Friday, 12 February 2010

“Chiều lại chiều nghe vẳng tiếng, tiếng kinh buồn”

Chiều lại chiều nghe vọng đến,

những hồi chuông, câu kinh buồn ... (Hoàng thi Thơ – Kinh Chiều)

(Mt 5: 43-45)

Bẵng đi một dạo, bần đạo và một số bà con ưa nhạc lại quên bẵng mất rằng: trong vườn thơ/âm nhạc người mình, vẫn có sự hiện diện rất sáng chói của nghệ sĩ Hoàng Thi Thơ. Một người viết nhạc nhiều thi và thơ. Rất đầy mình. Bần đạo còn nhớ, người nghệ sĩ tên tuổi, đã một thời “trụ” cả một chương trình gồ ghề rất “Maxim’s”, ở Majestic. Trước 75.

Sắp đến, nhóm “Hát cho nhau” ở Sydney có tổ chức buổi thính phòng hoà nhạc, mang chủ đề “lắng tiếng chiều rơi”, bần đạo lại được tiếp cận với nhạc bản “chiều lại chiều”, đã thấy mê. Càng mê nên càng mệt, khi nghệ sĩ rất “Huế mình” cứ hát tiếp lời nhẹ nhàng/yêu thương sau đây:

Chiều lại chiều

vang trong lòng nhân dân mình

miệt mài cầu, cầu xin

Đang miệt mài cầu xin ...

Xin yêu thương.” (Hoàng Thi Thơ – bđd)

Nghe kinh chiều, mà lại tụng bằng chất giọng thần kinh linh tinh rất đất Huế, thì hồn bạn/hồn tôi có cứng cách mấy đi nữa, cũng phải âm thầm mà đổ lệ, mất thôi.

Hôm nay, ngồi buồn nhắc chuyện “Huế mình” lòng dễ đổ lệ, bần đạo nhớ lại người em trong Dòng Chúa …(cứ thế mà) Cứu Thế, có cái tên rất ư là “Sáu nó”, sau 30 năm sống ở miệt Sađéc-Vĩnh Long, đã có một chuyến ghé bến Sydney, làm bần đạo “chợt muốn khóc”. Khóc, vì nhớ kinh-chiều-nhè-nhẹ của xứ Huế. Khóc và nhớ, vì lại được nghe giọng “Huế mình”, ở đất khách quê người. Sáu Duy, nay là Đấng Bề Cao rất Sè-Ghềnh, vẫn còn giữ chất Huế mình, có giọng nói rất thơ và nhạc. Giọng Huế mình, cũng thi. Và, cũng thơ. Một thành tích giỏi dang. Hiển hách. Hách hơn nữa, khi chú em mình lại nhắc đến lời ai đó, từng nhất quyết: ”Làm nhạc, phải biết thơ. Làm thơ, phải biết nhạc.” Thơ-nhạc/nhạc-thơ cứ quyện vào nhau làm nên chất Huế mình. Đê mê. Gợi cảm. Rất da diết.

Còn gì dễ mê và cảm cho bằng khi bạn và tôi, ta cứ nghe ra rả khúc kinh chiều. Nhè nhẹ. Thương yêu. Kinh chiều, là kinh: “miệt mài cầu xin…Xin yêu thương”. Vẫn cứ hát:

“Chiều lại chiều không còn nến, thắp giáo đường

Chiều lại chiều nghe đại bác, át hồi chuông,

những kinh buồn.” (Hoàng Thi Thơ-bđd)

Hôm nay đây, ở quê thôn cùng chốn thị thành, người người không còn nghe “đại bác át hồi chuông” thay cho kinh chiều, nữa. Nhưng, vẫn thấy âm vang thời đại, át cả chiều kinh/kinh chiều. Miệt mài. Thời đại. Những là âm vang thùm thụp. Chan chát. Chẳng ra nhạc. Chẳng là thơ. Chỉ mỗi âm thanh dậm dật. Kích động. Khiến lòng người những là cao bay xa chạy. Chạy, khỏi giáo đường. Khỏi, hồi chuông ngân nga tiếng kinh chiều. Nhè nhẹ. Thương yêu. Chân chất. Rất êm.

Cả đến lễ hội ả êm/êm ả, một Giáng hạ thời trước, nay cũng thành cơ hội để người người tìm cớ mà ăn chơi. Ăn cho đã. Chơi cho thoả. Để rồi, mang vạ vào thân. Với, những lạm dụng. Xô xát. Bần thần. Lẩn thẩn. Đầy những căng thẳng. Như, nhận định của tay viết ở trời Tây, dạo gần đây, là Vanessa Lloyd Platt, thuộc tổ hợp luật pháp Lloyd Platt & Co, tổ hợp chuyên tư vấn luật gia đình. Ly thân. Ly dị. Rất nhận định, như sau:

“Giáng Sinh nay thành thời điểm u uất. Rất căng thẳng. Căng, với gia đình. Thẳng, cả với vợ với chồng, cùng con cái, thời hậu Giáng Sinh. Bởi, cứ vào ngày này, sau Tết Tây, bà con đã lại rủ nhau tìm đến tư vấn, hầu giải quyết nỗi chán chường. Chồng chất. Sau ngày lễ. Trong số những người này, có bạn bè người thân của khách hàng tiêu thụ vào dịp lễ. Họ yêu cầu được tận tình giúp đỡ, về chuyên môn; hầu giải quyết những nố phức tạp, trong tương quan mật thiết. Đang mất dần. Cũng vì lý do đó, mà có lẽ chúng ta cũng nên kêu gọi mọi người hãy cứ cho nhau nhiều phiếu tặng quà. Tặng, những người đang kiếm quà, dịp Giáng Sinh. Tặng, để giải quyết mọi căng thẳng. Đổ vỡ.” (x.Gianfranco Amato, MercatorNet 24/12/09)

Về, ăn chơi tiêu thụ vào ngày lễ, cũng tợ “chuyện dài nhân dân tự vệ”. Chuyện vượt biên/vượt biển. Đau thương. Tê tái. Chuyện nghe xong không thấy cười. Chỉ thấy nước mắt. Dù, nước mắt ấy có là nước thấm đầm đìa từ con mắt, có buổi chiều. Nhiều câu kinh. Có “nến giáo đường”, chiều lại chiều. Dù, nến có sáng, thắp suốt mùa lễ hội. Dù, lễ hội có lớn như hội mùa Giáng Sinh. Dù, hội lễ, có lễ mễ niềm vui cho gia đình? Hoặc, chỉ thêm căng thẳng cho thành viên, ở trong đó? Như cố vấn pháp luật nọ, đà nhận xét?

Với nhiều người, Giáng Sinh cũng như mọi hội lễ lớn/nhỏ, là mốc điểm để ta quan tâm đến người khác. Đôi khi, ta còn vượt phạm vi khuôn khổ gia đình, hầu đến với người sống rất lẻ loi. Đơn chiếc. Hội lễ nhỏ, là mốc điểm để người người quây quần. Tụ tập. Ở bên nhau. Nơi gia đình. Chòm xóm. Có bạn bè/người thân. Lễ hội, là lễ là hội rất như thế, ở đó người người có thì giờ mà suy tư. Kinh kệ. Và tưởng nhớ? Nhớ Chúa. Nhớ Cha. Là, điều rất tốt.

Nhớ Chúa. Nhớ Cha. Ngày hội lớn. Là, gom góp với nhau quà tặng gửi đến người thân. Sống cận lân. Hoặc, cận thân. Chưa một lần quen biết? Gửi, qua hệ thống thiện nguyn. Đình chùa. Nhờ thờ/nhà thánh? Hầu giùm giúp. Nhớ Chúa/nhớ Cha, còn nhớ cả gia đình. Nơi xa xôi. Ít lui tới. Nhớ, bằng cả tấm lòng vàng. Nhớ, bằng tình thương, chưa kịp nói. Nhớ Chúa/nhớ Cha ngày hội lớn, là nhớ qua kinh chiều. Có nguyện cầu. Như ý/lời ở nhạc bản kể trên, vẫn tiếp tục:

“Lời nguyện cầu ấy, gây cho nhau niềm tin,

Lời nguyện cầu ấy, gây cho nhau tình yêu.

Kinh chiều. Kinh chiều…” (Hoàng Thi Thơ – bđd)

Kinh chiều. Nguyện cầu. Chắc chắn, không phải để xin. Mà, “Lời nguyện cầu ấy”, chắc chắn sẽ “gây cho nhau niềm tin”. Gây cho nhau, tình yêu. Hy vọng. Bởi, hy vọng là cái mà xã hội ngày nay người ta, xem ra, còn thiếu. Không thiếu tiền. Nhưng, thiếu niềm tin. Yêu thương. Hy vọng. Thiếu rất nhiều. Có khi là, tất cả. Thiếu, tất tần tật.

Mới đây, Đức Giáo Hoàng Bênêđíchtô thứ XVI đã đề ra Tông huấn bàn về tầm quan trọng của hy vọng. Người Công giáo. Làm sao hy vọng? Làm thế nào duy trì nó? Đó, là vấn đề. Và, Đức Thánh Cha, đã về với Kinh thánh, để nói lên một sự thật mà rất nhiều người, rày đã quên: “Không có Chúa, chẳng làm sao có được niềm hy vọng.”

Hy vọng, không là nguyên do của đổ vỡ. Nhưng hy vọng, là giải pháp tìm lại tình yêu. Hy vọng, nếu đặt đúng chỗ, đúng nơi -như gia đình. Chòm xóm. Xã hội- sẽ đem lại tình trạng “nở đầy hoa”, trong giao tế. Hy vọng, là hy vọng ở đây. Bây giờ. Hy vọng, đồng hoá với tình thương của Chúa.

Người Công giáo, hễ có kinh nghiệm từng trải. Hễ sống trong hy vọng, đều có thể tiếp cận tình thương của Chúa. Kinh nghiệm của các giáo hữu thời tiên khởi, đã hàm ngụ phương thức đặc biệt ở quá trình sống. Sống, với thế gian. Sống sôi nổi. Dù, vẫn căng thẳng. Lo toan. Ngán ngẫm.

Ảnh hình trọng điểm của hy vọng, mà cộng đoàn dân Chúa thời ban sơ vẫn từng trải, là: hy vọng vào sự sống. Vào, sự sống lại. Buổi lai thời. Sống lại, không mang tính cá nhân. Riêng rẽ. Đặc biệt. Nhưng, đã biết nối kết với sự sống lại của Chúa. Nối, vào Tiệc Thánh. Nối, với cộng đoàn dân Chúa, như nối và kết với Thân Mình Đức Kitô, bằng hy sinh thân xác. Đặc biệt hơn, bằng cuộc sống khắc khổ. Tử đạo. Đấy, mới là nền tảng của hy vọng hằng ngày. Trong đời sống.

Thế đó, thời buổi trước. Thế này, ngày hôm nay. Hôm nay/thời này, người Công giáo ta bị chi phối bởi nhiều thứ. Những thứ, phát xuất từ xã hội trần tục. Bên ngoài. Ở xã hội có phân ranh/chia cách. Phân, hiện tại. Cách, tương lai. Cách phân, cả với Chúa. Với thế trần. Cách phân xác/hồn. Phân cách, lối sống Đạo. Cách phân/lục đục vì chuyện lố lăng, vật chất. Phân cách, thấy rõ ở chủ thuyết khắc kỷ. Ở phương Đông.

Bằng vào ý niệm ấy, niềm hy vọng và lời nguyện cầu, sẽ lại gặp nhau nơi câu kết của nhạc bản ở trên, có lời bàn:

“Lời nguyện cầu, ngay cỏ lá cũng bùi ngùi

Lời nguyện cầu, ngay sỏi đá cũng lệ rơi

Lời nguyện cầu xa xa vời

Lời nguyện cầu vang lên trời;

đi sâu vào lòng người. Và tôi.

Ôi lời nguyện cầu, từ lâu…

Xin thương nhau! (Hoàng thi Thơ – bđd)

Nói cho cùng, thì: hy vọng và nguyện cầu, buổi chiều vàng, lại đã dẫn về câu kết hậu: “Xin thương nhau”. Có thương nhau, như nhận định của tiền nhân, vẫn bảo: “Thương nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua…” Vậy thì, sá gì phiếu tặng quà tư vấn luật gia đình? Để, cứ phải ly thân. Phân cách. Có sá chăng, chỉ là lời dặn của Đức Chúa. Ta vẫn nghe:

“Về nguyện cầu,

các ngươi chớ lải nhải như dân ngoại.”

(Mt 6: 7)

Hoặc:

“Các ngươi vẫn nghe bảo:

hãy yêu mến đồng loại và ghen ghét kẻ địch thù.

Còn Ta, Ta bảo các ngươi:

Hãy mến yêu thù địch

và khẩn cầu cho những người bắt bớ các ngươi;

ngõ hầu các ngươi trở nên người con của Cha trên trời.”

(Mt 5: 43-45)

Xem như thế, mục đích của nhạc bản “Kinh chiều”, vẫn không là lời lải nhải, ta thường làm. Nhưng, lại là “niềm hy vọng” để cầu khẩn. Khẩn và cầu, cả lúc chiều hôm, như người con của Cha trên trời. Đấng từng ban cho mọi người, niềm hy vọng ủi an, cả vào lúc người người mải vui say, ngày hội lễ. Có hay không, căng thẳng. Đổ vỡ. Rất đáng sợ.

Nói cho cùng, căng thẳng nhiều năm tháng, vì ăn chơi xả láng, cũng là do không nhớ lời dặn dò. Của Chúa. Cũng chẳng nhớ đề nghị 10 điểm, ở lời kinh. Ban chiều, Lời kinh, mang nhiều ý nghĩa, như sau:

“Đề nghị đây, là 10 quyết tâm rất đẹp. Nên nghe theo.

1. Hãy tập trung vui chơi, với mọi người. Đừng ham mê chè chén, vào ngày vui.

2. Hãy có kế hoạch tiêu pha những gì mình lưu giữ/tiết kiệm. Chớ bận tâm đến kế thừa, cho con cái. Bởi, khi về miên trường, con cái mình sẽ cãi tranh. Giành giựt. Và, sâu xé. Mất hết tình thân. Vẫn đáng quý.

3. Hãy sống với hiện tại. Hiện tại, là ở đây. Hôm nay. Đừng sống quá khứ. Hoặc, mai ngày. Bởi, chỉ hiện tại mới vận dụng được quá khứ lẫn mai ngày, rày chưa đến.

4. Hãy hân hoan vui sống với cháu con, để khi mình đi vào buổi xế chiều, nhiều lời kinh cũng chẳng đạt mục tiêu.

5. Hãy cứ chấp nhận thương đau, do tuổi tác. Bởi, đó là cuộc sống. Rất bình thường.

6. Hãy vui hưởng thân phận mình hiện đang mang. Bởi, những gì mình nắm trong tay, đã là “có”. Đừng cố chiếm, những gì mình không được tặng. Đó, là cái mình “không có”

7. Hãy vui sống đời mình, với mọi người. Những người cần đến tình mình thương yêu. Cần mình nuông chiều. Dễ luột mất.

8. Hãy thứ tha và chấp nhận sự tha thứ. Cứ vui hưởng giờ phút an bình. Rất hiếm. Cho mình. Cho hồn thiêng, của mình. Vì, mọi cái “có” đều dễ mất đi.

9. Đừng sợ khổ. Chớ lo chết. Đó mới là sự sống. Bởi, có chết đi mới sống lại được. Và, sự sống lại, vẫn chờ đợi mọi người. Chờ cả ta.

10. Hãy làm hoà với Tạo Hoá. Bởi, chính Tạo Hoá mới là Tất Cả. Kể cả, những gì mình đang “có” và sẽ “có”. Vẫn cứ “có”, sau cơn sầu buồn. Khổ đau. Căng thẳng.

Dĩ nhiên, đây chỉ là những đề nghị cỏn con. Để, ta hy vọng. Để, ta sống khoẻ. Sau cơn mê. Mê say cuộc đời này, nhiều lãng phí. Dĩ nhiên, đó chỉ là tư tưởng vặt, chẳng gì mới. Nhưng sẽ rất mới, nếu bạn và nếu tôi, ta nhìn lại thời điểm có những khoảnh khắc, giống những:

chiều lại chiều

vang vang đều, dưới ánh hồng ngọn đèn hoả châu

dân mình nguyện cầu, cầu xin… xin yên vui.”

(Hoàng Thi Thơ – bđd)

Chiều là thế. Thế đó, một buổi chiều. Sau nhiều ngày vui, những lễ hội. Thế đó, những ngày chiều. Nhiều sự sống. Sống đời người. Nhiều thương đau. Một đời, cần hy vọng, để sống. Sống, với mọi người. Suốt đời. Có kinh chiều. Không buồn. Không sầu đau.

Trần Ngọc Mười Hai.

Vẫn suy tư thêm,

về quãng đời chiều

của nhiều người.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com

No comments: