Saturday 14 April 2012

“Một lần em có nói:”

Normal 0 MicrosoftInternetExplorer4
Chuyện phiếm đọc vào tuần thứ Ba Phục Sinh năm B 22.4.2012

Một lần em có nói:”
“Về xứ thâm trầm xa cuộc đời này.
Dù mùa đông chuyển mình,
Và mưa gió đi về buồn rũ bên song”
(Từ Công Phụng – Xứ Thâm Trầm)
            (Rm 15: 1)
            Nếu ta thay đổi tiếng “Em” rất đáng yêu ở trên thành “Niềm Tin” rất linh thiêng, thì bạn và tôi hẳn sẽ thấy ở nơi đó có niềm vui rất lạ và hấp dẫn. 

Sở dĩ bần đạo bọn tôi nảy ra ý nghĩ về chuyện đổi tên và chữ nghĩa ở trên là do tham dự đêm “Hát Cho Nhau” ở Sydney nghe giọng ca của hát sĩ Kim Ngân trình bày khá đạt bài “Xứ Thâm Trầm” của người nghệ sĩ vừa thoát chốn thâm trầm, nên có lời lẽ rất thấm như sau:

“Em đến thật êm đềm
           Như giấc mơ trong mùa Hạ
           Mây trời lang thang ngoài khung trời vắng
            Trên gót chân vương nhẹ nhàng
            Em đến trong cơn dịu dàng
           Lúc em đi từng giọt ngân vang trên vùng câm lặng
            Một lần em có nói
           Về xứ thâm trầm xa cuộc đời này.”
(Từ Công Phụng – bđd)

            Nghe hát sĩ hôm ấy nhẹ nhàng hát bài “Xứ Thâm Trầm”, bần đạo liên tưởng đến lời thánh nhân hiền lành dạo ấy cũng có lời thâm trầm nhủ với dân con đạo hữu ở Rôma như sau:

            “Bổn phận của chúng ta,
những người có đức tin vững mạnh,
là phải nâng đỡ những người yếu đuối,
(tức những người) không có đức tin vững mạnh,
chứ không phải chiều theo sở thích của mình.”
(Rm 15: 1)

            Quả thế. Nhiều lúc bần đạo cũng quên mất là mình còn có bổn phận nâng đỡ kẻ yếu đuối, có đức tin không vững mạnh đủ, nên cứ thế quẩn quanh với ý nghĩ “chiều theo sở thích tư riêng của mình.”
            Xét cho kỹ, người người còn thấy: sở thích riêng tư của mỗi người đều ra như vô hạn. Trong khi đó, bản chất con người hoàn toàn vô hạn. Vô hạn, cả trong mầm sống rất “gien”. Bởi, “gien” mầm của con người đều không hoàn hảo. Ngay đến chất DNA của mỗi người cũng đã có vài hợp chất trộn lẫn với mầm “gien” của người khác, vật khác. Trộn với mầm của cha mẹ, giòng họ hào kiệt, rất anh hùng nữa.

            Còn nhớ, Tin Mừng của thánh sử cũng từng nói: sở thích riêng không tồn tại nhưng niềm tin căn bản lại đứng vững. Chính đó là sự khác biệt giữa cái tồn tại và hư mất. Có lẽ vì thế mà nghệ sĩ trên lại hát thêm:

“Một lần em có nói:
Về xứ thâm trầm xa cuộc đời này,
Về xứ thâm trầm xa cuộc đời này.
Sẽ không còn ngàn kiếp truân chuyên,
Và hết nhân duyên.
Tôi trở về kết đọng linh hồn,
Làm mặt đá xây hồ lãng quên.”
(Từ Công Phụng – bđd)

            Hát lên ca từ nghệ sĩ viết, không phải để tin như đinh đóng cột; mà, để từ đó, ta tìm đến “nhân duyên” những là “kết đọng linh hồn”, mà tồn tại. Để rồi, cứ thế ta làm “mặt đá xây hồ lãng quên”.

            Hôm nay đây, nhân lúc nghe lại ca từ người nghệ sĩ viết, bần đạo lại thấy “hồ lãng quên” của riêng mình đã tràn bờ, chảy lênh láng. Nên chẳng còn nhớ “những người yếu đuối” ở đời, vẫn chờ một quyết tâm từ nơi mình. Quyết, là quyết ra tay hành xử như người có niềm tin thực hiện bổn phận rất nhỏ, là: đi vào trọng tâm niềm tin-yêu thần thánh mà tranh đấu để người người có sự đồng đều hầu vui sống, với người.

            Thật sự mà nói, sống niềm tin-yêu trong đời, không chỉ sống với ưu tư tiếp cận Chúa và quan tâm đến sở thích riêng của mình, thôi. Nhưng, còn biết rằng Chúa vẫn muốn ta tạo dựng thế giới không chỉ dính líu chuyện tư riêng, tức quan tâm đến người khác chứ không như lối sống bỏ mặc cho ai rơi vào cảnh nghèo đói, tù tội.

            Có niềm tin Kitô-giáo, là có được niềm ưu tư bận tâm lo cho những người bị giới chức cầm quyền vẫn đưa vào đời đói khát, chèn ép, để sống không ra người. Sống có niềm tin Chúa ban, là sống có ưu tư, chăm sóc hoặc để tâm đến vấn đề xã hội. Biết đem hoà bình đến với mọi người. Sống ý thức tạo môi trường thoải mái, vô tư, thích đáng để người người có cơ hội chứng tỏ kỹ năng của riêng họ.

            Sống có niềm tin, là tin rằng Đức Chúa của mình không đơn giản chỉ yêu thương mỗi cá thể “người” hoặc mỗi dân con được chọn để ban niềm tin riêng mà là tất cả mọi người không phân biệt tôn giáo, sắc tộc vì “yêu-thương-thế-gian” nên Ngài đã ban Con Một Ngài đến với dân con mọi người để họ có thể chứng tỏ tình thương yêu Ngài đem đến, trên thực tế.

            Chúa muốn mỗi người và mọi người trên thế giới có khả năng thụ hưởng ngang bằng nhau niềm vui chân-thiện-mỹ Ngài ban tặng để họ có thể cải thiện nếp sống độ lượng trong “thế gian” có nhiều điều cần được cải thiện. Thế gian ấy, ngày hôm nay đây, còn dẫy đầy nhiều ham hố, bất công, tranh giành, trù dập khiến người người cứ hãi sợ.

            Sống niềm tin, còn là sống làm sao để mỗi lần nghe bạn mình hát to ca từ ở dưới, sẽ nhớ mà về với thế gian, như sau:

“Một lần em có nói:
Về xứ thâm trầm xa cuộc đời này,
Về xứ thâm trầm xa cuộc đời này.
Dù mùa đông chuyển mình,
Và mưa gió đi về buồn rũ bên song.”
(Từ Công Phụng – bđd)

            Hát lời ca như thế, còn để bảo rằng: Thiên Chúa tạo dựng con người là để họ có cơ hội ngang đồng mà sống cùng nhau, dù không giống nhau. Sống đúng tư cách của con-người-là-hình-ảnh-của-Thiên-Chúa. Sống đúng qui cách của những người có được niềm tin theo chân Chúa, tức: sống rất mực theo cung cách không xử sự với người khác như đồ chơi, phẩm vật; mà như nhân vị có đầy phẩm giá, rất tư cách. Sống đúng tư cách của kẻ tin vào Chúa, còn là sống có công tâm, vô tư, chính đáng. Là, không bao giờ hành hạ bất kỳ ai, dù họ có làm sai hoặc khác chánh kiến/lập trường chính trị. Sống vô tư, như thể mình không chủ ý chỉ khai thác thông tin, tiền bạc hoặc xác dục.
            Sống công tâm, là đảm bảo cho mọi người có quyền và cơ hội hưởng thụ đồng đều điều kiện sống rất cần thiết để phát triển con người họ như nhân vị. Sống, đúng nhân vị, chứ không là con số hoặc giá áo, túi cơm. Có cơ hội đồng đều để sống và hưởng thụ nhiều thứ, như: thực phẩm, cơ ngơi, công việc, nền giáo dục và sự tự do tạo cuộc sống theo ý mình. Sống chính đáng, là dám phụng thờ và tin vào Đấng mình chọn lựa làm Bề Trên, Ân Nhân. Là, có tự do gầy dựng gia đình thể theo nền văn hoá hoặc cung cách của riêng mình, và có tự do đóng góp của cải, tài năng, trí tuệ hoặc vật chất cho xã hội.

            Sống niềm tin, là sống và hát được những lời ca mà người nghệ sĩ gói ghém vào câu thơ ở dưới:

“Thôi, ngủ đi em, ngủ đi em.
Cho tuổi này hết ưu phiền
Tôi trở về xứ thâm trầm,
Một mình sống âm thầm.
Hoài đợi chuyến xe nào,
Một lần đã qua.
Đời chúng ta để lại dấu chân, người đã quên
Còn thắp lên, ngời sáng tình xưa.”
(Từ Công Phụng – bđd)

            “Về xứ thâm trầm”, “một mình sống âm thầm” trong niềm tin, là sử dụng tài nguyên riêng tây để giúp mọi người, mọi nhân vị có được cơ hội thuận tiện mà phát  triển. Phát huy và triển khai kỹ năng tư riêng của mỗi mình dù người ấy dở hơn mình. Sống và sử dụng tài năng riêng tư để giúp mọi người, mọi gia đình hoặc thánh hội cho đúng chức năng, đạt đúng phúc lợi và thể hiện đúng con người họ. Để rồi, họ cũng như ta, sẽ có trách nhiệm về cuộc sống cũng như sinh hoạt cộng đoàn trong đó mình cũng như họ đều có cơ hội ngang bằng, đồng đều.

            Cộng đoàn kẻ tin vào Chúa, là những người có quyết tâm tác tạo cuộc sống tốt đẹp cho mọi người, trong xã hội. Bởi, một khi mọi người đã quyết tâm tạo cuộc sống xã hội cho đẹp, tức đã biết tôn trọng thế gian trong đó người người vẫn cứ sống. Thế giới hôm nay có rất nhiều người còn “nghèo rớt mồng tơi”, vẫn làm những công việc nguy hiểm đến tính mạng. Vẫn chui rúc ở đâu đó, xó xỉnh này nọ thiếu vệ sinh, thiếu cả điều kiện tối thiểu để sống cho ra sống. Để sống đúng phẩm cách con người.

            Sống như người tin vào Thiên Chúa an bình và công chính, là sống có cổ võ nguyên tắc làm nền cho một xã hội trong sạch. Xã hội, luôn đề cao tinh thương yêu, đỡ đần, giùm giúp bất cứ ai. Sống, để còn dìu nhau vào xã hội có lý tưởng; ở nơi đó, không còn cảnh người ám hại người. Không còn cảnh tượng ghét ghen, giành giựt, vị kỷ.

            Sống có niềm tin an vui, là sống có mình và có người, vẫn nhớ nhau. Nghĩ đến nhau. Dù, là bạn bè/người thân hay chỉ là người dưng khác họ, như truyện kể để minh hoạ một lập trường, rất như sau đây:

Từ nhỏ đến lớn, tôi luôn là trò cười của bạn bè, vì tôi rất dở trong khả năng tìm đường. Có lần, một người bạn của tôi đã hài hước nói: “Hy vọng lối lên Thiên Đường cũng có bảng chỉ dẫn, nếu không thì chắc là cậu sẽ lạc mất”.
Tôi cười:
- Tớ chỉ cần tìm một ngọn đồi có hàng rào nhiều cây hoa giấy - Và khi bạn tôi nhíu mày suy nghĩ để xem đó là cái gì, thì tôi kể cho anh ta nghe câu chuyện về ông bố của tôi.
Ông bà nội tôi rất nghèo, bố và 5 anh em trai phải cố gắng ghê gớm lắm mới tồn tại. Chính thời thơ ấu đó đã làm cho bố tôi trở nên cứng rắn. Khi anh em chúng tôi nhận ra rằng những đứa cùng lớp với mình đều được bố mẹ cho tiền tiêu vặt, chúng tôi bèn hỏi xin bố tiền.
Bố bình thản đáp :
- Nếu các con đã đủ lớn để xin tiền thì các con cũng đủ lớn để kiếm tiền. Và thế là, chúng tôi đi làm đủ các việc vặt cho khu phố, như dọn vườn hoặc lau nhà. Bố không bao giờ hỏi về số tiền mà chúng tôi kiếm được, cũng không bao giờ khen.
Khi chúng tôi lớn lên, đi học khá xa nhà. Không có xe riêng, chúng tôi phải đi xe bus. Dù bến xe bus cách nhà tới gần 2 cây số, cả vào những ngày mưa gió bão bùng, bố tôi cũng chẳng bao giờ lái xe ra đón. Nếu ai đó càu nhàu (anh trai tôi vẫn càu nhàu suốt), bố sẽ nói nghiêm khắc:
- Chân các con để làm gì?
Còn tôi thì không ngại đi bộ cho bằng nỗi sợ đi một mình dọc đường cao tốc vắng vẻ, vòng một vòng rồi mới có đường đi lên đồi để về nhà. Tôi thấy tủi thân vì dường như bố tôi chẳng quan tâm gì đến sự an toàn của tôi. Nhưng cảm xúc đó biến mất vào buổi tối mùa hè… Đó là ngày khá mệt mỏi với những bài thi dài làm tôi kiệt sức. Tôi chỉ muốn về nhà nằm dài ra ngủ. Khi xe bus dừng ở trạm cuối, tôi xốc lại cái balô đầy ụ sách, chuẩn bị đi bộ một chặng dài.
Tôi đi dọc theo đường cao tốc ở dưới chân đồi, cho đến khi nhìn thấy một hàng rào nhiều hoa giấy chạy dọc theo con đường lên đồi dẫn tới nhà tôi. Lúc nào tôi cũng thấy dễ chịu khi nhìn thấy cái hàng rào ấy, vì như thế có nghĩa là tôi sắp về đến nhà.
Hôm đó, khi tôi vừa nhìn thấy đám hoa giấy thì trời bắt đầu mưa. Tôi ngồi xuống để nhét mấy cuốn sách đang cầm trên tay vào balô, rồi lấy cây dù ra. Khi đứng dậy, tôi chợt nhìn thấy cái gì đó màu xám đang di chuyển dọc hàng rào. Nheo mắt nhìn kỹ, tôi nhận ra đó chính là cái nón của bố tôi. Và tôi biết - mỗi ngày tôi về nhà, bố đều đứng trên đồi, sau dãy hàng rào để quan sát, cho đến khi bố biết tôi về nhà an toàn rồi mới thôi. Tôi lau nước mắt chợt chạy dài trên đôi má. Thì ra, bố vẫn quan tâm đến tôi mà có bao giờ tôi biết được chuyện đó.
Hôm ấy, về đến nhà, tôi thấy bố đang ngồi trên ghế bành giả vờ như không biết gì, bằng một giọng thản nhiên bố hỏi:
- Về rồi hả con?...
“Cậu thấy đấy”
- Tôi kết thúc câu chuyện kể cho bạn mình nghe- “Tớ chẳng cần lo là có tìm thấy con đường dẫn đến Thiên Đàng hay không”.
Nhiều người vẫn nói: Thiên Đường là khi bạn thấy được ánh sáng ở cuối đường hầm, hoặc chùm sáng trên cao. Nhưng, tôi lại nghĩ: khi tôi nhìn thấy dãy hàng rào đầy hoa giấy dẫn lên đồi, và bố tôi đang đợi ở trên đỉnh đồi rồi nói: “Về rồi đấy hả con?...” Thế đó, là Thiên Đường của bọn tôi….

            Vâng. Đúng thế. Thiên Đường, hay còn gọi là “thế gian” của nhà Đạo bọn tôi, vẫn cứ thế. Vẫn cứ nói và cứ hát những câu thơ, rất giản dị, rằng: 
      
“Em đến trong cơn dịu dàng,
           Lúc em đi từng giọt ngân vang trên vùng câm lặng.
            Một lần em có nói:
           Về xứ thâm trầm xa cuộc đời này.”
(Từ Công Phụng – bđd)

            Với riêng tôi và nhiều người, thì “về xứ thâm trầm” có “giọt ngân vang”, “trong dơn dịu dàng” ấy vẫn không xa “cuộc đời này” là mấy. Vẫn cứ như Thiên Đường ở trần gian, hay “thế gian” của bọn mình vẫn cứ thế. Vẫn còn đó, những ước ao của một xã hội gồm những an bình, hiền hoà, đầy công lý.
            Xã hội ấy, vẫn còn thấy âm vang của lời thơ rất thâm trầm, tràn đầy những ý tứ và ý từ như:

“Về xứ thâm trầm xa cuộc đời này,
Về xứ thâm trầm xa cuộc đời này.
Sẽ không còn ngàn kiếp truân chuyên,
Và hết nhân duyên…”
(Từ Công Phụng – bđd)

Nhưng thực sự, thì xứ ấy, nhân duyên này vẫn ở trong tâm can người nhà Đạo, hôm nay và mai ngày, mãi mãi rất nhiều đời. Của con người mà mình không hay biết đó thôi.

            Trần Ngọc Mười Hai
            vẫn còn tin
            những chuyện như thế
            đã và đang xảy ra hôm nay.
            Rất mai ngày, ở trần thế.

           
             

No comments: