Saturday, 28 April 2012

“ Thương nhớ ..ơ hờ thương nhớ ai,”


Chuyện phiếm đọc trong tuần thứ Năm Mùa Phục Sinh năm B 06.5.2012

Thương nhớ ..ơ hờ thương nhớ ai,”
“Sông xa từng lớp lớp mưa dài
“Mắt em ơi mắt em xưa có sầu cô quạnh
“Khi chớm thu về, khi chớm thu về một sớm mai
(Phạm Đình Chương/Quang Dũng  Đôi Mắt Người Sơn Tây)
(Mt 1: 18-19, 20; Mt 11)
Lại thú thật rằng: bần đạo đây, xưa rày vẫn biết và nhận mình chẳng là gì cả, mà chỉ là giáo dân hạng thứ cùng phó thường dân rất Nam Bộ, thôi. Nhưng –vâng, chữ “nhưng” này quả đáng giá ngàn vàng-  bởi bần đạo thường được đấng bậc thuộc tầm cao cỡ cả vẫn cho bần đạo được tháp tùng dự các buổi hội luận dành cho linh mục, tu sĩ và nữ tu Úc, do cựu giáo sư thần học Kevin O’Shea CSsR tổ chức tại Đại học Công giáo Sydney vào độ tháng 5/2011.
            Hội luận hôm ấy, diễn giả bàn về “Sự khác biệt trong nghiên cứu tính Sử học của Đức Giêsu”. Đây là một hội luận khá giá trị và hiếm thấy ở “miệt dưới” xứ Úc này. Và, diễn giả cao tuổi là thế nhưng lại thao thao bất tuyệt về nhân vật Giêsu Kitô rất lịch sử kể ở Tân Ước.
Điểm dễ thương của diễn giả là: dù có cao hứng và hùng hồn cách mấy đi nữa, đức thày  vẫn thấy vui để thính giả cắt ngang nguồn hứng mà hỏi han. Và, câu han hỏi hôm ấy do một nữ tu trọng tuổi đặt ra như sau: “Đọc sách thánh, tôi thấy rất ít chỗ đề cập đến thánh cả Giuse, tại sao thế? xin cho biết…”
Trả lời, diễn giả đã đi ngay vào chi tiết:

Theo sử liệu gần đây cho biết, thì: tuổi thọ người Do thái sống thời của Chúa, chỉ từ 35 đến 40 tuổi là cao nhất. Tính cho đúng, thì: Đức Giêsu khởi công rao giảng vào độ tuổi 30. Lúc ấy, thánh Giuse là cha Ngài ở dưới đất xấp xỉ cũng gấp đôi tuổi của Ngài. Và, từ đó trở đi: ta có thể nói chắc chắn rằng: thánh Giuse khi ấy không còn sống, đúng vào thời Chúa giảng rao công khai, nữa…”

Bần đạo nghĩ, tính cách sử học là thế. Thế còn tác giả Tin Mừng viết hồi thập niên 50, 60 hoặc 70 ở thế kỷ đầu đời, làm sao nhớ được chuyện của thánh cả, mà ghi chép! Thế nên, dân gian nói nhiều về đấng thánh rất hiền lành, quả không thiếu. Không thiếu lời và lẽ như ca từ người nghệ sĩ, nay vẫn hát:

“Buồn viễn xứ khôn khuây,
Buồn viễn xứ khôn khuây.
Em hãy cùng ta mơ!
Mơ một ngày đất mẹ.
Ngày bóng dáng quê hương
Đường hoa, khô ráo lệ.”
(Phạm Đình Chương/Quang Dũng – bđd)

“Buồn viễn xứ”, chắc đây không là nỗi buồn của Giuse thánh cả hiền từ, cao thượng. Cao và hiền, một cuộc đời chẳng bon chen, hơn thiệt. Chẳng đòi hỏi mọi người đánh bóng tên tuổi cùng thân phận mọn hèn của mình làm chi cho nên tội. Thân phận của thánh nhân, tưởng chừng như bọt bèo, nước chảy mây trôi hay sao đó, nhưng đâu phải thế. Bằng chứng là, nhiều người vẫn đề cao, ủng hộ, rồi còn tung hô tinh thần khiêm hạ của thánh cả, đến độ dám tuyên dương nhè nhẹ, như bạn đạo ở đâu đó, từng hỏi và nói như sau:

“Không hiểu sao, chứ con có cảm giác rằng: thánh cả Giuse khi phát giác bạn đời mình có thai, lại biết rất chắc rằng mình không là tác giả, vì xưa nay không hề “biết” đến ái ân xác thịt…hẳn lòng ngài cũng rối trăm bề, đến hết biết. Mới đây, con nghe có người nói: thánh cả đã cảm nghiệm những 7 nỗi “buồn viễn xứ” khi ngài buộc lòng phải yêu cầu Đức Maria, Bạn Đời mình hãy đi mà về nhà mẹ. Ngược lại, có người còn bảo: cũng nên nói thêm về 7 điều mừng vui thánh nhân hưởng. Vậy, xin cho biết 7 điều buồn/vui của thánh cả là những gì? Sao Kinh thánh nói quá ít về thánh Giuse thế? Có chăng những điều buồn/vui như mọi người bảo? (Vấn nạn của một độc giả ở Sydney)    

            Con dân nhà Đạo khi đã hỏi những điều về thánh “cả” ở trên cao, thì chỉ như thế cũng đã đủ. Nhưng, so với thi văn ngoài đời khi nói về “người” có cặp mắt rất “u uẩn chiều lưu lạc” đời thường, như sau:

            “Em hãy cùng ta mơ
Mơ một ngày đất mẹ
Ngày bóng dáng quê hương
Đường hoa khô ráo lệ…”
(Phạm Đình Chương/Quang Dũng – bđd)

            Nghệ sĩ ngoài đời tả về người có gốc nguồn từ Sơn Tây, đất Hà thành cặp mắt uẩn u, thì như thế. Như thế, nhà Đạo mình nói sao về nỗi niềm buồn/vui của thánh cả, bây giờ đây? Diễn tả về thánh cả như vậy đúng không? Đã hỏi về chuyện Đạo, thì xin mời bạn và mời tôi, ta lắng tai nghe đức thày vị vọng ở Sydney có những lời rất đáp trả, sau đây:

“Sùng kính 7 nỗi buồn/vui của thánh cả, là điều chẳng ai lấy làm lạ hết. Chí ít, là những người trong Giáo hội rất thánh ở khắp nơi. Ngay từ đầu, việc này do hai linh mục Dòng Phanxicô chủ xướng khi các ngài bất chợt bị cơn giông bão xảy đến khi lên thuyền ngang qua biển bờ Flanders làm chết mất 300 người. Các tu sĩ gặp may đã bám vào ván tàu nổi trôi suốt 3 ngày trời, để rồi cuối cùng các ngài nhờ việc cầu nguyện cùng thánh cả Giuse ra tay thương giúp hầu sống sót.
Lúc ấy, chợt có người trẻ xuất hiện bên cạnh tấm ván của hai đấng khuyến khích các ngài cứ tin tưởng nơi anh để rồi anh sẽ đưa các ngài vào cầu cảng trong vịnh, rất an toàn. Hỏi kỹ tên tuổi, các ngài mới vỡ lẽ ra rằng người trai trẻ không là ai khác ngoài thánh cả Giuse và thánh nhân hiện hình người trai trẻ yêu cầu hai vị đọc kinh Lạy Cha và Kính Mừng mỗi ngày 7 lần, để nhớ đến 7 nỗi buồn/vui thánh nhân vẫn cảm nghiệm. Và sau đó, thánh nhân trẻ bèn biến mất.
Không cần biết truyện kể có xác thực hay không, ai cũng hiểu rằng việc sùng kính mến mộ 7 điều buồn/vui ở thánh cả cũng từ đó bén rễ sâu trong lòng người. Và, mọi người đã bắt đầu đọc 7 kinh, mỗi khi đọc đều suy tưởng về một trong các nỗi niềm ấy, sau đó lại sẽ đọc tiếp một kinh Lạy Cha, một kinh Kính Mừng và một kinh Sáng Danh dâng Chúa Cha. Lời lẽ trong kinh, cũng thay đổi nhiều, nhưng tựu trung tất cả đều đề cập đến cùng một nỗi niềm vui/buồn lẫn lộn.
Nỗi buồn đầu tiên, thánh Giuse cam chịu là đã phát giác ra Đức Maria Bạn Đời mình đã cưu mang một trẻ bé mà thánh cả biết chắc chắn không là con mình. Chính vì thế, thánh nhân mới quyết định “xa lánh” người Bạn Đời mà thánh nhân yêu thương hết lòng dạ (Mt 1: 18-19). Niềm vui đầu theo sau đó là lúc thần sứ xuất hiện với thánh nhân trong giấc mộng mà bảo: “Giuse, con của Đavít, chớ sợ lấy Maria làm vợ: thai sinh nơi bà là do tự Thánh Thần Chúa”(Mt 1: 20). Và, niềm vui được minh xác, nên thánh cả đã chấp nhận Maria làm vợ mình.
Nỗi buồn thứ hai tiếp đến, là khi thánh cả thấy Đức Giêsu Con mình lại đã sinh hạ trong cảnh khó nghèo, bèn đặt con vào máng đựng cỏ bò/lừa vẫn mà lòng quặn thắt ( Lc 2: 7). Nỗi buồn này cũng đã trở thành niềm vui khi thánh nhân thấy các đạo sĩ cùng nhiều vị viếng thăm và bái lạy Con của mình rồi còn dâng tặng phẩm vật quí giá những gồm vàng, hương thơm và mộc dược (Mt 2: 11).
            Nỗi buồn vui thứ ba, là: 8 ngày sau khi sanh Chúa, thánh cả thấy máu Con mình lần đầu chảy vào ngày Chúa chịu cắt bì. Nỗi buồn, kéo dài không lâu bởi sau đó thánh cả đã vui hơn khi Con mình được đặt tên Giêsu như thần sứ báo trước ngày bạn đời Maria cưu mang Chúa (Lc 2: 21).
            Buồn/vui thứ tư, là khi thánh gia đem Con đến đền thờ để giới thiệu các đấng bậc, chỉ 40 ngày sau khi sinh. Buồn một nỗi, là khi cụ già Simêôn nói tiên tri về lưỡi đòng đâm thấu tâm can người Mẹ. Và, niềm vui có được cũng là lúc cụ Simêôn lại thông báo: Trẻ Thánh sẽ nâng nhấc toàn thể dân Do thái (Lc 2: 35).
            Buồn thứ năm cũng rất lớn, là khi thánh cả nằm mộng thấy thần sứ khuyên đem Mẹ Con lánh nạn bên Ai Cập vì Hêrôđê ra lệnh ruồng bắt trẻ thơ (Mt 2: 13). Và niềm vui tới với thánh cả, là ý nghĩa việc Con Chúa đến Ai Cập, có nghĩa lật đổ các ngẫu tượng lâu nay được thờ, ở nơi đó.
            Nỗi buồn đếm thứ sáu, là lúc thánh cả lại mơ thấy thần sứ báo mộng hãy đem Con về lại Israel, như Tin Mừng ghi: “Archelaus nay trị vì toàn cõi Giuđa thay cho Hêrôđê cha mình, nên thánh cả lo ngại không dám đến” (Mt 12: 22). Nỗi buồn được đáp trả bằng niềm vui khi Thánh gia trở về Nazarét, rất an toàn (Mt 2: 23).
Nỗi buồn đếm số bẩy, là khi thánh gia để lạc người Con yêu ở đền thờ khi Con lên 12 và đó còn là niềm vui khi Thánh gia tìm ra Ngài chỉ sau 3 ngày ngồi bên giáo sĩ” (Lc 2: 41-51).
Cũng nên biết, Đức Giáo Hoàng Piô thứ VII trị vì Hội thánh từ năm 1800 đến 1923, ban ân xá cho ai có lòng sùng kính 7 niềm vui lẫn nỗi buồn của thánh cả. Và, ân xá sẽ gia tăng gấp bội nếu việc sùng kính này được cử hành vào ngày Thứ Tư trong tuần, hoặc nếu người sùng kính mở tuần cửu nhật sùng kính thánh cả trước ngày lễ bổn mạng của ngài. Còn hơn nữa, sẽ nhận ơn toàn xá nếu ai có lòng sùng kính thánh cả có niềm vui nỗi buồn 7 mối, và sống thực như thế suốt tháng.
Ban ân xá, hẳn người người rày thấy được là Hội thánh đã chúc phúc cho ai có lòng sùng kính như thế, đến bây giời.” (x.Lm John Flader, The Catholic Weekly ngày 18/3/2012 tr. 11)

            Những điều vừa kể trên, là kể theo cung cách long trọng ở nhà Đạo. Đối với người đời, thì nghệ sĩ lại là người thay vào đó bằng giòng chảy mô tả tình tiết tốt đẹp của quí nhân hiền lành, nổi cộm như:  

            Em vì chinh chiến thiếu quê hương,
Sài Sơn, Bương Cấn mãi u buồn.
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm,
Em có bao giờ, Em có bao giờ,
Em thương nhớ thương…”
(Phạm Đình Chương/Quang Dũng – bdd)

Sài Sơn, Bương Cấn hay Xứ Đoài, đó cũng chỉ là ảnh hình của những miền đất mà quí nhân hiền lành từng đặt chân đến hoặc từ đó ra đi. Ra đi rồi, lại sẽ cùng bạn đời, cứ hỏi “Em có bao giờ thương cứ thương”. Thương cứ thương. Nhưng, hỏi vẫn cứ hỏi. Hỏi rằng: “Đôi mắt người Sơn Tây” vẫn là đôi mắt/mặt hình để anh thương, thôi. Thương cứ thương, cả những người lành thánh vẫn âm thầm chịu đựng nghịch cảnh đến với mình.
Thương cứ thương, còn là chấp nhận và hiểu rằng: trong cái hoạ nghịch cảnh ấy, bao giờ cũng ngời sáng niềm hạnh phúc sẽ đến ngay. Và, thương cứ thương, là cũng suy và nghĩ rất đúng rằng: dù sự thể có ra sao, vẫn nên coi đó là ân huệ Bề Trên gửi để cảnh giác hoặc ủi an, vỗ về để Ngài-cùng-ta vui hưởng một “kết hậu” đang trờ tới, ngay thôi.
Xét cho kỹ tâm tính tốt lành hạnh đạo của thánh cả trong gia đình rất thánh thiêng, cũng nên nhấn mạnh đến tính cách âm thầm chấp nhận nghịch cảnh xảy đến với đời người. Bởi, đời của con người bình thường hoặc của thánh nhân cao cả vẫn là chuỗi ngày có những hoạ-phúc/phúc-hoạ quyện lẫn với nhau, rất khôn nguôi.
Xét cho cùng, về tính cao cả của thánh Giuse là đức tính cao đẹp cần đề cao hơn ai hết. Nhân đức ấy, đặc trưng này vẫn nằm ở điểm, là: thánh nhân như người thường ở huyện, một khi đã hợp tác/dính dự vào với công trình cứu độ của Thiên Chúa, sẽ cảm thấy vinh dự vì nhận thấy thân phận yếu kém của mình mà lại đã được Thiên Chúa để mắt đến nên sẽ lạc quan với công trình cứu độ cao quý.
Hãy tưởng tượng, nếu thánh Giuse lại cứ khăng khăng chống đối kế hoạch Thiên Chúa dùng phàm nhân như ông để tham gia vào công trình cao cả mà cứu nhân độ thế, thì chắc hẳn kế hoạch ấy cũng sẽ không hoàn thành như đã từng xẩy ra với con người.
Thành thử, sự cao cả ở thánh nhân Giuse HIền lành là ở chỗ: cứ để mọi sự do Chúa định như một thứ Hội chứng “Xin vâng” mà Bạn Đời của mình từng diễn tả ngày thăm chị họ Elizabét. Và “hội chứng”này, nay vẫn còn diễn tiến ở nhiều nơi, và mọi thời.
Về với ý tưởng/lập trường của bậc thày dẫn giải về thần học Kinh thánh ở buổi hội luận hôm ấy, thì sự cao cả của thánh cả Giuse và Đức Maria bạn đời ngài, là: tuy xuất hiện rất ít trong Tân Ước, nhưng lại nói nhiều hơn nhiều đấng. Thật vậy, hai ngài không chỉ nói bằng lời, nhưng bằng sự âm thầm/lặng thinh trong chấp nhận một sự thể ngoài sức tưởng tượng của con người.
Chấp nhận và thực ý định của Thiên Chúa là Cha, bất kể những gì có thể xảy ra đối với chính mình, hoặc người của mình. Đó mới là lý do khiến Hội thánh chỉ gọi mỗi Giuse con vua Đavit, là “Thánh Cả”. Cả đây, không có nghĩa trên cả bạn đời hoặc người Con Chí Ái của mình về thể xác. Mà là, sự cao cả tuyệt vời, trong hành xử như người được chọn làm nhân vật thánh rất “cao” và “cả thể”.
Quan viên ở đời, có lẽ hiểu chưa rõ ý/từ “Đôi Mắt Người Sơn Tây” theo nghĩa thi phú, nên cứ hát:

“Đôi mắt Người Sơn Tây
Đôi mắt Người Sơn Tây
Buồn viễn xứ khôn khuây ..”
(Phạm Đình Chương/Quang Dũng – bdd)

            Để người đọc có dịp thư giãn hầu hiểu rõ hơn ý/từ và ý tứ của vai trò đấng thánh “cả”, có lẽ cũng nên tìm về với truyện kể nhè nhẹ, như sau:

            “Chuyện xảy ra tại một trường đại học 
Sắp hết giờ giảng, giáo sư bỗng đề nghị với các sinh viên,
"Tôi cùng mọi người thử một trắc nghiệm nhỏ, ai muốn cùng tôi thử nào?"
Một nam sinh bước lên.Giáo sư nói, "Em hãy viết lên bảng tên của 20 người mà em khó có thể rời bỏ".
Chàng trai làm theo. Trong số tên đó có tên của hàng xóm, bạn bè, và người thân...Giáo sư nói: "Em hãy xoá tên của một người mà em cho rằng không quan trọng nhất!"
            Chàng trai liền xoá tên của người hàng xóm.
Giáo sư lại nói: "Em hãy xoá thêm một người nữa!".
Chàng trai xoá tiếp tên của một đồng nghiệp.
Giáo sư nói tiếp:"Em xoá thêm tên một người nữa đi". Một người không quan trọng nhất trong cuộc đời. chàng trai lại xoá tiếp.....
Cuối cùng, trên bảng chỉ còn lại ba cái tên, bố mẹ, vợ, và con.
Cả giảng đường im phăng phắc, mọi người lặng lẽ nhìn vị giáo sư,
cảm giác dường như đây không còn đơn thuần là một trò chơi nữa rồi!! Giáo sư bình tĩnh nói tiếp:
"Em hãy xóa thêm một tên nữa!" chàng trai chần chừ, rất khó khăn mới đưa ra được sự lựa chọn...
anh đưa viên phấn lên..... và gạch đi tên của bố mẹ!
"Hãy gạch đi một cái tên nữa đi!",
tiếng của vị giáo sư lại vang lên bên tai.
chàng trai sững lại, rồi như một cái máy, từ từ và kiên quyết
gạch bỏ tên của đứa con trai...Và anh bật khóc thành tiếng,
dáng điệu vô cũng đau khổ.
Vị giáo sư chờ cho anh bình tĩnh lại hồi lâu và hỏi: "Lẽ ra người thân thiết nhất với em, phải là cha mẹ và đứa con, bởi cha mẹ là người sinh thành và dạy dỗ em nên người, đứa con là do em dứt ruột sinh ra, còn người vợ thì có thể tìm người khác thay thế được, vậy tại sao, với em người vợ lại là người mà em khó dời xa nhất?" Cả giảng đường im lặng, chờ nghe câu trả lời.
Chàng trai bình tĩnh và từ tốn nói:"Theo thời gian, cha mẹ sẽ là rời bỏ tôi mà đi,
con cái khi trưởng thành,cũng chắc chắn sẽ rời xa tôi,
            người luôn ở bên, làm bạn với tôi suốt đời, thực sự chỉ có vợ tôi!
Và cũng chính là người cằn nhằn tôi suốt ngày !!!

Người kể truyện hôm nay, thấy truyện kể của mình mà lại đem áp dụng vào những chuyện của thánh nhân hiền lành rất cao cả, thấy cũng kỳ. Bèn có một đề nghị bạn, đề nghị tôi là những người đang nghe câu truyện kể, rằng: đâu ai cấm bạn và tôi ta thay đổi giới tính của người trong truyện. Tức là, thay vì nói về bạn đời nữ giới thì ta thay người bạn đời bằng: “chồng tôi”. Có thay đổi như thế, mới thấy rằng người bạn đời nào cũng vậy, dù nam hay nữ cũng vẫn là những quí nhân hiền lành, và cao cả. Hệt như thánh cả, rất Giuse.
Nói như thế, thì có vẻ hơi bốc phải không bạn, phải không tôi? Thôi thì ta cứ tạm coi như thế rồi lai rai hát hoài ý từ người nghệ sĩ vẫn cứ viết và cứ hát, rằng:

“ Thương nhớ ..ơ hờ thương nhớ ai,”
“Sông xa từng lớp lớp mưa dài
“Mắt em ơi mắt em xưa có sầu cô quạnh
“Khi chớm thu về, khi chớm thu về một sớm mai.
“Em hãy cùng ta mơ
“Mơ một ngày đất mẹ
“Ngày bóng dáng quê hương
“Đường hoa khô ráo lệ…”
(Phạm Đình Chương/Quang Dũng – bđd)

Hát thế rồi, xin đề nghị bạn và đề nghị tôi, ta cứ ung dung cất lên lời ca ngợi các đấng bậc hiền lành và cũng thánh không thua gì đấng bậc rất “thánh cả” ở trời Đông Do thái năm ấy. Và, cả các thánh-không-được-phong của mình nay vẫn hỗ trợ, cầu bàu cùng với Thánh gia cho tất cả người nhà, ở trần thế, giống như thế.

Trần Ngọc Mười Hai
tuy chưa làm thánh
nhưng cứ nhớ lời Phaolô thánh nhân
vẫn vui chào mọi đấng thánh
ở trần gian
là thế cả.


No comments: