Saturday 9 May 2009

“Anh mong chờ mùa Thu”

Trời đất kia ngả mầu xanh lơ Đàn bướm kia đùa vui trên muôn hoa Bên những bông hồng đẹp xinh.

(Đoàn Chuẩn-Từ Linh – Thu quyến rũ)

(1Cr 12: 12)

Mùa thu anh chờ, vẫn là nguồn thơ. Thơ đi vào mùa Thu, có đất trời ngả mầu xanh. Xanh lơ. Có cánh bướm đùa vui, trên muôn hoa. Có những bông hồng vừa đẹp, lại vừa xinh. Xinh đẹp, tình người ở huyện, chốn đời thường. Một đời, có những gặp gỡ khác thường. Rất thân thương. Đầm ấm. Gặp gỡ, là gặp rất ngỡ ngàng, tưởng mơ màng. Gặp gỡ - ngỡ ngàng, là lần gặp mặt giữa người anh em trên Tây Nguyên, những 40 năm trời xa và cách. Gặp, để hiệp thông với con dân nhà Đạo, ở Sydney.

Thu nhiều mong chờ ở Sydney, đã có gặp người anh em linh mục họ Trần tên gọi rất “xì-tin”, tức Sĩ Tín từ đất trời Plei-kly, Pleichuet, có đàn hát nghêu ngao văn nghệ, đi dần vào chốn Thiên Thai, giòng đời sắc tộc, một Jarai. Thiên thai chốn ấy, nay ngập ngừng. Nhưng có những lời hát đầy chờ mong:

“Anh mong chờ mùa Thu,

Dìu thế nhân dần vào chốn Thiên Thai,

và cánh chim ngập ngừng không muốn bay,

Mùa Thu quyến rũ anh rồi.” (Đoàn Chuẩn Từ Linh – bđd)

Dần vào chốn Thiên Thai đầy quyến rũ, của mùa Thu có cơn mây chiều, bay rất chậm. Có anh và có tôi, vẫn ngồi đó nghe kể truyện hiệp thông, rất thánh. Hài hoà. Đoàn kết, giữa thành phần cấu tạo của Thân Mình Đức Chúa, như Lời thánh Phaolô từng xác nhận:

“Thật vậy,

ví như thân thể người ta chỉ là một,

nhưng lại có nhiều bộ phận,

mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều,

nhưng vẫn là một thân thể,

thì Đức Ki-tô cũng vậy.”

(1 Cr 12: 12)

Chuyện hiệp thông các thánh, ở huyện nào đi nữa -chí ít là huyện Sydney hôm rồi- vẫn cứ là một hiệp thông lành thánh, thân thương. Có hiệp và có thông, một gặp gỡ. Rất rõ ràng. Rõ, như lời kinh đầu lễ “Tôi tin các thánh thông công”, mà Giáo Hội vẫn khích lệ. Và còn nâng cao đặt vào giây phút long trọng, trước giờ bẻ Bánh. Ngày của Chúa. Rõ ràng là thế. Rõ ràng, chuyện hiệp thông dân con Chúa như Thân Mình Chúa, mà sao có vị vẫn thắc mắc, cứ hỏi han. Hỏi thật kỹ, như thế này:

“Cứ mỗi lần đọc Kinh Tin Kính ở buổi lễ, tôi thấy có câu: “Tôi tin các phép thông công”, ở đoạn dưới. Nghe sao giống ngôn ngữ lập luận đầy tranh cãi về chuyện “dứt phép thông công”, thời buổi trước. Và, cả mới đây khi Đức Giáo hoàng bãi bỏ chuyện này cho giám mục cổ lỗ Lebèbvre ở Pháp và vị giám mục kỳ thị Williamson, người Anh. Xin linh mục chỉ giáo để chúng tôi hiểu cho đúng lẽ Đạo, của nhà thờ. Hết lòng cảm tạ.”

Như mọi lần, hễ có hỏi thì cũng nên đáp. Mà, đáp sao cho lễ quan, tương tế, chính mạch… tưởng cũng nên vời đến đấng bậc, có kinh nghiệm từng trải rất Harvard, là đấng “lờ mờ” (Lm) John Flader của The Catholic Weekly, ở Sydney, như sau:

“Chuyện “Hiệp thông giữa các thánh” (mà ngôn từ khi xưa có thói quen dịch là “các thánh thông công”), chứa đựng ý nghĩa còn mạnh hơn chỉ một cụm từ sự “thông phần kết hợp” của thánh nhân, ở thiên đường. Cụm từ “Hiệp thông giữa các thánh”, rõ thật gồm hai vế, nhưng vẫn có liêen quan với nhau. Tiếng Latinh xưa, các cụ viết “communio sanctorum” rõ ràng có thể qui chiếu về hai chuyện: các vị lành thánh và các chuyện tốt lành.

Ý nghĩa tiên quyết, cụm từ ở trên vốn qui về ý-từ của một hoà hợp, mà ngày nay ta có thói quen gọi đó là “hiệp thông”. Hoà hợp hay hiệp thông ở đây, là sự hoà hợp giữa các thành viên của Hội thánh Đức Kitô. Ý nghĩa thứ hai, qui về kho tàng thiêng liêng, rất trân quý. Tức, kho tàng của phẩm chất thánh thiêng, mà mọi con dân trong Giáo hội đều có được, bắt đầu từ Đức Kitô.

Nay, ta cứ xét cả hai khía cạnh, bắt đầu từ ý nghĩa của hoà hợp giữa các thánh nhân.

Nếu bạn là người hỏi, vẫn ưu tư khắc khoải về chuyện mình được liệt vào thành phần gồm các vị lành thánh, cũng đừng ái ngại. Dĩ nhiên, tất cả chúng ta đều là kẻ phàm nhân, đầy lỗi phạm. Nhưng ta đều trở nên lành thành, nhờ vào Bí tích Thanh tẩy. Đó là lúc ta nhận lãnh trọn vẹn sự sống lành thành của Đức Chúa, cùng lúc ấy, mọi lỗi phạm của ta, được tha gỡ. Không một ai lành thánh hơn người vừa được thanh tẩy xong.

Qua Thanh tẩy, ta được tháp nhập vào Thân Mình Nhiệm Mầu của Đức Kitô. Do đó, ta trở nên thành phần của Đức Kitô. Tức, thành phần của duy nhất một Thân Mình Ngài. Được như thế, ta cũng được san sẻ sự sống lành và thánh của Ngài. Nhưng, bởi lẽ tất cả mọi thành viên khác cũng được thanh tẩy như thế, nên cũng đã là thành phần của Thân Mình Chúa, Đức Kitô. Và, chúng ta được kết hiệp thực sự cùng với các vị ấy, bằng tính thần thiêng, nữa. Theo ý nghĩa này, Giáo Lý của Hội thánh Công giáo, đã nói rất chí lý, rằng:”Sự hiệp thông các thánh là chính Giáo hội.” (GLHTCG đoạn #946)

Về điều này, thánh Phaolô cũng nói thêm:

“Nếu một bộ phận nào đau,

thì mọi bộ phận cùng đau.

Nếu một bộ phận nào được vẻ vang,

thì mọi bộ phận cũng vui chung.”

(1Cr 12; 26)

Hiệp thông như thế, là sự hiệp thông theo nghĩa đậm sâu, trong Hội thánh. Hiệp thông giữa mọi thành viên, bất kể thành viên ấy đang ở đâu? Có quen biết ta hay không? Cũng tựa như khi một số thành viên Đạo Chúa bị bách hại ở Trung Quốc, chúng ta cầu nguyện cho các anh chị em ấy, vì các vị ấy chính là những người anh, người chị của chúng ta, trong Đức Kitô.

Dùng ngôn từ của nhà thơ, hay người viết nhạc thời buổi trước, ta sẽ lại hát:

“Anh mong chờ mùa Thu

Tà áo xanh nào về với giấc mơ

Mầu áo xanh là mầu anh trót yêu

Người mơ không đến bao giờ.” (Đoàn Chuẩn-Từ Linh – bđd)

Tà áo xanh, người anh người chị của chúng ta, có đâu nào về với giấc mơ. Nay đã trở về. Trở về, thành người cận thân, và cận lân, trong nhà Đạo. Của mình. Người anh người chị ấy, chính là các thánh, hiện diện hiệp thông, để cùng ta gặp gỡ, trong nguyện cầu.

Hiệp thông nguyện cầu, Hội thánh lại đã phát triển rộng rãi. Cùng khắp. Như đã giải thích:

“Sự Hiệp thông các thánh, còn trải rộng ra bên ngoài Giáo hội, ở mặt đất.Trải rộng và bao gồm cả các đẳng linh hồn đang còn thanh luyện, chốn luyện hình, cũng như thiên quốc, nữa. Để, cùng nhau ta thiết lập một Thân Mình Nhiệm mầu và ta có thể nguyện cầu, cho từng người. Các thánh ở Thiên Quốc vẫn trợ lực cầu bàu cho các vị còn nơi thanh luyện, và cho chúng ta, ở thế trần. Cùng một kiểu như thế, các linh hồn còn ở nơi thanh luyện, cũng đang cầu bàu cho mỗi người chúng ta nữa. Và như thế, ta hiệp thông nguyện cầu cho các linh hồn ở nơi ấy.

Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục có viết trong Tông Thư Niềm Tin Yêu của Dân Chúa, như sau: “Chúng ta tin vào sự hiệp thông của các tín hữu Đức Kitô, tức những người còn hành trình nơi thế trần, các đấng bậc đã qua đời nay đang được thanh luyện và cả các vị lành thánh trên thiên quốc. tất cả cùng kết hợp tạo thành một Hội thánh duy nhất. Và chúng ta tin rằng sự hiệp thông này, tức tình yêu thương cứu độ của Đức Chúa và các thánh luôn chú tâm đến lời nguyện cầu của chúng ta.” (GLHTCG đ. #962)

Ở vế thứ hai trong “sự Hiệp thông của các thánh”, tức san sẻ sự tốt lành thánh thiêng , thì mọi thành viên Giáo Hội đều đóng góp cho cuộc sống của Giáo hội bằng những hành động tốt lành; bằng lời nguyện cầu và hy sinh, nhờ thế tạo nên Giáo hội hiệp nhất, thánh thiện hơn.

Ngôn từ của thánh Tôma Akinô, từng quả quyết: “Bởi lẽ mọi kẻ tin hợp thành thân mình duy nhất, nên sự tốt lành của mỗi cá nhân thánh thiện được thông chuyển đến mọi người… Chính vì thế, ta phải tin rằng chắc chắn đã thành hiện thực, một hiệp thông của mọi sự tốt lành trong Hội thánh. Nhưng, thành viên quan trọng nhất vẫn là chính Đức Kitô, bởi Ngài là đầu của Hội thánh… Thế nên, mọi sự thiện lành thánh của Đức Kitô được chuyển hoá cho mọi thành viên, ngang qua các phép Bí tích. “ GLHTCG #947)

Nói cách khác, mọi công lênh dẫn đến thành viên của Hội thánh, bắt đầu bằng ân sủng dồi dào của Đức Kitô, đã trải rộng để thiết lập thành kho tang quý báu, làm của chung. Cũng từ kho tang này, ta nhận lãnh mọi đặc sủng, cách riêng ngang qua các phép bí tích. Và cũng từ nguồn kho tàng trân quý này, Hội thánh đã ban cho mọi người ân lành miễn xá, cho thành viên.”

Quả thật, “Sự Hiệp thông các thánh” đích thực là thức tại đáng ta trân trọng. (Lm John Flader, The Catholic Weekly 11/2007, tr. 10)

Hiểu đích đáng theo tinh thần Giáo hội như trên, bạn cũng như tôi, ta có thể nói được rằng: mọi gặp gỡ/hội ngộ của các kẻ tin hiền lành và rất thánh ở Sydney hay đâu đó, vẫn là những lễ hội (rất) ngộ, của anh em mình.

Tuy nhiên, có những hội ngộ tuy bị một số người nghi kỵ, tranh cãi hay ngộ nhận, như trường hợp của Giám mục Richard Williamson, cách đây không lâu, vẫn là hội ngộ của “hiệp thông giữa các thánh”, thật phải lẽ. Phải lẽ, là bởi:

“Trong thần học Công giáo, hình ảnh của sự hiệp nhất mang tính chế ngự là sự hiệp nhất của các Tông đồ với vị trưởng thượng mình, là thánh Phêrô. Nơi giòng đời Hội thánh hiện còn đang tiếp diễn sự hiệp nhất ấy, thì các Giám mục ở địa phương là chính các Tông Đồ, và Đức Giám Mục thành LaMã, là hiện thân cho thánh Phêrô. Toàn thể các Giám mục khắp nơi có bổn phận phải đoan chắc là vẫn có sự hiệp nhất trong niềm tin và sự sống nơi giáo hội địa phương và con dân mình. Đức Giáo Hoàng là vị có trọng trách thực hiện phục vụ sự hiệp nhất trong niềm tin và sự sống của Giáo hội hoàn vũ, bằng những biểu hiện khác nhau.

Xem như thế, cả việc cắt đứt hiệp thông và cất đi quyết đinh “dứt phép thông công” đối với 4 vị giám mục như được kể, phải được xem như nghịch chống lại những điều nói ở trên…

Những điều nghịch chống lại hiệp nhất, căn tính và quyền địa phương tự trị trong lòng các giáo hội, cũng như xã hội, luôn cần có sự thương thảo. Thương thảo nào cũng tế nhị, bởi lẽ trong bất cứ cuộc tranh chấp/cãi vã nào cũng thế, tầm cỡ của nó cũng đáng quý trọng. Cử chỉ đại độ của Đức Giáo Hoàng Biển Đức, gộp chung với sự dự phóng chấp nhận của cộng đoàn bất đồng chính kiến Anh Giáo, lâu nay vẫn dấy lên kịch tính của sự hiểu biết về sự hiệp nhất, kéo theo sau.” (Lm Andrew Hamilton sj, Các giám mục bất đồng chính kiến và việc hiệp nhất trong Giáo hội, báo điện Eureka Úc Châu ngày 02/02/2009)

Thế mới biết, trong “sự hiệp thông các thánh” vẫn còn đó những điều cần thận trọng, trong hiểu biết về hiệp nhất. Hiệp nhất, là chuyện xưa cũ như trái đất. Xưa và cũ, vẫn xảy ra từ thời các thánh Tông đồ, phục vụ giáo hội tiên khởi. Vẫn xảy đến cả với hai vị hiển thánh hàng đầu của Giáo hội, là thánh Phaolô và Phêrô.

Vấn đề đối với giáo hội cũng như xã hội mọi thời, là: có hiệp nhất là phải có va chạm. Đụng độ. Đụng, về lập trường. Đụng cả, về tư tưởng. Riêng tây. Nhưng cuối cùng, tình thương yêu đùm bọc, vẫn hàn gắn tất cả. Và, đặc biệt hơn cả, là: Thần Khí Chúa vẫn luôn hoạt động trong Hội thánh. Với Hội thánh. Vì Hội thánh, chính là : Hội của các thánh. Rất hiệp thông.

Để minh hoạ sự hiệp thôong của Hội thánh mang chút ít sắc mầu những thư và giãn., xin mời bạn mời tôi, ta thử dõi theo truyện kể ở bên dưới. Truyện kể hôm nay, hoàn toàn không mang tính “hư cấu”, một chút nào. Truyện kể rằng:

“Vị mục tử chuyên giảng thuyết ngày hôm ấy biết là bệnh tình của mình đến hồi trầm trọng, khó bình phục. Vị ấy bèn cho người gọi vị Uỷ viên tài chánh Giáo xứ và luật sự riêng (cả hai đều là giáo dân trong xứ của ngài) đến nhà để có đôi lời dặn dò. Vừa đến, nhị vị bèn mỗi người một bên, ngồi ngay cạnh giường của cha già, đang thoi thóp. Thấy hai nhân vật quan trọng trong giáo xứ đã ngồi gần, vị mục tử bèn đưa tay nắm chặt bàn tay của mỗi vị, cố kéo đến sát gần hơn. Lấy hết hơi bình sinh, thở dài, rồi nhìn lên trần nhà kèm theo nụ cười mỉm, rất nhẹ. Không để ai thấy. Trong một vài phút rất căng, chẳng ai thấy vị mục tử không nói một lời. Bèn sợ quá. Nhị vị được mời đến chứng kiến giây phút cuối cùng của mục tử thân yêu, thắc mắc chẳng biết ngài có thích ai không, mà lại thế.

Cuối cùng, vị luật sư lên tiếng hỏi:

-Thưa cha, sao cha cho người gọi bọn con đến đây, làm gì thế?

Vị mục tử hiền lành thánh thiện, lấy hết sức bình sinh, cố nói nhỏ:

-Khi xưa Chúa bỏ mình trên thập giá, Ngài được đặt giữa hai người ăn trộm, một lành một dữ. Hôm nay, tôi ra đi về với Chúa, cũng từa tựa như thế đó!

Như đã nói, “Hiệp thông giữa các thánh” là thông hiệp có lành, có dữ. Ai lành ai dữ, ai thân ai thiện, việc ấy không là chuyện quan trọng. Quan trọng, là làm sao trong tương quan hiệp thông giữa các đấng lành và thánh, ta cứ hiên ngang tin tưởng vào sự hiệp nhất của con cái Chúa. Của Hội thánh rất hiệp nhất. Rất thánh thiện. Như bao giờ.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn luôn tin

vào sự hiệp thông

của các thánh.

Trong mọi chuyện.

No comments: