Saturday 17 March 2012

“Bao nhiêu nàng tiên nỉ non,”


Chuyện phiếm đọc trong tuần thứ Năm Mùa Chay năm B 25.03.2012

Bao nhiêu nàng tiên… nỉ non,”
Làm huyên náo, Thiên Đường lạnh lẽo.”
(Phạm Duy – Cành Hoa Trắng)
(Mt 25: 31-46)
Thiên Đường” đã có “nàng tiên nỉ non” rồi, sao “lạnh lẽo”? Hay, đó chỉ là tư tưởng vụt thoáng cũng rất xưa của nghệ sĩ già họ Phạm? Thế còn, lập trường nhà Đạo thì sao? Vẫn trẻ trung kiểu “Vũ Như Cẫn” tức “vẫn như cũ” đấy chứ!
Nhà Đạo lâu nay quan niệm “Thiên Đường là đây”, như sau:

Trong lời Chúa Yêsu thấy rõ: Nước Thiên Chúa tuy sẽ đến, nhưng cũng là ơn huệ cánh chung xuất hiện trong đời Chúa Yêsu được dạm ban cho người ta. Ai chịu lấy quà tặng và được dẫn dắt trong đời sống thực tế, như những người nhận được quà đó, nghĩa là tin vào Cha, thì kẻ đó sẽ chịu lấy như trẻ con nhận quà nơi tay Cha mình. Nước Thiên Chúa không dựa trên những dữ kiện người ta phải có, đã ban cho trẻ con, là kẻ chưa có thể vịn vào công nghiệp gì ở đời mình: đó là đạo lý lạ không thấy ở tôn giáo nào khác. 

Vậy Nước Thiên Đường mà Chúa Yêsu rao giảng là ơn cứu rỗi vừa sẽ đến, vừa hiện tại. Đó là nghịch lý gặp ở Chúa Yêsu buổi sinh thời của Ngài: Ngài là Đấng Mêsia đã có mặt (nhưng trong hèn hạ), mà cũng là Đấng Mêsia sẽ đến trong vinh quang.

Hội thánh cũng có tính nghịch lý tương tự như thế: cộng đoàn nhân loại gồm những người tội lỗi, nhưng cũng là cộng đoàn cánh chung được hưởng ơn cứu độ, Thiên Đường.” (x. Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR, Mặc Khải Cứu Rỗi: Chúc Lành Cho Trẻ Con, Tài Liệu Giảng Huấn Phổ Biến Nội Bộ, www.giadinhanphong.blogspot.com 15.02.2012)

            Thần học gia nhà mình thường quả quyết như thế. Tuy nhiên, thời buổi này, vẫn có nhiều đấng bậc vị vọng lại cứ quan niệm Thiên Đường/Hoả ngục rất ư là “trần tục”. Trần và tục, đến độ các đấng tuy có dựa vào Kinh Sách để biểu trưng, nhưng hãy cứ để mắt xem các cụ lý luận/biện bạch rất “huyên thuyên” nói rất mạnh nhưng chẳng thuyết phục được bao nhiêu người trẻ, thời hôm nay. Tuy nhiên, trước mắt, cũng nên lẳng lặng mà nghe thêm ca từ nghệ sĩ già nhà ta vẫn từng hát:

            “Trời đầy cô tiên nữ
Xuống đầu thai thành hoa
Giữa đêm mờ, hoa nở ngát hương
Người về trong đêm tối
Ôm cành hoa tả tơi
Bóng in dài gác đời lẻ loi.”
(Phạm Duy – bđd)

            Nghe hát xong, nay đề nghị bạn và tôi, ta nghe tiếp những phán quyết ỉ ôi kiểu “ôi thôi rồi nồi xôi” như sau:

“Theo tôi hiểu, thì bạn rất thương mến các linh hồn ở chốn hoả hào nên mới cầu nguyện cho họ đến như thế. Nhưng ở đây, tôi phải lên tiếng nhắn bảo rằng: có cầu nguyện cho các linh hồn nhiều như thế, cũng không mấy cần thiết. Bởi, Chúa và Giáo Hội ta từng khẳng định rằng: việc Chúa trừng phạt linh hồn khi chết đi mà trong lòng còn vương vấn tội trọng thì sẽ bị đẩy vào chốn hoả ngục triền miên vĩnh cửu, không bao giờ có thể ra khỏi được.

Tin Mừng vẫn còn ghi lời Chúa nói:

“Hỡi quân bị nguyền rủa kia, hãy đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống… Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời." (Mt 25: 31-46)

Dựa vào lời Chúa ở trên cũng như nhiều đoạn khác trong Tin Mừng, Hội thánh không ngừng răn bảo con cái mình về việc các linh hồn bị giáng phạt nơi hoả ngục cách triền miên, xuyên suốt như sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo còn viết thêm: “Giáo huấn Hội thánh vẫn khẳng định sự hiện hữu của hoả ngục và tính miên trường của chốn này.” (xem GLHTCG đoạn 1035)

Thật khó mà hiểu rõ ý niệm này cho rành rọt. Hãy cứ để qua một bên chuyện thực hư nơi lập trường ấy. Bởi, đây nói đến chuyện các linh hồn chịu thống khổ nơi ngục thất đầy những lửa như một trừng phạt đời đời và không hy vọng có ngày ra khỏi. Hơn nữa, nỗi thống khổ chịu hình phạt như thế sẽ còn tệ hơn bất cứ khổ đau nào khác mà con người chịu đựng trên trái đất.

Nghe thế, hẳn có người sẽ bảo: làm sao Đấng đầy lòng xót thương như Chúa lại nỡ lòng giáng phạt các linh hồn vào chốn lửa nóng đời đời như thế được? Câu trả lời, thật đơn giản: sở dĩ có chuyện ấy là vì chính con người tự chọn cho mình hình phạt ấy chứ chẳng phải ai. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo cũng giải thích thêm: ”Khi con người chết đi mà trong lòng vẫn tràn đầy những tội mà không biết ăn năn hối cải cùng đền tội cho phải phép, ngõ hầu được Chúa xót thương, thì như thế có nghĩa: người ấy sẽ phải xa rời Chúa một cách vĩnh viễn. Việc này do con người tự mình chọn lựa. Trạng thái tự tách rời Chúa và các thánh cách vĩnh viễn, Hội thánh gọi đó là chốn ngục tù nóng bỏng, tức hoả ngục.” (xem. GLHTCG đoạn 1033)

Bằng một chọn lựa chung cuộc trước khi chết, người sắp chết hiểu rằng việc mình chấp nhận xin Chúa tha thứ tội khiên bằng cách xưng hết các tội còn sót lại, mới thoát khỏi chốn khổ hình vĩnh viễn, bằng không cũng chẳng có cách gì đảo ngược được quyết định ấy hết. Hệt như thế, các thiên thần xấu xa tồi tệ đã hiểu rõ là nếu họ không nghe lời Chúa thì họ cũng xa cách Chúa mà vào chốn ngục tù trọn đời mãi mãi.” (x. Lm John Flader, Question Time, The Catholic Weekly 05/02/2012 tr. 10)

            Hẳn những ai theo dõi mục hỏi/đáp đầy giáo luật này, sẽ mất đi tính hồn nhiên tươi trẻ, để rồi lại sẽ lo âu/hãi sợ. Nhưng, (lại chữ “nhưng”quan trọng) rằng: chắc ngày nay cũng chẳng có nhiều người còn thắc mắc chuyện thiêu đốt, nóng bỏng nữa. Có lẽ họ vẫn tin chắc Chúa lòng lành vô cùng Ngài vẫn thương xót kẻ tội lỗi đầy mình, đâu nào dám tin vào lời của đức thày ở trên dù thày rất giỏi về tu đức và giáo luật!
Chừng như các thánh viết Tin Mừng đều diễn tả tình Chúa xót thương chiên đàn bé nhỏ nên mới viết là: Ngài đã bỏ mặc 99 chiên con hiền lành ở đó, để đi tìm chỉ mỗi chú chiên bê bối dám cả gan phạm lỗi bỏ đàn chiên ngoan mà phạm tội đi hoang.
Thế nên, giới trẻ nay lại sẽ xa rời đấng bậc mục tử chuyên hù doạ, để về với giòng nhạc đầy tươi mát hát rằng:

            “Một đàn chim tóc trắng
Bay về qua trần gian
Báo tin rằng: Có Nàng Giáng Hương
Nàng ngồi trên cung vắng,
Trong một đêm tàn trăng,
Phá then vàng bước vào vườn hoang.
Không gian tràn dâng niềm thương
Rồi tiếng hát suôi cuộc tình duyên…”
(Phạm Duy – bđd)

            “Không gian tràn dâng niềm thương” hôm nay có là Thiên đường là Nước Trời hoặc có hoả ngục là lòng người gian ác ở trần gian không, vẫn còn đó bóng dáng Nàng Giáng Hương thiên thần trên cung vắng, vẫn đón chờ mọi người. Chính vì thế, nên đức thày nay thấy ngượng bèn lại có lời thêm thắt gỡ gạc, rất đôi câu: “Dĩ nhiên, ta sẽ hỏi: nếu linh hồn tội lỗi phải vào chốn tù ngục đầy lửa nóng thì còn đâu lòng thương xót của Chúa?
            Thêm và thắt, hay thêm rồi thắt, là lập trường của các cụ Đạo rất cổ và rất hủ, vẫn biện luận:

“Trước hết, lòng xót thương của Chúa được thấy nơi việc Chúa chịu khổ hình và nỗi chết trên thập giá là để cứu rỗi linh hồn. Như Đức Giêsu có nói ở Tin Mừng thánh Gioan rằng: “Không có lòng mến nào lớn hơn là thí mạng sống mình vì bạn hữu. Các ngươi là bạn hữu của Ta, nếu như các ngươi làm điều Ta vẫn truyền dạy.” (Ga 15: 13-14)

Lòng Chúa thương con người biểu lộ ngang qua cuộc sống của chúng ta khi Ngài ban cho ta mọi ân huệ ta cần và đem ta trở về với Ngài khi ta sa ngã và xin Ngài tha thứ. Ngài sẽ thứ tha cho ta cả ngàn lần trước khi ta đi vào cõi chết. Đó mới là xót thương.

Cuối cùng thì, lòng thương xót của Chúa được tỏ lộ ngay ở việc giáng phạt linh hồn vào chốn hoả ngục; ở đó, các linh hồn đã không phải gánh chịu khổ nhục do tội lỗi của họ đáng lẽ ra còn đáng bị phạt nặng hơn nữa. Nếu ai nghĩ rằng tội của mình xúc phạm đến tình thương yêu vô bờ và lòng nhân lành của Chúa, ắt sẽ hiểu được nỗi thống khổ muôn kiếp cũng không đủ để họ dám vi phạm chỉ một lỗi nặng thôi. Bởi thế nên, Thiên Chúa vì lòng nhân lành xót thương của Ngài, đã cho phép các linh hồn trong chốn hoả ngục chịu đau khổ ít hơn là tội lỗi của họ đáng lý còn phải chịu nhiều hơn thế.

Thánh Catarina thành Gênôa có viết trong cuốn “Lửa Tình Thương” (nxb Sophia Institute Press 1996) như sau: “ Đối với người chết trong tội lỗi lẽ đáng phải chịu thống khổ cách vô biên trong thời gian kéo dài vô tận; nhưng vì Chúa lòng lành hay thương xót, nên Ngài biến sự vô tận để cho linh hồn có thời gian hạn định và làm bớt nỗi khổ trong cường độ nào đó, thôi. Cứ thẳng thừng mà giáng phạt theo lẽ công bằng, thì Chúa lẽ đáng ra sẽ còn đem đến cho linh hồn ấy nhiều khổ đau hơn.” (xem Ln John Flader, Question Time, The Catholic Weekly 05/02/2012 tr.10)

            Cứ nhìn vào ngày giờ đức thày viết bài trên, người đọc chắc sẽ phải khóc thét lên mà khiếp sợ. Sợ, tính căng thẳng của lý sự về luật và luật. Nhất thứ, luật ấy mang tính chất rất Đạo. Nói về lòng thương vô bờ bến của Chúa, mà lại nói về luật và lệ của người xưa như thánh nữ Katarina, e khó thuyết phục được giới trẻ. Và, nguy hiểm nhất là đấng bậc nói về luật mà lại quên mất luật tình thương yêu vô bờ Chúa dạy, há nào nói về luật mà quên mất lệ.  
            Kỳ thực, thì luật và lệ của tình thương như Kinh thánh nói, là như sau:               
 
            “Cả anh em nữa,
xưa kia anh em là những người xa lạ,
là thù địch của Thiên Chúa vì những tư tưởng
và hành động xấu xa của anh em.
Nhưng nay nhờ Đức Giêsu là con người bằng xương bằng thịt đã chịu chết,
Thiên Chúa cho anh em được hoà giải với Người,
để anh em trở nên thánh thiện tinh tuyền
và không có gì đáng trách trước mặt Người.
Anh em chỉ cần giữ vững đức tin,
cần được xây dựng vững chắc,
kiên quyết và đừng vì nao núng mà lìa bỏ niềm hy vọng anh em đã nhận
khi nghe loan báo Tin Mừng.”
(Cô 1: 21-22)

            Thật ra thì, vấn đề đặt ra hôm nay, cho tôi và cho bạn, là: người đọc Tin Mừng hôm nay dù đã thâm niêm tu trì hoặc mới chỉ đang lớn, lớn người lớn xác lớn cả tinh thần, thì không thể và không nên coi Lời Chúa nói ở các chương đoạn trong Kinh Sách như một câu nói lịch sử hoặc một dữ kiện mang tính khoa học rất có thực, rất hiện đại như vi tính, vv. Mà, chỉ nên xem tác giả Tin Mừng muốn truyền đạt điều gì qua giòng chữ hoặc ý từ đặt để cho Chúa nói.
            Nói khác đi, Tin Mừng do các thánh viết vào thời điểm trên dưới 4 thập niên sau khi Đức Giêsu quá vãng, về với Cha. Và, thiên đường/hoả ngục mà các thánh diễn tả ở Tin Mừng đâu có là thời gian hoặc không gian/nơi chốn có lửa nóng cháy hoặc có khói, bao giờ. Dù lửa đó có là lửa ngọn hay lửa điện từ, điện tử, vi tính cũng đâu đốt cháy được linh hồn đâu mà sợ. Linh hồn là ý nhiệm tâm linh chứ đâu là xác thể vật chất, để sẽ bị đốt cháy thiêu rụi cả ngàn đời! Vậy, cũng nên hiểu rõ đại ý của tác giả khi viết Tin Mừng là doãn lại lời Đức Giêsu Kitô trong bối cảnh/ngôn ngữ thời Chúa sống.
            Nói chung, cũng nên hiểu thiên đường/hoả ngục như trạng huống tốt/xấu, phúc/hoạ rất nghĩa bóng mà thôi. Nói về nếp sống tốt lành rất thiên đường, là phải nói như vị thày triết và thần học ở Đại học Công giáo miệt dưới rất Melbourne của nước Úc là Lm Andrew Hamilton sj, cũng từng viết và nói như sau:

“Xã hội nào cũng có những đường lối tư riêng để khích lệ mọi người đối xử tử tế với nhau. Họ đề cao thăng tiến các nhân vật tiêu biểu để vinh danh và cũng để nói cho mọi người biết mà sống cho đúng chức năng của mình cho đáng sống. Sống cho vui, cho đúng, rất đáng phục.
Kinh Sách cũng đem đến cho ta nhiều tài nguyên nhu liệu để suy nghĩ. Sách Cựu Ước trưng rất nhiều nhân vật tiêu biểu , như: Abraham, Môsê là những vị chung thuỷ đến tận cùng. Như: Tôbit là vị gia trưởng khá năng nổ, sùng đạo. Trong khi đó, bà Giuđita lại hy sinh tâm tình của riêng mình vì lợi ích của toàn dân.
Các sách Cựu Ước lại bao gồm một loạt các bộ luật để hướng dẫn dân con mọi người sống cho tốt, cho vui với mọi người. Mười điều Giáo lệnh chỉ là một trong các ví dụ cụ thể, thôi. Sách Khôn ngoan phản ánh những gì được quan niệm để trở nên người tốt và còn cho ra những phương châm nhằm diễn tả người tốt phải hành xử ra sao trong công việc, đời sống hôn nhân, gia đình và giữ Đạo.
Thế nhưng, ở Cựu Ước điểm chính yếu để trở thành người tốt lành không nằm ở những việc mình làm cho bằng ở tinh thần giúp mình thực hiện việc sống tốt lành. Người người thời Cựu Ước vẫn sống trong cảm kích về những gì Chúa đã làm cho dân Israel. Chính nhờ vào quan hệ đầy cảm kích đối với Chúa đã đem đến cho mọi người hơi ấm nồng nàn và lòng độ lượng được gán kết với chúng dân vẫn sống tốt lành…
Tân Ước cũng bao gồm một trộn lẫn các nhân vật tiêu biểu, các giáo huấn khôn ngoan và luật lệ giúp ta hiểu thấu đáo việc sống tốt lành là thế nào. Các tác giả Tin Mừng vẫn kể nhiều truyện về Đức Giêsu sống hiền lành khiêm nhượng biết chừng nào. Những vị như người Samaritanô tốt lành và người con hoang tàng để giúp ta sống cho đúng, cho tốt.
Thế nhưng, trọng tâm của việc sống cho tốt không tuỳ thuộc việc tuân thủ luật lệ hoặc làm những điều vẫn được bảo. Mà, là tuỳ vào việc ta cảm kích biết ơn Chúa vì những gì Ngài đã làm cho ta, ngang qua Đức Giêsu Kitô. Cảm kích biết ơn đối với Chúa và tình thân thương với Đức Giêsu là cung cách giúp ta đến với Chúa. Là, hơi ấm cho cuộc sống ta đang sống. Là, bổn phận ta phải thực hiện để sống cho tốt.
Trong Hội thánh Nước Trời, ta vẫn khuyến khích nhau sống cuộc sống cho tốt. Các thánh vẫn là mẫu mực để ta học đòi bắt chước. Các vị tử đạo như Thomas More, Oscar Romero là gương sáng để ta bắt chước. Và, Frederic Ozanam cương quyết giúp đỡ người khó nghèo bằng cung cách thực tiễn, như Mary MacKillop tìm ra con đường Chúa thực hiện và qua được mọi khó khăn mình đang gặp. Thánh Phaxicô Atxi cũng là nhân vật điển hình làm mẫu để ta sống…
Nói tóm lại, tâm điểm để sẽ sống cuộc sống tốt đẹp là biết được lúc nào mình hành xử không tốt và biết nói lời “xin lỗi” với những người mình từng xử tệ, rồi cố gắng chỉnh sửa để mọi việc trở nên tốt đẹp lành mạnh. Tắt một lời, nếu người người muốn sống cuộc sống tốt lành như các thần tượng mà mình chiêm ngưỡng thán phục, thì lời lẽ hay nhất cần học hỏi là biết nói lời “xin lỗi” với mọi người. Mọi sự.” (x. Lm Andrew Hamilton, The Importance of being Good, Australiancatholics.com.au Summer 2012              

            Nói cho cùng, cũng nên xem người ngoài Đạo nói và hiểu thiên đường/hoả ngục theo nghĩa nào, để rồi mình cùng quan hệ và nói năng với bạn bè ngoài luồng, cũng rất nên. Nói theo kiểu người thường ngoài luồng, ngoài Đạo về Thiên đường/hoả ngục là nói bằng truyện kể không dông dài, lễ mễ hoặc dễ nể, mà chỉ đơn thuần mỗi bây nhiêu:

“Có tướng quân nọ tìm đến thiền sư Ekaku để hỏi một đôi câu, như sau:
-Bạch thày. Thiên đường và hoả ngục có thật hay không?
-Thế ngài là ai?
Tôi là tướng quân.
Nghe thế, bất ngờ vị thiền sự bật cười lớn tiếng rồi nói:
-A ha! Thằng ngốc nào cho ông làm tướng vậy? Trông ông chỉ giống anh hàng thịt!
Tướng quân nổi giận bèn rút gươm khỏi vỏ và nói:
-Tao quyết băm xác mày ra ngay bây giờ!!!
Thiền sư Ekaku vẫn điềm tĩnh nói tiếp:
-Thế là ngươi đang mở cửa hoả ngục đấy!       
Chợt giác ngộ, vị tướng quân bèn sụp xuống lạy lục:
-Xin thày bỏ lỗi cho cử chỉ thô bạo vừa rồi của tôi.
-Đây mới là thiên đường ông đang mở cửa…
Nói rồi, thiền sư Ekaku tủm tỉm cười rồi ngồi thiền.

            Truyện kể về thiên đường/hoả ngục, chỉ có thế. Nhưng không chỉ thế mà thôi, vì người kể lại muốn thêm một lời bàn, mà bảo rằng: Thiên đường/hoả ngục không là chỗ con người đạt đến sau khi chết; nhưng nó vẫn ở đây, bây giờ. Mọi chuyện lành hay dữ đều do tư tưởng mà ra. Thiên đường hoặc hoả ngục vẫn mở ra bất cứ vào thời khắc nào mà người người đối xử với nhau, trong quan hệ.
            Có kể nhiều truyện và bàn luận nhiều về truyện kể cũng chỉ để nói lên một tâm tình khác, vẫn được tác h nhân Phaolô từng minh xác ở thư từ gửi giáo đoàn Côloxê, rất rõ ràng như sau:

            “Trước kia, anh em là những kẻ chết vì anh em đã sa ngã,
và vì thân xác anh em không được cắt bì,
nay Thiên Chúa đã cho anh em được cùng sống với Đức Ki-tô:
Thiên Chúa đã ban ơn tha thứ mọi sa ngã lỗi lầm của chúng ta.
Người đã xoá sổ nợ bất lợi cho chúng ta,
sổ nợ mà các giới luật đã đưa ra chống lại chúng ta.
Người đã huỷ bỏ nó đi, bằng cách đóng đinh nó vào thập giá.”
(Cô 2: 13-14)

            Nắm bắt điều ấy rồi, nay đề nghị bạn và tôi, ta cứ vô tư/thoải mái, mà ca hát. Hát rằng:

“Không gian tràn dâng niềm thương,
            rồi tiếng hát xui cuộc tình duyên.
            Bao nhiêu nàng tiên nỉ non,
            Làm huyên nào thiên đường lạnh lẽo…”
            (Phạm Duy – bđd)

            Hát, thì hát thế. Chứ, thiên đường nay hết lạnh, và hoả ngục nay đâu còn nóng, khi mọi sự cũng đã xong. Xong, một nhận định. Rồi, một quyết tâm. Quyết và định rồi ra mai ngày ta sẽ sống trong tinh thần thiên đường của Nước Trời đầm ấm. Thân thương. Hạnh phúc. Rất bây giờ.
           
            Trần Ngọc Mười Hai
            vẫn quan niệm thiên đường
            theo nghĩa yêu thương,
bình thường.
            lại rất đúng.

No comments: