Sunday 24 May 2009

“Mưa hoàng hôn, trên thành phố buồn gió heo may, vào hồn”

thoảng hương tóc em ngày qua

ôi người em Hồ Gươm về nương,chiều tà

Liễu sầu úa thềm cũ nằm mơ,hiền hòa”

(Phạm Đình Chương – Mưa Sàigòn Mưa HàNội)

(Xh 31: 12-14)

Hoàng hôn buổi ấy, có cơn mưa chiều, nhiều ảm đạm. Cũng Kiêu sa. Là đà. Ở xứ miền mang tên Pê-tra, sỏi đá. Nước Gio-đan. Mưa hoàng hôn chiều ấy, đã dẫn đưa bần đạo về lại với kỷ niệm thân thương miền đá sỏi. Miền đất, có bề dày lịch sử thánh thiêng. Triền miên đầy kinh nghiệm Có kinh nghiệm trải dài Nê-bô, chốn núi. Và kinh nghiệm, ngày thánh tổ Môsê đặt chân đến. Có Đức Gio-an Phaolô Đệ Nhị, âm thầm nguyện cầu mùa điển tích. Năm 2000.

Trầm mình nguyện cầu trong hôn hoàng buổi chiều ấy, bần đạo lại nhớ tới cộng đoàn nhỏ hân hoan ngày chủ nhật. Cũng âm thầm bầu khí linh thiêng, rất thánh lễ. Có chủ tế vu vơ gạn hỏi, với sẻ chia. Gạn hỏi, để nhập đề. Để, sẻ san bài suy niệm. Gạn rồi hỏi, chủ tế mình vẫn sẻ chia, như sau:

“Trước khi bắt đầu bài chia sẻ cho thánh lễ hôm nay, xin mạn phép hỏi bà con cô bác, các anh chị ở đây, có ai biết: khi xưa, Chúa nói những gì với chư thánh có tâm thành năng đi lễ? Hỏi, là hỏi ngắn gọn tuy rất dễ. Nhưng sao cộng đoàn dân con chiều hôm ấy vẫn cứ thụ động, chẳng trả lời. Khiến, bé em phải giơ tay phát biểu, liền lập tức:

-Dạ thưa, Chúa nói: xin Cha tha tội cho chúng. Vì chúng không biết việc mình làm!”

Trong san sẻ nguyện cầu, chủ tế đã mau mắn đưa ngay câu đáp trả của bé vào làm dẫn nhập cho đề tài suy tư, như sau:

“Thời buổi này, có nhiều anh nhiều chị đi nhà thờ, rất đều đặn. Cũng sốt sắng. Nhưng, chừng như ít người hiểu và biết rõ việc mình đang làm. Cứ thắc mắc với hỏi han: việc làm này mang nặng ý nghĩa gì? Có cần lắm không? Không làm thế, có mắc tội mắc vạ gì không?

Truy tầm một sơ vấn, bần đạo bèn lục lọi mọi tài liệu, may thay gặp câu hỏi/đáp rất ăn nhập, ở trên báo. Thật sự, đây là câu hỏi/đáp xuất hiện trên The Catholic Weekly, tháng 8/2008, với đoạn viết khá “ăn ý/ăn nhập” như sau:

“Nhiều lần, con có nghe người bạn thân đã phân trần, nhiều chuyện kể. Một chuyện cũng không vui cho lắm, trong đó có thể đã là lý do khiến anh giã từ nhà thờ, vì không nhận được câu giải đáp thoả đáng, khá kịp thời. Chuyện anh bàn, vẫn là thắc mắc/vấn nạn từng xảy đến với Giáo hội. Thắc mắc ngoan cường, đại để: có là chuyện bắt buộc, cột chặt ta phải đi lễ mỗi ngày Chúa nhật, không? Nếu không đi, có mắc tội, mắc vạ gì không? Anh cũng nói: sao không thấy Giáo hội Chính thống/Tin Lành, đòi ràng đòi buộc, gắt như thế! Phải chăng Đạo mình cũng thật khó, phải không cha?

Hiển nhiên là, một khi đã có hỏi là có đáp. Đáp khá dài. Dù có hay. Chí ít, là lời đáp rất chính mạch. Trong khuôn khổ nhà Đạo. Theo cung cách của “đấng bậc”, như xưa:

“Đã nhiều lần, tôi từng thưa chuyện cùng quý bạn, là: không phải Giáo hội ta “thật cũng khó”, đâu. Đích thực, Giavê Thiên Chúa đã huấn thị cho dân Do Thái 10 điều giới lệnh, gồm cả thảy. Giới lệnh thứ ba, rõ ràng đề cập chuyện “giữ ngày Hưu lễ”, là như thế. Đàng khác, vì ta biết rõ Chúa là Đấng nào. Lại dư biết, Ngài thương ta thật dường bao. Nên, ta có thờ kính Ngài bằng nhiều dự lễ ngày Chúa Nhật, cũng là chuyện phải lẽ, thôi.

Giới lệnh 3, Gia-vê Thiên Chúa ban cho tổ phụ Môsê, thật gay gắt. Giới lệnh, nói:

”Các ngươi sẽ giữ các ngày Hưu lễ,

vì đó là sự thánh thiêng đối với các ngươi:

kẻ vi phạm hà tất sẽ phải chết.

Vì, phàm ai làm việc gì trong ngày ấy,

mạng nó sẽ bị tiễu trừ khỏi họ hàng của nó.”

(Xh 31: 12-14).

Trừng phạt đến trí mạng, đối với những kẻ không tuân giữ ngày Hưu lễ, như thế đã rõ một điều: Thiên Chúa coi giới lệnh này thật nghiêm chỉnh. May mắn thay, thời buổi này, Giáo hội Chúa không đi đến phán quyết xử tử, những kẻ nào bỏ lễ ngày Chúa nhật! Đúng là thế.

1200 năm sau, ngày Môsê nhận 10 điều giới lệnh của Giavê, vào thời của Chúa, người Do Thái vẫn tuân giữ ngày Hưu lễ, nghiêm túc phúc lệ hơn bao giờ. Vào buổi ấy, có người còn tố cáo Chúa không chịu tuân giữ giới lệnh này cho nghiêm chỉnh, nữa là đằng khác. (x. Mt 12: 1-2, 9-14; Mc 2: 23-28, 3: 1-6)

Cũng vậy, khi nhận ra Chúa là Đấng nào, và biết rõ Ngài đối xử với ta hiền từ ra sao, hẳn ta cũng chỉ mong kính thờ và tuân giữ điều Ngài dạy theo cùng một cung cách như Đức Giêsu khi xưa khuyên dạy. Ngài dạy ta rất rõ, không nên bỏ dự Tiệc Thánh như những lời giản đơn, như:

Hãy làm việc này mà nhớ đến Ta” (Lc 22: 19)

Làm mà nhớ. Giả như Giáo hội có tuyên bố rằng: bỏ lễ ngày Chúa nhật là lỗi nặng, do ta tự ý, thì đây cũng không là phán quyết độc đoán. Đúng hơn, đây chỉ muốn nhắc con dân Chúa biết rằng: ràng buộc này, tự thân, mang tính cách nghiêm túc. Rất nên làm.

Để giải quyết vấn đề, Đức thày nói: nên làm! Nên làm, là nên tuân giữ giới lệnh 3, như người Do Thái vẫn làm, từ nhiều kiếp. Cả kiếp héo mòn đời, như một nghệ sĩ họ Phạm khác, lại vẫn hát:

“Cô liêu trong nỗi u hoài

lòng người sống lạc loài

thê lương mềm vai gầy

bao oan trái dâng tê tái

cho kiếp người héo mòn tháng ngày…

Mưa còn rơi…

Ta còn ước rồi nắng yêu thương về đời

Vang trời tiếng cười ấm niềm tin hồn người

Mây trắng vui tươi

Tình quê ngút khơi

Tự do phơi phới.” (Phạm Đình Chương – bđd)

Vấn đề đặt ra hôm nay, không phải để hỏi rằng “thê lương và u hoài, nỗi cô liêu”, khi giữ luật. Cũng chẳng là, niềm “thê lương”, “oan trái” tháng ngày đầy mòn héo. Nhưng là, “tình quê ngút khơi”, “tự do phơi phới”. Tự do, khi nghe đức thày tả thêm về điều răn 3, hãy cứ nghe. Nghe xong, rồi tự quyết. Quyết định lấy, cho chính mình:

“Giờ đây, hãy xem Kitô hữu thời tiên khởi. Các vị vẫn giữ điều răn thứ 3, nghiêm túc đến thế nào. Năm 303, thời kỳ Hoàng đế Dioclêtius bức bách Hội thánh Chúa, rất dữ dội. Dữ đến độ, có nhóm tín hữu gồm 49 người, trong đó thấy có nghị sĩ, cũng bị bắt giữ chỉ vì dám ngang nhiên tụ họp tại nhà thành viên cộng đoàn nọ, để cử hành thánh lể ngày của Chúa, ở Abiten. Là, thủ phủ nằm phía bắc châu Phi, nay gọi là nước Tu-ni-di. Các tín hữu này bị giải lên cho thống đốc Anulinus hỏi cung và quyết định.

Trong số các nhân chứng, đứng ra lúc bấy giờ, có Êmêritus không chút hãi sợ, đã hiên ngang tuyên bố mình từng đón tín hữu ngay tại nhà, để dâng lễ. Và, khi vị thống đốc hỏi: “Vì cớ gì anh lại đón các vị này đến nhà mình? Có phải để phản kháng luật của Hoàng đế chăng?” Ông bèn đáp: “Chúng tôi không thể sống, mà không có thánh lễ ngày của Chúa nhật.”

Tức thì, cả 49 vị đều bị đưa ra pháp trường để hành quyết. Tác giả cuốn ký sự “Công vụ Tử vì Đạo” lời bàn về câu nói của vị thống đốc trích ở trên, khi thấy các tín hữu hiên ngang tham gia cử hành Tiệc Thánh, có nói rằng: “Ôi còn gì ngu xuẩn nực cười bằng câu hỏi của vị quan án! Như thể bảo rằng, mình là tín hữu ngoan Đạo mà lại không cử hành Tiệc Thánh, nghe được sao? Cũng vậy, Tiệc Chúa làm sao thành, nếu không có tín hữu đến tham dự! Hỡi Satăng, ngươi biết chăng: chính Tiệc Thánh Chúa Nhật làm nên tín hữu? Và, chính tín hữu Chúa đã làm nên Tiệc Thánh Chúa Nhật. Không thể có thứ này, mà lại không có người kia. Và, ngược lại?”

Ở đây nữa, nên nhớ: vào thời ấy, Hội thánh Chúa không đưa ra luật lệ nào bắt mọi người phải đi nhà thờ dự lễ ngày của Chúa, hết. Đơn giản là, việc này đã in hằn thật sâu nơi tâm khảm/đầu óc người tín hữu, vốn chuyên chăm. Cụ thể là, tất cả đều nhất quyết không để ngày của Chúa lạt lẽo trôi qua, mà lại không đến tham dự Tiệc Thánh. Dù, việc đó có nguy hiểm đến tính mạng mình, thế nào nữa. Cũng mặc.

Đi lễ ngày của Chúa, đối với ta hôm nay, cũng như thế. Đây chính là điều thiết yếu, chứng tỏ căn tính của người đi Đạo. Không thể có chuyện tín hữu đích thực, không thể có cuộc sống đi Đạo thích đáng, mà lại không tham dự tiệc Thánh, ngày của Chúa. Dù, Hội thánh có tuyên bố: bỏ lễ do tự ý mình, là lỗi nặng hay rất nhẹ.

Việc quan trọng cần làm, là: hãy cứ để riêng mỗi tuần một ngày, dành cho Chúa. Và để riêng một tiếng, cho thánh lễ Chúa nhật, như Chúa nói: “Anh em không thể tỉnh thức với Thầy được một giờ sao?” (Mt 26: 40). (x. John Flader, The Catholic Weekly 8 & 15/6/2008, p. 10)

Cuối cùng, Đức thày giòng họ Flader trở về với giòng chia sẻ của thánh Gioan Kri-zốt-tôm, khi thánh thân so sánh việc dự lễ với chuyện xem xiếc (thời ấy), bóng bầu dục (ngày hôm nay), như sau:

“Ở đám xiệc, chẳng thấy có mái trên đầu che mưa che nằng gió có hoàng hôn, đám đông quần chúng vẫn cứ xem. Họ còn ra như khùng điên la ó, cả vào lúc mưa trút ướt mình mẩy. Cả vào lúc gió lộng thổi vào mặt. Khi ấy, chẳng ai nói đến chuyện đường trường giá lạnh, mưa nắng/bão bùng, chẳng gì có thể ngăn cản họ đến thưởng lãm. Chẳng có gì khả dĩ giữ chân họ ngồi nhà! Thế nhưng, đi nhà thờ dự lễ, thì cứ nại cớ trời nắng trời mưa, dây dưa bùn đất, dễ ngã nhào. Ôi, cũng chỉ nại cớ cản trở mình sống thánh thiện, thế thôi!” (x. M.F. Total, Các bài giảng nổi tiếng ngày Chủ Nhật, tập 2. tr. 137)

Kể ra thì, tâm tình người thời đại, có phản ứng tích cực và tự nhiên, với chuyện nhà thờ/nhà thánh không, đó là vấn đề. Vấn đề, càng trở nên trầm trọng, với người sống ở trời Tây. Rất đầy vật chất, lẫn cơm bánh hằng ngày, chẳng cần xin. Trái ngược với tình hình cơm áo/gạo nước, của người dân nghèo ở phương Đông.

Với người đời, những đầy đủ vật chất với gạo tiền mà lại không có Chúa ở cùng và sống với Chúa, thì giờ giấc tháng ngày trong tuần đều trở thành điều mà người Âu/Mỹ hôm nay “gọi đó nỗi buồn”, của một tuần: Sinday, Mournday, Tearsday, Wasteday, Thristday, Fightday Shatterday. Dịch tiếng Việt, có thể gọi: Chủ nhật Ngày tội lỗi, Thứ Hai Ngày Sầu Vãn, Thứ Ba Ngày Khóc than, Thứ Tư Ngày Phí Phạm, Liệng Bỏ, Thứ Năm Ngày Đói khát, Thứ Sáu Ngày Đánh giết, Thứ Bẩy Ngày Tả tơi Đổ vỡ, rất để đời.

Là những tháng ngày, của một năm, người nghệ sĩ trên vẫn cứ hát:

“Mưa ngày nay, như lệ khóc phần đất Quê Hương tù đày,

Em ngoài ấy, còn nhớ hẹn xưa miệt mài,

Giăng mắc heo may,

Sầu rơi ướt vai

Hồn Quê tê tái…” (Phạm Đình Chương ­ - bđd)

Ướt vai – tê tái, có là tâm tình của những người ngày nay ít đi nhà thờ dự lễ? Điều này, khó có thể hoà nhịp với người ở Phương Đông để đổ vấy cho kẻ sống ở trời Tây. Tựa như thế, không thể bảo, người ở Phương Tây lúc này ít đi nhà thờ nhà thánh, là sẽ chuốc lấy sự vắng mặt của Chúa, trong cuộc đời. Hoặc, chỉ gặp những khóc than, sầu buồn. Tả tơi. Đổ vỡ.

Không nói thế, là bởi: dù có đến nhà thờ dự lễ lạy, mà chẳng tuân giữ giới răn “tóm gọn hai này mà chớ: trước kính mến một Đức Chúa Trời, sau lại yêu người như mình ta vậy”, thì có bằng nhiều người ở trời Tây, vẫn còn giữ, là tuân giữ tinh thần của “Nước trời” đã hằn sâu im ắng, ở tâm can. Dù có vắng mặt ở nhà thờ. Đó là điều, đà thấy rõ qua động thái thương người bằng cử chỉ đỡ đần giùm giúp, bất cứ lúc nào, ở đâu đó. Bên trời Tây. Như người trẻ, tên gọi Michael McVeigh, trong bài viết mang tựa đề “Bị thương tích, ta tìm cứu chữa, và ta được chữa lành” , có nói:

“Qua kiếm tìm, ta gặp được ý nghĩa của cụm từ chữa lành người bị nạn, biết rằng bản thân mình có thể dễ bể, tả tơi; nên đáp ứng lời kêu gọi giùm giúp với đùm bọc bằng những hành động tương thân tương trợ, rất yêu thương. Mỗi lần giùm giúp, hỗ trợ, ta đều đích thận gặp gỡ chính Chúa, những cội nguồn niềm cảm hứng, tạo hỗ tương. Trường hợp của anh bạn tên Nguyên, họ Phạm, tên Trần nào đó cũng là một ví dụ cụ thể. Có người gọi đó là “sự chói sáng tuyệt vời” của niềm tin.

Thành thử, mỗi khi bạn nghe biết có thiên tai, động đất bão lụt ở đâu đó, hãy nhớ đến họ ít là bằng lời nguyện cầu, hoặc hỗ trợ thực thụ bằng những động thái xót thương giùm giúp. Qua nhận thức biết mình có thể sẻ san nỗi niềm dễ thương tổn, ta sẽ là những người chữa lành rất thực tế. Rất thân thương. Chính nhờ vào nghĩa cử hỗ tương giùm giúp cách thực tế, ta gặp chính sự chữa lành, bồi đắp có ý nghĩa.” (Michael McVeigh, Australian Catholics, số Phục Sinh 2009, tr. 4)

Giùm giúp như thế, là đem nắng yêu thương vào đời, như lời nghệ sĩ lại đã thêm:

“Mưa còn rơi…

Ta còn ước rồi nắng yêu thương về đời

Vang trời tiếng cười ầm niềm tin hồn người

Mây trắng vui tươi

Tình quê ngút khơi

Tự do phơi phới.” (Phạm Đình Chương – bđd)

Nói cho cùng, mưa hoàng hôn hay “Mây trắng vui tươi” ngày Hưu Lễ. Có thánh lễ. Có tình quê ngút khơi, phơi phới, đều là giới lệnh cần thiết. Cần nhiều hơn tinh thần đầy những luật. Dù, có là luật Hội thánh hay luật ngoài đời. Vẫn Yêu thương, độc nhất một đạo luật. Đạo luật ấy, vượt trội mọi giới lệnh, cần nhận thức.

Trong tinh thần nhận thức lệnh và luật rất cần cho đời và cho người, cũng nên thả lỏng tâm tư/linh hồn theo ngón gió đu đưa có dáng dấp của “Mưa Sàigòn, Mưa HàNội” để mà thư giãn. Thư giãn bằng truyện kể rất nhẹ, rất hoàng hôn, như bên dưới:

“Gia đình tốt lành/đạo đức hôm ấy, vẫn đi lễ như mọi lần. Không hiểu sao, chủ nhật nọ, mẹ hiền hôm đó bỗng cất lên lời bình phẩm, rất công khai:

-Thế này mà gọi là lễ trọng ư? Hát hò gì chẳng khác nhạc ngoài đời. Hoạt cảnh Phúc âm nào có khác gì buổi nhạc sống, nhà hát lớn!

-Ba thì thấy ông cha này, bữa nay giảng dài quá sức. Kiếm mãi không ra bãi đáp để kết thúc, cho bà con mình tỉnh giấc.

Đứa con lên 7 bèn góp ý:

-Con thấy khác. Không đâu biểu diễn nhiều tiết mục như thế, chỉ mất có 1 đô.”

Thật ra, không phải thế. Tất cả, là cố gắng của mỗi người. Và mọi người. Từ cha cố đến dân con, ở nhà Đạo. Nhất nhất đều hiểu, thánh lễ đã là trọng tâm của cuộc sống. Đạo hạnh. Để mất trọng tâm, cuộc sống con người chẳng còn gì, là ý nghĩa.

Vấn đề là, làm sao để cuộc sống mình không trở thành nhàm chán. Lấy lệ. Nhất thứ, làm sao hấp dẫn được người trẻ. Làm sao, để Tiệc Lòng Mến Thánh Thể không còn là thói lệ. Chẳng bắt buộc. Cứ hớn hở. Hăng say. Tìm đến.

Việc còn lại, là quyết tâm của mỗi người. Của cha con. Thầy tớ. Ở nhà Đạo. Trong đời.

Trần Ngọc Mười Hai

Cứ bận tâm

suy nghĩ

chuyện lễ lạy

với nhà thờ.

No comments: