Saturday 2 May 2009

“Em ơi quên đi bao nhiêu xót xa”

Những chiều thiết tha bên nhau. Em ơi! xin em, xin em nói yêu đương đậm đà Để rồi ngày mai cách xa

(Lê Uyên và Phương – Lời gọi chân mây)

(Lc 12: 30-31)

Làm sao nói “yêu đương đậm đà” cho được, một khi tình trạng kinh tế cứ suy thoái tràn lan, khắp địa cầu? Sống Đạo giữa đời, bà con ta rồi cũng sẽ nghe quen những câu thơ các cụ mình vẫn ngâm. Và, lại nói chữ. Có những chữ rất vần và rất điệu như: “Có thực, mới vực được Đạo”. Làm thơ - nói chữ, là thói quen không chỉ thấy ở các cụ gần đất xa trời, mà thôi. Nhưng, ở hết mọi người từ già đến trẻ, cả nam lẫn nữ. Rất đậm đà. Thân quen. Chân tình.

Còn nhớ, vào lần đặt chân thăm đất miền lành thánh rất Giêrusalem hôm ấy, bần đạo đã từng cảm kích trước “Lời gọi chân mây” xuất phát từ tâm tư, còn lắng đọng. Những âm thầm. Lặng câm. Trìu mến. Hôm nay, ngồi lại đây tưởng nhớ từng chi tiết khá nghe quen, bèn ghi lại đây đôi tâm tình cảm tạ. Chân phương. Tràn bờ.

“Lời gọi chân mây” mà bần đạo bắt gặp ở đâu đó, chốn sỏi đá khô cằn, đầy tình thâm. Có những câu như:

“Hãy để giờ ra mà yêu, vì đó là bí kíp của cuộc đời.

Hãy để giờ ra mà cười, vì đó là nhạc bản cho con tim.

Hãy để giờ ra mà khóc, vì là dấu hiệu của tim can. Bao la. Mặn mà.

Hãy để giờ ra mà đọc, vì đó là tài nguyên của tri thức.

Hãy để giờ mà nghe, vì đó là sức mạnh của trí tuệ.

Hãy để giờ ra mà suy tư, vì đó là chìa khoá dẫn đến thành quả.

Hãy để giờ ra mà vui chơi, vì nơi đó có vui tươi cuộc đời.

Hãy để giờ ra mà ước mơ, vì chính đó là hơi thở của hạnh phúc.

Hãy để giờ ra mà vui sống, bởi thời giờ sẽ qua đi rất nhanh.

Thời giờ trôi qua, sẽ không bao giờ quay trở lại.

Hãy thư từ chuyện vãn với bầu bạn, vì đó là hạnh phúc con đường vào cuộc sống.

Cuộc sống hôm nay, có nhiều chuyện rất “dĩ thực vi tiên”, khiến suy tư. Suy nghĩ và ưu tư, khi bạn và tôi, ta nhận ra đó là mối bận tâm của bà con. Bà con mình, nay càng ưu tư thắc mắc nhiều hơn nữa, khi thực tế cuộc sống đã phản chống lời Thầy Chí Thánh, vẫn khẳng định:

“Phần anh em,

đừng tìm xem mình sẽ ăn gì, uống gì,

và đừng bận tâm.

Vì tất cả những thứ đó,

dân ngoại trên thế gian vẫn tìm kiếm;

nhưng Cha của anh em

thừa biết anh em cần những thứ đó.

Vậy hãy lo tìm Nước của Người,

còn các thứ kia, Người sẽ thêm cho.

(Lc 12: 30-31)

Đi vào thực tế, lắm lúc có người cứ hỏi: Chúa đâu rồi? Sao Ngài không ra tay giúp đỡ, như Ngài hứa? Phải chăng Ngài là tác giả hay đồng lõa, với thiên tai/hạn hán, mất mùa? Ngài, sao cứ để con dân nhìn/gặp điều khổ não, trớ trêu kia?

Trả lời cho trách móc trích ở trên, không là chuyện dễ. Thế nhưng, ta cứ thử phiếm, thử mạn bàn để biết đâu sẽ tìm gặp được ánh sáng, ngoài cửa ngõ! Vậy thì, ta cứ bàn. Và cứ phiếm.

Nhìn về Chúa, người đời nhìn bằng nhiều cách. Kẻ cho rằng, Chúa là Thẩm Phán Tối Cao, Ngài xét xử muôn chuyện, xấu lẫn tốt. Thấy dân con làm chuyện xằng bậy, còn gửi thiên tai, để cảnh báo? Nhìn lối này, hẳn thiên tai/suy thoái là hình phạt Chúa gửi? Có công bằng, và phải lẽ không?

Có người, lại coi Chúa như Bậc Thày, chuyên dỗ dạy. Dỗ dạy, Thầy dẫn giải: thiên tai, là Chúa tập trung tâm trí ta, vào một chuyện. Ngài dạy ta, truy tìm phương hướng đường đời, để mà sống. Và có lúc, ta những lo toan với bạc tiền. Truy và tìm, đến độ quên cả Chúa Mẹ. Thế nên, thiên tai/suy thoái, là những cảnh báo lẫn cảnh tỉnh mà Đấng bậc vị thày dạy chuyên giúp ta, nhắc nhở.

Có nhiều vị lại coi Chúa như Đấng Bậc Giám Khảo, quyết giúp ta tăng trưởng không bê trễ, lung lạc. Cả những lúc ta thấy cuộc đời vẫn tuyệt đẹp. Ngài gửi đến cho ta, những là bôn ba và thử thách. Đó là hình tượng thử thách mà Giavê Thiên Chúa, trong sách Gióp vẫn thường nói. Nói rất thân, để ta nhìn vào đó thấy những điều nghịch chống khổ đau.

Mặc dù thế, nhiều người vẫn cứ coi Chúa như vị Thủ Lãnh, muốn giúp ta gia nhập cộng đoàn thân thương, con của Ngài. Để rồi, quyết tham gia dấn bước vào sứ vụ chuyển tải điều tốt đẹp, ngõ hầu dựng xây thế giới quê nhà, thật đẹp đẽ. Thông thường, người người vẫn coi thế giới đời người như quà tặng cho không, biếu không. Cứ thế mà nhận lãnh. Bởi, họ nghĩ Đức Chúa có gửi đến cho ta suy thoái hoặc sầu khổ, là để ta nhớ đến mà đổi thay. Thay và đổi, toàn bộ cuộc sống. Đổi và thay, từng góc cạnh suy tư cuộc đời, ngõ hầu giúp thế gian nhận ra được chiều kích đậm sâu, đầy phấn khởi; ngay cả trong cảnh tình lúng túng, những phận hèn. Tiều tuỵ. Suy thoái.

Cách thức mọi người nhìn đời cũng giống hệt ý lời, người xưa vẫn cứ hát:

“Anh ơi! Như chim say mê

có khi rã rời cánh nhung thôi bay.

Anh ơi! Xin anh, xin anh lúc chân mây mệt nhoài

trở về lồng êm thân ái.” (Lê Uyên và Phương – bđd)

Rã rời cánh nhung thôi bay, chim mê say đổ thừa cho Đức Chúa. Đổ như thế, thật là không phải. Đức Chúa mình, đâu gửi khổ đau và suy thoái, đến cho ai! Chúa của mình, vẫn tạo dựng nên con người hoàn hảo. Tự do. Thoải mái. Ngài để ta, tự ý nhận lãnh trách nhiệm rà soát/định hình nền kinh tế. Rà, sao cho thích hợp. Định, sao gây được lợi ích, cho muôn người. Giả như, chỉ vì tính “tham - sân – si” với ích kỷ, lấn át lòng dạ và tương quan, ta có với muôn người, chắc chắn nền “kinh bang tế thế” của ta, sẽ không thông suốt/trôi chảy. Linh động. Nói cho cùng, khổ đau/suy thoái vẫn luôn là hậu quả tất nhiên có từ con người. Hậu quả, khi giao lưu/đối đầu với nhau, ta luôn phải có quyết định.

Quyết định về tương quan, bao giờ cũng phức tạp. Phức tạp, là vì bởi yếu tố kỹ thuật vẫn thấy xuất hiện. Phần lớn các kinh nghiệm lâu nay xuất hiện, đều cho thấy: sở dĩ có suy thoái, là vì các hành động ứng xử của ta không được thoả đáng. Xứng hợp. Đằng sau mọi chuyện giàu sang sung túc, luôn có những mơ ước tốt đẹp để giúp con người phát triển.Có phát triển, mới dựng xây được cuộc sống hạnh phúc. Sướng vui. Cho riêng mình. Gia đình mình.

Là người, ai cũng muốn được hạnh phúc. Sướng vui. Cũng tìm đủ mọi cách để sống thoải mái. Mãn nguyện. Nhưng đôi lúc, các ao ước tự nhiên thường hay dẫn đưa đến tình trạng quá nhiều “tham - sân – si”, đầy ích kỷ. Tham, quá mức cần thiết. Và lại “sân-si” khi đã đủ dùng, nhưng lại cạy cục tạo niềm vui sống chỉ cho riêng mình. Tham-sân-si như thế, càng hối thúc con người chỉ muốn tạo cho mình giàu thêm. Có thêm. Sướng hơn thêm. Và đôi lúc, vẫn muốn hơn hẳn mọi người. Giàu sang hơn mọi người. Sống trên đầu trên cổ người người, nữa.

Điều này, có thể là ý tưởng của người nghệ sĩ khi ngâm nga câu:

“Anh ơi! Xin anh, xin anh cúi trên cơn mộng dài

để chờ ngày mai lên nắng.” (Lê Uyên và Phương – bđd)

Mai lên nắng, là ngày mà anh và em cứ thế quyết đạo đạt giấc mộng. Giấc mộng dài, có cuộc sống giàu sang. Thoải mái. Dễ thương. Thương rất dễ, nhưng chỉ thương mình. Vì chỉ thương mỗi mình mình, nên cứ muốn người bồi đắp thêm cho chính mình. Mà thôi.

Trong tương quan với người có cuộc sống sướng hơn mình, cũng có khi mình lại không muốn người khác được như mình. Không muốn người khác khấm khá. Cũng có người, chỉ thích được nịnh hót/kích động để xây mộng, làm trưởng giả. Để hơn người. Chẳng chịu người hơn. Vì thế, tương quan giữa mình với người, dần dà đổ vỡ. Đó, là điều khó tránh khi gặp khổ đau. Sầu buồn. Suy thoái.

Về với vấn nạn: Chúa đâu rồi, khi con gặp phải suy thoái về kinh tế? Khốn khổ trong cuộc đời? Câu trả lời, mọi người đều biết rõ: Chúa đâu có là Đấng Bậc gửi đến cho ta, những là khốn khổ và suy thoái. Suy thoái - khốn khổ - sầu buồn, một phần là do con người. Ai cũng từng trải, đều nhận thức biết như thế. Nhưng,vẫn cứ đổ thừa cho Chúa. Cứ coi Chúa như vị Thẩm phán, toàn chê trách với giáo dục. Hệt như, vị Giám khảo hoặc Thủ lãnh, luôn cầm cân nảy mực, đánh hỏng rất nhiều người. Hết đánh hỏng, rồi trừng phạt. Hoặc, còn thử thách, thản hoặc mới khích lệ. Thử thách và trừng phạt, thay vì đổi thay kinh tế, mọi người mong.

Ngược lại, hãy biết rằng: chính ta, chứ chẳng phải Chúa, chịu một phần trách nhiệm về mọi suy thoái, lẫn sầu buồn. Ta biết rằng, qua suy thoái, Chúa mời gọi ta có quyết định trong cân nhắc, mỗi khi giáp mặt suy thoái. Có giáp mặt đối đầu, ta sẽ nhận ra là: cuộc sống vui tươi hạnh phúc, sống với nền kinh tế thịnh vượng, vững chắc chỉ dựa vào niềm tin, mà thôi. Đồng thời, ta cũng nhận ra rằng: “tham-sân-si” là yếu tố làm yếu mềm đi mọi tương quan người đời, ta có từ trước. Và, tương quan ta với mọi người, dù vào lúc suy thoái hay đang sung túc, ta vẫn tuỳ thuộc vào nhau. Lẫn nhau. Tuỳ thuộc và thấy được rằng: khi có cơ hội làm giàu, phải nhớ rằng: mọi khôn ngoan dẫn đến thành công, đều từ Chúa. Do Chúa, thôi.

Kinh nghiệm suy thoái, còn là dịp để ta về với giá trị của mọi giản đơn. Trị giá. Chất lượng. Của lòng khoan dung, độ lượng. Kinh nghiệm về suy thoái – khôn khổ - sầu buồn, vẫn là dịp để giúp ta về với Kinh Sách, có ánh sáng đến từ các kinh nghiệm đó chiếu rọi. Có thế, ta mới gặp Chúa, Đấng luôn khuyến khích, hết mọi người. Có Chúa đỡ nâng vào khi suy thoái, ta sẽ thấy mình bị thử thách nghiêm trọng. Quá sức mình.

Nghiêm trọng và quá sức mình, ở chỗ: suy thoái sẽ huỷ hoại lòng can đảm, của riêng ta. Nhưng tất cả, là để thử nghiệm tình thương yêu ta vẫn có, với mọi người. Suy thoái, có thể gây nản chí, lo âu. Có thể, là vị giám khảo đối xử gắt gao với tinh thần và tâm tính, của ta. Nhưng cho dù như thế, Đức Chúa vẫn có mặt trên các chặng đường suy thoái, tuy gắt gao. Đòi hỏi. Rất nản chí. Nhưng, Chúa vẫn có mặt bên ta như người bạn. Để uỷ lạo và nâng đỡ, ngõ hầu ta đừng bỏ cuộc.

Gặp Chúa, qua suy thoái, ta sẽ nhận ra được lời Ngài mời gọi, để tạo mô hình cho nền kinh tế, khấm khá hơn. Gặp gỡ Chúa, Ngài khuyến khích mọi người từ bỏ lòng tham, vẫn nằm sâu trong tâm can. Ngài khích lệ mọi người hăng say hoạt động, hầu tạo tác niềm hưng phấn tốt đẹp, cho mọi người.

Gặp gỡ Chúa ngang qua suy thoái, ta sẽ thấy được Ngài hiện diện, ở khắp nơi. Ngài ở với ta, nhưng không đè bẹp nền kinh tế cho thoái hoá. Và, cũng chẳng làm ta nản lòng. Ngược laị, Ngài cùng ta phấn đấu đứng thẳng người, mà thiết lập một xã hội trật tự. Đầy sướng vui. Hạnh phúc. Hạnh phúc, là Ngài cùng với ta từng trải cả vào khi ta lúng túng, lúc suy thoái. Khổ đau. Mệt phờ. Ở cùng ta, Ngài giúp ta định hình ra nền kinh tế, thích hợp hơn. Kinh tế do Ngài định, sẽ đỡ nâng hết mọi người. Khuyến khích mọi người quyết đổi thay. Đổi, để đường lối dựng xây thế giới mới, sẽ tốt đẹp.

Nhìn vào Đức Giê-su, ta thấy được diện mạo của Thiên Chúa, đến ở cùng. Thấy rằng, Ngài vẫn dạy ta cách sống sao cho xứng hợp. Sống, một đời sống sinh động nhờ vào lời Chúa. Sống cùng và sống với Con Thiên Chúa, Đấng vẫn đồng hành với ta, suốt đường đời. Ngài cùng ta tiến vào nơi tăm tối. Không nản lòng. Cùng bước với Chúa, ta sẽ nhận ra đâu là thực tại suy thoái. Thống khổ. Sầu não. Để rồi, bằng sự vui sống với Ngài, ta sẽ trỗi dậy từ cõi chết, chốn suy thoái. Rất kinh bang tế thế.

Từ nơi Chúa, ta nhận ra được cuộc đầu tư sâu đậm của Thiên Chúa với con người. Đầu tư êm ái. Có tình Chúa đồng hành, ta sẽ lướt thắng chuỗi ngày khó khăn. Cực nhọc. Có đồng hành, ngang qua suy thoái, ta được Chúa trao ban hy vọng, để biết rằng: suy thoái không thể và không bao giờ là đoạn kết, hết chuyện. Khổ đau – sầu muộn - suy thoái, vẫn chỉ là giai đoạn. Có Chúa. Có anh em đồng hành, ta có nhiều cơ hội để sống cuộc sống đúng nghĩa hơn. Sống hiên ngang, nhìn về phía trước có tương lai khởi sắc. Sáng lạn.

Sống giờ phút hy vọng, ta lại nghe đâu đây lời ca vang vọng của người nghệ sĩ hôm trước vẫn hát, rằng:

“Em ơi! Quên đi bao nhiêu xót xa

những chiều thiết tha bên nhau

Em ơi! Xin em, xin em nói yêu đương đậm đà

Để rồi ngày mai… cách xa.” (Lê Uyên và Phương – bđd)

Ngày mai dù cách xa, có là đáp trả, cho mọi vấn nạn? Như vấn nạn, trong truyện kể ở bên dưới:

“Vợ chồng đạo hạnh nọ, vẫn cố sống đời tốt lành, thanh bạch, dù kinh tế toàn cầu đã và còn đang đi vào giai đoạn suy thoái. Vẫn quyết tâm. Ngặt một nỗi, ông bà dạy mãi, mà hai “ông con” tuổi còn trẻ, nhưng thuộc loại “trời đánh thánh vật”, chuyên gây khổ ải không chỉ với bố mẹ. Mà, đầu làng cuối xóm các cháu cũng không tha. Vợ chồng ông bà đạo hạnh, bèn nghĩ ra một diệu kế, là: đem hai con đến gặp đấng bậc ở nhà thờ, là vị cha cố nổi tiếng răn dạy con em đạt kết quả nhãn tiền. Dù, trẻ nhỏ có phá phách, ngỗ nghịch đến thế nào đi nữa, cũng xong ngay.

Sáng hôm ấy, người mẹ hiền dắt hai con đến nhà thờ gặp vị cha già khả ái rất đấng bậc mà năn nỉ xin cho hai con mình được gia nhập trường Đạo, chốn tu trì. Ông bà vẫn nghe đâu đó cứ bảo rằng: con trẻ nào càng nghịch ngợm, càng dễ làm cha, làm cố Đạo. Cha già khả ái thấy vợ chồng ông bà đạo hạnh chạy đến kể khổ, bèn đồng ý nhận lời hẹn sẽ gặp từng bé một. Đứa lớn 10 tuổi, buổi sáng. Đứa em 8 tuổi, buổi chiều. Gặp đứa lớn, đấng bậc ra lệnh cho em ngồi xuống, ngay ngắn chỉnh tề đâu đấy, rồi hỏi:

-Hãy nói cho ta nghe: Chúa ở đâu?

Thằng lớn nghe hỏi, chỉ biết há hốc mồm miệng, chẳng trả lời. Đức thày bèn quát lớn, hỏi thêm một lần nữa:

-Ta ra lệnh con nói cho biết: Đức Chúa Trời giờ ở đâu?

Lại một lẫn nữa, thằng lớn nghe vậy, cứ ớ người chẳng bảo sao. Khiến đức thày càng nghiêm nghị giơ ngón tay chỉ chỏ vào mặt thằng bé, lại vẫn hỏi :

-Ta truyền cho con phải nói: Đức Chúa Trời, hiện ở đâu?

Thằng con lớn bỗng hét lên thành tiếng, ù té ra khỏi phòng họp, chạy nhanh về nhà, chui vào tủ áo, đóng rầm cửa. Thấy thằng anh xử như thế cũng hơi run, thằng em 8 tuổi mon men đến gần thằng anh, rồi hỏi:

-Ông ấy hỏi gì thế?

-Lần này nguy to rồi chú mày. Tượng Chúa biến đâu mất, nào ai biết, thế mà các cụ lại cứ nghi ngờ anh em mình làm chuyện đó, có chết không…

Chúa đâu rồi? Ngài ở đâu? Vẫn là hạch sách/vấn nạn, ai cũng hỏi. Câu hỏi, xuất từ miệng người đau khổ, lẫn cha cố. Hỏi đi hỏi lại. Liên hồi. Bất tận. Mọi người đều hỏi, mỗi khi gặp trục trặc. Suy thoái. Sầu khổ. Gặp thiên tai/sầu khổ hay có đời sống lai rai thoải mái, vẫn cứ hỏi. Hỏi hoài, hỏi mãi. Hỏi không thôi. Hỏi như thể, có bao giờ tìm ra câu trả lời, từ ai đó?

Hôm nay, vào lúc có nhiều người hỏi, xin mạo muội gửi đến mỗi người, bạn cũng như tôi, để rồi ta cùng tìm ra câu giải đáp, ở đâu đó. Cũng rất gần.

Trần Ngọc Mười Hai

cũng có những câu hỏi

khi kiếm tìm

một niềm tin.

Rất mới.

No comments: