Chuyện phiếm đọc trong tuần thứ Sáu Mùa Phục Sinh năm B 13.5.2012
“Ai lên xứ hoa đào,
đừng quên mang về một cành hoa,
“Cho tôi bớt mơ màng,
chiều chiều nhìn mây trôi xa xôi.”
(Hoàng Nguyên – Ai Lên Xứ Hoa Đào)
(Mt 1: 18-19, 20; Mt 11)
“Bớt mơ màng”, để người nghệ sĩ nhìn mây trôi xa xôi, mỗi chiều về. “Bớt mơ màng”, bầy tôi lôi thôi là bần đạo, thấy cũng rất khó. Khó, là bởi bần đạo những muốn bớt mơ và ít màng nhưng vẫn chẳng làm sao được. Lúc nào cũng như người mơ màng, vẫn quanh quẩn đôi ba suy nghĩ rắp ranh đời viết lách. Và, cũng bởi cứ ham viết và lách từ hồi nhỏ, nên mới nghèo.
Về kiếp đời nghèo nhưng không của riêng mình, bần đạo chợt bắt chộp một ý kiến phản hồi rất nóng hổi của bạn bè từ một nơi xa xôi gửi đến những tình tự thương mến rất như sau:
“Thân ái chào anh Mai Tá.
Cảm ơn anh đã gửi bài viết tuần này rất hay và rất phiếm. Em đâu ngờ anh mồ côi cha từ thuở lên 9. Nhưng nay thì, Chúa gửi đến cho anh Người Cha khác để giúp anh viết lên những bài phiếm hữu ích cho mọi người. Tạ ơn Chúa về những gì Ngài ban cho anh trong những ngày này để anh còn tiếp tục kiếp tằm nhả tơ cho bà con thưởng lãm thứ tình của người nghèo.
Thân kính,
TB”
Được lời như cởi tấm lòng, bần đạo lại sẽ tiếp tục suy tư về lòng hiền lành quảng đại của Đức Chúa đã ban cho bần đạo không chỉ một người Cha cao cả trên trời, thôi; mà còn để bần đạo sinh trưởng từ một gia đình nghèo túng, nên mới có cơ hội tưởng nhớ -tức vẫn tơ tưởng và thầm nhớ- đến người đồng cảnh ngộ nay thấy rất nhiều, ở mọi nơi.
Tưởng và nhớ, đã thấy mình vì nghèo túng vẫn bần thần, nên nhiều lần đã có thói tật rất khác, tuy không phải của người nghèo, là: cứ học đòi bắt chước rồi lại nhái ý/lời hay/đẹp của ai đó, rất thánh nhân ở Kinh Sách rất đạo:
“Nếu có gì để khoe, thì bày tôi là bần đạo đây chỉ dám khoe rằng mình từng sinh trưởng từ một gia đình đông con đến 15 mạng, chỉ một mẹ. Sự nghiệp của người cha, chỉ là vị công chức thường thường bậc trung lao động cật lực tại Bưu Điện Sàigòn suốt 3 niên từ 1949 đến 1952. Bố chết sớm, nên bày tôi bần đạo phải nương nhờ vào mẹ già một nách đến 7 người con còn ở tuổi “tin”, nên mẹ phải dời cư ra Bắc trông nhờ người con khác nay trưởng thành, giúp một tay….”
May là, bần đạo được nương nhờ nhà Chúa với trường Dòng đệ-tử, rồi tu-tập-viện và học viện ở miền cao “xứ hoa đào” êm ả, nên đã khá. Nói khá, là nói theo kiểu văn hoa chữ nghĩa, chứ Dòng thánh bần đạo cùng dự tu cũng chân chất rất thanh bạch. Nhìn lại, tổng cộng đời hàn vi thuở nhỏ cũng kéo dài đến 13 niên; hưởng lộc nhà Chúa rất “bình yên”, vô số sự.
Thời kỳ “bình yên” được ở xứ có hoa anh đào, bần đạo lại ngâm nga lời ca, như ở dưới:
“Người về từ hôm nao, mà lòng còn thương vẫn thương.
Bao nhiêu năm tháng cũ, mà hồn nào thôi vấn vương.
Giờ này nhìn sương khói ,
Mà thầm mơ mầu hoa trên má ai.”
(Hoàng Nguyên – bđd)
Thì ra, bởi mình “về từ hôm nao mà lòng thương vẫn thương”, nên thấy đó là chuyện của chính mình và người xưa. Của, những người và những vị vẫn thương rất nhiều mà cũng không biết rằng thương như thế có là thương hại hay thương xót, chăng? Hoặc, cứ “lòng còn thương vẫn thương” kiểu các cụ nhà Đạo tuy vẫn cứ nói rất nhiều đến tình thương của Đức Chúa, nhưng lại nhà Đạo mình lại vẫn thiếu tình thương đổ xuống với người nghèo, vẫn thường thấy.
Kịp đến khi có người nghèo nào đó cắc cớ chẳng còn lui tới nhà thờ để nghe mình giảng giải nữa, mới kêu than rồi hỏi han: “Chúa đâu rồi?”, “sao Ngài cứ bỏ con một mình?” như lời kêu gào của nhiều người vẫn còn nghèo về tinh thần.
Hỏi và han câu như thế, cũng từ tựa câu han hỏi của một số bạn đạo gặp đâu đó, trên truyền thông/báo chí, rất chí lý như sau:
“Mới đây không lâu, vị lãnh đạo Dòng Tên là Lm Adolfo Nicolas được một người trẻ ở Úc đưa ra câu hỏi nghe cũng lạ, để bảo:
-Dạ thưa, nếu cha là người có trọng trách đem đến cho giới trẻ ý kiến tư vấn giúp họ kiến tạo nghề nghiệp hoặc tương lai quyết phục vụ người nghèo cho đúng cách, nhưng người ấy lại không muốn để hết đời họ ra mà lo việc đó, thì ý của cha ra sao?
-Để trả lời, cho tôi hỏi bạn câu này: trong đời bạn, có chuyện gì khả dĩ đánh động tâm can của bạn không? Giả như, tâm can bạn bị đánh động bởi việc gì đó thì khi ấy, bạn sẽ thấy lời mời gọi từ Bên trên khiến mình cương quyết thực hiện cho bằng được cho tốt lành. Và, giả như bạn có thể đến được với người nghèo là do động cơ hay thứ gì đó đánh động tâm can khiến bạn hăng say làm việc hơn, thì việc làm ấy chắc chắn sẽ là công việc rất tốt đẹp. Bạn có hăng say làm việc vì chính tâm can bạn bị đánh động bởi động lực nào đó, thì khi đó bạn mới có được niềm an vui, nghị lực và tinh thần để có thể liên kết hài hoà với mọi người, chí ít là người nghèo.
Theo tôi thì, sống ở đời dù làm gì đi nữa, cũng vẫn là nghe theo tiếng gọi của Đấng ở Trên khuyên nhủ mình làm thôi. Đôi lúc ta lại cứ tưởng ơn gọi làm ngôn sứ do Chúa mời sẽ là “tất cả hoặc không là gì cả” để rồi ta lại nghĩ nếu mình không sống đời lành thánh như các bậc hiển tu như thánh nữ Mary MacKillop của Úc hoặc như Mẹ Têrêxa thánh Calcutta hoặc thánh nào khác, thì khi đó ta sẽ bị rơi vào cảnh thiếu mất ơn lành Chúa ban. Từ đó trở đi, ta sẽ làm cho đời mình nên khốn khổ, rồi nghĩ rằng mình chẳng xứng với ơn gọi Chúa ban cho. Nhưng tôi nghĩ, đó không là cung cách mà ơn gọi từ Chúa gửi đến, sẽ diễn tiến.”
Lm Adolfo Nicholas dùng cụm từ niềm “an vui” và “nghị lực” là có ý nói đến những gì rất gần với ý nghĩa của việc đeo đuổi ơn gọi. Khi ta có được ơn gọi đích thật, hẳn là khi đó ta sẽ có cảm giác rất phúc hạnh và đủ nghị lực để đeo đuổi ơn gọi ấy cho đến cùng. Như thể, ta có Thần khí Chúa sống trong người vậy.
Dĩ nhiên, ơn gọi đích thật vẫn là biết san sẻ quà tặng ta nhận được với người khác và làm cách nào đó để nhận ra được sứ vụ cao cả hơn nữa. Sứ vụ ấy mang dáng dấp của kinh nghiệm sống của chính ta, và loại hình tài năng ta khám phá là đang có trong ta. Sứ vụ ta có, là việc sống và phục vụ người nghèo và những người dễ bị tổn thương cũng như người sống bên rià xã hội phải là trọng tâm ưu tư của ta.
Đề nghị mà Lm Adolfo Nicholas đưa ra cho người trẻ vào hôm đó, là việc hối thúc anh ta làm sao phối hợp được niềm an vui phục vụ người nghèo bằng bất cứ nghề nào mà anh chọn lựa và đeo đuổi sau này.
“Người nghèo đâu có là người sống ở góc xó nào đó bên bờ rià xã hội để ta nhìn vào rồi dửng dưng hoặc ngoảnh mặt không thèm nhìn. Họ chính là thành phần xã hội mà ta đang cùng sống. Muốn phục vụ xã hội hôm nay cho đúng cách, có lẽ cũng nên bao gồm cả những người như thế; bằng không, xã hội của ta sẽ chẳng là xã hội lành mạnh.” (x. Michael McVeigh, Australian Catholics, Summer edition, tr. 5)
Nói như giáo dân trẻ người Úc trích dẫn ở trên, là nói thế. Nói và hát như nghệ sĩ viết về xứ hoa đào, sẽ như sau:
“Ôi! màu hoa đào, màu hoa đào chiều xuân nào.
Ôi! màu hoa đào như môi hồng người mình yêu,
Ôi! màu hoa đào đã bao lần vì màu hoa.”
(Hoàng Nguyên – bđd)
Quả có thế. Lên xứ hoa đào mà còn “mơ màng” liên tưởng đến những là: “môi hồng người mình yêu”, hoặc: “màu hoa chiều xuân nào”, vv.. thì chưa phải. Bởi, ngay ở xứ miền đầy mộng mơ, rất lờ mờ nhờ tính đào hoa/hoa đào, có nhiều người cần đến để tưởng nhớ. Tơ tưởng và nhớ đến, như ý/lời của bức tâm thư mà người cha là văn hào Charles Dickens viết cho con là Plorn với lời lẽ như sau:
“Con thân yêu,
Hôm nay cha muốn có đôi lời thân thương gửi đến con, để con nhớ đến vào lúc con có thời khắc bình yên tưởng nhớ đến ai đó. Cha thấy chẳng cần nói con cũng hiểu là cha thương con biết chừng nào và cha cảm thấy áy náy không đến với đứa con thân yêu nay xa cách. Nhưng đời người vẫn gồm những cách xa, khốn khổ như thế.
Cha muốn khuyên con đừng bao giờ kiếm tìm lợi lộc từ bất cứ người nào mà con có dịp giao dịch ở đời và đừng tỏ ra khó dễ với họ cả khi mình có quyền để làm thế. Nhưng hãy cố đem đến với mọi người những gì mình muốn họ đem đến cho mình. Và, cũng đừng nản lòng nản chí khi chính họ, đôi lúc, cũng không thể làm được những việc mà họ muốn. Khi ấy, tốt hơn cho con hãy nghĩ rằng: khi người khác cũng từng thất bại khi không biết tuân theo qui định lành thánh mà Đấng Tối Cao đặt ra, thì họ cũng hệt như con đã từng thất bại giống như thế. Đó là lý do khiến cha phải cài đặt cuốn Tân Ước vào chồng sách con mang qua xứ miền đầy mộng mơ ấy. Hy vọng, đó là lý do khiến cha viết những truyện cho tuổi trẻ để con hiểu khi con còn ấu thơ. Bởi, điều đó sẽ dạy cho con bài học cao đẹp về con người vốn là tạo vật luôn tìm cách sống thành thực và thuỷ chung với bổn phận và luôn cần được hướng dẫn.
Như các anh con, nay từng người một, đã đi làm ở nơi xa, nên cha cũng đã viết cho mỗi người anh của con những lời lẽ tương tự như điều cha viết cho con. Và, cha cũng gửi đến các anh con lời dặn dò hãy để sách Tân Ước dẫn dắt đời mình trong mọi hoàn cảnh.
Nay, cha long trọng đặt lên con sự thật và nét đẹp cao cả của Đạo Chúa, vì Đạo đến từ Đức Kitô. Cha cũng muốn nói thêm là: nếu con chịu khó để tâm tôn kính những gì được ghi trong Sách đó thì con sẽ không thể có sai lầm nhiều hơn. Còn một điều đang nảy ra trong đầu khiến cha phải nói ra, là: khi ta cảm nghiệm được điều ấy, ta sẵn sàng gìn giữ nó. Thế nên, đừng bao giờ lơ là mà bỏ mất thói quen nguyện cầu ở chốn riêng tư. Xưa nay, chẳng bao giờ cha sao lãng việc ấy và cha cũng đã cảm nghiệm được niềm ủi an có được từ việc nguyện cầu trong thinh lặng.
Cha hy vọng là con sẽ luôn có khả năng cả vào đời sau, để nói được rằng con cũng đã có được người cha hiền lành tử tế, là như thế.” (x. Michael McGirr Australian Catholics Summer edition tr. 8)
Trích dẫn thư độc thoại giữa cha-con, tác giả chỉ muốn nhắn nhủ một điều, là: hãy đọc và để cho sách Tân Ước dẫn dắt. Thêm nữa, sống trong đời, dù ta có nhiều thời khắc mộng mơ đẹp như “hoa đào” ở xứ miền cũng rất cao như thế, vẫn là những tháng ngày cần tưởng và nhớ đến những người không được như thế. Những người, có thân phận giống như mình, nhưng chưa một lần được hưởng những “màu hoa chiều xuân nào”, như thế.
Trích thư của Charles Dickens viết cách nay gần 200 năm, là để nhắc mình về ca từ của người nghệ sĩ cũng từng có lời ca thân thương như thế và như thể:
“Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi,
Nghe hơi giá len vào hồn người chiều xuân mây êm trôi.
Thông reo bên suối vắng, lời dìu dặt như tiếng tơ,
Xuân đi trong mắt biếc lòng dạt dào nên ý thơ.
Nghe tâm tư mơ ước mộng đào nguyên đẹp như chuyện ngày xưa.”
(Hoàng Nguyên – bđd)
“Nghe tâm tư mơ ước … đẹp như chuyện ngày xưa”, còn là nghe và nhớ những lời vàng ngọc mà thánh nhân hiền lành vẫn từng khuyên đệ tử của mình:
“Nguyện chính Thiên Chúa là nguồn mạch bình an,
thánh hoá toàn diện con người anh em,
để thần trí, tâm hồn và thân xác anh em,
được gìn giữ vẹn toàn, không gì đáng trách,
trong ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, quang lâm.
Đấng kêu gọi anh em là Đấng trung thành: Người sẽ thực hiện điều đó.”
(1 Th 5: 23-24)
“Đấng kêu gọi anh em”, Ngài vẫn kêu và vẫn gọi mọi người hãy sống lành thánh, có thần trí và thân xác vẹn toàn. Kêu và gọi, là Lời Ngài gửi đến hết mọi người chứ không riêng ai, dù đấng bậc hoặc các vị đạo mạo chốn đời tu, thôi. Quả thật Đức Giêsu từng kêu gọi mọi người hãy dấn bước theo Ngài. Theo như thế, sẽ bỏ mọi chuyện mang tính thế trần mình trân quý để cho đi toàn bộ con người mình, vì mục đích lý tưởng.
Trên thực tế là, những người ở mọi nơi từng dấn thân đời mình để sống thành cộng đoàn đạo hạnh nhỏ. Có những người hiến toàn thân cho việc giảng dạy, mục vụ hoặc trợ giúp y tế. Đời họ chỉ thành đặc trưng khi chính họ nhận lời mời theo chân Chúa vào mọi lúc. Cả lúc lặng thinh, trầm mình hoặc năng nổ.
Quyết tâm dấn bước theo chân Chúa, làm đổi thay cuộc đời mỗi người. Đổi và thay, để quyết định xem việc nào cần thiết cho chính mình, việc nào không. Quyết, là định cách nào để có được tương quan với Chúa vẫn quan trọng hơn tiền bạc, công việc hoặc tăm tiếng để đời. Để rồi cuối cùng, quyết tâm ấy sẽ làm đời mình nhất định có ý nghĩa.
Theo chân Chúa, rõ ràng có nghĩa nối kết với hết mọi người. Bởi theo Chúa như thế, là mình đã kết hợp thành đội đồng hành quyết san sẻ cả cuộc sống. Theo chân Chúa, không có nghĩa chỉ rút lui ẩn mình hầu tránh né mọi đụng chạm/gặp gỡ người đời. Nhưng, là: ra ngoài để gặp mọi người.
Theo chân Chúa còn có nghĩa: trường mặt ra ngay tiền tuyến cùng với niềm tin. Tin rằng mình chỉ hiểu và yêu Chúa bằng vào và qua việc giáp mặt nhìn thẳng vào đường lối mình đang sống, mỗi thế thôi.
Theo chân Chúa, trong cuộc sống ở đời rất hôm nay, là có được thị kiến rất chính đáng những gì quan trọng trong cuộc sống xã hội. Rồi từ đó, quyết định thiết lập cộng đoàn san sẻ niềm tin-yêu trong chung sống. Sống tập thể, ngay giữa giòng đời có những sự thể rất “đời thường” thực tế, không thể quên.
Theo chân Chúa, còn là nghe theo lời nhắn gọi mang tính “đời thường” có âm vang giòng nhạc đầy những hỏi han, dặn dò rằng:
“Ai lên xứ hoa đào, đừng quên bước lần theo đường hoa
Hoa bay đến bên người, ngại ngần rồi hoa theo chân ai.
Đường trần nhìn hoa bướm, rồi lòng trần mơ bướm hoa,
Lâng lâng trong sương khói, rồi bàng hoàng theo khói sương,
Lạc dần vào quên lãng, rồi đường hoa lặng bước trong lãng quên.”
(Hoàng Nguyên – bđd)
Nói cách khác, theo thì vẫn theo, nhưng đừng quên rằng cuộc đời con người không chỉ mỗi thế, nhưng còn nhiều hơn thế. Còn có lý tưởng đẹp hơn thế, rất dễ nể, đáng yêu. Theo, là nhớ rằng: ngày nay có rất nhiều người vẫn dấn bước đến với Chúa trong mọi người. Tức, đến với người anh em còn bần hàn, ai oán suốt đời.
Bước theo chân, còn là biết rằng: có những người nay vẫn cứ bước dù không muốn sống thành đội ngũ nhiều bức bách, khó khăn mà họ cho là rào cản để họ không thực hiện được điều mà thánh nhân hiền lành từng căn dặn. Bước theo chân, để rồi vẫn nhớ rằng thời buổi hôm nay vẫn có nhóm hội không khấn nguyện theo kiểu xưa cũ nhưng vẫn có thể ở bên nhau để thực hiện lý tưởng của Nước Trời đang diễn tiến với con người.
Theo chân Chúa, còn có nghĩa hiểu biết chuyện tương lai mai ngày xảy đến với thế giới. Một thế giới đang đổi thay, không phải luôn đi vào ngõ cụt, nhưng còn có những nơi đang tiến dần vào một đáp trả lời mời gọi của Đức Chúa. Đáp trả, tuỳ cung cách và hoàn cảnh của mỗi người, không nhất thiết phải giống nhau. Như nhau.
Theo chân Chúa, là: vẫn cứ theo nhưng thỉnh thoảng cũng nên tự hỏi và “mơ màng” về một “xứ hoa đào” trong đó có vị từng bộc bạch:
“Lâu nay ta vẫn muốn theo Chúa, cho đúng cách. Như thế tức có nghĩa: vốn là người công chính, các vấn nạn luôn tìm đến với ta, qua câu hỏi tựa hồ như: ngay từ ban đầu Thiên Chúa đã chúc lành cho mọi người để họ sống chứ không phải là từ ban đầu, mọi người đều đã mắc tội tổ tông truyền lại và từ đó đã phải khựng lại để không còn chứng tỏ là mình đáng được Chúa chúc lành, như nhiều người vẫn quan niệm?
Hoặc cứ hỏi: nếu ta có thể cất bỏ đi ý tưởng về sự cứu độ khỏi sự sống mang tính cá thể để đến được với sự tự do căn bản ư? Tự do này, không là thứ tự do không bị mọi ràng buộc, trói cột vào lời hứa, sự trung thành, những quyết tâm và hy sinh bản than. Nhưng, tự do ấy là thoải mái đến với cuộc sống thoát khỏi mọi giận dữ, hoặc ra khỏi sự thương hại cho chính mình, thoát khỏi nhà tù bản ngã, để có thể lớn lên trong ân huệ, và khống chế tính vị kỷ. Tự do, là để con người có thể sống hài hoà với thiên nhiên, phá bỏ xiềng xích của hãi sợ, chí ít là sự chết. Tức, hân hoa dấn bước theo chân Chúa để nghe theo lời Ngài dạy thay vì chỉ biết thờ kính Ngài mà không sống như Ngài dạy ta phải sống.
Chính vì thế, nhiều lần ta ra như thất bại, vẫn cứ coi mọi sự như thói quen sưu tập sử hạnh của các thánh mà thôi. Cũng may là, sức mạnh của cộng đoàn được Chúa yêu thương đã thắng lướt mọi sự. Và đây chính là phép lạ xảy đến cho công cuộc mục vụ ở giáo xứ.” (x. Robin R Meyers, A Precher’s Dream: Faith As Following Jesus, Saving Jesus from The Church, HarperOne 2009, tr. 227)
Bằng vào kinh nghiệm dấn thân theo chân gặp gỡ Chúa, mỗi người một hoàn cảnh có kinh nghiệm ân sủng mình nhận được. Không thể nói cái nào hay cái nào dở. Cũng tựa như lời Chúa nói: “Nhà Cha ta có nhiều chỗ ở”. Vậy nên, khi đã nhận được ân sủng Chúa ban phát, điều hay nhất vẫn là cất tiếng tung hô ngợi khen để Danh Cha được cả sáng.
Trước khi đi vào phần kết câu chuyện mạn phiếm hôm nay, tưởng cũng nên về với truyện kể để dễ nhớ. Truyện rằng:
“Các hành khách trên xe buýt đều quay về phía cố gái xinh đẹp vừa bước lên xe với vẻ ái ngại. Cô đến trả tiền bác tài rồi lần dò vào ghế ngồi bằng chiếc gậy mầu trắng, rồi từ từ ngồi vào chỗ, đặt chiếc cặp lên lòng và chiếc gậy dựa vào chân.
Đã một năm rồi, từ ngày Susan, tên của cô gái, khi ấy mới đôi mươi đã bị mù. Do bác sĩ chẩn đoán sai, nên cô thành người khiếm thị. Đột nhiên rơi vào thế giới tối đen, đầy những phẫn nộ và tuyệt vọng, suốt ngày chỉ biết thương thân trách phận. Và rồi cũng phải bám chặt vào người bạn trai tên là Mark, một sĩ quan không lực Hoàng gia và anh yêu cô với cả rái tim với lòng thuỷ chung hiếm thấy. Tình yêu rất mãnh liệt như 5 năm trước hồi mới quen. Khi cô gái mất thị lực, thấy cô càng ngày càng chìm sâu trong tuyệt vọng, nên anh đem lòng xót thương và quyết định giúp cô lấy lại sức mạnh cũng như niềm tin, ngõ hầu tạo lại tính độc lập bản thân.
Cuối cùng thì, Susan cảm thấy cô đã sẵn sàng trở lại làm việc, nhưng cô đi tới đó bằng cách nào? Trước kia, cô vẫn thường đi xe buýt đến mọi nơi, nhưng nay vì qúa sợ hãi nên không thể đi lại trong thành phố chỉ một mình. Mark bèn tự nguyện lái xe đưa cô đi làm hàng ngày mặc dù nơi cô và anh làm việc lại ở hai đầu thành phố. Thoạt đầu, điều này cũng an ủi Susan phần nào và khiến Mark thấy dễ chịu vì đã làm được việc là bảo vệ người vợ khiếm thị của anh hiện thấy bất an trong mọi sự.
Chẳng bao lâu, Mark nhận thấy cách sắp xếp như thế vẫn không ổn thỏa, vì chẳng giúp cho Susan tự hoà nhập với hoàn cảnh mới. Anh tự nhủ thầm trong bụng: Susan cần tự tin để đi xe buýt trở lại. Nhưng ngặt một nỗi là cô vừa quá yếu lại bi quan, cô sẽ xử sự ra sao khi gặp tình huống không êm trên xe buýt? Đúng như anh dự đoán, Susan rỏ ra hoảng sợ khi biết là Mark muốn cô trở lại đi xe buýt như hồi trước. Cô nói với anh:
-Em mù loà thế này, làm sao biết mình đi đâu, tới chỗ nào mà đi làm? Em có cảm giác như anh đang muốn bỏ mặc em thì phải?
Trái tim của Mark tựa hồ như vỡ toang khi nghe những lời Susan nói, nhưng anh biết mình sẽ phải làm gì. Anh bèn hứa: sẽ cùng đi xe buýt với cô cả buổi sáng lẫn ban chiều bao lâu cũng được cho đến khi cô thấy quen dần và tự lo liệu lấy cho mình. Sự việc diễn tiến y như Mark dự kiến.
Suốt hai tuần lễ, Mark mặc quân phục cùng vợ lên xe buýt đi về hằng ngày. Anh dạy cô biết cách đựa vào các giác quan của mình, nhất là thính giác để xác định xem mình đang ở đâu và làm thế nào để thích nghi với hoàn cảnh mới. Anh còn giúp cô làm thân kết bạn với mọi người, từ bác tài đến mọi người cùng đi. Cuối cùng mọi người đều trông chừng cho cô không những dành cho cô một chỗ xứng đáng lại còn giúp cô đi đứng giống như người mắt sáng. Kể từ đó, tất cả mọi người trở thành thân quen, giúp đỡ lẫn nhau và rất trân quý những người tàn tật giống như cô.”
Truyện kể ở thời buổi cách mạng vi tính mà sao nghe như truyện cổ tích thời Nghiêu Thuấn. Và người kể đã đưa ra một lời bàn rất đáng nể, là: trong mọi hoàn cảnh, mọi thứ trên đời chưa đến thời thế tận của mọi người. Bởi thế nên, hãy sống sao để mọi người trong cộng đồng mình chung sống, trở thành thân quen như người một nhà, thế mới phải.
Đề nghị của người kể hôm nay đưa bạn và tôi vào tình huống của Nước Trời có những người không nói nhiều, nhưng vẫn sống. Sống không nghèo nhưng có tinh thần của người nghèo tức không cần dựa dẫm vào tiền bạc hoặc của cải của riêng ai, mà chỉ trông chờ vào tình thương yêu đùm bọc của người cận thân và cận lân. Ngẫm như thế rồi, nay đề nghị bạn và tôi ta hát tiếp câu thơ ở dưới
“Người về từ hôm nao mà lòng còn thương vẫn thương
Bao nhiêu năm tháng cũ mà hồn nào tôi vấn vương.
Giờ này nhìn sương khói mà thầm mơ màu hoa trên má ai.”
Về hôm nao hay hôm nay, “mà lòng còn thương vẫn thương”, để rồi giờ này “có nhìn sương khói mà thầm mơ mầu hoa trên má ai”thì bạn và tôi cũng sẽ thấy đời mình còn đẹp hơn “hoa đào”, ở xứ nào cũng thế.
Trần Ngọc Mười Hai
luôn thấy đời mình tuy nghèo
nhưng vẫn đẹp như bài thơ xứ hoa đào
của ai đó, vẫn rất thân.
No comments:
Post a Comment