là: những người từng hành hạ và đóng đinh Chúa vào thập giá, lúc ấy cũng chẳng biết gì chuyện hối cải điều mình làm, cho Chúa. Nhưng, Ngài vẫn xin Chúa Cha tha cho họ. Tha, hết mọi người.

Tin Mừng thánh Gioan có viết: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy yêu thương anh em.”(Ga 13: 34). Nói thế, hẳn Ngài dạy ta hãy tha cho những người không biết hối cải, tựa như Ngài xin Cha tha cho những ai làm hại Ngài.

Một điều khác nữa, là: ta không thể yên tâm với chính mình, với người đồng loại hoặc cả với Chúa, cho đến khi ta thực sự tha cho bất cứ ai làm hại ta. Chẳng cần biết họ có hối cải, không. Dĩ nhiên, chẳng ai muốn giáp mặt Chúa vào ngày phán xét mà lại mang nặng trong hồn chuyện mình chưa tha thứ cho người làm hại mình. Đằng khác, ta cũng chẳng thể nào đọc kinh “Lạy Cha” cho xứng đáng, nếu ta dám: “Xin cha tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”, trong khi biết chắc là có người từng hại mình, mà mình chưa hối cải.

Từ đó, cũng nên sẵn sàng tha thứ cho ai làm hại ta, bất kể người đó có hối lỗi không. Và, khi tha cho ai, ta cũng đừng quên đính kèm lời cẩu khẩn,xin Cha tha cho họ, như Chúa từng làm. Và, nếu người không biết hối cải, thì ta cũng nên xin Cha cho họ biết đường mà hối lỗi, những việc làm sai quấy. Và, nếu những người ấy biết rằng ta đã tha lỗi cho họ, thì nội việc này thôi, cũng dễ cho họ để có cơ hội rồi ra, sẽ hối tội.

Nên nhớ rằng, nhiều khi ta cũng chẳng lấy gì làm chắc, khi bảo rằng: người kia không biết hối lỗi, vì đã hại ta. Có thể là, tháng rồi hoặc tuần rồi, và ngày hôm qua họ chưa biết hối lỗi, chuyện ấy. Nhưng, điều mà tất cả chúng ta đều biết, là: từ dạo đó, họ cũng đã hối rất nhiều. Vì là chuyện hồ nghi, nên cũng đừng bắt lỗi người ấy, mà làm gì.

Tóm lại, tha lỗi cho ai từng hại mình, là việc làm đem đến cho ta sự an bình vui sống, có thứ tha. “ (X. John Flader, The Catholic Weekly 17/1/2010, tr. 10)

Vấn đề đơn giản, chỉ có thế. Nhưng, thực hiện nó trong đời, là chuyện không giản đơn. Chí ít là khi, không chỉ một người làm hại mình thôi, mà cả một tập thể/một tổ chức có chủ trương/chính sách quyết làm hại hoặc phá tán sự yêu thương đoàn kết của cộng đoàn Nước Trời ở trần gian. Trần gian, theo nghĩa không chỉ duy có mỗi những người tốt lành/thánh thiện, thôi. Nhưng, còn nhiều người thiếu lành mạnh, hoặc nên thánh, nữa.

Còn khó hơn, khi tập thể hoặc cá nhân ấy vẫn cứ chực chờ/rình rập, để không những đã chẳng hối lỗi, lại còn tiếp tục làm hại mình, nhiều hơn nữa. Đến đây, bần đạo thấy nảy sinh một vấn đề nữa, là: tha thứ trong cuộc đời đi đạo của bạn và của tôi, không là chuyện dễ làm. Chỉ dễ nói. Dù bạn/dù tôi, ta có thuộc nằm lòng câu Kinh Sách. Dù, đã quen với những chuyện thứ tha/thương yêu. Từ thuở trước.

Cuối cùng, vấn đề là: được mấy ai trong số bạn và tôi, ta làm được một chút gì để nhớ. Và để quên. Phải chăng đó là chuyện dài ở huyện? Phải chăng, sống Đạo giữa đời vẫn là chuyện còn đó, nỗi buồn? Buồn muôn thuở.

Và, tha thứ còn kèm theo một động thái tích cực khác, mà Chúa muốn ta làm, là: hãy quên đi. Quên, chứ đừng nhớ là mình đã tha. Hoặc, chỉ nhớ yêu thương. Nhớ, điều mình cần thứ tha. Và, quên những chuyện mà người người cần mình tha thứ. Vì lỡ làm tổn thương/phương hại mình.

Cứ sự thường, người người có thể tha thứ hoặc nói những lời, rất thứ tha. Nhưng thật ra, đa phần thì người người vẫn không quên được chuyện cũ. Bởi, mỗi lần nhớ đến, vẫn giận. Hoặc, có tha cho ai đó, nhưng người ấy đừng mong rằng mình sẽ quay về, lập quan hệ bình thường. Như trước.

Với Tin Mừng, người người thấy Chúa đòi ta nên tha thứ cao hơn một bậc. Nghĩa là: không chỉ tha mà thôi, nhưng còn lập lại tương quan như trước với người ấy. Hoặc, phải mật thiết hơn khi trước. Câu chuyện “người con hoang tàng”, là một trong các ví dụ cụ thể. Để thực hiện. Dù sao, thì Chúa vẫn để ta xử sự theo tự do con cái Ngài. Để, ta kiếm tìm cung cách tích cực. Hơn hết.

Nói thì nói, bần đạo vẫn cảm nghiệm. Và, cũng chẳng buồn. Chẳng kết tội ai, khi thấy bạn thấy tôi, ta có thứ tha đấy, nhưng vẫn nhớ. Nhớ chuyện cũ, rất nên quên. Đó là phận người. Tuy khó, nhưng hơn lúc nào hết, đây là lúc để bạn và tôi, ta thực hiện sống Lời Chúa. Ở đây. Bây giờ. Bởi, sống là thực hiện điều Chúa dạy. Trong đời mình.

Trần Ngọc Mười Hai

cũng bị hại nhiều lần

nhưng chưa quên

nên vẫn mong thực hiện

những điều mình được nghe dạy.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com ;

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com

No comments: