Saturday, 2 June 2012

“Sáng Chủ nhật đẹp, trời trong nắng mai,”


Chuyện phiếm đọc vào tuần sau lễ MìnhMáuChúa năm B 10-6-2012

“Sáng Chủ nhật đẹp, trời trong nắng mai,”
“Tiếng chim ca đùa, làm vui thú thêm.
Ôi! Chủ nhật đem tình yêu đến với nguời.”
 (Daniel Boone – Lời Việt: Sưu tầm)

(Ga 13: 34-35)

Không hiểu sao, mỗi khi nghe ai đó cất tiếng hát vang nhạc bản này, không biết tại sao trong tôi vẫn thấy nhiều điều khá lấn cấn. Lấn cấn nhất, là: cụm từ mà nhà thơ dịch từ nhóm chữ “Beautiful Sunday” của Daniel Boone ra như thế? Dịch giả nhà mình sao không dùng tiếng “Chúa nhật” thay cho “Chủ nhật” giống người thường ở huyện vẫn cứ bảo: “Ngày đẹp trời”, “trong nắng mai” là quà tặng Chúa ban, chứ đâu do ông “chủ”/bà “chủ” nào đó cho công nhân/thợ thuyền nghỉ, để rồi đám thợ của ông/của bà sẽ gọi ngày ấy là ngày của chủ, tức “chủ nhật buồn”, rất lấn cấn với dân con nhà Đạo? 

Thêm một lấn cấn khác, là: nỗi buồn “chủ nhật”, tức buồn bã ngày của “chủ nhân ông” khiến nhiều người nay không còn thấy vui như trước. Không thấy vui, như ai đó có viết ở đoạn sau đây:

Tôi hát trong ca đoàn ở Giáo Xứ Mỹ, giữ một chức rất quan trọng không thể thiếu: quét rác gác đàn và chuẩn bị sách vở. Ai cũng yêu mến nài nỉ tôi hát solo, nhưng tôi không dám mang chuông rè đánh xứ người. Dù ở Mỹ hơn hai chục năm, nhưng lỡ ăn nước mắm quê hương nên tiếng hát của tôi có chất giọng con bìm bịp gọi lục bình lững lờ trôi theo con nước ven sông quê ngoại: đục buồn ảm đạm, cứ lục cục trong cổ họng… Có người hỏi: “Sao giọng anh buồn thế ?” Tôi có dịp ca “cải lương” nửa đùa nửa thật: “Vì tận đáy sâu trong lòng tôi có một khối u buồn: nước mất nhà tan đành nương thân xứ người…
“Tuần vừa qua, sau Lễ vọng Phục Sinh, anh ca trưởng dẫn cả nhóm ra quán bồi dưỡng cho bõ tháng ngày vất vả tập luyện. Ngồi kế tôi là một em giúp lễ tuổi chừng 13, thấy mặt mày sáng sủa, dáng nhanh nhẹn tôi hỏi: “Có bao giờ em nghĩ rằng một ngày nào đó mình sẽ trở thành Linh Mục không?” Cậu bé nhún vai le lưỡi. Tôi thấy hơi buồn.
Tôi hỏi bà dì ruột ngồi kế bên cậu: “Chắc bà cũng muốn em trở thành Linh Mục chứ?” Người dì ruột phán một câu chắc nịch: “Bố tôi bảo mày làm gì thì làm, chứ đừng bao giờ làm Nữ Tu…” Tôi hụt hẫng và rất buồn…” (x. Người Tôi Tớ Vô Dụng, Boston 4/2012 Ephata ViệtNam số 506 Chúa Nhật 22.4.2012, tr.20)

Bần đạo nghe truyện ở trên thấy cũng buồn, nhưng nghĩ lại đâu cứ phải linh mục mới là người đáp trả lời mời của Đức Chúa. Có nhiều vai trò không kém quan trọng và cũng thực thi sứ vụ Chúa giao phó, đó là vai trò của Thừa Tác Viên. Nghĩ thế rồi, bần đạo bèn quay về lập trường của đấng bậc trổi trang ở Sydney vốn có tư tưởng khá “cứng” về công việc thừa-tác cũng rất Đạo, như sau:

“Chức năng của “Thừa-tác-viên”, ta hiểu là của giáo dân có nhiệm vụ khác nhau ở Tiệc Thánh Thể, là để giúp người tham dự thêm lòng sốt sắng, long trọng. Trước nhất, là vai trò của thừa-tác-viên giúp lễ.
            Năm 1973, Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục có ra tông thư “Motu proprio” có tựa đề “Ministeria quaedam” trong đó ngài đề cập đến “sứ vụ” thừa-tác giúp lễ, đọc sách thánh, trừ quỷ và giữ cửa, chuẩn bị cho chức thánh linh mục.
            Việc giúp lễ và đọc sách thánh, có thể giao cho giáo dân nay Giáo hội vẫn còn giữ và gọi đó là công việc “thừa tác”. Hơn nữa, cất nhắc các chức sắc này nay là định chế chứ không phải là “tấn phong”, như khi trước nữa.
            Tông thư của Đức Giáo Hoàng Phaolô đệ Lục cũng nói: “Sứ vụ của Thừa-tác-viên giúp lễ được đặt ra là để giúp phó-tế và để các vị hợp tác với linh mục chủ tế trong thánh lễ, đặc biệt còn cho phép các vị này được trao Mình Thánh Chúa với tư cách “thừa-tác-viên đặc biệt” khi thừa-tác thánh thể vắng mặt vì bị ốm hoặc vì lý do tuổi tác, hoặc bị ngăn trở này khác như điều 845 Luật Phụng vụ nói đến.” (xem Tông thư ở trên đoạn #6)
            Hơn nữa, thừa-tác-viên Thánh-thể ngoại lệ được gọi đến chỉ để làm công việc thừa-tác trong trường hợp linh mục chủ tế bị ngăn trở do sức khoẻ, tuổi tác hoặc lý do nào khác cũng chính đáng; hoặc khi giáo dân lên rước lễ đông quá, cần có thêm người trao Mình thánh để thánh lễ không kéo dài ngoài dự trù. Tuy thế, việc này chỉ nên làm trong thời gian ngắn thôi tuỳ hoàn cảnh và văn hoá của mỗi nơi.“ (trích Tông thư Redemptionis sacramentum đoạn 158) (xem Lm John Flader, Question Time, The Catholic Weekly ngày 20.02.2012 tr.10).

            Phụng vụ Đạo Chúa, vẫn như thế. Như thế và như thể hơi bị “cứng”, một chút thôi. Chí ít, là khi số người “đi lễ” nhà thờ ở trời Tây độ này đà sút giảm, đâu cần nhiều người thực thi việc thừa-tác rất thánh, nơi Giáo hội! Có chăng, cũng chỉ xảy ra ở xứ miền nào đó, thôi.     
      
            Nói “cứng” theo đúng luật và lệ, là nói không khác thế vậy là mấy. Tuy nhiên, nói theo kiểu người đời ở đời người về niềm vui/nỗi buồn “ngày của Chúa” là nói giọng rất “Tây” có ý nhạc, sau đây:

            “Sáng chủ nhật đẹp, người yêu đến chơi,
             với đôi môi hồng, nàng sẽ hát ca:
            Ôi! Chủ nhật, tô đẹp thêm đôi mắt nàng.
            Hà! Ha! Há! Tiếng em đùa tươi cười
            Nhìn say đắm, mãi …mãi… trong tình yêu đầu.
            Nhìn em biết, nói! nói! bao lời cho vừa
            Ôi! Ta sẽ nguyền kề vai nhau suốt đời.”
            (Daniel Boone – Beautiful Sunday)

            Chả biết sao, Đạo mình cứ đòi bản quyền tác giả ở cụm từ “Chúa” Nhật, mà không vui. Vui sao được, khi đấng bậc mình chỉ phán và bảo những luật và luật, mà thôi. Trong khi âm nhạc mình, lại chỉ hát với ca những điều vui, như: “tiếng em đùa tươi cười”, rồi còn bảo: “sẽ nguyền kề vai suốt đời”, thế mới vui. 

            Thực thi công cuộc thừa tác ngày của Chúa, ở Tiệc Thánh, bần đạo đây chẳng là thầy tư/thày sáu bao giờ đâu, thế mà cũng được linh mục chủ tế mượn/nhờ làm thừa-tác-viên đọc sách và trao Mình Chúa, có lần lại còn được yêu cầu san sẻ Lời Chúa với bà con ở nhà thờ nhỏ có buổi lễ cũng khá lớn. Như thế thì, làm thừa-tác-viên cho Hội-thánh, là để chung vui cùng các thánh ở Tiệc Thánh, rất phụng vụ.

            Tuy nhiên, các thánh lâu nay dù quá vãng, đâu thấy buồn. Chỉ buồn một nỗi, có mỗi chuyện là: người đi Đạo hôm nay không định giá đúng mức tính sử học, vai trò và thành tựu mà các thừa-tác-viên khi xưa từng thực hiện. Thế nên, có đấng bậc nhà mình từng để nhiều giờ ra mà tìm hiểu lịch sử Đạo Chúa, thấy có điều khá “lấn cấn” nơi tâm tình người nhà Đạo, về việc này.

            Cũng thế, nay bần đạo đề nghị bạn/đề nghị tôi, ta bỏ ra ba phút ngắn ngủi để về với lịch sử thánh thiêng hầu tìm hiểu chức-năng lành thánh mà nhiều vị quên đi, hoặc chẳng biết. Nói nôm na, thì: ta cũng nên điểm qua tình hình người mình nhận xét khá chính xác về lịch sử và/hoặc vai trò của một số thừa-tác-viên nữ tên là Maria Magđalêna, có lý lịch như sau:

“Trong số các thừa tác-viên nam/nữ có vai trò nổi bật và chỗ đứng hàng đầu vào thời Chúa sống phải kể đến Maria Mađalêna. Nhiều người vẫn cứ hỏi: chị ta là ai? Là, đồ đệ gần gũi Chúa hay người nữ phạm lỗi nay hối cải? Có chăng, vào thời trước, chiến dịch bôi nhọ tên tuổi bằng cách chuyển vai trò thừa tác viên gần gũi Chúa thành người nữ lỗi phạm, nay cải hối?
            “Lâu nay, ta nghe rất nhiều truyện kể về Chị là một trong số các tín hữu theo chân Chúa, và ngay đến nghệ thuật  cũng vẽ lên chân dung Chị như kẻ tội phạm, người nữ dâm dục chuyên khêu gợi đến độ coi Chị như gái điếm lúc nào cũng mang bên mình hũ dầu thơm, để bôi/xức.
“Tin Mừng thánh Luca đoạn 7 kể rất rõ về “bữa ăn tại nhà một Biệt Phái có mời Chúa đến dùng. Lúc ấy, lại có một phụ nữ, người tội lỗi (tức gái điếm trong châu thành) cũng xà tới mang theo bình bạch ngọc đựng dầu thơm. Chị có cử chỉ khiếm nhã, thực hiện những động tác như nghi thức lạ, là: sờ chạm chân Ngài là nam giới (một việc chỉ được phép làm với cha hoặc chồng mình thôi). Chị xả dầu vào chân Ngài, xoã tóc trên đầu lau khô dầu ấy, khiến mọi người kinh ngạc trước hành xử khiếm nhã….” Nhưng Đức Giêsu kể lại chuyện ấy và biến nó thành một dẫn chứng cổ điển về tính hiếu khách.
“Các thánh tổ phụ trong Giáo hội tìm hiểu nhiều về trình thuật này và khẳng định rằng Maria Magđalêna chính là người nữ lăng loàn đổ dầu thơm lên chân Chúa và cũng là nữ phụ bị bắt quả tang đã ngoại tình, là một. Nhưng vấn đề là: làm sao các tổ phụ lại có được nối kết ấy. Bởi, cho đến giờ này vẫn có điều gì đó rất mù mờ về những bối cảnh mà Tin Mừng thánh Luca kể.
“Thật ra, “Maria” là tên gọi của rất nhiều phụ nữ trong dân Do thái vào thế kỷ đầu (ta biết được chuyện này là nhờ các hình/chữ khắc trên vài hài cốt ở Giêrusalem). Ngay Tân Ước cũng nhắc đến nhiều vị tên Maria. Trong đó, có Maria Mẹ Đức Giêsu, Maria mẹ của thánh Giuđa, Maria chị Martha và Lazarô; lại cũng có Maria xức dầu lên chân Chúa trong Tin Mừng thánh Gioan và Maria Mađalêna. Thật khó mà giữ được sổ bộ các Maria khác nhau như thế. Ngay sau đoạn kể về chuyện đổ dầu vào chân do một người tội lỗi làm, thánh Luca lại cũng nói đến tên của Maria Mađalêna, nhưng thánh sử lại không nói rõ người nữ phụ trong truyện kể có là Maria Mađalêna không.
“Ở đoạn khác, thánh Luca cũng lại kể truyện Đức Giêsu tống khứ bẩy ác thần ra khỏi người của Maria Mađalên, nên các thánh tổ phụ Giáo hội bèn chú giải coi đó như “7 mối tội đầu” rất trọng. Thế nên, nối kết trên bị tắc nghẽn ở đó.
“Tin Mừng thánh Gioan, lại cũng kể về nữ phụ ngoại tình không ghi rõ tên tuổi được đem đến với Chúa. Cuối cùng, Chúa phán hỏi: ai trong số những người có mặt lúc đó không có tội hãy ném đá trước đi… Và thánh sử cũng không nói rõ nữ phụ ấy có là Maria Mađalêna hay không. Ở đoạn khác, thánh Gioan lại cũng kể về chuyện Đức Giêsu được một nữ phụ tên là Maria thuộc làng Bêtania xức dầu thơm lên chân Ngài. Nhưng chắc hẳn nữ phụ này không phải là Maria Mađalêna.
Sở dĩ có chuyện Hội thánh khi trước đặt tên cho nữ phụ tội lỗi đã hối cải là Maria Mađalêna là do từ bài giảng ở Rôma năm 591 trong đó Đức Giáo Hoàng Grêgôria Cả, giảng như thế. Ngài thẩm định rằng Maria Mađalêna chính là người nữ phụ ngoại tình đã cải hối. Truyền thống Giáo hội bèn tin vào đó rồi cứ thế cả ngàn năm sau vẫn cứ giảng rao như thế ở nhà thờ; kết quả là điều này lại đã đi vào với nghệ thuật cao cả và lịch sử tệ hại. Đây chính là sự hài hoà giữa các bản văn kết tội người nào đó hành nghề đĩ điếm.
Tiếng Anh có cụm từ “maudlin” được phiên âm và diễn nghĩa lấy từ tên “Magdalen”, để chỉ thái độ tình cảm sướt mướt. Thế nhưng, chuyện phỏng đoán này lại khác hẳn những gì mọi người thấy ghi rõ trong Tin Mừng.Ở Tin Mừng, các thánh sử nói rõ Maria Mađalêna cùng đi với Chúa trong mọi hành trình. Chị còn ở lại với Ngài cho đến phút cuối trên đồi Canvariô, và cũng Chị chính là nữ phụ đầu tiên đến mộ phần của Chúa vào sáng Chúa Nhật cốt để lau sạch thi hài  Ngài bèn chứng kiến sự lạ đến độ khi Chị quay liền thấy Đức Giêsu “đứng” ngay đó (mà theo tiếng HyLạp có nghĩa là “trỗi dậy”). Chị lại là người đầu tiên thông báo tin vui Phục sinh, thôi.
Còn nữa, lại cũng theo cung cách diễn giải khác biệt, trong tài liệu lần đầu phát hiện ở Cairô năm 1896 –một cổ bản bằng da có từ thế kỷ thứ 5, được gọi là “Tin Mừng theo Maria” Maria này đích thực là Maria Mađalên. Trong Tin Mừng này có 4 trang còn nguyên vẹn, trong đó nói Maria Madalêna là thủ lãnh của toàn nhóm tông đồ và các trang đó cho thấy một lối hiểu biết rất khác về lời dạy của Đức Giêsu.
Chuyện rõ ràng, là: Hội thánh thời tiên khởi vẫn muốn loại trừ vai trò rất thực của Maria Mađalêna và để làm chuyện này, dứt khoát phải bôi nhọ hoặc bêu xấu tên tuổi của Chị và coi chị như người gái điềm đã hoàn tục.
Còn câu hỏi: đâu là lý lịch thực thụ của nữ phụ người Do thái này?
Để trả lời, thì:” tên tuổi của Chị được qui chiếu ở cả 4 Tin Mừng dưới danh xưng ‘Maria Mađalêna’. Theo tiếng Do thái và Aram cùng nghĩa tương đương bên tiếng Hy Lạp, thì tên của Chị được tả như ‘người làm đẹp đầu tóc’ mà thời nay ta gọi là ‘thợ làm đầu’
Ngoài ra, thị trấn Magđala ở vùng phía Tân miền cận duyên vùng biển Galilê, cách xa thị trấn Caphanaum chừng hai tiếng đồng hồ. Đây là làng đánh cá nhỏ, chứ không phải là chốn thị thành lịch lãm hoặc sinh tươi, mà chỉ là nơi được dùng để phơi cá. Theo tiếng Aram, thì Magđala chỉ có nghĩa như ‘cái tháp’, mà thôi.
Thành ngữ “thuộc” Magđala ở đây cũng bất thường. Phụ nữ nào có chồng thưòng được gọi tên chồng như thể Maria “thuộc về”chồng chứ không phải xứ miền, thị trấn. Điều này cho thấy thì có thể là Chị chưa lập gia đình và cũng không có con.
Xã hội Do thái phân biệt rõ ràng chức năng và vai trò của nam nhân lẫn nữ phụ. Ở đền thờ, phụ nữ ngồi ở khu vực dành riêng cho các chị, không ai được bén mảng vào “khu vực của tư tế”, tức nơi tế lễ. Nói chung, thì phụ nữ chủ yếu ở nhà lo việc nội trợ còn nam nhân mới là người ra ngoài sinh hoạt công khai.
Đức Giêsu không mấy quan tâm về những chuyện ấy hoặc Ngài từng bẻ gẫy qui định này. Tin Mừng thánh Luca có nói đến các nữ phụ như “Maria Mađalêna, Gioanna, Susanna cùng nữ phụ khác đã dùng của cải mình mà trợ giúp Ngài.” (Lc 8: 3) Điều này có nghĩa: các Chị sống độc lập với gia đình mình và cũng khá giả, dù thánh sử không muốn nói là sung túc. Nói cho đúng, các Chị là những vị có thực chất; có thể, các Chị cũng đã thừa hưởng hồi môn của gia đình. Xem ra, các Chị là những người từng theo chân Chúa và gia nhập nhóm ‘thừa tác viên’ đắc lực. Tác giả Carolyn Osiek giả thiết, là: Chị Maria Mađalêna có thể đã goá chồng, nên thừa hưởng gia tài nào đó sau khi chồng mất.
Đức Giêsu là Đấng Chữa Lành/trừ quỷ trong vùng Biển Hồ. Thế nên, trường hợp Maria Mađalêna đã bị ‘7 quỷ dữ ám hại’, nên Ngài xin Chúa Cha và nhân danh Cha Ngài cho phép tống khứ đám quỷ ấy ra khỏi Chị. Chuyện này sẽ không thể xảy ra, nếu người được chữa lại không tin tưởng vào quyền năng dũng mãnh của Đấng Chữa lành hết mọi chuyện. Và có thể, đây cũng là bước đầu của niềm tin giữa Maria Mađalêna và Đức Giêsu. Kết quả là, Chị đã trở thành người theo chân Chúa rất đắc lực và sốt sắng, mà nay ta gọi là ‘thừa-tác-viên’ trong Hội thánh.
Có điều là, giới phụ nữ sinh hoạt trong nhóm nhỏ của Đức Giêsu chẳng khi nào được gọi là ‘đồ đệ’ bao giờ hết. Để hiểu rõ điều này, có giải thích là cụm từ ‘đồ đệ’ bên tiếng Do thái gọi là “talmid” còn tiếng Aram gọi là “talmida” là từ ngữ không có giống cái. Bên tiếng Aram, ‘đồ-đệ-nữ’ lại có nghĩa khác hẳn ‘nam-nhân môn-đồ’. Với cộng đoàn thánh Phaolô, nữ giới luôn bình đẳng với nam nhân. Các Chị vẫn nguyện cầu, san sẻ mọi công tác phụng vụ và công việc của ngôn sứ nữa.” (xem Kevin O’Shea CSsR, Critical Studies of Women Linked With Jesus, tài liệu giảng huấn tại          
Đại Học Công giáo Sydney tháng 5/2011, xem thêm James Martin, Who was Mary of Magdala? America Magazine July 22/2011 và các bài viết của Jane Schaberg, The Resurrection of Mary Magdalene, Elizabeth Schussler Fiorenza, In Memory of Her.)

            Nói gì thì nói, có nói theo hoặc đúng như truyền thống của Giáo hội hoặc theo các bậc thày giảng dạy về lịch sự Hội thánh, vẫn là tuỳ động thái của mỗi người. Chí ít, là những vị nay rất khá về sử học, ngữ học hoặc Thánh Kinh học thời bây giờ. Đọc gì thì đọc, cũng vẫn là đọc để tìm hiểu về tính rất thực theo nhận thức của người thời đại vẫn tin vào Chúa cách hăng say, nhưng vẫn theo khuôn thước khoa học và sử học và đồng đều về giới tính, mới có giá trị. 

Ngoài ra, tất cả còn có vấn đề của niềm tin. Nói và đọc, chỉ để tìm hiểu rõ hơn rồi còn tin. Tin, Chúa Thánh Thần vẫn soi sáng để người người hiểu Đức Giêsu Kitô luôn là Thần Tượng của niềm tin chính đáng. Ngài là Thần Thiêng rất Chúa mà ta không cần phải đúc tượng. Bởi, có là tượng hoặc ảnh hình về Ngài chắc hẳn có giới hạn trong khi Thiên Chúa là vô hạn, và đồng thời vẫn có các thánh đồng hành với Ngài vẫn rao truyền niềm tin Thiên Chúa là Cha, qua nhiều cách thức. Và Chúa vẫn dùng mọi người, mọi đấng thánh cũng như kẻ phàm đầy lỗi tội để Danh Ngài được rạng sáng. Chói ngời. Vấn đề là: ta làm được gì để Danh Ngài cứ thế mà rạng sáng. Có làm được như thừa-tác-viên nữ bị coi là người tội lỗi nay cải hối hay không, thế thôi.     
  
Để Danh Cha rạng sáng, cũng nên dùng lời ca của người ở ngoài vẫn hát lên lời chúc tụng:

“Tình yêu đến, đến, đến đến trong lònh đôi mình.
Người yêu hỡi, nhớ nhớ đến tình yêu chủ nhật.
Ôi! Ô Ồ, ta đến cùng
vui tình yêu trong nắng đẹp.”
(Daniel Boone – Beautiful Sunday)

            Đúng thế. Một khi tình yêu đã đến trong bạn và trong tôi, hoặc trong chúng ta rồi thì tất cả sẽ là thánh nhân tuyên dương Thiên-Chúa-Là-Tình-Yêu sẽ cứ rạng sáng khắp muôn nơi. Rạng vào ngày Đức Kitô trỗi dậy khỏi mộ phần. Rạng, cả vào ngày Ngài hiển hiện vào dịp Ngài về với Chúa Cha để rồi gửi Thần Khí Ngài đến với mọi người vào Lễ Ngũ Tuần, ở mọi nơi. Mọi thời.

            Để minh hoạ sự rạng sáng của Thiên_Chúa-Là-Tình-Yêu với mọi người, cả người trong Đạo/ngoài đời, tưởng cũng nên về với truyện kể để minh hoạ, ở bên dưới:

“Bố câm điếc ngay từ khi sinh ra và bố xin lỗi con vì điều đó. Bố không thể nói được như những ông bố khác. Nhưng bố muốn con biết rằng, bố yêu con bằng cả trái tim mình”, lời người cha muốn nhắn nhủ tới cô con gái nhưng đã quá muộn…Vì có người bố bị câm điếc bẩm sinh nên cô gái thường xuyên trở thành mục tiêu trêu chọc của bạn bè ở trường.
Từ việc phản kháng đến gây lộn với các bạn, cô gái dần trở nên ác cảm với chính người bố của mình.
Trong khi đó, dù không thể nghe, nói như một người bình thường được, ông cũng phần nào hiểu được nỗi buồn của cô con gái mình cho dù ông luôn quan tâm, động viên, cố gắng làm con vui hơn trong mỗi bữa ăn của hai người.
Với tất cả tình yêu thương của một người cha, ông đã âm thầm chuẩn bị chiếc bánh mừng sinh nhật con gái và cùng với đó là những tâm sự ông muốn nhắn nhủ.
“Bố câm điếc ngay từ khi sinh ra và bố xin lỗi con vì điều đó.
Bố không thể nói được như những ông bố khác.
Nhưng bố muốn con biết rằng, bố yêu con bằng cả trái tim mình”.
Đáng tiếc, lời nhắn nhủ đó của ông mãi mãi không được cô con gái biết đến vì sự muộn phiền và áp lực không thể vượt qua, cô đã tự tử đúng ngày sinh nhật của mình.
Trong cơn tuyệt vọng, người bố bế thốc con tới bệnh viện, cầu xin các bác sỹ cứu sống cô con gái bé bỏng của mình dù có hết sạch tiền hay phải bán nhà với một hy vọng: “Con gái tôi, nó không thể chết”. Và cô con gái đã được cứu sống bằng những giọt máu và chính tính mạng của chính ông. Đến lúc này, cô con gái chỉ còn biết nắm tay cha và khóc…”

            Truyện kể ở trên nay đã rõ: Tình Yêu đôi lúc không được diễn tả đúng mức, nên dễ lầm. Dễ hiểu lầm, có khi chỉ một thoáng chốc. Cũng có khi, kéo dài cả ngàn năm. Tuy nhiên, có lầm lạc trong hiểu biết hoặc nhận định thế nào đi nữa, cũng chẳng nên quên lời dặn dò của chính Chúa, trước ngày Ngài ra đi tìm về với Cha, trong yêu thương. Đó chính là lệnh truyền của Chúa, như thánh Gioan từng ghi lại:

                        “Thầy ban cho anh em một điều răn mới
là anh em hãy yêu thương nhau;
anh em hãy yêu thương nhau
như Thầy đã yêu thương anh em.
Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này:
là anh em có lòng yêu thương nhau."
(Ga 13: 34-35)

            Lời cuối hôm nay, chỉ thế này: có là thừa tác viên tông đồ nam/nữ hay chỉ là người phàm đầy tội lỗi, một khi người người vẫn quyết tâm làm rạng Danh Cha, Danh Chúa, hẳn cũng là đã thực thi lệnh truyền của Ngài, trong yêu đương. Đúng lẽ thường, của trời đất.

            Trần Ngọc Mười Hai
được chỉ bảo rất nhiều điều,                 
            nhưng điều quan trọng hơn cả
lại cứ quên như nhiều người ở cõi thế.

No comments: