Chuyện phiếm đọc trong tuần Chúa Thánh Thần Hiện Xuống năm B
27-5-2012
“Ai bảo chăn trâu là khổ,”
“Chăn trâu sướng lắm chứ!…”
(Phạm Duy – Em Bé Quê)
(1Th 1: 4-6)
Nhắn
và hỏi như thế, là hỏi những điều khiến em đây thấy khó mà trả lời, hoặc giả có
đi nữa, thì chắc cũng chẳng được bao nhiêu! Hỏi và nhắn như vậy, là nhắn nhủ để
rồi hát đôi lời ca về “quê ta” vốn mộc mạc, chân chất rất như sau:
“Em mới lên năm, lên mười
Nhưng em không yếu đuối.
Thầy mẹ yêu cũng vì trẻ thơ
Làm việc rất say sưa…
Em biết yêu thương đời trai
Đời hùng anh chiến sĩ
Ước mong sao em nhớn lên mau
Vươn sức mạnh cần lao.”
(Phạm
Duy – bđd)
Phải thú thật –lại xưng thú những là
lỗi gì nữa đây- Vâng, xin xưng thú rất thật rằng: lâu nay bần đạo cứ bàn chuyện
đâu đâu những triết lý/thần học, lẩn quẩn ở đây đó nơi xứ Đạo, cũng khá bạo.
Chuyện triết lý với thần học, nay có lẽ cũng nên tạm gác một bên các vấn đề khá
gai góc để bạn và tôi, ta “phiếm” nhẹ ba chuyện thực tế dễ gần gũi, thân thương
mọi người! Chuyện, là chuyện về “sự thể” và sự thế bảo rằng: mọi chuyện mà lịch
sử từng xác chứng, là: nước nào chuyên về nghề nông cũng khó khá. Chẳng hạn như,
nước ta thời xa xưa vẫn có câu “nhất
sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông nhất nông
nhì sĩ”, đến là hay.
Tựu trung, thì mọi người vẫn thích bàn
chuyện “chính trị sa-lông” cộng với bàn giấy rất “ngon ăn”, dễ nhậu hơn chuyện
khô khan những là thần học. Ở Hy Lạp xứ người, bầu bạn khắp nơi lại chỉ bàn
chuyện học hành ngành nghề như y khoa, hoá chất tạo dược hoặc kỹ sư chuyên
ngành rất khó tin tức ở bên dưới:
“Mấy tuần qua, tin cho biết có vị dược sĩ nọ tự dưng đã cất công đến
quốc hội, rồi chĩa súng vào đầu bấm cò tự sát cốt để phản đối chính phủ dám
dùng biện pháp “thắt lưng buộc bụng” hầu cắt giảm trợ cấp dưỡng tuổi già kiếm rất
khó. Thế nhưng cạnh đó, lại có tin cho biết nay rất nhiều bạn sinh viên lại cứ muốn
giới trẻ phải biết thích nghi với tình trạng tiêu túng của nước mình, bèn chọn môn
học nền tảng là phát triển nông nghiệp.
Cụ thể ra, ở vùng gần thủ phủ Thessalonikê,
số sinh viên ghi danh học nghề nông tại đại học Mỹ đã gia tăng gấp đôi so với số
người nộp đơn năm ngoái. Thông thường, thì chỉ mỗi con cháu nhà nông mới chịu học
môn này thôi. Nhưng, nay thì đám trẻ lại đổi ý đã biết lo cho dân nghèo được đủ
ăn/đủ mặc nên mới theo học ngành nghề như thế. Trong số bạn trẻ học ngành này,
có sinh viên năm thứ nhất là Thanos Bizbiroulas đã cho biết lý do tại sao em
chọn môn học chán ngấy như thế: “Thật tình mà nói, thì nông nghiệp không
phải là môn em chọn cho chương trình cử nhân 3 năm đâu. Nhưng, hiện tình đất
nước đang có khó khăn về tài chánh/kinh tế, em nghĩ rằng lựa chọn của em không sai
lầm. ”
Ngoài ra, có bạn cùng lớp là Vangelis Evangelou lại cũng cho biết: “Hầu
hết giới trẻ ở đây lâu nay cho rằng muốn cho vận nước có tương lai hơn, có lẽ ta
nên học môn gì đó khả dĩ giúp mình ung dung ăn trên ngôi chốc một chút chứ. Nhưng,
nay thì hầu hết bạn bè của em đều nghĩ điều đó không còn đúng nữa. Và các bạn
về với nghề nông, cũng đúng thôi.” (x.
Carolyn Moynihan, MercatorNet 16/4/2012)
Nếu nghệ sĩ họ Phạm nhà mình nghe được ý kiến này, hẳn ông sẽ
vui lên mà hát tiếp:
“Em mới lên năm, lên mười
Nhưng em không yếu đuối.
Thầy mẹ yêu cũng vì trẻ thơ
Làm việc rất say sưa.
Em biết yêu thương đời trai
Đời hùng anh chiến sĩ.
Ước mong sao em lớn lên mau,
Vươn sức mạnh cần lao.”
(Phạm
Duy – bđd)
Ước và mong cho em sớm “lớn lên mau”, hầu “đem sức mạnh cần lao” phục vụ đất nước và mọi người, ở chốn miền có
tên gọi là Thessalonikê, nước Hy Lạp thì chắc đó cũng là ý kiến của Phaolô tông
đồ khi thánh nhân viết lên những lời lẽ ưu tư, tự sự rất như sau:
“Hỡi anh em, là những người được Chúa yêu mến,
chúng tôi nhận biết anh em là những kẻ được chọn,
vì Tin Mừng chúng tôi loan báo,
không chỉ đến với anh em bằng lời nói mà thôi,
nhưng là đến một cách quyền năng
bằng Thánh Thần và sự dồi dào mọi thứ.
Vả lại, anh em biết: nơi anh em,
chúng tôi đã cư xử làm sao với anh em
và anh em đã noi gương bắt chước Chúa
đã chịu lấy Lời giữa bao nỗi gian truân,
trong sự hoan hỉ của Thánh Thần
khiến anh em trở nên mẫu mực cho mọi người
vùng Makêđônia và Akhaia.”
(1Th 1: 4-6)
Thêm vào đó, có lẽ cũng nên đề cập
đến lời bình của Giáo sư Nguyễn Thế Thuấn CSsR có nói:
“Thánh Phaolô ở Anthêna quá lo cho
số phận của giáo hội ở Thessalônikê, nên đã sai Timôthê đi thăm xứ đạo ấy. Nhân
dịp Timôthê từ Thessalônikê về, đem những tin khả dĩ làm yên lòng ngài, thánh Phaolô
đã viết thư này cốt để thổ lộ tâm tình, đồng thời thanh minh về ít lời vu cáo
của người chống đối (tức: những người Do thái trong thành). Tiếp đó, ngài thêm
ít lời khuyên về đời sống tín hữu phải tuân theo nguyên tắc đã dạy. Giữa các
lời khuyên có chen vào đó đoạn 4 câu 13 và đoạn 5 câu 11 bàn về số phận kẻ chết
thời Chúa quang lâm, tức phần quan trọng nhất về đạo lý trong thư này.” (x. Kinh thánh, bản dịch của Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR 1976, tr.464)
Nói cách khác, làm ngôn sứ cho mọi
người là xả thân phục vụ không biết mệt. Chẳng cần biết nghề ấy nghiệp nọ có ăn
khách không; hoặc, có là nghề “ngồi mát ăn bát vàng” không. Nhưng, chỉ cần xét xem
nghề mình làm có thích hợp với thời buổi hôm nay, hoặc có giúp ích cho nhiều
người hay không, mà thôi.
Nói theo kiểu nghệ sĩ họ Phạm trích
dẫn ở trên, là nói bằng những câu hát rất rất ca đơn điệu:
“Trâu hỡi trâu ơi đi cầy
Trâu ơi đi cấy nhé
Đồng ruộng kia, với đồi cỏ kia
Là của những dân quê
Em bé dân quê Việt Nam
Là mầm non tươi thắm
Sức mai sau xây đắp quê hương
Cho nước giầu mạnh hơn.
(Phạm Duy – bđd)
Về
với nhà Đạo, không phải để xem người mình đáp trả ra sao khi nghe lời gọi/mời từ
Đức Chúa và có làm thế hay không. Bởi, lời mời/gọi ở nhà Đạo, là gọi và mời ta ra
đi phục vụ dân Chúa, chẳng cần biết việc mình làm có đem lại lợi nhuận hay thu
nhập được bao nhiêu; hoặc, công việc ấy có “thơm như múi mít” rất ngon lành, không.
Nhưng, về đó để đề cao/nhấn mạnh chuyện biết cách phục vụ con người, bất kể người
ấy là ai. Bất cần và cũng chẳng kể xem con người mình phục vụ có là “người con”
tốt lành của Đạo Chúa đấy chứ? Về đó, để nắm rõ rằng người mà mình phục vụ vẫn cứ
là người đói kém, tất bạt, nghèo hèn chẳng ai nhớ.
Mới đây, trong một hội luận do viện
Catherine de Sienne tổ chức ở Sydney, mà người điều khiển chương trình là Clara
Georghegan đã nói về chủ đề “Ơn gọi là ơn
được gọi và tặng quà đặc sủng” đã có nhận định khá rõ nét và đặc sắc, khi chị
bảo:
“Mỗi khi trong chúng ta có người nhận lãnh
ơn thanh tẩy để gia nhập cộng đoàn Kitô-hữu thì khi đó, toàn thể cộng đoàn ta
được Thánh Thần Chúa ban lời mời/gọi sống đời phục vụ cách nào đó, có Chúa. Khởi
từ đó, ta không thấy có khó khăn xem đó có là ơn gọi/mời hay không, mà chỉ thấy
khó khi mình cứ xem đó như lời mời/gọi cũng rất lạ kỳ. Phần đông nhiều người
hiểu “ơn gọi” như lời mời tham gia thực hiện sứ vụ hoặc lối sống độc thân theo
thiên chức linh mục/tu sĩ; hoặc cả chuyện chọn lựa đời sống gia đình nữa, vẫn
là chọn lựa để phục vụ. Nay, cũng nên suy thêm việc Chúa mời và gọi ta theo cung
cách khác, ngay vào lúc ta nhận lĩnh ơn thanh tẩy.
Một
khi nhóm/hội chúng ta càng có nhiều người suy nghĩ về lời mời nhận lãnh ơn thanh
tẩy, thì càng có nhiều người tìm đến phục vụ theo tư cách linh mục, hoặc của
người sống đời tu trì. Bởi, khi đã nhận lời mời/gọi lãnh nhận ơn thanh tẩy, ta
được tặng quà đặc sủng rất khác biệt. Và, một khi ta được tặng quà đặc biệt/đặc
sủng, là ta được mời và gọi theo cung cách thế nào đó cũng đặc biệt không kém. Và,
khi được gọi/mời làm dân con bước theo chân Chúa, ta cũng được ban tặng kỹ năng
chuyên biệt nào đó, rất khác thường. Và, quà đặc biệt đó có khả năng lôi cuốn mọi
người đến với ta, và quà đó không còn dành để cho riêng ta nữa, mà cho người
khác. Nói khác đi, thì tự thân, ta đâu chọn lựa quà đó, mà quà đó do Chúa gửi
đến với ta, thôi.
Nhận
lĩnh ân huệ đặc sủng, tức là mình bắt đầu có khả năng tìm ra mấu chốt ở đâu đó
rất chung quanh để sống đúng qui cách. Trước nhất, là mấu chốt dẫn đến sự sống
có giáo huấn của Hội thánh. Tiếp đến, là mặc lấy tính cách duy nhất chỉ mình
mới có tài năng đó. Chỉ mình mới có loại hình văn hoá hoặc kinh nghiệm tư riêng,
thôi. Và cuối cùng, chỉ mỗi mình mình mới biết đâu là vấn đề và những gì là nhu
cầu thiết thực của thời đại mình sống. Tất cả những gì mình nhận lĩnh hoặc lĩnh
hội, đều ngang qua cuộc sống, qua kinh nghiệm hoặc việc làm và tình thương yêu cũng
như khổ đau rất hiếm quý, đề rồi Thánh Thần Chúa sẽ đưa vào đó đặc sủng riêng
tây Ngài phú ban cho riêng mình ta thôi.
Thông
thường, ta hay nói với giới trẻ rằng: họ có tự do chọn lựa để trở thành mẫu
người mà họ từng mong ước trở thành, rồi cộng thêm vào đó có một chút siêng
năng/cật lực, thì rồi ra họ cũng sẽ biến mộng ước thành hiện thực, rất dễ thôi.
Dù là thế, với tôi, thì lời khuyên này xem ra có phần khiếm khuyết do ở điểm,
là: quà tặng đặc sủng bao giờ cũng là quà Chúa ban tặng và ngay đến thành tựu
ta đạt được, ngang qua việc phục vụ, cũng không phải để cho riêng ta, mà là cho
hết mọi người, những người con của Chúa. Thành thử, vấn đề không phải là cứ
siêng năng làm việc cho cật lực là xong đâu. Trái lại, tất cả đều là ân huệ Chúa
ban, dù xấu dù tốt. Từ đó, ta nhận ra rằng: ta có chấp nhận quà tặng ấy hay
không, nó vẫn là quà đặc sủng; và vẫn đến với ta để làm lợi cho người khác. Và,
cũng bởi quà tặng ấy là quà đặc sủng, nên nó vẫn nối kết/ dính liền với mục
đích khiến ta có mặt trên trái đất này. Đặc sủng, luôn là sự kiếm tìm hạnh phúc
cho đời mình, đời người.” (x. Michael McVeigh, Our greatest happiness, our gifts lead us to our
calling, Australian Catholics Easter
2012, tr. 10)
Nói như chuyên gia xã hội học ở trên,
cũng là nói như người nghệ sĩ từng quả quyết “Chăn trâu sướng lắm chứ!” Nói như người nhà Đạo, còn là nói ở nhà
thờ. Là, sống đúng lời mình vẫn nói và vẫn giảng giải ở khắp chốn. Giảng, về đặc
sủng Chúa ban trực tiếp cho riêng mình. Chính đó là hạnh phúc. Hạnh phúc ấy, vẫn
ý nhị hơn câu ca do nghệ sĩ già họ Phạm từng đặt ở bên dưới:
“Ngồi mình trâu, phất ngọn cờ lau
Và miệng hát nghêu ngao
Vui thú không quên học đâu
Nằm đồi non gió mát
Cất tiếng theo tiếng lúa đang reo
Em đánh vần thật mau.
Chiều vương tiếng diều
Trên bờ đê vắng (ứ ư ư) xa.
Đường về xóm nhà
Chữ i, chữ (ư ư ư) tờ.
Lùa trâu nhốt chuồng
Gánh nước nữa là (a à a) xong
Khoai lùi bếp nóng
Ngon hơn là (a à a) vàng.”
(Phạm
Duy – bđd)
Chẳng cần biết, vàng có ngon ăn hay
không. Nhưng, “chăn trâu” hay phục vụ người khác theo đặc sủng mình nhận được,
vẫn là thứ gì đó ta cần trân trọng. Trân quý và tôn trọng, để rồi sẽ thấy đời
mình là những chuỗi ngày dài hạnh phúc chứ chẳng phải là “khổ ải” hoặc hoặc
“sao đó” như nhiều người thường nghĩ. Bởi, về quà tặng đặc sủng vẫn ban khi ta
được gọi/mời gia nhập cộng đoàn tín hữu Đức Kitô, lại có nhận định của đấng bậc
khác từng có kinh nghiệm từng trải về cuộc sống hợp lẽ đạo, như sau:
“Hội thánh Chúa, ngay từ lúc ta ưu tư về tội lỗi và ơn cứu độ, thực ra vẫn
chỉ là hạnh phúc có được do bởi “tương quan” ta có với
người khác. Khác đạo, khác chính kiến, khác cả tông ty giòng họ, vẫn là chìa
khoá đưa ta đến với hạnh phúc của cuộc đời. Có tương quan, là có hiện hữu. Chứ tuyệt
nhiên, hiện hữu không phải do ta thủ đắc, kềm chế hoặc kiểm soát được nhiều
thứ, nhiều người. Hạnh phúc ấy, cũng chẳng do ta tin vào Thuợng Đế luôn ban
phát điều lành hoặc do chinh phục được ai đó, thứ gì đó. Mà, không gian thánh
thiêng ở nơi thọ tạo là chốn miền ở giữa. Giữa tương quan. Giữa nỗi niềm hiệp
thông ta vẫn có với nhau. Với mọi người” (x. Robin R. Meyers, Saving Jesus from The Church, HarperOne
2009, tr. 203-204)
Thật ra thì, tương quan có với nhau,
và với mọi người chỉ quan trọng và đáng trân trọng, khi tương quan ấy là tương
quan trong phục vụ lẫn nhau, đem lại lợi ích cho người khác, chứ không phải cho
chính mình. Chính đó là lời mời/gọi làm con dân Chúa dù có ở chức năng nào,
hoặc mang danh xưng nào, đi nữa.
Lời gọi/ mời dẫn đến quà tặng đặc
sủng, còn là kết quả từ mối tương quan ta vẫn có với nhau qua tư cách người
đồng đạo, đồng thời hoặc đồng hành trong chung sống. Quà tăng đặc sủng ta có,
vẫn là hạnh phúc tức kết quả của tình thương yêu phục vụ khi chung sống với
người khác. Phục vụ người khác hầu đem lại hạnh phúc cho chính họ chứ không
phải cho mình. Để xác chứng điều này, đấng bậc giảng dạy ở trên từng rút kinh
nghiệm trong dạy và giảng, còn nói thêm:
“Ngay như niềm tin cũng là mối tương quan ta vẫn có. Và, kinh thánh
không thể trở thành khách-quan nếu xoá bỏ tương quan này. Thông thường ta hay
nói đến “trận chiến/phấn đấu để kinh thánh được mọi người biết đến” trong khi
kinh thánh lại là “trao đổi/chuyện trò”. Thứ
chuyện trò/trao đổi ta nghe được từ khoảng cách rất xa, nay phiên dịch (và do đó đã bội phản) từ ngôn ngữ người nước ngoài và lâu nay được
nói lên từ những người mà ta không hề tưởng tượng họ có thể nghĩ chính ta là
người sẽ được nghe/được biết về công cuộc chuyện trò/trao đổi giữa Thiên Chúa
và loài người.
Cũng nên nhớ rằng, không một chữ nào trong kinh thánh được viết là để viết
cho ta, người thời nay, đọc ngõ hầu chiến đấu cho Kinh thánh được phổ cập. Bởi,
ta chỉ chiến đấu hoặc thi đấu để chiếm đoạt điều gì đó, chứ nào để chiếm đoạt
cuộc chuyện trò/trao đổi, bao giờ. Bởi thế nên, nếu ai đó coi Kinh thánh như một
chiến cụ để đấu tranh giành điều gì đó, hẳn là họ sẽ biến cuộc chuyện trò/trao
đổi giữa Thiên Chúa và loài người thành vật thể để chiếm lĩnh. Nếu thế thì, mối
tương quan giữa Thiên Chúa và người phàm sẽ không vẹn toàn nữa.
Thế nên, Đạo đích thật chính là tương quan, chứ không phải là sự đúng
đắn do mình giành phần thắng. Thế cho nên, nhu cầu trong-sáng-hoá bản-chất của
tương quan/trò chuyện giữa Thiên Chúa và loài người làm cho nó thành chính thực,
có khả năng đổi thay cuộc sống, hầu chống lại sự không thật và đối đầu với sự
chết. “ (x, Robin
R. Meyers, bđd)
Nói như học giả hoặc bậc thày dạy là
nói rất nhiều, nhưng người nghe và đọc, hiểu được bao nhiêu, cũng không rõ. Nói
như đấng bậc nhà Đạo còn là nói để thông truyền một kiến thức đích thực và đúng
đắn ngõ hầu từ đó ta quyết sống theo gương mẫu mình học được. Nói về tương quan
ta có với người đời trong hạnh phúc, sướng vui, có thể là nói như người nghệ sĩ
ở đâu đó, hát câu sau đây:
“Kìa trăng sáng ngời
Đêm rằm Trung, Trung (ứ ư ư) Thu.
Đời vui trống ròn
Tiếng ca lẫy (ý y y) lừng
Từ ngõ ngách làng
Đèn đuốc rước triền miên
Bao người đóng góp
Vui chung một (ư ừ ư) miền.”
(Phạm
Duy – bđd)
Nói như người đời, cho dễ hiểu, về
hạnh phúc/sướng vui trong tương quan với mọi người, còn là nói và kể những câu
truyện cổ tích rất hợp thời mà người đời vẫn nhớ đến, như một minh hoạ cho vấn
đề mình đặt ra, như sau:
“Sống trên đời, bao
giờ cũng chỉ có hai chuyện để lo và phải lo thôi:
Hoặc mình khỏe mạnh
hoặc đau yếu. Nếu khỏe mạnh, thì chẳng có gì đến phải lo lắng hết
Nếu đau yếu, thì có
hai điều phải lo lắng:
Hoặc mình sẽ được bình
phục hoặc sẽ chết. Nếu bình phục, thì chẳng có gì phải lo lắng hết.
Nếu rồi ra ta cũng chết,
thì sẽ có hai điều phải lo lắng.
Hoặc lên thiên đàng
hoặc xuống địa ngục. Nếu lên thiên đàng, thì chẳng có gì phải lo.
Nếu xuống địa ngục,
thì sẽ bận tíu tít lên mà bắt tay từ biệt bạn bè cũ/mới, và như thế làm gì còn
thì giờ đâu nữa để mà lo với lắng.
Bởi thế nên, chuyện gì khiến bạn và mình
phải lo lắng đến như thế, nhỉ???”
Đó là câu nhắn của người kể truyện. Cũng có thể là sự
thật trong đời mà người kể từng có kinh nghiệm sống qua, khi lo lắng đến hạnh
phúc/sướng vui trong đời. Nói cho cùng, cuộc đời chừng như lúc nào cũng tràn
đầy mọi sướng vui, hạnh phúc. Đó là điều ta nên nhận thức mà nắm bắt, chẳng cần
hỏi ai. Chẳng cần nghiên cứu nhiều cho bận tâm và mất sức. Phải thế không bạn?
Phải thế không tôi, hỡi mọi người!
Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn cứ tự bảo mình những điều như
thế
để sống vui, suốt một đời.
Rồi hát vang những lời như sau:
“Vàng lên cánh đồng
Khi trời vươn ánh (ứ ư ư) dương
Trẻ thơ nhớn dậy
Giữ quê, giữ (ứ ư ư) vườn
Đời vui thái bình, cây lúa sớm trổ bông
Cỏ ngàn thơm phức, trâu ăn đầy (y ỳ y) đồng….”
(Phạm Duy – bđd)
No comments:
Post a Comment