Saturday, 30 June 2012

"Có những niềm riêng, làm sao nói hết”

Chuyện phiếm đọc trong tuần Thứ 14 Thường niên Năm B 08.7.2012

"Có những niềm riêng, làm sao nói hết”
“Như mây như mưa, như cát biển khơi.”
(Lê Tín Hương – Có Những Niềm Riêng)
(Ga 10: 17-18)
            Niềm riêng ấy, nếu em lại coi như mây mưa/cát biển rồi giữ nó trong lòng chẳng nói ra thì có ma nào dám biết. Niềm riêng này, phải là niềm rất chung của anh/của chị, là niềm gì đó vẫn muốn tỏ cho mọi người khắp nơi biết mà thông cảm. Có thế mới là tình đồng Đạo, vẫn rất vui. Phải thế không bạn? Phải thế không tôi? Tôi hay bạn, vẫn là dân con nhà đạo cứ ê hề, ngoài phố chợ. Đó có là nỗi niềm riêng tây chung đụng, mà  báo/đài vừa  đưa vào thị trường chữ nghĩa, rất mê ly, ly kỳ, nhiều cuốn hút?
            Niềm riêng hay chung ở đời, chả biết có cuốn hút không, mà sao nghệ sĩ vẫn bày tỏ thật rất rõ:

“Có những niềm riêng, làm sao ai biết
Như trăng trên cao, cách xa vời vợi.
Có những niềm riêng, lệ vương khóe mắt
Như cây sau mưa, long lanh giọt sầu
Có những niềm riêng, làm tim thổn thức
Nên đôi môi xinh, héo hon nụ cười”
(Lê Tín Hương – bđd)

Hôm nay đây, bần đạo muốn mời bạn/mời tôi, ta thử đi một vòng xâm nhập địa hạt nhà đạo xem thử sự thể về “những niềm riêng” ra sao mà báo đài nói nhiều thế. Nói, như nhận định bên dưới:

“Vừa qua, tôi được yêu cầu thuyết trình một bài về ngôn ngữ truyền thông đại chúng cũng như suy tư phẩm bình về tầm nhìn của ngành truyền thanh/truyền hình ngày nay. Đây là đề tài mà tôi chưa hề nghĩ tới, nhưng thấy khá hấp dẫn nên không thể bỏ lỡ cơ hội mà không bàn.

Theo thiển ý, thì nhiều người vẫn cứ để tình cảm của họ chuyển mình theo gió đong đưa từ các khuynh hướng rất khác biệt. Những khuynh hướng có ngoại hình khuynh loát như các buổi diễn trên truyền hình đại để trình bày về: quần áo, cảnh trí, nhạc điệu hoặc cảm giác mơn trớn lẫn nhau do hai nhân vật mà khán giả ưa thích cứ gọi là ở bên nhau làm chuyện lạ. Thật ra thì, khán giả bị đánh động cũng không nhiều về chủ đích của buổi diễn. Cũng chẳng được bao người bỗng nhiên dừng lại mà xét xem những chuyện như thế nếu xảy đến với mình, thì thực tình mình thấy thế nào.      

Thực tình mà nói, bên trong và đằng sau các buổi diễn như thế, vẫn có cái-gọi-là bẫy cạm mở ra cho con mồi là người thưởng lãm ở chỗ: khi tự cho phép mình ngồi xuống thưởng thức mà lại không để mắt xâm nhập tình huống dễ kích bốc như thế. Thưởng thức buổi diễn như thế lại chẳng màng tự hỏi lòng mình xem có bao giờ mình lại học đòi bắt chước các nhân vật ấy mà xử sự trong đời?” (x. Katie Hinderer, TV and the manipulation of emotions, MercatoNet 19/5/12)

            Hỏi như người viết ở trên, cũng là hỏi và nói như nghệ sĩ nhà mình vẫn từng hát:

Này niềm riêng như nước vẫn đầy vơi
Đâu đây vang vang tiếng buồn gọi mời
Ôi nỗi sầu đong chất ngất
Như một ngày như mọi ngày
Như vạn ngày không thấy đổi thay.”
(Lê Tín Hương -  bđd)

            Niềm riêng người thưởng lãm, nếu có hỏi, chắc cũng chẳng bao giờ có được câu trả lời, cho đúng cách. Bởi, như người nghệ sĩ đã diễn bày, thì niềm riêng của mỗi người, dù người ấy có là nghệ sĩ hay giáo chức, thuyết trình viên, niềm rất riêng của họ vẫn cứ là “nỗi sầu đong chất ngất”, hoặc “đâu đây vang vang tiếng buồn gọi mời.”
Và, nhà thuyết giảng, thấy không có người ứng đáp vấn đề mình đặt ra, lại diễn tả thêm lần nữa, mà rằng:

“Mỗi năm, tôi thường có một số các buổi thuyết trình về truyền thông xã hội. Người dự thường đa dạng, đủ loại hình. Nhưng, mục đích của buổi thuyết vẫn là một. Một ưu tư/trăn trở để thuyết phục mà nói rằng: Truyền thông xã hội là công cụ rất có uy lực nếu ta biết sử dụng nó đúng cách, sẽ thấy tốt.

Cử toạ của tôi, thường là giáo chức trung học, cùng giới trẻ tuổi “teen”, các bậc cha mẹ, cũng như nữ giới sinh hoạt ở trường lớp. Tức, thế hệ trẻ ngày nay đang sử dụng hệ truyền thông rất đại chúng. Mỗi người mỗi cách, đều tiếp cận buổi diễn theo cung cách riêng tư, khác ý. Bậc cha mẹ hoặc giáo chức thường gióng lên quan niệm phản đối. Các vị này, thường coi truyền thông đại chúng như những tổ chức cứ mất thì giờ đeo đuổi những chuyện vô bổ, rất hỡi ôi. Các vị lại còn tin rằng truyền thông đại chúng nói chung phá hoại tình bằng hữu khi họ nhất quyết đòi định nghĩa lại chữ tương quan theo cung cách tệ hại. Và cứ thế lại cứ thế.

Tôi hoàn toàn đồng ý với quý vị về chuyện này, nhưng với tôi, thì truyền thông đại chúng cũng có điểm son của nó đấy chứ. Nói cho cùng, thì dù có là Facebook, Twitter, Instagram, LinkedIn hay gì gì đi nữa, chúng vẫn chỉ là công cụ mà thôi. Mà, đã là công cụ, thì tốt hay xấu cũng tuỳ cách ta đặt nặng lên đó, chứ không do bản chất của chính nó. Sự hiện diện của truyền thông xã hội tự nó không có nghĩa xấu/tốt hoặc dữ/lành mà chỉ tuỳ cung cách ta dùng nó để làm gì, có thế thôi.” (x. Katie Hinderer, Social media for the good – it’s a decision, MercatorNet 20/5/2012)

            Nói gì thì nói, vấn đề là bạn và tôi, ta có “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” với lập trường của thuyết trình viên Katie Hinderer mà thôi, không? Đồng thanh hay đồng khí hay không, cũng nên nghe thêm một ý kiến phản hồi do một người mang tên Alex ở Mỹ đã có lời bàn như sau:

“Theo tôi nghĩ, điều dễ thấy nhất ở xã hội ta sống hôm nay là: càng ngày thiên hạ càng có những cách thức để trao đổi/đả thông với nhau bằng nhiều cách. Người cao niên chẳng hạn, lâu nay cũng quen dần với lối ấy. Cũng tựa như thời kỳ xuất hiện điện thoại phổ biến rộng rãi để thay thế cho điện tín. Nói cách khác, điện thoại là một thứ điện tín có phát tiếng những hai chiều. Dĩ nhiên là, khi sử dụng điện thoại, thiên hạ mất nhiều thì giờ và lời nói hơn là chỉ viết vài giòng chữ để thông tin. Có điều hay, là: Twitter đã giúp con người quay trở về với thời đại điện tín biết nói. Vâng, đúng thế. Ở đây nữa, bạn có thể sử dụng phương tiện truyền thông này thường xuyên hay không là tuỳ bạn. Cũng tựa như mọi thứ trong đời, bạn vẫn có thể mất thì giờ nhiều ít với nó, cũng như có thể tìm thấy cái hay ở trong đó. Có người dùng nó để học hỏi nhiều thứ, như một số vị đã và đang hưởng lợi từ truyền thông đại chúng, giống như vậy. Đó là thiển ý của tôi. Bạn vẫn có quyền suy nghĩ và nhận định một cách khác.” (x. bđd)

            Đó là ý kiến/lập trường của người đời, sống ngoài đời. Tức, những người có tự do chọn lựa lối sống cũ/mới, hay/dở ở mọi nơi. Có những nơi, như nhà Đạo mình, nay cũng thấy được “niềm riêng” ấy, như lời than thở ở nhạc bản mình vừa nghe:

Có những niềm riêng lòng không muốn nhớ
Nhưng sao tâm tư cứ luôn mộng mơ
Có những niềm riêng gần như hơi thở
Nuôi ta cô đơn nuôi ta đợi chờ.”
(Lê Tín Hương – bđd)

            Vâng. Ý kiến là ý kiến của riêng ai. Lập trường là lập trường của một người. Dù bạn/dù tôi, ta có đồng ý hay không với lập trường và ý kiến khác là “niềm riêng” ấy, cũng vẫn thấy nó nảy sinh khắp chốn. Như chốn nhà Đạo ở Sydney, nay cũng có đấng bậc vị vọng từng đặt vấn đề, như sau:

“Vừa qua, mục “Thần Học Qua Bia Bọt” trên tuần báo The Catholic Weekly ở Sydney có đăng tải đề nghị của Đức ông Paul Tighe, Thư ký Ủy Ban Giáo hoàng Phụ Trách Truyền thông Xã hội, đã nhắn nhủ giới trẻ tụ tập hôm ấy, ngày 3/5/2012 ở câu lạc bộ Công giáo Sydney, rằng: ‘Các bạn nên phụ với chúng tôi giúp đem niềm tin từ thế giới của chúng tôi đến thế-giới son trẻ của các bạn.

Sau khi khuyến khích giới trẻ hãy bắt chước gương lành của thánh Gioan Tẩy Giả trong sinh hoạt mục vụ. Bởi, thánh Gioan Tẩy Giả là vị thánh luôn dẫn dắt mọi người đến với Đức Kitô vì Chúa là người bạn đích thực của mọi người trong đời, già hay trẻ.

Đức ông Paul Tighe nói: “Tôi nghĩ ta nên sử dụng ngành truyền thông mới mẻ hiện nay không phải để nó dìu dắt ta trong cuộc sống, mà là để ta đến với những gì thiết thực hầu đem đến cho ta hy vọng và sức sống, đó là Đức Kitô Giêsu. Ta sử dụng ngành truyền-thông xã-hội về lâu về dài, nhưng cũng nên đề cao cảnh giác vì những chuyện như thế cũng rất hạn chế. Phải quan niệm truyền thông là nơi để ta liên hệ mà thôi, vì ta không thể mãi đi sâu vào đó được.” (x. Jessica Langrell, Mons Paul Tighe and New Media, The Catholic Weekly 20/5/12 tr. 28)

            Truyền thông đại chúng rúng động cả xã hội có là “niềm riêng” hay không, cũng chẳng rõ. Chỉ rõ có một điều, là: ngày nay truyền thông đại chúng đã và đang sử dụng các phương tiện rất thời thượng. Nó lôi cuốn con người đến độ, người bàng quan như tôi hoặc như ba, ta vẫn không thể nào đứng ngoài để phê phán, hoặc phản bác. Nó vẫn ăn sâu vào tận thâm căn của mọi người, như lời nghệ sĩ còn muốn nói:

Có những niềm riêng một đời giấu kín
Như rêu như rong đắm trong bể khơi
Có những niềm riêng một đời câm nín
Nên khi xuôi tay còn chút ngậm ngùi.
(Lê Tín Hương – bđd)

            Với truyền thông hôm nay, “niềm riêng một đời giấu kín”, cũng như “rong rêu đắm trong bể khơi”. Đắm và chìm, rồi lại câm nín. Thế nên “khi xuôi tay, còn chút ngậm ngùi”, rất buồn và cũng tủi. Buồn hay tủi, vẫn là những niềm rất riêng tây của nhiều người, trong cuộc đời.
Nỗi niềm ấy, có buồn và có tủi, cũng chỉ là niềm riêng trong chốc lát, rất ngắn hạn. Bởi, dù có là niềm rất riêng tây, chắc cũng ngắn. Bởi, đời người, đâu chỉ có thế và mỗi thế. Càng không thể như thế, nếu người người biết định hướng nỗi niềm rất riêng của mình chung cùng niềm với vui của Đấng Thánh Hiền từng kinh qua nhiều giai đoạn ở đời người, vẫn rất “người”.
Về những niềm riêng mà chung/chung mà riêng của ai đó, bần đạo nhớ về ý tưởng của đấng bậc nọ ở Úc, từng tưởng nhớ về “niềm riêng” của một người đã cùng chung thân phận của Đức Kitô chịu đựng sự buồn tủi của cuộc sống giống như Chúa. Đấng bậc ở Úc, là bậc vị vọng từng dấn thân rất nhiều năm trong công tác điểm phim và sắp hạng các loại phim trình chiếu ở hiện truờng, là: Lm Richard Leonard sj có giòng chảy suy niệm Tin Mừng về niềm Thống Khổ rất riêng của Đức Chúa, như sau:

Mấy năm về trước, tôi có dịp xem nghệ sĩ bi hài Dòng Tên, là Michael Moynahan trình diễn vở kịch câm mang tựa đề “Bi hài và nỗi niềm thống khổ rất riêng tây”, kể về giờ phút cuối của Đức Kitô ở trần thế. Vào kịch, là sự xuất hiện của một anh hề với nụ cười quên tắt trên môi. Anh biểu diễn các màn tung bóng ngay trước mặt khán giả, rất đẹp mắt. Tiếp đó, là cảnh đám quân binh bước đến, dẫn Đức Kitô ra trình diện bá quan thiên hạ; để rồi, bọn họ đóng đinh Ngài lên khổ giá hình chữ thập. Tay hề chứng kiến cảnh tượng đầy kịch tính ấy với nỗi niềm xao xuyến, rất hãi sợ. Khi thấy Đức Kitô thực sự đã chết, đám quân binh ra về, không đợi gì. Nhưng, tay hề vẫn nán lại, ngồi bệt dưới chân khổ giá. Anh ta bắt đầu gỡ bỏ các dấu đinh còn sót nơi tay và chân Chúa. Xong đâu đấy, anh đặt thi hài của Chúa nằm sõng lên đùi anh, hệt như bức tranh “La Pietà” nổi tiếng của nhà điêu khắc Michel Angelo.
Tay hề xót xa, rơi nước mắt khi phải chứng kiến cảnh tượng Đấng Chí Công bị đóng đinh trên khổ giá, hình chữ thập. Cùng lúc ấy, đám quân binh quay trở lại, thấy tay hề còn ngồi đó thẫn thờ khóc cho thân phận của Đức-Chúa-làm-người. Chúng vực xốc anh dậy, đóng đinh anh lên cây thập tự thay cho Chúa. Tay hề rất đau đớn, chịu đựng được một lúc, rồi cũng trút hơi cuối cùng trên cây thập tự bằng gỗ cứng, sần sùi nhiều chỗ. Khi đoàn quân binh đi rồi, Đức Chúa trỗi dậy, Ngài về lại với sự sống khác thường, cũng rất mới. Ngài hướng mắt nhìn anh hề đã từng chịu chung cùng một thân phận khổ ải như Ngài, bèn đến gỡ bỏ các đinh khoen đóng xác anh, rồi đỡ anh xuống. Ngài ôm gọn anh vào lòng và để như thế mãi.
Xem trình diễn vở kịch câm hôm ấy, tôi thấy như có tiếng thở dài rớm lệ, ở đâu đó nơi người dự khán. Chẳng ai trong họ, lại cứng lòng đến độ trơ như đá; không nhỏ đến một giọt lệ ướt mi, trước bi hài kịch đầy xót thương, ai oán đến như thế. 
Thật ra, chữ “xót thương” là cụm từ lấy từ tiếng “Compati” bên La ngữ, mang ý nghĩa chịu đựng, khổ ải. Tuyệt nhiên, cụm từ này không mang ý nghĩa thương hại, đồng cảm; hoặc san sớt nỗi buồn bực, nào hết. Cũng thế, cụm từ “xót xa”, “buồn tủi” bên tiếng Việt lại bao hàm lập trường xa cách, đứng ngoài, chẳng mảy may dính dự đến kinh nghiệm bản thân; hoặc, chỉ là cảm xúc rất riêng tây hướng vào trong. Cụm từ ‘xót thương’, mang nặng một ‘cảm xúc’ của người đồng cam đồng chịu, cùng một thân phận. Thân phận, mà Vị Mục Tử Nhân Hiền đã gánh lấy cho Ngài. Và, đây cũng là ý nghĩa đích thực của mùa Phục Sinh, vào mọi ngày.
Giả như, ta xứng đáng để trở thành người dấn bước theo chân Chúa, hẳn ta cũng sẻ san cùng một tâm trạng ngày Thứ Sáu Chịu nạn, như thế. Tuy nhiên, Phục Sinh trong cuộc sống không mang ý nghĩa riêng tư, nhưng thật rõ nét. Ý nghĩa đó, là: Chúa Cha đã trung tín với Con Một của Ngài thế nào, thì Ngài cũng một lòng chung thủy đối với ta, hệt như thế.
Những năm tháng gần đây, nhiều đấng bậc chủ quản ở địa phương cũng bị chĩa mũi , nhìn soi mói vào khía cạnh đời sống có nỗi niềm riêng tư của các mục tử dưới trướng, mà người đời có thói quen gọi là đời sống tu đức của các ngài. Sự việc người đời quan tâm nhìn soi mói như thế, cũng chẳng có gì lạ. Vì, đời sống con người ngày nay, chẳng còn gì là nỗi niềm riêng tư nữa. Nói cách khác, với cuộc cách mạng truyền hình/phim ảnh, nói chung là truyền thông, cuộc sống “riêng tư” của mỗi người đã bị xâm phạm, soi mói.
Bởi thế nên, với người thời đại hôm nay, dấn bước theo Chúa là âm thầm nhận trách nhiệm về những gì mình đã làm và những gì mình đã không chịu làm. Dấn bước theo Chúa, là biết rõ nỗi niềm dù rất riêng tây của mình, vẫn có thể bị người đời dòm ngó, xét nét và phẩm bình không thương tiếc. Dấn bước theo Chúa, là cảm thông với nỗi niềm của Chúa khi Ngài tỏ bày với đồ đệ, rằng: “Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được." (Ga 10: 17-18) (Xem Lm Richard Leonard sj, Suy niệm Chúa Nhật thứ tư Phục Sinh Năm B, Bản tin Giáo xứ Fairfield, Sydney 29/4/2012)

            Đó là quan niệm của đấng bậc nhà Đạo ở Sydney về “nỗi niềm” rất riêng và cũng rất chung của con dân Đạo Chúa. Bới, nếu ta công nhận Kitô-hữu là cành nho tháp chung vào cùng cây nho là Đức Chúa, thì nỗi niềm của Chúa sẽ là niềm riêng của mỗi người và mọi người, thôi.
            Hiểu thế rồi, nay mời bạn/mời tôi, ta tiếp tục hát ca từ rất là “niềm riêng” ở nhạc bản ở trên:
Có những niềm riêng, làm sao nói hết”
“Như mây như mưa, như cát biển khơi.”
Hát rồi, ta sẽ lại cứ thế mà vui sống, suốt cuộc đời. Của một người, giống như tôi.

            Trần Ngọc Mười Hai  
                        Cũng có niềm riêng
mọi người biết đấy.
                        Là, niềm tin-yêu Chúa dạy
sống trọn đời người, đầy chất “người”.

No comments: