Friday, 20 December 2019

“Xin tình yêu giáng sinh, trên một quê hương cằn cỗi,”


Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 4 mùa Vọng năm A 22/12/2019

“Xin tình yêu giáng sinh,
trên một quê hương cằn cỗi,”
Xin tình yêu giáng sinh, trên địa cầu tăm tối.
Xin tình yêu giáng sinh, trong lòng người hấp hối
Xin tình yêu giáng sinh, trên cuộc đời lầy lội.”
(Phạm Duy – Xin Tình Yêu Giáng Sinh)
(Gioan 1: 10-11)

“Tình Yêu Giáng Sinh”, phải chăng là thứ tình đã có đó? Nếu thế thì, ta còn xin gì nữa đây. Họa chăng là, người xin đây vẫn chưa thấy Tình Yêu ở cuối đường hầm, cuộc đời? Nếu thế thì, còn phải xin hoài xin mãi những điều được hát ở bên dưới:

“Xin tình yêu giáng sinh
Trên quê hương ngục tối
Xin tình yêu giáng sinh
Trên địa cầu gian dối
Xin tình yêu giáng sinh
Trong lòng người tội lỗi
Xin tình yêu giáng sinh
Trên cuộc đời nổi trôi.
Mười ngàn đêm đau thương
Ôi trường thiên ác mộng
Mười ngàn đêm của hờn
Mười ngàn đêm của giận
Trên vũng lầy vô tận
Chỉ thấy máu và xương
Trên vũng lầy vô tận
Chỉ thấy khóc và than
Mười ngàn đêm đau thương
Mười ngàn đêm đoạn trường
Mười ngàn đêm oan khiên
Mười ngàn đêm đau thương.
Xin tình yêu giáng sinh
Cho một lần hoa nở
Xin tình yêu giáng sinh
Cho một lần ngực thở
Xin tình yêu giáng sinh
Cho một lần cửa mở
Xin tình yêu giáng sinh
Tình yêu của chúng mình.
(Pham Duy - Xin tình yêu giáng sinh)

Nhạc sĩ họ Phạm nhà ta quả thật rất ngộ. Suốt cuộc đời, đâu ai thấy ông xin thứ gì đâu! Bởi, ông đã có tất cả: vợ đẹp con ngoan, tiếng tăm lại nổi như cồn thì còn gì để xin nữa cơ chứ. Vả lại, xin những gì? Xin ai đây? Thôi thì, ông có xin hay không cũng được. Nay, ta đi vào địa hạt đạo đức, xem nhà Đạo mình từng xin những gì? Và được gì?   

Nhưng, trước khi đi thẳng vào vấn-đề, tưởng cũng nên tìm trở về vùng trời truyện kể có những mẩu chuyện khá đáng kể như sau:

            “Truyện rằng:
Edison, người phát minh ra máy phát âm đầu tiên, một hôm đứa cháu nội nhìn ông và hỏi:
- Nội ơi ! Có thật là nội đã phát minh ra chiếc máy phát âm đầu tiên không?
Edison trả lời :
- Cháu à, thì còn ai nữa, nội là người đàn ông đã phát minh ra máy phát âm đầu tiên, thế nhưng còn có người giỏi hơn nội nữa đã phát minh ra máy nói không cần điện.
Bé gái nội:
- Là người nào vậy nội:
Ông nội:
- Là Ađam đó con à.
Bé gái tròn mắt:
- Thế còn cái máy tên gì vậy?
Ông Nội cười to:
- Là Evà đó!
Bé gái: !!!???

Thấy cháu bé chưa lấy gì ngạc nhiên cho lắm, ông nội bèn kể thêm câu truyện khác gọi là Giấc Ngủ Bình An Cuối Cùng của Ađam:

“Một hôm, Thiên Chúa gặp Ađam đang ngồi nghỉ chung quanh đàn thú đủ mọi loài với nét mặt buồn thảm. Thiên Chúa hỏi:
- Ađam, sao ngươi buồn thế?
Ađam thành thật:
- Thưa ngài, con không có bạn để tâm sự ạ.
Thiên Chúa động lòng thương và làm cho ông say ngủ. Thế rồi, Ngài rút ra chiếc xương sườn của ông để tạo nên người đàn bà. Vừa rút, ngài vừa nhìn Ađam ngủ và tội nghiệp nói:
- Con à, Ta làm như thế vì muốn theo ý con đấy nhé, nhưng đây là giấc ngủ bình an cuối cùng của con đó.

Vừa kể xong, thì “bà nhà” bèn nhắc nhở: “Chừng như chyện này, ông nội kể rồi thì phải?” Chừng như là như thế. Thế nhưng, kể rồi nay kể lại đâu đã nhiều. Nhất thứ là, lúc này người kể đang thiếu rất nhiều truyện vui đại loại như thế. Thôi thì, nếu bạn nghe kể thế đã chán, ta sang chuyện khác.

Có truyện kể khác, tuy không trực tiếp liên-quan tới vấn-đề ta đặt, nhưng cũng bao gồm đôi ba ý tưởng để suy-tư, rồi cài đặt vào đâu đó, cũng tùy.

Truyện kể, là truyện những kể rằng:

“Ngôi làng nọ, có một gia đình nghèo khó bần cùng, người cha vì mưu sinh, thường lợi dụng đêm tối lẻn vào vườn rau nhà người khác hái trộm. Anh ta nghĩ bóng đêm đồng lõa với việc làm của mình...!

Hôm đó anh ta đưa cả con trai đi cùng. Khi người cha vừa mới nhổ một cây củ cải, cậu con trai thơ ngây thốt lên:
- Cha..cha..có người nhìn cha kìa!
Cha cậu kinh hãi, ngó nhìn bốn phía, hoảng hốt:
- Người đó đâu?
Đứa trẻ chỉ tay lên trời:
- Vầng trăng đang nhìn cha đó!
Người cha nghe con trai nói vậy, đầu tiên cảm thấy sững sờ, tiếp đó thấy hổ thẹn vì hành vi của mình. Trong tâm khởi chút phiền não, bất như ý nhưng mầm thiện trỗi dậy, anh ngộ ra, hoan hỷ dắt con trai về nhà. Dọc đường, anh sám hối:"Trộm cắp tạo nghiệp rất lớn, có lẽ Trời Phật từ bi, mượn lời con trai để giúp mình giác ngộ, từ nay phải tu sửa hướng thiện thôi!"

Lại nói đến chủ nhân của vườn rau. Vì thường bị mất trộm, vô cùng sân hận, đêm hôm đó ông đã sớm núp ở sau nhà rình bắt kẻ trộm. Khi nhìn thấy trộm, định hô hoán thì bỗng nghe giọng non nớt trẻ thơ ông sững người.

Dưới ánh trăng, chủ vườn rau nhìn rõ gương mặt của tên trộm. Biết gia đình hắn nghèo khó nhất trong thôn, thấy cha con hắn lặng lẽ dắt nhau rời đi, ông cũng bất giác ngẩng đầu nhìn trăng.
Vào nhà ông kể chuyện với vợ. Vốn nhân hậu, người vợ nhẹ nhàng:
- Trăng kia chẳng phải cũng đang nhìn ông sao?
Cả đêm đó, ông chủ trằn trọc không sao ngủ được. Trưa hôm sau ông chạy đi tìm hai cha con người hàng xóm:
-Này anh, tôi hiện cần thêm người làm, anh có thể giúp tôi được không? Ngoài tiền công, hàng ngày anh có thêm ít đồ ăn mang về.
Khuôn mặt rạng ngời, người cha nghèo khổ hồ hởi nhận lời và không ngớt cám ơn người láng giềng tốt bụng.
Khuya hôm đó, người cha nghèo khó nắm tay con trai, lặng lẽ ngồi ngắm trăng, bỗng đứa trẻ hồn             nhiên:
- A...a...! Cha ơi...! Trăng đang cười kìa...!
Lúc này ở nhà người chủ vườn rau, ông cũng đang cùng vợ ngắm trăng, ông hoan hỷ:
- Ồ! Bà xem trăng đang cười kìa...!
Người xưa có câu:
Người đang làm - Trời đang nhìn.
Thiện - Ác khác nhau ở một niệm...!
Tâm như nước. Phật như trăng.
Nước trong thì trăng hiện. (St sưu tầm)

Hôm nay, mai ngày và mãi mãi, Ông Trăng Muôn Thuở cũng đã và đang nhìn xuống nhân gian mỉm cười. Ông không chỉ cười mỉm thôi, nhưng còn lấy làm sung sướng được ở cùng và ở với nhân gian/phàm trần, như lời Đấng thánh hiền từng bảo ban, sau đây:

            “Ngài ở giữa thế gian,
và thế gian đã nhờ Ngài mà có,
nhưng lại không nhận biết Ngài.”
(Gioan 1: 10-11)

Ở giữa thế gian, nhưng Ngài không thuộc về thế-gian. Và, “thế-gian đã nhờ Ngài mà có, nhưng lại không nhận biết Ngài!” Đây có lẽ là nhận xét để đời, xuất từ nhà Đạo. Nói cho đúng, từ người viết lịch-sử Đạo, ở trong Đạo. Hoặc đúng hơn, là: người trong Đạo lại thích viết về sử. Bởi thế nên, ta có được nhiều giòng sử rất đạo mạo, nhưng chưa chắc đã phải Đạo.

Có đấng bậc trong Đạo, tuy không là sử-gia về Đạo, nhưng lại cũng viết nhiều điều về Đạo rất có lý, như sau:

Thánh Luca viết trình thuật về ngày Chúa Giáng Hạ là viết cho người đọc sống cùng thời. Có người hỏi: nếu thánh sử sống vào thời đại rất hôm nay, hẳn thánh nhân sẽ dùng văn phong cung cách khác hẳn thời buổi trước? Đúng vậy nên, người đọc và nghe trình thuật hãy cứ tưởng tượng một cảnh trí qua đó, thánh nhân tay cầm máy vi âm, miệng lưỡi hùng hồn kể những điều rất như sau:

Thập niên đầu thuộc thiên niên kỷ thứ ba, vị tổng thống đại cường quốc số 1 thế giới, đã nhân danh tư cách lãnh đạo toàn thế giới, quyết định lập tổng kiểm tra dân số để, nhân đó, điều tra về vũ khí giết người hàng loạt, do Taliban sắm tậu từ một nước Hồi giáo ở Trung Đông. Đây là lệnh tổng kiểm tra lớn nhất từ trước đến nay, trong thời gian gần đây, khi toàn thể thế giới vẫn lo ngại về một thế chiến sẽ bùng nổ rất sớm, nếu không kịp ngăn chặn.

Vì là kiểm tra kê đặc biệt, nên người dân mọi nước đều phải chuẩn bị về quê thôn làng của mình. Kẻ, thì tòng chinh nhập ngũ. Người, mua tậu vũ khí rất tối tân hy vọng có thể cầm cự qua cơn bĩ cực mong ngày thái lai. Ai nấy đều lo toan quay về chốn miền sinh sống cũ theo đoàn/nhóm ngôn ngữ, sắc tộc, và tín ngưỡng. Bởi, chiến tranh có thể bộc phát bất cứ lúc nào. Và, ngòi nổ chiến tranh có thể xuất phát cả từ thôn làng hẻo lánh, ở khắp nơi. Dù, thế giới thứ ba. Châu Âu hay là châu Á.

Trình thuật tiếp tục kể về nhân vật thuộc sắc tộc ngoại bang, đang lang thang rày đây mai đó, ở đâu đấy. Ông có gốc nguồn là dân tộc Do Thái. Thuộc gia đình lao động loại cần cù. Mọi người đều gọi ông bằng tên tục rất thân quen, bố già Giuse. Bố xuất thân tận đất miền làm việc chẳng từ nan, cũng theo lệnh trở về nơi chôn rau cắt rốn, để làm thống kê.

Cùng đi với ông có người vợ trẻ đang mang thai gần ngày sinh. Hai vị tìm mãi không thấy nơi nào thích hợp để ở cữ. Nói gì đến việc tìm nơi ở vừa tiện lại vừa túi tiền được. Theo lệnh của lãnh đạo ở cấp cao, nên bà con lũ lượt trở về, thi hành lệnh. Do đó, nhà trọ và khách sạn đều hết chỗ. Hiền mẫu trẻ, đành hạ sinh em bé rất hiền hoà, ở góc bụi. Nơi công viên ít người héo lánh. Bà tìm vội ba tấm vải thô làm tã lót quấn thân mềm của em bé. Cũng chỉ qua quít để Hài Nhi thấy bớt lạnh, ngày Đông giá.

Ở cạnh đó, thấy có đôi phần tử “tứ cố vô thân” thay nhau để mắt canh chừng kẻ làm hỗn. Hầu tránh khỏi mọi trục trặc xảy đến lúc tối trời. Chính vào lúc ấy, họ phát hiện ra bé em đang nằm gọn trên đôi tay bà mẹ trẻ. Mẹ vỗ về em bé với lời ru ời ợi, cạnh “Bố già” có dáng vẻ khá thấm mệt, dính bụi đường xa. Trước cảnh tượng ít thấy xảy ra, đám “bụi” lân la cùng mấy chú khuyển trông ngó bé em bằng cặp mắt rất thân thiện.

Với đám người “sống vô gia cư chết vô địa táng” chuyên “lang bạt kỳ hồ”, thì lệnh tổng kiểm tra có ghê gớm đến thế nào đi chăng nữa, cũng chẳng làm họ bận tâm. Điều, khiến họ bận đến tâm can hơn cả là: ngó chừng cho bé em qua được đêm dài nhiều trắc trở. Với họ, thân phận của bé em chắc rồi cũng sẽ đổi dời cả một thế hệ. Bởi, chỉ sự hiện diện của bé em thôi, đã đem lại cho họ cả một an bình họ tìm mãi, vẫn không thấy.

Kể từ đây, kẻ không nhà không cửa như họ, nay mới biết thế nào là niềm vui đích thực khi gần cận với bé em. Niềm vui ấy, nay thấm nhập thẳng tận tâm can khiến họ cứ đi đây đó mà kể lại cho bạn bè đồng trang lứa. Kể, để mọi người biết chuyện mà tìm đến. Tìm, để được bình an trong tâm hồn. Đến, để phổ biến tin vui an bình, Ngài vẫn hứa. Đồng giọng với họ, có đủ mọi giọng ca vang từ đâu đến hát khen những nốt nhạc, thật sự vui.

Càng vui hơn, khi mọi người nhìn được tận mắt ánh thân thương mẹ hiền nhè nhẹ trân trọng mừng đón cảnh tình của bé em. Điều đó, đủ chứng tỏ cho họ thấy Bé đích thực là Đấng mà mọi người đợi trông.

Càng vui nhiều, khi người người nhận ra sứ vụ của thiếu niên Giêsu nay khôn lớn, đã trở về thôn làng quê mẹ sống đời thầm lặng những lao động và lao động, nối nghiệp người bố đời từng là công nhân, tạm kiếm sống. Đến ngày “N” vinh hiển, Ông lại đã cùng đồ đệ và người thân đặt chân ghé viếng khắp nơi, từng xóm làng nghèo nàn hẻo lánh. Mỗi nơi, khắp chốn Ông cùng đoàn người thăm viếng từng nhà. Hỏi han từng người. Khuyến khích họ thực thi ý định của Cha, là tái lập cuộc sống có vui mừng thực sự. Biết yêu thương, giùm giúp hết mọi người.

Bạn bè người thân trong cùng nhóm với Người, từ khi ấy, cũng đã đi khắp đó đây phổ biến sứ điệp Chúa gửi gắm: Nước trời đã gần kề. Hãy trở về mà sám hối. Hãy sống cùng nhau dựng xây Vương Quốc của Chúa, ở trần gian. Ở nơi đó, người người sống theo cung cách lao động tuỳ khả năng, hưởng thụ tuỳ theo nhu cầu, rất Nước Trời. Cũng từ đó, sứ điệp Bình An của Nước Chúa, đã nhanh chóng lan toả khắp nơi nơi. Khiến mọi người đến với nhau, trong tinh thần hoà hoãn. Yêu thương. Đùm bọc.

Chính đó, là khúc gai nhọn thách thức giới cầm quyền, khiến họ cho người theo dõi. Cuối cùng, đám cầm quyền bèn sai ba quân đến, lấy cớ để điều tra, nhưng đích thực ra lệnh tống giam Người vào ngục tối. Sau đó đã cho người đến thủ tiêu, phi tang mọi bằng cớ. Để mọi người không còn biết Ngài là ai. Sao Ngài lại thế.

Nhà cầm quyền muốn triệt hạ Ngài bằng mọi phương cách gian giảo nhất. Nhưng ba quân cầm quyền chẳng làm sao ngăn chặn được làn sóng người từ khắp nơi nay nghe biết, đã bắt đầu thực hiện những điều Ngài dạy răn, cứ thế mà lan truyền học thuyết nhân từ Ngài chủ trương: lấy tình thương xoá bỏ hận thù. Học thuyết ấy, nay trở thành sự thật rành rành gắn chặt tâm can của con người.

Kể từ đó, mọi năm cứ vào ngày này, hậu duệ của Ngài ở khắp nơi cứ thế họp nhau mà mừng kính sự kiện “có một không hai” trên cõi đời. Gặp ai cũng thế, người người kể cho nhau nghe chuyện Giáng Hạ của Bé em mang tên Giêsu. Để rồi, mỗi lần làm thế, họ đều hiểu tường tận ý nghĩa của sự kiện Ngôi Lời Nhập Thể, nhập cả ơn lành bình an đến với những người được Chúa đoái thương.

Đi đâu cũng vậy, con cháu Ngài vẫn lập đi lập lại lời ca vang hôm trước, mà hát:
“Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ." Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng:
"Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
bình an dưới thế cho loài người Chúa thương."
(Lc 2: 10-14)

“Đừng sợ! Chính Ngài là Đức Chúa. Là, Đấng Cứu Chuộc muôn người!” Đó, là ý nghĩa của lễ hội Giáng Sinh. Lễ hội, mừng Chúa xuống thế làm người sống với ta. Thương yêu ta như anh em cùng nhà. Nhà Thiên Chúa. Nhà mọi người. (X. Lm Kevin O’Shea, DCCT Lời Chúa Sẻ San năm A nxb Tôn Giáo 2017)

“Đừng sợ!” không chỉ là ý-nghĩa và lời nhắn của việc “Chúa Giáng Hạ Làm Người”. Nhưng, còn là khẳng-định của Giáo hội gửi đến với mọi người, vào ngày lễ.

Lễ Giáng Hạ năm nay, không chỉ bao gồm mỗi lời nhắn đó, nhưng còn là và mãi mãi sẽ là lời quya3 quyết dành cho mỗi người và mọi người, rằng: Chúa Giáng Hạ, đem lại cho mỗi người và mọi người niềm vui khôn tả và miên trường. Ở mọi nơi. Rất mọi thời.

            Trần Ngọc Mười Hai
            Quyết sống mãi
            Khẳng định này
            Vào mọi lúc.

No comments: