Saturday 7 July 2012

"Khi xưa đôi ta bé ta chơi,”


Chuyện phiếm đọc trong tuần Thứ 15 Thường niên Năm B 15.7.2012 

"Khi xưa đôi ta bé ta chơi,”
Đôi ta chơi bắn súng khơi khơi
Chơi công an đi bắt quân gian,
Hiên ngang anh giơ súng ngay tim: Bang! Bang!
(Nhạc bản: Bang Bang do Sonny Bono viết – Phạm Duy đặt lời Việt)
(1Ga 2: 1-2)
            “Bắn súng khơi khơi”, nếu chỉ là câu ca để vui chơi, thời niên thiếu, thì cũng chẳng lấy làm điều. Nhưng chơi trò “Công an đi bắt quân gian” rồi lại dí súng vào đầu rồi hát: “Hiên ngang anh giơ súng bắn ngay tim Bang! Bang!” thì có lẽ cũng “hơi bị sợ”. Sợ, cho lũ trẻ khi xưa chẳng biết chơi gì, ngoài trò “Anh bắn ngay em: Bang bang! Em ngã ngay sân, Bang! Bang!” Ngã xong rồi, lại cứ hát: “Tiếng súng khi xưa, ta sẽ không quên bao giờ.” Ôi! quả thật đáng sợ!  Sợ, cho người và cho mình vì trò chơi những bắn và bắn, rất như sau:
“Bao năm qua ta đã hai mươi,
Câu yêu đương đã đến cho đôi,
Môi hôn thay câu nói thơ ngây,
Chơi yêu thay chơi bắt nhau vui...
Anh xa em, em mất anh yêu,
Không ai coi xem lỗi nơi ai,
Anh ra đi, anh đã ra đi,
Anh đi theo duyên mới xa xôi: Bang! Bang!
Anh đã ra đi: Bang! Bang!
Em sẽ bơ vơ: Bang! Bang!
Tiếng súng khi xưa: Bang! Bang!
Ta sẽ không quên bao giờ...”
(Bang Bang - Lời Việt của Phạm Duy – bđd)

            Cũng may, nhạc bản “Bang! Bang!” của Pháp, nay đi vào quên lãng. Nếu không, hẳn bạn bè/người thân của bần đạo suốt ngày cứ nghe ca sĩ Dalida hát mãi câu “Bang! Bang!” đến nhức cả cái đầu, mà điên mất! Chưa kể, có lần bần đạo xem dĩa nhạc thấy cô ca sĩ trình diễn bài này cứ vò đầu, bứt tai rồi nằm dài ra sàn, thấy mà ngán.
            Vâng. Hôm nay đây, các ca sĩ người Pháp hẳn không còn hát bài ca dí súng vào đầu rồi “Bang! Bang!” bắn loạn xạ cả lên. Và,  cũng chẳng còn ai lải nhải hát hoài và hát mãi ca từ cứ lập đi lập lại mỗi tiếng “Bang! Bang!” Chao ôi! Thiên hạ sao vẫn cứ sợ và cứ hãi mỗi khi nghe tiếng súng bùm bùm ở đâu đó, cả trong trò chơi điện tử ở di động “iphone” hoặc “ipad” nát cả đôi tai của giới trẻ rất tuổi “teen”. Sợ quá đi thôi, khi bày tôi nghe đấng bậc nọ lại đã ưu tư quá mức như tác giả bài báo ở bên dưới:

“Tuần qua, có nữ phụ nọ cùng lên xe lửa vào lúc đông người hết cả chỗ ngồi, bèn đứng trước mặt tôi tay cầm chiếc di động lắc qua lắc lại như thể là bà đang bị thứ ma lực quỉ quái nào đó nó hớp hồn. Lại mới hôm rồi, tôi ngồi cạnh một bà sồn sồn khác cũng trên xe lửa, cứ dùng tay đập đập vào màn hình nhỏ bé trên di động hệt như người bệnh tâm thần cứ đập đập vào thiết bị “ipad” để chơi “ghêm” trò “chiến tranh giữa các vì sao”, đến nhức óc. Hai sự kiện xảy đến khiến tôi tự hỏi: “làm sao những con người bình thường không còn nhỏ nhít gì nữa mà sao vẫn cứ đam mê thích thú mấy trò điện tử rất mất giờ, như vậy? Mất thì giờ cả với trò chơi điện tử dành cho bọn trẻ nhỏ ba bốn tuổi như con của tôi đến như thế? (x. Bernard Toutounji, Are electronic games making us stupid? MercatorNet 12/5/2012)

            Hỏi là hỏi vậy thôi, chứ người viết ở trên chắc hẳn vẫn xác nhận rằng: trò chơi điện tử cũng có nhiều mặt tích cực của nó, như ông còn thêm ở bên dưới:

“Vẫn biết trò chơi điện tử cũng có nhiều điều khá tích cực, nhưng với tôi, nếu ta chế ngự được tính say mê đến miệt mài các trò chơi điện tử này khác vẫn tốt hơn là mấy trò rút kinh nghiệm hay ho/tích cực từ lợi ích của trò chơi trẻ nhỏ ấy. Thành ra, ở truờng hợp này, tôi hơi lo ngại về tầm ảnh hưởng của trò chơi “ghêm” đầy bạo lực và các hành xử đầy “hình sự” cũng như dục tính vẫn cứ lan tràn trong các trò chơi như thế.
Là người sống trong cộng đồng xã hội rất đa dạng, chúng ta được mời gọi hãy hành xử cách sao đó, khả dĩ nối kết với người cùng sống trong cộng đoàn niềm tin của mình, hơn lủi thủi ngồi một xó với chiếc di động nho nhỏ hoặc máy vi tính đặt trên đùi, để chơi riêng một mình, thôi. Đằng khác, nếu có dư giờ rảnh rỗi, có lẽ ta cũng nên nhớ rằng mình được mời gọi để sống sao cho đời mình có ý nghĩa hầu giùm giúp/hỗ trợ những người đang thiếu ăn thiếu mặc, hoặc bệnh tật. Được kêu mời đến với tuổi nhỏ suốt ngày không biết làm gì ngoài việc ngồi co ro nơi xó xỉnh, chờ người đến cho ăn cho mặc. Ta còn được mời gọi trở thành những người cha, người mẹ biết dạy dỗ giáo dục đàn con biết vui sống và trân trọng những gì là chân thiện mỹ rất cần để thiết lập một xã hội tốt đẹp và lành mạnh mà đón chào những bạn trẻ quyết tâm gia nhập cộng đồng lành mạnh không bắn giết dù chỉ là trò chơi trên mạng.
Và cuối cùng, ta được gọi mời hãy rời bỏ thế giới bát nháo này. Và, cho đến nay, tôi vẫn chưa thấy được trò chơi điện tử nào lại có thể giúp mọi người đáp trả lời mời gọi tha thiết như thế.” (x. Bernard Toutounji, bđd)      

            Lời gióng tiếng của tác giả trên chừng như vẫn chỉ là tiếng vang trong sa mạc cuộc đời nơi phố chợ. Những phố và chợ, có quá nhiều thú tiêu khiển để tiêu pha/thiêu đốt số thì giờ dư giả, chả biết làm gì cho hết, để được vui. Chừng như con người thành thị hôm nay, nhất là ở những thị thành có thừa phương tiện giải trí, nhưng chẳng thể nào giải khuây được trí não cứ ưu tư/phiền muộn về đủ thứ. Chí ít là những thứ/những trò chơi thời hiện đại mà người viết còn chua thêm đôi lời nhắn nhủ để kết luận:

“Thật ra thì, tôi cũng chỉ muốn đưa ra dăm ba ý cỏn con/hèn mọn đại khái ví thử và chỉ ví thử thôi, khi trò chơi điện tử có đem đến cho bạn và tôi đôi điều lợi hơn ta tưởng. Để rồi lần tới, nếu có được dăm ba phút phù du kiếm tìm trò giải trí, hãy thử xét xem các trò chơi điện tử ta say mê như thế có giúp được gì hơn cho toàn bộ cuộc sống của mình không, đó mới là vấn đề.” (x. Bernard Toutounji, bđd)

Giúp gì không? có lẽ là câu hỏi vẫn cứ đeo đuổi mọi người, trong đời. Câu hỏi ấy. Câu nói này, cũng vẫn là và cứ là vấn nạn đặt ra cho tôi/cho bạn, ở đây, hôm nay. Cùng với vấn nạn trên, còn có vấn nạn gửi đến tôi và bạn, có đính kèm cả lời thơ cũng như giòng nhạc, như sau:
“Nay khi ta ra chốn công viên,
Trông bao nhiêu em bé hân hoan
Chơi công an đi bắt quân gian
Chơi đi theo đi trốn lăng xăng: Bang! Bang!
Ta nhớ năm xưa: Bang! Bang!
Trong trái tim ta: Bang! Bang!
Tiếng súng khi xưa: Bang! Bang!
Ta sẽ không quên bao giờ...”
(Bang Bang - Lời Việt của Phạm Duy – bđd)

            Ta nhớ năm xưa”, thật ra không chỉ nhớ có mỗi trò “Công an đi bắt quân gian” rồi lại hỏi: chơi như thế, có bắt được tên quân gian nào không? Hoặc, giơ súng bắn “Bang bang”, cả vào dân ngoan hiền, nào có gian. Bắn, vào nền văn hoá dân gian, rất ngoan cường còn bức bách.
Hôm nay đây, ở thị trường trò chơi điện tử trên mạng/di động, còn có những thứ cứ tưởng như đang chơi trò “công an đi bắt quân gian”, rất đơn giản. Mà kỳ thực, chỉ toàn những trò mây mưa/hoa bướm gườm bắn nhau rất đáng lo ngại, mà tác giả khác lại đã cảnh giác, kêu gọi bậc cha bác hãy bảo vệ con em mình về hiểm hoạ gọi-là trò khiêu dâm trên mạng trực tuyến, rất như sau:

“Chính phủ Anh lâu nay vẫn để tai nghe ngóng về những lo âu/quan ngại của dân thường về mối hiểm nghèo đặt ra cho con trẻ khi chúng tiếp cận các trò chơi điện tử có nội dung dâm đãng hoặc các ảnh hình tưởng như đơn thuần mang tính giáo dục, nhưng thực chất lại làm cho bậc cha/bác thấy quan ngại vì khả năng của các ngài về vi tính mà họ còn thua con cái rất xa, khó kiểm soát nổi.
            Tháng Mười rồi, bốn nhà cung cấp dịch vụ trên mạng đã đồng loạt chấp nhận hệ thống gọi là “Chọn lựa thiết thực” qua đó, khách hàng nhỏ của họ phải để cho cha mẹ mình kiểm soát mọi cuộc nối mạng, nếu không sẽ bị từ chối cấp dịch vụ. Tuy nhiên, một khi đa số thành viên trong gia đình từng quen nối mạng vào chơi trò điện tử hoặc nhu liệu nguy hiểm như trước đó, thì chuyện quan ngại của bậc cha mẹ hoặc giới chức có thẩm quyền đều vô ích thôi.
            Tháng trước, lưỡng viện quốc hội Anh đã đạt thắng lợi khi yêu cầu: từ nay chính quyền phải có biện pháp bảo vệ con trẻ để mỗi khi các em nối mạng tiếp cận các chương trình này khác, thì bậc phụ huynh sẽ phải đóng vai trò tích cực hơn để sàng lọc các trang mạng nào có nội dung không lành mạnh. Các nghị viên/dân biểu thuộc nhiều đảng phái khác nhau đều muốn là chính phủ phải đề nghị để có nhiều người sử dụng hệ “Chọn lựa thiết thực” này. Nói cách khác, thì các vị ấy muốn đề ra tiêu chuẩn để sàng lọc nội dung cấp mạng cho những ai muốn tiếp cận nhu liệu dành cho người lớn tuổi phải chon cung cách “lọc bỏ.” Điều này kích động hệ thống được các công ty sản xuất điện thoại di động vẫn sử dụng khiến họ phải lập thiết bị khác ngăn chặn nội dung mạng dành cho người lớn tuổi, cho đến khi chuyên viên của họ rà soát và chỉnh đốn hệ thống xong xuôi mới thôi.
            Tuy nhiên, theo báo cáo của Ủy Ban Tham Vấn Độc Lập thuộc Quốc Hội đã xem xét bảo vệ cho con trẻ khi chúng nối mạng, đã phát giác ra rằng thiết bị sàng lọc này không thực hiện được việc bảo vệ con trẻ trong chuyện đó. Có vài công ty cấp dịch vụ sàng lọc thật đấy nhưng, chỉ một số ít bậc cha mẹ biết và chịu sử dụng thiết bị này thôi, có vị chẳng bao giờ dùng đến nó. Và, số người sử dụng thiết bị này cũng giảm sút đáng kể. Thành thử, con trẻ ngày càng khôn hơn, càng bỏ nhiều giờ ra để nối mạng và chơi trò chơi; chí ít, còn biết né tránh thiết bị sàng lọc nữa là khác.
            Kết cuộc là: lớp trẻ hôm nay biết cách luồn lách và dễ tiếp cận với các nhu liệu khiêu dâm hơn, chúng lại càng dễ phơi mình cho mạng nối kết khai thác tính ngây thơ để rồi càng dễ tiếp xúc các trò dâm ô, bạo hành cũng như nhu liệu làm hạ phẩm giá con người ngang qua mạng nối nào không bị sàng lọc; từ đó, gánh chịu mọi hậu quả rất rối bời. Và, sự thể càng trở nên tồi tệ hơn.
Báo cáo trên cũng đề nghị các nhà cung cấp dịch vụ nối mạng nên cải thiện truyền thông trao đổi hiện tại sao cho mạng nối kết trở nên an toàn hơn; huấn luyện thêm cho các nhà bán lẻ, giúp các nhà sản xuất phát triển chương trình sao đó khả dĩ giúp đỡ các gia đình   được thân thiện, nói tóm lại, làm sao để mọi người có thể cải thiện hệ thống an toàn mỗi khi cài đặt phần mềm vào vi tính của mình.” (x. Family Edge, Protecting Children from Online Porn, MercatorNet 29-5-2012)

            Ý kiến phản hồi về vấn đề này, thấy cũng kha khá ở trời Tây. Tức, một phương trời mà con người có quyền ăn nói rất đứng đắn, chững chặc để đóng góp vào việc chỉnh sửa tình trạng của xã hội hôm nay có quá nhiều tệ hại, trong nhiều chuyện. Ý kiến phản rõ nét và nổi cộm nhất tóm gọn như sau:

“Lo âu của tôi là về điện thoại di động. Có người bảo với tôi rằng: chỉ có loại máy Andriod và iPhone là còn có thể sàng lọc được các địa chỉ mạng nào không thích hợp cho trẻ em thôi. Điều đó có nghĩa là: các chương trình khác lâu nay được đưa lên mạng đều không có phần mềm để ngăn chặn con trẻ nối vào mạng nguy hiểm. Bởi thế nên, theo tôi, các công ty điện thoại di động có bổn phận phải phát triển sản phẩm điện thoại của họ phải có chương trình nào đó khả dĩ ngăn chặn được con trẻ nối vào các trang mạng nguy hiểm như thế.” (Patrick Goh, bđd)

            Và một phát biểu khác, của người đọc:

“Ở Nam Phi, thày giáo của tôi có người vợ hiền từng thực hiện công cuộc khảo sát nghiên cứu gửi cho 250 học sinh lớp 8 trong trường của chị (đám này thuộc cỡ tuổi mới 14 thôi) lại đã khám phá ra rằng: 85% trong số học sinh đó nói là các em từng ngắm hình ảnh khiêu dâm từ hồi còn học ở tiểu học cơ đấy. Thế nên, tôi nghĩ các nhà cung cấp dịch vụ mạng lưới nên sàng lọc chương trình trên mạng là cần thiết. Bản thân tôi, nhiều lúc thấy tiến trình sàng lọc quá chậm chạp nên dễ phát bực. Đôi lúc, nó còn làm cho việc lướt mạng tìm địq chỉ cũng khó khăn. Có khi còn bị nghẽn nữa là đàng khác. Nhưng, tôi vẫn hy vọng là biện pháp sàng lọc sẽ được phổ biến và có kết quả tốt…” (Chris – bđd)

Và, một quan ngại từ một nữ độc giả, ở Mỹ:

“Riêng tôi, tôi vẫn quan ngại về điện thoại di động, cũng khá nhiều. Tôi chưa tìm được chương trình sàng lọc nào cho di động iPhone của tôi hết. Bạn nào tìm ra được xin cho biết là hãng nào có chương trình phần mềm như thế nhé.” (Lisa C – bđd)

Đúng là các bậc bề trên của đám trẻ vẫn quan tâm/tìm kiếm nhiều phương cách để cải thiện đời sống gia đình, như độc giả ở dưới đây:

“Lâu nay, tôi vẫn thử xài hệ thống sàng lọc bằng phần mềm tôi mua được nhưng kết quả vẫn còn hạn hẹp. Giả như địa chỉ dâm thư hoặc hình ảnh ô trọc được thẩm định là khiêu dâm rất nguy hiểm, thì dĩ nhiên là người chụp các hình ấy dư biết thận trọng để phần mềm có thể làm công việc ngăn chặn và khoá chặt địa chỉ ấy, là điều chắc chắn.
Nhưng ngày nay, có vô số các địa chỉ không được kịp thời thẩm định vẫn đánh phá hệ thống ngăn chặn và sàng lọc. Nói chung, là: biện pháp kiểm soát của bậc cha mẹ, cũng vô phương. Thành thử, bổn phận của chính quyền là phải bảo vệ công dân mình. Con cái chúng ta đang ở vào tình thế dễ bị các nhu liệu xấu xa hủy hoại chúng nó. Chính quyền phải có biện pháp hành động để buộc các nhà cung cấp dịch vụ mạng biết tìm cách mà ngăn chặn các địa chỉ huỷ hoại, rất đáng tởm.” (Richard Cameron – bđd)

Và, thêm một ý kiến khác từ độc giả không còn trẻ, nhưng có lý:
“Tôi nghĩ, không chỉ mỗi con trẻ là cần được bảo vệ khỏi mấy thứ “độc hại và quỉ quyệt ấy”. Tôi thấy tất cả chúng ta đều nên đề cao cảnh giác. Tôi nhớ lại lời kinh chuyển cầu đến thánh Micae Tổng lãnh Thiên thần, giống như nói về hành động của Satan cùng ác thần vẫn nhả mồi rình rập ngang qua thế gian như các con sư tử nhằm giết hại các linh hồn trong trắng, mà thôi.
Bất cứ nơi nào ta đến, hoặc truyền hình hoặc quảng cáo, báo chí cũng như sách vở/tập san vv… nhất nhất đều hiện ra khơi khơi ngay trước mắt ta. Tôi nghĩ chỉ một giải pháp duy nhất là mọi người chúng ta hãy cùng nhau đẩy lùi chuyện ấy ra ngoài khung cảnh sống của mình là hơn cả. Ai cần mấy chuyện dâm ô như thế, tức là họ có vấn đề và những người như thế cũng nên tìm đến các chuyên gia tâm lý để được giúp đỡ.” (Jerzy Gawor – bđd)     
             
            Vấn đề trên được giới chức ở quốc hội Anh đặt ra xem chừng nghe quen quen. Nghe quen, tức: đã được lập đi lập lại khá nhiều lần, cả trên báo đài hoặc sách vở, cùng tập san. Nhưng thực tế, gợi vấn đề như thế có kết quả không lại là chuyện khác. Chuyện khác, là những chuyện được nhiều chức sắc nhà Đạo nhắc nhở cũng khá nhiều. Một nhắc nhở rõ rệt nhất là của các thánh nhân tông đồ, thời buổi trước, rất như sau:
“Hỡi anh em, là những người con bé nhỏ của tôi,
tôi viết cho anh em những điều này,
để anh em đừng phạm tội.
Nhưng nếu ai phạm tội,
thì chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha:
đó là Đức Giêsu Kitô, Đấng Công Chính.
Chính Đức Giê-su Ki-tô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta,
không những tội lỗi chúng ta mà thôi,
nhưng còn tội lỗi cả thế gian nữa..”
(1Ga 2: 1-2)
            Thật ra, trong chuyện này, không chắc gì đám “trẻ người non dạ” là “những người con bé nhỏ” của đấng thánh, đã phạm lỗi. Có chăng, chỉ vì tâm hồn các em còn trinh trong như giấy trắng, dễ lấm lem khi bị thảy vào chốn “nợ đời” nhiều tranh giành những là lợi nhuận. Lợi và nhuận cả từ chỗ buôn thần bán thánh, bán linh hồn kẻ ngây thơ, trong trắng rất hồn nhiên.    
            Thế nên, các vị có tránh nhiệm trong giáo dục, chí ít là nền giáo dục từ thánh Hội của Chúa, cũng nên để tâm đến vấn đề khá quan trọng này. Giáo dục từ Hội thánh, chí ít là Hội thánh Công giáo, xưa nay được tiếng là nền giáo dục chính đáng và phải lẽ, thích hợp cho mọi người.
Thế nhưng, vấn đề nay được nhiều người đề cập, là: chuyện ấy có xảy ra ở nhiều nơi không? Chí ít là tại quê nhà, nơi mà phần lớn các chương trình cũng như hệ thống giáo dục không phải chính mạch hoặc chính qui, tức qui về chính phủ/chính quyền đều bị gạt sang một bên, đi chỗ khác chơi. Thế còn, ở các nước có tự do tư tưởng, ngôn luận và học hỏi thì sao?
Trả lời cho câu hỏi này, cần nhiều chương sách để tìm hiểu và cãi bàn cho rộng đường dư luận. Tuy nhiên, chuyện bàn hay cãi ở đây về nền giáo dục chính mạch/phải lẽ không là mục tiêu của người viết “phiếm” muốn nhắm đến. Có nhắm chăng, chỉ nhắm và nhằm ý tưởng cỏn con ở đâu đó rất Úc Châu để mào đầu cho câu chuyện phiếm, hầu thưởng lãm. Chỉ là chút “phiếm Đạo trong đời” cũng lai rai, dài dài hầu bà con/bạn bè để còn thương. Thương rồi, các ngài lại sẽ đọc thêm đôi giòng chảy tư tưởng nhẹ, như bức thư tâm tình của người học trò cũ gửi đấng bậc thày dạy nay đà trăm tuổi, như sau:

“Kính gửi cha cũng là thày của con, thày Schneider rất trân quí,
Con biết chắc là thày sẽ không buồn nhìn vào những giòng chữ mọn hèn của con trong thư này, vì tự bản chất, thày chẳng bao giờ muốn nhận cho mình lời ngợi khen/cảm tạ của bất cứ ai, từ đâu gửi tới. Nhưng, con tự thấy có nhu cầu phải viết nó ra, hơn là thày có bổn phận phải đọc những gì được viết trong đó.
Con được biết, là: tháng 12 này, thày sẽ mừng đại thọ trăm tuổi, một mốc điểm của cuộc đời ít thấy có ở cõi đời trần thế. Thêm nữa, cũng vào dịp này, thày còn mừng kỷ niệm 80 năm ngày lĩnh nhận sứ vụ mục tử của một linh mục Dòng Tên âm thầm, nhưng cả thể. Điều tuyệt vời, là: hiện thời thày vẫn tiếp tục dạy đám trẻ tại cũng một ngôi trường mà lần đầu tiên trong đời, con được học với thày từ ngày lên 8, tức năm 1970. Đến hôm nay, thày vẫn trông coi đám trẻ nhỏ cùng tuổi con, như bao giờ. Thày vẫn tiếp tục sẻ san niềm tin đi Đạo vốn giúp thầy đứng trụ trên đôi chân vững chắc suốt nhiều năm tháng đổi thay bằng vào chức năng cao cả của thày. Thày là một trong các vị giáo chức đầu tiên đã chạy đến chúc mừng con ngay lúc con theo học ở trường Dòng Aloysius, Sydney.
Những năm sau đó, trông thày vẫn không khác trước là bao nhiêu. Cũng dáng người hiên ngang, mảnh dẻ như hồi nào. Cũng cung cách từ tốn, nhưng cuốn hút nhiều người đến với thày để được thụ huấn kiến thức lẫn ngôn ngữ cũng như kinh nghiệm sống trong đời, nữa.
Con nhớ vào năm 1971, thày đã bỏ nhiều thì giờ ra mà chỉ dẫn đám trẻ bọn con học biết chơi môn “cricket” truyền thống dành cho lớp 10 của trường là lớp không mấy khá về môn này. Con là đứa đệ tử yếu kém nhất, thế mà cuối cùng cũng đạt được kết quả khả quan…
Ngày thứ hai hôm sau, trong môn tôn giáo, bọn con cố nhẩm thuộc lòng câu đáp trả đúng nghĩa nhất cho vấn nạn của mọi thời, ở câu hỏi: “Làm sao biết được Chúa thương em?” Quay lại nhìn, con bỗng thấy vui vì bọn con mới chỉ bắt đầu trả lời có ba hàng chữ đã thấy gần đúng, và biết rằng đó là một trong các câu hỏi vẫn hóc búa nhất vào mọi lúc. Dù sao, lúc ấy thày vẫn gọi tên con rồi nói: “Ơ kìa Michael, hãy nói cho mọi người biết là khó như môn cricket mà hôm rồi anh còn chơi thật giỏi, thì sá gì mấy câu hỏi này! Anh vẫn là tay cự phách cơ mà!” Qua những lời nhận xét như thế, con biết được là thày vẫn quan tâm đến hết mọi người dù chỉ môn chơi bóng hay học hành. Và cũng từ đó, con học biết được thế nào là tình yêu của Chúa.
Và còn nhiều thứ nữa con không thể kể hết về người thày mà con hằng trân quí. Như năm rồi chẳng hạn, dù ở vào tuổi 98, thế mà thày vẫn cùng đi và cùng đến dự tang lễ mẹ con. Điều đó chứng tỏ là thày vẫn quan tâm không những chỉ mỗi học trò mình mà cả gia đình của học trò nữa. Và cũng ngày hôm ấy, bằng nụ cười rất nhẹ trên môi, thày còn bảo với con: “Em có được một người mẹ thật tuyệt vời, vì bà cũng nghĩ em là người tuyệt diệu hệt như thế.”
Đôi lúc trong cuộc sống làm người trưởng thành, đoạn đường con đi cũng không là con đường thẳng tắp, xuôi xắn. Thế nhưng, bọn chúng con vẫn có được người thày luôn chung bước, cả vào những ngày trời không sáng sủa, phong ba vần vũ, với bão táp. Cả những khi ngồi trên phà đi Manly ngày Chúa Nhật để rồi sẽ cùng thày đi bộ dọc bờ biển tới Corso. Con nhớ có một lần con mướn xe chạy băng qua cầu cảng Sydney để đến dự một buổi hội thảo về vấn đề gì đó, có trời biết. Nhìn qua khoé mắt, con thấy thày lúc ấy đang cuốc bộ cũng đi về phía cầu, đầu đội mũ vải trông chẳng giống ai. Sau buổi ấy, hình ảnh của thày cứ lờn vờn mãi trong đầu óc của con và nhiều lúc con cũng rối như tơ vò về nhiều chuyện.
Cách nay ít năm, con thấy thày cũng đến dự buổi thuyết trình nọ trong đó có cử toạ biết rất nhiều điều lại cũng phát biểu chung quanh đề tài “giáo dục theo tư cách của thừa tác viên trong Đạo”. Con nhớ hôm ấy có người hỏi ý thày là nên truyền kinh nghiệm quí báu nào cho các giảng viên hay giáo chức mới nhận việc. Lúc đó, thày cứ nhắc đi nhắc lại mãi một câu: “Hãy nắm chắc mình phải là người thày đáng tin cậy, bằng không thì hỏng bét”. Riêng con, con thấy đó là lý tưởng thâm sâu mà chính thày vẫn tâm niệm và thực hiện. Đó, cũng là bản chất con người của thày. Con tin chắc Thiên Chúa đã dùng lòng tin của thày để nói lên biết bao nhiêu là chương sách cho một thế giới đầy ắp những khuôn mặt tưởng là sáng sủa, nhưng vẫn tối mù vì tính vị kỷ, ghét ghen và đố kỵ.
Con tin chắc mọi điều thày từng bảo ban/dạy dỗ sẽ được hiện thực hôm nay và  mai ngày.
Michael McGirr
(x. Michael McGirr, A Letter to Fr Schneider, Australian Catholics, Winter 2012, tr. 9)                            

            Thời buổi này, mà có người vẫn tìm giấy bút để chính thức cảm tạ và ngợi khen bậc thày từng dẫn dắt mình trong mọi chuyện, cũng là chuyện hiếm có, thấy không nhiều. Không nhiều, là bởi: người đời nay chỉ thích bàn và thích nói những chuyện nào gây lợi ích, thích thú hơn gì khác.
            Đề cập chuyện này, bần đạo đây, đôi lúc cũng nhớ lại đôi ba truyện kể vui vui, nhè nhẹ, để phiếm cũng không dài. Phiếm và kể ở đây, cũng chẳng chết ba thằng Tây đen/Tây trắng nào hết. Nghĩ thế nên, xin được giới thiệu cùng bạn bè/người thân, ta nghe thêm lần nữa, tiếu lâm nhạt để thư giãn. Tiếu lâm hôm nay, tuy ngắn nhưng cũng nói lên phần nào tâm lý người đời những mong chuyện lạ đời cứ xảy đến cho mình vui, như sau: 

“Có gia đình nọ đang phom phom lái xe trên đường bỗng thấy con cóc ồm ộp nhảy ngang qua. Ông chồng kịp thời thắng xe rất gấp nhưng an toàn, rồi bước xuống, bưng con cóc để bên vệ đường. Bỗng phút chốc, cóc con nói được tiếng người, bèn lên tiếng rất cảm kích:
- Cám ơn ông đã cứu mạng. Tôi sẽ tặng cho ông bà mỗi người một điều ước, xin cứ nói!
Người đàn ông đáp:
- Vậy, hãy làm cho con chó của tôi thắng được cuộc đua hôm nay xem nào?
Ông gọi con chó nhỏ của mình nhảy ra, và khi thấy nó chỉ có ba chân, con cóc buồn rầu bảo:
- Khó quá ông à! Hay ông ước điều gì khác, có được không!
Lúc đó bà vợ trong xe nghe vậy bèn bước khỏi xe vội vàng nói:
-Vậy, ngươi hãy làm cho ta trở thành hoa hậu phu nhân “sexy” nhất năm nay, cũng được chứ? Cóc nhìn người vợ từ đầu đến chân, rồi quay phắt lại nói với ông chồng bằng giọng thểu não:
-Này Ông! Ông hãy để tôi xem lại xem con chó của ông một lần nữa, may ra tôi làm được.”

Hoa hậu “sexy” nhất trong năm, hoặc người nữ tiêu biểu nhất trên truyền hình/vi tính, còn là uớc vọng của nhiều người, trong đó có cả đạo hữu chuyên chăm, sống âm thầm tối ngày chỉ biết đi nhà thờ/nhà thánh nguyện gẫm bấy lâu nay.
Nói cho cùng, sống ở thời đại có truyền thông “di động” đủ mọi loại hình hấp dẫn, thật khó mà giữ được lập trường nhất mực, về lòng đạo với lý tưởng. Dù khó mấy đi nữa, cũng vẫn nên giữ vững lập trường “chính chuyên” của Hội thánh Nước Trời, hôm nay.
Nghĩ thế nên, xin đề nghị bạn/đề nghị tôi, ta hát tiếp câu ca Bang Bang làm đoạn kết, như sau:

“Đôi ta theo nhau lớn lên mau
Đôi ta luôn thân thiết bên nhau
Ta yêu nhau như lũ bé con
Nhưng anh ham chơi bắt nhau luôn: Bang! Bang!
Anh thích lăng quăng: Bang! Bang!
Em cũng theo anh: Bang! Bang!
Tiếng súng khi xưa: Bang! Bang!
Ta sẽ không quên bao giờ...”
(Bang Bang - Lời Việt của Phạm Duy – bđd)

            Nhớ hay quên, cũng đừng nhớ mỗi tiếng Bang Bang hôm nào, ở trò chơi thôi. Nhưng tốt hơn, hãy nhớ lời bậc thày trăm tuổi ở trường Dòng Sydney cứ nhắn nhủ hết mọi người là: “Hãy nắm chắc là mình mãi mãi trở thành con người bình thường, nhưng đáng tin cậy”. Bởi lẽ, thời đại này kiếm được những người như thế. Không phải dễ.
            Trần Ngọc Mười Hai
            Tuy không bi quan là thế,
nhưng vẫn quyết tâm nhớ lời dặn
            của bậc Thày năm xưa trên núi thánh
            về 8 mối rất lành thánh. Phúc hạnh.   

No comments: