Sunday 17 May 2009

“Anh đưa em đi về. Về quê hương ta đó”

Anh xin đưa em về Về quê hương tuyệt vời.”

(Hoàng Thi Thơ – Rước tình về với quê hương)

(Mt 18: 3)

Có những chuyện trong đời, rất tuyệt vời. Nhưng người đời thường chẳng dám. Chẳng dám ăn. Chẳng dám nói. Cũng chẳng dám làm. Nhưng cứ nghe. Nghe đi nghe lại, mãi không chán. Ấy đó, chuyện đời thường. “Về quê hương ta đó”. Ấy đó, chuyện người đời. “Về quê hương tuyệt vời”. Chuyện Nước Trời. Của người anh hùng tuổi nhỏ. Rất hay ho. Như truyện kể ở bên dưới, mà rằng:

“Lễ hội ngày ấy, bé Bình chạy đến ôm chầm lấy chân mẹ, đưa ra một yêu cầu lâu nay bé vẫn thích. Nhẹ nhàng. Gọn nhẹ. Bé hỏi nhỏ người mẹ hiền, chỉ một câu: “Mẹ ơi, hôm nao đi chợ, mẹ nhớ mua cho con chiếc xe đạp nhỏ, nhé mẹ! Tụi bạn con, đứa nào cũng có, hết trơn đó.” Nghe hỏi, mẹ hiền giật mình đến thót, thấu tim gan. Vẫn ôn tồn nói: “Con à, nhà mình nghèo lắm, e rằng mẹ không đủ sức mua xe cho con, đâu. Hay, con ra nhà thờ cầu Chúa xem sao, nhe bé em.”

Thoạt nghe xong, bé Bình thay vì chạy đến nhà thờ cầu Chúa, cho đạt ước mơ, bé lại nắn nót ngồi viết thư, cho Chúa. Lời thư tuy rất ngắn, nhưng dạt dào niềm ao ước: “Chúa yêu, con biết mình phải rất ngoan mới mong được Chúa đoái nhận lời cho quà. Nhưng, con vẫn muốn xin Chúa cho mẹ con được giàu hơn chút xíu, để mẹ mua chiếc xe đạp, cho con. Con xin điều này, Chúa ráng nhớ. Ký tên, Bình.”

Viết xong, thấy không được. Bé Bình sửa lại: Chúa dấu yêu, suốt năm rồi, con là đưa bé ngoan nhất nhà. Con xin Chúa món quà, để còn tin. Chúa nhớ cho con. Ký tên, bé Bình của Chúa.”

Một lần nữa, thấy không được. Bé Bình lại xé đi, viết thư khác:”Chúa thân mến, xưa rày con nghĩ: con là đứa bé không đến nỗi tệ. Bởi thế nên, nay xin Chúa cho con một chiếc xe đạp được không, Chúa? Con vẫn chờ Chúa. Ký tên: bé Bình, là con đó.”

Đọc lại, vẫn thấy chưa hay. Bé Bình nghĩ ra một diệu kế, bèn chạy một mạch đến nhà thờ, vào tận trong. Nhìn trước ngó sau, không thấy ai quanh đó, bèn bưng đại bức tượng nhỏ, về nhà. Giấu cạnh giường. Không cho người lớn thấy. Rồi, bé viết thư ngắn, rất gẫy gọn: “Chúa mến, con vừa thực hiện một việc lớn. Là, đem tượng Mẹ của Chúa về nhà đặt ở nơi kín đáo, không ai biết. Nếu Chúa muốn nhìn lại mặt người Mẹ của mình, thì Chúa phải biết điều mà cho con một chiếc xe. Bằng không, Chúa biết rõ chuyện gì sẽ xảy ra. Con tên Bình, Chúa há biết!”

Truyện ở trên, có thể chỉ hư cấu. Kể cho vui. Cũng có thể, là minh hoạ cho sự việc xảy đến trong cuộc đời. Một đời, có quá nhiều thứ. Những, viển vông. Không tưởng. Trẻ con. Nhưng, trẻ hay không, vẫn là chuyện khuyên can/răn dạy, Chúa từng bảo. Ở đâu đó. Nơi Kinh Sách:

"Thầy bảo thật anh em:

nếu anh em không trở lại

mà nên như trẻ nhỏ,

sẽ chẳng được vào Nước Trời.”

(Mt 18: 3)

Vào Nước Trời, là quê hương ta đó. Có “gió mát trăng thanh”. Đồng xanh xôn xao chào đón. Hữu tình. Đậm đà. Hương hoa (Hoàng Thi Thơ - bđd). Nhưng xem ra, lời thơ/tiếng nhạc người nghệ sĩ vẫn chưa nói hết nhu cầu cần có, để vào được Nước Trời, như đã viết. Nói cách khác, khung trời tuổi nhỏ, xem ra chưa thấy có đàn trẻ tung tăng, lời nguyện cầu, cần thiết. Để dâng lên. Nước Trời hôm nay, có bao gồm đàn trẻ bé, vẫn tâm tình nguyện cầu và suy gẫm. Suy rất dậm. Gẫm rất sâu. Như lời Ngài, thường nhắc nhở:

“Như trẻ thơ

đặt hết niềm tin nơi Chúa

(Tv 131: 1)

Và:

Đức Giê-su đáp:

các ông chưa bao giờ đọc sao:

Ta sẽ cho miệng con thơ trẻ nhỏ

cất tiếng ngợi khen?"

(Mt 21: 16)

Vào Nước Trời, nhiều người ít khi thấy trẻ nhỏ cất tiếng ngợi khen. Nguyện cầu. Suy gẫm. Nước Trời hôm nay, còn vắng thấy bậc ông bà/cha bác truyền đạt niềm tin nơi Chúa, với trẻ em. Dù, con trẻ vẫn thường có năng khiếu tự nhiên dấy tràn niềm vô tư, mở ra với không gian linh ứng. Đấy là điều, mà các nhà tâm lý đã xác chứng rằng con trẻ luôn có trong mình một tâm thức, rất thiêng liêng.

Điều mà nhiều người vẫn thấy, là: con trẻ thời nào cũng có kinh nghiệm đậm sâu đâu kết với các nhiệm mâù của Thiên Chúa. Cả vào khi, các em cùng với người lớn sống trong môi trường mà mọi người đều trân quý vật chất, xác thể. Trong khi đó, mọi sự thật thiêng liêng cao cả, đã mất giá. Mất tự tạo. Mất, trong đau buồn. Tự ý.

Thời thế hôm nay, mang nhiều dáng vẻ lâm nguy. Lo ngại. Lo và ngại, khi con trẻ của chúng ta không được dẫn dụ, để suy gẫm, nguyện cầu. Tự thân, con trẻ có thói quen ngay từ hồi nhỏ đã biết hướng lòng về với Chúa. Với Cha. Trong âm thầm, chuyện vãn. Rất ngây thơ. Tự nhiên. Lành thánh.

Còn nhớ, Kinh Sách xưa, Chúa chẳng bảo:

“Hãy để các trẻ nhỏ đến với Thầy,

đừng ngăn cấm chúng".

(Mt 19: 14)

Để con trẻ đến với Chúa, là dẫn dắt các cháu biết chuyện trò với Ngài, trong thinh lặng. Để chúng đến với Người, vì con trẻ là chính là sự lành thánh thơ ngây, rất tích thiện. Vì thơ ngây trong trắng, trẻ nhỏ dễ mở ngỏ lòng mình, để đón Chúa hiện diện, ở với mình. Vì hồn nhiên giấy trắng, trẻ thơ luôn sẵn sàng nghe người lớn hướng dẫn, cứ nguyện cầu. Làm thân. Với Chúa. Với mọi người.

Bậc ông bà/cha bác nên dẫn dắt trẻ tập nguyện cầu, ngay tại nhà. Tìm nơi yên tịnh, để gẫm suy. Suy, trong êm ắng. Gẫm nơi yên ổn. Là chốn, không thấy có giòng đời tranh đấu. Không có truyền thông chế ngự. Chỉ thắp lên, ngọn nến nhỏ, leo lét cha bác/ông bà đã tạo cho trẻ dấu hiệu của lặng thinh. Rồi từ đó, đọc cho bé đôi ba giòng Sách ngắn, là trẻ đã thăng hoa. Trầm lắng. Quyết dõi theo. Đôi lúc, cũng nên mở nhạc nhẹ; hoặc bảo bé, nói chuyện với Chúa Mẹ, qua hơi thở. Nhè nhẹ. Hài hòa. Không khó.

Khi làm thế, sẽ thấy trẻ hằn sâu một quyết định:

“Em theo anh đi về

Về quê hương ta sống

Em theo anh đi về

Về quê hương hữu tình…” (Hoàng Thi Thơ – bđd)

Hữu tình là quê hương,

“Có con chim sâu chỉ lối,

vườn cao thơm ngát hương hoa…” (Hoàng Thi Thơ – bđd)

Chim sâu chỉ lối, là chỉ cho bé em cách thức mà nguyện cầu. Không bằng lời lẽ bật thành tiếng. Nhưng cứ để bé em nhắm nghiền đôi mắt. Môi không mấp máy. Nhưng vẫn như thầm thì lời kinh câu hát, rất lặng thinh. Im ắng. Ngẫm nghiền.

Trẻ bé sẽ thấy đó là phương cách dễ làm. Dù đôi lúc, bé có lo ra chia trí, bằng những tư tưởng bất chợt về. Cứ từ từ mà khuyên bé, ta quay về với lề lối bình thường. Cứ thầm thì lời kinh đêm. Nhè nhẹ. Be bé. Rất thánh kinh. Lời, như mời gọi Chúa hãy đến. Hỡi Chúa, hãy ma-ra-na-tha, mà đến với con đây. Lạy Chúa của con, xin hãy đến (1 Cr 16: 22/Kh 22: 20)

Dạy cho bé biết cầu nguyện, cũng đừng nên kéo dài, quá lâu. Như thế sẽ chóng chán. Chỉ cần kéo dài chừng mỗi phút, cho mỗi tuổi. Như thế, cũng đã đủ. Năm tuổi, thầm thĩ cầu trong 5 phút. Em nào bé hơn, cứ cùng cha cùng mẹ mà nguyện ngắm với cầu xin. Cho quen dần. Cần nhất là để các em quen dần với không khí tĩnh mịch, để Chúa hiện diện, đến với em. Trong tâm can. Thầm lắng. Ấm êm.

Chẳng cần biện luận, ai cũng biết. Trẻ bé rất thích nguyện cầu, chuyện vãn với Chúa, trong lặng thinh. Nhưng vấn đề là, làm sao tạo được bầu khí thinh lặng, ngay ở nhà. Bởi, lặng thinh là tình đầm ấm. Rất tĩnh. Và, tâm cũng tịnh. Chừng như Chúa Thần Thần chỉ hoạt động qua bầu khí lắng đọng. Tịnh tâm. Cả thân xác. Lẫn môi trường.

Không có môi trường nào na ná tương tự như Thiên Chúa, bằng lặng thinh. Bên ngoài. Và ở trong. Và, tâm tình trong trắng rất ngây thơ, của trẻ nhỏ. Chính là tình tự Chúa đến với mọi người. Bởi thế, các thánh sử vẫn cứ viết:

“Ai không đón nhận Nước Trời

với tâm hồn một trẻ em,

thì sẽ chẳng vào được trong đó."

(Mc 10: 14)

Vào được Nước Trời, ở trần gian, là phải như trẻ nhỏ. Sống như trẻ nhỏ. Biết thinh lặng nguyện cầu. Dù ngắn gọn. Chẳng kéo dài, thời gian. Đó là thông điệp Chúa gửi. Từ ngàn xưa. Mãi đến ngàn sau, không phai nhạt. Bao lâu mặt trời còn chiếu sáng không gian, Lời của Chúa vẫn tồn tại. Với mọi người. Ở thế gian.

Để minh xác những điều nêu trên trên, cũng nên nghe thêm đôi lời nhận định của các em nhỏ về “thế giới quanh ta”, có những mùi vị, thật tinh tế. Dễ chịu. Bình dị. Như ở buổi học, lớp nhi đồng:

“Bắt đầu buổi học , thầy giáo chuẩn bị đồ nghề cho học trò nhỏ, theo kịp lớp. Cũng chẳng có gì là nghiêm trọng, hoặc ghê gớm. Chỉ vài cục kẹo nhỏ với mùi vị, rất khác nhau. Thầy đến từng bàn, phát cho mỗi em một cục kẹo, rồi nhè nhẹ bảo:

-Các em cầm lấy mà ăn thử, rồi nói cho thầy biết, thức vừa ăn , có mùi gì, và mầu gì?

Các em đua nhau nói:

-Kẹo của em mầu đỏ, mùi mận chát.

-Của em lại mầu vàng, mùi trái chanh

-Còn của em mầu xanh lục, mùi chua chua.

-Kẹo của em ấy à? Chỉ là mầu hung, mùi cam chín…

-Các em đều giỏi. câu nào nói cũng đúng. Bây giờ ta thử một thứ khác, đố các em nhận ra, là loại gì, mùi vị ra sao. Thế mới khó. Ai nói được, thầy sẽ cho điểm rất cao.

Chờ mãi chẳng thấy em nào lên tiếng, đoán ra được. Thầy bèn gợi ý mách giúp bảo rằng:

-Đó là thứ, mà má em ở nhà thường gọi tên ba là như thế.

Tức thì một bé gái vội vàng phun nhổ ngay ra ngoài, bèn la lớn:

-Thôi chết! Mấy thứ này, má em vẫn gọi là: Đồ chết tiệt…

Chết tiệt, hay chưa chết, nào đã tiếp xúc với thần linh, đầy tình Chúa. Là, giây phút quý báu, vẫn rất cần. Cần, không chỉ riêng cho người lớn. Vẫn cần, cho cả trẻ thơ. Là tạo vật, rất quen nguyện cầu, trong im ắng. Lắng đọng. Những tâm tình con cái Chúa.

Trần Ngọc Mười Hai

Đôi lúc thấy

rất thiếu xót phút thần tiên

yên lặng

mà nguyện cầu.

No comments: