Saturday, 3 March 2012
“Em ơi, mỗi chiều cuộc đời mỗi xiêu,”
Chuyện phiếm đọc trong tuần thứ 3 Mùa Chay năm B 11.03.2012
“Em ơi, mỗi chiều cuộc đời mỗi xiêu,”
“Nhưng em mỹ miều, lòng ta cứ yêu.
Này ta dệt chiếu, chờ em yêu kiều,
Này ta dệt gấm, mời em sang nằm .”
(Quốc Bảo – Bài Tình Cho Giai Nhân)
(1 Ga 3: 11, 14-15)
Chỉ nghe lời này thôi, hẳn người người đều nghĩ: người “em mỹ miều” hát ở đây: là giai nhân cho anh thân mật. Nhưng nếu nghe lời dặn ở dưới, chắc bạn và tôi hẳn sẽ không còn hỏi: người em mình là ai? Người anh mình ở mãi đâu? Nơi nào? Như thánh nhân nhà Đạo lại đã bảo:
“Quả thế,
đây là lời loan báo:
anh em nghe từ lúc khởi đầu:
chúng ta hãy yêu thương nhau.”
(1Ga 3: 11b)
Và thêm nữa, một lời hứa cùng nhận định:
“Chúng ta biết rằng:
chúng ta đã từ cõi chết bước vào sự sống,
vì chúng ta yêu thương anh em!
Kẻ không yêu thương, sẽ ở lại trong sự chết.
Phàm ai ghét anh em mình, ấy là kẻ sát nhân.
Và anh em biết: không một sát nhân nào
có được sự sống đời đời ở trong nó. “
(1 Ga 3: 14-16)
Nhận định hoặc hứa hẹn về cuộc đời của con người, không là chuyện chém giết như anh em nhà Abel & Cain nói ở trên. Cũng chẳng là lời ca hôm nào gồm những giết và giết: “giết người đi! giết người trong mộng đã bội thề..” Nhưng lại là lời khuyên rất tận tình khiến bọn mình, dù có Đạo hay không, vẫn cứ yêu thương nhau như anh em, một nhà. Lời nhắn hôm ấy, còn như lời tự nhủ khi xưa nghệ sĩ hát:
“Em rất buồn mà tình cứ ươm,
Thân ta đã buồn, mà lòng vẫn son.
Con trăng rất tròn, dù lòng héo hon,
Thương vẫn trọn, chẳng oán không hờn.”
(Quốc Bảo – bđd)
Nhạc tình ở ngoài đời, thời vẫn thế. Cuộc tình người ở với đời, vẫn cứ gồm những nhạc bản, không phải vậy nên vẫn buồn! Buồn một nỗi, cuộc đời mình nay không chỉ thấy mỗi lời ca diễn tả chuyện “Thương vẫn trọn, chẳng oán không hờn”, mà là: “Thân ta đã buồn, mà lòng vẫn son..” Và: “Con trăng rất tròn, dù lòng héo hon…”
Trăng hôm nay, không chỉ ở tròn tròn và gọn lỏn ở trên trời cứ đeo đuổi loài người để chiếu ánh sáng vui. Nhưng, “con trăng” còn là ánh sáng lung linh/héo hắt, vẫn chiếu dọi cung lòng người con người em, cùng cháu chắt nay có vấn đề thê lương, nghê thường, buồn bã.
Chuyện thê lương, nghê thường chốn ngày buồn, là chuyện xảy đến với đàn em “mỹ miều”, “lòng ta cứ yêu” không kịp cản ngăn ở phố chợ. Nơi phố chợ đường đời hôm nay, có những điều xem ra rất đáng sợ. Sợ đến độ, các đấng bậc có trọng trách những cương thường và đạo đức đều chắc phải lên tiếng để người người cảnh tỉnh và bận tâm.
Nói “bận tâm”, chẳng qua là để nhấn mạnh về sự thể đang xảy đến với dân con ở huyện bên nước bạn, hoặc đâu đó. Chuyện cần bận tâm bàn luận, vẫn là chuyện mang tính khẩn thiết/gấp rút, rất như sau:
“Qua điều tra/tìm hiểu, Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ vừa cho biết: hiện thời nạn buôn nô lệ tình dục đã trở thành kỹ nghệ tăng nhanh vào hạng nhì, chỉ sau có mỗi kỹ nghệ buôn bán ma tuý mà thôi. Tuy nhiên, tính cách nghiêm trọng và nguy cập của sự việc, là: nội kỹ nghệ này thôi, nếu tính bình quân đã thấy phân nửa số nạn nhân đành “chịu trận” là con trẻ. Cụ thể thì, trong tổng số 2,215 vụ việc phát hiện năm 2010 ở Mỹ, đã thấy hơn 1,000 con trẻ là nạn nhân.
Cơ quan Liên Hiệp Quốc có chức năng, ước tính rằng kỹ nghệ buôn bán con trẻ làm nô lệ tình dục hoặc lao động trên thế giới nay đem lại cho các tay buôn số lợi nhuận lên đến 32 tỷ Mỹ kim. Phân nửa số tiền này, hầu hết đến từ nước kỹ nghệ hoá, thấy rất rõ.” (xem Carolyn Monihan, Enslavement of children, right under our noses, MercatorNet.com 03/02/2012)
Ở các trường hợp tương tự, chừng như truyền thông/báo chí chẳng thiết tha gì chuyện “khẩn báo” để quần chúng biết mà thay đổi, như trường hợp ấu dâm/xâm phạm tiết hạnh trẻ nhỏ do một số linh mục Công giáo từng mắc phải. Thi thoảng, mới thấy đôi vị tìm cách tiếp cận báo đài như tác giả Nicholas Kristoff từng có bài viết trên Nữu Ước Thời Báo luận bàn về tệ trạng buôn trẻ nhỏ ở tuổi vị thành niên để bán sang các nước quanh vùng Đông Nam Châu Á, như Thái Lan để bắt trẻ phục vụ tình dục cho kẻ mua dâm.
Đáng sợ hơn, chuyện thấy rất rõ là: chiều hướng này ngày một gia tăng không thua gì nạn buôn bán ma tuý ở nhiều nơi trên thế giới. Buôn trẻ nhỏ, một phần là do nhu cầu của những kẻ no cơm ấm cật rậm rật mọi nơi được phim ảnh/quảng cáo kích bốc lên mà dỗ dụ. Một yếu tố khác không kém phần quan trọng từng dung túng tệ trạng này, là: một số quốc gia ở trời Tây nay vẫn nhẹ tay với kỹ nghệ này. Người dân ở các nước có nền luật pháp nới lỏng mọi chuyện, vẫn nhẹ tay coi đó là chuyện hợp pháp hầu giải quyết tình trạng thất nghiệp hoặc nhân dụng. Nên, gọi đó trò bịp bợm/lừa đảo kẻ lành/người ngay, cũng không sai.
Bởi vậy, nghệ sĩ nhà mình chừng như rất chán ngán nên mới có câu ca tiếng hát rất như sau:
“Chân em rất dài, thị thành ngất ngây,
Vai em rất đầy, ngủ vùi tóc mây.
À ơi ngọt tiếng gọi Xuân trăm miền,
À ơi đời úa, cần em sang mùa.
Ai lên đường thả tình bốn phương,
Ới ai vô thường lòng ai khó lường,
Lòng ai trễ muộn…”
(Quốc Bảo – bđd)
Thật ra, được mấy ai “vô thường” “lòng ai khó lường” mà ới gọi? Thật sự, dù có ới và có gọi rất nhiều lần, đã chắc gì có người mạnh dạn ra tay cứu vớt? Có chăng, lại thấy những người cứ bảo: việc này vẫn tràn lan ở đâu đó, nền văn minh/văn hoá cứ coi nhẹ đàn bà và con trẻ. Lại nhiều nước, vẫn cứ vì lợi ích chính trị, đảng phái nên đã gạt sang một bên, chuyện nhân quyền hay dân quyền để rồi dồn mọi người vào chỗ bế tắc, rất khó chữa.
Laị nữa, nhiều bế tắc ở địa hạt di dân bất hợp pháp, lại cũng tiếp tay cho tệ nạn này bằng các dịch vụ xuất khẩu lao động để trả nợ, hoặc kiếm sống. Thôi thì, đủ mọi tệ nạn đang nở rộ khắp dân gian, bất kể nạn nhân trong cuộc có ra sao, hoặc thế nào cũng “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”, thôi.
Nhiều trường hợp, người bàng quan không những chẳng bận tâm đến những chuyện không liên quan đến riêng mình, lại còn đổ vạ cho hậu quả do sự việc cha mẹ ly thân/ly dị, rất khó xử. Một điều tra/nghiên cứu mới đây còn cho biết: ly dị, là thủ phạm gây ra những tai hại khó lường cho toàn thể gia đình, đặc biệt hơn cả là trẻ em.
Theo Patrick F. Fagan và Aaron Churchill thuộc Ban Khảo Sát Nghiên Cứu Gia Đình thuộc Viện Nghiên Cứu về Tôn Giáo và Gia Đình ở Mỹ, còn chủ trương cho rằng: Chính ly dị đã vùi sâu đám trẻ nhỏ xuống bùn đen mà chúng không tài nào ngóc đầu lên được. Theo họ, chuyện ly thân/ly dị vô hình chung đã làm giảm thiểu khả năng có được tương lai trong sáng nơi con trẻ. Đặc biệt hơn cả, là ở năm địa hạt chức năng quan trọng trong xã hội, như: gia đình, trường học, đạo giáo, thị trường và chính quyền.
Bằng ngôn từ đầy đổ vấy, bản tường trình của nhóm nghiên cứu còn nói rõ:
“Chuyện ly dị thường kéo theo những vỡ đổ trong cung cách giải quyết mọi xung đột, giảm thiểu chức năng xã hội của con cái và với con trẻ, nó còn làm cho bé gái mất đi rất sớm trinh tiết quý báu, cũng như làm suy sụp tính nam nhi đầy chí khí hoặc tính dịu dàng của phụ nữ nơi đám trẻ mới trưởng thành. Việc ấy còn kéo theo hậu quả rắc rối trong việc hẹn hò nam nữ, cùng nhau chung sống hoặc làm việc; con trẻ lớn lên càng có khuynh hướng lại cũng ly thân/ly dị như cha mẹ, trong cuộc đời về sau.” (xem thêm William West, How Divorce ruins children’s lives, MercatorNet.com 31/01/2012)
Cũng có thể, sự thể ở đời không hẳn là như thế. Không như thế, tức: chưa đã bi quan, bi đát và bi thảm đến độ ấy. Không như thế, còn có thể là khác thế, hoặc không đến nỗi tệ, như vừa kể. Cũng có thể, có vị còn đi xa hơn với quan niệm rất bi thiết đối với phần đông các vị thức giả, ở ngoài đời.
Cũng có khi, vì một lý do nào đó rất khó biết, nhiều vị còn tỏ bày lý do tuy đơn giản nhưng khó chấp nhận, như quan niệm của Kirsty Young người Tô Cách Lan dám tuyên bố rằng cô chẳng muốn con cái mình được hạnh phúc, lý do là bởi, theo ý cô, “Cuộc đời con người quá ư là phức tạp… ngày càng phức tạp hơn khi nào hết.” Để mọi người hiểu rõ điều cô muốn nói, cô còn biểu tỏ:
“Tôi chẳng hề muốn con cháu mình được hạnh phúc. Đơn giản chỉ vì, chúng đã quá may trong mọi chuyện rồi, nay lại còn muốn có thêm hạnh phúc nữa, thì làm sao mà toại nguyện được! Thật tình, tôi chỉ muốn cho chúng lúc nào cũng hài lòng với hiện tại, với những gì chúng đang có và có được những gì mình xứng đáng để có, thôi.” (x. Carolyn Monihan, Should we desire happiness for our Children, MercatorNet.com 01/02/2012)
Nếu chỉ nói có thế, thì hiển nhiên chẳng có gì liên quan đến tình trạng thống khổ của con trẻ trên thế giới, rất hiện thời. Thế nhưng, theo nhận xét của tác giả bài báo nói trên, thì: sở dĩ Kirsty Young nói thế, là để phản ứng lại nỗi ám ảnh của hầu hết người dân Anh sau quyết định của chính quyền David Cameron sẽ để ra 1.5 triệu Sterling để nghiên cứu khảo sát xem người dân Anh hiện có hài lòng với đời sống của họ hiện thời không.
Thế đó, là chuyện ngoài đời. Thế thì, chuyện trong Đạo sẽ ra sao?
Nhắc chuyện Đạo, thường là nhắc dân con đi Đạo nhờ về với Lời Vàng Chúa vẫn dạy, ở Tin Mừng. Còn nhớ, bàng bạc trong trong Tin Mừng Nhất Lãm, các tác giả vẫn diễn tả cuộc sống của Hội thánh thời ban sơ thế kỷ đầu, có những câu, những lời khiến người người để giờ ra mà suy tư với suy nghĩ. Suy và nghĩ, những khuyên răn hoặc lập trường rất để đời như sau:
“Kẻ nào nên cớ vấp phạm cho trẻ nhỏ đã tin vào Ta
thì thà nó bị khoanh cối lừa kéo treo cổ
và nhận chìm đáy biển còn hơn.”
(Mt 18: 6)
Như thế, hiện thời trên thế giới, người ta không chỉ nên cớ vấp phạm cho trẻ nhỏ, mà thôi; nhưng đã và đang giết chết các trẻ nhỏ -tức con em hoặc cháu chắt trong nhà Chúa, tức Nước Trời- chỉ vì tiền hoặc do dục vọng đang kích bốc.
Chừng như con người ngày nay không còn sợ cảnh “khoanh cối lừa kéo treo cổ, mà thả biển” nữa mất rồi. Bởi, luật pháp ngoài đời, làm gì còn cho phép thi hành các biện pháp trừng trị, vì phạm luật dễ sợ đến là thế!
Thế nhưng, nghệ sĩ xưa là những người vẫn “vơ vẩn cùng mây”, lại cứ ngất ngây những ca từ, như:
“Em rất mềm, dậy nghìn sóng lên.
Em trông rất hiền, lòng sao chóng quên.
Con trăng tiếc em, ngày rằm réo tên.
Con trăng đã hẹn, ngàn kiếp cũng đền.”
(Quốc Bảo – bđd)
Thật ra thì, hát là hát thế. Chứ nghệ sĩ nào dám bảo “Con trăng đã hẹn, ngàn kiếp cũng đền!” . Bởi, bé em từng là nạn nhân của những mua bán dục tình, đầy nô lệ rồi thì làm sao còn đền được, chứ. Có đền chăng, chỉ là đền vào kiếp sau, khi đã tu ngàn kiếp với trăng sao thôi.
Thật ra, đây cũng chẳng là quan niệm/lập trường của riêng ai. Mà, chỉ là những trộm nghĩ của bạn đạo ngồi buồn phiếm cảnh, phiếm tình vẫn lình xình, nhiều luận cứ. Luận gì thì luận. Phiếm gì thì phiếm. Phiềm hoài phiếm mãi cũng thấm mệt. Chi bằng, về với “ao ta” mà thư giãn, với thả lòng bằng những truyện kể, như sau:
“Truyện trao đổi giữa Bút Chì và Cục Tẩy, như Mẹ và Con:
Bút chì: Con xin lỗi!
Cục tẩy: Vì cái gì thế, con yêu? Con có làm gì có lỗi đâu.
Bút chì: Con xin lỗi vì mẹ phải chịu đau đớn vì con. Bất cứ khi nào, con phạm phải sai lầm, mẹ lại luôn ở đó sửa sai giúp con. Nhưng khi mẹ làm điều đó, mẹ lại làm hại chính mình. Cứ mỗi lần như thế, mẹ lại ngày càng bé hơn.
Cục tẩy: Điều đó đúng! Nhưng bé ơi, mẹ chẳng phiền đâu. Con nhìn xem, mẹ được sinh ra để làm việc này mà. Mẹ được sinh ra để giúp con bất cứ khi nào con phạm phải sai lầm. Mặc dù mẹ biết ngày nào đó mẹ sẽ mất đi và con sẽ thay thế mẹ bằng người khác nhưng mẹ vẫn rất vui với những gì mẹ đã làm. Vậy nên, đừng lo lắng nữa nha! Mẹ ghét nhìn thấy con buồn lắm.
Tôi đã tìm thấy mẫu đối thoại nhiều xúc cảm này giữa cây Bút chì và Cục tẩy. Cha mẹ cũng giống như Cục tẩy này vậy và ngược lại con cái là những cây Bút chì. Họ luôn có mặt vì bọn trẻ và sửa chữa những sai lầm của chúng. Thỉnh thoảng vì điều đó, họ phải chịu đau đớn, họ trở nên "bé" đi (già đi và thậm chí chết đi). Và dù cho bọn trẻ rồi sẽ tìm thấy một ai đó khác thay thế (vợ/chồng) cha mẹ vẫn rất hạnh phúc vì những gì họ đã làm cho con cái mình, hiển nhiên rất ghét phải nhìn thấy những báu vật quý giá của họ lo lắng hay phiền muộn.
"Suốt cuộc đời mình, tôi đã luôn là cây bút chì. Và điều đó làm tôi đau đớn khi nhìn thấy những cục tẩy - ba mẹ mình - lại bé đi mỗi ngày. Vì tôi biết một ngày nào đó, còn lại với tôi chỉ là những vụn tẩy và những kỷ niệm tôi có với họ."
Nghe truyện “nhân-cách-hoá” kể ở trên, có thể bạn và tôi, ta thấy rằng truyện kể không liên quan nhiều lắm với vấn đề bàn ở đây. Nhưng, người kể truyện nay thêm một lời bàn, rằng: người người chỉ lo toan chuyện kinh doanh buôn bán trong cuộc đời, dù tốt xấu. Mọi sự xấu trên đời như thể chuyện “buôn con trẻ để chúng làm nô lệ tình dục, hoặc lao động”, cũng là chuyện không nên để nó tiếp tục xảy đến mà không tìm cách ngăn chặn, ngay lúc mình còn sống.
Kể truyện xong, nay mời bạn và mời tôi, ta hát thêm đôi câu như lời bàn cho bài phiếm, mà rằng:
“Ơi em mát rượi, đẹp màu lụa tươi
Mong em nói cười, nhẹ nhàng thảnh thơi..”
(Quốc Bảo – bđd)
Nghe được tiếng nói/giọng cười của người em nhỏ, ở đâu đó rồi hẳn bạn và tôi rồi cũng sẽ nhận ra rằng: bao lâu còn có tiếng cười của bọn trẻ nhỏ, lúc đó ta vẫn còn lý do để sống nhanh, sống mạnh, sống xứng hợp với bọn nhỏ. Cho bọn trẻ khắp nơi. Mọi thời. Như bây giờ.
Trần Ngọc Mười Hai
Cứ luôn phiếm và vẫn luận
để mong tìm thấy giọng cười nơi bọn trẻ
rất tươi vui. Đầm ấm.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment